headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 22/12/2024 - Ngày 22 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Con người cần gì

humanneedThích Tâm Hạnh

I. DẪN NHẬP.

Hiện nay, xã hội ngày càng phát triển, có nhiều thứ đến độ dư thừa. Nhưng vẫn chưa đủ cho con người sống đời hoàn hảo, tốt đẹp; vẫn còn đó nhiều vấn nạn và bất cập. Vậy, thực chất con người cần gì?

 

II. BIỂU ĐỒ CUỘC SỐNG CON NGƯỜI.
connguoi01
Trong cuộc sống, đôi lúc thấy yên bình; trạng thái này có thể biểu thị bằng một đường thẳng. Có khi được may mắn, vui tươi; biểu đồ lúc này như một nhánh parapol hướng lên. Và rồi cũng có đôi khi bị thất bại, buồn chán; chúng ta vẽ nên một nhánh parapol ngược lại, hướng xuống. Cuộc đời của mỗi con người luôn nổi trôi, bấp bênh với những đường vẽ như biểu đồ ấy hoặc phức tạp hơn. Biết lo cho mình, con người sẽ điều chỉnh làm sao cho biểu đồ cuộc sống ấy chỉ có đường thẳng của yên bình hoặc nhánh parapol hướng lên. Đồng thời, nếu nhỡ rơi vào khúc quanh như nhánh parapol hướng xuống thì phải đối diện với nó như thế nào. Sự cần thiết cho cuộc sống này là mỗi người phải biết cách để điều chỉnh biểu đồ cuộc sống của mình và hỗ trợ cho người khác một cách tốt nhất.

III. ĐIỀU CẦN THIẾT CHO CUỘC SỐNG CON NGƯỜI.
connguoi02
Xét ra, con người có rất nhiều điều cần thiết trong cuộc sống. Nhưng chung quy lại không ra ngoài ba phần chính, là mức sống, chất lượng sống và sống có chất.

1.MỨC SỐNG: Là đời sống vật chất.

Không có một thứ gì ngẫu nhiên từ trên trời rơi xuống, tất cả đều từ trí tuệ con người làm nên. Bất kỳ một sự thể gì muốn thành tựu đều nhờ vào nhiều yếu tố, nhưng chung quy lại không ra ngoài hai nhóm chính, đó là chủ quan và khách quan. Vật chất cần thiết cho con người cũng tương tự.

a/ Yếu tố chủ quan:

Muốn làm nên mọi thứ trong đời, đều bắt đầu bằng trí tuệ, kỹ năng và sự nỗ lực của bản thân. Tuy nhiên, có khi đã cố gắng hết sức, mọi chuyện tưởng chừng trong tầm tay, nhưng rồi bị vuột đi bởi một lý do mà nhiều người vẫn thường nhắc đến, đó là thiếu may mắn.

b/ Yếu tố khách quan: May mắn.

May mắn là cách nói chung chung thông thường của thế gian. Với người thấy rõ hơn, đặc biệt là trong nhà Phật thì may mắn chính là do phước đức mà có.

Song song với trí tuệ, kỹ năng và sự nỗ lực của bản thân, muốn thành tựu mọi điều trong cuộc sống còn cần đến may mắn (phước đức) và không bị tai họa. Mà muốn có may mắn (phước đức) thì cần sống tốt và làm những điều tốt đẹp có ích cho cuộc sống. Muốn không bị xui rủi, tai họa thì không làm những điều xấu ác. Nhưng để làm được nhiều điều tốt đẹp có ích cho cuộc sống, không làm những điều xấu ác thì tâm mình phải rộng lớn (quảng đại), tha thứ và bao dung. Một khi lòng mình đạt được như thế thì tự nhiên muốn làm những điều thiện, không thể nghĩ ác cho người khác. Phước đức từ đây mà được lớn rộng, là nhiều may mắn; những điều xấu ác tự dứt trừ, là giảm thiểu hoặc không bị xui rủi. Mọi sự may mắn, phước đức đều bắt nguồn từ một tâm thái rộng lớn thênh thang này.

c/ Tóm kết.

Trí tuệ, kỹ năng, sự nỗ lực cộng với phước đức (may mắn) có tính chất quyết định đến đời sống vật chất con người cao hay thấp. Biết vậy rồi, khi nhìn lên thấy người khác có đời sống khá giả hơn mình, chúng ta không tự ty, chán nản. Nếu nhìn xuống thấy mình hơn người khác, cũng không lấy làm hãnh diện, tự cao. Biết rằng, muốn cuộc sống mình tốt hơn, cần phải sống và làm việc đúng nguyên lý: trau dồi trí tuệ, kỹ năng; cố gắng nỗi lực nhiều hơn; để tâm rộng lớn và làm những điều tốt trong thanh tịnh, hoan hỷ.

2.CHẤT LƯỢNG SỐNG: Gồm có mức sống (đời sống vật chất) và tinh thần.

Song song với vật chất, con người còn có đời sống tinh thần. Hai điều này có sự tác động tương quan mật thiết lẫn nhau.
connguoi03
a/ Nặng vật chất mà ít quan tâm đến đời sống tinh thần.

Nếu đời sống nặng về vật chất, chỉ biết lo tiền tài, danh vọng, ăn ngủ, thụ hưởng cho bản thân mà ít quan tâm đến đời sống tinh thần thì mọi người thường cho đây chỉ là cục thịt sống. Một khi đã quan niệm và sống như thế thì sẽ dễ quên nhân phẩm đạo đức, từ đó sống và làm việc dễ dẫn đến sai lầm và tạo các điều không tốt cho bản thân và người khác.

Khi vật chất phát triển mà đạo đức và đời sống tinh thần không theo kịp thì dễ bị tai họa, để lại nhiều vấn nạn xã hội. Hiện nay, đời sống được nhiều tiện ích hỗ trợ thì lẽ ra con người sẽ được thảnh thơi, thoải mái. Nhưng ngược lại, khi xã hội càng phát triển, đời sống càng được công nghệ hỗ trợ nhiều tiện ích thì con người lại càng bận rộn, căng thẳng, có khi còn bị nhiều căn bệnh của thời đại. Thử hỏi sự phát triển và tiện ích ấy đang phục vụ cho ai, về điều gì, mặt nào?

b/ Đời sống tinh thần: Nhớ vui.

Trong cuộc sống chúng ta thường hay bị căng thẳng là do quên vui. Gặp một việc trái ý, liền bực mình; có những điều chưa cần nói, nhưng vẫn ào ào dành nói để phải đưa đến xung đột; có những việc chưa sai, nhưng chỉ chưa hợp với ý mình cũng sân si, nổi nóng... Tất cả những đối diện trong cuộc sống chúng ta luôn cài đặt (setup) mặc định (Default) cho mình một lập trình là căng thẳng, quên vui, từ đó khi nào cũng cảm thấy đang căng trong đầu, không có được một đời sống tinh thần tốt. Muốn tốt, chỉ cần Fomat và cài đặt (setup) lại một việc (phầm mềm: software) duy nhất là “nhớ vui”.
connguoi04
c/ Cân bằng giữa đời sống vật chất và tinh thần.

Nếu một đời sống nặng về vật chất, không có lý tưởng thì sẽ vô cảm, không khác nào cục thịt biết sống. Ngược lại, nếu chỉ một bề thiên hướng về tinh thần thì dễ rơi vào ảo tưởng, thiếu thực tiễn, viễn vông. Khéo cân bằng giữa đời sống tinh thần và vật chất, con người sẽ có sự thấy biết đúng đắn, có một cuộc sống hoàn hảo, trọn vẹn.

d/ Vật chất có giá trị tác động đến đời sống tinh thần.

Khi nghe tin bão lũ sắp đến, nếu có ngôi nhà kiên cố sẽ giúp con người tự tin hơn. Khi nghe tin tiền điện, tiền gas... chuẩn bị tăng, với người có tài sản tiền bạc dồi dào sẽ bớt lo lắng. Nghèo thiếu thường khiến cho mọi người cảm thấy đau khổ. Khi gặp nghịch cảnh, con người thường quen thấy khổ đau mà quên nhìn theo mặt tích cực.

- Giá trị vật chất tác động đến tinh thần theo chiều hướng tiêu cực:

Khi gặp thuận cảnh, may mắn thì cảm thấy thích thú, có khi tự cao. Đến khi gặp nghịch cảnh thì cảm thấy ê chề, chán nản, đôi khi không còn muốn sống.

- Giá trị vật chất tác động đến tinh thần theo chiều hướng tích cực:

Khi gặp thuận cảnh, may mắn thì cẩn thận, không để rơi vào con đường hư đốn, sa đọa, mất đạo đức. Nếu phải đối diện với nghịch cảnh thì thấy đây là cơ hội tốt để cố gắng rèn luyện, thăng tiến. Có nhiều điều tốt, nhiều giá trị chỉ có khi trải qua thử thách của nghịch cảnh chứ không có trong những thành công, êm ái.

e/ Vật chất không có giá trị tác động đến đời sống tinh thần.

e1/ Không để vật chất tác động đến đời sống tinh thần.

Vật chất sẽ là đích đến của những người thiếu thông minh, và nó chỉ là phương tiện của những ai có trí tuệ. Ăn để sống chứ không phải sống để ăn. Vật chất chỉ có giá trị duy trì sự sống, và sống như thế nào mới là điều cần thiết chứ không chỉ sống vì vật chất, bị vật chất chi phối. Để cuộc sống có ý nghĩa, có giá trị, con người cần sống hướng thượng, có lý tưởng. Muốn vậy, không nên để vật chất tác động đến đời sống tinh thần.

e2/ Vật chất không còn đủ giá trị để chi phối đời sống tinh thần.

Một khi đã ăn no món ngon, sẽ không còn thèm đến những thứ tầm thường khác. Một khi có lý tưởng sống đủ cao, có đời sống tinh thần viên mãn, con người không còn bị vật chất chi phối. Thực tế là khi ở vào trạng thái an lặng tuyệt đối để sống thì vật chất không còn đủ giá trị để chi phối nữa. Đổi lại, con người sẽ sống và làm việc rất tích cực, với một tinh thần hy sinh, cho ra, vì người, vì cuộc đời thực sự. Chúng ta có được một cuộc sống viên mãn.

3.SỐNG CÓ CHẤT: Hệ giá trị cuộc sống.
connguoi05
a/ Sống tốt, có đạo đức, lương tâm:

Sẽ có nhiều định nghĩa hay và đẹp về đạo đức lương tâm. Nhưng đời sống lương tâm đạo đức có khi không nằm trên những chữ nghĩa ấy. Chỉ cần đặt mình vào tâm trạng của người khác để hiểu và cảm thông, lương tâm đạo đức nơi mỗi người tự trỗi dậy. Một bác sĩ biết đặt mình vào tâm trạng của bệnh nhân, sẽ biết rằng ai bệnh cũng đau đớn, lo âu. Nếu mình bị bệnh cũng như vậy. Từ đó, ngoài công việc chuyên môn, bác sĩ này còn có tâm cảm thông, chia sẻ, an ủi bệnh nhân, tận tụy trong công việc. Nhờ vậy, người bệnh cảm thấy được an tâm, bớt đau đớn... Bác sĩ này đã có một đời sống đầy lương tâm và đạo đức, xứng với câu “lương y như từ mẫu” (Thầy thuốc như mẹ hiền).

b/ Sống tích cực, có ý nghĩa: Là biến suy nghĩ tốt thành hành động.

Đây là một cuộc sống cao thượng, không còn giới hạn trong phạm trù của vật chất; mà vật chất, tinh thần và trí tuệ đều có mặt, xuất hiện đầy đủ trong cách nghĩ, hành động và việc làm. Một bác sĩ đi làm cả ngày về khá mệt mỏi, nhưng nghe người nhà bên cạnh đột nhiên bị bạo bệnh cấp cứu. Nếu chỉ sống tốt và hướng đến thành đạt thôi thì vị bác sĩ này bảo mọi người đi bệnh viện là xong. Nhưng là một bác sĩ sống tích cực có ý nghĩa thì sẽ nghĩ rằng, mình mệt nhưng chưa phải là sắp chết như người cạnh nhà; liền đích thân sang thăm khám, sơ cứu và sắp xếp việc đi viện một cách chu đáo; thường xuyên liên lạc hỏi thăm kết quả điều trị... Nếu có một bác sĩ giỏi và nhiệt tâm như thế, ai cũng cảm kích, mến phục. Với nhiều việc làm tích cực tương tự, khi già yếu nhớ lại, chúng ta sẽ cảm thấy cuộc đời mình sống qua thật là ý vị. Đó là một cuộc sống tích cực, có ý nghĩa.

c/ Tóm lại:

Trong cuộc sống, không những chỉ sống thành đạt mà chúng ta phải biết sống tốt, có đạo đức, lương tâm. Không những sống tốt, có đạo đức, lương tâm mà còn phải sống tích cực, có ý nghĩa... Phấn đấu tăng dần trong nếp nghĩ và cách làm như vậy, phước đức, trí tuệ cũng theo đó được tăng trưởng thì cuộc sống của chúng ta nhất định mỗi ngày một thăng tiến.

IV.THỰC TẬP THIỀN.

Nếu khéo thực tập thiền đúng phương pháp, thân tâm của con người sẽ được chuyển hóa theo chiều hướng tích cực. Thân được khỏe và an, tâm được định, trí tuệ sáng suốt, tinh thần hoan hỷ tươi vui, tràn đầy nhựa sống. Đây là nguồn cơn của hạnh phúc, là cội gốc để khai thông cuộc sống, không còn bị bế tắc.

Khi thân an, tâm lạc, lòng hoan hỷ vô biên, lòng người tự trở nên rộng lớn, con người thường trở nên vĩ đại, sống tích cực, sống vì người khác nhiều hơn cho bản thân mình. Cội nguồn phước đức từ đây mà được tăng trưởng (lớn thêm lên).

Tâm đã lặng, trí đã sáng, đây là cội nguồn của trí tuệ; là điều kiện tốt để trí tuệ phát huy đúng mức của nó. Cũng từ đây, khi đối diện mọi tình huống, liền đó có trí tuệ sáng suốt, nhận ra và giải quyết mọi vấn đề một cách hoàn hảo, kịp thời, đó là thời trí, là nguồn cơn của mọi kỹ năng. Bằng cách này, con người sẽ phát huy được trí tuệ và kỹ năng đến mức trọn vẹn, kịp thời và có đủ năng lực để nỗ lực trên mọi phương diện đến mức cao nhất. Mới thấy, tất cả những gì cần thiết cho con người đều do thực tập thiền, đều từ một tâm thiền mà có ra.

Biết thực tập thiền, khéo ứng dụng tâm thiền để sống và sinh hoạt, con người sẽ có đầy đủ những yếu tố để thành tựu, đó là biết điều chỉnh biểu đồ cuộc sống của mình theo chiều hướng yên bình và ngày càng thăng tiến, đi lên. Nếu nhỡ có lúc gặp phải chuyện không may của biểu đồ đi xuống, nhờ vào định lực, tuệ lực, vô biên lực của tâm thiền giúp cho chúng ta cảm thấy bình thản, bình thường, không có gì chi phối được. Nhờ thực tập thiền, chúng ta điều chỉnh được biểu đồ cuộc đời một cách hoàn hảo nhất.

V.KẾT LUẬN.
connguoi06
Khi thân đã an, tâm đã lạc, niềm hoan hỷ vô biên, lòng người theo đó cũng lớn rộng thênh thang không tính kể. Đây là nguồn cơn của phước đức, may mắn.

Tâm đã an định, trí tuệ được phát huy đúng mức, sáng ra, kỹ năng cũng theo đó được phát huy kịp thời, đầy đủ. Năng lượng sống dồi dào, sự nỗ lực theo đó cũng đạt đến độ tột cùng.

Phước đức đã rộng lớn, may mắn nhiều. Trí tuệ sáng suốt, kỹ năng phong phú, chuyên nghiệp, kịp thời, cộng với sự nỗ lực không biết mệt mỏi của bản thân mà không đưa đến thành đạt, chưa thấy điều ấy bao giờ!

[ Quay lại ]