headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 22/11/2024 - Ngày 22 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

PHỤNG DƯỠNG ĐÚNG PHÁP MỚI ĐƯỢC PHƯỚC LỚN

phungduongQuảng Tánh

Hiếu dưỡng với cha mẹ, cúng dường các bậc đáng kính là một trong những pháp lành cao quý, phước báo vô lượng. Nhất là cha mẹ, hai đấng sinh thành đã dày công giáo dưỡng chúng ta nên người thì ơn sâu nghĩa nặng khó đáp đền. Vấn đề đặt ra là nguồn gốc của tài vật mà chúng ta đem phụng dưỡng, cúng dường cha mẹ có đúng như pháp hay không ?

Thực tế cho thấy có không ít người, phận sự hiếu dưỡng với cha mẹ thì đủ đầy nhưng lại thiếu quan tâm đến (hoặc cố tình lờ đi) xuất xứ của tài vật. Lắm khi, tài vật ấy là kết quả sự làm ăn thiếu chân chính, do lừa lọc tham ô mà có, lợi mình mà hại người. Thành ra, trong trường hợp này hiếu dưỡng thì nhiều nhưng phước đức lại chẳng bao nhiêu. Đó là chưa muốn nói không chừng chúng ta vô tình làm tổn phước, tạo ra một cộng nghiệp tội lỗi.

“Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, cây Kỳ-đà thuộc nước Xá-vệ. Bấy giờ có Bà-la-môn trẻ tuổi tên là Uất-đa-la đến chỗ Đức Phật. Sau khi chào hỏi xong, lui qua ngồi một bên, bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn, con thường đi khất thực như pháp, đem cúng dường cho cha mẹ, khiến cho ông bà được an vui, xa lìa khổ. Bạch Thế Tôn, việc làm của con như vậy có nhiều phước không?”.

Phật bảo Uất-đa-la:

“Thật có nhiều phước. Vì sao? Vì nếu có người nào khất cầu đúng pháp, để cúng dường cha mẹ, làm cho an vui, trừ khổ não, thì thật là người có phước lớn”.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền nói bài kệ rằng:

Như ngươi đối cha mẹ
Cung kính và cúng dường
Đời này lưu tiếng thơm
Khi chết được lên trời.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 88)

Theo quan điểm của Thế Tôn, tâm hạnh hiếu thảo là quý hóa nhưng khi thể hiện thì tài vật đem phụng dưỡng phải đúng pháp; đúng pháp mới có nhiều phước. Đúng pháp ở đây là tài vật được tạo ra trong tinh thần chánh mạng và chánh nghiệp, là thành quả của quá trình lao động chân chính. Nói cách khác, tài vật mà chúng ta đem phụng dưỡng cha mẹ hay cúng dường Tam bảo phải ‘sạch’ thì mới được nhiều phước.

Bà-la-môn Uất-đa-la trong pháp thoại là kẻ ăn xin, đi khất thực đúng pháp về phụng dưỡng cha mẹ, vậy mà được Thế Tôn tán thán ‘Thật có nhiều phước’, ‘Người có phước lớn’, ‘Đời này lưu tiếng thơm/Khi chết được lên trời’. Nên mỗi người, tùy theo hoàn cảnh hiện tại của mình mà chu toàn phận sự hiếu dưỡng. Không nhất thiết phải so đo nhìn ra bên ngoài, xem người khác phụng dưỡng cha mẹ với tài vật tốt xấu nhiều ít ra sao. Chỉ cần có tâm phụng dưỡng cha mẹ, và tài vật đem phụng dưỡng chính là tịnh tài, tịnh vật thì được phước vô lượng.

Ngược lại, những ai phụng dưỡng cha mẹ với tài vật không trong sạch (bất tịnh), xuất phát từ sự làm ăn bất chính thì cần suy ngẫm lại. Không có gì đáng để tự hào hay vênh váo với đời cả, vì hiếu dưỡng trong trường hợp này chỉ đạt hình thức mà thôi. Đem tài vật phi pháp mà phụng dưỡng thì không những không tạo ra phước báo mà lại còn gây thêm nghiệp xấu, chịu quả ác đời này đời sau. Mới hay, từ việc nhỏ đến việc lớn mà đúng pháp mới quan trọng, mới tạo ra phước đức.

[ Quay lại ]