Lắng xuống - Tỉnh lại
- Chi tiết
- Được đăng ngày Chủ Nhật, 21 Tháng sáu 2020 01:19
Thích Tâm Hạnh
..“Gặp chuyện, đừng nóng vội nói hoặc hành xử trong thiếu kiểm soát. Nên lắng xuống, tỉnh lại để câu chuyện sau đó có ý nghĩa và giá trị, để mọi chuyện không đi quá xa một cách đáng tiếc”. Đang khi chưa có chuyện gì xảy ra, đang bình thường, ai cũng biết. Nhưng khi gặp chuyện thì khác, không làm được như thế. Vì sao? Bằng cách nào để chúng ta luôn sống được như ý muốn trên?
Cô sinh viên trong một gia đình khá giả. Được gia đình chìu chuộng, bạn bè thương mến, cuộc sống luôn gặp thuận duyên, học hành tới nơi tới chốn. Tốt nghiệp đại học ra trường và được một công ty nước ngoài mời sang làm việc. Nơi vùng đất mới cuộc sống công việc cũng rất thuận lợi, được bà chủ yêu mến quan tâm xem như con mình. Cho đến khi cô này có ý định trở lại quê nhà thì thái độ bà chủ thay đổi sang một bộ mặt hoàn toàn khác. Khó khăn, thô lỗ như là ác độc hơn, dễ quắc mắt quát mắng, làm khó đủ điều. Cô bé này bị sốc không chịu nổi. Cô ta cứ bức xúc, tại sao cuộc đời lại phũ phàng, bẽ bàng, lại có thể thay đổi nhanh đến như vậy.
Bởi từ nhỏ đến lớn cô này sống trong êm đềm và thích thú bằng lòng trong cảnh ấy, vì thế cuộc sống buông thả tự nhiên. Khi thích theo thuận duyên là đã cho phép tâm mình lao ra theo cảnh thuận để vui theo nó, là đã không hề biết tỉnh giác để làm chủ chính mình. Khi đánh mất chính mình và vui được với cảnh thuận thì tâm chúng ta yếu dần. Ngày xưa khi gặp chuyện vui liền vui được, thì bây giờ gặp chuyện buồn cũng sẽ theo quán tính ấy mà buồn thôi. Không biết tỉnh lặng, không có nội lực để làm chủ, và kết quả là phải chấp nhận khổ đau. Cô ấy đã sốc, buồn bã, chán nản với cuộc sống. Là một câu chuyện có thật của thời nay, nhưng có lẽ không phải chỉ riêng của một cô ấy.
Nếu hằng ngày chúng ta sống luôn tỉnh lặng mà chan hòa trên tất cả. Bạn bè vui mình vẫn vui, nhưng vẫn tỉnh sáng. Bạn bè nói mình cũng nói, nhưng không hấp tấp, vội vã hoặc quá quan trọng vấn đề. Không biện minh, không tranh cãi, chỉ là bình thường. Nếu gặp việc quan trọng cần trao đổi thì phải đúng lúc, đúng nơi chốn và trao đổi một cách nghiêm túc, chứ không phải là những lúc đang đi cùng nhóm bạn. Cũng là câu nói với ý nghĩa đó, nhưng nói ra khi đang rộn ràng, chưa tỉnh lặng, chưa sẵn sàng thì chỉ gây tranh cãi như là tranh dành hơn thua, mất hết giá trị của nó. Nhưng nếu tâm ta bình lặng, nói đúng thời điểm chỗ nơi, giá trị và tác dụng sẽ khác.
Lăng xăng lộn xộn, vội vội vàng vàng thì loạn động, dẫn đến sai lầm, mất năng lượng, khó cân chỉnh được cuộc sống. Lặng mà không sáng thì bị u uất, trầm trệ, dễ rơi vào cực đoan. Quay lưng xa lánh cuộc đời thì đã yếu đuối, sợ sệt, sẽ khiến tư tưởng không lớn rộng và mạnh mẽ, dễ bị tự ty, bi quan hoặc nặng hơn là trầm cảm. Lặng sáng mà nhìn đời, tùy duyên chan hòa được tất cả thì sẽ có nội lực của an định và trí tuệ sáng soi. Nhờ năng lực này giúp cho chúng ta cân bằng được cuộc sống. Vì thế hằng ngày, trong mọi tình huống ăn, uống, sinh hoạt luôn luôn lặng tâm, tỉnh sáng mà chan hòa vui vẻ tích cực như thế, lâu ngày thành thói quen và nội lực sẽ lớn mạnh. Gặp cảnh vui cũng không vui quá, đổi lại là tỉnh lặng thì khi gặp chuyện không vui, chúng ta cũng chỉ tỉnh lặng, bình thường thế thôi. Vì đã thành thói quen và có nội lực khiến chúng ta làm được điều đó. Khi bà chủ đối xử tốt, chúng ta cũng tỉnh lặng, hoan hỷ, cám ơn, thế thôi, không hớn hở mừng rỡ thái quá. Được vậy thì khi bà chủ đối xử tệ bạc như trong câu chuyện cô gái trên, chúng ta cũng chỉ bình thường. Bởi trước đó bà tốt bụng, là thuận duyên, chúng ta chỉ ghi nhận, cám ơn mà không mất mình, dính theo thuận cảnh ấy thì khi gặp cảnh nghịch, chúng ta cũng làm một việc như trước đó đã làm; là không dính theo để sự việc người khác chi phối mình; chỉ ghi nhận, cám ơn và không mất mình. Khi bình tâm tỉnh trí sẽ biến tất cả mọi chuyện trở nên đơn giản, giải quyết được nhẹ nhàng. Làm được như vậy là nhờ vào sự tập luyện hằng ngày (tu tập), chứ không ai là thánh tự nhiên thành cả.
Không phải chờ đến khi gặp chuyện mới tỉnh, như thế sẽ khó thành công. Mà phải hằng ngày, trên mọi sinh hoạt, đang vui, đang bình thường, chúng ta cũng tập thành thói quen của sự tỉnh táo. Lặng tâm, bình tĩnh cả khi nói năng, hành xử hoặc đang rảnh rang, nghỉ ngơi, không làm gì. Nhiều ngày như thế, gieo hành vi để thành thói quen. Khi đã quen thì sẽ trở nên thuần thục, sẽ có năng lực định tĩnh rất mạnh. Sự lắng tâm, tỉnh tại vốn sẵn nơi mình như là lúc nào cũng đang sẵn sàng. Nhờ vậy, khi gặp chuyện, năng lực này tự khiến mình không nôn nóng mà luôn bình tỉnh, vững chãi, tự tin, sáng suốt và tự biết cách để hóa giải, giải quyết mọi việc đến mức hoàn hảo nhất có thể.