headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 27/06/2024 - Ngày 22 Tháng 5 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Bài viết của-Sa-di Thích Đạt Ma Hiếu Thuận

sadiĐối với người bước chân vào đạo, các kinh, luật rất quan trọng với những người đó; vì đó là nền tảng quan trọng cho đời tu của chính họ. Trong đó, kinh Phước Điền răn dạy các vị Sa-di mới vào chùa các kiến thức cơ bản và đặc biệt là phải có đủ năm đức:

1. Phát tâm xuất gia, vì đeo thân mạng

2. Bỏ hình tốt của mình, vì hợp với pháp phục

3. Dứt ái từ thân, vì không đoái hoài

4. Gạt bỏ thân mạng, vì tôn trọng pháp

5. Chí cầu Đại thừa, vị độ chúng sanh

Năm đức này được kinh Phước Điền dạy, răn nhắc mỗi vị Sa-di và cũng có trong Tỳ-ni Nhật Dụng Thiết Yếu của ngài Độc Thể. Câu đầu tiên răn nhắc lý do phát tâm xuất gia của mình.

Phát tâm hay phát Bồ-đề tâm để xuất gia và việc xuất gia là việc lớn vì để thoát khỏi thế tục thường tình, phiền não và cả tam thiên đại thiên thế giới. Ta xuất gia vì mang mạng đạo, mạch mạng Phật pháp rằng đó là lý tánh tuyệt đối, chân lý nên bản thân mỗi người khi xuất gia phải kiên quyết, dứt khoát bởi đây là con đường giải thoát khỏi vô minh tăm tối và sẵn sàng cắt đứt dây mơ rễ má đang ràng buộc chính mình. Ngoài phát tâm dũng mãnh ra, ta còn phải sống theo nếp của nhà Phật mà đầu tiên là bỏ đi hình dáng đẹp đẽ, hoa mỹ bên ngoài.

“Bỏ đi hình tốt của mình, vì hợp với pháp phục” Đây là câu nói hoàn toàn hợp lý, vì mình bỏ cha bỏ mẹ vô đây để thoát khỏi hoa mỹ của thế gian thì nay sao lại để tâm, dính mắc đến mấy thứ này. Bản chất con người là dơ dáy, hôi tanh nên chỉ dùng phương tiện để vệ sinh tắm rửa cho bớt dơ chứ đâu phải là để trang sức cho đẹp thân. Mỗi người khi chọn con đường này rồi thì phải nhận rõ là ta đang nợ đàn-na tín thí, nợ ơn thầy tổ nên phải biết đủ, chọn cuộc sống đạm bạc vì nó phù hợp với một bậc thầy của trời người, dám bỏ cái xanh đỏ của thế gian để đi trên con đường giải thoát, con đường thoát ly khỏi sanh tử luân hồi và hướng dẫn, độ những chúng sanh còn trong vô minh tăm tối. Không những vật chất mà cả những thứ tình cảm riêng tư cũng phải dứt khoát, kiên quyết.

“Dứt ái từ thân, vì không đoái hoài” Dứt ái từ thân tức là cắt ngang, dứt trừ những ái luyến, tham ái và dám ra đi, từ bỏ người thân của mình. Ở đây không phải nói ta coi người thân như “người dưng nước lã” mà phải nhận định rõ họ là vị thiện tri thức, “đại thí chủ” giúp đỡ cuộc đời mình.

Mỗi người xuất gia là đã bỏ đi dòng họ, gia đình, người thân rồi vô đây kết nghĩa anh em, bạn dì thì có phải xấu hổ không chứ! Bởi vậy, người xuất gia phải dứt khoát, quyết tâm trên một con đường trở thành một tu sĩ, một người xuất cách trong biển khổ này mà không luyến tiếc, qua đó thể hiện sự mạnh mẽ, dũng mãnh ở trong mỗi người. Thậm chí, những con người đó vì đạo pháp mà họ có thể sẵn sàng bỏ đi thân mạng này.

“Gạt bỏ thân mạng, vì tôn trọng pháp” là một đức tánh thiêng liêng, rất đáng tôn trọng. Người xuất gia khi được sống, được sinh hoạt trong nếp sống hằng ngày thì phải mang rất nhiều ân huệ, đặc biệt nhất là đối với thầy tổ, đạo pháp. Vì đó là ngọn đèn sáng chỉ đường cho ta luôn đi đúng hướng, đúng với bản nguyện của mình nên ta phải tôn trọng, quý kính đạo pháp.

Lịch sử có rất nhiều người dám hy sinh thân mạng của mình vì đạo pháp và những hành động của những vị ấy luôn là tấm gương để hàng hậu học chúng ta học tập, quyết tử vì lý tưởng chung. Một trong những tấm gương sáng ấy là cố Hòa thượng Thích Quảng Đức đã thiêu mình giữa thành phố Sài Gòn. Một hành động quả cảm, một tấm lòng vị tha, một tấm gương soi sáng cho các Tăng Ni sau này; nhưng chỉ vì bản thân thôi chưa đủ, chúng ta cũng còn vì chúng sanh mà phải cương quyết hơn.

“Chí cầu Đại thừa, vị độ chúng sanh”, “Trước phải tự lợi còn sau phải lợi tha” là châm ngôn, kim chỉ nam của một người Tăng sĩ. Bản thân mỗi một người phải có tấm lòng bao dung vì họ cũng như ta, cũng bị vô minh che lấp. Chúng ta có phúc duyên hơn là có thầy tổ, có đàn-na tín thí ủng hộ nên mới có cái nhìn chín chắn về những thứ đang trói buộc ta; còn họ cũng như ta ngày trước, cũng bị vô minh che lấp nên bổn phận, trách nhiệm của mỗi người chúng ta là phải hướng dẫn, giúp đỡ những người gặp hoàn cảnh khó khăn. Bởi vậy nên mỗi người phải cố gắng vì mình và vì người.

Qua những lời dạy trong kinh Phước Điền, chúng ta đã học hỏi và từng bước thấu hiểu được tâm nguyện của chính mình khi bước vào đạo. Không bước vào thì thôi còn khi quyết định thì phải đi đến nơi đến chốn, không được nghiêng ngả. Bản thân mỗi người phải tự khắc tự hứa rằng ta đang đi trên con đường giác ngộ và không cho phép bản thân xìu xìu ển ển mà phải cứng rắn, dẹp bỏ những thứ ràng buộc bản thân rằng đó là phiền não, vọng tưởng không thật nên phải sáng suốt, phải bỏ nó đi để bản thân lúc nào cũng an vui, tự tại. Đồng thời phải có nghĩa vụ, chỉ bày hướng đi cho những người còn bị những áng mây mù che khuất cái chân thật, cái sẵn có của họ; luôn sống với tinh thần “Thượng cầu Phật đạo, hạ độ quần mê”.

[ Quay lại ]