headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 29/03/2024 - Ngày 20 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Phương Tiện cho người tu thiền

 Phật pháp có vô lượng pháp môn. Hàng Phật tử chưa thông hiểu thì thấy có sự khác nhau giữa các pháp môn, vì vậy trong việc tu hành thường xảy ra vấn đề cục bộ. Phạm vi của bài giảng hôm nay là phá những lầm chấp ấy, để có thể áp dụng Phật pháp với tinh thần rộng rãi cởi mở.

Pháp môn của Phật không có cao thấp nhưng do nghiệp tập của chúng sanh mà thấy có cao thấp. Pháp Phật không dành riêng cho bất cứ ai, căn cơ nào tu cũng được. Mục đích mà người tu nhắm đến để tu hành, gọi là lý tột, thì không có sự sai khác. Nhưng trong phần áp dụng thấy có sự sai khác rõ ràng chính là do nghiệp tập của mỗi người. Trên thực tế, nhiều người lại cho rằng Phật pháp thực có cao thấp. Vậy chúng ta phải hiểu thế nào tu thế nào?

Trước tiên, đối với bất cứ việc tu hành và công đức nào, nếu ta làm trong tinh thần trao đổi hai chiều thì phải biết đây là sự hạn cuộc cục bộ. Phật tử phải phá bỏ những dấy khởi như vậy để hướng đến chỗ rốt ráo. Ta không tu để cầu gia đình bình yên, phước lộc đầy nhà hay tu để được quí trọng v.v... mà tu để thành Phật. Đó là mục đích duy nhất. Chỉ khi đạt được chỗ tột cùng này, ta mới thật sự bình an, còn các hiện cảnh, hiện tượng trước mắt không có thứ gì bảo đảm vững chắc. Đây là quan niệm tu hành chân chánh. Muốn đạt được chỗ cuối cùng này, ta phải thực hiện tuần tự một số giai đoạn. Những giai đoạn này chỉ là bước đầu của người học Phật. Còn chỗ cuối cùng chính là tâm hoàn toàn bình an thanh tịnh của mình. Đó là Niết bàn. Niết bàn không có cảnh giới chỉ là tâm mà thôi. Thông thường, khi có người phát tâm tu thì các vị thầy luôn luôn nhắc nhở là đừng mang tính chất cục bộ, hạn chế việc tu hành của mình. 

Như một số Phật tử tu theo tông Tịnh độ thì quan niệm rằng, phải tu tịnh mới bảo đảm gần Phật, được Phật rước. Quan niệm này không sai. Tuy nhiên điều kiện để được Phật rước thì ai cũng biết, phải niệm Phật đến nhất tâm bất loạn. Còn niệm kiểu ù ơ ví dầu, thì không chắc Phật rước. Có rước sang chắc gì mình đã chịu ở. Chỉ mới vào chùa, vào thiền viện một thời gian, có người còn chưa chịu nổi huống là cõi Phật thanh tịnh giải thoát. Ở vài tuần đã than buồn quá, đòi về... Tâm còn ngược xuôi, chạy theo thứ này thứ kia thì khó hòa nhập được với sự yên ắng vắng vẻ, huống là sự thanh tịnh hoàn toàn.         

Còn Phật tử tu thiền thì hay mắc bệnh nói tận trời xanh, toàn là kiến tánh rồi đốn ngộv.v... nhưng đụng đến thì sanh sự, rầy rà ... đủ thứ chuyện.

Vấn đề quan trọng không phải là tu thiền tốt hay tu tịnh độ đúng mà quan trọng là tu như thế nào để giải quyết sanh tử. Đừng nên  vướng vào những thứ cục bộ trên. Đả thông rồi thì pháp hội nào ta cũng tới được. Phật pháp nơi nào ta cũng nghe được. Nghe để có thêm kinh nghiệm, thêm sự hiểu biết mà hoàn bị cho việc tu học của mình.

Phải nói, tu hành với tính cách trao đổi hai chiều đã trở thành thông lệ. Như thắp nhang cúng Phật xong, liền “Lạy Phật cho con tháng này trúng số, cho con được bình yên”v.v... Ít khi nào việc dâng hương cúng Phật chỉ đơn thuần là do lòng quí kính và ngưỡng mộ. Dâng hương chỉ với lòng thành kính thôi đủ rồi, cần thêm gì nữa?. Muốn thêm gì nữa, cũng đòi hỏi ta phải đầu tư tâm huyết và công sức của mình, chứ không thể cầu nguyện suông. Như muốn lòng mình yên ổn thì không thể chỉ thắp hương nguyện với Phật rằng “Lạy Phật cho lòng con yên ổn” mà phải nổ lực trong công phu hằng ngày. Nổ lực thế nào? Tụng kinh thì phải tập trung vào lời kinh tiếng kệ đừng để tạp niệm xen vào. Niệm Phật thì chỉ niệm Phật và nhớ Phật thôi. Ngồi thiền thì phải được thiền định. Những gì dấy khởi làm mình bất an bất ổn thì phải buông. Như vậy mới đạt được ước nguyện, còn nếu chỉ ao ước suông mà không đầu tư công sức thì việc mơ ước trở thành hảo huyền. Người Phật tử chân chính không làm  như vậy.

Tu ít tu nhiều gì là tùy mỗi người. Biết cách tu thì dù tu ít chăng nữa, ta vẫn hưởng được sự bình an trong từng phút, từng giây công phu đó. Còn nguyện cầu nhiều mà không tu hay không biết cách tu, dù thắp bao nhiêu nhang, đốt thêm bao nhiêu vàng mả cũng chẳng ích gì. Chưa kể, nguyện cầu nhiều mà không được đáp ứng thì có khi còn tăng thêm sự bực bội và bất an.

Muốn phá trừ thói quen tu hành có tính cách hai chiều này thì ta phải học, hiểu, sống thực với bản hạnh của Phật và Bồ Tát. Đời sống của chúng ta đầy những dấy niệm lăng xăng, toan tính ngược xuôi, không giống với các ngài. Làm thế nào bỏ đi, những điên đảo loạn tưởng, những toan tính ngược xuôi tức là chúng ta sống thực được bản hạnh Bồ tát.

Việc tu hành không đòi hỏi ta phải đến chùa hoặc phải có thời gian cố định. Chỉ cần kiểm nghiệm tư tưởng và hành vi của mình trong mọi sinh hoạt, đó là tu. Những gì gần gũi với bản hạnh của Phật và Bồ tát thì chúng ta gìn giữ phát triển. Vọng tưởng dừng, việc làm của mình có kết quả. Tụng kinh, tạo công đức chỉ là những phương tiện giúp chúng ta sống gần với bản hạnh của chư Phật và Bồ Tát. Nó chưa thể đảm bảo cho việc thanh tịnh giải thoát. Nếu làm những việc đó mà được thanh tịnh giải thoát thì chúng tôi đã thành Phật hết rồi. Nhưng chúng tôi đâu đã thành Phật. Quí vị chọc giận thì có khi chúng tôi cũng nổi sân. Trong quan hệ tương giao lợi lộc nếu quí vị làm mích lòng quá thì chúng tôi cũng đâm đơn kiện. Những thứ như vậy nằm sâu bên trong không ai biết được. Vậy thì, làm sao những việc làm bên ngoài có thể giải quyết và mang lại sự thanh tịnh giải thoát cho chúng ta, nếu chúng ta không chịu buông bỏ và tu ngay những thứ bên trong này. Đây là chỗ đáng lưu ý.

Một thiền sư đã nói :

            Phong quyện tàn vân vũ trụ khoan

            Bích thiên như thủy nguyệt như hoàn

            Tổ sư tâm ấn phân minh tại

            Đối thử bằng quân tử tế khan

Dịch :

            Gió cuộn mây tàn vũ trụ thênh                       

            Trời xanh như nước một vầng trăng 

            Tâm ấn tổ sư rành rành đó

            Chỗ này ai nấy tự xem bằng

Tâm ấn của tổ sư chính là tâm chân thật. Ai cũng có, không hề dấu diếm và chính là Niết bàn thường tại. Chỉ cần gió cuộn mây tan, tức những lăng xăng điên đảo và loạn tưởng đã quét sạch thì bầu trời bao la thênh thang hiện bày.

Tu như vậy là tu thẳng tắt không qua một quá trình phương tiện nào. Nó đòi hỏi chúng ta phải có quyết tâm buông bỏ và loại trừ những tăm tối điên đảo của mình. Như muốn nhà sáng thì phải thắp đèn. Thắp như thế nào? Nghĩ bậy đừng nghĩ, nói bậy đừng nói, làm bậy đừng làm...  được vậy thì dần dần tâm ta sẽ sáng. Đây là một phương thức mà ai cũng có thể áp dụng.

Trời xanh như nước một vầng trăng, bầu trời không mây thì thênh thang xanh biếc. Giữa cái thênh thang xanh biếc ấy trăng sẽ hiện ra. Đó là tâm chân thật của ta hiện tiền. Ngoài ra “một vầng trăng” còn diễn tả hình ảnh của một việc làm duy nhất, không bị những lăng xăng điên đảo làm rối loạn. Việc gì chỉ tập trung một việc đó thôi. Làm vậy thì ta được bình an tức thì.

Tâm ấn tổ sư rành rành đó, một khi tâm đã rỗng rang bình an thì sự ấn chứng của chư vị tổ sư cũng sẵn sàng. Tức ta sống được với bản hạnh của Bồ tát. 

Tuy nhiên đó chỉ mới là một bước trong công phu tu hành, chưa phải rốt ráo. Ngài Tử Thuần nói:

            Đình đình nhựt ngọ du khuy bán.

            Tịch tịch tam canh thượng vị viên.

            Lục hộ bất tằng chi noãn ý.

            Vãng lai thường tại nguyệt minh tiền.

Dịch :

            Dừng dừng đúng ngọ chữa tròn khuyên

            Lặng lặng canh ba chẳng hiện tiền.

            Sáu cửa chưa từng hơi hướm ấy.

            Tuy nhiên trăng sáng vẫn không riêng.

Tuy dừng được tất cả những lăng xăng phiền não thì bầu trời thênh thang rộng mở, trăng sáng hiện tiền. Nhưng vầng trăng này chưa phải là vầng trăng tròn đầy. Trạng thái tâm lặng lẽ như sự tịch tịnh yên lắng vào lúc giữa đêm chưa phải là chỗ rốt ráo. Phiền não hết nhưng tâm vẫn còn bị chi phối bởi những quan điểm nhận thức, nên nói, dù đã tịch lặng nhưng chưa thật tròn đầy.

Thường trong đời sống, ta làm được việc gì thì hay bị mắc kẹt vào việc ấy. Những gì đã thành nếp mà có sự đổi khác thì sinh phiền não. Giả như mình đang tụng kinh mà ai làm gì ồn náo thì mình bực. Hoặc ngược lại mình không thích tụng kinh mà ai tụng kinh thì mình không ưa. Đó là do chúng ta chưa thoát khỏi những quan niệm, định kiến. Nó làm chướng ngại tâm chân thật hiển lộ tròn đầy. Nên nói, lặng lặng canh ba chẳng hiện tiền.

Tuy nhiên, dù cho chỗ tịch lặng ấy chưa được rốt ráo, sáu căn của mình còn dong ruổi ngược xuôi, ánh sáng của vầng trăng vẫn tỏa khắp.  Đây là chỗ ai cũng có thể nhận được nếu biết cách tu. Chỉ cần chúng ta chịu buông bỏ, đừng vướng mắc, làm chủ được mình.

Ngày tháng như thoi đưa, tuổi già chồng chất, mạng sống ngắn ngủi. Hiểu đạo mà không cố gắng tu hành thì thật đáng tiếc! Người xưa chí thiết tu hành mà còn than thân, trách phận, lý nào chúng ta lại để ngày tháng trôi suông. Thiền sư Duy Công đã tự thán :

            Công phu chưa đến chỗ vuông tròn

            Hằng tựa lan can luống lo âu

            Hôm nay là ba mai lại bốn

            Tuyết sương dễ đến phủ trên đầu

Tâm trạng khắc khoải này là tâm trạng chung. Nếu như chỉ thích làm phước làm lành để chuẩn bị cho đời sau thì không nói làm chi.Còn với thiền sinh chúng tôi, thì việc tu hành quả là bức thiết. Từ đời sống cho đến quan niệm, hiểu biết, tất cả đều được xây dựng theo đúng bản hạnh của Phật và Bồ Tát. Vậy mà, hôm nay mùng ba, mai mùng bốn rồi ngày kia mùng  năm, tới mùng sáu... thời gian trôi chẳng hề dừng, tới chẳng hề lui, tóc bạc phủ đầu, thân thể suy yếu nhưng công phu chưa đến chỗ vuông tròn, đạo cả chưa sáng. Chẳng trách “hằng tựa lan can luống lo âu”.

Một thiền sư đã nói “Dù khi sống bị người khinh bỉ, nghèo khổ, đói rách, khi chết bị cày bừa hành hạ trăm ngàn muôn kiếp trong địa ngục A tỳ, nhưng một khi đã nhận được yếu chỉ tu hành thì không có gì để ta phải sợ hãi”. Yếu chỉ tu hành là gì? Đây chính là tâm an ổn của mình. Muốn nhận được thì chỉ cần buông bỏ những lăng xăng điên đảo. Nhận được, có bình yên tự tại. Những thứ chung quanh không còn làm mình động lòng và sợ hãi nữa. 

Biện Thủ Tọa, trụ trì chùa Thê Hiền ở Lư Sơn, áo quần thường không tươm tất và hay có thói quen xâu giày qua gậy trúc vác trên vai. Một hôm ngang qua chùa Đông Lâm đất Cửu Giang, Hòa thượng Hỗn Dong thấy vậy liền mắng “Sư là mô phạm của người đời, cử chỉ như thế chẳng những tự khinh mình, mà còn thất lễ lớn đối với chủ nhân”

Biện Thủ Tọa cười bảo “Ta có lỗi gì vậy?”. Nói xong lấy bút làm bài kệ để lại rồi đi. Bài kệ như sau:

            Chớ bảo Thê Hiền nghèo

            Thân nghèo đạo chẳng nghèo

            Giày cỏ tợ như hổ

            Gậy chống trông tựa rồng

            Khát uống nước Tào Khê

            Đói ăn lật cức bồng

            Kẻ đầu đồng trán sắt

            Đều trong núi cùng ta.     

Thân nghèo đạo chẳng nghèo là gia phong của ngài Thê Hiền và cũng là nếp sống cần có của một người tu. Đạo chính là tâm chân thật của chúng ta. Chúng ta tu chỉ để sống lại với tâm chân thật này. Còn những hình thức bên ngoài không quan trọng.

Giày cỏ tợ như hổ, gậy chống trông tựa rồng là nói đến những hoạt dụng phi thường của người tu khi đã sống được với tâm chân thật của mình. Giày cỏ và gậy trúc tuy chỉ là những thứ tầm thường dưới mắt người đời, nhưng qua công phu của ngài Thê Hiền thì mọi thứ trở thành dữ tợn như hổ, linh hoạt như rồng. Với những phương tiện như vậy thì còn gì để sợ hãi mà không bình an?   

Khát uống nước Tào Khê, đói ăn lật cức bồng. Nước Tào Khê là chỉ cho pháp môn “Trực chỉ nhân tâm kiến tánh thành Phật” của Tổ Huệ Năng. Lật cức bồng là gai cây dẽ. Huệ mạng là nguồn nước nuôi sống tâm ngài. Những thứ tầm thường khó nuốt là thức ăn nuôi sống thân ngài. Vậy thì còn gì để vướng bận mà không tự tại?

Kẻ đầu đồng trán sắt, đều trong núi cùng ta. Đầu đồng trán sắt chỉ cho những con người có thể đương đầu với những thế lực mạnh mẽ dữ dằn nhất. Chính là những con người đã bình an và tự tại thật sự, là kẻ đồng chí đồng hạnh với ngài, hiểu được nếp sống của ngài.    

Kinh Viên Giác dạy chúng ta tu như sau: Trong tất cả thời chẳng khởi vọng niệm. Đối với vọng tâm cũng chẳng dứt diệt. Nơi cảnh vọng tưởng chẳng thêm liễu tri. Khi không liễu tri chẳng biện chân thật.

Trong tất cả thời chẳng khởi vọng niệm là, trong tất cả mọi sinh hoạt đi, đứng, nằm, ngồi chúng ta đừng để những thứ như suy nghĩ, tơ tưởng... chi phối dẫn dắt mình. Nghĩa là, ngay trong cuộc sống đây, những gì mình đã lên kế hoạch thì cố gắng trôi tròn. Những gì dấy khởi ngoài sự sắp đặt đó thì thôi, bỏ qua một bên. Ngay trong công việc đang làm cũng đừng dấy niệm. Làm việc gì thì chỉ biết việc ấy. Đừng làm việc này mà để tâm dong duỗi tận đâu đâu. 

Với các vọng tâm cũng chẳng dứt diệt. Không khởi vọng niệm nhưng cũng không được dứt diệt. Tức không lấy mà cũng không bỏ. Đây là pháp tu “Biết vọng không theo” của Hòa thượng dạy chúng ta. Chỉ cần biết vọng, không để nó dẫn dắt ngược xuôi thì yên. Không cần phải dùng thêm một phương tiện nào, hay một lực nào để dằn nén hay dứt diệt. Khi biết là vọng, vọng tan rồi thì cũng không cần phải ôm khư khư cái biết làm gì. Khi nào niệm dấy thì cái biết hiện tiền, niệm không thì cái biết cũng không. Không cần dấy thêm một cái gì để biết về những cái đó, cũng không khởi diệt hay phân biệt về những vọng tưởng đó. Nên nói ngay cảnh vọng tưởng chẳng thêm liễu tri. Khi không liễu tri chẳng biện chân thật.

Nói chung là làm sao phát huy được cái biết của mình. Sở dĩ ta đau khổ ngược xuôi trôi dạt trong vòng luân hồi sanh tử nhiều đời nhiều kiếp là do không sử dụng tánh biết. Bởi không biết nên lao theo, chấp chặt rồi tạo nghiệp. Đã tạo nghiệp thì có khổ đau. Từ khổ đau lại gây tạo nghiệp... cứ vậy mà loay hoay luẩn quẩn không có lối thoát. Cái biết này là ngọn đèn trí tuệ xua tan bóng tối vô minh. Đèn đã sáng thì bóng tối tự mất không cần phải dùng thêm phương tiện. Chỉ cần biết vọng thì vọng tự mất, không dấy khởi thêm gì nữa. Còn dấy khởi là còn vọng. Chúng ta có tánh biết làm chủ những vọng động, ngay đó bình an hiện tiền. 

Nếu không tỉnh sáng thì việc lớn việc nhỏ gì mình cũng ôm đồm, thứ gì cũng làm mình lo sợ bất an. Vậy thì khổ lắm. Thứ gì cũng có duyên, có nghiệp của nó, ôm và lo đến bao giờ? Càng ôm đồm, càng vướng mắc càng khổ đau. Phật nói, chưa có muốn có là cái khổ thứ nhất, có rồi muốn giữ là cái khổ thứ hai, muốn giữ mà mất là cái khổ thứ ba. Những cái mình muốn có muốn giữ đó lại là những thứ giả tạm bên ngoài, tránh sao khỏi sự mất mát mà không đau khổ? Đây là chỗ chúng ta phải tỉnh sáng nhận định.

Cuối cùng tôi xin kể một câu chuyện làm bài học cho việc tu hành của chúng ta. Ngày xưa có một vị thần biển, trao cho ông thợ chài bốn viên ngọc, nhờ dâng cho quốc vương của nước ông. Viên ngọc thứ nhất có khả năng tạo được tất cả thức ăn sơn hào hải vị. Viên ngọc thứ hai tạo ra lụa là gấm vóc son phấn. Viên ngọc thứ ba tạo ra các dụng cụ và khí giới. Viên ngọc thứ tư tạo ra tiền bạc. Quốc vương nhận xong, cảm kích lòng thật thà của người thợ chài, bèn tặng lại ông một viên, tùy ông chọn lựa.

Ông xin về hỏi ý kiến vợ con rồi sẽ lên nhận sau. Tuy nhiên sau khi bàn bạc thì mỗi người mỗi ý không ai nhường ai. Gia đình rối rắm vì sự tranh dành lớn tiếng này. Người thợ chài quá mệt mỏi bèn tâu với vua: Từ khi có chuyện bốn viên ngọc, gia đình con xào xáo không yên. Đời sống ngày xưa của con tuy bình dị nhưng yên ổn hạnh phúc. Thôi, cho con khỏi nhận viên nào nữa.

Việc tu hành của mình cũng vậy. Nếu bất cứ một vọng niệm, một dấy khởi nào mà mình cũng dám trả hết như ông thợ chài thì mình sẽ được yên ổn sung sướng. Còn dù cho ngọc ngà châu báu gì mà mình cứ nắm lại, lao theo rồi tính toán ngược xuôi thì tránh sao khỏi lao tâm tổn trí. Câu chuyện này nhắc chúng ta đừng tin, đừng lao theo vọng tưởng để được yên ổn hoàn toàn.

[ Quay lại ]