Những Điều Cần Thiết Của Người Tu
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ ba, 25 Tháng chín 2007 09:03
- Viết bởi nguyen
Hôm nay chúng tôi nói về những điều cần thiết trong tinh thần tu học của người Phật tử. Trước khi bắt đầu công phu, quý vị cần phải hiểu những điều này để việc tu hành không bị trở ngại, vướng mắc. Những điều này hết sức thông thường. Tuy nhiên, nếu không có đạo lực, không có trí tuệ, chúng ta khó có thể thực hiện trọn vẹn được bất cứ điều gì. Cho nên muốn việc tu hành không gặp khó khăn, chúng ta phải vận dụng tâm lực, trí lực và lòng nhiệt thành với đạo mới được.
Điều thứ nhất tôi nói về thức tình và bản tánh. Thức tình là danh từ chuyên môn trong nhà Phật, thế gian thường nói bản tánh. Nhưng thật ra thức tình là một loại luôn loạn động, nó rất xa cách với bản tánh. Vì bản tánh không loạn động, không hình tướng, không sanh diệt, lặng lẽ thường nhiên. Như vậy, Phật tử cần có một nhận định đúng đắn về thức tình và bản tánh.
Chữ “loạn” nghĩa là không có trật tự, luôn luôn dấy động. Những loạn tưởng, lăng xăng chợt khởi, chợt diệt liên tục thường gây ảo giác cho chúng ta rằng nó có thật. Vì thế mình bám víu chạy theo và cuối cùng là mắc kẹt nên bị chúng kéo lôi. Do đó người muốn tu tập phải buông bỏ thức tình, để nhận lại bản tánh chân thật của mình.
Trong quá trình tu tập, thức tình không phải là cái để chúng ta lưu tâm, mà ngược lại còn phải mạnh dạn loại trừ, buông bỏ nó. Làm sao để buông bỏ ? Nói buông bỏ là một cách nói, bởi vì nó vô hình, nên ta không thể nắm hay buông như món đồ được. Những gì có hình tướng, có giới hạn, chúng ta có thể cầm nắm được thì bỏ không khó. Còn cái vô hình, không hình tướng, nó lảng vảng thường xuyên trong chúng ta nhưng khi tìm lại thì không thấy tăm dạng, cho nên không biết làm sao để bỏ. Vì vậy chúng ta phải học đạo và hành đạo đúng đắn mới có thể loại bỏ nó được.
Tại sao thức tình thường xuyên có mặt trong ta ? Người ta thường nói ký ức, đó chính là thức tình. Vì chúng ta chấp nhận nó, vướng mắc với nó. Bây giờ mình biết tu, hiểu Phật lý rồi, phải nhận diện được nó là hư giả không thật, đừng để nó kéo lôi nữa, đó là cách buông bỏ. Thức tình đã lặng thì tánh giác hiện tiền. Các Thiền sư thường nói người học đạo phải sống được với bản tánh thì mới không uổng phí một đời. Bản tánh chính là tánh giác.
Muốn sống được với bản tánh, không gì khác hơn là dừng các thức tình, làm chủ mình. Cách tu này chúng ta có thể áp dụng trong bất cứ công việc nào, thời gian nào. Ví dụ khi ta đang đọc sách, trong lòng dấy lên những suy nghĩ lan man, khiến mình không tập trung được với quyển sách. Biết rõ tâm trạng đang như thế, mình dứt khoát không thèm nhớ nghĩ gì nữa. Đó là ta không chạy theo thức tình, không chấp nhận sự hiện diện của nó, nên nó bị loại trừ. Nhờ thế ta tập trung vào việc đọc sách. Các công việc khác cũng vậy.
Nếu thường xuyên kiểm nghiệm tâm ta trong mọi trường hợp, dần dần mình sẽ buông được những thứ lăng xăng của thức tình và sống được với bản tánh. Đó là cách sống, cách tu trong nhà thiền. Người Phật tử dù tu ít hay nhiều, nếu biết cách tu thì chắc chắn sẽ được an lạc.
Chúng ta áp dụng được pháp của Phật dạy vào đời sống hằng ngày, làm chủ được mình thì sẽ chiến thắng các thứ vọng động lăng xăng ấy không khó. Ngược lại hằng ngày, chúng ta cứ để cho những thứ đó kéo lôi, thì chẳng những đời này đảo điên trong dòng thác cuồn cuộn của thức tình, mà muôn kiếp cũng bị nó cuốn trôi. Sáng mở mắt ra quây quần với công việc tới chiều tối rồi mệt mỏi lăn ra ngủ. Cứ thế, tuổi già chồng chất cho đến một hôm Diêm La cho người gọi, thì không còn biết mình là gì ? Đó là một sự mê lầm lớn của chúng ta.
Cho nên đệ tử Phật trước nhất là phải có trí tuệ. Có trí tuệ mới sáng suốt nhận định đâu là đúng đâu là sai. Ta biết rõ thức tình loạn tưởng, không chấp nhận nên không bị động. Không bị động tức lặng lẽ thanh tịnh, như thế tánh giác mới hiện bày. Phật tử học thiền, tu thiền cần phải hiểu điều này. Thiền pháp không phải là cái gì ở trên cao, hay do ai trao truyền cho mình, mà phải tự chúng ta nỗ lực tu tập mới có lợi lạc.
Hòa Thượng Viện Trưởng thường dạy “đừng để các pháp kéo lôi”. Đó là cả một quá trình tu học của chúng ta. Nếu được các pháp không kéo lôi, thì ta đã làm chủ rồi, những loạn tưởng lăng xăng làm gì nổi mình nữa. Như sáng hôm nay vừa mở mắt ra mình toan tính, sắp đặt công việc thế nọ thế kia cho cả tháng. Thông thường, sắp đặt trôi chảy như vậy là tốt. Nhưng khi tu rồi, nhất định chúng ta phải soát xét lại việc này. Rõ ràng đây là những lăng xăng, không chính đáng làm mình bị động và mất thì giờ. Bởi đâu có sự toan tính nào được thực hiện đúng trăm phần trăm đâu. Huống nữa là trong một thời gian dài, ta không thể dự đoán được các biến cố bất thường có thể xảy ra. Do đó tính toán nhiều chỉ làm não loạn tâm ta thôi, chứ không có lợi ích gì.
Trong nhà Phật có từ “hiện tại lạc trú Niết-bàn”, nghĩa là ngay đây, trong cuộc đời này, chúng ta có thể nhập Niết-bàn. tức là mình có thể sống được với Phật tánh của mình. Khi ta tỉnh giác, không bị những ảo ảnh trong tâm kéo lôi, ta sẽ được an lạc tức thì. Đó là năng lực mình có thể thực hiện ngay trong đời này, chứ không phải đợi đến kiếp nào. Ngay đây, bây giờ nếu chúng ta sáng suốt soi xét, cái gì không thật thì không theo, đó là dừng loạn tưởng. Công phu liên tục như vậy, nhất định ta sẽ an trụ trong Niết-bàn trong hiện đời.
Tuy nhiên có những điều hết sức thông thường mà chúng ta dừng không được. Ví dụ như nóng giận ai cũng biết là xấu, không nên nóng giận. Nhưng vừa nghe người ta chưởi là mình đã nóng giận lên rồi, không kịp dừng. Đã nóng lên thì chưởi lại, hoặc hơn nữa thì đánh thì giết lẫn nhau. Nên biết tập khí lâu đời rất khó bỏ. Bởi thế mà chúng ta khổ. Cứ chạy theo, cứ bị động bởi những thứ bên ngoài nên quên mất mình.
Bây giờ tu là tập quay về, nhận lại. Nhà thiền gọi là “Phản quan tự kỷ”, tức chúng ta xoay lại xem xét nơi mình, không chạy theo những thứ bên ngoài nữa. Xem xét là xem xét các vọng tưởng trong tâm, loại bỏ nó đi, chứ không phải xem xét tim gan, phèo phổi. Biết tu thì việc rất dễ, không khó. Không biết tu thì việc tu dễ trở thành khó.
Song song với những phương thức tu hành như vậy, Phật còn chỉ cho chúng ta thấy cuộc đời là vô thường. Sanh, già, bệnh, chết nối nhau không dừng, như tiếng tích tắc liên tục của đồng hồ. Năm dài tháng lụn cứ để cho vọng tưởng nắm mũi lôi đi thì khi già chết đến tránh sao khỏi hoảng loạn. Chỉ khi định được, tâm sáng trí diệu mới không bị quỷ dữ vô thường vây khốn.
Nên nhớ vô thường không tha cho bất cứ ai, đừng tưởng nó sợ người tu hành. Rõ ràng người tu cũng đau, cũng già, cũng chết. Nếu tu lơ la,ø khi chết còn khổ hơn cả người đời. Cho nên nhận định chín chắn, chúng ta mới hạ thủ công phu tu hành. Có hạ thủ công phu thì mới mong điều phục được thức tình, sống được với bản tánh. Sống được với bản tánh tức ngay đó thành Phật. Như tên đồ tể buông dao liền thành Phật. Nên nhà thiền có câu: “Trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật” là thế. Đó là điều thứ nhất.
Điều thứ hai, là nói về định tuệ trong tinh thần tu học. Định là thể vắng lặng xưa nay chưa từng bị động. Tuệ là trí sáng suốt, thấu tỏ tánh tướng của các pháp. Tuệ này từ định mà phát sanh. Định tuệ đồng thời tức tánh giác hiển bày diệu dụng. Phải biết định tuệ này không từ đâu tới, mà đã sẵn có nơi tất cả chúng ta, chưa từng vắng thiếu bao giờ. Nhưng làm sao để sống được với nó ? Đây là chỗ ách yếu nhất đối với người tu chúng ta.
Các Thiền sư trong thời kỳ đi hành cước, câu hỏi then chốt nhất vẫn là “làm sao con bảo nhiệm được cái đó ?”. Cái đó chính là tánh giác, là chân tâm, là định tuệ. Biết có cái đó nhưng làm sao bảo nhiệm được lại là một vấn đề khác. Cho nên các Thiền sư thường dạy kẻ hành thiền phải trong mọi sinh hoạt, thường tỉnh giác, không để cho trần cảnh bên ngoài và vọng tưởng bên trong kéo lôi, tức là sống được với tánh sáng suốt trùm khắp đó.
Phật bảo chúng sanh do vô minh che lấp nên cái trước mắt mà không thấy không biết, lại đi chấp nhận cái ảo tưởng không thật cho đó thật nên phải khổ vì mất nó. Trong kinh Pháp Hoa, câu chuyện anh chàng cùng tử được người bạn cột viên bảo châu trong chéo áo nhưng anh không hề biết. Vì vậy vẫn chịu kiếp đói rách lang thang. Đến khi người bạn gặp lại, thấy chàng cùng tử tiều tụy thống khổ, anh ta ngạc nhiên nhắc lại viên bảo châu trong chéo áo năm xưa. Chàng cùng tử sửng sốt “Tôi có biết gì đâu, cứ lang thang làm thuê, làm mướn mà vẫn đói khát cả đời”. Bây giờ được bạn chỉ cho viên ngọc báu, chàng ta đem ra sử dụng, xài hoài cũng không hết.
Chúng ta cũng vậy, có sẵn của báu trong nhà nhưng không sử dụng được, thành ra nghèo hèn khổ sở. Giờ đây nếu biết nhận lại và bảo trì của báu ấy thì hết kiếp lang thang, nghèo đói, trôi giạt. Đức Phật thị hiện ra nơi đời giống như người bạn tốt, chỉ cho ta Phật tánh là bảo châu vô giá nơi mình. Dùng được nó thì nhất định cuộc đời lang thang chấm dứt. Thưa quí vị, đó là cái bất động, bất sanh, bất diệt, sáng suốt trùm khắp. Mình có bảo châu vô giá, và mọi người đều có bảo châu vô giá, cho nên không ai dám khinh ai.
Ta sống trong tinh thần Phật đạo mới thấy được sự bình an và bình đẳng tuyệt đối nơi mọi người. Đó chính là tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, tất cả chúng sanh đều sẽ thành Phật. Thế Tôn sau khi thành đạo rồi, Ngài ngạc nhiên thốt lên rằng: “Lạ thay ! Tất cả chúng sanh đều có trí tuệ đức tướng của Như Lai, nhưng tại sao không sáng suốt nhận ra để phải chịu khổ sở, trôi giạt như thế”.
Chúng ta có thể khẳng định mình chấm dứt được con đường luân hồi hay không ngay tại đây và bây giờ, chứ không phải chờ đợi ở đâu hay đến bao giờ. Nếu mỗi phút mỗi giây, ta tỉnh thức, làm chủ được mình thì con đường kia sẽ chấm dứt. Ngược lại, nếu chúng ta lơ đễnh một chút thôi, thì con đường trầm luân như dòng thác cuốn trôi ta không biết tới đâu mới dừng. Cho nên chư Phật nói chúng sanh đáng thương xót lắm thay ! Cho nên người tu hành phải lấy định tuệ làm mục đích nhắm đến, mới có thể chấm dứt dòng sanh tử khổ đau.
Điều thứ ba, là tinh thần hướng thượng. Người tu Phật phải có tinh thần hướng thượng, nghĩa là chúng ta phải phấn phát ý chí mãnh liệt, vươn lên tới chỗ cứu kính là thành Phật mới thôi. Phật dạy Ngài là Phật đã thành, tất cả chúng sinh là Phật sẽ thành. Nếu chúng ta chưa dám tin điều đó là chúng ta chưa cung kính Phật hoàn toàn. Bởi Phật không bao giờ nói dối, tại sao chúng ta không tin lời Ngài, phải chăng vì mình chưa thật sự tôn kính Ngài.
Đức Phật khẳng định như vậy, thì chúng ta phải tin chắc rằng mình cũng sẽ thành Phật, nếu sống đúng như Ngài. Một sự khẳng định dứt khoát có một tác dụng rất lớn trên bước đường tu hành của chúng ta. Bởi có khẳng định, mình mới không bị dao động, không bị những thứ lăng xăng bên ngoài nhiễu loạn. Được vậy, công phu tu hành mới dũng mãnh, miên mật. Cho nên việc tu mau chậm là ở nơi chúng ta, chứ không phải do yếu tố bên ngoài. Ai hỏi anh chị đi chùa, tu học thế ấy, có thể thành Phật được không ? Được, ta trả lời dứt khoát như vậy.
Có khẳng định, chúng ta mới có thể cắt đứt những mớ bòng bong loạn xạ trong lòng. Công phu tu hành nhờ thế mới đi vào nề nếp, mới tăng tiến. Những vị trẻ tuổi, động lực nào khiến họ dám cắt đứt tất cả ngũ dục thế gian, chịu giam mình trong khuôn khổ nhà chùa, áp dụng lời Phật dạy để tu tập ? Chắc rằng họ phải có một sự khẳng định. Nếu không thế thì chẳng bao lâu họ sẽ thấy cơm chay không ngon, ngồi thiền đau chân chịu không nổi, thức khuya dậy sớm mệt lã, ở chùa làm việc vất vả quá mà lại không có địa vị, không có gì cả, nhất định phải cởi áo cà sa thôi.
Các vị Phật tử cũng là con Phật nên cũng phải khẳng định như vậy, mới có thể tu tập thăng tiến được. Trên bước đường học đạo, quí vị chuẩn bị tinh thần đầy đủ như thế thì bước vào công phu sẽ không ngỡ ngàng. Dứt khoát việc làm của mình là như vậy, không có sự đổi thay nào khác.
Muốn làm Phật nhưng lại không tin mình có khả năng làm Phật, đó là tự đánh mất đức tin của mình. Thiếu đức tự tin thì ý chí hướng thượng khó thành. Cho nên phát huy ý chí hướng thượng là điều rất cần thiết đối với chúng ta. Việc phát huy đó phải được thực hiện ngay nơi đời thường của mỗi người. Quí Phật tử đến Thiền viện Trúc lâm thấy cuộc sống sinh hoạt của Hòa thượng có gì khác thường đâu. Sáng Ngài chống gậy đi dạo khắp Thiền viện, chỉ quý thầy làm việc này việc kia. Trưa ăn cơm rồi nghỉ. Chiều đọc kinh hoặc tiếp khách. Tối cũng ngồi thiền như chư tăng. Có gì là khác người đâu, vậy mà ta cung kính Ngài hơn mọi người. Bởi Ngài luôn tự chủ trong mọi việc làm.
Tinh thần hướng thượng chính là từ trong cuộc sống bình thường mà ta vượt lên mọi thứ vọng động điên đảo. Làm mọi việc nhưng không bị mọi việc kéo lôi, luôn tự chủ và sáng suốt trong tất cả hoàn cảnh. Chúng ta dễ bị những thứ chung quanh lôi cuốn, cho nên ở trong cái bình thường mà lại bất thường. Đó là vì mình chưa làm chủ được, chưa khẳng định ta là Phật sẽ thành, chưa có tinh thần hướng thượng.
Đâu phải người phát tâm tu rồi liền thành Phật tác Tổ. Chúng ta nghe bản tánh sẵn vậy nên nghĩ không cần dụng công chi hết vẫn được thành Phật. Hiểu như vậy là sai lầm. Bởi tập khí từ nhiều đời làm khuất lấp tánh Phật của mình, nếu không có công phu nó sẽ không hiển hiện. Tuy nhiên, nếu không tin mình có thể thành Phật lại là một sai lầm lớn hơn. Vì sao ? Vì ta chỉ thấy nghiệp chướng mình sâu dày, không thể tu hành được, cứ thế mà thoái tâm nên càng làm khuất lấp Phật tánh của chính mình.
Bao giờ ta nhận định một cách chính xác rằng, đức Phật là vị đã hoàn toàn giác ngộ, Ngài chỉ vẻ cho chúng ta những điều Ngài đã thể nghiệm, để chúng ta cũng thể nghiệm và thành tựu được như Ngài. Đó là bước đầu chúng ta thành công. Giả như đời trước ta tạo nhân đau khổ, bây giờ phải trả nên thiếu ăn, thiếu mặc, bị khinh bị chê, ta chấp nhận trả hết. Tinh thần chấp nhận sẽ nâng cao sức chịu đựng cho ta. Nhờ thế ta đủ lực vượt qua mọi trở ngại, dồn hết tâm lực vào việc phát huy trí Bát-nhã. Nhờ thế các tập nghiệp mau chóng tiêu trừ, hạt giống Phật dần dần nẩy nở, ta tin chắc mình tu hành sẽ được thành Phật, thì nhất định nguyện lực ấy sẽ thành tựu viên mãn. Đó chính là sức mạnh của niềm tin và trí tuệ.
Cho nên biết người có phước tu cũng thành Phật, người thiếu phước tu cũng thành Phật. Quan trọng ở ý chí và niềm tin có vững mạnh hay không. Nếu Phật tử hiểu được như vậy thì trên đường tu hành, quý vị đã vào được Tín vị, tức vào được ngôi nhà Phật pháp, không gì có thể lay chuyển được nữa. Ngược lại nếu không tin hiểu như vậy thì trên đường đạo dễ bị thoái hóa. Bị thoái hóa thì đức hạnh khó thành tựu được, sự thật là vậy.
Thoái hóa là, bình thường có điều kiện, vui vẻ, quí vị đi chùa, học đạo, tu niệm. Nhưng một khi gặp khó khăn quý vị liền khựng lại, không thể vượt tiến, cho nên trên đường đạo bị đình đốn. Vì vậy tu hoài mà không thành Phật, lỗi tại tâm thoái hóa. Thành Phật là không bị động bởi tất cả thuận cảnh cũng như nghịch cảnh. Nếu chúng ta không bị động bởi các thứ ăn, ngủ, làm việc v.v… thì chắc chắn mình thành Phật. Áp dụng được như vậy chắc chắn chúng ta sẽ bình an. Mỗi ngày ta vẫn làm việc, tiếp khách, lái xe, nấu cơm, bửa củi… lòng luôn thanh thản bình an, không có công việc nào khuấy động mình được. Giản dị như vậy. Tuy nhiên người còn bị thức tình khuấy động, dễ thoái hóa thì không thể sống được với tánh giác, dù chỉ một chút thôi.
Có câu chuyện của một Thiền sư như thế này. Buổi tối đó Ngài tụng kinh, có một tên trộm mò vào uy hiếp, bảo Ngài đưa vàng, đưa tiền cho nó. Ngài không nói gì, lấy chìa khóa đưa cho tên trộm. Lấy xong, nó định bỏ đi bỗng nghe Ngài gọi lại: “Này anh, ngày mai tôi phải đóng thuế, hãy để lại cho tôi một ít tiền nghe”. Nó cũng để lại theo yêu cầu của Ngài. Trước khi rút lui, nó lại nghe Ngài hỏi: “Tại sao anh không cám ơn tôi ?” Tên trộm liền cám ơn Ngài.
Ngựa quen đường cũ, tên trộm cứ thế mà hành nghề, không ngờ một hôm bị thộp cổ. Khi tra khảo, hắn đã khai lấy bao nhiêu của, trong đó có của Thiền sư. Nha môn liền cho mời Ngài tới, hỏi có phải tên trộm đã lấy tiền của Ngài không ? Thiền sư bảo không. Quan tòa nổi bực lên, tại sao Ngài tu hành mà còn nói dối, rõ ràng tên trộm đã khai lấy tiền của Ngài. Thiền sư khẳng định “Không, tại vì tôi cho nó. Nó có cám ơn tôi mà.” Quan tòa lẫn tên trộm đều chưng hửng. Ngay khi đó, tên trộm liền ăn năn sám hối, xin bỏ nghề và phát tâm quy y với Ngài.
Tôi nêu sự kiện này để nói, nếu chúng ta chịu tu, chịu nhận lại bảo châu vô giá của mình, thì mọi thứ mọi lăng xăng sẽ lắng yên. Đó là pháp tu vượt ngoài kinh điển, chỉ cần chúng ta dám khẳng định mình có thể sống được với Phật chất của mình thì xong việc. Cho nên quan trọng là làm sao chúng ta mở mang được bản tánh nơi mình. Tất cả những gì còn tồn đọng trong lòng phải thành thật nhận thấy và cố gắng loại trừ nó. Biết lỗi, nhận lỗi thì không có gì xấu hổ hết. Nếu được như vậy thì ta sẽ nhẹ nhàng, an ổn tức khắc thôi. Ta có niềm vui ngay trong hiện tại, ngay phút giây hồi quày đầu hối cãi. Cho nên nhà Phật thường nói mê là chúng sanh, ngộ là Phật vậy.
Trở lại vấn đề tu hành, chúng ta có toàn quyền quyết định, dài ngắn mau chậm đều do mình. Nếu ta cứ chạy theo các trần cảnh bên ngoài và những vọng động bên trong thì phải chịu nhiều kiếp lang thang. Còn nếu chịu nhận, chịu sống với tánh Phật của mình thì trong mọi sinh hoạt hằng ngày, dù gặp khó khăn hay thuận lợi, lúc nào mình cũng vui vẻ tươi tắn. Đó chính là nghi biểu, là dung dáng của người tu hành chân chánh.
Thế gian luôn đấu tranh giành hơn giành thua, người tu thì không như thế. Phật dạy người ta chưởi mình, mình không chưởi lại; người ta đánh mình, mình không đánh lại; người ta giết mình, mình cám ơn vì họ đã giúp cho thân này mau dứt nghiệp. Quí vị thử nghĩ xem, mình đang ngồi thiền, có người vụt miệng mắng mình, ta liền mắng lại thì còn gì là ngồi thiền nữa. Phật dạy lời chưởi mắng không thật, tại sao ta lại chấp nó rồi sanh phiền não sân hận, mất hết công phu tu hành?
Cố chấp là gì ? Cố là cứng chắc, Chấp là nắm giữ. Cố chấp là nắm giữ một cách cứng chắc, không thể buông bỏ được. Ngược lại với cố chấp là hỷ xả. Vì hỷ xả là buông bỏ. Do cố chấp mà ta gây tạo không biết bao nhiêu tội nghiệp. Cố chấp những gì ? Những nhận định, kiến thức của mình luôn cho là đúng, người khác là sai. Từ đó mà có mầm mống đấu tranh.
Thế gian “Nhân vô thập toàn”, nghĩa là không có ai tốt hoàn toàn, cũng không ai xấu hoàn toàn. Từ dáng vóc, trí tuệ, đến cung cách ứng xử không có ai hoàn bị được. Dù người thông minh nhất tỉnh, nhất nước nhưng cuối cùng cũng có những khiếm khuyết, không sao tránh khỏi. Nếu ta cứ nhắm vào chỗ khuyết để kích bác họ thì chưa chắc gì mình đã tốt, đã đúng. Như anh chàng mất búa trong chuyện cổ tích, anh ta mất búa nên nhìn ai cũng là người ăn trộm búa hết. Đi ra, đi vào, kẻ thân người lạ gì anh cũng nói lấy búa của anh. Đó là tại vì anh cố chấp cây búa cho nên mất hết sáng suốt.
Chúng ta cũng vậy, nếu cố chấp những nhận định của mình là đúng thì cả đời sẽ quây cuồng, lẩn quẩn trong đó. Bởi cố chấp là căn bệnh “di căn”, tai hại ghê gớm lắm. Nó kéo dài từ nhận định sai lầm này đến nhận định sai lầm khác, khó có thể dứt trừ được. Nhưng có ai dám nói mình sai lầm đâu, cái gì của tôi cũng là chân lý hết. Người ta cố chấp đến mức độ như vậy. Nhưng có gì là chân lý ? Chẳng lẽ nhân, ngã, bỉ, thử là chân lý sao ! Cho nên, tin hiểu được lời Phật dạy rồi, chúng ta tự sắp đặt cho mình một cuộc sống, một cung cách sao cho phù hợp với người con Phật. Từ đó công phu tăng tiến thì sự cố chấp dần dần sẽ tan mất hết.
Như trong kinh Phật dạy muôn pháp không thậät, môi không thật, lưỡi không thật, răng không thật, thì những lời chưởi thậät được sao ? Nếu nhận định như vậy chúng ta sẽ thấy trí tuệ mình phát sáng, tự nhiên mọi cố chấp kiểu “Ếch ngồi đáy giếng” sẽ tan hoang hết. Chừng đó ta sống với trí giác trùm khắp thênh thang, an nhiên, tự tại, không bị động bởi những thứ chung quanh nữa. Cho nên người tu phải cố gắng phá tan, đập vỡ những cố chấp sai lầm, thì mới mong tiến trên con đường giác ngộ giải thoát.
Người mắc chứng bệnh chỉ đạo là người mang tật cố chấp sâu dày nhất. Phải nhìn mọi người bằng con mắt trí tuệ, thấy tất cả chúng sanh đều là Phật sẽ thành. Nhìn mọi người trong tánh giác bình đẳng mới biết quí trọng những vị Phật tương lai, không dám xem ta là trên hết. Được thế việc tu tập sẽ phấn khởi vô cùng, vì thấy con đường mình đi có bạn bè, bà con quyến thuộc cùng đi. Trái lại, nếu nhìn mọi người bằng con mắt phân biệt hơn thua tốt xấu, thì cả thế gian này chỉ còn có một mình ta thôi, chẳng ai xứng đáng cả. Sống như vậy thì còn gì khổ hơn !
Thế gian có câu “Vỏ quít dày có móng tay nhọn”, mình cho rằng mình siêu thì sẽ có người siêu hơn ta. Cuộc đời này là như vậy. Do đó Phật dạy chỉ khi nào ta sống được với tánh giác của mình, thì mới đem lại sự an vui cho muôn loài. Trong xã hội này, nếu mọi người đều biết vươn lên theo lời Phật dạy, sống trang trải, hỗ trợ với nhau trong tinh thần tu học thì con người sẽ không còn đấu tranh tị hiềm, không còn đau khổ nữa.
Như chuyện thập bát sơn vương, trước đó họ là những tướng cướp từng giết người cướp của, ai cũng khiếp sợ. Nhưng nghe câu chuyện con ngựa nói tiếng người kể lại, trước kia nó là Hòa Thượng, do thiếu gạo nên lấy trộm của ông phú hộ, vì vậy sau khi chết phải làm kiếp trâu ngựa để trả nợ cũ. Họ hoảng quá nên phát tâm hướng về Phật và được cứu độ đều trở thành người giác ngộ hết.
Chúng ta cũng có thể giác ngộ như thế. Nghĩa là trước đó, do cố chấp nên ta nghĩ sai lầm, bây giờ nhận ra rồi ăn năn sám hối, buông bỏ tất cả. Ngay đó là giác ngộ. Mình biết tất cả các pháp do duyên sinh, mỗi người đều có trí tuệ, có phúc báo riêng của họ. Cho nên chúng ta cố gắng đừng rơi vào định kiến, cố chấp mà phải loại bỏ những cù cặn, hạn hẹp đó mới mong tiến trên đường giải thoát.
Người tham lam nhiều chết đọa địa ngục, sân hận nhiều chết đọa ngạ quỉ, si mê nhiều chết đọa súc sinh. Cũng không cần đến chết, ngay bây giờ hễ tham quá thì địa ngục hiện tiền. Ví dụ giữa ban ngày có một anh chàng xông vào tiệm vàng lấy vàng. Khi bị bắt, ai cũng ngạc nhiên hỏi anh tại sao người ta đông đầu chợ mà anh dám xông vào cướp vàng. Anh đáp tỉnh bơ: “Tôi có thấy ai đâu, chỉ thấy vàng thôi”. Đến khi thấy được người ta thì đã trễ rồi, vào tù bị xiềng xích gông cùm khác nào trong địa ngục.
Các thứ ma mị trong nhà Phật nói không phải loài ma với hình thù quỉ quái, mà là sự cố chấp, không buông bỏ những thói hư tật xấu của mình. Muốn bỏ được những cố chấp phải có trí tuệ, không thể khác được. Thế thì làm sao để có trí tuệ ? Đệ tử Phật phải có định, tức là không bị những thứ lăng xăng, thức tình loạn dẫn dắt. Từ định tâm lắng yên nên tuệ phát sanh. Có tuệ tức có trí sáng suốt mới phá tan được các cố chấp mê lầm ăn sâu trong tiềm thức từ bao đời.
Vấn đề là làm sao buông được thức tình loạn tưởng của mình, làm sao cởi mở những cố chấp. Đây chính là từng bước thực hành công phu tu thiền. Chúng ta phải ngồi yên lại, quán sát hành tung của những thứ ấy, nắm vững biết rõ bộ mặt thật của chúng rồi thì chúng không làm sao gạt được ta nữa. Cho nên nhà thiền đưa ra phương châm “Phản quan tự kỷ, bổn phận sự” là vậy. Tức là ngay bây giờ chúng ta phải xoay lại mình, đừng chạy theo bên ngoài nữa, tập trung định lực và trí lực để phá tan sào huyệt của các thứ ma mị ấy. Đó chính là việc bổn phận của mình.
Pháp tu “biết vọng không theo” của Hòa Thượng Viện Trưởng chính là phương pháp cụ thể để từng bước chúng ta trở lại bản tánh chân thật của mình. Ví dụ vừa khởi nghĩ cái nhà đẹp, ta liền quán sát nhà này do nhiều duyên hợp, khi duyên tan rã thì không có gì đẹp hết. Nhờ thế mình không chạy theo nó, không chạy theo tức là định. Biết cái nhà không thật là tuệ nên ta buông một cách dễ dàng. Muốn tu hành phải vận dụng trí năng như vậy.
Từ sự sáng suốt ở bên trong, ta thấy được chân tướng của các pháp rồi thì an lạc tức thì. Cho nên biết trí tuệ có công dụng chiếu tan mây mờ ảo giác, bày tỏ chân tướng của vạn vật. Người có trí tuệ như cây đèn sáng soi vào nhà tối, các vật dụng trong đó đều hiện bày tỏ rõ. Trí tuệ đủ công năng đưa người thoát vòng đau khổ, vì vậy Phật dạy: Trí tuệ là con thuyền đưa người qua bể khổ, trí tuệ là lương dược chữa lành căn bệnh thống khổ của chúng sinh, là chiếc búa bén chặt gãy cây phiền não, là ngọn đèn sáng chiếu tan tất cả tối tăm. Nhờ trí tuệ mà người tu thấu đạt chân lý, thành bậc giác ngộ.
Người tu lấy giới đức để trang nghiêm, dùng trí tuệ để diệt phiền não thì sẽ có được vẻ đẹp của Phật, Bồ-tát. Không có Phật, Bồ-tát nào xấu hết, dù bằng xi măng hay bằng đất cũng đẹp. Với những điều cần thiết tôi đã trình bày trên, mong quý Phật tử bắt đầu tu ngay trong mọi hoàn cảnh, mọi sinh hoạt của mình thì chắc chắn quý vị sẽ thấy được lợi ích thiết thực, lớn lao của việc tu hành thôi.
Mong tất cả cố gắng nỗ lực và thành công trong công phu tu tập của mình.