headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 19/04/2024 - Ngày 11 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Vấn đề tâm đắc

Hôm nay tôi sẽ nói về Vấn đề tâm đắc trong đạo Phật, hay là Vấn đề tâm đắc trong nhà thiền. Tại sao tôi nói vấn đề này ? Như các Phật tử biết, thật ra trong việc tu hành, nếu nhìn sơ bên ngoài ta thấy càng tu càng hoan hỉ, càng tu càng tươi trẻ, càng phương phi đẹp đẽ. Nhưng thật sự bên trong có những vấn đề trái ý nghịch lòng, làm sao có thể vượt qua tất cả những nhiêu khê ấy thì việc tu mới thật sự an ổn, vui vẻ.

Một cách bình thường mà nói có lúc người tu cũng thối chí. Nhưng khi được gặp Thầy, gặp các vị thiện hữu tri thức chúng ta có cảm tưởng như được uống thuốc bổ, được mát mẻ trở lại. Đó là một vấn đề nội tại của hầu hết người tu chúng ta. Thời gian gần đây, có rất nhiều Tăng Ni sinh đặt vấn đề đó với chúng tôi: “Thưa Thầy ! Cuộc sống của tụi con sao quá phức tạp, khiến nhiều lúc tụi con buồn lắm. Nhưng mỗi lần được gặp quý Thầy, được thưa hỏi đôi điều, chúng con cảm thấy yên lòng hơn, nên lại phấn chấn lên trong cuộc sống tu hành”. Những lời này, chúng tôi rất cảm thông bởi bản thân mình cũng đã trải qua.

Thánh nhân đã nói: “Học làm người là khó”. Ở đây, chẳng những học làm người mà còn học làm Phật nữa, cho nên phải khó thôi. Quả thực những điều chúng ta học, chúng ta làm đều là việc của thánh nhân, chứ không phải việc tầm thường. Theo kinh nghiệm riêng của chúng tôi, việc làm có thành công hay không, có phấn khởi hay không đều từ sự quyết tâm nơi chính mình.

Chư Tổ thường nói: “Tất cả những gì bên ngoài đều không thật, không phải là của báu nhà mình”. Cho nên yêu cầu chính yếu là chúng ta hãy đặt lại vấn đề nơi tâm mình, đừng soi rọi ra bên ngoài nữa. Nói rõ hơn là hãy dừng bớt những ngược xuôi theo trần cảnh. Soi rọi lại xem cái gì là tâm mình ? Nó ở đâu ? Khi chúng ta nhận ra được điều ấy rồi, sống được với tâm chân thật, thì xem như đã giải quyết xong mọi việc.

Vấn đề nội tại bên trong của chúng ta, không thể phóng ra ngoài mà giải quyết được. Tuy nhiên các sự kiện bên ngoài là những trợ duyên giúp cho ta có cơ hội thực hiện pháp an tâm. Bỏ đi tất cả cảnh bên ngoài, chúng ta cũng không thể đo được sự bình lặng yên ổn bên trong. Trong nhà Phật có câu chuyện thế này:

Một hôm, ít thầy Tỳ-kheo trẻ họp lại bàn về vấn đề lý tưởng của cuộc sống. Ngoài đức Thế Tôn ra, các Thầy muốn tìm một huynh đệ mẫu mực trong tập thể để nương theo. Bởi không phải lúc nào cũng có thể gặp gỡ hay gần gũi đấng Thế Tôn được. Sau khi bàn bạc với nhau rất nhiều vấn đề, các thầy thấy trong số đại đệ tử của Phật, có vị thuyết pháp bậc nhất, có vị thần thông bậc nhất, có vị trí tuệ bậc nhất, có vị đa văn bậc nhất… Như vậy, mỗi vị đều có một sở trường, nhưng chưa ai đạt được mẫu người lý tưởng toàn vẹn nhất.

Đức Phật biết điều đó, nên Ngài gọi chư vị Tỳ-kheo ấy đến. Thế Tôn hỏi các Thầy bàn việc gì ? Chư Tỳ-kheo trình bày sự việc trên. Nghe các thầy thưa xong, đức Phật kết luận:

- Này các thầy, một vị Tỳ-kheo được xem là lí tưởng, có đạo hạnh, có trí tuệ, thanh tịnh giải thoát là vị Tỳ-kheo sáng mai ôm bình bát đi khất thực. Sau khi đi khất thực rồi, vị  ấy rửa chân, ngồi kiết già và đúng giờ thọ trai. Thọï trai xong, dọn dẹp bình bát, tất cả các vật dụng, vị Tỳ-kheo ấy nhập thiền, xả thiền rồi nghỉ ngơi. Sau khi nghỉ ngơi, vị ấy bàn bạc đạo lý với tất cả các thầy Tỳ-kheo khác. Chiều lại, nếu không có giờ tham vấn với Thế Tôn, vị ấy tiếp tục tọa thiền. Này các thầy, đó là một vị Tỳ-kheo lý tưởng nhất cho các vị.

Các thầy Tỳ-kheo nghe đức Phật dạy như vậy rồi đều thức tỉnh. Quả thực từ những việc hết sức bình thường mà ta có một nội tại vững chắc, đó là người lý tưởng nhất. Chúng ta luôn hướng ngoại, làm việc gì cũng ngó qua, ngó lại nên việc làm của mình trở thành không bình thường. Ví dụ tới giờ thọ trai, mọi người đều đi thọ trai bình thường, còn mình ngồi vẽ viết gì đó không chịu ăn cơm. Đến lúc mọi người nghỉ ngơi thì ta lại ăn cơm. Công việc, giờ giấc chẳng giống ai, như vậy làm sao an ổn được. Chính mình là người tạo sự bất an cho mình. Giờ nghỉ, giờ thiền tọa, giờ tham vấn chúng ta không tập trung, tâm không yên, các việc khác cũng đều như vậy thì làm sao có cuộc sống ổn định. Rõ ràng, bất an là do mình không khéo, không định tỉnh, để cho cái nọ xọ cái kia, thành ra cột trói dây chuyền với nhau.

Người tu hành muốn được yên ổn thì giờ nào việc nấy, dứt khoát đàng hoàng. Chư Tổ thường dạy: "Nếu muốn đạt được tâm địa, thì đừng dính mắc bất cứ hình tượng, sự vật nào bên ngoài". Nếu tâm ở trạng thái không dính mắc thì trí sáng, nghe một câu Phật pháp ta liền tâm đắc, tức là nhận hiểu một cách sâu sắc, một cách thích thú. Cho nên vấn đề tâm đắc chỉ có được khi ta định tỉnh sáng suốt. Ngược lại khi tâm dao động, ta nghe một câu đôi ba lần mà cũng như không nghe gì hết, bởi vì lúc đó tâm đang ở tận đâu đâu, nên làm gì có chuyện tâm đắc với Phật pháp.

Làm sao chúng ta ngồi ở đâu thì ông chủ ở đóù. Tu hành mà thấy chán, buồn, phiền não là tại chồng chất nhiều việc quá, không buông được nên tâm bị đóng thành khối, che lấp mất ông chủ. Việc của sáng hôm nay thì sáng hôm nay làm, của buổi trưa thì buổi trưa làm. Sống tuân thủ theo nguyên tắc đó thì dù ở đâu, chúng tôi cũng tin chắc quý vị sẽ thành công, sẽ được an ổn.

Phật tử còn phải sinh hoạt trong gia đình, xã hội, nhất là vấn đề giao tế nên cần khéo léo, sáng suốt, tế nhị sắp đặt việc nào đúng việc nấy thì cuộc sống mới yên ổn vui vẻ. Bằng không thì cả đời không khi nào quý vị được một chút an ổn. Ở đâu, thấy cái gì cũng có thể phiền toái được hết cho nên thấy cuộc đời chán ngắt, vô vị. Từ đó mà dẫn tới những chuyện không hay, bi quan yếm thế, hoặc muốn tự vận chết cho rồi. Quý vị đừng nghĩ chết là hết, là yên. Không yên được đâu, vì hồ sơ của mình còn lỉnh kỉnh quá, nợ nần vây bủa, ai cho mình đi êm xuôi được. Chỉ khi nào quý vị giải quyết hết, những ân oán rồi, đi mới yên.

Vấn đề thanh tịnh giải thoát là vấn đề hết sức quan trọng trong đạo Phật. Dù chưa chứng đắc được gì nhưng một phút giây ta khắc phục được những điên loạn của mình là một phút giây ta thanh tịnh, một phút giây ta giải thoát. Góp nhặt từng chút thanh tịnh ấy, từng chút pháp vị ấy, ta sẽ có một sức mạnh vững vàng gọi là đạo lực để tiến đến sự thanh tịnh giải thoát hoàn toàn. Khi đã mang hình hài của con người thì ta biết trong cuộc sống có cộng nghiệp biệt nghiệp rõ ràng. Giống như thiện ác chánh tà, phân định rành rẽ. Chỉ khi tâm thái đạt được sự yên ổn nhất định, khi đó mình mới thấy tất cả đều là không thật, đều là giả, những thứ bên ngoài đều không dính dáng gì tới tâm thanh tịnh giải thoát của mình.

Tuy nhiên trong cuộc sống tương đối mình phải có sự chọn lựa. Chọn lựa như thế nào? Chọn lựa điều lành, loại bỏ điều ác để cuộc sống thăng hoa, tiến bộ. Theo đó tâm linh ngày càng được tịnh hóa. Muốn thế, chúng ta phải vận dụng đến trí tuệ, sắp đặt các việc cho ổn. Rồi tiến thêm một bước nữa, ta tập buông bỏ dần dần. Trước tiên bỏ xấu giữ tốt, sau đó buông tất cả, vượt qua tất cả, mới tu tập đến nơi đến chốn trọn vẹn được.

Vấn đề tâm đắc là vấn đề ai cũng có hết đó, nhưng đôi lúc mình tâm đắc mà không tự biết. Như bất chợt ta được tin một người bạn qua đời, nên đến viếng chia buồn. Đến đó, không ngờ nghe một vị thầy giảng về lý vô thường. Rằng cuộc đời có hợp ắt có tan, có sinh ắt có tử, cả thế gian này ai cũng thế, sống chết không phải là chuyện của riêng ai. Bỗng ta giựt mình tỉnh lại, tâm đắc điều thầy nói. Từ đó ta bắt đầu tìm tòi, nghiên cứu, quy y Tam Bảo, tu tập và làm các Phật sự. Nhờ thế mình trở thành một người vui vẻ, sống tích cực cho mình và mọi người chung quanh. Gia đình cũng vui lây vì thấy những tật xấu ngày xưa của mình không còn. Đó là nhờ tâm đắc đạo lý ở phút ban đầu mà mình không hay.

Người tu có rất nhiều điều tâm đắc. Từ những tâm đắc ấy chúng ta có niềm vui, có sức sống. Từ niềm vui và sức sống đó chúng ta vững tâm, khẳng định việc làm của mình sẽ có kết quả. Bấy giờ, ta không thấy những người chung quanh làm chướng mình nữa, tất cả sự việc, tất cả pháp bên ngoài không là gì đối với mình nữa. Ngược lại, mọi thứ đều trở thành bạn hữu, trở thành Phật sự của mình hằng ngày.

Tuy nhiên, vấn đề khó khăn là làm sao giữ gìn và phát huy điều tâm đắc của mình cho liên tục. Bởi sự tu không phải lúc nào cũng êm xuôi thuận chiều. Có lúc ta rất tinh tấn, có lúc lại lười mỏi thì điều mình tâm đắc cũng theo đó mà thay đổi. Khi thì dễ dàng buông xa,û tha thứ tất cả, khi thì gút mắc khó khăn không ai chịu nổi. Tu như vậy bảo đảm chỉ có dẫm chân tại chỗ hoặc thụt lùi thôi, chứ không có đi tới đâu hết. Tu muốn tiến được, phải có tâm đắc và thực hiện điều tâm đắc đó một cách liên tục bền bĩ mới được.

Tu không khó vì chẳng phải gánh một gánh nặng hai ba trăm ký mà chỉ cần hằng ngày bình thường, tỉnh táo, sắp đặt mọi việc cho ổn. Không bỏ việc nào, mà cũng không chạy theo việc nào. Tự chúng ta khắc phục và làm chủ đối phương. Nhà thiền thường nói tâm cảnh như như hay tâm cảnh nhất như là vậy. Còn nếu tâm dính với cảnh, chạy theo cảnh là đi lệch với tinh thần của người tu rồi. Luôn phát được sự sáng suốt của mình, làm thế nào tâm là chủ, không để cảnh kéo lôi, đó mới là người có trí tuệ sáng suốt. Người thanh tịnh giải thoát là người không bị cảnh kéo lôi, không bị vọng tưởng chi phôi, chớ không có gì hơn.

Từ hướng tâm đắc đó, ta tạo niềm vui, tạo sinh khí trên đường Phật đạo. Đức Phật nói rằng: “Tất cả chúng sanh là Phật sẽ thành” nên ta tin chắc rằng mình sẽ thành Phật. Thành Phật trong từng phút giây hiện tại chứ không đợi không hẹn đến khi nào cả. Như vậy chúng ta đều có thể thực hiện được những gì mình tâm đắc nếu có niềm tin và sự quyết tâm. Nên biết nếu trí tuệ vắng mặt thì điều ta tâm đắc cũng rất dễ lung lay và khó trở thành hiện thực. Lúc đó trong lòng ta xáo trộn, bất an, ngổn ngang trăm mối. Người tu mà để trong lòng ngổn ngang trăm mối thì làm sao tu được? Con đường Phật đạo rất dài, chúng ta không đem hết tâm lực thực hiện những gì mình tâm đắc, làm người cho ra người còn không xong, nói gì đến làm Phật?

Ai cũng muốn thành Phật nhưng tu thì cứ từ từ, chút chút vậy thôi. Bây giờ chúng ta nên nghiêm túc đặt lại vấn đề, nghiệm xem những gì mình tâm đắc, chuẩn bị tinh thần thực hiện điều ấy, thì chắc chắn con đường Phật đạo chúng ta sẽ thành tựu. Có người cho rằng phải là hàng căn cơ sâu dày, đạo hạnh vững vàng, nhân duyên thuận lợi mới thực hiện được điều ấy. Không hẳn như vậy đâu. Ở đây cần đến sự tỉnh giác nhiều hơn, tỉnh trong mọi việc. Nghe người ta chưởi cũng tỉnh, nghe người ta khen cũng tỉnh, gặp việc buồn cũng tỉnh, gặp việc vui cũng tỉnh v.v… Tỉnh giác tức là mở cửa trí tuệ.

Người tỉnh thức là người trí tuệ. Ngược lại là si mê. Nghe người ta chưởi mình chưởi lại thì hết tỉnh rồi. Nghe người ta khen mình thấy thích quá, dù việc làm của mình chưa hoàn bị, thì cũng hết tỉnh. Hết tỉnh sẽ dẫn đến làm bậy, hậu quả không tốt về sau. Cho nên người Phật tử cần phải tỉnh. Chúng ta đã chọn con đường đạo, con đường Phật và Bồ-tát đi, con đường của những vị tu hành đi, tức là mình đã có căn cơ, đã có duyên lành nên cứ theo hướng ấy mà phát triển lên, không chần chừ hay nghi ngại gì cả. Theo khả năng của mình, từng bước chúng ta vận dụng trí tuệ, đừng dính mắc bên ngoài thì tự nhiên tâm an ổn thôi.

Trong thiền môn có nhiều hình ảnh để chúng ta tâm đắc lắm. Như hồi xưa trong cuộc kháng chiến tầm vông vạc nhọn, mọi người đều đứng lên chống ngoại xâm. Có vị tăng nọ với nhiệt huyết và lòng yêu nước của một người thanh niên, nên đã cởi cà sa khoác chiến bào xông pha chiến trận, đánh đuổi ngoại xâm. Thời gian sau đó, nhân dịp đi công tác ngang qua ngôi chùa cổ trong làng cũ của mình, nghe tiếng chuông chùa buổi khuya, vị ấy tỉnh liền. Bấy giờ nhớ lại mình đã đi tu, phát tâm giữ giới, tu hành giải thoát, nhưng hiện nay chẳng qua vì lý tưởng, vì dân tộc mà phải làm công tác này. Bỗng nhiên từ đó vị ấy thích được công tác gần ngôi chùa cũ để có thể nghe lại tiếng chuông tiếng mõ và thỉnh thoảng gặp các thầy nghe pháp. Không lâu sau, khi công tác tạm ổn, vị đó xin được trở lại con đường cũ, trở lại nếp nâu sòng ngày xưa. Công việc tích cực bây giờ là đánh dẹp giặc phiền não tham sân si, yêu nước là yêu tất cả chúng sanh. Vị ấy phấn đấu tu tập và từng bước thành công trên con đường của mình. Đó là một vấn đề tâm đắc.

Người con Phật nên tâm đắc những gì thích hợp với việc tu tập của mình, hạn chế những tâm đắc theo thế gian. Muốn sống được với đạo, phải tỉnh thức từ các công việc bình thường. Nhà thiền có câu “tâm bình thường là đạo”. Ngài Đại Châu Huệ Hải nói chúng ta khi ăn nghĩ trăm thứ nên ăn không ngon, đến khi ngủ lo trăm việc nên ngủ không được. Ăn không ngon ngủ không được thì thân thể gầy yếu, bệnh tật phát sinh, chướng ngại phiền não theo đó ngày càng nhiều. Tóm lại, tất cả đều từ tâm không bình thường mà ra vậy.

Thiền là tâm bình thường. Cho nên người tu Thiền phải giữ tâm bình thường. Đối với tất cả các việc đều bình thường, không có gì quan trọng hết. Đến chết còn không sợ thì quan trọng việc gì nữa. Thật sự là vậy. Nhưng muốn đạt được thế, cũng trăm cay ngàn đắng chứ không phải dễ đâu. Tuy nhiên nếu quyết tâm chúng ta vẫn có thể làm được. Đối với các pháp đừng bị lầm, đừng để tâm mống khởi chạy theo thì sẽ giữ được tâm bình thường.

Vấn đề cố chấp chướng ngại việc tu hành rất lớn. Nhìn cái gì cũng phải thế này thế kia, không như vậy không được. Chúng ta tu thiền dứt khoát phải buông bỏ cố chấp. Nếu còn kẹt, còn dính bất cứ thứ gì, dù nhỏ nhiệm đến mấy cũng khổ cả. Sống tùy phước, tùy duyên, hết lòng lo lắng cho mọi người nhưng không mong cầu gì cả thì sẽ không đau khổ. Đó là chúng ta tự tại trước được mất buồn vui của cuộc đời, còn gì vui thích bằng. Cho nên đừng bao giờ quyết định phải thế này, thế nọ thì không bao giờ chúng ta bị thất vọng. Rõ ràng người không cố chấp sẽ được an vui ngay trong đời sống hiện tại.

Tôi nhớ một câu chuyện thế này. Ngày xưa có một vị vua rất độc đoán, tức là cố chấp nặng nề. Hôm nọ, nhân ra ngoại thành ông thấy gai góc, miểng chai đầy đường nên nghĩ rằng mọi người tất sẽ bị chúng đâm chảy máu. Về triều ông ban bố sắc lệnh phải trải thảm nhung trên tất cả mọi nẻo đường, từ thành thị đến thôn quê. Nghe tin này, người giàu sang thì vui thích nhưng những tay bần cố nông thì không biết phải đi đứng làm sao. Thử tưởng tượng mấy cặp chân từ dưới ruộng lội lên thảm nhung thì sẽ thế nào. Mọi người bàn tán xôn xao, nhưng lệnh vua ban xuống không ai dám hó hé lời nào. Bấy giờ trong triều có một vị đại quan cũng rất bối rối với sắc lệnh này, không biết làm thế nào để can nhà vua. Cuối cùng ông cũng có cách. Một hôm, ông vào triều tâu:

- Tâu Bệ hạ, thần trộm nghĩ sắc lệnh vừa mới ban hành của Bệ hạ quả thật là hay. Nhưng xem lại trong quốc khố và tình hình trong nước ta thì còn nhiều việc phải làm lắm. Nào là nhân dân đói khổ, bệnh dịch, thiên tai v.v… Tuy nhiên để có thể thực hiện được thánh ý của Ngài, thần xin Bệ hạ phát cho mỗi người dân trong nước một đôi dép nhung, ai muốn mang thì mang, không muốn thì thôi. Gai có đâm là tại họ chứ không phải do Bệ hạ không thương dân. Như vậy vừa tiết kiệm quốc khố, vừa tiện lợi cho mọi người.

Ông vua nghe được, liền gật đầu khen hay và đổi chiếu chỉ. Ai nấy cũng vui mừng vì được tự do đi lại theo sở thích của mình, mọi người đều khen ngợi nhà vua anh minh trí tuệ. Từ đó quốc vương không còn cho ý nghĩ của mình là hoàn toàn đúng nữa. Nhờ thế ông bỏ được bệnh cố chấp.

Chúng ta cũng vậy, làm sao cởi mở tất cả, đừng cố chấp gì hết. Người tu nếu không khéo, làm thầy rất dễ cố chấp. Bởi là thầy nên đối với đệ tử, học trò mình bắt buộc cái gì nó cũng phải theo mình hết. Trong gia đình cũng thế, cha mẹ đặt định con cái phải nghe theo, không nghe là bất hiếu. Điều này với bây giờ, e rằng xưa rồi thưa quí vị.

Nếu việc có đạo lý, bắt con cái hay đệ tử nghe là tốt. Nhưng với những điều mà thế hệ bây giờ cách xa thế hệ ngày trước thì cái thấy của mình là cái thấy của bảy tám mươi năm về trước, so với trào lưu tiến hóa hiện đại lệch nhau quá chừng. Như vậy mà bắt nó theo mình thì thật là vô lý. Nếu ta nhất định bắt chúng theo mình thì hậu quả chẳng những chúng không theo mà ngược lại có khi chúng sẽ nổi loạn lên. Thế là từ những bất mãn trong gia đình, chúng tìm bạn bè để giải khuây, rồi hư hỏng sa đọa, gây khổ cho bản thân chúng và mọi người chung quanh. Nguyên nhân đầu tiên cũng do mình không khéo, cố chấp.

Cuộc sống tùy duyên của người tu hành thật thích thú biết chừng nào. Tạo được cuộc sống tùy duyên cho chính mình thì thấy mọi việc đều an ổn. Nói sắp đặt nhưng thật ra chúng ta không sắp đặt được gì trước cho mình hết. Chỉ có tùy duyên, không chủ quan, không cố định là biết sống nhất. Điều này rất thích hợp với tinh thần Bát-nhã. Bát-nhã chủ trương các pháp không cố định mà luôn chuyển hóa tùy duyên. Do thế mình tu mới thành Phật, nếu không thì mình là chúng sanh hoài thôi. Từ tinh thần này mà chúng ta phấn khởi tu tập.

Tất cả chúng ta đều có trí tuệ Bát-nhã, nhưng chưa phát huy hết được là vì thiếu sự tập trung. Chúng ta không có sự định tĩnh, còn bị kẹt nhiều quá đi. Con mắt cứ quen ngó ra, không chịu ngó vô, đó là nỗi khổ lớn của chúng ta. Bây giờ tu hành thì phải sửa lại, biết buông xả, biết khắc phục những điểm xấu dở của mình. Chúng ta không nên trách những người có tội lỗi, chỉ nên trách những người có tội lỗi mà không biết sửa đổi. Nếu người có tội lỗi mà cố gắng khắc phục, cố gắng tiến lên, những người ấy là những người đáng khen. Chúng ta nên gần gũi khuyến khích động viên họ nhiều hơn. Được vậy chắc chắn họ sẽ đi hết đoạn đường còn lại một cách tốt đẹp.

Người con Phật phải hiểu lý nhân quả và nhân duyên. Cuộc sống hiện đời đều do những nghiệp nhân quá khứ của chính mình mà ra. Do nghiệp tạo tác của chính mình từ đời trước hoặc một giai đoạn nào đó trong cuộc đời này, bây giờ hậu quả đến chúng ta sẵn sàng chấp nhận. Hiểu được như vậy sẽ sống dễ dàng với mọi hoàn cảnh. Vui vẻ trả nợ cũ, đồng thời đầu tư nhân mới. Đó là gì ? Là đừng nghĩ xấu, đừng nói bậy, đừng làm sai trái. Được vậy, nhất định cuộc sống hiện đời và đời sau sẽ được bình an vui vẻ.

Đời sống có khó khăn nhưng đạo lý Phật dạy đâu có khó khăn. Phật nói tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, tất cả chúng sanh đều có trí tuệ Như Lai. Vì vậy không một lý do làm chúng ta buồn phiền bỏ đạo, bỏ đi gốc Phật nơi chính mình. Điều quan trọng của người tu là phải gan dạ, phải sáng suốt biết việc nào nên làm, việc nào không nên làm. Việc cần làm phải làm ngay, không chần chừ, không nên hẹn. Việc không nên làm thì bỏ đi, không dụ dự. Nhất là việc tu tập, đừng nói rằng bây giờ mình còn khỏe, thôi kệ, ít năm nữa tu cũng đâu có muộn. Bởi vì vô thường không bảo đảm mạng sống dài lâu. Một luồng gió độc thổi tới cũng đủ mất mạng rồi. Hoặc sơ ý trợt té một chút là gãy chân. Chỉ trong chốc lát thôi mà đạo nghiệp thay đổi khó lường.

Người tu kỵ nhất là để đạo tâm lui sụt. Đạo tâm lui sụt thì việc tu hành không tiến. Tu hành không tiến nên tìm đến những người bạn không tốt và cuối cùng thì xin xuất viện. Điều này thật ra không ai cứu gỡ cho mình được hết. Bởi tự mình bày ra rồi tự mình xa thầy xa bạn, tự mình chối bỏ sự quan tâm lo lắng, hướng dẫn của thiện hữu tri thức. Đó là tôi nói những kinh nghiệm nội tại của chính chúng tôi.

Chúng ta nếu tin lời Phật dạy, áp dụng vào đời sống tu tập của mình thì nhất sẽ được kết quả tốt. Đó là sự thanh tịnh, giải thoát, an lạc trong tâm ta chứ không gì khác. Những niềm vui, những lợi lạc đó không thể đánh đổi bằng bất cứ thứ gì của thế gian. Bởi không đánh đổi được nên hồi xưa vị Giáo chủ của chúng ta đã từ bỏ cung vàng điện ngọc để tìm cho ra nguồn an vui tự tại giải thoát ấy. Cái đó đang sẵn có nơi mỗi chúng ta.

Mọi người đều có hạt ngọc vô giá trong chéo áo mà tự không hay biết nên thành nghèo đói đó thôi. Phật nói tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật, đều có đức tướng trí tuệ của Như Lai. Thế nên không lý do gì chúng ta phải cực nhọc chạy vạy tranh đua, để rồi gây nghiệp với nhau, vay trả trả vay đời đời kiếp kiếp ở trong luân hồi sanh tử.

Cuộc luân hồi sanh tử này chẳng qua chỉ là một trường sân khấu. Dù ta có là một nhạc sĩ hay nhất, một triết gia lỗi lạc đi chăng nữa rồi thì cũng mãn tuồng, đâu trở về đấy. Nhà Phật thường nói các pháp tánh Không là đây vậy. Cuộc sống của con người nào danh vọng, tiền tài, sắc đẹp… tất cả những thứ đó, Phật nói đều là trò đùa, đều là mộng ảo. Chỉ có tâm chân thật thanh tịnh của chính mình là miên viễn, không chợt sanh chợt diệt. Nếu biết nương vào tâm đó thì ta có chỗ tựa vững vàng nhất để chấm dứt dòng sanh tử khổ đau.

Vì vậy người tu cần có chỗ tâm đắc để thăng tiến trong công phu tu tập. Ví như ta có đủ điều kiện để xây dựng một ngôi nhà như vật liệu, thợ thầy, tài chánh đầy đủ, thì còn chần chừ gì nữa mà không tiến hành ngay. Việc tu tập cũng thế. Phật nói mình đã có viên ngọc quí báu, có khả năng thành Phật, có trí tuệ đức tướng của Như Lai, thì tại sao ta không chịu khai thác ngay bây giờ. Tại sao không nghe lời Phật nhận lại cái sẵn có muôn đời của mình, để ta được giàu có, hết khổ, an vui. Chúng ta lại bỏ cái quý báu này, chạy ngược chạy xuôi tìm cầu từng chút từng li bên ngoài, rốt lại tay trắng vẫn hoàn trắng tay. Tại sao lại như vậy ? Nên buồn là buồn như vậy, lo là lo như vậy, chứ không phải buồn lo mình không có phần sẵn.

Tôi hy vọng tất cả chúng ta đều có thể sắp đặt và đạt được những gì mình tâm đắc, để có thể hưởng được pháp lạc thanh tịnh giải thoát như Phật và chư Bồ-tát. Đường chúng ta đi, chỗ chúng ta đến nhất định là phải như vậy. Chúc toàn thể quý vị thành công trong đạo nghiệp của mình.

[ Quay lại ]