headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 29/03/2024 - Ngày 20 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Sống được với tánh giác

 Buổi sinh hoạt hôm nay, chúng ta sẽ bàn về ba vấn đề. Một là sống với tánh giác, hai là không theo sáu trần và ba là thể nhập. Trước nhất tôi nói về tánh giác. Tánh giác là gì ? Tánh giác tức là chân tánh, là bản giác. Chân tánh tức chỉ cho tánh chân thật của mình, bản giác tức tánh giác sẵn có nơi mình. Chân tánh, bản giác hay tánh giác này còn gọi là Phật tánh, tức là tánh Phật của chúng ta.
 

Như vậy mỗi người đều có tánh giác này, đều có khả năng thành Phật. Nhưng tại sao chúng ta chưa làm Phật ? Vì vô minh che lấp. Cho nên việc quan trọng trước mắt là, làm sao chúng ta phải phủi sạch lớp vô minh ấy đi, để nhận lại sống lại được với chủng tánh sẵn có này.
Muốn vậy chúng ta phải biết nó ở đâu, thế nào, làm sao nhận lại và sống được với nó ? Mặc dù nó là của mình, nhưng từ lâu chúng ta không dùng tới, quay lưng với nó, thành ra giống như chưa hề quen biết nó. Như ta gặp người thân mà chưa hề biết mặt, đương nhiên phải ngỡ ngàng. Tánh giác cũng vậy, xưa nay mình chưa từng gặp và sống được với nó nên có lúc nó đối diện mà mình cũng không biết.
Giác tức là không mê, chữ giác có nghĩa là biết, là sáng, là trí tuệ. Nói Phật tánh, chủng Phật hay tánh giác tức là nói sự giác ngộ sẵn có nơi mình. Bây giờ muốn được làm Phật, muốn thoát khổ, muốn được giải thoát an vui thì yêu cầu duy nhất là phải giác ngộ. Giác ngộ tánh giác của mình, nhận lại cái sẵn có nơi mình. Nó là của mình, tại sao phải nhận lại ? Vì từ lâu chúng ta quay lưng, bỏ quên, không dùng đến nên bây giờ phải nhận lại. Nhận lại từ chính mình, chứ không phải nhận lại từ người khác.
Ngoài ra Phật tánh còn gọi là tâm địa. Tâm địa là đất tâm. Đã là của báu sẵn có trong nhà mà còn chạy tìm cầu bên ngoài, thì thật chẳng phải người sáng. Chỉ cần chúng ta đừng quay lưng, đừng mê tâm mình là nhận được tánh giác.
Mê tánh giác tức bỏ quên tánh giác của mình, lầm nhận những cái giả bên ngoài, chạy theo những lăng xăng bên trong, rồi nhận nó là tâm mình. Chính chỗ này chư Phật, Bồ-tát nói chúng ta điên đảo, vọng tưởng. Do vọng tưởng nên lăng xăng ngược xuôi, bị các cảnh bên ngoài cuốn trôi. Giờ đây, chúng ta tỉnh táo nhìn lại để nhận và sống với tâm chân thật của mình gọi là giác. Giác tức là tu. Tu như thế gọi là tu trực chỉ. Vì tu từ tâm, từ tánh giác của mình. Tu như thế không cần phương tiện, chỉ đừng quên cái thấy nghe hiểu biết sẵn có nơi mình, mà không cần lệ thuộc ngoại cảnh.
Như bây giờ chúng ta ngồi, bên trong không có một niệm nào dấy khởi, bên ngoài không có một sự kiện nào tấn công, không một quá khứ, một tương lai và một hiện tại nào có thể dẫn kéo chúng ta. Với tinh thần đó, chúng ta đang hưởng, đang sống, đang không mê tánh giác của mình ngay trong giây phút hiện thực. Ngược lại, nếu có một sự kiện trong quá khứ, hoặc tương lai khởi lên, chúng ta chạy theo, đó là quên tánh giác.
Bây giờ muốn đừng quên tánh giác thì bất cứ niệm nào trong hiện tại khởi lên, thôi! Vừa có những chuyện quá khứ tràn tới, thôi ! Những tơ tưởng tương lai ùa về, thôi ! Được vậy chúng ta sẽ an ổn, sẽ sống tỉnh giác, nghĩa là sống được với tánh giác của chính mình. Cách tu này không phải hao hơi tổn sức, không bắt buộc phải ngồi, phải quỳ hay lệ thuộc vào bất cứ hình thức nào. Mà trong mọi sinh hoạt, trong mọi thời điểm, đứng, đi, nói năng, làm việc chúng ta đều có thể áp dụng để sống được với tánh giác, với tâm địa của mình.
Làm việc mà không bị ràng buộc bởi bất cứ một việc làm nào thì quả là khó chứ không phải dễ. Khó vì thói quen của chúng ta là chuyên bươi móc chuyện quá khứ, tính toán chuyện tương lai và trong hiện tại không lúc nào chịu yên. Cho nên không một phút giây được bình an. Luôn cả giấc ngủ, miếng ăn, lúc nào mình cũng bị quá khứ kéo lôi, tương lai dẫn dắt và hiện tại thì bức xúc, bất an, phiền não. Đó là lý do chúng ta không nhận được tánh giác, không biết tâm là gì ? Vì vậy chúng ta như một tên nài ngồi trên lưng ngựa, từng đoạn, từng phút, từng giây dồn dập phi nước đại.
Những bất an bất ổn này làm chúng ta không nhận ra tánh giác, không sống được với chính mình. Đó là nỗi khổ lớn. Chính từ những thứ đó, mà ta gây tạo biết bao nghiệp nhân không tốt nên gặt quả báo không tốt. Nhưng khi gặp quả không tốt mình lại uất hận, rồi tiếp tục gây tạo nhân không tốt nữa để chuốc quả xấu hơn nữa. Một vòng luẩn quẩn, đau khổ nối tiếp đau khổ.
Đã quên tánh giác thì khi nào chúng ta mới thực giải thoát, thực an vui ? Dù mỗi ngày cầu Phật bao nhiêu lần, mà không dừng vọng tưởng, không dừng tạo nghiệp, không nhớ tánh giác của mình thì cầu Phật có ích gì? Cho nên cách tu hành thẳng tắt nhất, chính là đừng quên mình. Chỉ cần đừng quên là được. Chúng ta bày ra chùa chiền và vô số phương tiện cốt giúp mình đừng quên tánh giác. Mỗi khi nhìn hình ảnh của Phật, Bồ-tát, chúng ta nhớ lại tánh giác. Nhìn vào bất cứ một pháp khí nào, một sự kiện nào trước mắt, như đầu tròn áo vuông, ăn uống chay lạt… cũng chỉ để nhắc nhở chúng ta đừng quên tánh giác. Đó là việc chính yếu quan trọng của người tu. Tu làm sao để sống lại được với tâm địa của mình mới thật là tu, mới thật hết khổ.
Ngộ được tánh giác là tuệ, tu được tánh giác là định, định tuệ gồm đủ là thiền. Chúng ta biết mình có Phật tánh, có sự sáng suốt là tuệ. Luôn nhớ huân tập, không quên tánh giác là định. Định tuệ hiện tiền là thiền. Không phải mỗi ngày tréo chân ngồi hai ba tiếng, hoặc tối tụng một hai thời kinh là thiền. Đó chỉ là phương tiện phụ trợ, mà thiền là ngay trong mọi sinh hoạt, đừng quên tánh giác của mình.
Tóm lại, tu là không bị kéo lôi, luôn luôn sống được với tánh giác của mình. Tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền, làm phước, bố thí, cúng dường, học hỏi Phật pháp v.v… tất cả những thứ này chỉ là những phương tiện bổ sung cho cách tu của chúng ta. Bởi vì dù có đọc trăm ngàn bộ kinh chăng nữa, mà vọng tưởng nào mình cũng chạy theo, thì không có kinh điển chi kéo lại được, cũng không có vị Bồ-tát nào chận lại dùm. Chỉ không chạy theo vọng tưởng nữa thì tánh giác hiển bày. Đó là một năng lực được phát huy từ trí tuệ của chúng ta.
Một khi chúng ta nhận ra và tu được, thì lập tức hết khổ. Vì ta tu ngay gốc, không qua một khoảng, một nhịp nào, ngay chỗ khổ đó chuyển hóa được gọi là tu thẳng tắt. Đây chính là thiền vậy. Nhận ra nơi mình sẵn có chân tánh bản giác gọi là tuệ. Y đó tu hành, lặng vọng tưởng, tâm nhất như gọi là định, có định có tuệ gọi là thiền. Đây là cách nói thứ hai về thiền.
Hòa thượng Viện trưởng thường dạy chúng ta nên nhớ tánh giác của mình, đừng quên, đừng chạy theo vọng tưởng bên ngoài, tức là có trí tuệ. Từ chỗ không chạy theo vọng tưởng, buông bỏ tất cả những loạn tưởng điên đảo, tâm lặng yên thanh tịnh thì tánh giác hiện bày. Đó là tu Thiền. Người sống ngay trong đời này mà đủ thiền, đủ định, đủ tuệ như vậy là người giải thoát rồi. Bởi vì giải thoát là không bị ràng buộc, không bị cột trói với bất cứ đối tượng hay hiện tượng nào.
Từ chỗ này chúng ta hiểu được ý nghĩa các bức tranh họa hình tượng các vị Bồ-tát thân tướng to lớn đứng trên cành sen bé nhỏ hoặc như Tổ Đạt Ma đứng trên cành lau vượt biển. Thân đó không phải là thân giả tạm nặng nề vật chất này, mà đó là thân biểu tượng cho tánh giác hay chân tâm của mình. Phải thấy chỗ này chúng ta mới hiểu được thâm ý qua các hình tượng Phật và Bồ-tát.
Giờ thêm một vấn đề nữa. Đạt được cội nguồn là thiền lí, quên mọi nghĩ tưởng, khế hội là thiền hạnh. Quên chân hợp trần gọi là tán loạn. Trái trần hợp chân gọi là thiền định. Đây là những sự kiện thông thường nằm trong pháp tu, giúp người Phật tử chúng ta dễ nhận dễ hành. Đối với pháp tu, nếu người không bị những nghĩ tưởng lăng xăng kéo lôi, gọi là người được thiền hạnh hay thiền định. Không nhất thiết phải ngồi thiền một ngày bao nhiêu thời hoặc một thời bao nhiêu giờ, chỉ cần ta không bị kéo lôi, không bị mắc mứu, không bị đắm trước bởi những vọng tưởng, những sự kiện lăng xăng trước mắt, đó là chúng ta có thiền hạnh, có định tỉnh hay có thiền định.
Việc tu hành tuy khó, tuy nhiên một khi đã quyết tâm chúng ta sẽ thực hiện được. Như thái tử Tất Đạt Đa xuất thân từ giai cấp hoàng tộc, qua những cảm nhận bất ổn và đau khổ về con người, về cuộc sống, Ngài đã từ bỏ sự giàu sang tột đỉnh, sống đời khổ hạnh gian nan cùng cực, tu tập thiền định cho đến khi đạt được giác ngộ hoàn toàn và thành Phật. Ngài đã sống được với trí tuệ, với tánh giác của mình. Từ đó Ngài nhận ra thực chất của tất cả muôn pháp cho đến con người đều không thật. Càng có tâm ôm giữ nhiều chừng nào càng gây thêm nhiều nghiệp nhân khổ sở chừng ấy.
Con đường luân hồi giống như vòng tròn, quay lên tuột xuống, trả quả rồi gây nhân, gây nhân rồi trả quả, xoay vần như thế mãi. Phật nói chúng sanh luân hồi sinh tử vô lượng vô biên, không đếm được thời gian. Chỉ khi tâm dừng lặng, hoàn toàn yên lắng, mới ngừng được nhân khổ đau. Chúng ta chưa tu khổ hạnh được như Phật, nhưng có thể tập buông bỏ dần. Bởi vì mình biết rõ rằng, những gì ta cố ôm giữ, một lúc nào đó chúng không phụ mình thì mình cũng phải bỏ chúng mà đi.
Bây giờ cố gắng phát huy, cố gắng sống lại với bản tánh chân thật chúng ta đã bỏ quên từ lâu. Sống được với tánh giác thì tâm bình thản, không bị mắc mứu, không bị kéo lôi bởi tất cả những thứ giả tạm. Đã biết cái đó nguy hiểm, sẽ mất đi mà muốn ôm giữ mãi, thì quả thật là người không sáng suốt.
Thường trong đời, nỗi mất mát lớn lao đau đớn nhất chính là mất người mình thương. Chẳng hạn đứa con của mình, cái gì của nó mình cũng yêu thích vừa ý. Mắt, miệng, bộ dáng… mỗi mỗi đều dễ thương. Nó là đứa con duy nhất không bao giờ mình muốn xa rời. Đùng một cái nó chết! Thế là hết, ta cũng chẳng còn muốn sống nữa. Nỗi khổ ập đến nhiều khi người ta có cảm tưởng như không chịu đựng nổi.
Trong kinh kể câu chuyện của một bà mẹ mất con vào thời đức Phật còn tại thế. Bà đã đau khổ, rên xiết ôm xác đứa con bà thương yêu nhất chạy khắp nơi để tìm người cứu sống nó lại. Chạy mãi vẫn không ai có thể cứu được. Rồi bà nghe đến danh hiệu đức Phật, nên đã tìm đến van xin đức Phật cứu lấy con bà. Bấy giờ Phật bảo nếu bà tìm được chút tro tàn của một gia đình từ xưa đến nay chưa hề có người chết, đem về thì Ngài sẽ cứu cho. Mừng quá, bà ôm xác con tất tả ngược xuôi cùng làng cuối xóm, cuối cùng bà thất thểu trở về thưa với Phật: Bạch Thế Tôn, chẳng có gia đình nào từ xưa đến nay không có người thân chết cả.
Đức Phật từ bi an ủi, đây là nỗi khổ chung không phải của riêng bà. Bất cứ điều gì, sự việc gì khi đã hết duyên, thì phải tan rã, không thể níu kéo lại được. Còn duyên thì hợp, hết duyên thì tan, có sinh ắt có tử, đó là lẽ thường của cuộc đời. Chúng ta gặp gỡ nhau chẳng qua do nghiệp duyên quả báo nhiều đời trước. Dài ngắn đều có mối tương quan nhân quả trong đó cả. Hoặc cha mẹ nợ con hoặc con nợ cha mẹ, vay trả hết rồi thì thôi, đâu thể đòi thêm nữa.
Phật giải thích xong, bà nhận ra chân lý trên đời này mọi sự đều bị vô thường chi phối. Đó là sự đổi thay liên tục không dừng nghỉ. Cái gì có hình thì có hoại, có hợp thì có tan, có sanh thì có tử. Nhưng con người lại không chấp nhận như thế, muốn sanh mà đừng chết, muốn hợp đừng tan, muốn vui đừng khổ… Nói chung là muốn gìn giữ những gì thuận theo ý mình. Nuôi dưỡng những thứ không thể giữ được, nên rồi chúng mất mát mình thấy đau khổ.
Hiểu rõ lý vô thường, tinh thần tu hành của chúng ta sẽ được cũng cố. Vì không ai mất thì giờ để bảo vệ gìn giữ những thứ chắc chắn sẽ mất mát. Nói thế không có nghĩa ta hủy hoại chúng. Nếu là người sáng suốt, sẽ dùng những thứ đó để thực hiện mục đích lớn của mình. Như thân này chẳng hạn, không biết sống chết lúc nào, người ta thường nói: “Dép dưới giường lên giường vội biệt, sống ngày nay dễ biết ngày mai”. Nghiệm lại thì thấy rõ ràng như vậy. Đâu có gì bảo đảm mình lên giường rồi sẽ đặt chân trở lại đôi dép nữa. Nhiều người nằm đó, rồi đi luôn, không thèm nói với ai, tới sáng kêu cửa thì đã đi rồi. Nên sống ngày nay đâu thể biết ngày mai.
Vậy mà chúng ta vẫn bình thản, vẫn vui chơi tạo nghiệp, không hề lo nghĩ, không hề sắp đặt tư lương cho lúc ra đi thế nào. Phật nói chúng sanh si mê là vì vậy.
Đến vấn đề thứ hai là không chạy theo sáu trần. Đây là nguyên tắc của việc tu hành. Một khi nói tu là không chạy theo sáu trần, tu là định tuệ phải hiện tiền. Phải biết đối với sáu trần mà mình khởi tâm dấy niệm, lao theo nó tức là đã đi sai đường lối tu hành. Vì dấy niệm chạy theo tức tâm tán loạn, tán loạn thì không định. Không định thì nói gì đến tuệ và định tuệ hiện tiền. Còn khi tiếp xúc với sáu trần mà tâm bình thản an nhiên, đó là tâm có định.
Sáu trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Sáu thứ này chúng ta tiếp xúc trong sinh hoạt hàng ngày. Sắc là sắc chất mắt nhìn thấy được. Thanh là âm thanh tai nghe được. Hương là các mùi thơm hôi mũi ngửi được. Vị là những vị mặn lạt chua cay… lưỡi nếm được. Xúc là những xúc chạm thân cảm nhận được. Pháp là bóng dáng của các trần trước rơi vào tâm thức ý tiếp xúc được. Kiểm lại trong sinh hoạt đời thường của chúng ta, có phút giây nào mình không chạy theo, không vướng mắc với sáu trần không ? Rõ ràng chúng ta vướng mắc đủ thứ. Không chạy theo sắc thì chạy theo thanh, không chạy theo thanh thì chạy theo hương, vô vàn thứ như thế.
Vì vậy Phật nói chúng sanh điên đảo si mê. Si mê tức không làm chủ, không nhận ra được tâm địa hay tánh giác của mình. Do đó bị trần cảnh bên ngoài như màu sắc, âm thanh, hương vị, xúc chạm làm điên đảo. Điên đảo vì chúng ta không thấy các pháp đúng bản chất của nó, mà khi thấy liền phân tích cái này đẹp, cái kia xấu, cái này dễ thương, cái kia dễ ghét. Đã thấy đẹp thấy dễ thương thì muốn ôm giữ về mình, còn thứ gì xấu dễ ghét thì tìm cách loại đi. Bao nhiêu đó cũng đủ để tạo nghiệp nhân không tốt, tránh sao được nghiệp quả không tốt.
Bây giờ làm sao để không chạy theo sáu trần? Đây là vấn đề chính yếu của việc tu hành. Chúng ta thường đọc tụng liên tục “không chạy theo sáu trần” mà không biết áp dụng thế nào, mới gọi là không chạy theo. Để rồi chuyện “chạy theo” xảy ra trong tương giao đời sống hằng ngày của mình trở thành chuyện bình thường, chuyện đương nhiên. Thành ra nói tu mà thực chất đạt được thì không bao nhiêu.
Như hôm qua đi ngang tiệm cơm, nghe mùi gì dễ chịu quá, về nhà bảo mấy đứa nhỏ ra chợ mua về làm cho giống như vậy. Hoặc thấy ai mặc cái áo đẹp, hỏi thứ đó mua ở đâu? Nếu là tận bên Mỹ thì dặn con cháu hay chị em, mai mốt có về nhớ đem nhiều nhiều. Cứ vậy mà tiếp diễn mãi. Người ta không an lòng với những thứ nhỏ nhặt, những vọng tưởng điên đảo như vậy. Mùi thơm bay qua thì bay, có can dự gì đến mình, cái áo đẹp thì kệ nó đâu có gì dính dáng đến ta. Ngửi thì ngửi, thấy thì thấy, không khởi nghĩ gì thì tu được. ngược lại để cho chuyện này nối tiếp chuyện kia, không bao giờ dừngthì không bao giờ tu được. Không dừng, không tu được trong những cái thường tình như vậy, thì chừng nào mới tu, chừng nào mới dừng chạy theo sáu trần?
Cho nên vừa có một ý tưởng gì, một hình ảnh gì, một âm thanh gì dấy khởi, ta phải bỏ đi. Bỏ được tức không bị nó kéo lôi, tức an trụ trong chánh định. Vì biết nó không thật nên bỏ một cách dễ dàng, đó là tuệ. Đây chính là định tuệ song tu, hễ có định thì có tuệ, có tuệ thì có định. Định tuệ hiện tiền là thiền vậy. Nếu áp dụng được như thế là ta sống với tánh giác, với tâm chân thật của mình. Tâm chân thật là tâm sáng suốt, rỗng rang không vướng mắc.
Song ít người đạt được chỗ này, vì cứ cho những thứ như cảm thọ, suy nghĩ, phân biệt là tâm mình. Sống với những thứ như thế, nên tâm chân thật bị che lấp. Vì vậy trong mười hai giờ, lúc nào cũng bị tài sắc, danh vọng, tưởng tượng làm điên đảo. Phật nói chúng sanh điên đảo, vì nuôi giặc nuôi ma trong nhà. Giặc đánh mình, ma mê hoặc mình, làm sao không khổ.
Chỉ có người tu theo đạo Phật, định tuệ đầy đủ mới làm chủ được mình, không bị chúng kéo lôi. Sống được với tánh giác không bị hấp dẫn, không bị mê hoặc bởi những hiện tượng chung quanh. Thường trong cuộc sống, những gì mình bất bình, một khi đủ duyên, mình lại không làm chủ được. Vì chúng ta chưa phá trừ được gốc rễ nằm sâu bên trong. Cho nên chủng tử ấy đợi đủ duyên thì trổi dậy, danh từ chuyên môn gọi là tập khí.
Chẳng hạn người giỏi về âm nhạc, khi đi tu rồi không được chơi nhạc. Tuy bỏ nhưng hơi hướm âm nhạc vẫn còn, tồn đọng sâu trong tàng thức. Như một hôm nhân dịp chư Thiên thỉnh đức Phật lên Thiên giới dự lễ cúng dường. Phật cho các vị đại đệ tử như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Ca Diếp, Tu Bồ Đề, A Nan theo dự. Trong buổi lễ chư thiên trổi nhạc cúng dường. Nhạc trời thì vi diệu lắm. Đang buổi cúng dường, nhạc vừa trổi lên, ai cũng thấy thân ngài Ca Diếp tự nhiên dao động.
Tôn giả Ca Diếp là vị đại đệ tử của đức Phật, tu hành khổ hạnh bậc nhất, nhưng lại xảy ra hiện tượng như vậy. Mọi người thắc mắc trình lên đức Thế Tôn. Phật dạy: Ca Diếp có một quãng thời gian là vị nhạc sư nổi tiếng, rất giỏi về âm nhạc. Do chủng tử ấy còn tồn đọng nên tuy đã chứng Thánh quả, mà tập khí về âm nhạc vẫn ẩn tàng, nên khi có các loại âm thanh vi diệu xuất hiện, thì lập tức tập khí cũ bị kích động.
Chúng ta thấy việc tu rất khó, rất tế nhị, không phải chuyện đơn giản. Chúng ta ai cũng có những loại chủng tử ẩn tàng riêng, không ai giống ai. Người thì giỏi về ăn uống, người thì giỏi về thuốc thang, người thì giỏi về văn chương, người thì giỏi về tu tập… Ai có chủng tử nào sâu thì giỏi về cái đó. Nó ngủ ngầm bên trong, đợi đúng thời, đủ duyên, chủng tử ấy sẽ hiện ra. Khi nó bộc phát, nếu chúng ta không tỉnh, không có định tuệ thì dễ chạy theo ngay. Đến như các vị đại thánh, đã chứng quả mà bất giác còn bị chủng tử cũ làm dao động.
Chúng ta không những dao động mà còn vướng mắc không thoát được. Như chuyện mấy trăm vị tiên ở trên núi cao, mỗi ngày được vua mời thỉnh cúng dường. Các vị vận thần thông bay tới nhận lễ, xong bay trở về. Hôm đó nhà vua tổ chức cho các cung nữ vui chơi hát hò trong vườn. Mấy lão tiên nhân bay ngang nhìn thấy, cầm lòng không đậu liền mất thần thông rơi xuống cả loạt mấy trăm vị. Thật là tai họa!
Cứ mỗi lần bị âm thanh, sắc đẹp… làm mình rơi rớt, là một lần rước họa vào thân. Tai họa như thế thì tu chừng nào mới thành Phật? Lận đận, gian nan lắm. Nếu chúng ta không quyết tâm, không cố gắng thì khó dừng được những tai họa như thế.
Cuối cùng là vấn đề thể nhập. Thể nhập tức y cứ nơi tâm mà tu. Tâm này chính là tâm chân thật, là Phật tánh của mình. Dù tu giỏi hay dở, trễ hay sớm, chúng ta cũng căn cứ vào tâm này mà tu. Một Thiền sư đã dạy: “Một mảnh lụa trắng đi, mát rười rượi đi, lò hương miếu cổ đi, liền dứt được trói buộc, lìa phân biệt. Như si như ngốc, mới có phần tương ưng”.
Một mảnh lụa trắng đi, nghĩa là ta tu được như một mảnh lụa trắng, không dính các thứ nhơ tạp. Mát rười rượi đi tức là mát mẻ như hưởng được nước cam lồ của Bồ-tát Quan Thế Âm. Đó là loại nước không hờn, không giận, không chạy theo, không mắc mứu, không bực bội, không tức tối, không đặt thành bất cứ vấn đề gì đối với các pháp. Nên nhớ chúng ta như người khách nghỉ nhờ trong quán trọ. Đã là kẻ nghỉ nhờ, thì dù quán dơ hay sạch, cũng chỉ là nơi ta nghỉ nhờ rồi đi, có gì vướng bận ? Nếu thật sự nhận ra mọi thứ đều giả tạm, thân này là tạm, tâm này không thật thì còn gì để vướng mắc nữa!
Lò hương miếu cổ đi, nghĩa là lò hương trong miếu cổ tức lò hương tàn, nguội lạnh. Đây là nói lên một người đã nguội lạnh với cuộc đời, bình thản, không còn vướng mắc gì nữa, như ngu như ngơ trước mọi vấn đề. Người như vậy mới tu được, mới không chạy theo sáu trần, còn lanh lợi lăng xăng quá thì khó định, khó an tâm. Nói như ngu như ngơ là đối với chuyện thế gian không thèm quan tâm phân tích, chia chẻ, chứ không phải không biết gì cả. Ngu ngơ như thế mới an lạc giải thoát, mới thể nhập được tánh giác của mình. Không phải ngu ngơ kiểu mơ mơ màng màng không biết trời trăng mây nước gì hết. Kiểu đó thì ra đường có ngày mang họa đấy.
Tóm lại, chúng ta tu hành làm sao thứ nhất không bị kẹt vào hình thức, thứ hai trí giác phải phát triển, thứ ba không vướng mắc mọi cảnh duyên. Dù tu bất cứ pháp môn nào của Phật, không nhất thiết phải tu thiền, cũng đều phải đầy đủ những điều kiện như vậy. Trí tuệ luôn phát triển, không vướng mắc cảnh duyên, lúc nào cũng tỉnh táo tức là chúng ta tu đúng.
Tất cả những gì tôi đã lý giải ở trên, cốt làm sao cho tất cả chúng ta nhận ra được mình có tánh giác, có khả năng thành Phật, có trí tuệ như Phật. Phật là giác ngộ, là giải thoát, là từ bi, là trí tuệ. Cho nên, khi nào thấy mình không từ bi là biết ta đi ngược với Phật, thấy mình chưa giải thoát là biết ta tu chưa đúng, thấy mình chưa giác ngộ tức việc làm chưa xong, phải gắng sức thật nhiều. Có vậy thì công phu tu hành mới tăng tiến, mới mong sống được với tánh giác của mình.
 

[ Quay lại ]