headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 20/04/2024 - Ngày 12 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Sự thật là vậy

Tựa đề bài giảng hôm nay Sự thật là vậy, để nói lên những lợi lạc của người tu. Một khi chúng ta có công phu, khắc phục được những khuyết dở của mình thì sẽ chuyển xấu thành tốt. Đó là một sự thật không thể nghi ngờ.
Thường trong vấn đề tu hành chúng ta hay lo ngại, không biết mình nỗ lực như vậy có đúng không. Thật ra vấn đề này cũng không khó lắm, bởi chỉ cần nhìn thấy những thay đổi nơi mình, chúng ta có thể biết được việc tu tập đúng sai. Sự thật là vậy.

Trước nhất tôi nói đến vấn đề buông xả. Người hành thiền mà quá bận rộn, quá nhiều công việc thì làm sao tâm định tỉnh được. Cho nên trước nhất đừng để bị căng thẳng bởi công việc. Muốn vậy ta phải buông xả. Người căng thẳng nhiều sẽ rơi vào tình trạng khủng hoảng. Ngay cả đối với công phu tu hành, nếu căng thẳng quá cũng thành nguy hại, chứ không được lợi ích gì. Có kẻ bảo tu thiền điên, đó là vì người tu quá căng, tu sai, chứ không phải tu thiền điên. Nếu tu thiền điên thì Phật Tổ không thể nào giác ngộ giải thoát được.

Vì vậy chúng ta phải biết buông xả để giảm thiểu sự căng thẳng. Vừa thấy công phu căng thì phải buông ngay, xả liền. Một khi buông được sự căng thẳng, chúng ta sẽ thấy an lạc tức thì. Người Phật tử càng đi chùa, càng tu học, càng có công phu thì phải càng thoải mái, tươi tắn, vui vẻ mới đúng. Chớ tu càng lâu mà càng nhăn nhó, càng khó chịu thì ai mà dám đi chùa nữa. Tu như vậy chẳng những bản thân mình không được lợi lạc mà còn làm hại cho Phật pháp nữa. Người không tu nhìn vào sẽ mất niềm tin với những người tu Phật. Đó là một lỗi lớn.

Trong hoàn cảnh hôm nay, có rất nhiều việc phải đối đầu, nên dù muốn hay không chúng ta vẫn ít nhiều vướng kẹt trong đó. Với những duyên ấy, nếu không khéo thì việc tu của chúng ta chẳng đi tới đâu. Bởi ít khi nào mình chịu đặt vấn đề cụ thể. Nghĩa là xem xét những gì không cần thiết trong sinh hoạt, trong việc tu tập thì loại ra, bỏ đi. Đằng này thứ gì mình cũng muốn ôm giữ, không chịu buông, nên rồi tụng kinh, ngồi thiền, trì chú, làm các việc công đức v.v... nhưng chẳng có thứ nào giải quyết đem lại kết quả an lạc cho chúng ta.

Tu hành không có sự an lạc thì dễ thoái thất, dễ căng thẳng, trí lực không thể phát sinh. Trí lực không có thì không thể đả thông được những nghiệp tập phiền não tồn đọng trong tâm. Cho nên chúng sẽ tiếp tục sai sử, khiến cho chúng ta càng rối rắm hơn, càng căng thẳng hơn. Vì thế nhà Phật chủ trương phải phát huy và gìn giữ cho được trí lực của mình. Một khi trí lực vững vàng thì chúng ta sẽ giải quyết được tất cả mọi vấn đề.

Điểm thứ hai, là trong cuộc sống chúng ta thường đối đầu với sự nghịch lý. Nó làm cho mình khổ sở, điêu đứng không ít. Có câu: “Trăm điều mình muốn, chưa được một đôi điều như ý”. Nghĩa là, một trăm điều chúng ta tính toán sắp đặt, muốn được thành tựu tốt đẹp, thì họa hoằn lắm được năm ba điều tương đối mà thôi. Luôn luôn xảy ra những nghịch lý không tính trước được. Thế thì người hành thiền phải làm sao ? Chúng ta phải đủ nghị lực, phải định tỉnh để giải quyết những chướng duyên này. Chỉ có định tỉnh và nghị lực mới vượt qua được tất cả. 

Người làm chủ được mình, sống thanh thản, không thấy gì quan trọng, không rối trí hay động lòng trước mọi việc thì quả là phi thường. Chúng ta cứ nghiệm xem, có khi những chuyện bình thường mà mình phải mất thì giờ, đau đầu, tu không được. Mở mắt ra là thấy ngổn ngang trăm thứ. Càng lớn càng có nhiều liên hệ va chạm trong cuộc sống, nên càng gặp nhiều nghịch lý xảy ra. Chỉ cần một lời nói sơ suất, một ý nghĩ, một quan niệm không thông suốt của mình, là đã sanh sự đụng chạm rồi. Người có học đạo gặp những trường hợp ấy biết cách hóa giải thì đỡ phiền não, còn người không hiểu đạo nhất định là phải nhức đầu thôi. Vì vậy chúng ta phải biết buông xả để giảm thiểu sự căng thẳng. Vừa thấy công phu căng thì phải buông ngay, xả liền. Một khi buông được sự căng thẳng, chúng ta sẽ thấy an lạc tức thì.

Thế gian có câu “Vạn sự khởi đầu nan”. Người tu hành cũng vậy. Khó khăn thử thách là những yếu tố tất nhiên trong giai đoạn đầu. Quan trọng là làm sao mình đủ năng lực, đủ sức để hóa giải chúng. Ta muốn vui nhưng lòng vẫn cứ buồn, muốn sướng nhưng vẫn cứ khổ, muốn bình an nhưng vẫn bất an bất ổn… đó là những nghịch lý. Bức xúc, phiền não, lo âu là hệ quả của những nghịch lý ấy. Chiến thắng nghịch lý là chiến thắng được mình.     

Ai cũng muốn được thong thả, thoải mái, vui vẻ. Nhất là người tu luôn thích sự thanh thản, yên tịnh, giải thoát, chứ có người tu nào muốn càng ngày càng phiền não, càng bị trói buộc đâu ? Cho nên muốn giải tỏa được những thứ đó chúng ta phải đủ niềm tin, đủ trí lực. Phương pháp hay nhất là hành thiền. Hành thiền trong từng phút giây, luôn kiểm nghiệm lại mình, giải trừ nghiệp tập cũ, không tạo thêm nghiệp tập mới. Một khi nghiệp tập của mình mòn mỏng, tức ta làm chủ được, thì không có thứ gì bên ngoài tác động được mình nữa.

Điểm thứ ba, người tu thiền phải gầy dựng cho được niềm tin đối với chính mình. Niềm tin chính đáng nhất là tin mình có thể thành Phật. Thường người ta không dám tin như thế. Họ chỉ nghĩ làm những việc ích lợi cho đời, đem niềm vui đến cho mọi người, chứ không nghĩ có thể tu thành Phật. Chúng ta  tu Phật phải có niềm tin vững chắc rằng mình sẽ thành Phật. Nghĩa là, tất cả điên đảo vọng tưởng dù khó trừ khó bỏ đến đâu, nhưng chắc chắn có ngày mình sẽ khắc phục được, nhất định sẽ vượt qua bờ mê, đến bến giác được an nhiên, tự tại giải thoát, tức là thành Phật.

Muốn vậy, không thể tin suông được mà phải có công phu. Nhờ vào công phu tu học ta càng vững niềm tin hơn. Điều này cũng giống như người lâu nay lầm vàng giả là thật, sau nhờ tiếp cận nhiều, hiểu biết sâu nên nhận diện được vàng giả vàng thật một cách chắc chắn, không còn nghi ngờ nữa. Tin chắc thật nghĩa là không còn bị những thứ mơ màng che đậy, hoàn toàn làm chủ được trước mọi thứ. Có được niềm tin như vậy rồi, thì trời lay đất chuyển gì cũng không thay đổi được ta. Chỗ này người xưa nói: “Dù Phật có ra đời cũng không làm gì được mình”. Mình chính là cái bản hữu, là tánh giác sẵn có nơi mỗi người chúng ta.

Sáng được việc mình rồi chúng ta càng có niềm tin vững chắc, càng phấn chấn trong công phu tu hành. Dù cho gặp bao nhiêu trở ngại, khó khăn mình cũng tháo gỡ bình ổn hết, không còn vấn đề gì có thể bức xúc được chúng ta. Chẳng hạn, nghe nói thân này không thật, nhưng ai cũng sợ chết. Bởi niềm tin chưa vững, chưa nhận chân được cái thật cái giả cho nên vẫn còn bị thân này trói buộc. Nếu người niềm tin đã sâu, biết chắc thân này là đồ bỏ, không ra gì, còn mất chẳng quan tâm thì sống chết là chuyện thường.

Người sống được như vậy là đã bình an tự tại giải thoát rồi, còn bị thứ gì trói buộc vây hãm nổi. Đó là nói về thân, tâm cũng vậy. Biết những vọng tưởng lăng xăng không thật, không phải là tâm mình mà vẫn nuôi dưỡng nó hoài, thì có khác gì nuôi giặc trong nhà. Đã nuôi giặc trong nhà thì quyết có ngày sẽ tán gia bại sản thôi. Ngược lại, người tin chắc chắn những thứ nghĩ tưởng lăng xăng kia là hư giả, không phải tâm mình, nhất định không theo không nghe nó. Thử hỏi ai có thể nhiễu loạn được tâm ta ? Đó là mình đã làm chủ được, đã khắc phục các thứ chướng ngại bên trong tâm cũng như bên ngoài thân. Như vậy không phải Phật là gì?

Tóm lại người tu phải vững niềm tin. Có niềm tin vững chắc thì công phu tu hành mới tăng tiến. Hai điều này tương tác qua lại với nhau. Một khi công phu tăng tiến rồi thì mình sẽ được an lạc. Người an lạc là người không bi quan, luôn luôn hài lòng với thực tại. Nhờ thế mà cuộc sống hài hòa, bình thản an nhiên với tất cả sự việc, tất cả mọi người. Niềm an lạc này mới thật sự có giá trị. Còn các thứ vui bắt nguồn từ ăn ngon, mặc đẹp, chỉ là sự an lạc bên ngoài, không phải phát xuất từ tâm thanh tịnh trong sáng của mình thì không chắc thật.

Có được nguồn an lạc rồi tức là thấy được lẽ thật của các pháp. Vạn pháp vô thường và vô ngã. Vô thường vì nó thay đổi liên tục không dừng nghỉ. Tháng trước hai hàm răng còn nguyên, nhưng tháng này thì rụng mất mấy cái rồi. Tóc mình ngày xưa xanh mượt nhưng ngày nay đã lấm tấm muối tiêu. Các pháp là như vậy. Người có công phu hành thiền rất bình thản với những sự thay đổi biến dạng đó. Không có gì làm động tâm kẻ ấy, bởi tâm chính là cái bất động thường hằng luôn sẵn có nơi họ rồi. Tin như vậy mới gọi là tin vững vàng. Còn như chúng ta, một lời nói, một sự mất mát đã làm mình bức xúc, đau khổ, chưa làm chủ được thì chưa gọi là có niềm tin. Thực sự một khi đã thể nhận được các pháp không thực thì chúng ta sẽ được an toàn đối với các pháp, không còn bị chúng lay chuyển nữa. Đó chính là sự lợi lạc thiết thực nhất của việc nhận ra “sự thật là vậy”.

Thiền sư Vạn Hạnh nói: “Nhậm vận thịnh suy vô bố úy, thịnh suy như thảo lộ đầu phô”. Nghĩa là mặc cho thịnh suy mình không sợ hãi, vì những thịnh suy ấy chỉ là những hạt sương vươn trên đầu ngọn cỏ, một khi mặt trời lên thì mọi thứ sẽ tiêu đi. Các Thiền sư thấy sự đổi thay trong cuộc đời này nhanh chóng như những hạt sương, khi ánh sáng mặt trời xuất hiện, chúng liền tan mất. Đó là thấy được tận cùng thực thể của các pháp. Thành ra chúng ta cũng phải nỗ lực thấy được như các Ngài, có thế việc làm chủ được mình không khó.

Làm chủ được mình rồi, chúng ta sẽ có năng lực sử dụng được thân tâm và các pháp một cách tự tại. Nhà Phật gọi là thần thông diệu dụng, dùng tất cả mà chẳng kẹt tất cả. Có thể nói hành giả đến đây, tâm địa hoàn toàn bình ổn, không còn gì phải lo lắng nữa. Vừa gặp việc liền buông, tâm luôn rỗng rang thì làm gì sinh chuyện được.

Những bậc đã có nội lực tu hành thâm hậu, công đức tu hành sâu dày thì chỉ cần hai chữ “Thế à” như Thiền sư Hakuin là xong. Ngài vốn là một bậc Thầy nổi tiếng đương thời. Nhưng không hiểu vì sao cô gái bên cạnh lại vu họa cho Ngài là tác giả thai nhi trong bụng nàng. Cha mẹ cô ta đến sỉ vã Thiền sư hết lời và sau khi đứa bé chào đời, họ đã đem đến quẳng vào tay Ngài. Thiền sư đỡ lấy đứa bé với hai tiếng “Thế à”. Thời gian sau, cha mẹ cô gái đến xin lỗi và xin nhận lại đứa bé vì đã tìm ra được cha nó. Ngài vui vẻ trao đứa bé lại cũng với hai tiếng “Thế à”. Câu chuyện này nổi tiếng trong lịch sử thiền gia Nhật Bản từ xưa đến nay vì hai chữ “Thế à” siêu thoát tự tại ấy. Người hành thiền phải có tinh thần của bậc thượng sĩ liễu đạt như vậy mới mong lướt trên sanh tử mà đi.

Một khi chúng ta hóa giải được những cù cặn ẩn tàng trong tâm thức rồi thì sẽ phát huy được cái năng lựïc vô song của mình. Trong đời sống hằng ngày, trong mọi tiếp xúc tương giao nếu chúng ta hài hòa an lạc với mọi người là ta đang hành thiền đúng. Như vậy chắc chắn trí lực của mình sẽ ngày càng sáng. Nói thì dễ nhưng làm thì khó. Như gặp trường hợp lũ lụt, nước mỗi ngày mỗi dâng, đói lạnh khổ sở không cơm không gạo ăn, mà nói đến việc bất động thì quả là khó đó. Làm sao hòa vui, yên ổn được? Cho nên vấn đề này đòi hỏi ta phải có công phu hành thiền lâu dài lắm mới được. Chính sự hành thâm tạo nên nội lực giúp hành giả ứng xử trước mọi hoàn cảnh hợp tình hợp lý và luôn bình thản với những sự kiện biến động chung quanh.

Chúng ta cần biết rõ, người an ổn bất động với tất cả phải là người biết được mình. Biết được mình như thế nào? Thứ nhất biết thân này như giẻ rách, thứ hai biết mình có ông Phật bên trong tấm thân giẻ rách. Nếu thân này đã là miếng giẻ rách thì người ta chưởi hay làm gì mình cũng mặc kệ, ta vẫn thản nhiên. Còn ông Phật bên trong thì không lý gì đi gây gỗ oán hận với người khác, không lý gì bị lụy, bị chết với những thứ giả dối tạm bợ. Biết rõ được như vậy chắc chắn chúng ta sẽ hài hòa mà vẫn bất động với cuộc đời. Mọi cái chung quanh không còn vấn đề gì nữa. Từ đó ta vững niềm tin giải trừ tất cả những nghiệp tập cũ của mình, chóng thành tựu quả vị của bậc giác ngộ.

Nên biết niềm tin rất quan trọng đối với việc tu hành. Người vững niềm tin là người đã nhận ra bản hữu của mình, chắc chắn ta sẽ thành Phật, chứ không thành cái gì khác. Giả như có ai rủ rê tu trong vài tháng sẽ thành Phật, người ấy không theo đã đành, mà ngay cả ý niệm về sự việc đó cũng không hề dính dáng đến họ, vì họ thật sự đã vững niềm tin.

Người tu là người có trí tuệ. Có trí tuệ mới không bị mê lầm các cảnh duyên bên ngoài. Cho nên trí tuệ không thể thiếu đối với chúng ta. Người có công phu sâu dày thì trí tuệ trùm khắp. Trí tuệ trùm khắp tức là tâm khai sáng, tâm đã sáng thì có gì không biết, có gì lầm lẫn nữa.

Thiền sư Huệ Tịch hỏi Sư phụ Qui Sơn: “Khi trăm ngàn muôn cảnh đồng thời đến thì sao ?” Nghĩa là, khi trăm ngàn cảnh duyên đến, chúng ta phải làm sao để tự an ? Câu hỏi này liên quan rất mật thiết với chúng ta. Tổ Qui Sơn trả lời:  “Xanh chẳng phải là vàng, dài chẳng phải là ngắn. Các pháp mỗi pháp ở địa vị của nó, chẳng can hệ gì đến việc của ta”.

Xanh chẳng phải là vàng, nghĩa là thứ nào ra thứ đó. Các giác quan của mình nhận biết rõ ràng, không thể màu vàng mà thấy thành màu xanh hay cái ngắn mà thấy thành cái dài. Pháp nào ở địa vị của pháp đó, phải nhìn đúng như thế. Nhìn đúng mà không để nó làm rộn tâm mình, không để nó liên lụy đến công phu tu hành của mình, không để nó ảnh hưởng đến niềm tin của mình. Ai giải quyết được mọi sự việc như vậy, người này là người đã tự an được mình. Tuy khó, nhưng đó mới là người hành thiền đúng đắn. Hành thiền như vậy thì con đường Phật mới mong rộng mở. Sự đổi thay trong cuộc đời rất nhanh chóng, cái già cái chết cứ xòng xộc trên đầu. Nếu chúng ta cứ buông lơi thì quả là phiêu lưu trong dòng sanh tử, đau khổ không biết bao giờ ra khỏi.

Tóm lại, trong công phu tu hành, chúng ta phải có an lạc và niềm tin vững mạnh thì mới có thể thành tựu viên mãn mục đích giác ngộ giải thoát. Làm sao mỗi phút giây đi qua là một sự chuyển đổi lớn trong cuộc đời của mình. Đó chính là lợi lạc thiết thực nhất mà chỉ có kinh nghiệm tu tập mới đem đến cho chúng ta. Sự thật là vậy. Chúc tất cả quý vị có được những bước tiến trên đường đi tới giác ngộ giải thoát.

[ Quay lại ]