headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 29/03/2024 - Ngày 20 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Tằng Ái Đối Với Người Tu

Hôm nay, tôi nói về hai vấn đề hết sức quan trọng đối với người tu chúng ta, đó là thương và ghét. Muốn công phu tu hành không bị ngăn trệ, chúng ta cần phải nắm vững hai vấn đề này, để tránh được những trở ngại hoặc bức xúc do chúng sinh ra.

Với thế gian, đây là vấn đề thông thường trong cuộc sống. Nhưng với người tu, nó lại là thứ vọng tưởng làm mất thì giờ của chúng ta nhiều nhất. Ai có công phu, ai đã từng chịu lắng lòng ngồi lại, sẽ thấy rõ điều này. Nói tu mà chúng ta không đủ lực để khắc phục hai thứ bệnh này thì tu cả đời cũng chẳng tới đâu.
Trong đời sống thường nhật, những thứ tình cảm như thương, ghét, giận hờn… không lúc nào chịu buông tha mình. Ngay cả trong giấc ngủ có khi mình cũng thương, cũng ghét, nên rồi cũng cười cũng khóc. Thức giấc bỗng thấy nước mắt còn chảy quanh. Đó là những vọng tưởng mà trong sinh hoạt hằng ngày chúng ta đã huân tập. Cho nên lúc ngồi lại tu, những hình ảnh ấy lại hiện lên khiến cho mình xốn xan, bức rức, khó chịu. Những thứ thuận chiều như thân thương, hợp lòng, thích ý hoặc nghịch chiều như sân giận, bực bội… cứ hiện lên làm mình bất an bất ổn, thì làm sao mà tu được.
Nên rồi đôi khi chúng ta bỏ mặc công phu trôi dạt theo thời gian, đi ngược lại với lời Phật dạy. Bởi tu theo Phật lẽ ra càng ngày ta càng an ổn, càng có sức tỉnh giác cao, để đi đến giải thoát an vui trong tương lai. Chứ tu theo Phật mà càng ngày mình đâm ra quạo quọ bực bội, thấy thứ gì cũng bất mãn thì phải tự xét lại, vì việc tu của mình đã không đúng rồi đó.
Việc tu hành nếu ngay từ đầu chúng ta bị lệch, thì càng tu lâu chừng nào, càng vấp nhiều sai lầm chừng nấy. Vậy bước đầu trong việc tu hành là gì ? Chính là tâm niệm yêu thương và không yêu thương, chúng ta cần phải nắm vững hai điều này để chỉnh ngay từ đầu.
Trong việc hành thiền, hai tâm niệm thương và ghét này chúng ta phải kiểm soát thật kỹ mới được. Vì một khi còn sống, còn sinh hoạt, còn giao tiếp thì không thể không có những tâm niệm ấy. Có nhưng ta vẫn làm chủ được nếu luôn tỉnh giác. Đó là một chuyển hướng trọng yếu mà người con Phật phải thực hiện cho bằng được đối với hai thứ bệnh thương và ghét.
Những người bình thường ngoài đời, không biết Phật pháp, cũng không có duyên với đạo thì sống sao cũng được. Nhưng đã là người biết đạo, một lòng hướng về Tam bảo, từng bước sắp đặt việc tu hành cho mình, thì nhất định chúng ta phải có quyết tâm, có phương hướng cụ thể. Từ đó mới có được năng lực, sức mạnh về tinh thần để làm chủ những vọng động của mình.
Như chúng ta đã biết sanh, già, bệnh, chết luôn đuổi theo con người như hình với bóng. Nếu ta không nỗ lực khắc phục những tâm niệm thương ghét thì e rằng vô thường đến mình sẽ không đối đầu nổi. Thế là nó lại dẫn ta thọ sanh trong vòng oan thân tương báo, chịu hết khổ này đến khổ khác. Vì vậy dù đang làm gì, ở đâu mình cũng phải kiểm soát và làm chủ những dấy niệm thương ghét khởi lên. Là người tu Phật, một khi đã nói thì phải làm, và đã làm thì phải làm cho đến nơi đến chốn.
Tôi kể một câu chuyện về thương và ghét như thế này. Có một vị vua rất thương dân, tất cả việc làm của ông chủ yếu đều muốn đem lại ấm no hạnh phúc cho mọi người. Dân chúng rất ca tụng công đức của ông. Một hôm nhà vua chợt nghĩ thế này: Những việc thông thường ta đã giải quyết xong, bây giờ có phương cách nào giúp ta tu được, mà không làm ảnh hưởng đến sự an vui phồn thịnh của đất nước ?
Sau đó không lâu, tin nhà vua tìm một lời dạy cao quí được loan ra khắp nơi. Cảm tấm lòng thành của nhà vua, một vị thiện thần giả hiện tướng quỷ dữ đến trước cổng thành nói: “Ta có một lời giáo huấn cao quí, sẽ đáp ứng được lòng mong mỏi của quốc vương”. Vua nghe tin hoan hỉ đón quỷ về.
Nhưng để đổi lấy lời vàng ngọc thì phải có máu tươi và thịt sống. Nghe vậy Thái tử nguyện xả thân đầu tiên, rồi đến Hoàng hậu… Cuối cùng, nhà vua bình tỉnh lên tiếng: “Ta sẽ thí thân cho Ngài, nhưng với điều kiện Ngài phải nói cho ta nghe lời vàng ngọc ấy trước. Ta nguyện sẽ giữ đúng lời hứa”.
Thế là quỷ dữ kia nói lời giáo huấn: Từ ái sinh lo, từ ái sinh sợ. Dứt ái hết lo, dứt ái hết sợ. Nghe xong nhà vua vô cùng hoan hỉ và sẵn sàng hiến thân như đã hứa. Ngay khi ấy quỷ dữ liền hiện nguyên hình một vị thiện thần hộ pháp, đồng thời Thái tử và Hoàng hậu cũng được trở lại nguyên hình như xưa.
Đây quả là một đạo lý sâu xa mà chúng ta có thể áp dụng được. Chúng ta cứ nghiệm thử xem có phải từ ái sinh lo không ? Rõ ràng từ sự yêu thương mà con người lo lắng muộn phiền. Thương người nào, thích cái gì thì muốn người ấy, cái đó là của mình. Nếu được rồi thì ta lo lắng giữ gìn, sợ nó mất đi. Khi sự lo lắng này bị va chạm bởi một nhân vật nào khác thì mình nổi điên lên. Còn nếu thích mà không được thì âu sầu thơ thẩn, đứng đi như xác không hồn, thấy thật thảm. Không có người thương thì muốn có người thương. Có người thương thì sợ người thương bỏ mình. Lúc nào ta cũng lo lắng không yên.
Như bây giờ, chúng ta có cha mẹ thì sợ cha mẹ mất, có thầy thì sợ thầy đi theo Phật, có bạn tốt thì sợ bạn mất, mình sẽ cô độc v.v… Nghĩa là, còn có niệm thương dấy khởi bộc phát, thì chúng ta còn lo còn sợ. Càng lo sợ nhiều chừng nào thì càng nhát gan chừng nấy. Ngồi ở nhà một mình cũng sợ, nghe gió thổi một chút cũng sợ… Thứ gì cũng sợ thì làm sao ngồi thiền được định ? Không thiền định được thì công phu sẽ ra sao?
Thế nên một khi trong lòng chúng ta đã có niệm tưởng thương yêu thì phải khắc phục ngay. Nếu không như thế, chúng sẽ lớn mạnh rất nhanh và ta hoàn toàn bất lực khi chúng đã chế ngự được mình. Đã vậy thì lo sợ khổ não nối tiếp theo nhau là điều không thể tránh khỏi. Ta bình tĩnh nghiệm cho cùng những thứ thân thương, yêu thích ấy có còn hoài với mình không, hay nó cũng bị thời gian làm tiêu mất. Phật dạy những gì có hình thì có hoại. Thân thương nhiều chừng nào thì khi mất ta khổ đau nhiều chừng nấy.
Phàm tất cả pháp hữu vi có tụ thì có tan. Như đám lục bình trôi trên sông, có duyên chúng hợp lại, thiếu duyên chúng tan ra, bồng bềnh tứ xứ. Con người và sự vật cũng vậy, đủ duyên thì họp mặt, hết duyên thì chia lìa. Thương nhiều để làm gì? Trong kinh Địa Tạng đã nói, thân thiết như cha với con còn chẳng thay khổ được cho nhau, huống là người ngoài. Ai rồi cũng theo nghiệp của mình mà đi. Người tu phải thấy điều này, cố gắng buông bỏ thương ghét, tập trung vào công phu, đạt cho được sự định tỉnh. Vì có định tỉnh mới có trí tuệ. Có trí tuệ mới sáng suốt chọn con đường tốt khi ra đi.
Trời hôm nay mát mát một chút là ta dấy niệm thích, nóng nóng một chút là dấy niệm không ưa. Nếu ngay những chỗ này chúng ta không công phu, không buông bỏ thì biết đến chừng nào mới hết những tâm trạng đó. Quan trọng là, ưa thích hay không ưa thích, ngay đây chúng ta đủ sức tỉnh và làm chủ. Vậy là tu! Vì vậy bất cứ ai trong cuộc sống này cũng tu được, miễn là có quyết tâm và có gan. Nhát gan thì chịu! Có gan nghĩa là những gì đáng bỏ thì phải bỏ, dứt khoát bỏ. Chúng ta nên như hộc tủ của thầy thuốc bắc, để loại thuốc gì thì chỉ một loại đó thôi. Cần thì kéo ra lấy, không cần thì đóng lại, như vậy bảo đảm an toàn.
Đừng nghĩ thiền là pháp môn cao vót trên trời, không ai ngó đến. Không! Thiền là hơi thở, là sự sống của con người. Nó hoán chuyển tất cả những vọng niệm, giúp ta nhận định đúng như thật những gì đức Phật đã dạy. Biết thế giới này không thực, con người không thực, vậy thì thương ghét thực được sao? Quán sát như vậy là người có trí tuệ. 
Phải biết, thiền không phải lý luận, cũng không cố định một hình thức nào, mà thiền chính là sự sống. Ta làm chủ được tức ta tu thiền. Ta không bị vọng niệm kéo lôi tức ta tu thiền. Thành ra thành Phật mau hay chậm là tùy thuộc vào sự làm chủ của mỗi người. Có thể rất nhanh, vì thiền là trực chỉ nhân tâm kiến tánh thành Phật. Nhưng cũng có thể rất chậm, vì tu mà không làm chủ được, bị vướng mắc các duyên bên ngoài. Sự thành tựu đó được quyết định nơi mỗi người. Nếu có ý chí, thực tâm buông bỏ vọng tưởng thì con đường tiến đến Phật đạo không xa.
Ngoài ra, việc thí xả tất cả tài sản, của cải, tâm niệm… gọi chung là nội tài và ngoại tài, để cầu đạo vô thượng thì mình phải làm sao trong từng bước, từng giai đoạn cố gắng thực hiện cho được. Xả tức là bố thí, là buông ra. Phải nhớ, tất cả đều buông! Tâm niệm chúng sanh, thứ gì không thích thì muốn vứt đi, còn thứ gì thích thì muốn ôm giữ, không ai được đụng đến. Cho nên khổ. Là người tu, chúng ta phải mạnh dạn vượt qua tâm niệm ấy.
Trái với thương là ghét. Đây là một vấn đề mà trong đời sống, chúng ta đối đầu rất nhiều. Một trăm điều mình mong muốn thì được chừng năm mười điều tương đối như ý, còn thì đa số đều nghịch ý trái lòng. Đó là lý do khiến con người dễ sanh bực bội sân hận. Thường người ta chỉ có hành động cử chỉ tốt đẹp khi mọi việc đều thuận lòng thích ý. Ngược lại, con người không ngại hãm hại lẫn nhau bất kể thủ đoạn nào, thói quen này xưa nay khó ai thoát ra được. 
Phật tử chúng ta nếu không quyết tâm tỉnh giác bỏ tật ấy thì khó tu lắm. Điều tốt chỉ có một cách giới hạn như vậy thì cần phải xét lại. Có lợi cho mình nên ta tốt, đó chỉ là trá hình của lòng vị kỷ mà thôi, chứ không phải thật tốt. Là người trí chúng ta phải rút kinh nghiệm cho bản thân từ những việc này. Ai nhắc nhở lỗi lầm, mình bình tỉnh lắng nghe và sửa đổi khắc phục, không khó chịu, không ghét. Đó là chúng ta biết tu.
Thành ra không đợi về chùa gặp thầy mới nói chuyện tu. Dù ở đâu, lúc nào, được thiện hữu giúp đỡ nhắc nhở điều hay, điều tốt, đây chính là cơ hội để chúng ta tu. Không phải chỉ người mang hình thức tốt đẹp mới có quyền nhắc nhở mình, mà dù hình thức như quỉ dữ chăng nữa, một khi họ có thể giúp ta quay lại điều lành, thì tất cả đều Bồ-tát, là thiện hữu tri thức của mình cả. Chúng ta đều nên cung kính quí trọng và niệm ân.
Trong việc tu hành, không phải lúc nào cũng gặp xuôi thuận mà nghịch cảnh thường nhiều hơn, cho nên nếu không có đạo lực, không thể chiến thắng được những trở ngại ấy. Vì vậy đòi hỏi chúng ta luôn vững vàng, luôn tiến bước thì tu mới được. Có tu mới hưởng được giá trị thiết thực của đạo. Cũng như khi hết lo hết sợ chúng ta mới thấy được giá trị tự tại của đạo giải thoát.
Nên nhớ, chủ yếu của việc tu hành là căn cứ từ tâm mà tu. Nếu tâm ta còn kẹt vướng một hình thức nào thì không tu được. Tu tâm là tu như thế nào? Trong kinh Phật dạy: Nhược bất thức tri tâm mục sở tại, tắc bất năng đắc hàng phục trần lao. Thí như quốc vương vi tặc sở xâm, phát binh trị yếu đương tri tặc sở trú. Nghĩa là, nếu không rõ biết tâm ở đâu thì chẳng thể hàng phục trần lao. Giống như nhà vua muốn đem quân đánh giặc ngoại xâm thì phải biết giặc ở đâu. Nếu không, làm sao đánh được.
Việc tu hành cũng vậy. Căn cứ từ tâm mà tu, nếu chúng ta không biết tâm là gì thì làm sao tu được. Ăn chay, niệm Phật, tụng kinh… đủ cả, nhưng việc nào cũng chẳng tới đâu. Lang mang như thế thì việc tu không có gì bảo đảm. Kiểu đó ai rủ đâu cũng đi thì nguy hiểm lắm. Chúng ta tu Phật đều biết, khi gần lâm chung sẽ có những cảnh giới hiện ra, nếu mình không vững tâm thì sẽ bị nó kéo đi. Vậy là công phu gầy dựng cả đời xem như  tiêu tan.
Chúng ta phải nắm được gốc của sự tu hành, phải biết tâm là gì. Biết được tâm rồi, chúng ta sẽ hiểu thương yêu, oán ghét chỉ là những thứ vọng tưởng tào lao, dẫn mình đi trong luân hồi sanh tử. Tâm thực của mình là cái thể trùm khắp sáng suốt không có hình thức, tỳ vết nào. Biết cái thật rồi thì ta loại cái không thật ra. Như khi đối duyên xúc cảnh gặp chuyện bực mình không vui, ngay đó ta tỉnh biết, đừng nổi giận đừng bực bội nữa thì chuyển mê thành ngộ. Đó là sống được với tâm thực của mình rồi . Đây là việc hành trì gốc của người con Phật.
Tâm thực là cái sẵn có của mình, nhưng từ lâu chúng ta không chịu nhận, mà chỉ nhận nó qua những xúc cảm tồn động do sự tiếp xúc qua lại. Thành ra muốn nhận và sống được với tâm thực này, chỉ cần đối duyên xúc cảnh ta không theo cảnh mà xoay lại nơi chính mình. Cảnh không như ý, mình cũng bình thường; cảnh như ý mình cũng bình thường. Lúc nào ta cũng sống an vui sáng suốt, đó là sống được với tâm. Người tu thiền tối kỵ cảnh buồn thì nước mắt chảy ràng rụa, cảnh vui thì đắc ý cười đủ kiểu. Tất cả những thứ ấy đều làm trở ngại việc tu hành của mình.
Nếu chúng ta chịu khó công phu sẽ nhận được chỗ này. Một khi nhận được rồi thì cuộc sống trở nên nhẹ nhàng thoải mái. Dù cho hoàn cảnh khó khăn ra sao, sóng gió thế nào chúng ta vẫn bình yên, vẫn tu được. Ngược lại cảnh thuận vừa lòng, mọi thứ đều được như ý, chúng ta cũng bình thản bình thường, từng phút từng giây tăng tiến công phu. Tóm lại, thuận nghịch gì mình cũng giữ vững được công phu. Giữ được liên tục như vậy thì đảm bảo sinh tử không còn làm gì được ta nữa.
Làm chủ sinh tử là gốc mà người tu phải giải quyết. Chúng ta tu không phải để cầu Phật cho mình bình an, đắc tài đắc lộc v.v… Cầu như vậy Phật không giải quyết được vì trái với luật nhân quả. Có cầu chăng là cầu nương sức bi trí của chư Phật và chư vị Bồ-tát, con vững niềm tin, phát huy được trí tuệ, đủ sức đối đầu với sinh tử. Vậy thôi.  

Trong kinh Di giáo Phật dạy:

Năm thứ giác quan do tâm là chủ. Phải thận trọng chế ngự tâm mình. Tâm còn đáng sợ hơn cả rắn độc, thú dữ, giặc thù, lửa dữ bùng cháy lan tràn cũng chưa đủ để ví dụ cho tâm. Như kẻ tay bưng bát mật mà chuyển động chạy nhảy chỉ thấy bát mật chứ không thấy hố sâu. Như thế không khác gì voi điên mà không móc sắt, vượn khỉ mà được cây rừng, thì sẽ hung hăng vọt nhảy khó mà ngăn cản. Phải cấp tốc tỏa chiết đừng cho phóng túng. Tâm phóng túng ra ngoài thì làm tan nát việc thiện của người. Chế ngự tâm lại một chỗ thì không việc gì không thành.
Tâm đức Phật nói đây, chính là những dấy niệm hiện nay của chúng ta. Những thứ này mình không chế ngự thì nó giống như thú rừng gặp cây, mặc tình nhảy nhót, như voi điên không chủ tha hồ phá tán. Đối với những thứ này Phật dạy phải khống chế, tức mình phải biết tu. Biết tu biết sửa thì không gì là không thành. Chúng ta tu là làm sao biết được tâm mình là gì, ở đâu, điều động cho vọng tưởng yên lắng xuống. Lọc hết tất cả những gì không thực thì cái thực sẽ hiện bày.
Nói như vậy để thấy việc tu hành không phải khó khăn và cũng không đợi phải có một hình thức, một tiêu chuẩn nào mới tu được. Ngay bây giờ tất cả chúng ta đều tu được, miễn là có sự quyết tâm. Được vậy chúng ta sẽ giải quyết được vấn đề sanh tử của chính mình. Ai trong chúng ta cũng đã từng nhiều kiếp nếm trải thăng trầm. Giờ đã đến lúc mình phải tỉnh, phải dừng được những lăng xăng đó đi. Nếu chúng ta học, ngồi thiền, tụng kinh cho qua ngày đoạn tháng, mà tâm thì chưa sáng, làm chủ mình chưa được, thì quả là phí phạm một đời vô ích.
Những gì qua rồi không trở lại được. Như từ sáng tới giờ, từng phút từng phút qua đi, làm sao tìm lại ? Nhưng chúng ta cứ một buổi sáng như vậy, hai buổi sáng như vậy, dài dài cho đến hết đời. Nếu những buổi sáng còn lại đều trôi suông như vậy thì sự hiện hữu của mình ở đây không phải vô ích là gì ? Vì ta không làm gì được cho mình mà cũng không làm gì được cho ai.
Chủ trương của đạo Phật là bản thân mình phải tốt đẹp. Mình có tốt đẹp rồi thì những quan hệ giao tế tiếp xúc chung quanh, mình mới chuyển hóa tốt đẹp được. Đạo Phật là một tôn giáo tích cực, chứ không phải một tôn giáo tiêu cực. Nếu chúng ta áp dụng được lời Phật dạy thì cuộc sống của mình và mọi người bình yên, tốt đẹp. Nó là nền tảng để gầy dựng một xã hội, một đạo tràng trang nghiêm thanh tịnh.
Cho nên người con Phật phải có cái nhìn thấu về muôn pháp. Nhìn như vậy để làm gì? Để thấy rõ gốc khổ, gốc phiền não. Ai cũng biết phiền não làm cho mình điêu đứng. Phiền não nghĩa là đầu bị lửa đốt, nên trí não không còn bình thường. Nó là nguyên nhân làm cho con người bất an bất ổn, cuối cùng rơi vào nẻo luân hồi sanh tử. Chúng ta thấy được tận gốc các phiền não này và tiêu diệt chúng đi, thì đầu không còn bị đốt, tâm không bị cháy, sinh hoạt được bình thường. Trị được phiền não tức là tu.
Thứ hai là chúng ta phải làm chủ các giác quan của mình. Các giác quan là mắt, tai mũi, lưỡi, thân và ý. Trong đó ý là chủ. Để ngăn ngừa, để cắt đứt tất cả những dục tính, những ham thích, những dấy niệm của mình ta phải làm chủ được ý. Nói đến tham lam hay dục tính thì vô vàn. Khi nào chúng ta dấy lên một niệm ham thích thì gọi là tham. Và bất cứ thứ gì liên quan đến chữ tham đều gọi là dục tính.
Trong nhất thời chúng ta chưa thể trị hết những thứ này, nhưng có thể khung nó lại qua các phương thức tu hành. Tu bằng cách nào ? Người xưa nói: “Ngộ thinh ngộ sắc như thạch thượng tài hoa”, nghĩa là nghe tiếng thấy sắc như trồng hoa trên đá. Đối cảnh đẹp mà ta không dấy niệm tham là cắt đứt được tật tham. Đối cảnh sân mà ta không nóng giận là cắt được tật sân. Đó là mình đã thấy được tận gốc rễ của vấn đề, không để niệm thương ghét làm chủ.
Đối với các giác quan, dù đang ngồi thiền hay trong mọi sinh hoạt tương giao, chúng ta đều làm chủ được, đó là tu thiền. Nếu cứ hạn cuộc trong một hình thức nào đó thì quả là chúng ta không có điều kiện để tu. Trong khi thời gian qua mau, thân này rồi sẽ tàn hoại, vô thường có thể chụp xuống bất cứ lúc nào, không ai đảm bảo được. Và những thứ mình mong muốn đâu phải khi nào cũng được toại nguyện. Nếu không biết tu trong mọi hoàn cảnh, mọi lúc thì sẽ không bao giờ ta tu được.
Tu là làm chủ các giác quan của mình. Các giác quan của mình phải có hàng rào có cửa và mình phải là người giữ cửa tốt. Như thành công của đội bóng phần lớn là nhờ thủ môn. Thủ môn mà tệ quá thì dù cho các cầu thủ chạy co giò, đội bóng cũng thua. Thủ môn giỏi thì quả bóng nào tới cũng đều giữ lại được. Người tu cũng vậy. Bất cứ một dấy niệm nào mình đều kiểm soát được thì thành công. Kiểm soát để nó không làm rối mình. Không rối thì định tuệ mới hiện tiền. Cho nên người tu phải là người giữ sáu cửa giác quan của mình thật tốt mới được.
Thứ ba là, phải thanh lọc được tư tưởng của mình. Tư tưởng là những suy nghĩ dấy khởi trong tâm. Muốn thanh lọc được chúng ta phải lắng sâu, làm chủ được các giác quan của mình. Nghĩa là chúng ta phải từng bước thực tập hành thiền mới thanh lọc được chúng.
Tư tưởng của mình rất tạp nhạp. Với một lon đậu trắng và một lon đậu đen ta sẽ thấy ngay điều này. Cứ một niệm không chính đáng dấy lên, ta bỏ một hạt đậu đen, một niệm chính đáng dấy lên, ta bỏ một hạt đậu trắng. Kết quả đậu đen khi nào cũng vô kể, còn đậu trắng rất khiêm nhường. Điều này chứng tỏ ta đã nhiều đời trôi lăn, đã chất vào tạng thức của mình bao thứ tạp nhiễm, cho nên bây giờ phải cố gắng thanh lọc dần.

Có người cho rằng tu thiền thì một bước nhảy vào đất Như Lai an ổn, cần gì phải đậu đen đậu trắng. Nói là nói vậy nhưng quả tình vọng tưởng của chúng ta nhiều lắm, chưa thể một sớm một chiều làm chủ được, nên cần phải thanh lọc. Từ đó mình mới có cơ sở mà tiến tu. Chứ nói cho hay cho cao thì thấy như giỏi, nhưng đụng chuyện làm chủ không được, mọi thứ vẫn ì ra đó thì có ích gì.
Cuối cùng, là đức hạnh của người tu. Chúng ta đã xuất gia thì phải nhẫn chịu mọi hoàn cảnh. Cảnh thuận tu theo thuận, cảnh nghịch tu theo nghịch. Vì vậy đòi hỏi chúng ta phải có đức nhẫn. Nhẫn là nhẫn chịu, là chấp nhận những khó khăn trở ngại đến với mình. Không nhẫn thì chúng ta khó mà tu tới nơi tới chốn.
Trong mười điều tâm niệm có điều: “Bị hàm oan chẳng cần minh oan, minh oan thì oán hận càng sanh”. Tại sao? Vì không ai chịu nhận phần quấy về mình cả. Nếu ta càng thanh minh thì càng rối, càng mất thì giờ thêm. Chi bằng chấp nhận rồi buông đi, vừa khỏe vừa yên. Kinh nói, nhẫn là mẹ của các công đức. Nó là nền tảng, là gốc gác cho tất cả mọi thành công. Không có nhẫn chúng ta không thể làm bất cứ điều gì, ngay cả những việc ngoài đời.
Đức nhẫn của Quan Âm Thị Kính là gương sáng ngời cho chúng ta noi theo. Tụng hàng ngàn bài kinh Bát Nhã cũng không bằng nhẫn được như bà. Nhẫn được như vậy mới gọi là tụng Bát Nhã. Chúng ta phải cố gắng tụng được những bài kinh sống như thế. Đó là bài kinh vô tự không cần chuông mõ, nhưng bất cứ ở đâu, lúc nào mình cũng tụng được.
Điều thiết yếu nhất bây giờ là ta phải cố gắng thanh lọc tất cả những gì không cần thiết, để hoàn thành việc tu hành của mình cho được viên mãn. Phút giây nào ta làm chủ được thì cuộc sống bình an, hạnh phúc. Nên nhớ sự thanh tịnh giải thoát vẫn có thể có ngay hiện đời chứ không đợi đến đời nào khác.

Mong tất cả chúng ta có được những giây phút tỉnh giác liên tục trước thương và ghét, thì chắc chắn ngay đây là Tịnh độ, ngay đây là Niết-bàn

[ Quay lại ]