headertvtc new


   Hôm nay Thứ tư, 06/11/2024 - Ngày 6 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

BIẾT LẮNG NGHE

Đề tài sẽ trình bày là: “Biết Lắng Nghe”.

Trong Kinh Pháp Cú, Phật dạy:

                    Nếu được bậc hiền đức
                    Phê bình và sửa sai
                    Như người chỉ kho vàng
                    Có lợi mà không hại.

Nghĩa là nếu mà được những bậc hiền đức phê bình hoặc sửa sai, tức là nhắc nhở chỉ lỗi lầm cho chúng ta, thì đó là điều rất quý. Giống như người chỉ kho vàng cho chúng ta khai thác để dùng, nhân đó được nhiều lợi ích. Nên được chỉ lỗi là có lợi mà không hại.

Bởi vì tu là sửa. Tất cả chúng ta còn là phàm phu nên ít nhiều cũng còn lỗi lầm. Mà có lỗi thì cần phải sửa đổi, mới chuyển xấu thành tốt được. Còn như cứ chấp chặt không chịu lắng nghe lỗi sai của mình để sửa tức là người đó nuôi dưỡng lỗi lầm. Do đó, ngày càng chìm sâu trong tội lỗi, càng đắm chìm trong vô minh.

Vì thế, khi được những bậc hiền đức phê bình sửa sai là một ân đức lớn, không phải là điều đáng buồn. Chúng ta phải kính cẩn vâng nhận sửa đổi, chuyển điều xấu thành điều tốt, để luôn đi trên con đường tiến hoá.

Nhưng ít người được như vậy. Thường khi nghe phê bình thì buồn phiền coi như bị chê. Đúng ra là được phê bình, nhưng chúng ta nghĩ là bị phê bình nên chạm lòng tự ái nghĩ: đâu có sai mà sửa?

Thường thì ai cũng nghĩ mình đúng. Mình là tôi, mà tôi thì phải đúng. Sao dám sửa sai tôi? Như thế là xúc phạm tới tôi rồi. Do đó nên dễ sanh buồn phiền hoặc ôm hận thù. Đây là điều không hay. Vì tu mà còn xem trọng bản ngã, như vậy tự mình bị vô minh che mờ, là chấp ngã. Sai càng thêm sai.

Đúng ra, được phê bình là được nhắc nhở, nhờ vậy mới thấy được cái sai của mình. Nếu lúc nào cũng được người khác khen ngợi, tâng bốc nuông chìu, cái gì cũng đúng, cũng tốt hết…, thì đâu thấy được khuyết điểm để sửa đổi. Hoặc còn chấp vào cái sai của mình, không chịu lắng nghe những lời chỉ lỗi của người khác.

Kinh Bách Dụ có câu chuyện: Xưa, có một người tính tình thô lỗ, hay nói, lại ít chịu lắng nghe lời người khác. Một hôm, trong bàn tiệc, có người bàn luận “Anh ấy là người có tính hay nói lại thô lỗ…”. Bất chợt anh đi ngang nghe được, bèn nổi giận la lớn: “Ai nói tôi thô lỗ, tôi thô lỗ chỗ nào?” Những người kia cười nói: “Nếu anh không thô lỗ thì hiện tại đang làm gì đây?”

Rõ ràng là thô lỗ nhưng người này không thấy được, vì không chịu lắng nghe.

Người biết lắng nghe thì sao? Khi nghe người ta nói như thế liền kiểm lại: “Chắc là mình cũng có chỗ sai sót gì đây, nên mọi người mới phê bình, nói như vậy”, liền hổ thẹn rồi sửa sai.

Còn khi nghe người phê bình liền nổi giận rồi trả đũa, tất nhiên càng biểu lộ cái sai của mình khiến người càng phê bình thêm nữa. Chúng ta khéo biết lắng nghe để có sự hổ thẹn sửa đổi, bản thân được nhiều lợi ích. Vì thế, Đức Phật mới dạy câu trên.

Cho nên vui vẻ lắng nghe, tiếp nhận sửa sai là hạnh lành có thể chuyển thành bậc hiền đức. Đây là điểm thiết yếu trên đường tu hành.

Quý Phật tử nhớ, chúng ta đang sống với tâm gì? Tâm chân hay tâm vọng? Nếu đang sống với tâm hư vọng cũng là tâm sanh diệt, tâm chấp ngã thì tất nhiên là còn nhiều sai lầm.

Quý vị ở đây hết tâm chấp ngã chưa? Nếu chưa hết thì ít nhiều vẫn còn vô minh, tức là còn sống với tâm hư vọng thì chắc chắn là có sai lầm. Như vậy thì những điều chúng ta đã nghĩ và làm có chắc đúng không? Bởi chúng ta chưa là Thánh, nếu đúng thì chỉ đúng trên một khía cạnh nào đó thôi, chứ không thể nào là đúng hoàn toàn. Cho nên, nếu suy nghĩ theo chủ quan thì dễ có sai sót không ngờ được. Nhờ biết khéo lắng nghe lời phê bình của những bậc thiện tri thức, chúng ta mới thấy được những điểm không tốt của bản thân để rồi mình bổ túc chuyển thành tốt đẹp, hoặc đã tốt đẹp thì càng thêm tốt đẹp.

Trong Kinh Pháp Cú, phẩm Minh triết có câu chuyện: Thuở xưa, có một Phạm chí độ hai mươi tuổi lanh lợi thông minh, có thiên tài bẩm sinh. Do vậy, đối với những việc lớn nhỏ khi nhìn qua là anh đều biết, rồi tự cho mình là người minh triết và quyết tâm học để thông hiểu hết những kỷ thuật trong thiên hạ, vì anh cho nếu còn vấn đề nào chưa thông thì anh chưa phải là minh triết.

Vị Phạm chí tìm học các môn thiên văn, địa lý, văn học… với tất cả những vị thầy hay. Khi đã thông thạo, liền nghĩ: “Mình đã giỏi rồi không ai sánh bằng! Đâu thử đi qua các nước thi thố tài năng, thuyết phục mọi người thì danh tiếng mình sẽ vang xa, tên tuổi lưu lại trong sử sách”.

Bấy giờ, Phạm chí đến nước nọ, đi ngang chợ thấy một người đang ngồi tách dây gân làm cung và chuốt cung tên một cách nhanh nhẹn nhuần nhuyễn, mọi người chen nhau mua. Phạm chí nghĩ: “Người này chuốt tên quen tay thuần thạo, mình chuốt thì vụng về, nếu mà ta cùng anh này thi tài thì chắc chắn thua. Nếu vậy thì ta vẫn còn chỗ dở chứ chưa hoàn toàn hay hết, vậy mà cứ tưởng sở học của mình đầy đủ rồi”.

Thế là anh nghĩ: “Ta phải theo học cái nghề này mới được”. Anh theo bái người thợ cung làm thầy, dốc lòng học hỏi. Không bao lâu anh chuốt tên khéo hơn cả ông thầy. Đền ơn thầy xong, anh từ giã đi sang nước khác.

Khi chuẩn bị qua sông thì anh gặp một người đang lái thuyền nhanh nhẹn như bay, chưa từng thấy bao giờ. Anh nghĩ:” Mình tuy biết nhiều nhưng cũng chưa học qua cái nghề lái thuyền này. Tuy đây là một nghề nhỏ, nhưng nếu thi thì mình thua là chắc”. Anh lại xin học lái thuyền, chỉ thời gian ngắn anh học qua mặt ông thầy luôn, sau đó cũng từ giã ra đi.

Đến nước khác, anh thấy cung điện của vua chúa nước này nguy nga lộng lẫy “Nhất nhì thiên hạ”. Anh liền nghĩ người thợ nào xây cung điện này phải là tay rất khéo, vậy thì ta cũng phải học môn này nữa chứ không thì ta thua. Anh mới theo xin làm đệ tử người thợ ấy để học nghề, và kết quả cũng vượt hơn ông thầy. Anh lại đền ơn rồi ra đi.

Anh đi khắp mười sáu nước trong thiên hạ, thách thức thi tài với mọi người, chưa từng thất bại. Và với tâm tự cao anh cho rằng trên đời này không có ai hơn ta nữa.

Lúc ấy, Đức Phật ở Tinh xá Kỳ Viên, do Phật nhãn Ngài nhìn thấy thông suốt mọi việc và biết người thanh niên này có duyên với Phật pháp. Đức Phật liền hoá ra một vị Sa-môn cầm tích trượng, ôm bình bát đi phía trước anh này. Lúc ấy, nhiều người vẫn còn chưa biết đến Phật giáo, chưa từng thấy Sa-môn. Bấy giờ, Phạm chí này thấy lấy làm lạ nghĩ: “Không biết người đó là ai mà có hình tướng lạ quá?” Vừa định hỏi thăm, thì vị Sa-môn đã đi đến bên cạnh.

Anh hỏi: “Tôi đã đi qua nhiều nước, thấy nhiều phong tục mà chưa thấy ai ăn mặc như ông! Tôi cũng thấy rất nhiều vật lạ của người tu sử dụng nhưng chưa bao giờ tôi thấy vật nào như đồ dùng của ông? Vậy ông là ai mà hình dáng trang phục khác thường như vậy?”

Sa môn trả lời: - Tôi là người tự điều phục mình.

Phạm chí ngạc nhiên hỏi: - Sao gọi là tự điều phục mình?

Bấy giờ, Sa-môn nhân nơi việc học tập của Phạm chí này mà nói bài kệ:

                        Thợ làm cung lo chuốt tên
                        Thuyền sư lo lái thuyền
                        Thợ mộc lo cưa đục
                        Người trí điều phục mình.

Vậy điều phục mình là bậc trí chứ không phải bậc thường.

                        Như tảng đá to lớn
                        Gió thổi không động lay
                        Người trí tâm an định
                        Khen chê chẳng đổi thay.

Người trí đối trước những lời khen chê, tâm vẫn an định không biến đổi.

                        Như hồ nước rất sâu
                        Trong lặng sáng một màu
                        Người trí tuệ nghe đạo
                        Tâm an định hết sầu.

Người trí nghe được đạo mầøu, tâm gạn lọc thanh tịnh, cho nên hết sầu lo, phiền não.

Vị Sa môn nói kệ xong, liền bay lên hư không hiện lại thân Phật đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp trang nghiêm, hào quang sáng rỡ, từ hư không hạ xuống đất nói với vị Phạm chí: “Đây chính là sức điều phục mình, biến hóa ra trong đạo của ta”.

Phạm chí liền quỳ sát đất đảnh lễ, rồi thưa: “Yếu chỉ điều phục là cái gì?”

Đức Phật dạy: “Năm giới, Thập thiện, Lục độ, Bốn tâm bình đẳng, Tứ thiền, Ba môn giải thoát, đó chính là pháp yếu để điều phục lấy mình. Các thứ kỷ thuật như làm cung, lái thuyền, điêu khắc… đều là việc hay giỏi trong thế gian, còn tâm ý buông lung thì sẽ đi vào trong đường sanh tử. Chính việc điều phục tâm mới là việc cần thiết quý báu nhất”.

Phạm chí nghe xong hoan hỷ, liền xin làm đệ tử Phật.

Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy rằng vị Phạm chí ban đầu tự cao cho mình là người hiểu biết hết những việc trong thế gian, nhưng khi gặp Phật và được Phật hóa độ mới hiểu là: Đâu phải cái gì mình cũng biết hết, chỉ biết hạn chế trong giới hạn nào đó thôi, còn rất nhiều điều còn chưa biết đến.

Bởi vì, chúng ta sống với tâm sanh diệt, tâm hư vọng nên sự hiểu biết bị giới hạn. Nếu quá chủ quan thì rất dễ sai sót. Đây cũng là bài học nhắc nhở, đánh thức mọi người phải khéo biết khiêm tốn, phải khéo biết lắng nghe. Không nên tự đại tự cao cho là mình đúng, cái gì cũng hiểu, đến lúc kiểm lại vẫn còn những chỗ sai sót mà không hay, có khi sai mà không dám nhận sai nữa.

Lại, trong kinh Pháp Cú Thí dụ cũng có câu chuyện: Xưa, có vị trưởng lão Bà-la-môn tên Tát-giá-ni-kiền thông minh tài giỏi bậc nhất ở trong nước. Vị này có đến năm trăm đệ tử thường xuyên theo học. Vì vậy, ông xem trong thiên hạ chỉ có mình là nhất. Một hôm, ông lấy đồng lát mỏng quấn quanh bụng đi khắp nơi. Người ta thấy lạ hỏi, ông đáp: Tôi sợ trí tuệ của tôi tràn ra ngoài nên tôi bao lại”.

Quý vị nghĩ xem vị ấy thế nào? Ngay đó đã biểu lộ thiếu trí tuệ rồi mà không hay! Trí tuệ làm sao tràn ra ngoài mà lấy lá đồng bọc lại thì rõ ràng là thiếu trí. Vậy mà lại cứ tưởng mình là trí tuệ bậc nhất.
Một hôm, ông nghe có Đức Phật ra đời, giáo hóa thạnh hành, liền sanh tâm đố kỵ, nghĩ “Trên đời này chỉ có ta là trên hết, tại sao có người thứ hai nữa?” Ông ăn ngủ không yên, nói với các vị đệ tử: “Nghe nói Sa môn Cù Đàm tự xưng là Phật, khiêu khích tất cả. Ta sẽ đến gạn hỏi những việc sâu xa vi diệu khiến ông ta phải bối rối không biết trả lời” .

Sau đó, ông cùng một số đệ tử đi đến tinh xá Kỳ Viên, đứng ngoài cổng nhìn vào, xa thấy từ dung của Đức Phật rực rỡ oai nghiêm giống như mặt trời sáng tỏ. Bỗng nhiên tâm ông hoan hỷ và kính trọng, liền rẽ đám đông đến trước Phật làm lễ. Đức Phật bảo ông ngồi. Ngồi xong, ông hỏi: “Sao gọi là đạo? Điều gì gọi là trí? Thế nào là Trưởng lão? Sao gọi là công chánh? Sao gọi là Sa-môn? Sao gọi là Tỳ-kheo? Sao gọi là hiền minh? Sao gọi là giữ giới? Nếu như ngài trả lời thông suốt thì tôi nguyện làm đệ tử của Ngài”.

Sau khi quán xét căn cơ của ông, Đức Phật dùng kệ trả lời:

                        Thường từ mẫn hiếu học
                        Tâm chân chánh tu hành
                        Chỉ gìn giữ tuệ báu
                        Đây chính gọi là đạo.

Đức Phật đáp nếu người nào có lòng từ thương xót những người nghèo khổ, lại hiếu học và chân chánh tu hành, biết giữ gìn trí tuệ quý báu nơi mình, được gọi là đạo.

                        Gọi là người có trí
                        Không cần biện luận chi
                        Ai tự tại vô úy
                        Làm lành là bậc trí.

Người có trí không nói nhiều, không sợ hãi, tự tại đối với tất cả, luôn làm việc lành, thì đó mới là người trí.

                        Gọi là bậc trưởng lão
                        Không phải do tuổi cao
                        Thân già và tóc bạc
                        Hạng xuẩn ngu khác nào.

                        Ai noi theo chánh pháp
                        Từ bi đạo đức cao
                        Sáng suốt lại thanh tịnh
                        Xứng trưởng lão biết bao.

Nghĩa là bậc Trưởng lão không phải ở tuổi cao, hay thân già tóc bạc. Vì người dù tuổi cao tóc bạc mà không tu hành, không có giới đức thì đâu xứng danh trưởng lão. Đó chỉ là hình tướng, còn thực chất thì không có. Nên Phật nói đâu có khác gì hạng ngu xuẩn? Phật chỉ nhắm thực chất ở bên trong.

Trưởng lão là bậc có giới đức trong sạch, tâm trí tuệ sáng suốt thì cho dù người tuổi còn trẻ cũng gọi là trưởng lão được. Nếu ai lo cho chánh pháp, có lòng từ bi có đạo đức cao, tâm sáng suốt thanh tịnh thì xứng với danh trưởng lão.

                            Người gọi là đoan chánh
                            Không phải đẹp như hoa
                            Trong tham lam tật đố
                            Nói và làm trái sai.

                            Ai bỏ được điều ác
                            Dứt tận đến nguồn cơn
                            Trí tuệ không giận hờn
                            Mới là người đoan chánh.

Đức Phật nói người đoan chánh không phải là người mặt đẹp như hoa mà trong lòng tham lam tật đố, nói và làm ngược nhau. Người dứt bỏ điều ác tận gốc, có trí tuệ không giận hờn, mới là người đoan chánh.

                                Gọi là bậc Sa-môn
                                Không phải do cạo tóc
                                Nếu vọng ngữ tham lam
                                Khác chi hạng phàm tục.

                                Ai dứt được điều ác
                                Mở rộng đạo nhiệm mầu.
                                Tâm ý không vọng tưởng
                                Chính thực bậc Sa-môn.

Gọi là Sa-môn không phải do cạo tóc. Người tâm dứt được điều ác, mở rộng đạo nhiệm mầu sâu xa, tâm ý không vọng tưởng, mới xứng danh Sa-môn.

                                Gọi là bậc Tỳ-kheo
                                Không phải đi khất thực
                                Tà hạnh mong cúng thí
                                Chỉ là cầu danh suông.

                                Ai dứt bỏ nghiệp tội
                                Thanh tịnh tu phạm hạnh
                                Trí tuệ phá được ác
                                Chính thực bậc Tỳ-kheo.

Tỳ-kheo không phải là người bề ngoài đi khất thực, nhưng trong tâm không gạn lọc phiền não, mong mỏi cúng thí, làm tà hạnh. Tỳ-kheo là bậc dứt bỏ được các nghiệp ác, tu hành thanh tịnh, có trí tuệ phá được điều bất thiện, mới xứng danh Tỳ-kheo.

                                Gọi là bậc hiền minh
                                Chẳng phải im không nói
                                Nếu dụng tâm không khéo
                                Làm dáng bên ngoài thôi.

                                Ai lòng giữ vô vi
                                Hạnh thanh tịnh vô chấp
                                Tâm bỉ thử vắng lặng
                                Chính thực bậc hiền minh.

Người thấy bên ngoài im lặng, không nói gì nhiều nhưng trong tâm thì nghĩ đủ thứ chuyện, vị đó chưa phải là bậc hiền minh. Người giữ lòng vô vi, thanh tịnh không có chấp, không có chia rẽ, phân biệt cao thấp, đó mới là bậc hiền minh.

                            Gọi là bậc có đạo
                            Không riêng cứu một ai
                            Cứu giúp cho tất cả
                            Không hại kẻ vô đạo.

Người có đạo thì không có tâm phân biệt thích người này ghét người kia. Tâm luôn cứu độ mọi người.

                            Người phụng trì chánh pháp
                            Không phải tụng nói nhiều
                            Tuy rằng nghe học ít
                            Song y pháp hành trì
                            Giữ đạo không quên lãng
                            Là phụng trì pháp tạng.

Tuy rằng nghe học ít, nhưng y pháp hành trì giữ đạo không quên lãng, y đó thực hành thì mới có sức chuyển hoá nội tâm, có sức thấm nhuần chánh pháp, đó mới là người phụng trì pháp tạng.

Bà-la-môn Tát-Giá-ni-kiền và năm trăm vị đệ tử nghe xong tâm liền khai ngộ, hết còn kiêu mạn, xin theo Phật xuất gia.

Trước đó, vị này quá chủ quan nghĩ là trên đời này chỉ có mình ta là người giỏi. Nhưng nghe rồi xét lại không ngờ bản thân còn đầy những sai sót, khuyết điểm mà không biết. Qua câu chuyện trên, cũng để nhắc nhở chúng ta phải biết khéo khiêm tốn, chớ chủ quan cho mình là trên hết.

Nhà Thiền cũng có câu chuyện. Một hôm, ngài Linh Hựu đang đứng hầu Tổ Bá Trượng. Tổ muốn thử nên bảo ngài Linh Hựu: "Ông vạch trong lò xem có lửa không? " Ngài Linh Hựu tìm trong lò một hồi không thấy lửa mới thưa là: "không có ". Tổ Bá Trượng liền đến vạch sâu xuống, thì thấy còn một chút lửa đọng ở dưới. Ngài đưa lên nói: "Ngươi bảo không, vậy cái này là cái gì?"

Đây chính là khai thị yếu chỉ thiền cho ngài Linh Hựu. Nhưng cũng có điểm cảnh tỉnh cái thấy chủ quan của người.

Chúng ta lấy chỗ này để kiểm lại bản thân, thấy rằng nhiều khi chúng ta hơi chủ quan, luôn cho cái thấy của mình là đúng. Như trong chuyện, đến lúc Tổ Bá Trượng đến vạch bới sâu vào thì còn có một đóm lửa. Đây mới thấy được những chỗ sai sót của chúng ta. Quý vị nghe rồi rút kinh nghiệm cho việc tu hành của mình, phải khéo biết khiêm tốn, biết lắng nghe thì sẽ học nhiều điều hay thêm, chớ đừng có quá chủ quan.

Kinh Pháp Cú, Phẩm Ngu, có đoạn Phật dạy là :

                            Người ngu biết mình ngu
                            Nhờ thế thành người trí
                            Ngu mà tưởng là trí
                            Quả thật là người ngu.

Quý vị nghiệm xem có đúng không? Ngu mà biết rõ mình ngu thì tức là có trí rồi. Vì thấy rõ những điều u mê, dở xấu của mình thì đó là trí tuệ. Còn đã u mê mà không biết, lại chấp vào đó, không chịu cầu tiến tức là tự giữ cái ngu mê của mình nên quả là ngu rồi còn gì nữa!

Phải biết như vậy, để chúng ta khiêm tốn lắng nghe, học hỏi, khéo kiểm lại mình mà chuyển hoá. Đừng quá chủ quan, cố chấp, cứ nghĩ mình là người trí tuệ, là người hoàn hảo nên đâu cần học thêm nữa.

Cũng như câu chuyện: Một vị học giả nghiên cứu thiền đến gặp Thiền sư Nan-in (Thiền sư Nhật) để tham học thiền. Khi gặp Thiền sư, học giả này nói thao thao chỗ hiểu biết, kiến giải của ông, nói hoài đến không có kẻ hở cho người xen vào.

Lúc đó, Thiền sư rót nước trà mời uống. Sư rót trà đến lúc nước tràn ra ngoài tách vẫn cứ rót. Học giả nhìn thấy, liền nói : « Thưa thầy, nước tràn rồi». Thiền sư nói : « Giống như tâm của ông, tư tưởng cũng tràn ra rồi nên tôi không cần nói gì với ông nữa! »

Đến học thiền là để tiếp nhận thêm, không tiếp nhận thêm mà cứ lo nói, lo trình bày sự hiểu biết, cho tôi hiểu thế này, cho tôi hiểu thế kia, nên Thiền sư đâu còn chỗ nói nữa. Vì thế, Thiền sư mới nói câu trên.

Chúng ta khéo biết, nếu như trong tâm trống tức là còn có chỗ để nhận vào. Vì thế, không nên quá chủ quan sẽ dễ sanh những sai sót. Bởi vì khi chủ quan rồi thì mình chỉ nghĩ là mình đúng thôi, không còn cái gì hơn mình thì đâu chịu nghe gì nữa! Mà cuộc đời này luôn luôn tương đối, cái hiểu của mỗi người cũng là tương đối, nếu chủ quan sẽ đưa đến sai sót không ngờ được.

Ở Trung Hoa, có câu chuyện: Một hôm, Vua Hán Vũ Đế nói với các quan rằng: « Ta xem ở trong sách tướng nói người nào có nhân trung dài một tấc thì sẽ sống lâu trăm tuổi (tấc này của Tàu, một tấc Tàu bằng 3,3 cm).

Khi ấy, ông Đông Phương Sóc đứng hầu bên vua liền bật cười. Đúng ra khi đứng hầu vua mà cười như vậy là phạm tội khi quân. Nên các quan bắt tội ông là khi quân vô phép. Đông Phương Sóc lấy mũ xuống tạ lỗi, thưa: « Tâu Bệ hạ! Kẻ hạ thần này không dám cười Bệ hạ, nhưng đây chỉ cười cái mặt ông Bành Tổ dài thôi! » Vua hỏi : « Sao cười ông Bành Tổ? » Đáp : «Tương truyền rằng ông Bành Tổ sống đến tám trăm tuổi, nếu y theo sách tướng nói người nhân trung dài một tấc thì sống một trăm tuổi , tính ra nhân trung ông Bành Tổ phải dài tới tám tấc nên mới sống đến tám trăm tuổi, mà nhân trung dài tám tấc thì khuôn mặt của ông phải dài đến mấy thước. Như vậy con người này sẽ thế nào? Vì vậy, mà hạ thần mới cười ».

Vua Vũ Đế nghe vậy cũng bật cười theo và tha tội.

Đó là một kinh nghiệm cho chúng ta thấy rõ, không thể nào chủ quan cho hiểu biết của mình là hoàn toàn đúng. Nhiều khi nói: Tôi đọc sách tướng thấy ghi như vậy. Tuy nhiên cái đúng trong sách cũng chỉ tương đối, vẫn chưa nói đúng hết được mọi khía cạnh của vấn đề. Sách tướng nói theo tiêu chuẩn chung, nhưng cũng có những trường hợp đặc biệt như ông Bành Tổ sống đến tám trăm tuổi, đâu cố định hễ một trăm tuổi là dài một tấc, tám trăm tuổi là dài tám tấc.

Ýù câu chuyện trên là để nhắc chúng ta không quá chủ quan, phải khéo biết lắng nghe thì cái hiểu mới được sáng tỏ thêm, thấy rõ vấn đề kỹ hơn, đưa đến hoàn thiện tốt đẹp thêm.

Như vậy quý vị thấy: Ai dám cho là mình hoàn toàn? Ai cũng còn có những chỗ sai sót, những hiểu biết của mình cũng chỉ ở một số mặt nào thôi, không thể hiểu hết được mọi mặt của thế gian.

Tóm lại, tất cả mọi người trên cõi đời này đang sống với tâm sanh diệt, hư dối thì không ai là hoàn toàn hết! Nhớ kỹ điều đó.

Vì vậy, phải khéo biết lắng nghe những lời phê bình để sửa sai, để chuyển hoá. Khi nghe người ta phê bình, thì phải cảm ơn, đừng nghĩ là « bị » phê bình mà là « được » phê bình nên vui mà nhận. Có ai làm được điều đó không? Nghe thì dễ, mà làm thì hơi khó.

Thường ai cũng có ít nhiều tự ái, nghĩ : « Tôi mà bị phê bình thì sao chịu nổi? » Nhưng nếu là người học đạo, hiểu đạo, thì phải biết nghe để mà chuyển hoá. Tu là sửa. Sửa là chuyển hoá. Nhà Nho nói: «Nhật tân nhật nhật tân = Ngày mới ngày ngày mới ». Nghĩa là mỗi ngày đều mới, đều thay đổi chứ không thể sống dính chặt vào cái cũ hoài.

Có mới, có chuyển đổi thì mới có tiến bộ. Nếu chấp chặt một chỗ, chỉ biết sống với cái cũ, lâu ngày thành lạc hậu. Cho nên, biết khéo lắng nghe, sửa sai để chuyển hoá, để cho mỗi ngày mới, ngày ngày mới, luôn sống với tâm mới mẻ tốt đẹp.

Quý Phật tử nhớ khi mình biết lắng nghe thì người khác mới vui nhắc nhở mình. Nếu được nhiều người nhắc nhở thì sao? Thì càng có thêm nhiều thiện tri thức xung quanh chúng ta nữa. Và nếu cuộc sống mà xung quanh mình có nhiều thiện tri thức thì quá hay rồi. Ngược lại, nếu sống mà xung quanh có nhiều ác tri thức thì thật là nguy hiểm. Càng sống với nhiều thiện tri thức, càng tốt đẹp thêm cho mình, chỉ sợ ngược lại mới là điều đáng buồn.

Cho nên, trong Kinh Pháp Cú phẩm Hiền Trí, Phật dạy:

                            Được hiền đức chỉ dạy
                            Ngăn ngừa làm điều ác
                            Người tốt thì kính yêu
                            Kẻ xấu thì ghét bỏ.

Được bậc hiền đức chỉ dạy là giúp chúng ta ngăn ngừa không làm việc ác, làm điều xấu điều dở. Nếu là người tốt thì kính yêu. Nhờ người hiền đức chỉ dạy mà mình được tốt hơn. Còn kẻ xấu thì ghét bỏ. Là ghét người ta nhắc mình. Mà ghét người ta nhắc mình tức là sợ người ta chỉ điều xấu, nên cứ giữ điều xấu.

Như vậy nếu muốn làm bậc hiền trí, bậc hiền đức, bậc trí tuệ sáng suốt là phải biết lắng nghe, tiếp nhận những điều mà mình được chỉ dạy để ngăn ngừa những điều xấu dở. Trở thành tốt đẹp hơn.

Quý vị nghe rồi nhận định và ứng dụng những điều hay đó vào cuộc sống, khéo chuyển xấu thành tốt. Đừng tập theo những kẻ xấu, ghét không muốn nghe những lời chỉ dạy sai sót lỗi lầm của mình để ngăn ngừa điều ác, tức sợ bị phê bình. Như vậy tức là cố giữ những điều xấu, thì càng xấu càng dở thêm.

Luôn nhớ rằng, có người phê bình đó là cơ hội giúp cho mình soi trở lại, để mình thấy lại mình rõ hơn, để không quá chủ quan, không quá tự phụ. Không nên sợ phê bình, không nên nghe phê bình rồi buồn phiền trở lại có thành kiến, đó là điều không tốt.

Ở đây, quý Phật tử được duyên tốt nên cùng tu học với nhau trong một một đạo tràng. Nhờ vậy, có dịp huynh đệ cùng nhắc nhở, sách tấn chỉ cho nhau để cùng tiến. Nhờ có nhiều bạn tu, khi mình có những điều sai sót thì được huynh đệ thấy nhắc chỉ cho nhau. Phải trân trọng.

Khi nghe những điều nhắc nhở thì mình phải kính yêu, không nên chấp vào sự chủ quan, vào chỗ sai của cá nhân mình. Tức là mình sai, nhưng vì tự ái nên không chịu nhận sai, lại còn cố ý giữ cái sai đó nữa. Thời Phật, ở Xá Vệ có vợ của một vị trưởng giả qua đời. Sau đó, trưởng giả từ bỏ thế tục, xuất gia làm Tỳ-kheo tu hành nhưng tập khí nhà giàu của ông vẫn còn. Ông cất chứa đủ thứ bơ sữa trong nhà bếp, nhà kho rồi nấu nướng riêng theo sở thích, rồi may y phục cũng nhiều, lại còn có người hầu riêng nữa. Đời sống đầy đủ tiện nghi, ban đêm y phục riêng, ban ngày y phục riêng.

Một hôm, ông phơi các y, toạ cụ, các vị Tỳ-kheo ở tinh xá thấy vật dụng của ông quá nhiều nên mới bạch với Phật. Phật cho gọi ông đến hỏi có đúng như vậy không? Ông thưa: Dạ đúng như vậy!

Phật bảo: Ta đã dạy là Tỳ-kheo thì phải nên ít muốn biết đủ, sao ông chất chứa quá nhiều như vậy? Ông liền nổi giận. Cho là chỉ chuyện nhỏ không quan trọng vậy mà cũng bị nhắc nhở. Nên giữa tăng chúng ông la lên: « Rồi! để tôi sẽ đi khắp nơi như thế này đây nè! » Vừa nói vừa cởi lớp thượng y bên ngoài quăng hết ra chỉ còn lớp bên trong thôi (tức là chỉ còn áo lót bên trong).

Phật cũng vẫn ôn tồn khuyên: « Này Tỳ-kheo! Trong kiếp quá khứ, ông vẫn giữ được tính khiêm cung và biết sợ chết suốt mười hai năm. Sao bây giờ ông suy thoái như vậy? »

Tức là Phật nhắc lại là trong tiền kiếp, ông từng giữ được tâm khiêm cung và cũng biết sợ chết trong suốt mười hai năm như vậy. Nhưng sao bây giờ ông quên, lại đổi tính. Khi đó ông mới thức tỉnh, lật đật quấn y lại đảnh lễ Phật, rồi ông ngồi xuống lắng nghe tiếp lời của Phật dạy.

Đúng pháp, nếu là người khéo biết lắng nghe thì ngay khi nghe Phật nhắc liền tự kiểm lại mình thấy hổ thẹn, liền sám hối chỗ sai lầm, và xin sửa đổi, như vậy là quá tốt. Nhưng Tỳ-kheo này lại chấp vào việc làm của mình rồi giận lẫy. Nhưng sau đó nhờ Phật nhắc lại tiền kiếp của ông, ông thức tỉnh, lắng nghe và chuyển hóa, cũng là còn có căn lành.

Quý vị thấy nhiều khi chỉ cần một cử chỉ nhỏ thôi mà chuyển thành tốt đẹp. Ví dụ như quý vị lỡ làm gì hơi sai sót với huynh đệ, thì khi đó mình chỉ cần khéo khiêm tốn xin lỗi! « Xin lỗi tôi lỡ làm phiền huynh ». Như vậy sẽù vui vẻ nhẹ nhàng. Nhưng nếu cứ chấp chặt vào đó thì sao? Sẽ khiến người ta càng bực thêm nữa. Mà càng bực thì cái lỗi nhỏ nó thành lớn thêm. Còn biết lỗi thì chuyện lớn mà cũng thành nhỏ, hoan hỷ xả bỏ thì nhẹ nhàng.

Chúng ta nghe rồi rút kinh nghiệm để tập khiêm cung, tập lắng nghe để chuyển hoá đời mình tốt đẹp hơn nữa. Cũng là một cách tu để vươn lên, chớ không quá chấp cho mình lúc nào cũng đúng hết và nhất là tập nghe được những lời phê bình. Đây là việc khó làm, khó làm mà làm được mới quý.

Tu là sửa mà! Sửa xấu mới cho tốt. Như vậy càng tu học Phật pháp càng thấy bản thân càng mới mẻ tốt đẹp và như vậy thì càng an vui, càng lợi ích thêm. Đúng như câu: « Ngày mới ngày ngày mới ». Phải ngày mới ngày ngày mới, mỗi ngày đều mới, chứ không sống theo cái cũ, cái xấu dở hoài.

Vậy thì từ đây mỗi vị hãy cố gắng tập biết lắng nghe, tập chịu phê bình để mỗi ngày mỗi ngày càng mới càng tốt đẹp thêm hơn.

Như vậy, khéo tu để mỗi ngày đều mới mẻ, càng tốt đẹp hơn, thì cuộc sống xung quanh mình càng có nhiều thiện tri thức thêm hơn nữa, cuộc sống của mình sẽ càng vui vẻ hơn. Vậy là sự học Phật của mình càng có lợi ích, đúng ý nghĩa là học Phật.

Mong rằng mỗi Phật tử tu học thường khéo học theo bậc hiền trí để càng tu học thì càng tiến tới chỗ hiền thiện, trí tuệ sáng suốt, càng sạch bớt những điều xấu dở, và cho thấy rằng công đức « biết lắng nghe » rất là lớn lao không thể nói hết.

[ Quay lại ]