headertvtc new


   Hôm nay Thứ hai, 23/12/2024 - Ngày 23 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

PHÁT TÂM BỒ ĐỀ

Bài pháp có tên là “Phát Bồ-đề Tâm” hay Phát tâm Bồ-đề, tức là tâm giác ngộ. Tất cả quý vị ở đây đều là Phật tử, là con bậc giác ngộ, mình phải học theo bậc giác ngộ. Học phát tâm Bồ-đề là học giác ngộ để xứng đáng với tên Phật tử của mình.

I. THÂN NGƯỜI KHÓ ĐƯỢC, PHẬT PHÁP KHÓ NGHE

Trước hết, nói qua ý nghĩa việc mình được thân người. Phật nói: “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”. Quý vị thấy mình được thân người cũng đâu khó gì, pháp mình cũng được nghe đâu thấy khó gì, sao Phật lại nói: “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”? Phật dạy: “Trong kiếp luân hồi sinh tử này chúng ta được thân người là việc rất hy hữu, đâu phải chuyện thường”. Kinh có một ví dụ: Được thân người giống như rùa mù gặp được bọng cây. Trong biển cả to lớn có khúc cây mục, trong khúc cây có một bọng trống lớn, gió thổi sóng đưa khúc cây qua lại, dưới biển có con rùa mù mắt, trăm năm mới nổi lên một lần. Khi nổi lên làm sao mà vào trúng bọng cây đó, có dễ hay không? Rùa có mắt sáng đã khó rồi vì bọng cây không đứng một chỗ, cứ trôi qua trôi lại. Con rùa mù có thể nổi lên vào trúng bọng cây là chuyện hy hữu. Chúng ta được thân người ở đây cũng như vậy. Nếu người không hiểu đạo, ba nghiệp thân, khẩu, ý cứ tạo nghiệp thì dễ đọa vào trong các đường ác, biết bao giờ mới trở lại thân người. Nói thân người khó được là như vậy. Khi chết thì nghiệp cứ dẫn đi chứ không ai chọn được đường đi, nếu lỡ sinh vào các loài súc sanh hay ngạ quỷ thì kiếp sống rất lâu dài, không biết bao giờ mới ra được.

Có câu chuyện về Tổ Xà-già-đa ở Ấn Độ, một hôm Tổ đi vào thành, tới cửa gặp một con ngạ quỷ đang đứng khóc. Ngài đã chứng Thánh quả, có thiên nhãn nên mới thấy được như vậy.

Ngài hỏi:

- Vì sao con khóc?

Quỷ con trả lời:

- Mẹ con sinh con ra chưa được bao lâu thì đi vào thành này tìm thức ăn, con chờ lâu quá mà không thấy mẹ con ra. Con đang đói khát, mong Ngài vào thành có gặp mẹ con thì nhắn lại dùm.

Ngài đi vào thành thì gặp ngạ quỷ mẹ.

Ngài hỏi:

- Sao ngươi vào đây lại để con ngươi đói khát đứng ngoài thành chờ?

Quỷ mẹ đáp:

- Bạch Ngài, con vừa mới sinh ra nó, còn đang yếu vào đây tìm thức ăn, tìm được chút gì thì bị những loài quỷ khác mạnh giựt hết. Vừa rồi, con thấy một người đang bệnh ói mửa bên đường, con lấy được thức ăn đó định mang ra cho con nhưng sợ vị thần giữ cửa thành ngăn lại. Xin Ngài ủng hộ giúp con đi ra để cho con của con ăn, vì nó đói khát lâu lắm rồi.

Ngài nhận giúp đưa ra, xong lại hỏi:

- Ngươi sinh vào loài ngạ quỷ bao lâu và bao lâu nữa mới hết kiếp ngạ quỷ?

Quỷ mẹ trả lời:

- Con cũng không nhớ là đã bao lâu và cũng không biết bao lâu mới hết kiếp này. Nhưng con ở đây, đã thấy thành này bảy lần thành rồi hoại, mà con vẫn còn đây.

Vậy quý Phật tử thấy thời gian là bao lâu, bảy lần thành hoại như vậy là bao nhiêu năm? Nên Phật mới nói: “Mất thân người rất khó được trở lại, được thân người rất quý hiếm”. Khi có được thân rồi thì cũng không bền chắc, không đảm bảo lâu dài.

Quý Phật tử có ai dám bảo mình sống được bao lâu không? Phật dạy mạng sống con người là trong hơi thở. Mọi người nhìn thấy cái tướng thô của thân, nên nghĩ sinh ra ít nhất cũng sống vài chục năm. Trong kinh Tứ Thập Nhị Chương, có một lần Phật muốn thử các vị Tỳ-kheo nên hỏi: “Mạng người sống được bao lâu?”.

Có vị Tỳ-kheo đáp:

- Bạch Thế Tôn mạng người sống trong nửa ngày.

Phật không chấp nhận, nói:

- Ông chưa hiểu đạo.

Một vị khác bạch:

- Bạch Thế Tôn, mạng sống của con người chỉ trong bữa ăn.

Một vị khác trả lời:

- Bạch Thế Tôn, mạng sống của con người chỉ trong trong hơi thở.

Phật gật đầu nói:

- Ông hiểu đạo.

Thấy mạng sống trong hơi thở mới thấy đúng lẽ thật. Nếu quý Phật tử quán cho kỹ sẽ thấy đúng là mạng sống chỉ trong hơi thở.

Ví dụ: Từ đây đi tới trung tâm thành phố là mười lăm cây số. Đó là chúng ta thấy theo con mắt thường của mình, cứ tưởng như vậy là chính xác, nhưng chưa chính xác đâu! Khi chúng ta muốn đi qua mười lăm cây số đó, trước hết phải đi qua từng cây số một, từng mét, từng bước. Nếu đứng một chỗ thì làm sao tới được mười lăm cây số đó. Nhưng thường người ta ít nhìn thấu đến chỗ vi tế như vậy, chỉ nhìn thấy tướng thô. Chẳng hạn khi ta đốt một cây nhang, quay một vòng thì ta thấy cái vòng tròn, nhưng thật ra không phải là vòng tròn mà là từng chấm lửa, nó kết lại quá nhanh khiến mắt ta nhìn thấy một vòng tròn. Cũng vậy, sở dĩ ta sống được sáu, bảy chục năm thì phải qua từng hơi thở, cộng lại thì mới thành được sáu, bảy chục năm. Nếu trong khoảng giữa đó có một, hai hơi thở không cộng lại thì sao? Vậy có phải mạng sống là trong hơi thở không? Nếu nói mạng sống trong bữa ăn thì khoảng mười hơi thở không cộng lại đâu có ý nghĩa gì, vì mạng sống tới một bữa ăn kia mà! Cho nên Phật nói: “Mạng sống của người chỉ trong hơi thở”, nhưng thường thì chúng ta thấy mạng sống tới sáu, bảy chục năm nên thấy nó dài rồi dính mắc vào nó.

Người Tây Tạng có một câu ngạn ngữ “Ngày mai hay đời sau cái gì tới trước ta không thể biết được”. Chúng ta không thể biết được ngày mai tới trước hay đời sau tới trước. Có khi ngủ dậy là đi rồi, thế nên người Tây Tạng thấm sâu Phật pháp. Có một vị thầy nổi tiếng người Tây Tạng, mỗi đêm lúc đi ngủ, Ngài luôn rửa sạch tách, bình trà lau khô rồi gói lại cất trên đầu giường. Ngài nói vì ngủ rồi thì không chắc chắn có thức dậy được không? Nếu mỗi người chúng ta mà thấy được như vậy thì tu rất là mau tiến. Thân người mỏng manh như vậy mà mình không lo chuẩn bị tìm cái gì cao quý hơn để nương tựa, lại cứ bám chắc vào cái mỏng manh, bấp bênh này thành khổ. Cái cao quý, đó là Phật pháp. Nhưng Phật pháp đâu dễ cho người nghe, như trong bài kệ khai kinh:

                           
“Vô thương thậm thâm vi diệu pháp
                            Bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ v.v...”
            Dịch:
                             “Pháp Phật sâu mầu chẳng gì hơn
                            Trăm ngàn muôn kiếp khó tìm cầu v.v...”

Nếu sinh ra vào những vùng xa như vùng dân tộc thiểu số, có dễ nghe được Phật pháp không? Hoặc khi sinh ra bị tật nguyền đui điếc thì có dễ nghe không? Ở Ấn Độ, ngay thời Phật còn tại thế, có bao nhiêu người được nghe Phật pháp? Đâu phải thời đó toàn xứ Ấn Độ ai cũng được nghe. Quán kỹ thì mới thấy được cái phước duyên của mình, nên phải trân quý. Nếu không có duyên với Phật pháp thì không biết hiện giờ mình đang ngồi ở đâu, trong loài nào? Vậy mới thấy được chỗ đáng quý của mình, chứ không thì nghĩ: “Phật nói: “Phật pháp khó nghe”, sao mình nghe hoài mà đâu có thấy khó gì!”.

II. CÓ ĐẠO LÀ QUÍ

Nếu là người không biết Phật pháp, sống theo tham, sân, si mặc tình tạo nghiệp không lường. Lúc đó, cuộc đời mình thật đen tối, không có điểm tựa, đến khi thở ra không hít vào, không biết mình sẽ đi về đâu, rồi đau khổ, chới với.

Vì vậy, vua Trần Thái Tông có bài kệ nhắc cho người nhớ về sắc thân của mình là:

                            Bỗng mất thân người khi trước,
                            Trở lại mang lấy đãy da.
                            Đội lông mang sừng, hàm sắc dây yên,
                            Lấy thịt nuôi người, dùng mạng trả nợ.
                            Sanh thì bị khổ dao bằm, chày nện,
                            Sống thì bị nạn nước sôi lửa bỏng.
                            Hằng chứa oán thù, thay nhau ăn nuốt.
                            Khi đó mới hối hận, học đạo không có nhân.

Có nghĩa là khi mất thân người, do nghiệp xấu đã tạo chúng ta phải sinh vào loài này, loài kia để trả nợ. Vào đó rồi thì khổ biết bao nhiêu! Vì sinh vào loài đó là để trả nợ, khi người đến đòi nợ thì mình sinh hận trở lại người ta, rồi lại chất chứa oán thù với nhau. Ân oán từ đời này qua đời kia theo vòng luân hồi xoay mãi. Khi đó, hối hận trước kia không biết tu, giờ không có nhân lành để học đạo, không điểm tựa, rất khổ sở, đâu ai cứu mình được.

Phật không cứu được mình mà mình phải tự cứu mình. Phật chỉ là bậc thầy dẫn đường chỉ Phật pháp, chỉ rõ con đường an vui hay đau khổ cho chúng ta. Muốn an vui thì đi con đường an vui, đừng đi con đường đau khổ. Đó là Phật cứu khổ cho chúng ta rồi. Phật chỉ đường mình không đi, Ngài chỉ đường an vui mà mình đi con đường đau khổ, rồi kêu Phật cứu thì làm sao Phật cứu được. Điều đó rất thực tế. Nên vua Trần Thái Tông nói tiếp: “Chỉ bằng ngay đây tu tập, chớ để đời này trôi qua. Đức Phật Thích Ca trước bỏ hoàng cung để vào núi Tuyết. Cư sĩ Bàng Uẩn đem gia tài đổ xuống biển sâu”.

Vua khuyên mình ngày ngày nên tu tập, chớ để đời sống trôi qua, rồi sau đó hối hận. Vua dẫn chứng Đức Phật Thích Ca sống trong hoàng cung cao quý nhưng cũng bỏ đi vào rừng tìm đạo. Cư sĩ Bàng Uẩn cũng vậy. Khi giác ngộ rồi, ông đem gia tài, của cải chất xuống thuyền, chở ra biển bỏ hết. Có người nghe tin tiếc hỏi sao ông không đem bố thí để được phước. Đó là chúng ta nhìn theo quan niệm của chúng ta, nghĩ đem của cải bỏ như vậy quá uổng. Nhưng cư sĩ nhìn theo cái nhìn của người giác ngộ, chính của cải là nguyên nhân gây nên lòng tham, đem đến nguy hiểm cho con người. Vì giác ngộ, không muốn người khác đi theo dấu vết đó nữa nên ông mới vất bỏ chúng đi. Trong kinh kể có lần Phật đi đường thấy vàng rơi, Phật chỉ cho ngài A-nan và nói đó là rắn độc.

Ở đây, vua Trần Thái Tông cũng thấy được điều đó. Dù là một ông vua, Ngài vẫn khuyên mọi người khéo học đạo tu hành, phát tâm giác ngộ, chớ có tham luyến, đắm say thế gian vô thường. Vì sống trong thế gian nên phải tạm nhờ vào của cải, sự nghiệp thế gian. Chúng ta lại thấy của cải là thật của mình, nhưng theo Phật dạy thì của cải này là của năm nhà: nước, lửa, trộm cướp, vua quan, con bất hiếu. Sự nghiệp của cải đó gặp nước lụt, lửa cháy, trộm cướp thì sao? Sẽ tiêu tan hết. Nếu có tội thì bị vua quan tịch thu hết, có con hư nghiện xì ke, ma tuý phá hết. Cho nên, của cải không phải là của mình mà là của năm nhà.

Thân này cũng vậy, tạm nương ở đây, cuối cùng cũng bỏ. Biết vậy mà không học đạo để sáng tỏ, đó là mê. Người hiểu được rồi mới thấy lo sợ. Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ nhất có bài kệ:

                            Thân thể nằm dài trên giường lần cuối
                             Miệng thì thào những lời trăn trối
                            Tâm ngắm nhìn ký ức lần cuối diễn ra
                            Bi kịch ấy khi nào sẽ đến với người.

Đến lúc nào đó thân nằm dài trên giường bệnh, miệng thì thào nói lời trăn trôùi, khi sắp ra đi thì những ký ức trong đời quay lại giống như cuộn phim. Trước tạo nghiệp gì, giờ hiện ra hết. Tạo nghiệp lành thì hiện ra nghiệp lành, điều tốt thì ta thấy vui vẻ đi vào đường lành, đường tốt. Nếu tạo nghiệp ác, nghiệp dữ nó quay lại những cảnh xấu thì sợ hãi, làm tâm mình rối loạn, đi vào cảnh xấu. Và ai cũng đi đến giây phút đó. Cho nên, Ngài nói bi kịch đó khi nào sẽ đến với người, cảnh đó khi nào sẽ đến với mình? Không ai tránh khỏi hết, nên khéo biết lo học đạo.

Quán xa hơn trong kiếp luân hồi, Phật dạy: “Chúng sanh đi trong luân hồi vô lượng kiếp, khóc không biết bao nhiêu lần”. Khóc cho người thân đã mất, khóc cho đau khổ trong đời, nhất là những vị lớn tuổi.

Phật cũng dạy: “Nước mắt chúng sanh còn nhiều hơn biển cả” Chúng ta đâu thấy kiếp luân hồi dài xa như thế nào? Hôm nay, được ngồi đây không biết là do đã trồng duyên lành gì lâu xa với Phật pháp mà được có thân người, được nghe Phật pháp, nghe những lời chân thật là một điều hy hữu, phải quán xét kỹ mới thấy được cái quý này. Đó cũng chính là chỗ mở ra con đường sáng sủa, con đường giác ngộ cho chúng ta đi.

Cho nên, vua Trần Thái Tông còn nói: “Hoặc có người vùi đầu trong ăn uống qua mất một đời, lại có người trên đường tu hành lầm lẫn không thức tỉnh, đâu biết tính giác Bồ-đề mỗi mỗi viên thành; nào hay căn lành Bát-nhã người người đầy đủ”. Ý vua muốn nói có người cứ lo vùi đầu trong sự ăn uống không biết có cái cao quý hơn, rốt cuộc qua mất một đời; có người lại lầm lẫn trên đường tu hành, không gặp được con đường chân chính, sáng sủa đúng đắn nên không thức tỉnh giác ngộ được. Thật là điều đáng tiếc! Đâu biết tính giác của mỗi người vốn đều đầy đủ, căn lành Bát-nhã ai ai cũng có, nhưng không phát triển được, thật đáng thương!

Vì vậy, vua khuyên mọi người nên phát tâm Bồ-đề, phát tâm tỉnh giác, sống trở lại tính giác Bồ-đề nơi căn lành Bát-nhã chính mình để sáng tỏ lại. Mọi người ai cũng có lẽ thật thù thắng cao quý nhưng bỏ quên, nhận cái tạm bợ hư dối. Nên nói “Con đường mê giác ngay chỗ đó”.

Lâu nay nghe nói “Bồ-đề” là một danh từ, nghĩa là”giác”. Mà “giác” thì cái gì giác? Là tâm giác, tâm biết thì tâm giác. Phật cũng từ tâm mà giác ngộ, chúng ta ai cũng có tâm ấy hết. Nghĩa là đều có tính giác. Vậy mà không lo phát triển tính giác, chỉ lo phát triển cái biết buồn, vui, giận, ghét, hơn, thua. Đó chính là mê lầm tạo phiền não, quên mất chân tánh giác ngộ. Ở đây, vua Trần Thái Tông nhận thấy được điều đó, vua nhắc nhở mọi người khéo soi trở lại để phát triển nó.

Trong kinh Phật cũng từng nói: “Nhất thiết chúng sinh, giai hữu Phật tánh” nghĩa là “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”. Nhưng vì chúng sanh mê nên phải làm chúng sanh, giờ biết rồi phải khéo phát triển nó trở lại, chuyển chúng sanh thành giác ngộ. Đó là con đường tiến lên của chúng ta. Có tâm là có biết, có tánh giác, vì mê nên trôi lăn hoài tạo nghiệp luân hồi, quên mất gốc, lang thang trong sinh tử. Gọi là sống tha hương, quên mất quê hương của chính mình là bản giác, là Phật tánh, chúng ta chỉ sống với tâm sinh tử như lưu lạc nơi xứ người.

Phật và các Tổ ra đời để nhắc nhở chúng sanh tỉnh giác trở lại. Phải soi lại ngay cái tâm giác để vượt lên cái mê lầm này, sống trở lại cái gốc, tức có ánh sáng, có đầy đủ ý nghĩa sống. Quý vị thấy hiện tại chúng ta sống có gốc hay mất gốc? Trong cuộc vô thường, tạm bợ, biến đổi nhưng vẫn còn có chỗ nương, vẫn còn có cái tánh giác Bồ-đề làm chỗ nương tựa cho mình. Cho nên, đó cũng là điểm chúng ta đáng mừng, mừng còn có điểm tựa. Nếu không chẳng biết cuộc đời chúng ta sẽ đi về đâu? Nên mọi người khéo phát triển tâm Bồ-đề. Nhưng muốn phát triển tâm Bồ-đề chúng ta phải biết tâm Bồ-đề là gì? Bản chất của tâm Bồ-đề là cái gì?

III. BẢN CHẤT TÂM BỒ-ĐỀ

Tâm Bồ-đề có ba nghĩa, hay bản chất của Bồ-đề đó có ba: Trực tâm, Thâm tâm và Đại bi tâm.

Trực tâm: Là tâm niệm luôn hướng thẳng về Phật tánh sáng suốt của mình, không để nó quanh co, giả dối theo tham, sân, si. Nghĩa là không để nó cong theo cái vô minh, theo bản ngã ganh ghét, hơn thua đó là xa cái tâm gốc Bồ-đề. Thực tế chính tâm ngay thẳng chân thật trong sáng, đó là nó chuyển mình gần với bản chất của tâm Bồ-đề.

Có một vị tăng hỏi Thiền sư Duy Nghiễm ở Dược Sơn: “Cái gì là vật quý nhất trong Phật pháp?”. Thiền sư đáp: “Không cong vạy”. Thử kiểm xem tâm này lâu nay có cong không? Nếu học đạo mà tâm thẳng từ đầu đến cuối thì mau tiến lắm. Có người ban đầu phát tâm học đạo mạnh mẽ, xem như bỏ thân cũng được; nhưng lâu dần thì nó cong từ từ trở lại, thành ra sự học chậm tiến, chứ còn đúng từ đầu đến cuối nó thẳng một đường thì rất mau tiến, cũng mau đắc đạo nữa. Điều thứ nhất người học đạo cần phải có tâm ngay thẳng gọi là trực tâm.

Thâm tâm: Là tâm thường thích làm việc lành để gieo trồng các công đức, bồi dưỡng tâm Bồ-đề, không để cái tâm xấu chen vào, lấn áp dối gạt mình nên gọi là thâm tâm. Trên đường tu càng thêm nhiều công đức chừng nào thì càng tốt, chỉ sợ thiếu công đức, chứ đâu sợ dư công đức. Ví dụ: Một đám ruộng hay mảnh vườn nếu càng trồng nhiều cây ăn trái, nhiều hoa quả tốt thì cỏ dại càng bớt dần. Còn nếu ít trồng cây ăn trái, ít trồng hoa quả thì cỏ mọc làm chỗ nương tựa cho rắn, rít ẩn náu. Đây cũng vậy, ít công đức, ít căn lành thì cỏ phiền não tham, sân, si nhiều, rắn độc ẩn trong đó cắn người. Vì vậy, càng nhiều công đức càng tốt, càng thúc đẩy chúng ta trên con đường tu học, giác ngộ sâu thêm, không trở lại con đường mê. Cho nên, nhà Phật có bốn câu kệ nhắc nhở người có tâm mạnh mẽ học đạo là Tứ Hoằng Thệ Nguyện:

                        Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ,
                        Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn.
                        Pháp môn vô lượng thệ nguyện học.
                        Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.

- “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”, tức là chúng sanh nhiều không kể, vẫn thề nguyện độ hết không bỏ sót là phát triển tâm Bồ-đề, phát triển tình thương của chúng ta đối với mọi người, mọi chúng sanh. Chúng ta có duyên lành học đạo trước, hiểu đạo sớm, nên nhớ và thương những người chưa hiểu đạo để cứu độ họ, nhờ vậy tâm Bồ-đề của ta càng lớn, càng mạnh thêm và cuộc sống của mọi người trên thế gian được an vui, gần gũi thêm. Còn chúng ta chỉ làm theo tâm phàm phu của mình, đôi lúc tâm cũng phát triển mạnh, giúp người này độ người kia, nhưng chỉ độ người nào thích hợp, mình thích thì mình độ, còn không thích thì không độ, bỏ bớt ra. Nên việc cứu độ còn giới hạn, còn theo tình chấp ngã cá nhân.

Đây thì Phật dạy phát triển tâm Bồ-đề rộng lớn để phá tan mọi ranh giới mình, người, dù người thích hay là không thích đều độ hết, nhờ vậy tâm mở rộng, gọi là tâm không biên giới. Trái lại, tâm chúng ta là tâm còn biên giới. Nếu ai sống được với cái tâm mở rộng đó thì cuộc đời vui hơn, thấy được chung quanh mình ai cũng gần gũi, vì không có biên giới.

- “Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”, tức là phiền não nhiều vô tận vẫn thệ nguyện đoạn hết. Như chúng ta cũng thệ nguyện đoạn phiền não nhưng đoạn phần nào thôi còn để dành lại không dám đoạn hết.

- “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học”, tức là pháp môn nhiều vô lượng nhưng nguyện học hết, học hoài, học không ngừng. Chúng ta ngược lại, cũng học nhưng học một ít thôi, học vừa vừa thôi là thấy đủ rồi. Còn đây Phật dạy là học hoài không ngừng nghỉ, không thấy đủ.

Phật pháp đúng là học hoài không hết. Như ngay một lý vô thường thôi, có nhiều người học đạo lâu nghe giảng tới vô thường là không muốn nghe rồi, vì nghe nhiều, hiểu hết, cần nói cái gì cao siêu hơn! Sự thật không phải vậy, người hiểu được lý vô thường hoàn toàn không phải dễ. Ngày xưa các vị Tỳ-kheo thấu hiểu tột cùng lý vô thường thì chứng A-la-hán, đâu phải tầm thường. Còn chúng ta có khi học thì hiểu nhưng nếu đặt câu hỏi lại xem mình có thật hiểu chưa? Đó là chúng ta học và hiểu qua cái hiểu của Phật, của Tổ, của Thầy, không phải thật là cái hiểu của chính mình. Nếu đúng là ta hiểu thì ngay đó đã chứng đạo. Nếu chỉ học hiểu theo Phật, Tổ, Thầy thì phải thường xuyên quán chiếu vào cuộc sống hằng ngày, đến khi sức quán sâu, trí tuệ phát ra, thì bằng cái thấy ấy mà tự mình giải tỏa được phiền não đau khổ. Nếu cho rằng đã hiểu mà phiền não vẫn đến thì đó chỉ là cái hiểu của Phật, không phải cái hiểu của mình. Học đạo là phải học kỹ, học sâu. Nên Phật có dạy chúng ta học Phật là phải học hoài “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học” là vậy.

- “Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”, đạo giác ngộ vô thượng, phải nguyện thành tựu không phải chỉ tu nửa chừng. Quý Phật tử thường ít dám nghĩ tới tu đến đạo vô thượng Bồ-đề, mà chỉ tu có phước sanh lên cõi trên! Nhưng Phật dạy phải phát nguyện tu đến thành Phật mới thôi. Vì Phật nói tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, có đạo vô thượng nên phải tu để đạt tới đích, không được dừng nửa chừng.

Đại bi tâm: Là tâm thương xót cứu độ người, đưa người đến chỗ an vui. Khi thấy được cái khổ của chính mình, cảm thông được cái khổ của người khác, quên mình đến với người để mở rộng tình thương của mình cho cuộc đời tốt đẹp hơn. Phật dạy mỗi người ai cũng có nguồn gốc đồng như nhau, đó là nguồn gốc của tánh giác sáng suốt, cùng chung một nhà Như Lai.

Khi thấy được như vậy thì không còn buồn vui giận ghét nhau nữa, vì đã cùng sống trong nhà Như Lai. Không còn bị cái tôi ngăn cách, lúc đó mình sẽ bớt khổ, an vui thêm. Vì vậy, phải chú ý phát triển đại bi tâm.

Thường thì chúng ta quen sống với cái tôi của mình, nay Phật dạy phải quên bớt, chan hoà cùng nhau sống, từ cái khổ của mình mà cảm thông được cái khổ của người. Ví dụ khi chúng ta bệnh thấy buồn khổ, than sao mình bệnh mà không ai đến thăm, an ủi, rồi đưa đến buồn tủi và khổ thêm. Nếu nhân bệnh khổ của mình rồi nhớ đến bệnh khổ của chúng sanh, khi người bệnh người cũng khổ như mình, đau như mình, nhờ đó mà cảm thông được cái khổ của người, quên bớt cái khổ của mình; tự nhiên mình sẽ ít khổ hơn. Thương người cũng là thương chính mình, nhưng chúng ta lại không biết. Thường người ta chỉ nhớ thương mình, không nhớ tới người, càng thu hẹp lại càng khổ hơn.

Học Phật pháp chúng ta sẽ thấy rất nhiều điều hay, nhưng vì không học tới nên chưa thấy hay. Khi học đến nơi chốn rồi thì rõ ràng Phật pháp là Pháp bảo đúng như ý nghĩa mà chúng ta đã quy y, thật không phải chỉ là danh tự chữ nghĩa. Nếu học Phật kỹ, hiểu đúng rồi nếm sâu được Phật pháp trong cuộc sống, khi đó niềm tin vững chắc, trí tuệ sáng suốt không lay chuyển.

IV. TÓM KẾT

Từ nay, quý vị có chịu phát tâm Bồ-đề chưa? Học Phật là để phát tâm Bồ-đề, để giác ngộ. Dù chưa giác ngộ bằng Phật nhưng cũng bắt đầu tiến lên. Nhiều kiếp xa xôi chúng ta mê quá nhiều, rồi đến đây còn không thấy đủ hay sao? Phải dừng lại để chuyển về tính giác, đâu thểù tiếp tục nữa. Ngay đây giác trở lại là vừa rồi, không còn hối tiếc gì nữa. Mỗi người hãy phát tâm Bồ-đề là vừa, hãy đi theo con đường giác ngộ, sáng suốt để tiến lên, chứ không thể đi theo con đường vô minh mê lầm mãi.

Khi hiểu rõ, Bồ-đề chính là ở ngay tâm mình, không ở đâu xa. Tâm có hiểu biết tức là có giác, là tính Bồ-đề sẵn trong đó. Vậy thì ai cũng có thể phát tâm Bồ-đề, không có phân biệt nam nữ, già trẻ, lớn nhỏ, cũng không phân biệt chủng tộc, màu da. Không nói tâm này chỉ có ở người già hay người nam mới phát được. Ai cũng có thể phát hết, đó là một lẽ thật quý báu, vậy mà chúng ta không chịu khai thác sao? Bằng chứng hiện tại là có ông Sadi người Hungari phát tâm tu Phật, là chứng minh cụ thể ai cũng có thể phát tâm Bồ-đề.

Ngày xưa, thời Phật đệ tử của Ngài có đủ những người thuộc nhiều tầng lớp sang hèn khác nhau nhưng tất cả đều có thể chứng đạo được. Tỳ-kheo Vô Não trước kia là kẻ sát nhân, giết người rồi xâu lóng tay thành chuỗi để đeo, nhưng khi được Phật giáo hóa tu theo Phật cũng chứng quả A-la-hán. Còn có vị Tỳ-kheo Ni-đề xuất thân làm nghề hốt phân cũng được Phật độ chứng A-la-hán. Tỳ-kheo Châu-lợi Bàn-đặc là người ngu dốt, học hoài một bài kệ không thuộc, được Phật độ cũng chứng A-la-hán. Chúng ta bây giờ có dốt bằng ông Bàn-đặc không? Rõ ràng ai cũng sáng suốt nên đều phát tâm Bồ-đề được cả. Phát tâm Bồ-đề là phát triển lẽ thật, là chân lý bình đẳng với tất cả. Phát triển lý đó thì sống gần nhau hơn, phá tan mọi ranh giới của mình và người. Khi tình thương rộng lớn thì cuộc đời vui đẹp, sung sướng hơn. Mỗi người cần tha thiết cầu nguyện, mong cho ai chưa phát tâm Bồ-đề thì hãy phát tâm Bồ-đề, ai đã phát tâm Bồ-đề thì mong cho tâm Bồ-đề càng phát triển thêm lên thì cuộc đời này con người sẽ gần gũi hơn.

Trong kinh Pháp Hoa, phẩm “Đại Thông Trí Thắng” kể: khi Phật Đại Thông Trí Thắng thành Phật, Ngài phóng ánh sáng soi trên thấu các cõi trời ở khắp mười phương, dưới suốt đến cõi địa ngục. Các vị Phạm thiên phương Đông, Tây, Bắc xa xôi đều cảm nhận được ánh sáng của Phật chiếu đến cõi mình, lấy làm lạ nói: “Hôm nay ánh sáng rực rỡ hơn bình thường, nên cùng chung bàn luận”. Trong đó có vị Phạm thiên nói: “Ánh sáng này khác thường, chắc là Phật ra đời hay vị Thánh Nhân nào đã ra đời? Chúng ta phải nương theo ánh sáng tìm xem nó phát ra từ đâu?”. Rồi các vị theo ánh sáng đó được tìm gặp Phật Đại Thông Trí Thắng đang ngồi nơi đạo tràng, sắp thành Chánh Giác. Có mười sáu vị Vương tử đang thỉnh Phật chuyển pháp luân.

Khi đó, chúng sanh ở các cõi bỗng nhiên thấy nhau, mới lấy làm lạ nói, lâu nay không thấy sao hôm nay lại thấy nhau, sao có chúng sanh nhiều vậy. Lúc đó không còn ranh giới cõi này cõi kia nữa. Khi tâm Bồ-đề phát ra như vậy, đúng là nó xoá tan những ranh giới của mình, của người. Cho nên gọi là không có ranh giới của kia đây, các cõi thông nhau thành một cõi. Còn mình bây giờ hai người ngồi kế bên nhau, mà có thấy nhau không? Hoặc có khi đi đụng mặt nhau mà không thấy nhau nữa, nhất là hai người có thành kiến với nhau! Bởi vì, mỗi người có thế giới riêng ở trong đầu cho nên cách biệt nhau. Tâm Bồ-đề mà phát chiếu soi rồi thì sẽ phá tan những ranh giới giữa ta và người. Thấy ai cũng có tánh giác Bồ-đề hết, mình có, người kia cũng có như mình, cùng cảm thông với nhau, không có phân biệt, ngăn cách. Thấy ai cũng là Phật sẽ thành, ai cũng là những vị Phật tương lai. Vậy càng học đạo thì chúng ta càng thấy vui thêm, tươi sáng thêm, cuộc sống tươi đẹp, gần gũi nhau thêm. Học đạo như vậy đúng nghĩa là học đạo.

Còn chúng ta học đạo càng lâu lại càng phiền não thêm là sao? Như thấy sao thầy đó, cô đó, học đạo càng lâu càng thấy khó thêm, làm cho người ta giảm niềm tin với Phật pháp. Chúng ta phải hiểu kỹ để tu hành đúng pháp, càng học đạo càng chuyển tâm khiến càng gần gũi mọi người thêm. Người học đạo mà có cuộc sống nội tâm, có đạo đức thì phát ra từ trường tốt. Mọi người ai cũng thích tới gần như vậy là tốt đẹp, nên càng phát triển tâm Bồ-đề nhiều chừng nào thì càng tốt chừng ấy.

Có một câu chuyện: Ở một vùng nọ của Tây Tạng, trước kia có ít người sinh sống. Thỉnh thoảng xảy ra những chuyện đấu tranh giữa các bộ lạc. Có vị Đại sư Tây Tạng đã chứng đạo, Ngài đến vùng này thiền định giữa các con đường vắng là chỗ tiếp giáp ranh giới giữa hai bộ lạc. Ngài bỗng cảm nhận được một năng lực hủy hoại như đang sắp bùng phát.

Đại sư quyết định đem tâm thức an tịnh của mình thể nhập vào các năng lực xấu đó xem sao? Ngài đốt lửa nấu trà để xem thử việc gì sắp xảy đến và rồi Ngài nằm ngay giữa đường đi, ai đi qua cũng phải bước qua thân Ngài.

Hai nhóm bộ lạc nghe tin bực tức, phái hai ba kỵ mã mang vũ khí tới để trừ diệt. Mấy vị kỵ mã thấy Ngài nằm như vậy, nhảy xuống ngựa bảo: “Ngươi là thằng điên hay bị ốm, làm cái gì mà nằm như vậy, bộ định truyền bệnh cho người khác hay sao?”. Lúc đó, vị Đại sư nằm thong thả, nheo con mắt, bằng tâm từ bi Ngài nói: “Đừng lo, các người sẽ không được truyền cái bệnh này đâu, ta đang ở trong tâm Bồ-đề tỉnh giác, mà tâm này không thể truyền cho các ngươi đâu!”. Nghe xong, họ tưởng Ngài điên khùng nên lắc đầu, lên ngựa đi mất.

Ngài nói bằng tâm từ bi tươi mát nên cảm đến ba người đó. Ban đầu, họ đến với thái độ bực bội định trừ khử, nhưng lại chuyển hóa dần. Sau đó, người ta truyền nhau một câu chuyện như là phép lạ, sự hiềm khích hàng chục năm giữa hai bộ lạc bỗng nhiên được hóa giải bằng một hiệp ước hoà bình. Người ta cũng kể rằng ba chàng kỵ mã đó được một lão già đắc đạo lây truyền tâm Bồ-đề, từ đó đi đâu họ cũng truyền cái tâm Bồ-đề cho mọi người. Sau này, trong những buổi giảng đạo cho số đông người, vị Đại sư Tây Tạng đã tuyên bố: “Theo ta thì không chừng Bồ-đề tâm cũng có thể lây truyền được. Mặc dù, ta phải thừa nhận triệu chứng của Bồ-đề tâm ít khi được phát ra trọn vẹn”. Ngài nói là nếu người tu đã chứng đạo phát tâm giác ngộ ra trọn vẹn thì ít nhiều cũng có thể lây truyền và phát triển tâm ấy đến người chung quanh. Đó cũng chính là tâm cảm thông, yêu thương khi nhận ra chính trái tim mình ở trong trái tim của mọi người.

Vì vậy, người học đạo, hiểu đạo phải khéo phát triển tâm Bồ-đề của mình để lây truyền cho mọi người, càng nhiều càng tốt. Và cuối cùng, vị Đại sư Tây Tạng chấm dứt bằng một lời nguyện: “Mong thay cho tâm Bồ-đề vô lượng sẽ được lây truyền cho mọi loài, không sót loài nào”. Nếu được như vậy thì đời sống mọi người sẽ phát triển, chuyển hóa theo hướng tốt đẹp. Mỗi người đều sống với tâm Bồ-đề sẽ chuyển đổi thế gian, cõi đời sẽ tươi sáng hơn, ngay đây sẽ chuyển hóa Ta-bà thành Tịnh Độ.

Trong kinh Pháp Hoa, khi tháp Phật Đa Bảo hiện ra, các đệ tử muốn thỉnh Phật Thích Ca mở cửa tháp Phật Đa Bảo để thấy chân thân của Phật. Phật Thích Ca nói: “Phật Đa Bảo có nguyện: “Sau này dù ở đâu nếu Đức Phật nào nói kinh Pháp Hoa thì tháp của Ngài hiện ra, và vị Phật nào muốn mở cửa tháp để thấy chân thân Phật thì phải thâu hồi tất cả các hóa Phật của Phật ấy khắp nơi về một chỗ””. Sau đó, Đức Phật Thích Ca thu hồi hết các hóa Phật của Ngài. Khi ấy, cõi Ta-bà được kết bằng lưu ly, dây vàng giăng ngang đường, trang nghiêm tốt đẹp. Đất đá lồi lõm, xấu xí đều được dời đi nơi khác v.v... trở thành Tịnh độ.

Có nghĩa là khi muốn mở cửa th báu để thấy Phật Đa Bảo, tức Phật pháp thân hay tính giác Bồ-đề thì phải thâu hồi tất cả hóa Phật đang đi giáo hóa về một chỗ, lúc đó sẽ sáng tỏ tháp Phật Đa Bảo hay sáng tỏ tánh giác Bồ-đề nơi mình, và khi ấy cảnh Ta-bà được chuyển thành Tịnh Độ. Những chúng sanh tham, sân, si, cống cao, ngã mạn v.v... bị di dời đi chỗ khác. Hội Pháp Hoa sẽ được thanh tịnh, sáng suốt. Ngay đó chính là cõi Phật. Nghe pháp với tâm thanh tịnh thì mình sẽ dự được pháp hội đó.

Vậy khi quý vị tụng kinh Pháp Hoa, quý vị có được dự trong hội Pháp Hoa không? Hay bị dời qua cõi khác? Chúng ta phải tụng với tâm thanh tịnh, sáng suốt để được dự trong hội Pháp Hoa, mới đúng nghĩa là tụng Pháp Hoa. Nếu tụng Pháp Hoa mà nghĩ chuyện buồn, vui, phiền não v.v... là bị dời đi cõi khác rồi. Nên hiểu rõ, sẽ thấy kinh Pháp Hoa nghĩa lý huyền diệu, sâu xa, đừng nghĩ rằng đó chỉ là chuyện của Phật không liên quan đến mình.

Phật nói kinh là nói cho chúng sanh chứ đâu phải nói cho Phật, mà nói cho chúng sanh là nói cho ai? Cho chính chúng ta. Vậy là có phần của chúng ta trong đó. Nếu đọc tụng kinh theo chữ nghĩa, không hiểu nghĩa kinh thì sẽ thấy kinh xa, cách biệt. Khi hiểu rồi thì đúng là Phật dạy cho chính mình, lúc đó mình càng cảm nhận sâu ý nghĩa trong kinh, niềm tin càng vững. Sẽ cởi mở rất nhiều tình chấp, mê lầm. Như vậy mới đúng nghĩa càng học, càng tụng kinh trí tuệ càng thêm sáng suốt, công đức lớn thêm. Nếu tâm sáng suốt, trang nghiêm thì dù ở xa cũng như ở gần Phật, dự được trong hội Phật, mặc dù mình cách Phật hơn hai mươi lăm thế kỷ. Còn tâm mình không thanh tịnh, có đối diện với Phật cũng xa, cũng bị dời đi chỗ khác. Do đó tất cả đều từ tâm tịnh hay không thanh tịnh.

Quý vị nhớ trước khi Phật nói kinh Pháp Hoa, trong hội có năm nghìn vị Tỳ-kheo đứng dậy bỏ đi. Như vậy, có nghĩa là đang đối diện với Phật mà đâu có thấy Phật. Hiểu được ý nghĩa rồi thì thấy học Phật, tu Phật không xa lắm mà ở nơi ngay chính mình. Chỉ cần chuyển từ cái nhìn mê lầm thành cái nhìn giác ngộ, trí tuệ. Tu là chuyển cái nhìn, thay đổi cái nhìn thì cuộc đời mình thay đổi theo.

Trong nhà Thiền có câu chuyện bà già hay khóc: Bà già có hai con người con gái, một người bán quạt, một người bán áo mưa. Mỗi khi trời nắng bà nghĩ tới người bán áo mưa chắc bán ít được nên bà khóc thương cho đứa con gái đó. Còn khi trời mưa bà nghĩ tới người con gái bán quạt, chắc bán không được nên bà thương con mà khóc.

Bà đến gặp Thiền sư thưa: “Làm sao để bà có thể chuyển được cái khổ này?”.

Thiền sư nói: “Đơn giản thôi! Bà chỉ cần chuyển cái nhìn là được, khi trời mưa thay vì bà nhớ người con bán quạt, bà nhớ người con bán áo mưa, hôm nay chắc nó sẽ bán được nhiều, bà vui thôi. Còn trời nắng bà nhớ tới người con bán quạt là hôm nay nó bán đắt. Vậy là bà vui thôi!”.

Bà về thực hành đúng vậy, trở thành thường xuyên vui vẻ, nên được gọi là “Bà già hay cười”. Cũng vậy, nếu khéo chuyển cái nhìn thì vui buồn cũng theo đó mà thay đổi.

Có thiền sư đang đi trên đường gặp một cô gái nhảy xuống sông tự tử, Ngài kêu la gọi mọi người cứu cô gái. Sau khi được cứu lên, cô gái trách vị thiền sư sao cứu cô làm chi trong khi cô đang muốn chết, muốn thoát khỏi cuộc đời đau khổ.

Thiền sư hỏi cô gái: “Tại sao?”

Cô gái kể về cuộc đời cô toàn gặp những thất vọng, đau khổ, chỉ có tìm cái chết để an ủi.

Thiền sư giải thích: “Con người có hai mạng sống: một mạng sống cho chính mình, một mạng sống cho mọi người. Lâu nay cô sống cho cái mạng sống của chính mình, bị xúc phạm có nhiều cái không được như ý, nên cô muốn huỷ hoại mạng sống. Bây giờ cô hãy coi như mạng sống đó đã chết, chuyển nó thành mạng sống cho mọi người, không còn mạngg sống ích kỷ nữa. Cô hãy sống thật tốt đẹp vì mọi người, đem lại những điều phúc lành cho mọi người, làm được như vậy cuộc đời cô sẽ chuyển đổi”.

Cô gái về và thực hiện sống quên mình đúng như lời dạy, đem lại hạnh phúc, an vui cho mọi người, nên quên đau khổ của mình, lâu ngày cuộc đời cô tươi sáng hơn.

Như vậy, rõ ràng chỉ cần khéo tu, chuyển cái nhìn là cuộc đời sẽ được thay đổi, sẽ tốt đẹp. Tức là, tùy theo cái nhìn, cái nhìn theo phiền não, đau khổ sẽ gây phiền luỵ cho mình; còn cái nhìn trong sáng, cởi mở thì đem lại nhiều an vui.

Nhà Thiền có câu chuyện giữa Thiền sư Phật Ấn với ông Tô Đông Pha. Một lần, Tô Đông Pha đến chùa Kim Sơn gặp và cùng ngồi thiền với Thiền sư Phật Ấn. Sau buổi ngồi thiền ông hỏi ngài Phật Ấn:

- Hôm nay, thầy thấy tôi ngồi thiền thế nào?

Ngài Phật Ấn nói:

Hôm nay ông ngồi giống như vị Phật.

Và hỏi lại Tô Đông Pha:

- Hôm nay, ông thấy tôi ngồi thế nào?

Lâu nay, khi đối đáp với Ngài Phật Ấn ông luôn thua, hôm nay được dịp ngài Phật Ấn hỏi nên ông nói:

- Giống như đống phân bò.

Ngài Phật Ấn nghe xong rồi im lặng cười. Tô Đông Pha nghĩ rằng Ngài Phật Ấn thua nên không nói thêm nữa.

Tô Đông Pha ra về, kể lại câu chuyện cho cô em gái, cô em gái này cũng là người học thiền và khá thông minh. Nghe xong câu chuyện, cô trầm ngâm một hồi rồi nói:

- Anh thua Ngài Phật Ấn rồi!

Tô Đông Pha hỏi:

- Thua chỗ nào?

Cô nói:

- Tâm của ngài Phật Ấn giống như Phật nên nhìn anh như Phật, còn tâm anh như đống phân bò nên nhìn ngài Phật Ấn như đống phân bò!

Cho nên, nếu tâm mình xấu thì mình thấy người xấu, cuộc đời xấu. Tâm mình tốt thì nghĩ người tốt, cuộc đời tốt. Khi tâm người phiền não mà ai tới làm phiền thì tự nhiên lửa sân bừng lên. Tâm mà vui vẻ, lạc quan thì người có muốn làm mình giận cũng không làm được.

Vậy tu Phật có khó không? Không khó. Chỉ cần nhìn theo tâm Phật, tâm Bồ-đề thì cuộc đời sẽ chuyển hóa tốt đẹp. Mong sao, từ nay quý Phật tử khi được lây truyền tâm Bồ-đề rồi chuyển cái nhìn, tiếp tục lây truyền tâm Bồ-đề cho mọi người để cuộc đời ngày càng sáng sủa, tươi đẹp hơn, chuyển Ta-bà thành Tịnh Độ.

[ Quay lại ]