headertvtc new


   Hôm nay Thứ hai, 23/12/2024 - Ngày 23 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

BÊN TÒA KIM CANG DƯỚI CỘI BỒ ĐỀ

Sáng hôm nay đoàn làm lễ gần ngay dưới cội Bồ-đề, nơi đức Thế Tôn thành đạo, thầy Thông Không gợi cảm hứng về lời thệ của đức Thế Tôn: “Hôm nay tôi vì chúng sanh đau khổ nguyện ngồi dưới gốc cây này cho đến khi chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nếu chưa được toại nguyện thì dù tan xương nát thịt quyết không đứng lên”.

Quả là gãi đúng chỗ ngứa! Chính một ý chí cương quyết như vậy, một sự quyết tâm vững như tòa Kim cang nơi Ngài ngồi, nên Ngài đã thành tựu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác như ý nguyện. Chúng ta là những người con Phật, đi theo con đường giác ngộ của Phật thì cũng phải học cái hạnh đó: Một sự quyết tâm tiến tu cho tới đích, không lùi bước giữa chừng! Thân đã đến đây rồi, đã ngồi nơi Bồ-đề Đạo tràng đây rồi, thì tâm cũng phải đến đây, phải ngồi được nơi đạo tràng Bồ-đề mới mãn nguyện. Tức là hạt giống lành này quyết phải phát triển cho đến thành Phật mới thôi. Ngay việc tu học hằng ngày cũng vậy, làm thì phải làm đến nơi, giữ tâm ban đầu cho thẳng đến rốt sau, không để nửa chừng cong quẹo hay đứt gãy.

Có vị tăng hỏi Thiền sư Duy Nghiễm ở Dược Sơn:

- Cái gì là vật quý nhất trong Phật pháp?

Sư đáp:- Không cong vạy.

Chính cái tâm ngay thẳng từ đầu đến cuối, tâm không cong lệch tà vạy làm mất đi bản chất chân thật, là quý nhất. Vật báu ở thế gian không có gì sánh kịp. Đó là bài học lớn cho tất cả chúng ta, học suốt cuộc đời và suốt trên đường luân hồi này cho mãi đến thành Phật. Đó cũng là một ý chí kim cang.

Đức Phật trước khi thành đạo đã ngồi trên tòa kim cang, phát chí nguyện kim cang, nhập kim cang định trừ sạch chúng ma, tận diệt phiền não, thành tựu quả giác viên mãn. Đây thực là một nguồn cảm hứng sâu xa cho chúng ta, nhất là những ai đủ duyên lành ngồi ở nơi đây, là một nơi “Động tâm” trong bốn động tâm. Vậy mà không động tâm sao? Đem một tâm thành như vậy để kính lễ Thánh tích của đức Thế Tôn thì chắc chắn Thế Tôn chứng ngay lòng thành đó.

Trong không khí trong lành của buổi sáng sớm, cộng với sự cảm hứng sâu xa trong lòng, tôi thành thật muốn khơi dậy cho mỗi người “tâm Bồ-đề sẵn có” trong tất cả.

Chợt nhìn ngay trước mặt, một chiếc lá Bồ-đề đã rơi xuống nằm ngay đó từ lúc nào! Một khoảnh khắc có biết bao ý nghĩa!

NÚI KÊ TÚC

Đến núi Kê Túc nhớ tới câu chuyện ngài Ma-ha Ca-diếp, vị đại đệ tử của Phật tu hạnh đầu đà bậc nhất, cũng là vị chủ tọa lần kết tập kinh điển thứ nhất tại hang Thất Diệp. Khi nhân duyên ở đời đã mãn Ngài bèn chống gậy, leo núi, đến đây dùng thần lực chẻ đá, vào trong nhập định, chờ đức Phật Di-lặc ra đời trao y ca sa của đức Phật Thích-ca!

Tư liệu của ngài Huyền Trang ghi: “Sau khi kết thúc việc kết tập, đến năm thứ hai mươi, ngài Ca-diếp chán cảnh ưu phiền nhân thế, tính nhập Niết-bàn. Ngài đi đến núi Kê Túc, lên trên triền phía Bắc, theo lối mòn khúc khuỷu quanh co, rồi đi lần về sườn núi Tây Nam. Ở đấy cảnh núi hiểm trở, có một tảng đá to choán ngay lối mòn, tiện tay Ngài gõ một tích trượng, tự nhiên tảng đá toát ra như bị chém bằng đao. Lối đi được khai thông. Ngài Ca-diếp tiếp tục đi tới, lại lối mòn khúc khuỷu quanh co dẫn tới đỉnh núi, day mặt về hướng Đông Bắc mà đi vào chỗ ba ngọn núi, đưa ca sa của Phật-đà cất vô đó, nhờ uy của nguyện lực, ba ngọn núi

đều cúi đầu, cho nên ngày nay ngọn núi ấy nổi lên như ba đốt xương vậy”. Chúng ta nghĩ gì? Một bậc Thánh ngồi nhập định đợi qua thời gian từ đức Phật này đến đức Phật kế! Trong khi đó, chúng ta ngồi một chỗ khoảng một giờ là thấy chán, muốn đi lại, muốn đổi cảnh! Cái tâm khỉ vượn của chúng ta luôn thích lăng xăng, chuyền nhảy, không chịu ngồi yên. Ngồi thiền một giờ là đã kể công, nghe nói đến ngồi hàng vạn vạn năm như thế thì khó tưởng tượng, đôi khi sanh nghi ngờ: Có thật không?

Đúng là tâm nhỏ hẹp của chúng ta hiểu không tới nổi. Tuy nhiên chính chỗ chúng ta hiểu không tới, lại là chỗ yếu chỉ của Ngài. Trong nhà Thiền có câu chuyện:

Hòa thượng Minh ở Hưng Giáo hỏi

Quốc sư Đức Thiều:

- Ngài Ca-diếp mang cái y một trượng sáu của đức Thích-ca vào núi Kê Túc đợi ngài Di-lặc hạ sanh, mới đem y một trượng sáu khoác lên trên thân nghìn thước của đức Di-lặc, kích thước vẫn vừa vặn. Chỉ như thân của đức Thích-ca cao một trượng sáu, thân đức Di-lặc cao một nghìn thước, vậy thì thân biết rút ngắn lại hay y biết nới dài ra?

Quốc sư Đức Thiều đáp:

- Ông lại lãnh hội.

Minh phủi áo liền đi ra. Sư bảo:

- Kẻ tiểu nhi, Sơn Tăng nếu như đáp cho ông chẳng phải, chính sẽ có nhân quả, ông nếu chẳng phải, ta sẽ thấy rõ.

Minh trở về, bảy ngày sau bị thổ huyết, Hòa thượng Phù Quang khuyên:

- Ông mau đi sám hối.

Minh liền đến phương trượng của Sư buồn khóc thưa:

- Nguyện Hòa thượng từ bi nhận cho con sám hối.

Sư bảo:

- Như người té xuống đất, nhơn nơi đất mà đứng dậy, ta chưa từng dạy ông có ngã hay đứng.

Minh lại thưa:

- Nếu Hòa thượng cho con sám hối, con nguyện suốt đời hầu Hòa thượng.

Sư vì Minh mà nói ra:

- Phật Phật đạo đồng, bỗng dưng chia có cao thấp; Thích-ca, Di-lặc như con dấu in vào đất bùn.

Cho thấy đem cái tâm suy nghĩ theo chiều đối đãi của chúng ta để hiểu về việc Phật, thật có chỗ còn lờ mờ. Cái y của thân một trượng sáu này mà khoác lên thân cả nghìn thước kia, thì khoác thế nào đây? Làm sao thông? Quả là hết chỗ cho tâm này bám lấy để hiểu, để sanh!

Thiền sư khéo đánh thức cho người cần thấu tỏ đến chỗ: “Phật Phật đạo đồng kia kia”, chớ bám vào cái y mà sanh hiểu. Tâm sáng thì tất cả đều sáng, nghi ngờ cũng tan theo! Núi Kê Túc vẫn là đây!

NÚI TƯỢNG ĐẦU

Nhân độ ba anh em ông Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp ở làng Ưu-lâu-tần-loa (Uruvela), sau đó đức Thế Tôn dẫn tất cả lên núi Tượng Đầu này (Gajasirsa) thuyết bài kinh Lửa xong, tất cả 1.003 vị đều chứng A-la-hán. Chỉ một thời pháp mà hơn nghìn người chứng đạo, và để lại dấu tích, hôm nay chúng ta đến chiêm bái. Vậy chiêm bái nơi đây chúng ta học được cái gì? Là học được rằng: Mắt này đang ở trong lửa, sắc này đang ở trong lửa, nhãn thức này đang ở trong lửa, núi này, đá này cũng đang ở trong lửa, và chung lại tất cả thế gian đang ở trong lửa, đang bị đốt cháy, kể cả cái TA này cũng vậy, thì còn ai để chiêm bái đây? Ai để đứng đây? Sao còn chưa tỉnh? Chân lý ngày xưa như thế và cũng vẫn còn đang hiện hữu ngày nay đó!Liên hệ đến thánh tích này, ngài Tỳ-ni-đa-lưu-chi có dịch bài kinh Tượng Đầu Tinh Xá; và cùng bài kinh đó, ngài Bồ-đề-lưu-chi dịch là kinh Già-da Sơn Đỉnh. Trong đó lược nói về ý nghĩa Bồ-đề như sau:“Tôi nghe như vầy, một thuở nọ đức Thế Tôn ở tinh xá Đầu Voi tại thành Già-da, bấy giờ Như Lai thành Phật đã lâu, cùng với chúng đại tỳ-kheo đầy đủ một nghìn người, các ngài đều là những tiên nhân dòng Loa Kế của thời quá khứ xa xưa. Việc làm của các ngài đã xong, buông bỏ gánh nặng, lìa khỏi sanh tử từ lâu, sạch hết mọi phiền não, không tuệ bình đẳng, trí tâm chánh thọ, tất cả giác tri đến nơi bờ kia, đều là bậc A-la-hán, đồng thời cùng chung với vô lượng chúng Đại Bồ tát.

Khi ấy đức Thế Tôn ngồi một mình tư duy nhập các chánh định, quán khắp pháp giới, tự giác thành đạo, đủ nhất thiết trí, việc làm đã xong, buông bỏ mọi gánh nặng, vượt qua dòng sanh tử, lìa bỏ san tham, nhổ gai tam độc, sạch hết mọi khát ái, gom nhóm thuyền pháp to, đánh trống pháp lớn, thổi loa pháp lớn, dựng cờ pháp lớn, đã đoạn dứt sanh tử, diễn nói chánh pháp, đóng bít các lối dữ, mở cửa đường lành , lìa hẳn cõi nhơ xấu, dạo đi cõi sạch đẹp: Ta xem pháp kia, ai tu Bồ-đề? Ai được Bồ-đề? Ai là người muốn được? Quá khứ, hiện tại, vị lai là chỗ chứng của ai? Là thân được hay tâm được? Nếu cho là thân được thì thân ấy vốn vô tri, giống như cỏ cây, cát sỏi, tường vách không biết gì, do bốn đại hòa hợp, từ cha mẹ sanh ra, thường phải ăn uống, may mặc, tắm rửa, kỳ cọ, cuối cùng trở về hư hoại, đó là pháp tiêu diệt. Bồ-đề ấy chỉ là tên suông mà không có tướng thật, không thinh, không sắc, không thành, không thấy, không vào, không biết, không đi, không đến. Những pháp như thế… cũng không trói buộc, hay vượt qua các pháp, ra khỏi ba cõi, không thấy, không nghe, không ngã và ngã sở, không người tạo tác (tác giả), không chỗ nơi, không phòng nhà, không chấp lấy, không dính mắc, không ra, không vào, không nguyện, không trụ, không tướng mạo, không kia đây, không chỉ bày, giống như huyễn hóa, do mười hai duyên sanh, không chỗ nơi thấy được, lìa tướng như hư không hiện lặng lẽ, không tiếng, không vang, không văn tự cũng không ngôn thuyết, người biết rõ như thế gọi là Bồ-đề.Nếu do tâm được thì tâm ấy không nhất định, giống như huyễn hóa, đều do nghiệp vọng tưởng của quá khứ mà sanh. Nó không hình, không nắm được, giống như hư không. Bồ-đề là không có chỗ nơi, chẳng phải quá khứ, vị lai, hiện tại, tất cả pháp không, dù rằng nói năng mà có tên đều không thật. Đó là pháp không vô vi, không tướng, không tạo tác, chẳng phải có, chẳng phải không, chẳng phải có thể thị hiện, không nói, không nghe. Bồ-đề là chẳng phải quá khứ được, chẳng phải vị lai được, chẳng phải hiện tại được, cũng chẳng lìa ba đời được, không tướng, chẳng phải tạo tác, nếu hay giác rõ pháp ba đời như thế, gọi là Bồ-đề”.

Đó là đức Phật muốn ngầm chỉ Bồ-đề chân thật ngay trong tự tâm xưa nay của người, không phải ở trong chữ nghĩa, trong kinh sách ghi chép, trong truyện tích kể lại, trong lý luận phân tích. Bồ-đề đó vẫn đang chiếu sáng trong mỗi người đây! Cuối cùng là trở về nơi chính mình!

[ Quay lại ]