headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 19/04/2024 - Ngày 11 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

CHÍN CHƯƠNG DI GIỚI - LƯỢC SỬ THÂN THẾ NGÀI ĐẠO AN

thiensudaoan

Đây giảng về chín chương di giới của ngài Đạo An, dạy cho môn nhân nhầm nhắc nhở khuyên răn tiến tu.

 

Sư hiệu là Thích Đạo An sinh năm 312 (có chỗ ghi là 314), đời Đông Tấn, là một vị rất đặc biệt. Xuất gia năm 12 tuổi, thân tướng thì đen xấu, nhưng rất thông minh, học tập và nghiên cứu các kinh luận. Kiến thức siêu việt, nối pháp ngài Phật Đồ Trừng.

Chính Sư đã đề nghị với vua Phù Kiên thỉnh ngài Cưu Ma La Thập từ Tây Vực qua Trung Hoa và Sư cũng là người đặt ra cho tăng đoàn mang họ “Thích” là họ của Phật.

Đây Sư có làm chín chương Di Giới này để răn nhắc cho hàng môn nhân.

Mở đầu Sư dạy:

- Kính tạ chư đệ tử…

Xuất gia vì đạo là rất nặng, rất khó. Chẳng thể tự xem thường, chẳng thể tự cho là dễ dàng.

Nặng là sao? Nghĩa là gánh vác đạo đức, đeo mang nhân nghĩa, lòng giữ tịnh giới đến chết mới thôi.

Khó là sao? Nghĩa là dứt lìa thế tục, cắt đứt thân ái, xa tình đổi tánh, chẳng đồng với mọi người. Làm những điều người không thể làm, cắt những điều người không thể cắt. Nhẫn nhịn chịu khổ bỏ cả thân mạng. Gọi đó là khó, được tên là Đạo Nhân.

Sư nhắc xuất gia không phải là chuyện thường, là chuyển hướng cuộc đời mở sang hướng đi mới cho mình. Không phải là vào chùa chỉ an dưỡng thôi. Ngài nhắc để nhớ lại ý chí cao thượng, trong sáng của buổi đầu đó mà gắng giữ gìn phát huy lên.

Là mang nặng những điều đạo đức, nhân nghĩa, không phải vào đây cạo tóc mặc cà sa là xong. Nên mỗi người nơi đây lâu lâu mình kiểm lại xem, mình xuất gia là vì cái gì?

Đây Ngài nói là “Mang nặng đạo đức, thọ trì tịnh giới của Phật”, đó là một trách nhiệm nặng, một bổn phận đã gánh vác mà mình phải làm cho tròn.

Bởi vì, mình tu là còn hướng dẫn đạo đức cho người, mà đã là hướng dẫn đạo đức cho người thì mình phải làm sao? Tức là mình phải là người giữ gìn đạo đức trước.

Đạo đức ở đây là giữ giới trang nghiêm có giới, có đức, cho nên trong nhà Phật có câu “Đức trọng quỷ thần kinh”. Tức là người có đức lớn thì quỷ thần cũng phải kính sợ, còn thiếu giới đức thì quỷ thần khinh thường. Do đó, là người xuất gia phải ý thức được vấn đề đó để giữ gìn giới đức được cẩn trọng, trang nghiêm, rồi còn hướng dẫn đạo đức cho người nữa.

Kế đến là chuyển đổi tâm tính của mình, cắt đứt những điều ân ái, tức là những tâm tình của thế gian, chuyển đổi để hợp với tâm đạo. Làm những điều người ta khó làm, cắt đứt những điều người ta khó cắt đứt. Thì người ta mới quý. Còn nếu không được như thế thì mình cũng như họ thôi.

Đạo Nhân: nghĩa là người dẫn đường. Đi ắt đáng đi theo, nói ắt đáng học theo. Mình là người dẫn đường cho người khác, thì chỗ mình thực hành, mình nói đó đáng cho người ta bắt chước theo, học theo. Mà nếu mình đi bậy, đi lạc thì làm sao người ta bắt chước đi theo mình được.

Vì vậy, ngôn hạnh phải như thế nào cho xứng đáng để người ta đi theo.

Thấy được những điều đó mình mới thấy được trách nhiệm của mình là lớn, là nặng.

Thí dụ, như bây giờ mình xuất gia rồi, mà hạnh thô tháo, vừa đi vừa chạy thì người ta có đáng đi theo mình không? Hoặc nói năng thô lỗ hay đùa cợt mất oai nghi thì người ta có đáng học theo mình hay không? Nên đây Ngài mới nhắc là “Đi ắt đáng đi theo, nói ắt đáng học theo”.

Đó là nhắc mình thường kiểm lại mình, gìn giữ về ngôn, hạnh của mình. Thấy người xuất gia, tu hành có hạnh, có đức, người ta quý kính, người ta mến và phát tâm theo cung kính Tam Bảo. Chúng ta đã dự vào hàng tăng, là trụ trì, gìn giữ ngôi Tăng bảo, đâu phải tầm thường.

Do đó, phải ráng giữ gìn, chưa được như vậy là còn đáng hổ thẹn.

Nhiều khi thấy mấy huynh đệ tu chưa bao lâu mình đã vội xưng thầy với người khác rồi, nhưng kiểm lại về ngôn, về hạnh của mình có đáng chưa, nếu chưa thì có hổ thẹn không?

Cho nên đây Ngài nhắc: “Mặc đồ xuất gia, hành động có phép tắc, chẳng tham cầu, chẳng đua tranh, chẳng dèm pha, chẳng che giấu. Học hỏi điều cao xa, để chí ở chỗ sâu kín, chính đó là danh xưng”.

Tức là xuất gia rồi hành động có phép tắc, không phải muốn làm gì thì làm, gọi là cứ làm theo “ý mình”, mà làm theo ý mình tức là làm theo cái ta này chứ gì? Làm theo cái ta này là theo cái vô minh. Mình xuất gia học đạo là để giải thoát, tức là quên cái ta này. Ở đây mình chưa có quên, dứt sạch hết thì mình phải quên bớt. Đây là bớt cái “ý của mình”. Ý mình tức là “ý ta”, mà ý ta tức là theo bản ngã này. Thì đó là trái đạo lý. Đó là con đường đưa đến phiền não. Ởû đây phải đi ngược lại. Kế đến: “Chẳng có tham cầu, đua tranh, dèm pha, che giấu”. Đây cũng đều từ tham ái chấp ngã. Chính cái tình chấp ngã đó là cái vô minh, nó che lấp mình nhiều đời nhiều kiếp. Trong đó, cứ huân tập cái tập khí này ngày càng sâu thêm nên trừ rất là khó. Hiểu thì có hiểu đó nhưng để trừ cho nó sạch thì không phải dễ, phải thường xuyên miên mật, quán xét, kiểm điểm lại, chẳng thể cho là dễ dàng nếu buông lung là nuôi dưỡng nó để nó sống dậy. Mà nó sống dậy là sống trong vô minh nên bây giờ phải khéo tu, quán kỹ để phá vỡ cái mê lầm đó. Còn bảo vệ nó là nuôi dưỡng cái vô minh. Nên đây Ngài nhắc: “Phải học hỏi những điều cao xa, để chí ở chỗ sâu kín”.

Vậy thì bây giờ xuất gia rồi phải quyết tâm học những điều cao xa. Chí thì để đến chỗ sâu kín, không phải là chỉ lo những chuyện nhỏ nhoi. Nhưng rồi lâu lâu cũng quên lãng nó, bị những chuyện nhỏ nhặt hàng ngày chi phối như là: Hơn, thua, yêu, ghét tầm thường, hay buồn vui với nhau!

Như vậy xuất gia vào đây để lo những chuyện đó hoài hay sao?

Thiền sư Minh Giáo Tung có dạy: “ Nói về Tăng là con người tuyệt vời, tâm địa bao la, đức hạnh đầy đủ, đạo hạnh to lớn, là bậc hiền nhưng chẳng phải là người hiền như thế gian thường gọi, là bậc thánh nhưng chẳng phải là bậc thánh như thế gian thường kêu, mà Tăng chính là bậc hiền thánh xuất thế vậy?”

Như vậy mới thấy nghĩa Hiền thánh ở đây nó vượt xa chỗ hiền thánh mà thế gian thường kêu.

Ở thế gian người có đạo đức tốt gọi là người hiền, người khá hơn là bậc thánh, đó là hiền thánh còn trong sinh tử. Nhưng bậc Thánh ở đây là bậc Thánh xuất thế, vượt ra sinh tử chứ đâu phải tầm thường, Thánh theo thế gian thôi. Cho nên mình phải nhớ đến chỗ cao quý của mình là như vậy, và phải ráng giữ gìn, cho xứng với danh xưng đó.

Đây Ngài lại nhắc: “Dự vào trong ba ngôi tôn quý, ra khỏi bậc hiền vào bậc Thánh, rửa sạch tinh thần; nên được vua chúa chẳng mong sự báo đáp của mình; cha mẹ chẳng mong đến sức của mình. Người khắp mọi nơi thảy đều theo về, giảm của vợ, bớt phần nuôi dưỡng, cúng dâng quần áo, thức ăn cho mình, lại cúi mình cung kính, chẳng ngại sự phiền nhọc”.

Đến đây Ngài nhắc mình đã dự vào hàng Tăng, tức là một trong ba ngôi tôn quý là Tăng bảo. Như vậy xét lại mình xem, cái tâm của mình đó, nó có tôn quý không? Nó có “Bảo” hay không? Nên đây Ngài nhắc là phải rửa sạch tinh thần, không được nhiễm theo thế tục. Không để những tập khí thế gian sống day, như thế mới đáng là tôn quý. Còn chư huynh đệ ở đây lâu lâu kiểm tra lại xem có được như vậy không? Rồi nữa, vua chúa chẳng mong sự báo đáp của mình, cha mẹ chẳng mong đến sức của mình, tức là đối với đất nước, đối với cha mẹ mình đã thiếu phần trực tiếp đền đáp. Còn ở trong đạo thì sao? “Người khắp mọi nơi đều theo về, giảm của vợ, bớt phần nuôi dưỡng, cúng dâng quần áo, thức ăn cho mình, lại cúi mình cung kính, chẳng ngại sự phiền nhọc”.

Tức là trong đạo thì thí chủ bớt phần ở trong gia đình để dâng cúng thức ăn, cúng áo mặc cho mình và khi dâng cúng họ lại còn lựa những đồ tốt nữa. Thế mà kiểm lại mình còn khen chê nữa thì sao? Có khi những thí chủ đó ở trong gia đình họ không dám ăn, không dám mặc, nhưng họ dám đem cúng dường.

Thí dụ như những trái cây quý ở trong gia đình họ không dám ăn nhưng họ dám mua để đem cúng dường, mà khi cúng dường không phải chỉ đem đến đưa cho mình mà còn cung kính lễ lạy.

Như vậy bây giờ xét lại xem, sự thọ nhận của mình xứng đáng hay chưa?

Mới thấy, sự thọ nhận của mình đây là rất nặng, nếu không lo tu hành thì lấy gì đền đáp lại? Nghĩ lại mới thấy lo sợ! Thế mà lâu lâu kiểm lại thì sống lâu sinh lờn, thấy người ta cúng dâng sẵn rồi mình dùng, có khi thấy ít quý trọng nữa. Hoặc còn đòi hỏi xài như ý, trái ý là buồn phiền. Đó là trái đạo lý lại còn tổn phước nữa mà mình không hay!

“Do chí và hạnh của mình trong sạch mà thông đến thần minh, điềm đạm, rỗng rang, đáng lạ, đáng quý”.

Nghĩa là người tu chí và hạnh thông đến thần minh. Còn mình ở đây thì thông đến cái gì? Kia là thông đến thần minh, còn mình nhiều khi thông đến quỷ ma, tức là khởi tâm quỷ nên bị ma nhập. Còn người Xưa như Thiền sư Nguyên Khuê được thần núi đến quy y. Luật sư Đạo Tuyên được Thiên thần theo hộ vệ. Trong sử có ghi: Lúc sư ở chùa Tây Minh, vào một đêm nọ vì Sư lớn tuổi nên đi vấp phải bậc thềm, suýt ngã thì có người đỡ. Thấy vậy Sư quay lại nhìn và hỏi: “Ông là ai mà ban đêm lại ở đây?”

Vị ấy trả lời: “Đệ tử là Na Tra, con của Đa Văn Thiên Vương, thuộc phương Bắc, vì để bảo vệ Phật Pháp nên từ lâu con vẫn theo hộ trì Hoà thượng. Đó người xưa thông đến thần minh như vậy. Hoặc Thiền Sư Hoàn Trung trụ núi Đại Từ thiếu nước, được thần nhân đào suối cho. Thiền sư Đạo Ưng thì được thiên thần dâng cơm, nhưng vẫn còn bị thầy quở, là còn kiến giải, tức còn bị vị thần xem thấy tâm. Xét lại chúng ta thì thế nào?

Ngài dạy tiếp: “Còn hạng tự đắc buông lung thì đạo pháp bèn suy kém. Người mới học chưa thể nhận phép tắc, bỏ chánh chấp tà, quên mất chân thật. Lấy một chút sáng cho là trí, lấy một chút cung kính cho là đủ. Suốt ngày cứ ăn no mà không làm được việc gì! Tự suy xét trở lại, thật cũng đáng buồn!”.  Đây là hạng người tự đắc buông lung, cho nên được một chút công phu, một chút sáng cái gì đó rồi cho mình là người trí. Thấy người khác thua mình. Được một chút cung kính cho là đủ, rồi sinh ra buông lung, thì tình chấp ngã nó khởi. Ngài Đạo An gọi đó là thật cũng đáng thương! Cho nên phải luôn luôn tập khiêm tốn lại.

Hoà Thượng Hối Đường có lần Ngài bảo ông Chu Thế Anh rằng: “Tôi khi mới vào đạo thường kẹt thói tự thị, cho rằng rất dễ. Nhưng sau khi gặp Tiên sư Hoàng Long, tôi mới xét lại thấy chỗ dùng hàng ngày cùng lý mâu thuẫn rất nhiều, bèn ra sức thực hành trong khoảng ba năm, dù gặp phải khi trời rét dữ hay lúc nắng gắt cũng vững chí không hề dời đổi, sau đó mới được mọi việc đúng như lý. Nay đây thì cả đến ho hen, tằng hắng hay lay động tay chân đều trúng ý Tổ sư từ tây sang”.

Tức là khi mới vào đạo ỷ mình thông minh nên cho mình là hay, thấy gì cũng dễ, có tâm khinh thường. Khi gặp ngài Hoàng Long thì xét lại chỗ dùng hàng ngày cùng với lý có mâu thuẫn. Nghĩa là hạnh nó chưa hợp với lý. Xét lại nơi mình ban đầu hiểu được chút lý, thấy như mình là Thánh rồi. Nhưng lâu ngày kiểm lại thì phàm vẫn còn phàm, những tập khí thế gian cũng chưa sạch hết. Tức là hạnh chưa khế hợp với lý, chỉ là hiểu suông thôi.

Do đó mà phải luôn cố gắng thực hành công phu cho đến khi gặp phải trời rét dữ hay nắng gắt cũng vững chí không dời đổi. Chứ không phải thấy trời rét quá thì thôi, buông bớt công phu hoặc nắng gắt thì mệt mỏi, lơi lỏng đi. Như vậy là đổi chí rồi. Đây thì lúc nào cũng phải vững chí tiến tới không vì hoàn cảnh mà lui sụt, sau đó mới được mọi việc đúng như lý. Bởi vậy mình chớ vội cho mình là hay rồi tự thị, được chút công phu liền cho mình là có sở đắc, thành ra tự đắc. Trái lại, phải luôn luôn khiêm tốn để tiến lên. Còn khi đã cho mình là hay rồi thì đâu còn để chí tiến lên nữa. Cho nên đây Ngài nhắc: “Tính lại đến nay xuất gia đã mấy năm rồi, mà kinh nghiệp chưa thông, chữ nghĩa chưa rõ, luống mất đi cả một đời, không có tiếng tăm gì”

Nghĩa là lâu lâu kiểm lại xuất gia trong chùa mấy năm rồi, mà kinh nghiệp cũng chưa có thông suốt, chưa có được gì, thật là thời gian luống qua. Đáng tiếc!

“Việc như thế mà chẳng suy nghĩ kỹ! Cơn vô thường không sớm thì chiều. Sự đau khổ trong ba đường, không kể người mạnh kẻ yếu”

Tức là dù kẻ mạnh người yếu gì, khi mà cơn vô thường đến thì cũng phải chịu hết, trong ba đường khổ, không có phân biệt.

“Thầy trò nghĩa sâu nên lấy đây tỏ bày, chỉ dạy. Ai là hạng có tình hiểu biết, có thể lấy làm lời răn nhắc mãi mãi!”

Đó là lời Ngài Đạo An ân cần khuyên nhắc, tức là thầy trò nghĩa sâu nên lấy đó mà chỉ dạy. Người có tình hiểu biết thì lấy đó làm lời răn nhắc để tiến tu.


 

 

[ Quay lại ]