headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 22/12/2024 - Ngày 22 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

CHÍN CHƯƠNG DI GIỚI

thiensuI. CHƯƠNG I

“Ông đã xuất gia thì hằng trái với chỗ đã sống. Cắt tóc huỷ hình, pháp phục khoác vào người. Ngày từ giã cha mẹ, trên dưới khóc ròng. Cắt ái mộ đạo, ý thật sáng trong, phải noi theo chí này. Kinh đạo tu cho sáng tỏ. Thế nào lại làm ngơ, cố giữ lấy sắc thanh, trọn ngày lỏng nhỏng. Kinh nghiệp chẳng nên chi”

Ngài nhắc, giờ đây đã là người xuất gia, là đi ngược với chỗ sống hàng ngày, không phải là sống quen theo lối thế tục trước kia nữa, mà bây giờ chuyển đổi cuộc đời, sống trong đạo, hình tướng cũng có khác đi thế gian, cắt tóc, huỷ hình là làm cho xấu đi, rồi mặc pháp phục để phân biệt với người đời.

 

Nhớ lại buổi đầu khi từ giã gia đình đi tu thì cha mẹ khóc lóc tiễn đưa, người thân bịn rịn luyến thương, vẫn quyết chí đi, sẵn sàng cắt cứ để theo đường Đạo, thì phải nhớ giữ cho ý thật sáng trong, đâu thể để nhơ đục trở lại!

Phải nhớ ý chí cao thượng, trong sáng buổi đầu đó mà gìn giữ phát huy lên. Kinh và Đạo cần học tu cho sáng tỏ, đâu thể làm ngơ, bám giữ lấy sắc thanh, trọn ngày lỏng nhỏng rong chơi không ra gì. Như vậy kiểm lại trong đây Kinh và Đạo của mỗi người đã sáng tỏ hay chưa? Mà nếu chưa thì phải làm sao? Cho nên phải lấy đó để đánh thức mình.

Kinh chưa sáng mà đạo cũng chưa tỏ, như vậy lại cứ làm ngơ lo chạy theo sắc thanh, thì sẽ như thế nào? Ban đầu mình tu là mình tự phát tâm, chứ không ai bắt ép phải không? Thứ hai là tu cho mình. Mình giải thoát chứ đâu ai giải thoát thay cho mình. Như vậy đúng ra mình phải tự đánh thức mình, không phải đợi nhắc nhiều nữa. Còn bây giờ nhiều khi được thầy, được bạn nhắc thêm thì đó là nhân duyên lớn rồi, vậy phải có lòng hổ thẹn, ghi nhớ để tiến lên.

Đây ngài nhắc tiếp:

“Đức hạnh ngày càng bớt, dấu nhơ lại đầy thêm. Thầy bạn thẹn thùng, người tục khinh khi. Xuất gia như vậy, uổng tự mang tiếng xấu. Nay cố khuyên nhắc, nên phải chuyên ròng”

Đó là chương thứ nhất. Ngài nhắc nếu không khéo thì đức hạnh ngày càng bớt mà dấu nhơ lại đậm thêm. Như vậy thì làm sao xứng đáng! Tổ Quy Sơn nói, người xuất gia là “phát túc siêu phương” tức cất bước vượt lên chỗ cao xa.

Ở nay, đức hạnh càng ngày càng suy kém lại thêm vết dơ thì làm sao nói là cất bước vượt lên chỗ cao xa, trái lại chân càng ngày càng lún bùn!

Nên đây Ngài nhắc để rồi lo chuyên ròng tinh tiến, vươn lên, không để cho nó lún trở lại thế tục thì quả thật là đáng buồn, đáng tiếc!

II. CHƯƠNG II

“Ông đã xuất gia, là bỏ tục từ vua, lý nên tự gắng sức, chí quyết vượt trời cao. Tài sắc chẳng đoái hoài, với đời sống thoát hẳn. Vàng ngọc xem thường, chỉ có đạo là quý. Thu mình giữ tiết, cam khổ vui nghèo, phát triển đạo đức để tự độ lại hay độ cho người”.

Xuất gia là bỏ tục từ vua. Cho nên về lý phải nên tự gắng sức để tiến lên, ý chí quyết vượt trời cao chứ đâu có thể tầm thường, đâu có thể yếu hèn, không dám buông. Gọi là tài sắc chẳng đoái hoài, vàng ngọc cũng xem thường, chỉ có lấy Đạo làm quý thôi. Tức sẵn sàng buông bỏ những chỗ mà mình bám giữ lâu nay để mà giữ Đạo. Gọi là chí quyết vươn lên, sẵn sàng cam khổ, vui nghèo, chứ không chạy theo đời, theo vật chất, nuôi lớn trở lại lòng tham dục. Bởi tỳ kheo là khất sĩ, là kẻ xin ăn, là sống nghèo. Vậy thì mình vui nghèo thôi chứ cái nghèo đâu có gì mắc cỡ. Nhưng rồi lâu ngày kiểm lại thấy hơi trái với cái hạnh của mình.

Giờ đây quen đầy đủ, mà lâu lâu mặc cái áo bằng vải tám, vải xấu thì đi ra đường có vui không? Hoặc cái áo nào mà huynh đệ may không khéo thì sao? Nên phải lựa vải cho vừa ý, may thì đường may cho ngay, cho thẳng, nhiều khi còn phải luông cho không thấy đường may nữa. Đó! Lâu lâu kiểm lại thì mình mới thấy hơi xa. Bởi vậy cần được nhắc để dừng lại bớt. Người tu phải biết cam khổ, vui nghèo, sống theo Đạo chứ không chạy theo vật chất. Thời Đường bên Trung Quốc có một vị pháp sư tên Trí Tắc, ở chùa Biện Tài – ngài sống giản dị, ăn mặc đơn giản, chỉ một chiếc Tăng-già-lê, quần thì cao tới đầu gối, phòng chỉ có một chiếc gường, một cái bát sứ, một cái muỗng gỗ. Ngoài ra thì không có vật gì khác. Cho nên nhà ở không bao giờ đóng cửa, vì có gì đâu mà sợ trộm cắp. Còn mình bây giờ đây thì đi ra là phải khóa cửa liền. Còn ở trong phòng thì sợ người ta thấy nữa. Phòng phải treo rèm, kéo cho kín, sợ người ngoài dòm, còn ngày xưa các vị tỳ kheo, ở thì dưới gốc cây, hoặc ngoài đồng trống, không có chỗ để cất chứa. Qua đó mình mới thấy lại những khuyết điểm của mình. Còn Ngài Trí Tắc, sống thật đơn giản, như vậy có người bảo Ngài là điên. Ngài nghe được mới nói một cách thương cảm trở lại: “Nói người ta điên đó, đâu biết chính mình mới là điên. Xuất gia thoát tục mà cứ lo nghĩ miếng cơm, manh áo, đi ra ngoài phải cho đẹp, ở phải cho sang. Cửa phải khoá, rương phải kín. Như vậy đã mất thì giờ lại chướng đạo nghiệp. Rồi còn tích luỹ đủ thứ vật dụng. Cả ngày bận rộn mà tâm không yên. Những kẻ như vậy không cho là điên thì còn ai điên nữa!”

Nghe, học người xưa để rồi xét lại mình mới thấy mình còn nhiều điều hổ thẹn, chứ không thì cũng cứ tự đề cao mình, tưởng mình là cao quý. Đây nhắc để mỗi người tự thức tỉnh trở lại, sống cho hợp với Đạo.

Ngài Đạo An dạy tiếp là phải: “Phát triển đạo đức để tự độ lại hay độ cho người. Thế nào lại thay đổi tiết tháo, chạy theo kiếp phong trần”.

Đúng ra là phải hay phát triển đạo đức của mình, lo tu hành để có phần tự độ, rồi độ cho ngưòi. Thế mà chưa gì đã thay đổi tiết tháo, chạy theo kiếp phong trần, là sao? Ban đầu khi mới xuất gia thì chí quyết là giải thoát, cao quý biết bao. Vào đây ít lâu thì chạy theo kiếp phong trần trở lại. Là cong về thế tục rồi, có thấy chăng?

“Ngồi chẳng nóng chiếu, đã rong ruổi đông tây. Quá nhọc như lao dịch, bị quan huyện lôi đi. Kinh đạo chẳng thông, giới đức chẳng toàn, bạn bè cười chê, đồng học hắt hủi. Xuất gia như thế thật uổng mất tuổi trời. Nay cố khuyên gắng, mỗi người nên tự cảm thương.”

Nghĩa là chưa gì đã thay đổi tiết tháo cao quý, chạy đuổi theo kiếp phong trần lang thang. Cho nên Ngài bảo là “ngồi chẳng nóng chiếu đã rong ruổi đông tây” tức là không chịu ngồi yên, lo chạy đầu này, đầu kia lăng xăng theo kiếp phong trần, mất hết thời giờ tu hành. Gọi là “quá nhọc như lao dịch”. Ngày xưa lao dịch là bị quan, bắt đi làm việc nặng nhọc, mệt không được nghỉ, đói không được ăn, không có tự do gì hết. Là nhắc, cần bớt duyên để chuyên tâm tu hành, không uổng phí thời gian vô ích, khiến bạn bè cười chê. Sao cho Kinh được sáng, đạo được thông, được tỏ, giới đức đầy đủ, nhiều người tôn quý, chứ đâu thể xuất gia mà như thế được.

Xưa kia Ngài Phần Dương- Thiện Chiêu, một khi ra trụ trì thì ở ba mươi năm, không ra tới cổng ngoài. Quan Phủ Long Đức là Y lý hầu sai sứ giả đến thỉnh Sư tới mấy lần mà Sư không đi. Y lý hầu lại sai sứ đi một phen nữa. Sứ giả đến thưa: “Quyết thỉnh Thầy đồng đi. Nếu Thầy không đi, tôi liều chết mà thôi.” Bởi ông Quan Phủ bảo quyết thỉnh Sư cho bằng được. Thỉnh không được là ông phạt.

Sư cười bảo: “Bởi nghiệp già bệnh, không thể xuống núi, giả sử đi phải có trước sau, tại sao quyết đồng?”

Sứ giả nói: “Thầy chịu thì trước sau, tuỳ lựa chọn.”

Tưởng Sư nói vậy là Sư chịu đi nhưng Sư lại có ý riêng.

Sư bảo chúng sửa soạn hành lý xong, bèn gọi chúng bảo: “Lão Tăng đi có người nào theo được? Có vị Tăng thưa: Con theo được.”

Sư hỏi: “Một ngày ngươi đi được bao nhiêu dặm?” Tăng thưa: “năm mươi dặm”.

Sư bảo: “Ngươi theo ta chẳng được”. Lại có vị ra thưa: “Con theo được”. Sư bảo: “Một ngày ngươi đi được bao nhiêu dặm?” Tăng thưa: “Bảy mươi dặm”. Sư bảo: “Ngươi theo ta cũng chẳng được”.
Thị giả ra thưa : “Con theo được, chỉ Hoà thượng đến đâu thì con đến đó”.

Sư bảo: “Ngươi theo ta được”.

Nói xong, Sư bảo Sứ giả: “Ta đi trước nghe!” Sư dừng lại rồi tịch. Thị giả đứng khoanh tay tịch theo.

Nếu ép Sư thì Sư đi kiểu đó, chứ không phải đi ra khỏi cổng. Qua đó để thấy cái chí của người xưa rồi kiểm lại mình để thấy cái tâm hạnh của mình như thế nào mà cảnh tỉnh, mà sách tấn mình.

III. CHƯƠNG III

“Ông đã xuất gia, là hằng từ giã bà con quyến thuộc, không thân, không sơ, trong sạch không gì ham muốn. Điều lành chẳng sinh mừng, điều dữ chẳng buồn khóc. Thanh thoát thong dong, rỗng thênh lìa thế tục. Để chí nơi huyền diệu, giữ chặt niềm chân thật. Đã được rộng tế độ, thêm khắp hưởng phước lộc. Thế nào lại làm ngơ, vẫn dính theo nhiễm xúc.”

Xuất gia là đã giã từ bà con quyến thuộc, không nghĩ thân sơ, lòng trong sạch không gì ham muốn,lành giữ không bận, không dính không kẹt. Tâm thanh thoát, thong dong, bình đẳng với tất cả, không sinh tâm thiên lệch với người này, ghét bỏ người kia, giữ lòng thanh thản, không vướng mắc cái gì, tức là tâm vô trụ.

Để chí nơi huyền diệu, giữ chặt niềm chân thật là buông đi những niệm hư dối, sống với cái chân thật. Xuất gia là phải như vậy. Mà muốn sống với cái chân thật thì phải làm sao? Thì tâm phải chân thật. Còn muốn sống với cái chân thật mà tâm hư dối thì làm sao sống được. Bây giờ kiểm lại lâu nay và hiện tại đây, tâm mình đã chân thật chưa? Muốn sống trở về cái chân thật mà cứ để cái tính thế gian nó chen vào hoài thì sao? Đó là chỗ để nhắc để đánh thức thêm. Kế nữa là mình đã được rộng tế độ lại còn thêm khắp hưởng phước lộc, có được như vậy chưa? Trái lại, bây giờ cứ làm ngơ, vẫn dính theo nhiễm xúc, theo cảnh, theo duyên mà mất mình, thì phải nghĩ sao?

Xuất gia đáng lẽ lìa thế tục giải thoát, bây giờ lại dính trở lại theo chiều nhiễm xúc.

“Cứ luống tranh đua hay dở, so đo tính toán, giành lợi với đời, khác gì kẻ tôi tớ. Kinh Đạo chẳng sáng tỏ, đức hạnh chẳng đầy đủ, xuất gia như thế, uổng tự nhục nhã! Nay cố chỉ dạy, phải nên tự rửa sạch!”

Nghĩa là lo tranh đua hay dở, so đo tính toán, giành lợi với đời, thì khác nào kẻ tôi tớ, thấp hèn!

Trong khi đó, kinh nghĩa đạo lý chẳng sáng tỏ, đức hạnh lại khiếm khuyết, xuất gia là như vậy hay sao? Bởi vì tranh đua hay dở, so đo tính toán đó là theo cái tâm nhân ngã, muốn mình hay mà người dở. Tức là đưa mình lên còn người phải xuống thấp. Chỗ này là chỗ rất tế nhị. Ở trong đạo mà mình không khéo kiểm soát thì những thứ tâm dở này cũng chen vào, sống dậy. Như thấy huynh đệ hơn cái gì đó hay khi nhập thất ra được hiểu đạo, được sáng đạo, được trên thầy Tổ khen, thì mình có vui theo hay không? Hay là cũng có cái ghét, cái đố kỵ trong đó. Rồi để tâm rình xem, lâu lâu họ có chút sơ sót gì đó thì chê liền, cũng dở như ai, còn thua mình nữa. Vậy đó là tâm gì?

Tiếp theo là giành lợi với đời là kẹt theo danh lợi, mất đạo tâm lúc nào không hay. Ngày xưa, Thiền sư Hoài Liễn được Vua rất quý. Sư ở Chùa A DuÏc Vương, được Vua Tống Nhân Tông mời đến viện Hoá Thành giảng dạy Phật pháp. Nhà Vua đắc ý ban cho hiệu là “Đại Giác Thiền Sư”. Một hôm Vua Tống sai sứ mang tặng cho Sư một cái bát bằng gỗ hương long não, thật quý giá. Nếu là mình được Vua tặng như vậy chắc là làm lễ long trọng để đón nhận. Với Sư thì khi sứ giả mang đến, Sư liền đem cái bát đó đốt ngay trước mặt sứ giả. Sư nói: “Người xuất gia, mặc áo thô, ăn bát thiếc, còn cái bát long não này quá cao quý, xa xỉ không đúng pháp, không thể dùng”. Sứ giả trở về tâu lại cho Vua nghe, nhà Vua ca ngợi tán thán. Như vậy để cho thấy những tấm gương của người xưa mà cảnh tỉnh lại mình. Cho nên đây ngài nhắc: “Lo giành lợi với đời, khác gì kẻ tôi tớ, kinh đạo chẳng sáng tỏ, đức hạnh chẳng đầy đủ, xuất gia như thế uổng tự nhục nhã”.

Trong mỗi huynh đệ đây tự kiểm lại mình xem, có đáng hổ thẹn chưa? Không phải cứ buông xuôi theo ngày tháng để cho nó dính mãi, gọi là “nhiễm xúc” theo thế tình, danh lợi luôn buộc ràng thì trái với chỗ đi của mình. Đúng là: “xuất gia như thế, uổng tự nhục nhã”.

IV. CHƯƠNG IV

“Ông đã xuất gia, được hiệu là đạo nhân, chẳng kính thờ cha mẹ, chẳng phò giúp vua, chúa, khắp nơi đồng vâng theo tôn thờ như thần, mọp đầu rất mực cung kính. Chẳng kể giàu hay nghèo bởi chuộng mình trong sạch tu trì, tự lợi hay lợi người. Sự sâu nặng giảm cắt, một hạt gạo nặng bảy cân. Thế nào lại biếng nhác, đền ơn làm sao được?”

Mình đã xuất gia rồi, đối với cha mẹ thì xa lìa, đối với đất nước thì rảnh bớt bổn phận, lại mọi người khắp nơi vâng theo tôn thờ, mọp đầu cung kính cúi lạy. Chẳng kể giàu hay nghèo, bởi họ chuộng mình trong sạch tu trì nên giảm bớt sự tiêu dùng của họ để đem đến cúng dường, do đó vật mà ta thọ dụng đây rất là nặng, gọi là một hạt gạo nặng bảy cân.

Ở đây mình xuất gia là làm được những điều mà người thế gian khó làm được nên họ quý trọng, họ cung kính. Còn nếu mình xuất gia mà cũng như họ thôi thì sao? Bởi vậy nhận sự cung kính cúng dường của người, mình phải kiểm lại cái hạnh của mình, không phải là mình cứ lo thọ hưởng rồi không có lo tu, không có công đức gì để đáp lại thì làm sao mà tiêu được?

Hãy quán lại xem, mỗi ngày mình sống đây, từng hạt cơm, áo mặc, nhà ở, tất cả đều là thọ hưởng của thí chủ rất nhiều trong đó, chứ không phải là có sẵn rồi dùng, không biết gì hết. Xét ra thì mình mới thấy rất là sợ và có sự liên hệ rất lớn. Nghĩa là một hạt gạo, một sợi chỉ thôi, nếu mình xét cho kỹ là biết bao nhiêu công khó nhọc trong đó, chứ không phải dễ dàng.

Như một sợi chỉ trên áo mặc đây, nó liên hệ đến những cái gì? Đâu phải khi không mà có sợi chỉ? Phải có thợ dệt. Mà thợ dệt đó đâu phải lấy tay không họ se sợi chỉ được, lại phải có máy. Mà ai chế ra máy móc đó? Rồi thợ dệt phải có chỗ ở, có ăn uống thì liên hệ đến cái gì nữa? Tức là liên hệ tới người nông phu, rồi vật liệu xây dựng nhà cửa, liên hệ đến thợ mộc, thợ hồ…

Còn máy móc thì liên hệ đến người chế tạo, rồi người chế tạo trước phải liên hệ đến thầy giáo….

Như vậy chỉ một sợi chỉ thôi mà xét trên lý nhân duyên thì thấy liên hệ đến biết bao người, bao nhiêu công khó nhọc trong đó. Cho nên khi chúng ta thọ nhận đó phải biết trân quý. Không thể xem thường hay mặc tình xài phung phí. Đó là tổn phước, tổn đức của mình. Đây ngài nhắc: “Thế nào lại biếng nhác, đền ơn làm sao được”.

Nghĩa là biếng nhác không lo tu thì lấy gì để đền ơn. Do đó, phải luôn quán xét để cảnh tỉnh lấy mình, siêng lo tinh tiến tu hành, không dám giãi đãi, chớ có:

“Ỷ lại mặc tình phóng túng rong chơi, thân ý luống nhọc phiền, không răn giữ mà ăn dùng của tín thí, chết đoạ vào trong núi Thái”.

Chỗ này xưa nay Chư Tổ vẫn thường răn nhắc rất nhiều, mình cứ ỷ lại, cứ sẵn người ta cúng đó rồi phóng túng thọ dụng. Không lo tu hành thì khó tiêu, mà không khéo là đoạ sâu khổ sở vào núi Thái tức là chỉ cho chỗ địa ngục. Rồi:

“Sắt nóng làm thức ăn, đồng chảy rót vào họng. Đau đớn như trên đây, trong kinh pháp đã bày rõ. Nay cố dạy khuyên, nên tự đổi mới”.

Ngài đã hết sức ân cần chỉ dạy để cho mỗi người nghe, hiểu nhận rõ, biết lo sợ mà tự chuyển tâm tu hành, chuyển đổi nghiệp cũ!

V. CHƯƠNG V

“Ông đã xuất gia, được gọi là “dừng tâm”. Thì điều nhơ nhớp chẳng dính, chỉ đạo là trọng. Chí tham học trong sạch, như băng, tợ ngọc. Phải tu trì kinh giới để giúp tinh thần, lại trợ duyên cho chúng sinh, đồng thời những người thân cũng được độ”.

Xuất gia tức là dừng tâm. Đã gọi là dừng tâm thì phải chuyển đổi những điều nhơ nhớp của thuở xưa, lấy đạo làm trọng, không phải cứ đi theo đường cũ, dính trở lại những thứ tình thế gian đó. Chí của mình phải trong sạch như băng, như ngọc, phải hết sức lo tu trì, giữ giới, học kinh cho sáng tỏ, để rồi mình còn giúp cho người nữa, chứ không phải tự riêng mình thôi.

Nghĩa là tự độ còn phải độ tha. Cho nên đây gọi là “trợ duyên cho chúng sinh đồng thời những người thân của mình cũng được độ”. Nói cách khác là trên đền đáp bốn ơn, dưới cứu khổ tam đồ. “Thế nào lại làm ngơ, chìm nổi theo thế tục, bỏ mặc bốn đại, buông thả năm căn. Đạo đức bèn cạn đi, việc đời càng thêm sâu? Xuất gia như vậy thì đồng bụi bặm với đời, nay cố khuyên răn, hãy tự tỉnh sáng”.

Xuất gia vào trong đạo rồi, không lo tu mà cứ buông thả theo căn trần, đạo đức ngày càng cạn đi, việc đời thêm sâu nữa. Như vậy thì xét lại xuất gia được cái gì? Đây gọi là xuất gia như vậy tức đồng bụi bặm với đời. Tức là lại dính bụi như cũ. Vì vậy, ngài răn nhắc để phải tự tỉnh sáng trở lại. Xuất gia rồi phải lấy đạo làm trọng, quyết chí giữ gìn đạo nghiệp tu hành, tâm trí thật trong sáng! Không để cho những thứ tình thế gian nhiễm trở lại, rồi sa đoạ lúc nào không hay. Phải hết sức tỉnh giác.

VI. CHƯƠNG VI

“Ông đã xuất gia, là bỏ đi hình thể của thế tục, phải cốt cho cạn hết thức tình, khế hợp với vô sinh. Thế mà lại cứ quấy động, chẳng thích ở yên? Kinh và đạo hao kém, việc đời lại có thừa, chẳng đi theo đường trong sạch, trở lại vào lối sình lầy. Mạng sống vụt qua hoặc trong một thoáng. Sự đau đớn nơi địa ngục, khó chép cho hết. Nay cố khuyên răn, phải coi trọng phép tắc đã định”.

Ngài nhắc, bây giờ ông đã xuất gia là bỏ đi cái hình của thế tục, tức cạo tóc vào chùa thì phải sống làm sao cho đúng nghĩa với đời sống của người xuất gia. Là phải cốt cạn hết những thức tình. Nhưng bây giờ đây, vào chùa rồi, nhưng thức tình nó cạn được chưa? Mà cái gì là thức tình? Thức tình là cái tình phân biệt theo duyên, theo cảnh, tức cái tâm luôn chạy theo trần, đó là tâm sanh tử.
Ngài Đại Huệ có đoạn nói về thức tình này như sau:

“Những cái mình hay so đo sắp đặt rồi tính toán ấy là tình thức, rồi tuỳ theo sinh tử mà trôi nổi cũng là tình thức. Sợ hãi kinh hoảng cũng là tình thức. Thế mà nay người tham học cũng chẳng biết đó là bệnh, lại cứ mải mê lặn hụp ở trong đó. Trong kinh gọi là tu hành theo thức mà chẳng theo trí. Do đó mà che khuất cái bản địa phong quang hay bản lai diện mục”.

Tức là những cái tâm so đo tính toán theo dòng sinh tử trôi nổi, đó gọi là sống theo thức, theo tình, mà trái với trí. Vậy thì lâu nay mình tu hành là theo thức hay theo trí? Nếu vào trong đạo này rồi mà cứ theo cái thức tình, cứ quấy động nó lên hoài thì bao giờ giải thoát? Đó là điểm cần nhắc mình. Tức là thường quán chiếu để tiêu mòn, cạn đi cái thức tình này. Như đang ở đây, ngồi yên tu mà không chịu rồi lâu lâu buồn buồn kiếm cớ đi đây, đi kia hoặc là đi ra chợ chẳng hạn thì như vậy đó là cái gì? Đó là quấy động cái tình thức trở lại, theo cái tâm sinh tử chứ gì! Hay như đang yên ổn với cái tâm trong sáng, thanh tịnh mà không chịu, buồn buồn kiếm cuốn tiểu thuyết để đọc thì sao? Thì đó cũng là quấy động cái tình thức trở lại nữa, là huân tập thêm hạt giống sinh tử, nuôi hạt giống sinh tử trở lại. Cho nên ở đây Ngài nhắc nhở mình phải sống đúng ý nghĩa người xuất gia giải thoát. Không để quấy động trở lại gọi là “chẳng thích ở yên để cho kinh và đạo hao kém, trong khi đó việc đời lại có thừa”. Tức là việc thế tục, việc sinh tử nó lại thêm. Đó là điều đáng lo, thành ra: “Chẳng đi theo con đường trong sạch, trở lại vào lối sình lầy”.

Đường trong sạch thanh tịnh lại không đi mà trở lại vào lối sình lầy, đó là lối nhận chìm mình, quả thật đáng buồn! Mà như vậy có khi tự hào sáng suốt nữa, lại càng lầm thêm. Cho nên ở đây Ngài đánh thức: Cần phải gạn lọc cho sạch, cho cạn cái thức tình của mình. Mỗi người ai cũng có sẵn nguồn tâm trong sáng và thanh tịnh thì sao không chịu sống trở lại chỗ đó, có hay hơn không?

Như Sa di Cao được Ngài Dược Sơn- Duy Nghiễm gạn hỏi.

- Ta nghe ở Trường An rất náo loạn, ngươi có biết chăng?

- Sư thưa: “Nước con an ổn”.

Nghĩa là dù cho bên ngoài cảnh trần có lăng xăng, náo loạn, nhưng mỗi người đều có một chỗ an ổn, không có gì động đến được.

Nhận được chỗ đó để sống trở về, mới là chỗ nương tựa chân thật. Còn cứ quấy động thức tình này, là đi theo con đường sinh tử, không khéo lại còn gây bất an cho nhau nữa. Như vậy nó càng chướng thêm trên đường tu của mình. Quên rằng: “mạng sống vụt qua hoặc trong một thoáng” là nói lên sự vô thường nhanh chóng, mạng sống không có đảm bảo gì hết, một thoáng là nó qua đời khác rồi.

Nhớ như vậy thì tâm mình ít có buông lung.

Nếu ai cũng thường quán sâu sự vô thường ngắn ngủi của mạng sống này thì mình tu hành rất tinh tiến. Nhưng bởi vì nghe qua hoặc nghe nhiều quá, hiểu nhiều rồi quên. Đúng ra hiểu nhiều thì nó thấm sâu, nó cảm mạnh hơn, nhưng đây mình chỉ hiểu trên lý thôi, rồi lâu thành lờn. Do đó phải quán kỹ để thấm sâu, cảm sâu chỗ này, thật thấy mạng sống quá ngắn ngủi, không có thì giờ cho mìnhlơi lỏng, dễ duôi được.

Tôi nhớ ngày xưa khi mới thực hành công phu. Có lúc nhớ đến sự vô thường nó bức bách mạng sống của mình, như bị đuổi theo từng ngày, từng ngày. Cho nên trong lòng luôn thao thức, nó bức bách đến nỗi sợ mình không còn đủ thời gian để tu nữa. Những lúc như vậy đó tu rất là tinh tiến, nó thúc đẩy mình công phu càng miên mật. Còn nghĩ là mạng sống chưa đến nỗi gì, chắc là mình còn sống dài thì dễ sinh lơi lỏng. Nên đây Ngài nhắc là phải nhớ quán ký, cảm nhận sâu sự vô thường mỏng manh, sâu tận trong tâm, chứ không phải chỉ hiểu trên lý suông. Và nên nhớ sự “đau đớn nơi địa ngục, khó chép cho đủ hết”. Bởi vì không khéo tu rồi rơi vào trong chỗ địa ngục đau đớn, lúc đó thì không biết phải nói năng gì nữa, tức là ăn năn không kịp. Cho nên “nay cố gắng khuyên răn, phải coi trọng các phép tắc đã định!”.

Phép tắc hay nói rõõ hơn là nội quy ở đây hoặc giới luật Phật đã đặt ra. Những phép tắc đó là Phật, Tổ đặt ra để giữ cho mình được yên tu. Mình giữ theo đó thì mình được ở yên, tâm mình được an ổn mà tiến tu. Nhưng rồi tập khí cũ, hay thói quen buông lung nó không chịu cho nên đang ở trong chỗ an ổn đó lại tự mình muốn phá lệ. tức là sống trái pháp, sống theo cái tình riêng của mình, đã sống trái phép thì tâm đâu có yên ổn được.

Vậy thì kiểm lại, ai tạo cái bất an cho mình? Đang ở trong chỗ an ổn, tự mình tạo bất an rồi lại đổ lỗi cho bên ngoài hay cho người khác. Bởi vậy, ở đây ngài nhắc nhở để mình nhớ mà tỉnh lại.

VII. CHƯƠNG VII

“Ông đã xuất gia thì chẳng thể tự hoà hoãn. Dù thân hình có xấu xí, nhưng đạo hạnh khiến đáng xem. Dẫu y phục có thô tệ nhưng đứng ngồi khiến cho đoan chính. Dù ăn uống sơ sài mà lời nói ra đáng nghiền ngẫm”.

Tức là dù thân có xấu nhưng mà đạo hạnh không thể xấu theo. Không có trau chuốt bên ngoài, làm cho thân tướng nó đẹp, nó hào nhoáng, mà cần giữ cái đạo đức bên trong. Cho nên thân tướng dù có xấu, nhưng đạo hạnh không có xấu. Cũng vậy “y phục có thô tệ” nhưng mà oai nghi cử chỉ đàng hoàng, đứng ngồi khiến cho đoan chính, người trông vào đều mến kính. Không phải là quan trọng ở cái y phục bên ngoài, không có làm dáng bề ngoài, mà cố giữ cái hạnh chân thật.

“Ăn uống tuy có sơ sài mà lời nói ra dáng nghiền ngẫm”.

Tức là nói ra những lời gì đều có ý nghĩa, đáng quý trọng.

“Mùa hạ thì nhịn chịu nóng, mùa đông thì nhịn chịu lạnh. Hay tự giữ tiết tháo, chẳng uống nước suối trộm”.

Nghĩa là nhẫn nhịn chịu sự lạnh, nóng, không có để vì hoàn cảnh mà thay đổi tâm chí của mình. Đây không phải chỉ bảo mình chịu lạnh, chịu nóng thôi mà dù ở hoàn cảnh nào, mình vẫn giữ vững ý chí tu hành của mình, không phải vì hoàn cảnh mà thay đổi.

Thí dụ như gặp cảnh mùa hạ nóng quá, thì ý chí nó cũng bị yếu đi hoặc là gặp chỗ mùa đông lạnh quá thì cũng đổi ý, thối tâm. Như vậy là muốn cái gì nó cũng phải thuận theo ý mình, nó êm ấm, nó ưng ý thì mới chịu tu. Còn gặp cảnh hơi khó khó, trái ý một chút thì thối tâm, đổi lòng.

Tu như vậy thì khó thành tựu được. Ở đây Ngài dạy, dù gặp hoàn cảnh khó khăn đến mấy thì vẫn bền chí vượt qua, thẳng đến đích. “Hay tự giữ tiết tháo, chẳng uống nước suối trộm”. Đây là nói lên cái tiết tháo thật là trong sạch.

Xưa kia bên Trung Hoa có con suối gọi là Đạo Tuyền, tức là suối ăn trộm. Có những vị rất giữ tiết tháo của mình, gặp lúc tới đó khát nước mà không chịu uống. Vì nó mang tên Suối ăn trộm. Chỉ nghe cái tên đó thôi nhưng cũng không muốn uống tới huống nữa là tự mình làm hạnh xấu.

Thật ra thì, trộm là ở tâm, đâu phải do nước. Nếu mình không có tâm trộm, thì uống nước đó đâu có thành ăn trộm. Đó là để nói lên những bậc rất cố giữ tiết tháo của mình trong sạch, dù chỉ nghe cái tên đó mà cũng không đụng đến.

“Kẻ hư xấu cúng dường, chân chẳng vọng đi tới trước”.

Chẳng có mong mỏi đến những chỗ xấu như vậy để mà nhận cúng dường. Đó cũng là để giữ mình trong sạch.

“Ở lâu nơi phòng riêng như đến chỗ rất tôn quý. Dù học chẳng nhiều, mà ngang với bậc thượng hiền”.

Ở một mình trong phòng riêng thì cũng giống như là ra ở chỗ đông người, chỗ tôn quý. Ý là trước sau như một. Không phải là ở chỗ đông người, chỗ tôn quý thì mình làm ra vẻ nghiêm trang, đàng hoàng. Còn như vào phòng riêng một mình thì buông lung, tâm ý không có giữ gìn gì hết, như vậy là không thật.

“Dù học chẳng nhiều mà có thể ngang với bậc thượng hiền”.

Nghĩa là học rồi hành liền, không phải học cho nhiều mà không hành. Nên tuy học không có nhiều, mà có thể ngang với bậc thượng hiền. Kiểm lại xem quý vị có giống như vậy không? Có khi học nhiều quá, tưởng như mình là bậc hiền, bậc trí, rồi cống cao ngã mạn, mà như vậy thì làm sao thành bậc thượng hiền được. Bậc tiểu hiền chưa chắc gì được nữa nói gì bậc thượng hiền.

Còn ở đây, tuy học không nhiều mà có thể ngang với bậc thượng hiền, để cảnh tỉnh cho những ai chỉ học hiểu rồi sinh những bệnh đó.

Cho nên xưa kia, Lục Tổ ra đời, Ngài hiện thân ít học mà ngộ đạo, rồi được truyền y bát, tức là một anh chàng tiều phu ở một vùng quê mùa xa xôi, không biết chữ nhưng nghe một câu kinh liền cảm ngộ rồi được Ngũ Tổ truyền y bát. Đây cũng là đánh thức cho người cần sống thực trong đó.Trong nhà Thiền có câu: “Nhiều rỗng không bằng ít thật”. Cho nên ở đây Ngài nói rõ: “Xuất gia như vậy mới đủ báo đáp cha mẹ, dòng họ được tiếng lây, tất cả được nhờ ơn. Nay cố khuyên răn ông mỗi người nên tự gắng sức”.

VIII. CHƯƠNG VIII

“Ông đã xuất gia thì tánh có tối sáng, mà học không có nhiều ít, cốt ở chuyên ròng tu tập”.

Nghĩa là học nhiều, học ít chưa phải là điều đáng nói. Quý là ở chỗ chuyên ròng tu tập, học nhiều mà không chịu tu hoặc là tu lưng chừng, tu lấy lệ thì làm sao có được hiệu quả gì lớn. Như ỷ mình thông minh, sáng lẹ, nghe một câu hay một lời liền hiểu rồi cứ tự mãn với cái hiểu đó lo đi nói thôi, không chịu thực hành thì những tập khí phiền não đâu có dứt, đâu có hết được. Có khi nói lý rất hay, mà gặp ai đó họ bẻ lại ý mình, tức liền nổi sân, thì tập khí đâu có dứt được.

Trong khi đó, người tuy là chậm tối nhưng nghe nói rồi cố để hết tâm nhận lấy, chuyên dòng tu tap, thực hành không có gián đoạn thì kết quả vượt bậc lúc nào không hay. Ở đây là nhấn mạnh chỗ thực tu, chuyên tâm thực hành, có sức sống chân thật, không phải là chỉ nói suông, học nhiều. Cho nên “tánh có tối sáng mà học không có nhiều ít, cốt ở chỗ chuyên ròng tu tập”.

Ở thế gian có câu:

                    “Thế thượng vô nan sự
                    Đô lai tâm bất chuyên
                    Tạc sơn xuyên đại hải
                    Phi vụ đổ thanh thiên”.

Tức là việc đời không có gì khó, đều bởi do tâm mình chẳng chuyên thôi. Người ta có thể đục núi xuyên ra tới biển cả, hoặc có thể vén mây mù thấy cả trời xanh.

Đó là nói lên sự quyết tâm chuyên ròng một việc thì có thể làm được những việc khó làm. Nên ngày xưa người ta có thể đục núi xuyên ra tới biển cả. Vấn đề này thì bây giờ đã dễ dàng hơn nhiều vì đã có phương tiện hiện đại trợ giúp. Còn ngày xưa thì đâu có máy móc gì? Rồi người ta có thể vén mây để thấy trời xanh, thấy những ngôi sao xa. Những việc khó như thế, khi có sự quyết tâm chuyên ròng thì cũng làm được những thành tựu. Còn như việc dễ mà mình không chuyên tâm, nhiều khi cũng không thành công. Ở trong Đạo cũng vậy. Như Ngài Huệ Lăng Trường Khánh, Ngài tham thiền hai mươi năm không xong mà cũng cứ tham liên tục, ngồi rách tới bảy cái bồ đoàn mới tỏ ngộ. Ở thời Phật còn tại thế, có Tôn giả Châu Lợi Bàn Đặc. Trong kinh kể lại, Ngài học hoài một câu kệ mà không thuộc. Anh của Ngài là Tôn Giả Đại Bàn Đặc mới đuổi Ngài đi về. Ngài buồn định đi về thì gặp được Phật, Phật hỏi và Ngài mới kể chuyện trên.

Phật bảo: “Ta đã nhận ông vào Tăng đoàn, nên ông cứ ở lại” và Phật dạy mỗi khi lau quét dơ bẩn nơi tăng phòng hãy đọc “quét sạch dơ bẩn, quét sạch dơ bẩn”, nhắc tới nhắc lui như vậy và do sức chuyên chú lâu ngày, sau một thời gian tâm chuyên nhất. Ngài cảm nhận, ngoài việc quét đây còn lau quét nơi tâm của mình nữa. Ngài liên tục thực hành như vậy, và cảm ngộ sâu ở trong đó, cuối cùng Ngài chứng quả A La Hán. Như vậy là do nghe Phật dạy một câu đó, rồi chuyên tâm thực hành và thành tựu quả A La Hán.

Trong khi đó, Tỳ Kheo Thiện Tinh là vị thông minh, học thuộc mười hai bộ kinh mà bị đoạ vào địa ngục. Quý vị thấy có đau đớn không? Đó là để cảnh tỉnh cho mình chớ có học suông mà thiếu thực hành. Cho nên đây Ngài Đạo An nói là quan trọng ở chỗ chuyên ròng tu tập.

“Người bậc trên thì toạ thiền, bậc giữa thì tụng kinh, bậc dưới thì hay lo làm chùa tháp. Đâu thể trọn ngày không thành tựu được việc gì? Lập thân không có tiếng tăm chi, đáng gọi là uổng mất cả đời. Nay cố khuyên dạy ông hãy nên tự chín chắn”.

Đây Ngài nói, trong ba bậc đó: bậc trên thì toạ thiền, bậc giữa thì tụng kinh, bậc dưới thì lo làm chùa tháp, cũng đều là tạo công đức, không thể qua suông.

Chỗ này cũng phải hiểu kỹ, nói toạ thiền là bậc trên, nhưng thế nào mới là bậc trên? Không khéo thì tự ỷ lại, tự khen mình rồi chê người nữa là nguy hiểm. Nếu chỉ “ngồi” trên hình tướng thôi, rồi sinh tâm cao thấp, hơn thua: tôi ngồi nhiều, anh ngồi ít, tôi ngồi hay, anh ngồi dở… thì gọi là bậc trên được không? Nên đây phải hiểu: Ngồi Thiền đây là phải ngồi cho định tâm, ngồi cho thấy tánh, sáng được nguồn gốc chân thật. Vậy mới xứng đáng là bậc trên, chứ không phải chỉ ngồi trên hình thức thôi.

Thiền sư Hoằng Trí-Chánh Giác nói: “Thân ngồi an định, tâm lặng lẽ bất động, đó là dụng công chân chính”.

Tức là thân ngồi an định, tâm cũng phải lặng lẽ bất động, thân và tâm đồng thời dừng nghĩ.

“Miệng lặng thinh để cho meo mốc, lưỡi để yên cho cỏ nảy mầm”.

Tức là miệng ngậm lại để cho lên meo lên mốc, lưỡi để cho cỏ mọc mầm, mọc cỏ lên luôn.

“Tu tập như thế cho miên mật, thanh lọc tâm cho tâm trong suốt như hồ thu, chiếu sáng như trăng rằm”.

Tức là thanh lọc nội tâm của mình thật là trong, là sáng.

“Mặc toạ như vậy, dù cảnh tượng nào có xuất hiện, tâm cũng luôn luôn chiếu sáng tinh tường mọi vật đúng ngay bản vị của nó”.

Nghĩa là ngồi yên như vậy thì tâm rất là trong sáng, cho nên dù có cảnh tượng nào đó xuất hiện thì tâm vẫn luôn luôn là sáng. Không phải là theo cảnh, bị cảnh nó che mờ. Dù cảnh đẹp hay cảnh xấu, tâm vẫn luôn chiếu sáng rõ ràng gọi là mọi vật đúng ngay bản vị của nó, cái nào yên bản vị cái đó, không có xen vào thành ra nó mê mờ.

“Tâm trụ ngay nhất niệm vạn niên, không theo sắc tướng dù là trong hay ngoài”.

Đó! Ngồi như vậy mới là bậc trên, trụ ngay nơi một niệm mà muôn năm, không phải là vừa đó mà một niệm nó thay đổi.

Gọi là: “Nhất ba tài động vạn ba tuỳ”.

Nghĩa là vừa có niệm khởi lên thì ngàn muôn niệm nó kéo theo, theo cái vọng động thì lúc đó không thể là bậc trên được.

Đây ngài chỉ cho thấy, ngồi thiền là phải toàn tâm ở trong đó.

Như vậy mới thành tựu được kết quả như Ngài Đạo An nói: Ngồi thiền là bậc trên, kế bậc giữa thì tụng kinh, bậc dưới mới lo làm chùa tháp, là cũng đều tạo công đức, không phải là vào đây để ngày tháng qua suông, không có được gì hết.

IX. CHƯƠNG IX

“Ông đã xuất gia, là hằng trái với cha mẹ; dùng đạo pháp sửa đổi tánh tình, quần áo thế tục tách rời khỏi thân. Ngày từ giã cha mẹ, chợt buồn, chợt vui”.

Đã xuất gia là rời bỏ gia đình cha mẹ, là cắt đứt tình thân ái trói buộc, nên nói “hằng trái với cha mẹ”. Và như vậy thì phải dùng đạo pháp để sửa đổi tánh tình của mình trừ những tập khí thế gian, tập khí sanh tử, không phải vào đây để an dưỡng qua ngày. Quần áo thế tục đã tách rời khỏi thân rồi, bây giờ mặc áo đạo, áo giải thoát thì mình phải sống làm sao cho phù hợp, không nhớ “ngày từ giã cha mẹ chợt buồn, chợt vui” hay sao? Buồn vì phải xa cách người thân, nhưng vui vì được sống đời giải thoát. Vậy xét lại tánh tình của mình xem giờ đây còn giống với ngoài thế tục nữa hay không? Vào chùa rồi thì phải sửa đổi, cho nên Ngài nhắc tiếp: “xa dứt hẳn thế tục, vượt ra khỏi bụi trần”.

Bây giờ dứt khoát vượt lên, còn không thì vào chùa rồi lâu lâu tập khí thế tục nó chen vào, sống dậy nữa.

Có câu chuyện kể về một vị quan ở trong triều. Ông làm một chức vụ nhỏ, phụng sự cho vua. Tới gần về già thì ông cảm thấy chán trên chốn quan trường, bởi ở trong đó ông thấy hết những cảnh gọi là tranh chấp, nhỏ nhen, những thủ đoạn để giành lấy địa vị.

Nên ông về hưu, rồi ông vào tu ở một thiền viện cách xa kinh thành. Ông tự hẹn với mình coi như đây là không còn những phiền nhiễu của người thế tục đó nữa. Nếu không ngộ đạo, ít ra cũng được an ổn rồi. Tức là vào chùa rồi thì không còn thấy những cảnh bon chen thủ đoạn như thế gian ấy nữa.

Nhưng rồi sống ở trong thiền viện được ít lâu, kiểm lại ông nhận ra lâu lâu ông lại được cất nhắc lên một chức, rồi được lên đến địa vị cao. Rồi những thủ đoạn trước kia nơi triều đình giờ đây đang ngấm ngầm sống dậy.

Ông kiểm lại như vậy thấy giật mình, tưởng đâu vào đây là hết cái kia, bây giờ nó cũng vậy.

Gần một năm sau thì ông quyết định rời khỏi thiền viện, vào ở trong một hang đá. Ông sống đơn giản với một ít đồ đạc sơ sài. Có người thấy vậy mới đến hỏi ông: “Vì sao ông ở trong thiền viện cũng có địa vị cao, có danh tiếng, lại bỏ hết vào đây, sống nhọc nhằn như chôn vùi cuộc đời vậy?” Ông đáp:

“Đi đâu cũng vẫn vậy, một thứ phân bò cũ mèm ấy thôi”.

Qua đây là để cảnh tỉnh mình, vào chùa rồi chớ để tập khí thế gian nó sống dậy, thì khó tìm thấy giải thoát. Cho nên Ngài nhắc:

“Xa dứt hẳn thế tục, vượt ra khỏi bụi trần”. Còn lâu lâu kiểm lại vẫn dính bụi trần như xưa là đáng tiếc!

“Phải lo tu kinh, hành đạo; Ngăn giữ mình theo về chân thật. Thế nào lại làm ngơ, nhiễm với cái nhân thế tục”.

Đáng lẽ phải lo tu hành giữ mình, sống trở về với cái chân thật. Bây giờ lại làm ngơ, lâu lâu lại nhiễm với cái nhân của thế tục, bụi bặm nó bám trở lại!

“Kinh và đạo đã mỏng manh, đức hạnh cũng không có chút gì, lời nói chẳng đáng quý. Đạo đức chẳng đáng trọng”.

Lời mình nói ra người ta xem thường, đạo đức cũng không có gì để người kính trọng.

“Thầy bạn chịu liên lụy, sân hận ngày thêm đầy”.

Tức là mang tiếng xấu lây cho thầy bạn nữa.

Thí dụ như sống ở trong đây, tu hành đạo hạnh không có tốt lành gì, thì có mang tiếng thầy, mang tiếng bạn hay không?

Nghĩa là ông ấy tu thiền ở thiền viện Trúc Lâm mà như vậy đó! Thì như vậy vừa mang tiếng cho Hoà thượng, rồi mang tiếng huynh đệ nữa, đâu phải chỉ một mình mình thôi.

Nên: “Thầy bạn chịu liên lụy, sân hận ngày thêm đầy. Xuất gia như vậy là tổn pháp, nhục thân. Hãy nghĩ đó! Khéo tự dưỡng mình”.

Đó là Ngài đã tha thiết nhắc nhở, để cho mỗi người sống đầy đủ ý nghĩa của người xuất gia. Đây là chín chương di giới của Ngài Đạo An!

***


+  Kế nhắc thêm với đại chúng rằng, mình phải có cái tâm tha thiết vì việc lớn sinh tử, thì nó mới thúc đẩy mình tiến lên. Phải nhớ, sinh tử dài lâu, mỗi lần sinh là bị một cái mê cách ấm, rồi chịu cái khổ vô thường. Cho nên ở trong đó là đầy sự lo sợ chứ không có vui sướng gì hết.

Phải luôn ghi nhớ như vậy, để tinh tiến tu hành!

Bây giờ ngồi đây, khi tâm trí còn sáng suốt mà không khéo tu thì có khi sinh ra đời sau, biết có nhớ lại như vậy để tu nữa hay không? Có chắc chắn là nhớ không?

Mà nếu không chắc chắn, đời sau nó quên thêm nữa thì sao? Rồi đời sau tiếp nữa thì sao? Tức sẽ càng quên thêm nữa, và như vậy càng đi sâu thêm trong sinh tử nữa hay sao? Nhớ như vậy thì mới lo, mới sợ để mà tinh tiến tu hành! Khi mình chưa giải quyết được việc lớn sinh tử này là mình thấy rất lo lắng. Chưa làm chủ được nó thì đâu thể an ổn rong chơi qua ngày! Khi sắp chết làm sao đây?

Trong đây kiểm lại nơi mỗi người xem đã có ai làm chủ được sanh tử chưa? Vậy mà cũng nhàn nhã qua ngày, thì có được không?

Ngài Đại Huệ có một đoạn khuyên nhắc: “Hàng ngày phải đem việc sinh tử thường để ở trong niệm thì tâm trí đã chính”.

Tức là hàng ngày đem việc sinh tử để trong niệm là ghi khắc không có quên, là niệm niệm, tâm tâm đều ghi nhớ việc sinh tử, việc lớn này. Và Ngài bảo: “Tâm trí đã chính thì khi ứng dụng hàng ngày tuỳ duyên làm việc, không có phí sức buông bỏ tà ác”.

Tức là tâm trí đã chính thì khi ứng dụng mình tuỳ duyên làm việc không có uổng sức buông bỏ những điều tà ác, là có cái sức mạnh để mà buông bỏ nó dễ.

Mà “chẳng tà ác tức là chánh niệm nó độc thoát. Chánh niệm độc thoát thì lý mới tuỳ sự biến. Lý tuỳ sự biến thì sự đắc lý dụng, sự đắc lý dụng thì ít phí sức lực.”

Có cái chánh niệm như vậy đó mới được độc thoát, là riêng thoát một mình, thì lý mới tuỳ theo sự biến ra mà dùng không trái. Tức là lý nó không trái với sự, lý tuỳ sự ứng dụng ra. Nghĩa là nó khôngphải nghiêng một bên, không phải chỉ nói lý thôi mà được cả sự và lý, được cái diệu dụng thì lý sự được khế hợp.

Khi “được sự đắc lý dụng, sự lý khế hợp thì ít có phí sức lực”. Tức là dụng công ít nhọc nhằn.

Như vậy Ngài nhắc là luôn luôn nhớ việc sinh tử từ vô thuỷ kiếp đến nay, nó luôn luôn đeo đuổi, nó bức bách mình, không có một chút gì tự tại, bị sống nô lệ hoàn toàn trong sinh tử này. Nên muốn sống, sống không được, muốn chết, chết không được, tức là bị dẫn đi không có tự muốn, tự chọn được.

Bây giờ còn ngồi cùng nói chuyện đây, lỡ chút nữa cơn vô thường tới, tắt thở rồi đi đâu đây? Có luống cuống hay không? Hoặc là mờ mờ mịt mịt không biết lối đi? Như vậy mà không lo hay sao?

Hãy lấy đây làm niệm nhắc nhở thúc đẩy mình! Mỗi người, mỗi người ở đây có ai biết được mình đã bao nhiêu lần làm người, rồi có bao nhiêu lần làm heo, làm chó hay không? Đâu phải phải chỉ có một thân này thôi! Nhớ đến chỗ đó mới thấy sợ!

Trong sử còn ghi lại chuyện Ngài Đạt Ma Mật Đa. Ngài là bậc đã chứng A La Hán ở Tây Vức, sinh sau thời Phật. Ngài thấy được những kiếp trước của mình.

Ngài sống rất là đơn giản, chỗ ở của Ngài có ba cái hang trên núi. Hôm đó có hai vị tăng nghe tiếng tăm của Ngài mới tìm đến để đảnh lễ. Khi đến cái hang đầu tiên thì thấy một vị tăng đang chụm lò, ăn mặc thô sơ, mới hỏi:

“Chúng tôi xin hỏi chỗ ở của trưởng lão Đạt Ma Mật Đa ở đâu?” Không ngờ vị tăng đốt lò đó chính là Ngài mà không biết, bởi nghe Ngài là bậc Thánh Tăng tu hành tiếng tăm như vậy, nay lại gặp ông tăng chụm lửa, nên đâu có ngờ được. Vị tăng đốt lò đó liền chỉ “Ở trên cái hang trên cùng kia kìa”

Hai vị tăng đó mới theo chỗ chỉ mà tìm lên. Họ vừa đi thì Ngài liền dùng thần thông để trở về phòng của mình trước. Khi hai vị tăng tới nơi thì gặp Ngài trong đó. Mới ngạc nhiên biết chính là Ngài, mới thưa:

“Bạch Đại Đức, Ngài là bậc Thánh tăng uy danh vang khắp Diêm phù đề, cớ sao lại tự hạ thấp mình làm vị tăng đốt lò như vậy?”

Ngài đáp: “Các ông nên biết, ta nhớ trong vòng sinh tử chịu khổ lâu dài, giả sử có đem đầu và tay của mình vì chúng tăng mà đốt được, ta cũng sẵn sàng đốt, huống nữa là dùng tay chân làm việc chụm lò này thì có gì đáng kể đâu!”

Tức là Ngài nhớ lại việc sinh tử này rất là ghê sợ, do đó nếu phải đem đầu, tay của mình mà vì chúng tăng đốt lò thì Ngài cũng sẵn sàng làm, huống là việc đốt lò thôi. Việc đó tầm thường không có gì quan trọng đáng kể. Rồi Ngài kể thêm:

“Ta nhớ lại vào thuở xa xưa, trong năm trăm đời làm thân chó, đói khát khổ sở. Nhưng chỉ có hai lần được no đủ:

Một lần nhân có người uống rượu quá say, ói mửa bên cạnh đường, ta đi ngang qua gặp nên được một bữa no.

Rồi lần khác làm chó trong một nhà nghèo, hai vợ chồng chủ nhà nấu cháo đựng trong một cái niêu, rồi có việc đi vắng. Ta vì đói nên chui đầu vào trong niêu mà ăn, được no, nhưng sau đó rút đầu không ra, người nhà về thấy vậy tức giận quá, lấy dao bén chặt đứt đầu ta. Ta nghĩ đã thọ thân chó năm trăm đời, tuy được hai lần no đủ, nhưng một lần mất mạng. Thế nên suy nghĩ sinh tử lâu dài, quanh quẩn trong năm đường, tuỳ chỗ sinh ra thảy đều chịu khổ. Bởi vậy, ngày nay ta chẳng ngại việc nhọc nhằn, đâu dám từ chối việc đốt lò cho chúng tăng!”

Quý vị thấy, nếu có túc mạng nhớ mình từng làm chó chừng mười đời thôi thì hôm nay tu hành tinh tiến lắm. Nhớ đã từng làm chó mà giờ được làm người thì chỉ nhớ tu hành một mực để giải thoát, chứ không để rớt trở lại nữa. Nhưng vì cái mê cách ấm nên giờ không còn nhớ gì hết. Hãy kiểm lại, đây là một bậc Thánh mà cũng đã từng thọ qua thân làm chó như vậy, còn mình thì có gì hơn? Cho nên xét đến dòng sinh tử luân hồi đó mà không dứt khoát giải quyết cho xong hay sao?

Hôm nay mình ngồi đây là đã trải qua bao nhiêu lần mang lông đội sừng rồi? Đã bao nhiêu lần ở trong địa ngục tối tăm đau khổ rồi? Giờ đây mà không khéo tu để rớt trở lại nữa thì không biết làm sao! Bởi vậy, phải ghi khắc để vượt qua, không để rớt trở lại nữa. Đó là một điều tha thiết vì việc lớn sinh tử.

+ Điểm thứ hai, là hạnh khước từ. Tức không có dính mắc. Bây giờ mình tu rồi là phải tập hạnh khước từ, không có dính mắc.

Nhớ lại mỗi người trong đây từ xưa tới nay, mình đã huân tập vào kho tàng thức của mình đó, có thiếu gì không? Trong cái kho tàng thức từ vô thuỷ kiếp đến bây giờ, mình đã huân tập vào quá nhiều rồi, có thể là đủ thứ hết, không thiếu gì, gọi là “thượng vàng, hạ cám”. Có khi gai góc độc địa gì cũng đưa vào đủ hết. Giờ đây tu giải thoát mình phải có sự dứt khoát, là chỉ thực hành buông ra chứ còn tiếc gì nữa. Bởi do tập khí tham ái nên lúc nào mình cũng tưởng là mình thiếu. Do đó cứ muốn thu vào, huân tập vào nên quá dư mà không hay biết. Bây giờ phải bỏ ra, buông bớt, là khước từ không có dính mắc. Phật dạy, Tỳ kheo phải tam thường bất túc. Nghĩa là vào đạo rồi, ăn, mặc, ngủ nghỉ phải bớt, không để quá đầy đủ như xưa. Như câu chuyện của Ngài Kim Bích Phong: Tu hành cũng chứng được thiền định, biết được mạng sống của mình sắp hết, nhưng còn tập khí luyến tiếc cái bát bằng ngọc. Biết mình sắp chết, Sư đem cái bát cất kỹ gần bên rồi nhập định để xem Diêm Vương làm gì được? Khi đó có hai con quỷ vô thường đến để bắt Sư, nhưng Sư nhập định nên tâm đâu có khởi để mà thấy. Chúng tìm hoài không được, mới đi hỏi thổ địa. Thổ địa hàng ngày theo dõi nên ông cũng biết, mới bảo:

“Thiền Sư Kim Bích Phong này rất thích cái bát ngọc, nếu ngươi có cách nào đem cái bát ấy đi, Ngài sẽ động niệm xuất định, thì liền bắt được”. Quỷ nghe nói liền đến chỗ đặt cái bát ấy, làm lay động nó. Sư nghe tiếng cái bát động, động niệm liền xuất định giữ lại. Quỷ thấy Sư xuất định, liền vỗ tay cười to bảo: “Bây giờ xin mời Ngài theo tôi đến gặp Diêm Vương”.
Nếu như chúng ta gặp trường hợp như thế thì chết rồi, nhưng với Sư sức định còn mạnh, Sư tỉnh lại liền, biết là do niệm luyến ái cái bát này nên ngay đó Sư liền đập vỡ cái bát, nhập định trở lại và để bài kệ:

                            Nhược nhân dục nã Kim Bích Phong
                            Trừ phi thiết luyện toả hư không
                            Hư không nhược năng toả đắc trụ
                            Tái lai nã ngã Kim Bích Phong.

Nghĩa là: Nếu ngươi muốn bắt được ta, trừ khi ngươi có thể dùng sắt luyện mà khoá được hư không thì ngươi có thể đến đây bắt được ta Kim Bích Phong. Sau đó thì Sư nhập định đi luôn.

Đó là một kinh nghiệm: Chỉ vì một chút luyến tiếc cái bát mà suýt sẽ bị hối hận nhiều kiếp. Cho nên chúng ta phải tập sống không dính mắc.

Ở trong truyện Nhật Bản cũng có Ngài Kitano là một vị sư trưởng của một ngôi đền bên Nhật. Khoảng năm 1933, lúc Ngài 20 tuổi, Ngài sống lang thang giống như một tên ăn mày. Có một lần Ngài gặp một du khách hút thuốc lá. Hai người cùng đi cùng nói chuyện, cũng giống như người quen biết. Đi đến một tàng cây, ngồi nơi bóng mát, ông du khách mới biếu cho Ngài một điếu thuốc tốt. Lúc đó Ngài nhận lấy hút và Ngài mới khen: “Điếu thuốc này thật là ngon! Thật thích thú vô cùng!”. Ông du khách thấy vậy mới biếu luôn cái ống điếu tốt, và gói thuốc lá nữa, rồi chia tay nhau. Nhưng sau đó Ngài cảm nhận rằng: “với một vật mà có sự thích thú thì nó có thể quấy phá sự thiền định của ta. Nên trước khi đi xa hơn nữa thì ngay bây giờ ta phải dừng lại”. Ngài liền quăng bỏ ống điếu, thuốc lá và bao thuốc luôn, dứt khoát từ đây không có dính trở lại nữa.

Đến năm 23 tuổi, Ngài học kinh dịch, cũng thông thạo. Lần đó, nhân mùa đông lạnh, Ngài cần ít quần áo dầy để mặc. Ngài mới viết một lá thư gửi cho ông thầy ở cách xa hơn trăm dặm, nhờ một người du khách mang đến. Nhưng đợi một thời gian lâu gần hết mùa đông mà cũng không thấy tin tức gì hết. Ngài không biết là sao? Ngài muốn thử coi sự cảm ứng của kinh dịch này có đúng hay không? Bèn lấy thuật bói toán trong kinh dịch ra xem thử, xem thư này có mang tới nơi không, hay là thất lạc?

Ngài thấy lá thư được tới nơi. Sau đó lá thư của ông thầy gửi tới nhưng không thấy nói tới chuyện quần áo. Ngài cũng cảm nhận rằng: “Tuy vậy, nhưng bây giờ đây nếu mình cứ làm cái việc xác quyết với kinh dịch, bói toán thì rồi mình cũng chểnh mảng đi, thiền định mình cũng mất đi”.

Từ đó Ngài cũng dứt khoát từ bỏ hẳn luôn, không dùng tới bói toán kinh dịch này nữa.

Gặp người khác, thấy mình bói hiệu nghiệm quá, vậy thì lâu lâu bói để giới thiệu với người nữa. Còn ở đây, Ngài biết như vậy là không phải rồi, là có dính mắc, nên ngay đó Ngài dứt khoát bỏ luôn.

Khi khoảng 28 tuổi, thì Ngài chuyển qua học cách viết thư pháp chữ Hán và làm thơ. Thời gian không lâu cũng thuần thục và nổi tiếng. Rồi Ngài cũng suy nghĩ: “Nếu ta không dừng lại thì ta cũng sẽ trở thành một thi sĩ thôi, chẳng phải nhiệm vụ chính của mình” Ngài cũng dứt khoát bỏ luôn, không làm thơ nữa. Đó là hạnh không dính mắc gì hết, sẵn sàng buông. Thấy mình có dính mắc trong đó thì sẵn sàng dứt khoát buông bỏ. Còn chúng ta làm được cái gì thì sao? Làm được cái gì thì dính mắc cái đó, thành ra không có tự tại, bị nô lệ vào lòng tham ái.

Cho nên mỗi người phải tập cái hạnh khước từ, buông bỏ không dính mắc, cuối cùng là trở về sống với cái chân thật.

Trong nhà Thiền có một câu chuyện rất ý nghĩa: Tôn giả Nghiêm Dương đến hỏi Ngài Triệu Châu:

- Khi không có một vật gì đem đến thì thế nào?

Ngài Triệu Châu bảo:

- Ông hãy buông xuống đi!

Tôn giả thưa:

- Đã không có một vật gì đem đến thì buông cái gì?

Ngài Triệu Châu bảo: À, buông không được thì hãy gánh lên đi!

Tức là tột con đường Thiền là phải buông sạch hết, đến tột cùng là không còn gì để buông, không còn gì để dính, thì đó là chính mình chân thật. Đó cũng là chỗ mà ông Bàng Uẩn hỏi Mã Tổ.

“Thế nào là người chẳng cùng muôn pháp làm bạn”. Là chỗ này thôi, chỗ không còn gì để dính để buông nữa. Còn thấy dính nên mới buông, còn bây giờ sạch hết không còn gì để buông nữa thì đó chính là mình.

Hương Nghiêm- Trí Nhàn khi trình bày với Ngài Ngưỡng Sơn Huệ Tịch.

                        Năm trước nghèo chưa thật nghèo,
                        Năm nay nghèo mới thật nghèo.
                        Năm trước nghèo còn có đất cắm dùi,
                        Năm nay nghèo cái dùi cũng không.


Nghèo ở đây là khước từ, là buông bỏ. Không có chỗ để dính cái gì hết. Cho nên năm trước tuy thật nghèo, buông bỏ hết những cái bên ngoài, nhưng còn có cái chỗ để cắm dùi. Còn năm nay nghèo đến cái dùi cũng không luôn.

Sau có một thiền sư khi đọc được bài kệ đó thì Ngài có bình thêm là:

“Nói vậy là còn thấy mình nghèo thì cũng chưa thật nghèo”.

Tức còn thấy mình nghèo gọi là không còn đất cắm dùi thì cũng chưa thật nghèo nữa. Phải quên luôn, phải buông hết, lòng rỗng rang, không để có cái chỗ cho tâm sinh, thì mới thật là tự do tự tại.
Giờ đây chúng ta còn dính cái này, cái kia, bám chắc, thu vào thì còn cách xa đường giải thoát bao lâu? Bởi vậy học người xưa để kiểm lại, cho mình sống đúng nghĩa, sống chân thật.

Thiền Sư Đạo Giai từng dạy chúng:

“Phàm là người xuất gia vì chán trần lao, cầu thoát sinh tử, thôi tâm dứt niệm, cắt vin theo. Gặp thinh gặp sắc như hoa trồng trên đá, thấy lợi thấy danh như bụi rớt trong mắt. Vì từ vô thuỷ đến giờ, những cái ấy đâu phải chẳng từng trải qua, cần gì lại nhọc nhằn tham luyến!

Hiện nay chẳng dứt, còn đợi đến chừng nào? Thời nay dứt sạch lại còn việc gì? Nếu được trong tâm vô sự thì Phật Tổ vẫn là oan gia, tất cả thế sự tự nhiên lạnh nhạt, mới là phù hợp bên này”

Sư nhắc người xuất gia, là vì chán trần lao cầu thoát sinh tử, thì phải thôi tâm dứt niệm, là dừng nghĩ không chạy ra ngoài, cắt đứt những phan duyên, những vin theo. Gặp thinh gặp sắc phải giống như hoa trồng trên đá, là không có mọc rễ được, không chỗ cho tâm sinh; thấy lợi thấy danh cũng như bụi rớt trong con mắt, không để cho một chút gì dính được. Phải nhớ kiểm lại mình từ vô thuỷ kiếp đến nay đâu phải chẳng từng đã trải qua. Nghĩa là mình đã trải qua, đã nếm qua hết những cảnh ấy trong dòng sinh tử luân hồi này, bây giờ còn luyến tiếc gì nữa? Vậy mà chưa chán hay sao? Cần gì nhọc nhằn tham luyến nữa? Bây giờ đây không dứt khoát còn đợi đến bao giờ?

Sống bao nhiêu năm ở trong đạo mà vẫn thế này hoài sao?

Đó là điều phải tự tỉnh lại, phải xét cho kỹ, đừng để thì giờ luống qua suông mà chẳng ích lợi gì! Đó là điều nhắc nhở tất cả để tự đánh thức chính mình mà tiến lên. Làm sao để sống một đời sống thật đúng ý nghĩa của người xuất gia tu hạnh giải thoát!

 

 

[ Quay lại ]