headertvtc new


   Hôm nay Thứ hai, 23/12/2024 - Ngày 23 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Đâu đâu cũng là Phật pháp

 Trước tiên dẫn câu chuyện của Sa-di Hiền Trí để mỗi người nghiệm, rồi sau đó sẽ đi sâu vào. Sa-di Hiền Trí là vị Sa-di mới bảy tuổi mà đã chứng A-la-hán. Ngài có túc duyên đặc biệt, khi bảy tuổi gia đình cho xuất gia với Tôn giả Xá-lợi-phất. Khi Ngài xuất gia, gia đình cúng dường liên tiếp trong bảy ngày đầu, và Tôn giả Xá-lợi-phất dạy cho Ngài đề mục quán về các thể trược trong thân này. Qua tới ngày thứ tám, gia đình hết cúng dường, Ngài phải theo thầy (ngài Xá-lợi-phất) đi khất thực.

Trên đường đi Ngài thấy người ta đang vét mương dẫn nước vào ruộng, Ngài liền nghĩ (nếu như mình thì chắc là đi qua luôn vì thấy chuyện này thường quá) và hỏi Ngài Xá-lợi-phất:

- Người ta đang làm gì vậy?

Ngài Xá-lợi-phất nói:

- Người ta đang vét mương dẫn nước vào ruộng để làm ruộng.

Ngài nghĩ: “Nước là vật vô tri vô giác mà con người có thể hướng dẫn sử dụng nó theo ý của mình để làm chuyện lợi ích. Như vậy tại sao mình có tâm, có tri giác hiểu biết mà không thể hướng dẫn tâm mình đi theo con đường dẫn đến A-la-hán?”

Đi một đoạn nữa, thấy người làm tên, đang chuốt những mũi tên, Ngài cũng hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

-   Họ đang làm cái gì đó?

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

- Đây là những người đang trau chuốt những mũi tên cho ngay thẳng dùng để bắn.

Nghe vậy Ngài cũng có cảm nghĩ: “Tên cũng là vật vô tri không có lý trí gì hết mà người ta còn có thể uốn nắn nó, khiến cho nó ngay thẳng theo ý mình. Còn mình là người có lý trí, có hiểu biết tại sao mình không thể uốn nắm tâm mình cho ngay thẳng đúng đắn để đi đến con đường Niết-bàn?”

Đi một đoạn nữa, thấy người đang đẽo bánh xe, Ngài hỏi ông thầy:

- Họ làm việc gì?

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

- Đó là người ta đang đẽo những thanh gỗ làm thành bánh xe để dùng vào việc chuyên chở.

Ngài cũng liền nghĩ: “Gỗ cũng là vật vô tri vô giác mà người ta vẫn có thể đẽo nó thành bánh xe để sử dụng theo ý của mình, còn mình có tri giác, có hiểu biết tại sao mình không đẽo gọt những điều xấu xa, những điều hư dối trong tâm mình để cho tâm ý trở thành lợi ích chân thật trên con đường giải thoát?”

Suy nghĩ như vậy rồi, Ngài xin phép Tôn giả Xá-lợi-phất cho Ngài về trước , không đi khất thực nữa. Ngài trao bát lại cho Tôn giả và nói: “Cho phép con được về trước, con có vấn đề cần phải giải quyết.” Nghĩa là trong tâm Ngài muốn dứt khoát giải quyết ngay trong ngày nay để chứng A-la-hán mới được. Tôn giả Xá-lợi-phất cũng biết nên cho về. Khi giao chìa khóa phòng, Tôn giả dặn:

- Con vào trong phòng ngồi trong đó đừng ngồi ngoài, sợ nhiều khi bị rắn rít cắn.

Khi về, Sa-di Hiền Trí vào trong phòng ngồi thiền quán, chuyên tâm quá xét cho tột cùng. Việc này cảm đến trời Đế Thích, nên trời Đế Thích sai bốn vị Thiền vương (Tứ thiên vương) xuống trấn giữ bốn góc vườn không cho chim chóc hay người, thú có thể lảng vãng làm xao động trong khu đó, để cho Ngài được thật sự yên tĩnh mà quán xét, còn chính trời Đế Thích thì đứng trấn giữ ngay cửa.

Trong khi đó Đức Phật cũng quán xét và thấy được tâm trạng và công phu của Sa-di Hiền Trí. Lúc Tôn giả Xá-lợi-phất khất thực xong, trở về mà Sa-di Hiền Trí vẫn chưa chứng quả A-la-hán. Nếu để Ngài Xá-lợi-phất mở cửa vào thì làm trở ngại, mất thời gian của Sa-di Hiền Trí, cho nên trời Đế Thích dùng thần lực làm cho hôm đó mặt trời sáng hoài giống như đang còn trưa.

Khi Tôn giả Xá-lợi-phất về, Đức Phật ra đón ở trước và Ngài hỏi tới hỏi lui nhiều câu để trong đó Sa-di Hiền Trí có thời gian thành tựu được đạo quả. Quả nhiên Sa-di Hiền Trí chứng quả A-la-hán ngay lúc đó.

Khi đó Đức Phật biết rồi và để Tôn giả Xá-lợi-phất đem vào phần cơm khất thực dành riêng cho Sa-di Hiền Trí. Khi Ngài dùng cơm xong, thu xếp đâu đó rồi, trời Đế Thích thu thần lực lại thì mặt trời liền tối, coi như mới ăn cơm xong thì tối. Cho nên hôm đó trong chúng thắc mắc, bữa nay sao lạ kỳ! Đức Phật biết. Ngài mới đến giải thích là do nhân duyên này.

Đó là một câu chuyện rất có ý nghĩa và rất tế nhị. Một vị Sa-di mới bảy tuổi mà đi đường thấy việc  như vậy, rồi có thắc mắc, cảm nghĩ như vậy? còn mình thì sao? Mình thấy các việc đó không biết bao nhiêu lần, thấy rồi cứ cho qua, cho là chuyện tầm thường không quan trọng. Nhưng việc đó thường hay không thường thì không phải ở tại việc đó mà ở nơi mình, nghĩa là một việc tầm thường nhưng tại sao lại đánh thức nội tâm Sa-di Hiền Trí sâu xa như vậy, còn mình không có gì hết?.

Thứ nhất cũng là do túc duyên của Ngài. Thứ hai nữa, nếu lúc đó tâm của Sa-di Hiền Trí đang nghĩ lung tung thì có cảm nghĩ được những điều đó không? Đi mà ngó trời ngó mây, rồi trong tâm nghĩ là khất thực được món ngon món dở gì đó thì sao? Lúc đó dĩ nhiên tâm Ngài đang chuyên chú vào đề mục của Tôn giả Xá-lợi-phâấ dạy.

Chính chỗ đó là chỗ nhắc nhở của mình, cũng một cảnh đó nhưng nếu mình sống buông lung theo tình thì cảnh đó cũng là cảnh thế tục tầm thường không có gì đáng nói. Nhưng cũng cảnh đó mà với tâm chánh niệm, với tâm chuyên chú thì nó cũng thành cảnh giới giác ngộ, cũng thành Phật pháp đối với mình. Bao nhiêu đó đủ thấy đâu đâu cũng có thể là Phật pháp đối với mình. Chính đó là ý nghĩa của “pháp vô ngã”.

Lâu nay người học kinh nghe giảng, nhiều khi nghe nói về “pháp vô ngã”, nghe trên danh từ, trên chữ nghĩa mà không hiểu các pháp vô ngã là sao? Nói mình vô ngã (không có ta) thì dễ hiểu, còn nói pháp vô ngã, pháp mà không có ta là sao? Đó là muốn nói lên, các pháp không có tánh cố định, không có một thể cố định gì hết, tùy theo tâm người mà nó hiện. Vì không cố định cho nên nói vô ngã, vô ngã là vậy, chớ không phải pháp vô ngã là pháp không có ta.

Ở đâu cũng vậy, pháp không cố định là nhiễm, cũng không cố định là tịnh, nó cũng không cố định là mê hay là giác, cảnh không phải làm mình mê, cũng không phải làm mình giác, tức là không có cố định gì hết, tùy theo tâm người mà nó thành nhễim thành tịnh, thành mê thành giác. Cũng cảnh đó nhưng người tu đạt đạo nhìn nó mà không nhiễm, còn người bình thường nhìn thì nhiễm. Vậy đổ lỗi cho cảnh sao được! Đó, rõ ràng nó vô ngã, nó không cố định  mà tùy theo người.

Chẳng hạn như câu chuyện của Ngài Viên Ngộ, Ngài tham thiền với Thiền sư Pháp Diễn một thời gian lâu mà chư tỏ ngộ. Một hôm đang hầu thầy thì có ông quan Đề hình đến thăm Thiền sư Pháp Diễn bàn luận đạo, Pháp Diễn hỏi:

- Đề hình lúc trẻ có đọc thơ Tiểu Diễm chăng?

Ông nói:

- Có.

Thiền sư Diễn nhắc ở trong đó có hai câu:

Tần hô Tiểu Ngọc nguyên vô sự

Chỉ yếu đàn lang nhận đắc thanh

Tức là:

Luôn kêu Tiểu Ngọc nguyên không việc

Chỉ cốt anh chàng nhận được tiếng.

Ngài Viên Ngộ lúc đó đang đi ra ngoài, ông Đề hình nghe tới đó liền “dạ! dạ!”

Thiền sư Pháp Diễn bảo:

- Nhưng hãy chính chắc cẩn thận.

Vừa lúc đó ngài Viên Ngộ ở ngoài trở về đứng hầu, nghe qua câu chuyện mới hỏi:

- Nghe Hòa thượng nhắc lại thơ Tiểu Diễm nhưng ông Đề hình có lãnh hội được chăng?

Thiền sư Pháp Diễn bảo:

- Ông chỉ nhận được tiếng thôi.

Ngài Viên Ngộ thưa:

- Ở trong đó nói rằng “chỉ cốt anh chàng nhận được tiếng” mà ông ấy đã nhận được tiếng, vì sao lại không phải?

Pháp Diễn bảo:

- Thế nào là ý Tổ sư từ Ấn Độ sang? – Cây Bách trước sân.

Ngay đó Ngài Viên Ngộ liền tỉnh ngộ.

Đây là cô đọng một câu chuyện trong quyển tiểu thuyết, chuyện kể rằng có một nàng tiểu thơ có tình ý với một chàng trai ở gần nhà. Một hôm vào buổi chiều chạng vạng tối, chàng trai này lân la đến nhà cô thíeu nữ, ý muốn dò tìm coi phòng của cô ở chỗ nào nhưng không biết, nên đi lảng vảng ở ngoài. Cô tiểu thơ ở trên gác nhìn thấy nhưng không biết làm sao cho chàng kia biết được, mà kêu thì lộ rồi, cô nhanh ý gọi đứa hầu tên Tiểu Ngọc:

- Tiểu Ngọc! Tiểu Ngọc! Hãy đem cái bình trà lại phòng cho cô.

Ngay đó anh chàng kia nghe thì biết cô ở phòng nào rồi. Cho nên ở đây Thiền sư Pháp Diễn dẫn lại hai câu thơ “Tần hô Tiều Ngọc nguyên vô sự, Chỉ yếu đàn lang nhận đắc thanh”, nghĩa là cô này kêu Tiểu Ngọc luôn miệng như vậy nhưng không có ý gì hết, koc ó việc gì, chỉ cốt cho anh chàng kia nhận được tiếng của mình thôi, tức là kêu ở đây nhưng mà ý ở đằng kia. Đó, thiền là như vậy. Cho nên Ngài Viên Ngộ nghe tới đó thì Ngài ngộ.

Như vậy cũng một câu chuyện đó, là câu chuyện thế tục thôi, nhưng qua tay của Thiền sư thì sao? – Thành chuyện đạo, thành có lý thiền, mà rất sâu chớ không phải thường nữa. Còn với thanh niên nam nữ ngoài đời, họ sống theo tình cảm của thế tục, khi đọc tới chỗ này thì sẽ nghĩ theo tình ý của nam nữ, thành ra thấy câu chuyện đó là cây chuyện của thế tục.

Cũng câu chuyện này nhưng với người tham thiền, tâm chuyên nhất hướng về đạo thì nghe đó liền đạt được cái ý “giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự”. Nghĩa là nghe đây nhưng phải thấy ý đằng kia. Thiền cũng vậy, nói ở đây nhưng mình phải thấy ý đằng kia, tức là không mắc kẹt ở trong câu nói. Bao nhiêu đó cho thấy chỗ này là chỗ phải thấu qua giấy mực, ý này rất sâu xa.

Rõ ràng cùng một câu chuyện nhưng tủy theo tâm người mà thấy khác nhau, như vậy nó vô ngã không có cố định gì hết. Vậy tại sao mình không thấy theo cách thứ hai? Thấy theo cách thứ hai thì hay vô cùng. Cho nên chỉ một câu chuyện đó đã nói lên được nghĩa “đâu đâu cũng là Phật pháp”.

Trong kinh A-hàm có kể: Một hôm Phật ở thành Xá-vệ tại tinh xá Kỳ Hoàn, nhân chuyện mấy con ngựa Phật mới nói bài pháp về bốn loại ngựa. Phật nói với các vị Tỳ-kheo” Có bốn loại ngựa mà bậc hiền nhân nên cỡi, tức là người hiền phải nên cỡi bốn loại ngựa:

- Loại thứ nhất, vừa thấy bóng roi liền sợ, liền đi theo ý của người chủ, chưa đợi đánh.

- Loại thứ hai, phải đợi roi chạm đến lông thì mới chịu đi, nghĩa là giơ roi lên thì thấy bóng nhưng còn chưa sợ, phải đợi roi chạm tới lông mới sợ, mới đi.

- Loại thứ ba, đợi roi đánh vào da hơi đau đau thì nó mới chịu đi theo ý chủ.

- Loại thứ tư, phải đợi roi đánh mạnh đau thấu xương mới chịu đi.

Phật kể ra bốn loại ngựa đó rồi nói: Để độ bậc trượng phu đi qua bờ giải thoát cũng có bốn pháp như vậy:

- Loại người thứ nhất, nghe trong xóm của mình có ai đó bị bệnh đau khổ sắp chết liền sanh tâm nhàm chán, tu hành làm lành tiến lên con đường giải thoát giác ngộ.

- Loại người thứ hai, nghe trong xóm có người bệnh hoạn thì thấy không dính dáng gì tới mình, chuyện đó của người ta thôi, nhưng khi chính mắt mình thấy người đó bệnh nặng sắp chết thì bấy giờ mới cảm nhận chuyện vô thường, mới phát tâm nhàm chán và tu hành. Ở trước mới nghe thôi là đã phát tâm rồi, còn ở đây phải đợi mắt thấy mới được. Cũng như ở trên là phải đợi roi chạm tới lông mới đi.

- Còn loại người thứ ba, thấy thì thấy nhưng đó là chuyện của người khác. Nhưng khi thấy bà con ruột thịt của mình hoặc tôi tớ trong nhà bệnh nặng sắp chết, lúc đó mới cảm nhận, mới nhàm chán mà tiến tu. Đó cũng là khá rồi, nhưng ở đây phải thấy được người gần  mình, còn kia là người dưng, đâu có dình dáng gì.

- Loại người thứ tư là khi chính bản thân mình gặp bệnh khổ ngặt nghèo mới chịu sanh tâm nhàm chán và tiến tu, chớ còn kia cũng là người khác thôi.

Phật nói bốn loại người đó cũng giống như bốn loại ngựa trên:

Loại ngựa thứ nhất vừa thấy bóng roi liền đi cũng như ở đây vừa nghe người trong xómcó bệnh nặng người này liền cảm nhận sự vô thường của con người và phát tâm liền.

Còn người thứ hai chuyện đó còn xa vừa mới nghe thôi chưa thấy, phải thấy thì mới chịu, cũng như ngựa kia phải đợi roi chạm tới lông mới đi. Nhưng đó còn là loại người khá khá,

Loại người thứ ba phải thấy bà con tôi tớ gần gũi với mình chịu những cảnh đó thì người này mới cảm nhận được. Còn những người khác, người dưng đâu có dính dáng gì. Coi như người này cũng còn tiến được một bước, cũng còn khá khá tuy là phải đợi việc tới bà con mình.

Còn loại người thứ tư thì phải đợi tới bản thân mình mới chịu, những việc kia cũng là còn của người khác.

Như vậy chỉ là chuyện ngựa là chuyện thế gian thôi, nhưng với Phật cũng thành Phật pháp. Tại sao mình không nhìn theo kiểu Phật pháp đó mà nhìn theo kiểu thế gian? Với người bén nhạy luôn luôn khéo phản tỉnh trở lại, thì mình thấy cảnh nào cũng là cảnh để mình giác ngộ được hết. Thấy người ta khổ, là mình cảm nhận được cuộc đời là vô thường, rồi mình cũng sẽ nằm ở trong tình trạng đó, mình cảm nhận được liền và thức tỉnh để vươn lên chớ không phải đợi đến lúc mình khổ mới thức tỉnh. Cho nên trước mắt mình chỗ nào cũng là Phật pháp cả. Chỗ nào cũng là chỗ vi diệu đểnhắc nhở mình chớ không phải cầu đâu xa. Mình cứ nghĩ Phật pháp là cái gì phải cao siêu, nghĩa là ở đâu đó, ở chỗ nào linh thiêng, chớ đâu ngờ những cái tầm thường cũng là Phật pháp nếu mình khéo nhìn, khéo thấy. Nhưng khéo làm sao?

Khéo là mình phải chuyên tâm, phản tỉnh, điểm trọng yếu là đó. Nếu luôn luôn chuyên tâm, phản tỉnh thì chỗ nào cũng là chỗ có thể dùng để soi lại mình, nếu để tâm rời rạc lang thang, lăng xăng thì làm sao thấy nổi.

Cũng như qua câu chuyện của Sa-di Hiền Trí, mình thấy rõ vật chất là thứ vô tri vô giác, nhưng nếu mình chuyên tâm chuyên niệm thì cũng có thể khiến nó thuận theo ý mình được. Nước là vật vô tri, nhưng nếu muốn nó chảy vào ruộng theo ý mình thì phải làm sao? Phải lo đắp bờ, lấp những chỗ lở để cho có đường chảy, tức là phải có sự lo lắng và chuyên tâm vào trong đó, để ý vào trong đó. Cũng như mũi tên muốn uốn cho nó thẳng theo ý mình thì phải làm sao? Phải nhắm một mắt rồi chú tâm trong đó. Còn gỗ muốn đẽo thành bánh xe theo ý mình cũng vậy, phải chú ý, nghĩa là chuyên tâm khéo léo thì nó mới thành được.

Chuyện bên ngoài mình còn có thể làm được như vậy, còn tâm mình là ở ngay nơi mình, ở trong chính mình, cớ gì mình không điều phục được nó, không làm chủ được nó? Chỉ vì không chuyên tâm thôi! Nghe ở đây thì hiểu nhưng ra ngoài rồi quên, hoặc thôi bỏ qua, đó là không có chuyên tâm, còn chuyên tâm sẽ có kết quả.

Cho nên ở trong nhà Nho có câu:

                        Thế sự vô nan sự,

                        Do lai tâm bất chuyên.

                        Tạc sơn xuyên đại hải,

                        Phi vụ đổ thanh thiên.

Tức là việc đời không có việc gì là khó, chỉ do tâm mình không chuyên thôi, người ta có thể đục núi, xuyên qua biển, rồi người ta có thể vén mây dòm thấu cả trời xanh, thấy cả những hành tinh xa xôi, bây giờ người ta còn dùng phi thuyền để bay đi xa kia, chuyện đó người ta còn làm được thì rõ ràng là chỉ do tâm chuyên. Tâm chuyên sẽ giúp mình thành tựu được những điều như ý muốn, nhất là trong việc tu hành của mình.

Nếu tâm mình cứ loạn hoài đó cũng là tự tâm mình loạn thôi. Khi nó loạn là tự tâm mình loạn, rồi khi nó định thì cũng tự tâm mình định chớ ai định giùm cho mình. Nhiều khi mình đổ cho là tại cảnh làm mình loạn tâm, chớ sự thật phải cảnh làm mình loạn không? Cái đó phải nhìn cho thật kỹ. Cảnh là vật vô tri làm sao làm mình loạn? Cũng cảnh đó mà sao người tu có công phu nhìn không loạn, còn mình nhìn loạn rồi đổ lỗi tại cảnh? Rõ ràng là tại tâm mình thôi. Tâm mình dính cảnh rồi đổ thừa cảnh làm loạn, chớ cảnh là vật vô tri làm sao làm mình loạn được. Như vậy tự tâm mình loạn thì cũng tự tâm mình định, không ai xen vào đó, nghĩa là mình có đủ quyền làm chủ, mình có quyền mê mà cũng có quyền ngộ, không ai chen vào trong đó hết.

Cho nên nếu mình chuyên tâm trở lại, đó là chỗ để tiến của mình. Không cần phải nói tới những giáo lý cao xa, có những bài kinh thường thường mình học quen rồi không chú ý, như trong kinh Tứ Thập Nhị Chương có một câu là “giữ tâm một chỗ thì không việc gì chẳng xong” . Ai về thử tâm một chỗ coi thử liền biết. Chỉ cần ba ngày thôi, mà giữ tâm một chỗ là có kết quả liền. Mà giữ là sao? – Cách đơn giản là đi biết đi, ngồi biết ngồi, đứng biết đứng, luôn luôn mình có mặt ngay trong cái thực tại đó, “đi biết đi” tức là mình ở ngay chỗ đi “đứng biết đứng” tức là mình ở ngay chỗ đứng, tâm mình luôn luôn có mặt với mình, không cho chạy chỗ nào khác thì khỏi cần cầu ngộ nó cũng ngộ. Còn bây giờ cứ lo cầu ngộ mà tâm cứ tản hoài, chạy hoài thì làm sao ngộ được?

Ở thế gian cũng vậy, thí dụ như ông Newton một nhà bác học nổi tiếng, có người hỏi ông: “Ông dùng cách gì mà có nhiều phát minh như thế?” Ông nói rằng: “Tôi không có cách gì khác, chỉ là đối với một việc nào cũng nghiên cứu rất chuyên tâm trong một thời gian rất dài.” Nghĩa là đối với việc nghiên cứu nào thì nghiên cứu hết mình trong đó, trong thời gian dài chớ không nửa chừng bỏ dở. Còn mình thì sao? Cái nào thấy hơi lâu mà chưa có kết quả là muốn thay đổi, đó là không có chuyên tâm, koc ó bền chí.

Chính trong Bát chánh đạo, chánh niệm là gì? – Là tâm chuyên nhất không tạp loạn, chánh niệm đi tới kết quả là chánh định. Rồi trong Tứ niệm xứ có bài kinh Phật dạy rằng: “Nếu vị nào luôn luôn quán Tứ niệm xứ, nhớ rõ như vậy từ một ngày cho đến bảy ngày mà không có niệm nào khác xen vào thì chắc sẽ chứng quả từ Tu-đà-hoàn tới A-la-hán.” Nói theo mình bây giờ, chỉ cần biết vọng từ một ngày tới bảy ngày, tâm luôn luôn chuyên nhất như vậy không để niệm nào khác xen vào (tâm đâu còn chạy đi đâu nữa) thì bảo đảm sẽ sáng liền.

Như vậy các kinh điển đều dạy chỗ đó, cũng như kinh Di-đà nói rằng “từ một ngày tới bảy ngày nhất tâm bất loạn thì liền thấy Phật và Thánh chúng hiện ngay trước mặt”. Từ một ngày tới bảy ngày “nhất tâm bất loạn” tức là không chạy đi đâu hết thì Phật ngay trước mặt chớ còn gì nữa! Đó là chỗ trọng tâm, mình không để ý rồi cứ lo cầu cái này cái kia cho mau ngộ mà nó không ngộ nổi!

Trong nhà Thiền có Thiền sư Chuyết Huyền, Ngài dạy học trò là vị Tăng tên Từ Định. Ngài bảo rằng: “Nếu ông thiền định nhất tâm không gián đoạn suốt bảy ngày đêm mà không chứng ngộ thì ông có thể tới đây chặt đầu tôi làm gáo múc phân.” Dạy thằng vậy đó. Từ Định nghe vậy, sau đó không lâu ông bị bệnh kiết lỵ, ông nhớ tới lời này mới quyết tâm, ông lấy cái thùng, đến nơi vắng vẻ rồi ngồi lên đó, ông chú tâm thiền định liên tục suốt bảy ngày như vậy. Tới một đêm thình lình ông thấy thế giới như tuyết sáng dưới ánh trăng, vũ trụ này như thu nhỏ lại, không còn chứa nổi mình nữa, tức là mình bao la. Nhưng cái đó mới là trạng thái thôi, ông rơi vào trong tình trạng đó một lúc lâu. Khi đó bỗng nghe một tiếng động, ông chợt ngộ liền, toàn thân ra mồ hôi, hết bệnh luôn. Ông làm bài thơ:

                        Sáng chói linh diệu cái gì đây?

                        Anh vừa chớp mắt mất nó ngay.

                          Dao thuốc cạnh bô đang chiếu sáng

                        Cuối cùng là chính tôi lâu nay.

Cuối cùng là chính mình lâu nay đâu có gì khác. Nhưng do một niệm xen vào thì nó thành ra che mờ vậy thôi.

Vậy rõ ràng từ kinh đến thiền đều nhắc mình một chỗ trọng tâm đó. Chuyên tâm một chỗ thì có kết quả thôi. Cho nên trong nhà thiền các ngài thường nhấn mạnh là tu thì phải đến chỗ dừng bặt, hoặc chết đi cái tâm niệm lăng xăng để thấu qua cái “ngã” hư dối này, còn cứ để cho tâm niệm lăng xăng này làm việc hoài thì khó đến nơi.

Như ngài Ngưỡng Sơn đến hỏi ngài Trung Ấp:

Làm sao thấy nghĩa Phật tánh?

Ngài Trung Ấp bảo:

-Ta có ví dụ nói cho ông nghe: Như cái lồng có sáu cửa chứa con khỉ ở trong. Ngoài có con khỉ, khi con khỉ ngoài tới gõ cửa kêu chóe chóe, con khỉ trong cũng kêu chóe chóe đáp lại. Ở ngoài con khi chạy sáu cửa kêu chóe chóe thì ở trong sáu cửa cũng đáp lại chóe chóe.

Ngay đó ngài Ngưỡng Sơn nói:

- Con hiểu rồi.

Ở ngoài nó tới chóe chóe thì ở trong chóe chóe đáp lại liền, tức là luôn luôn có mặt con khỉ ở trong đó, sáu căn này luôn luôn có mặt ở đó. Nhưng chỗ đó còn chưa sâu, cho nên khi ngài Trung Ấp nói vậy thì ngài Ngưỡng Sơn nói:

- Nhưng bây giờ giả sử con khỉ ở trong ngủ thì con khỉ ngoài làm sao?

Con khỉ ở trong ngủ thì làm sao kêu nó? Làm sao biết được có con khỉ ở trong? Nếu con khỉ ở trong thức thì khi con khỉ ngoài kêu chóe chóe, ở trong đáp lại, mình dễ thấy rồi. Tức là cái thấy nghe này luôn luôn nó hiện đây rồi, nhưng con khỉ ở trong ngủ, bây giờ làm sao biết nó ở đâu? Chỗ đó mới là chỗ sâu xa. Cho nên khi ngài Ngưỡng Sơn nói tới đó thì ngài Trung Ấp bước xuống giường thiền nắm tay Ngưỡng Sơn nói rằng:

-  Chóe chóe cùng ông thấy nhau rồi.

Đó là chỗ hai ngài thấy nhau. Như vậy chỗ nào là chỗ con khỉ ở trong ngủ? Người tu thiền phải thấy được, tới được chỗ đó, còn chưa thấy được tới được chỗ đó thì cũng chưa xong. Chỗ con khỉ trong ngủ, làm sao thấy được? Nó thì nó còn chóe chóe mình dễ thấy, còn nó ngủ biết nó nằm ở chỗ nào?

Chính chỗ đó là chỗ trước khi động niệm, nó ngủ là trước khi động niệm, mình thấy trở lại chỗ trước khi động niệm đó, thì sẽ thấy Phật, thấy Tổ, thấy các Thiền sư, mình cũng thấy nhau liền. Cho nên nói tới chỗ đó thì ngài Trung Ấp bước xuống nắm tay Ngưỡng Sơn nói: “cùng ông thấy nhau rồi”, tức là thấy lại chỗ trước khi động niệm đó. Bởi vì vừa động niệm vừa nghĩ thì sao? Là con khỉ thức rồi. Phải thấy tột trở lại chỗ đó, là chỗ những tâm niệm lăng xăng phải dừng.

Khi ngài Nam Nhạc Hoài Phượng đến Lục Tổ, Lục Tổ hỏi: “Cái vật gì thế ấy đến?” Ngài Nam Nhạc lúc đó không trả lời được. Như mình thì sao? – Không trả lời được thì thôi, nhưng với ngài không trả lời được nên ngài thắc mắc trong lòng, ôm việc đó tám năm trời. Qua tám năm Ngài có chỗ tỉnh ngộ liền đến thưa Lục Tổ:

- Con bây giờ đáp được rồi.

Lục Tổ hỏi:

- Đáp sao?

Ngài nói:

- Nói giống một vật tức không trúng.

Với một việc đó mà ôm ấp trong tám năm trời, thì tám năm đó, cái tâm có chạy bậy nổi không? Tám năm chuyên chú vào việc đó, cố giải quyết việc đó thì những tạo niệm dần dần phải tan hết, tới khi không còn tạp niệm nữa, lúc đó tỉnh ngộ liền. Đó là chỗ căn bản.

Đó là nói về thiền, còn trong kinh như kinh Kim Cang thì Phật dạy “độ hết chúng sanh vào Vô dư y Niết-bàn mà không thấy có một chúng sanh được diệt độ”. Thì đó là ý gì? Độ chúng sanh đó là chúng sanh gì? Tức là những tâm vọng tưởng lang thang đầu này đầu nọ chớ gì, độ những cái tâm đó. Mà độ là sao? Thường thường mình hiểu độ là đưa, đưa nó vào Vô dư y Niết-bàn, nhưng đưa làm sao? Nói đưa, theo chữ nghĩa thì dễ rồi nhưng phải đưa làm sao? Đó là chỗ phải thực hành.

Đây nói độ tức là “nhất tâm tỉnh giác” chớ không là cái gì khác. Nhất tâm tỉnh giác thấy suốt trở lại trước khi động niệm, đó là mình đưa nó vào Vô dư y Niết-bàn. Trước khi động niệm thì nó có tướng gì? Bây giờ mỗi khi tâm niệm khởi lên, mình xét trở lại ngay chỗ trước khi động niệm, thấy tột trở lại thì chỗ đó có tướng gì? Đó là đưa nó vào Vô dư y Niết-bàn chớ còn gì nữa. Nhất tâm tỉnh giác là độ thôi. Còn nếu nghe nói đưa vào Vô dư y Niết-bàn mà không biết đưa làm sao, chỉ hiểu trên chữ nghĩa, thì hiểu mà làm không được.

Rồi kinh Pháp Hoa chẳng hạn, khi tháp Phật Đa Bảo hiện, các vị đệ tử thỉnh Phật Thích-ca mở cửa tháp thì Phật Thích-ca nói sao? Ngài nói: “Phật Đa Bảo có nguyện nếu sau này Phật nào muốn mở cửa tháp thì phải thâu hồi hết các hóa Phật đang giáo hóa ở cõi này cõi khác về một chỗ thì mới mở được.” Phật Đa Bảo là gì? Tức là chỉ cho Pháp thân. Muốn thấy được pháp thân thì phải thâu hồi hết các vị hóa Phật của mình đang đi giáo hóa về một chỗ. Mình đang ngồi đây nhưng hiện giờ hóa Phật của mình có đang đi giáo hóa không (chỉ tâm vọng tưởng của mình lang thang chỗ này chỗ nọ)? Bây giờ chỉ cần thâu hồi hết các vị về ngay chỗ này thì mở cửa tháp Phật Đa Bảo được liền. Ý nghĩa rất đơn giản nhưng mình học chữ nghĩa, rồi mình cứ nghĩ đâu đâu.

Hoặc là như Thiền sư Vô Nghiệp, ai tới hỏi đạo, Ngài cũng nói: “Chớ vọng tưởng”. Bao nhiêu đó thôi. Chớ vọng tưởng tức là thâu hồi các hóa Phật trở về thì mở được cửa đó thôi. Nếu không thấy được chỗ đó càng tìm càng xa, bởi vì đi tìm là thả những vị hóa Phật của mình đi giáo hóa đầu này đầu khác nữa rồi!

Có vị tăng hỏi Thiền sư Hy Phụng:

- Đạo tràng của cổ Phật, học nhân làm thế nào mà đến được?

Nghĩa là làm sao con đến được đạo tràng của Phật xưa.

Ngài Hy Phụng bảo:

-  Ông hiện giờ ở đâu?

Cứ lo hỏi đạo tràng của Phật xưa đâu đâu, còn bây giờ ông đang ở đâu đây? Cái gì đang hỏi đó ông lại không hỏi ? Nếu ông bặt được hết ý niệm xưa nay thì ngay đó ông vào được đạo tràng của Phật xưa rồi. Còn lo hỏi đạo tràng của Phật xưa mà quên mất chỗ đó thì đã đi xa rồi. Đó là chỗ kinh-thiền đều nhấn mạnh. Mình thấy được chỗ mấu chốt đó là thấy được chỗ trở về của mình.

Đây, ngài Động Sơn Lương Giới là vị Tổ của tông Tào Động, một tông lớn trong nhà thiền mà đến bây giờ cũng vẫn còn. Khi ngài còn chưa tỏ ngộ, đang tham thiền, một lần Ngài đến tham thiền với Thiền sư Vân Nham Đàm Thạnh. Ngài hỏi Vân Nham:

- Vô tình thuyết pháp thì người nào được nghe?

Thường thường mình nói “hữu tình thuyết pháp”, đây lại hỏi “vô tình thuyết pháp”. Ngài Vân Nham bảo:

- Vô tình thuyết pháp thì vô tình được nghe.

Lương Giới hỏi lại:

- Hòa thượng có nghe chăng?

Ngài Vân Nham nói:

- Ta nếu nghe thì ngươi đâu được nghe ta thuyết pháp. (Bởi vì ta là vô tình rồi)

Ngài hỏi thêm:

- Như vậy vì sao con chẳng nghe?

Ngài Vân Nham liền dựng cây phất tử lên, Ngài bảo:

Ông lại nghe chăng?

Dựng cây phất tử mà hỏi nghe chăng thì nghe làm sao?

Ngài thưa:

- Chẳng nghe.

Vân Nham bảo:

- Ta thuyết pháp mà ông còn chẳng nghe huống nữa là vô tình thuyết pháp.

Lương Giới thưa thêm:

- Như vậy vô tình thuyết pháp gồm những kinh điển gì?

Ngài Vân Nham bảo:

- Ông đâu không thấy trong kinh di-đà nói: nước, chim, cây, rừng thảy đều niệm Phật niệm pháp?

Ngay câu đó ngài Lương Giới liền đại ngộ và làm bài kệ:

                    Cũng rất kỳ! cũng rất kỳ!

                     Vô tình thuyết pháp chẳng nghĩ nghì.

                     Nếu lấy tai nghe trọn khó hội,

                     Phải đem mắt thấy mới liễu tri.

Tức là muốn nghe được “vô tình thuyết pháp” thì phải đem mắt thấy, nếu chớ lấy tai nghe thì không được. Tức là sao? Thường thường mình bị mắt kẹt trên chữ nghĩa, nghe nói vô tình rồi mình tưởng là cây đá, vật vô tri vô giác, nhưng đây ngầm chỉ vô tình tức là không có những tâm tưởng phân biệt đối đãi. Mình sống ngay một niệm hiện tiền ở đây, thì lúc nào cũng sáng rỡ hết, ngay tâm niệm đây nó sáng rỡ rồi. Với cái nhìn đó, mình thấy đâu đâu cũng là Phật pháp hiện bày, đâu đâu cũng là nhiệm mầu hết. Cho nên ở đây Ngài dẫn kinh Di-đà nói, cây rừng chim chóc cũng niệm Phật niệm pháp, niệm tăng. Mình nghe kiểu đó mình cũng phát nguyện thôi về cõi Cực lạc để nghe chim chóc niệm Phật niệm pháp cho vui, nhưng quên mất rằng, chính ngay cõi mình đang sống đây, chim chóc cũng đang niệm Phật, niệm pháp, niệm Tăng mà mình không nghe được thôi.

Như khi Sa-di Hiền Trí thấy người vót tên thì cái đó có niệm pháp không? Ngay đó là niệm pháp rồi, ngay cây tên cũng niệm Pháp cho mình rồi huống nữa là chim chóc, nó hót. Nó vừa hót lên mình nghe rõ ràng mà không quên chính mình, thì nó đang niệm pháp chớ gì? Nghe như vậy, đó là nghe Phật nghe Pháp, còn mình nghe tiếng chim mình chỉ nhớ tiếng chim, quên mất chính mình, đó là chỉ nghe tiếng thôi. Như vậy ở ngay cõi thế gian này, mình vẫn nghe chim chóc niệm Phật, niệm Pháp như thường, khỏi cần phải cầu đi đâu xa. Cho nên đâu đâu cũng là Phật pháp.

Nếu tâm mình muốn thấy được như vậy thì phải sao? - Phải chuyên tâm. Tức là nếu tâm mình chánh thì mình thấy cái gì cũng chánh, cái gì cũng sáng; còn tâm mình sáng; còn tâm mình tà thì thấy gì cũng tà rõ ràng như vậy thôi. Cũng là cảnh đó, cũng là tướng đó mà tâm mình tà thì mình thấy nó thành tà, ngay nơi cảnh Phật đi nữa, tâm tà mình cũng thấy thành tà luôn.

Ở Thường Chiếu có lần có một ông nhập thất, nhưng do nghiệp nặng, cho nên ông thấy ma thấy quỉ rùng rợn, ông nói ông không biết làm sao bây giờ, ông bèn nhớ tời Hòa thượng thì ông thấy Hòa thượng mọc nanh luôn nữa. Như vậy là do tại Hòa thượng mọc nanh hay tại ai? – Rõ ràng tại tâm mình mà thôi. Tà rồi thì thấy cảnh Phật cũng thành tà, đó là điều mình thấy rõ. Cho nên người học Phật đừng phân tích nghi ngờ theo kiểu tâm tà. Chánh pháp được người tà đem phân tích, mình nghe, rồi lại không phân biệt kỹ, mình theo đó thì mình cũng tà luôn không chừng. Tâm tà thì giảng chánh pháp cũng thành tà, còn tâm chánh giảng tà pháp cũng thành chánh.

Như câu chuyện ở trước “Tần hô Tiểu Ngọc nguyên vô sự” thì chuyện đó là chuyện tà nhưng Thiền sư nói cũng thành chánh. Thiền sư Vô Uẩn ở đời Minh, Ngài có thuật lại một câu chuyện trong tậm Sơn Am Tạp Lục nói về ông Thị giả Miễn. Ngài nói rằng:

“Tôi từng gạn hỏi về nguyên do ngộ nhập của Thị giả Miễn thì ông nói rằng: Miễn này có một lần ở nơi Ngọc Kỷ ngồi ở bên bàn kinh chỗ rừng chiên-đàn thì tình cờ gặp vị Tạng chủ tên là Khuê”, Tạng chủ tức là vị trông coi về tạng kinh, “vị này đang luận giảng với một vị tăng. Vị Tăng mới hỏi thế nào là việc hướng thượng”, hướng thượng là lý tột của Thiền, “ông Tạng chủ Khuê nắm hai tay lại để trên đầu và ông chắp tay lại nói tố rô, tố rô. Nhân đây Miễn tôi liền được có chỗ vui thích”, tức là tỉnh sáng, “liền vội vàng đi đến mông đường thuật lại cho Thủ tọa Đạt nghe thì Thủ tọa Đạt cười bảo: Ông lại đến chăng? Từ đấy trong lòng tôi tự giác biết rõ ràng.” Tức là ngay chỗ đó có chỗ tỉnh sáng.

Nghĩa là ông Tạng chủ Khuê đang luận giảng với một vị Tăng khác, còn ông Thị giả Miễn này là người ngoại cuộc nhưng thấy vậy thì ông liền tỉnh. Thiền sư Vô Uẩn thuật lại câu chuyện đó rồi, Ngài mới nói thêm:

“Sau này tôi gặp Tặng chủ Khuê, tôi đem việc này thuật lại để hỏi Ngài thì tôi thấy Ngài đỏ mặt chẳng dám đáp lại, tôi mới thong thả hỏi, Ngài nói rằng: “Lúc đó Ngài làm cái dáng vẻ ấy là để đùa với vị Tăng kia chớ thực tình chẳng biết thế nào.”

Ông Tạng chủ chỉ đùa với vị Tăng kia thôi mà ông Thị giả Miễn thấy đó liền tỏ ngộ, bởi vì tâm Ngài luôn luôn chuyên chú tham thiền, luôn luôn chuyên nhất về việc đó, đến đây đã thuần thục chín muồi rồi, giồng như hai đường thẳng gặp nhau tại giao điểm thì ngay đó tỏ sáng thôi. Rõ ràng tâm chánh thì thấy gì cũng chánh. Đó là chỗ mình phải  nhận cho kỹ chớ để lầm lẫn.

Trong chuyện Thiền Nhật Bản có một câu chuyện vui nhưng cũng nói lên ý nghĩa tế nhị này:

Trong một ngôi chùa nhỏ ở một vùng phía Bắc Nhật Bản có hai vị huynh đệ nọ cùng ở. Vị sư huyenh học rộng rộng hiểu nhiều nên lanh lợi, còn vị sư đệ hơi chậm lụt mà lại bị chột mắt. Một hôm có vị Tăng đi vân du đến xin nghỉ qua đêm. Theo lệ thường ở những chỗ này thì vị Tăng phải qua một trận “pháp chiến”, tức là phải đối đáp trôi thì mới được cho ở lại, còn không thì phải đi. Vị sư huynh hôm đó mệt mỏi quá nên để sư đệ xuống ứng phó với vị khách này, nhưng ông sư huynh biết ông sư đệ chậm lụ nên dạy cho cách gọi là “thiền pháp vô ngôn” tức là không nói, vì nói thì sợ đối phương bẻ nói không lại, đối phương có hỏi gì, mình chỉ cần im lặng thôi. Ý của vị sư huynh này là tạm cho vị sư đệ ra ứng phó cho có lệ vậy thôi, rồi sau đó để vị khách này ở lại qua đêm. Nhưng không ngờ sau cuộc “pháp chiến” vị Tăng vội vã đến cáo từ vị sư huynh và tán thán:

- Vị sư đệ của Ngài quá là đặc biệt, thôi bần tăng xin chịu thua và xin cáo từ.

Ông sư huynh không hiểu, hỏi lại thì vị này mới nói:

- Đầu tiên tôi giơ một ngón tay lên để biểu thị Phật Thế Tôn là vị có một không hai trên đời này. Vị sư đệ của Ngài giơ hai ngón tay lên biểu thị Phật và Pháp tuy có hai nhưng hai như là một, giống như hai mặt của một thể thôi. Tôi đưa ba ngón tay lên để biểu thĩ Tam bảo hòa hợp không thể thiếu một được thì vị sư đệ của ông giơ nắm tay trước mặt tôi để biểu thị ba thứ đó đều phải từ sự giác ngộ chân thật, từ sự chứng nghiệm mới có được chớ không thể nói suông. Thành ra tôi coi như hết lời.

Sau đó ông ra đi thì vị sư đệ chạy vào trông mặt hầm hầm khó chịu hỏi sư huynh:

- Cái vị trọc đầu kia đâu rồi, trốn đâu rồi?

Ông sư huynh bảo:

- Vị ấy đã thua sư đệ, cáo từ đi rồi, mừng cho sư đệ hôm nay được thắng lợi.

Vị sư đệ tức mình:

- Thắng cái gì, tôi muốn đập cho hắn một trận.

Vị sư huynh kinh ngạc hỏi:

- Vậy thì thế nào?

Bây giờ ông sư đệ mới kể lại, ông nói rằng:

- Hắn đã làm nhục chúng ta bởi vì lúc đầu hắn chỉ nhìn đệ qua một lượt rồi giơ một ngón tay lên để chế giễu đệ một mặt. Đệ nghĩ rằng hắn là khách cho nên mình cũng phải lịch sự giơ hai ngón tay lên để chỉ rằng, Ngài may mắn có được hai con mắt. Không ngờ hắn lại còn đưa ba ngón tay lên để chỉ rằng cộng lại là ba con mắt. Như vậy huynh xem có tức không? Cho nên đệ mới giơ tay lên trước mặt định đấm cho hắn một cái nhưng hắn bỏ chạy.

Như vậy coi như là một chuyện vui nhưng rất ý nhị. Nghĩa là vị sư đệ kia, chuyện đó là chuyện của ông đâu có ý nghĩa Phật pháp gì, nhưng ông Tăng này lại thấy Phật pháp trong đó. Tại sao như vậy? Là bởi vị Tăng này  trong tâm ông luôn luôn đang tham thiền, chuyên tâm về việc đó thôi, cho nên thấy gì cũng thiền, ông thấy mọi hành động đều biểu lộ đạo lý trong đó. Còn vị kia tâm đang loạn thành ra thấy gì cũng loạn thôi.

Hiểu như vậy mới thấy tâm mình chánh thì thấy cái gì cũng chánh. Cũng một việc Phật đưa cành hoa sen lên nhưng nếu là người chuyên tâm tham thiền thì ngay đó liền cảm ngộ được ý Phật, hoặc nghe câu chuyện đó thì mình nhận ý thiền sâu sa trong đó liền. Trái lại, nếu mình dùng tâm phân biệt hoặc chia chẻ trên chữ nghĩa thì sao? Có nhiều người dùng cái học mà phân tích câu chuyện này, cho là không có thật do sau này các vị Thiền sư đặt ra, rồi lý luận thật là giả. Nếu đem tâm đó đọc câu chuyện này thì bao giờ được ngộ? Tại sao câu chuyện đó có nhiều người đọc lại tỏ ngộ, thấy được ý nghĩa rất sâu xa trong đó. Như vậy là tại sao? Đó là do tâm của mình không chuyên nhất, mình đọc nó theo lối phân tích chữ nghĩa thì mình thấy theo chữ nghĩa thôi. Nếu tâm mình chuyên nhất như ông Tăng này thì mình thấy nó cũng thiền. Cho nên chỗ đó là chỗ mình phải xét lại.

Cũng là câu chuyện thường thôi, thí dụ như Ngài Bàn Sơn, lúc Ngài còn đang Ttham thiền, hôm đó Ngài đi ra chợ gặp vị khách đang mua thịt lợn nói với người bán thịt:

- Ông hãy cắt cho tôi một miếng thịt thật ngon.

Người bán thịt buông dao đứng khoanh tay bảo rằng:

- Này ông Tưởng sử ở đây miếng nào cũng ngon hết.

Ngay đó Ngài liền tỉnh ngộ. Nếu đem tâm phân biệt nghe nói thịt ngon, mình nghĩ đến thịt, nghĩ đến ngon dỡ thôi. Còn tâm ngài đang chuyên nhất, đang công phu miên mật cho nên nghe tới đó, ngài cảm ngộ liền, đâu đâu cũng là Phật pháp. Miếng nào cũng ngon hết, đây không chỗ nào không ngon, là tâm sáng ngời, chỗ nào cũng sáng hết, ngay đó tâm mình cũng đang hiện hữu nơi đó. Mình đừng vội phân biệt cho cái đó là dở, cái đó xấu mà phải soi lại nơi mình là chính.

Một câu chuyện khác, một hôm ngài Văn-thù bảo đồng tử Thiện Tài đi ra vườn bứng cho Ngài một cây thuốc, ngài Thiện Tài đi ra bức cọng cỏ đem vào, Ngài Văn-thù đưa lên bảo trong chúng:

- Cái này cũng hay cứu người mà cũng hay giết người. (Nó là thuốc mà nó cũng là bệnh).

Cây cỏ biết dùng nó là thuốc, không biết dùng nó là cỏ. Đây cũng  vậy, cũng là việc thường đó, nếu với tâm chuyên nhất, tâm sáng suốt thì mình thấy nó là sáng suốt, là đạo lý. Ngược lại, nếu dùng tâm phân tích nhơ nhớp thì thấy nó theo cái chiều tà của mình thôi. Cho nên một việc thường mà với tâm mình sáng thì thấy nó cũng sáng. Một vài thí dụ thực tế chứng minh cho thấy:

Hồi xưa còn nhỏ mình học toán, làm bái toán cộng: năm cộng ba cộng hai bằng mấy? - Bằng mười. Thì mình thấy đó là bài toán cộng bình thường, nhưng nếu nhìn với con mắt Bát-nhã. Số mười do đâu mà có? tự nó có không? Khi không bổng dưng nó có số mười đó không? Do số năm số ba số hai cộng lại thành số mười chớ số mười Tự tánh nó là không thật có, không vốn sẵn có số mười, do các con số cộng lại thành số mười. Đó là Bát-nhã chớ gì? Thành ra với con mắt Bát-nhã, mình nhìn thấy bài toán cộng cũng là Bát-nhã.

Hoặc như một công thức về hóa học, thí dụ nước là gì? – Là H2O, tức là hai nguyên tử Hydro cộng với một nguyên tử Oxy thành ra một phân tử nước. Rõ ràng nước là cố định sẵn có không? Do hai nguyên tử Hydro cộng một nguyên tử Oxy mà thành, đó là bài kinh Bát-nhã rồi. Khi đã sáng, mình thấy cái gì cũng là Phật pháp hết.

Rồi như bài thơ của bà Huyện Thanh Quan khi đi đèo ngang:

                Bước tới đèo Ngang bóng xế tà,

                Cỏ cây chen đá là chen hoa.

                Lom khom dưới núi tiều vài chú,

                Lác đác bên sông chợ mấy nhà.

                Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,

                Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.

                Dừng chân đứng lại trời non nước,

                Một mảnh tình riêng ta với ta.

Thiền quá là thiền ! Ai thấy thiền trong đó chưa? Khi bước tới đèo Ngang bóng nắng chiếu nghiêng về chiều, cỏ cây chen trong đá, lá chen nhau với hoa, tức là chen lẫn nhau, nó hiện ngay trước mắt, cái gì đang rọi sáng nó? Rồi đằng kia mấy chú tiều, nọ là mấy nhà lưa thưa, đó là ánh sáng thiền đang hiện trong con mắt của mình chớ gì nữa. Chỗ này trong nhà thiền có vị Tăng hỏi ngài Đa Phước:

- Thế nào là bụi tre Đa Phước?

Ngài Đa Phước nói rằng:

- Một cây hai cây cong.

Ông Tăng thưa:

- Con không hiểu.

Ngài nói:

- Ba cây bốn cây nghiêng.

Thì có giống đây không? Đây là cỏ cây chen đá lá chen hoa, kia là lưa thưa mấy chú tiều, nọ là mấy cái nhà, đó là ánh sáng thiền đang đập vào mắt người đó, đang hiện tiền trong ánh sáng chiếu nghiêng nghiêng của buổi chiều. Nhưng cái đó chưa đặc biệt, đặc biệt là: “Dừng chân đứng lại trời non nước”, thì ngay đó: “Một mảnh tình riêng ta với ta”. Thực là quá thiền trong đó rồi! Dừng chân đứng lại thì cả bầu trời mênh mông không bờ mé hiện ra, ai thấy thiền trong đó chưa? Nhưng ai hiểu được trong chỗ đó? - Chỉ có ta với ta thôi. Tức là sao? Chỗ đó là chỗ phải tự chứng, tự thầm nhận chớ không thể diễn tả bằng lời được. Chỗ đó trong nhà thiền nói, dù cho mắt Phật dòm cũng không thấy nữa. Ngay đó chỉ cần “dừng chân đứng lại” thôi.

Như vậy một bài thơ bình thường mà mình nhìn với con mắt thiền, mình cũng thấy thiền, huống là một câu chuyện nhà thiền mà mình nhìn với con mắt thế gian cũng thành thế gian, đó là do tâm của mình.

Khi sống được chỗ này mới thấy chỗ nào cũng là chỗ thần thông diệu dụng của mình. Nghe nói thần thông diệu dụng thì mình tưởng là phải bay trên trời hoặc là hiện tướng này tướng khác, nhưng không ngờ trong nhà thiền thần thông diệu dụng là chỗ mình sống hằng ngày đây thôi chớ không đâu khác. Nếu tâm mình sáng rồi thì mọi việc làm của mình đều thành diệu.

Như trong câu chuyện ba ngài Ma Cốc, Nam Tuyền, Qui Tông đi trên đường gặp bà già mời vào quán. Khi vào quán, bà nấu bình trà rồi đem đến ba cái tách, bà bảo:

- Bây giờ Hòa thượng nào có thần thông thì xin mời uống trà.

Ba người nhìn nhau không biết làm sao. Bà mới nói:

- Đây, hãy xem lão già này trình thần thông đây!

Bà cầm bình trà rót vào tách rồi đi: bà đã trình thần thông. Thần thông ở chỗ nào? Khi mình sống được trong Tự tánh này rồi, từ đó ứng dụng ra cái gì cũng đều thành diệu dụng. Diệu dụng đó là thần thông, là sáng ngời chớ gì. Cho nên mới có câu: “Động tay, múa chân hay ho hen gì cũng đều thành Pháp Hoa tam-muội, ho hen cũng là Pháp Hoa tam-muội, cái gì cũng thành diệu dụng, cũng thành thần thông, đâu cần phải bay trên trời chi nữa. Như vậy mới thấy ý nghĩa này rất là tế nhị.

Cũng chuyện nhà thiền có Hòa thượng Kim Ngưu là một bậc tôn túc ở dưới pháp hội của Mã Tổ. Khi Ngài ra giáo hóa thường thường cứ mỗi hôm tới giờ thọ trai thì Ngài tự mang thùng cơm đến trước tăng đường, Ngài múa xong cười to và bảo:

- Bồ-tát con, hãy đến ăn cơm!

Hai mươi năm Ngài làm như vậy, mang thùng cơm, múa trước tăng đường, trước chúng mời ăn nhưng mà trong đó ai biết ăn? Đó có phải là diệu dụng chưa? Múa như vậy trước chúng thì đâu có ai trông thấy rõ ràng mà còn chưa ngộ, cho nên Ngài mới mời Bồ-tát con tới ăn cơm.

Múa men đó là kêu gọi rồi, ngay đó bày hiện cái sáng tỏ rõ ràng, cái hiện hữu đó rồi. Nếu thấy chỗ này mình liền vào thiền, chứng nhập “nhãn quang tam-muội” liền, tức là chánh định ngay ánh sáng con mắt. Ánh sáng này thấy rõ ông múa đó, ngay đó là diệu dụng chớ còn gì, còn tìm đâu khác nữa!

Còn nếu tìm thì sao? “Còn tìm tức biết anh chưa thấy” như bài Chứng đạo ca nói, ngay đó mà bỏ đi tìm cái khác là không thấy. Cho nên phải thấy được chỗ này, nhất là sống được chỗ này để phát được diệu dụng đó. Ở đây phải khéo nhận như ngài Huệ Nam Hoàng Long, Ngài có “tam quan” để khai thị những vị Tăng đến với Ngài, Ngài giơ tay lên nói “tay ta sao giống tay Phật”, và duỗi chân ra nói “chân ta sao giống chân lừa”. Nhận được chỗ đó, sống được chỗ đó là phát được diệu dụng này liền. Tại sao tay Phật mà chân lại là chân lừa?

Người sống trong tâm niệm phàm tình phân biệt thì không làm sao hiểu nổi, chuyện này vô lý, phải không? Tay Phật thì phải chân Phật, tay Phật mà lại chân lừa. Đó là khiến cho người quên đi niệm phàm Thánh. Phật là Thánh, lừa là phàm là thú, quên được niệm phàm Thánh hai bên thì vào được chỗ này, sẽ thấy “đâu đâu cũng là diệu dụng”. Còn đem tâm phàm phu phân tích hay dở thì chỉ thấy là phàm phu, là hay dở thôi.

Tóm lại cảnh giới giác ngộ, hay là Phật pháp bày hiện khắp nơi không có đâu xa, chỉ tại tâm mình chưa chịu giác thôi. Bởi vì nó còn đang thích lang thang đầu này đầu nọ, chớ nó chịu “dừng chân đứng lại” thì ngay đây Phật pháp hiện tiền. Cái phi thường này sẵn trong cái bình thường, nhưng mình lại muốn đi tìm những cái phi thường, tâm mình bình thường trở lại thì mình cảm nhận ngay thôi.

Để tóm tắt lại, dẫn câu chuyện của một bà Ni tên Trí Thông. Bà là con gái của quan Long đồ Phạm Tuân, sống vào niện hiệu Chính Hòa đời Tống. Ngộ đạo rồi bà cất một cái nhà tắm ở Bảo Ninh, ngoài cửa có treo một tấm bảng đề: “Một vật cũng không, rửa cái gì? Mảy trần nếu có từ đâu khởi? Nói lấy một câu tử huyền, mới có thể đồng vào nhà tắm”, câu tử huyền là câu khế hợp, “Cổ Linh chỉ biê1t kỳ lưng”, Cổ Linh là chỉ cho ngài Cổ Linh Thần Tán, “Khai sĩ đâu từng sáng tâm”, Khai sĩ là mười sáu vị Khai sĩ trong kinh Lăng Nghiêm, “Muốn chứng quả Ly cấu địa, phải là toàn thân toát mồ hôi. Trọn nói nước hay rửa bụi nhơ, đâu biết rằng nước cũng là bụi”, tức nước cũng là trần, “dù cho nước và nhơ chóng trừ, đến đây cũng phải rửa hết”. Đến chỗ nước và bụi đều trừ nhưng còn cái rửa cũng phải rửa hết.

Ở trong đây một vật cũng không thì rửa cái gì? Rồi mảy trần nếu có thì từ đâu nó khởi trong chỗ chân thật này? Nếu nói được một câu khế hợp mới được vào tắm. Rồi bà mới dẫn “”Cổ Linh chỉ biết kỳ lưng”, tức là ngài Cổ Linh Thần Tán ký lưng cho ông thầy bổn sư. Ngài Cổ Linh ở thầy bổn sư một thời gian không ngộ đạo nên Ngài bỏ đi tham học với Ngài Bá Trượng. Sau đó ngộ đạo về, thầy bổn sư bảo hầu hạ như cũ. Một hôm thầy bổn sư tắm Ngài kỳ lưng, Ngài mới vỗ vỗ vào lưng nói rằng” “Điện Phật đẹp mà Phật không thánh.” Tức là nó không chiếu sáng, nó còn ẩn. Ông thầy quay đầu ngó lại thì Ngài nói: “Tuy không thánh nhưng thường chiếu hào quang”. Cho nên ở đây nói là “Cổ Linh chỉ biết kỳ lưng”. Còn “Khai sĩ đâu từng sáng tâm” tức là mười sáu vị Khai sĩ ở trong kinh Lăng Nghiêm trong nhóm ông Hiền Hộ, nhân lần lượt vào trong nhà tắm, ngộ được tánh nước, gọi là “diệu xúc tuyên minh”. Cho nên ở đây bà mới nói mình rửa là rửa cái thân này, nhưng làm sao rửa được đến chỗ chân thật đó? Bà nói: “một vật cũng không, rửa cái gì”, rửa cách mấy cũng không làm sao rửa được đến chỗ đó!

Rồi ở đây muốn chứng được quả Ly cấu địa, tức là quả lìa các nhơ nhớp, thì toàn thân phải toát mồ hôi hết, phải ra mồ hôi mới được. Nhưng đây nói nước rửa bụi là theo thông thường, đâu biết rằng nước cũng là bụi, nó cũng là một thứ trần, là sắc trần, vậy là bụi lại rửa bụi. Cho nên rửa thì rửa nhưng cũng không rửa được tới chỗ chân thật đó. Cuối cùng nước và bụi nhơ này trừ hết nhưng còn cái rửa đó cũng phải quên luôn, ngay đó mới là chỗ sống của mình. Tức là sao? – Là ngay trong nhà tắm cũng có Phật pháp rồi, mình xối nước đến đâu nghe mát lạnh đến đó, từng giọt từng giọt rành rõ không có chút mê lầm nào hết thì có thiếu sót chỗ nào đâu! Vậy thì ngay trong nhà tắm cũng sáng ngời, cũng có Phật pháp vậy.

Cho nên nếu chuyên tâm bặt niệm kia đây thì đâu đâu cũng là chỗ mình giác ngộ, đâu đâu cũng là chỗ mình trở về, khỏi cần phải tìm đâu xa, ngay trong nhà tắm cũng là chỗ để mình sáng được tâm.

Vậy căn bản muốn thấy được chỗ này, hay nói theo kinh Pháp Hoa, muốn thấy được Phật Đa Bảo thì phải chịu khó thu hồi các hóa Phật lại một chỗ là xong. Nghĩa là mình ngồi đâu thì cứ thâu lại chỗ đó, đừng để đi giáo hóa đầu này đầu kia nữa là mở được cửa tháp báu và thấy Phật Đa Bảo liền. Còn nếu cứ mê, đi lang thang đầu này đầu kia tức khó thấy, tháp đó cũng đóng kín.

Để kết thúc lại, đạo nằm ngay sẵn ngay trong từng bước chân đi của chúng ta đây, khỏi cần phải tìm đâu xa, chỉ cần khéo ngay đây ngó xuống và thâu hồi các hóa Phật trở về, đừng để đi giáo hóa xa xôi nữa. Phật pháp hiện tiền đây rồi! Đó mới chính là Phật pháp sống, không thể nghĩ bàn.

[ Quay lại ]