headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 23/11/2024 - Ngày 23 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

TÌNH CHẤP NGÃ – NGÒI NỔ CỦA MỌI SỰ ĐỔ VỠ

 I- NHÌN THẲNG SỰ THẬT:

Trong cuộc sống của thế gian này, mỗi người đang sống hàng ngày đây, có bao giờ mình tự đặt câu hỏi: Là cuộc sống của cái gì chăng? Phải thấy lại chỗ này để có một cuộc sống ý nghĩa hơn.

Xét kỹ lại, cuộc sống này là cuộc sống của một cát TA chứ không gì khác phải không?  Bởi ngay từ cái gốc ban đầu chúng ta sinh ra đời là từ nó mà ra - Tức là do lòng thám ái chấp ngã nên nó mới sinh ra ở đây;

 nếu không có nó thì đã vào vô sinh, niết bàn rồi. Do đó, nếu sự sống này chấm dứt, mất nó thì quyết phải tìm cái khác thay vào, dòng sinh tử tiếp nối không dừng từ đây. Và cái gọi là cuộc sống cũng từ đó. Cho nên, trừ bậc Bồ tát thị hiện, ngoài ra bất cứ ai có mặt trên đời này đều mang theo một cái tình chấp ngã luôn luôn có mặt trong cuộc sống. Đây gọi là cái vô minh cùng chúng sinh (câu sinh vô minh). Còn chưa vắng bóng cái này là chưa bao giờ giải thoát viên mãn, chưa thật sạch hết khổ đau.

Mỗi người hãy chính chắn nghiệm kỹ lại xem, mọi thứ buồn vui, mừng giận, thương ghét, hơn thua… trên đời là vì cái gì mà có? Buồn là vì cái gì mà buồn? Vì cái ta không được như ý chứ gì? Vui là vì cái gì mà vui? Vì cái ta được thỏa mãn phải không? Thương ghét vì đâu mà có? Vì thuận với ta nên ta thương, bởi nghịch với ta nên ta ghét. Rõ ràng là như thế. Dù ai có cố biện luận thế nào cũng không thể chối bỏ lẽ thật này.

Cả một cuộc đời tranh giành được mất, hơn thua, khổ nhọc tạo tác sự nghiệp tốn hai bao mồ hôi, xương máu, có lúc chém giết nhau, cũng vì cái gì? Chỉ vì cái ta này thôi. Không có nó thì giành giật cho ai? Để làm gì?

Rồi nào là tự ái, tự trọng, tự tôn, tự đại, tự kiêu, tự mãn, tự hào, mặc cảm, tự ti v.v… cũng gốc tại cái ta thôi. Tự ái là bị chạm đến cái ta chứ gì? Tự trọng là nâng cái ta lên thôi…. Cho thấy, chỉ vì một cái ta mà sinh ra đủ thứ chuyện trên đời.

Thông thường chúng ta hay đổ lỗi cho người, cho huynh đệ, cho hoàn cảnh…, là trốn trách nhiệm, là bảo bọc cái ta này quá kỹ! Chớ lầm! Mỗi người hãy tự xét lại, khi ta buồn trách ai, là tại vì ai mà có buồn trách? Nói tại cái này, tại cái kia, tại người này, người nọ, tại lý do này, tại lý do khác… mà quên điểm chính là Tại vì cái ta này bị đụng chạm! Lo trách người mà quên trách cái ta này. Cho nên nó từng được mang tên: cái ta nguy hiểm!!!

Trong Kinh Bách Dụ có câu chuyện: Thuở xưa có một lão sư có hai người đệ tử theo hầu, vì chân ông có bệnh không duỗi ra được, thường phải chống nạng đi, ông nhờ hai người đệ tử đấm bóp, mỗi người một chân. Nhưng hai vị đệ tử ấy thường ngày không hòa thuận với nhau, người nào cũng nói:

- Không phải là Ta chán ghét ngươi mà chính là ngươi chán ghét Ta.

Hai người coi nhau như oan gia nghiệp báo.

Hôm nọ, một người có việc đi nơi khác, người ở lại nhà bèn dùng đá đập gãi chân lão sư mà người đệ tử đi vắng thường ngày xoa bóp. Khi người đệ tử kia trở về, thấy vậy rất phẫn nộ, định tâm báo thù lập tức dùng đá đập gãi chân lão sư mà người đệ tử ở nhà thường đấm bóp. Kết quả hai chân lão sư đều bị gãy hết.

Cái chân ông thầy đâu có tội vạ gì, nhưng vì sao đưa đến trường hợp đau đớn như thế? Xét kỹ, chỉ vì cái ta đố kỵ mà ra – Rõ ràng cho thấy cái ta nguy hiểm chưa?

II- GIẢI TRỪ CHẤP NGÃ

Đã thấy được cái gốc của mọi sự phát sinh trên cõi đời là từ cái ta mà ra. Chính chấp ngã là tự đóng khung mình trong cái vỏ chết, là thu hẹp tình thương, thiếu sức sống sáng ngời, rộng lớn, Phật gọi đó là sống trong vô minh. Song chúng ta đành cam chịu sống trong vô minh mãi sao ? Nay đã có ánh sáng Phật pháp soi đến, còn chưa chịu mở mắt ra sao? Tu hành nói cho nhiều cách, nhiều phương tiện, gồm cả tám mươi bốn ngàn pháp môn, nhưng căn bản sạch hết tình chấp ngã là xong: Nhân vô ngã, pháp vô ngã. Nắm được mấu chốt này mà hạ thủ công phu là chính xác. Kinh Kim Cang nói: “Thông đạt pháp vô ngã, gọi là Bồ tát. Tức Bồ tát thì phải vượt qua vô ngã và thông suốt pháp vô ngã. Bởi vì, nếu mang cái ta này mà tu hành, quyết không thể giải thóat, về sau phải sinh trở lại theo nó thôi. Dù các vị tu thiền định cao nhưng còn mang TA trong đó, thì cũng phải mang nó theo lên các cõi Trời sống hàng vạn năm, đến hết sức định, cũng rớt trở lại sinh vào các cõi. Như ông Uất-đầu-lam-phất tu đắc phi tưởng phi phi tưởng định, được sinh lên cõi trời phi phi tưởng, nhưng Đức Phật nhìn thấy sau khi hết tuổi thọ trên cõi Trời đó, ông sẽ sinh trở lại cõi đời này làm con chồn bay.

Bởi vậy, trong Kinh Đại Bát Nhã, Bồ tát Thường Đề vì cúng Dường Pháp Sư và học Bát nhã mà sẵn sàng bán tim, gan, tủy sống không luyến tiếc. Có người thắc mắc: Đã bán tim gan, vậy lấy gì học Bát nhã? Quả thật đây là một ý nghĩa rất sâu trong kinh. Chính đó mới là học Bát Nhã! Là học Bát nhã sống, không phải học trên chữ nghĩa. Tức là ngay đó quên cái ta này, giải trừ cái tình chấp ngã đã cố kết lâu đời, mới thực học được Bát nhã. Học Bát nhã là thế. Đâu phải học từng câu, từng chữ, giải nghĩa rộng, nghĩa hẹp để thêm hiểu biết thôi. Hiểu nhiều có khi lại thêm tình chấp ngã. Vô minh lại sống dậy! Thấy Ta hơn người, Ta hiểu biết, cái gì cũng Ta và Ta… Đó là đang đưa mình đi trong con đường vô minh.

Trong Kinh Viên Giác, Phật định nghĩa vô minh rất rõ. Phật bảo Bồ tát Văn Thù Sư Lợi:

- “Này thiện nam tử! Tất cả chúng sinh từ vô thủy đế nay, nhiều thứ điên đảo giống như người mê lạc, thấy bốn phương đổi chỗ, vọng nhận bốn đại làm tướng tự thân, cái bóng duyên theo sáu trần làm tướng tự tâm. Ví như người bệnh mắt thấy hoa đốm trong hư không và mặt trăng thứ hai. Này thiện nam tử! Hư không thật không có hoa mà người bệnh vọng chấp. Do vì vọng chấp nên chẳng những lầm tự tánh của hư không này, cũng lại mê luôn chỗ hoa sinh kia là thật có. Do đây vọng có luân chuyển nơi sinh tử, nên gọi là vô minh”.

Tức là vọng chấp thân bốn đại này và tâm duyên theo sáu trần là làm ta, đó là vô minh. Bởi nó không phải thật ta mà chấp là Ta. Chính đó là nguồn gốc của sinh tử. Chừng nào còn bóng dáng ta, là còn đi trong luân hồi không thể nào tránh khỏi.

Đã thấy rõ cái nguy hiểm của tình chấp ngã như thế rồi, lại cứ giữ mãi sao ? Đó là chỗ chướng đạo, là che mờ chân lý!

Có vị Tăng hỏi Thiền sư Duy Khoan:

- Đạo ở đâu ?

Sư đáp:

- Ở trước mắt.

Rất gần gũi không có chút gì cách biệt.

Ông tăng hỏi thêm:

- Sao con không thấy ?

Sư bảo:

- Vì ông còn có ngã.

Rõ ràng nó ở ngay trước mắt đây thôi, nhưng ông không thấy, chỉ vì ông còn thấy có ngã, còn bám vào cái ta mấy chục kí-lô này thì làm sao thấy Đạo được!

Ông tăng hỏi tiếp:

- Con còn có NGÃ nên không thấy, Hòa thượng thấy chăng?

Sư đáp:

- Có ông, có ta rồi cũng không thấy luôn.

Tức là còn thấy có mình thật, người thật, phân biệt mình người, đây kia, lại càng lăng xăng thêm nữa, nên cũng không thể thất ĐẠO.

Ông tăng lại hỏi thêm câu nữa:

- Không con, không Hòa thượng lại thấy chăng ?

Sư đáp:

- Không ông không ta còn ai cầu thấy ?

Chính xác là như vậy, không còn thấy có mình, có người, không phân cách kia đây, thì ngay đó là cái gì ? Sao còn phải hỏi nữa ? Còn có gì che mờ nữa đâu ? Học đạo là phải học thấu đến chỗ này!

Trong Kinh Đại Bát Niết Bàn cũng có câu chuyện: Đức Phật khi còn tu Bồ Tát hạnh, làm một vị Tiên ở trong núi sâu, trọn ngày hành đạo, muốn cầu kinh điển Đại thừa mà không nghe biết ở đâu có. Hôm đó, vị tiên đang ngồi thiền tu duy trong hang núi, cảm đến trời Đế thích hiện xuống hóa làm quỷ La sát tới bên hang dùng tiếng trong trẻo đọc nửa bài kệ:

                        Chư hành vô thường,
                        Thị sinh diệt pháp.
     
                            ***
                        Các hành vô thường,
                          Là pháp sinh diệt

Vị tiên nghe được liền xuống giường thiền đi ra ngoài nhìn khắp nơi xem ai đọc nửa bài kệ đó, thì thấy một hình dáng ghê sợ, đầu tóc rối bùm mặt xanh như chàm, răng nanh lòi ra, thân to, bụng đói teo nhỏ. Vị tiên bèn hỏi:

- Phải ông đọc hai câu kệ vừa rồi chăng?

La sát đáp:

- Phải, chính tôi đọc đó.

Vị tiên nói:

- Xin ông đọc tiếp hai câu cuối, tôi sẽ đền ơn cho.

La sát nói:

- Bụng tôi đang đói mấy ngày, không còn sức để đọc tiếp.

Vị tiên hỏi:

- Thức ăn của ông là gì?

La sát nói:

- Tôi ăn bằng thịt của người và uống máu nóng, nếu ông có thể xả thân cho tôi ăn tôi sẽ nói cho.

Vị tiên nghĩ: “Nếu mình xả thân cho y ăn thì lấy gì nghe pháp ?”. Bèn nghĩ ra một cách, xin La sát hãy viết nửa bài kệ lên đá, Ngài ở trên cao nhìn xuống, đồng thời gieo thân cho ăn.

 Như thế La sát viết hai câu:

                                    Sinh diệt diệt dĩ,
                                    Tịch diệt vi lạc.

                                            ***
                                    Sinh diệt diệt rồi,
                                    Tịch diệt là vui.

Vị tiên nhảy xuống, La sát đỡ lấy thân Ngài và hiện lại nguyên hình trời Đế thích, tán thán:

- Lành thay! Ngài sẽ thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, xin chớ quên độ tôi.

Ai thấy được ý nghĩa gì trong đây ? Tại sao muốn nghe được hai câu kệ sau, buộc phải hy sinh thân mạng như thế? Đó là một ý nghĩa rất sâu. Bởi vì, muốn nghe đến chỗ “Sinh diệt diệt rồi, tịch diệt là vui”, tức là chỗ vui của lặng lẽ không sinh không diệt kia, thì phải dám buông cái TA SINH DIỆT này! Nếu cứ bám chặt vào cái TA sinh diệt này, làm sao nghe đến chỗ: “tịch diệt là vui” ấy được?

Trong nhà thiền cũng có câu chuyện: Ngài Thủy Lão đến tham thiền với Mã Tổ, hỏi:

- Thế nào là ý Tổ sư từ Ấn Độ sang ?

Mã Tổ nhằm ngay ngực đạp cho một đạp té nhào. Ngay lúc đó Sư chợt đại ngộ, đứng dậy vỗ tay cười ha hả nói:

- Trăm ngàn tam muội, vô lượng diệu nghĩa, trên một đầu sợi lông thấu tột đến cội nguồn.

Như vậy là sao ? Tức ngay đó đạp nhào cái TA này, không có ý niệm về ta kịp sinh khởi, ngay đó liền sống dậy trong ánh sáng Như Lai. Thật không thể nghĩ bàn! Nếu lúc đó mà NHỚ CÁI TA BỊ ĐẠP thì có tỏ ngộ được chăng ? Hay là nổi sân lên ? Vô minh che phủ liền.

III- THƯỜNG PHẢN CHIẾU LẠI MÌNH

Hiểu rõ lẽ thật đó rồi, điều quan trọng nhất là phải ứng dụng thực hành. Tức phải luôn luôn soi sáng lại mình, để thấy rõ mọi chỗ, mọi kẻ hở cái TA len lỏi vào và sống dậy. Phải khám phá trọn vẹn cái TA, không cho có bóng tối để nó ẩn núp. Mình lo chiếu người này, chiếu người nọ mà quên chiếu lại mình là nguy! Là chỉ thấy lỗi người mà quên mất lỗi mình. Nên nhớ mọi sự sai biệt ngăn cách trong cuộc sống này đều từ cái TA mà ra. Thường thấy lại mình để giải tỏa, là sống gần nhau hơn. Hai người ngồi bên nhau mà quên sự có mặt của nhau, là vì sao ? Vì mỗi người đang sống với một cái TA riêng trong đầu: Một người đang nghĩ Đông, một người đang nghĩ Tây. Rồi hai người nằm cạnh nhau, nhưng mỗi người ngó mặt qua một bên, là vì sao ? Vì cái TA che ngăn, không có Ta thì lấy gì chia cách ? Lấy gì mà không thông cảm, không hiểu nhau ?

Vì vậy, người học đạo phải thường soi lại mình, để thấy rõ tướng NGÃ mê lầm của mình mà giải trừ, bào mòn. Có soi lại mình mới thấy rõ chính mình, mới khám phá những điều mình còn dở, còn xấu để gạn lọc, tiến tu, không tự kiêu, ngã mạn.

Hòa thượng Châu Hoằng soạn quyển Truy Môn Sùng Hạnh Lục nêu bày mười hạnh lành của người xuất gia, có vị tăng đến nói với Sư:

- Trong pháp của tôi, một mảy bụi cũng chẳng lập, mười hạnh lành sẽ dùng vào đâu?

Sư bảo:

- Năm uẩn lăng xăng, bốn đại đầy dẫy, sao bảo là không mảy bụi?

Vị tăng nói:

- Nhưng bốn đại vốn không, năm uẩn chẳng phải có.

Sư liền tát cho ông một tát bảo:

- Kẻ học nói như mè, như thóc, chưa đúng, hãy nói lại!

Ông tăng lộ vẻ bực tức, đứng dậy. Sư cười bảo:

- Bụi bặm phủ đầy mặt rồi, sao ông chẳng phủi đi ?

Đây là một kinh nghiệm. Ông tăng này chỉ lo chiếu nơi người, hiểu biết trên chữ nghĩa bên ngoài, thiếu công phu thực tế bên trong, nên bị ngài Châu Hoằng điểm ngay một cái trúng ngay tướng NGÃ nó hiện ra. Lộ bày chỗ thiếu sót công phu tự tỉnh của mình. Đó là khoảng hở cho mình phải hổ thẹn!

Thiền sư Đảnh Châu cùng sa di đi kinh hành trong sân viện, bổng một trận gió nổi dậy, gió trên cậy rơi lả tả xuống đất. Sư khom lưng nhặt từng chiếc lá bỏ vào trong đãy. Sa di ở bên cạnh thưa:

- Bạch thầy!  Khỏi phải nhặt, sáng sớm ngày mai chúng con sẽ quét hết.

Sư bảo:

- Chẳng thể nói như thế! Quét, có thể quyết chắc là sạch hết chăng ? Ta nhặt thêm một chiếc lá, là khiến trên đất sạch thêm một phần đó.

Sa di hỏi lại:

- Bạch thầy! Lá rơi nhiều như thế, thầy nhặt trước mặt, sau lưng lại rơi xuống, thầy làm sao nhặt cho xong ?

Sư vừa nhặt vừa bảo:

- Lá rơi không những trên mặt đất, mà còn có lá rơi ở trên đất Tâm ta, ta nhặt lá rơi trên đất Tâm ta, cuối cùng sẽ có lúc nhặt xong. (Tinh Vân Thiền Thoại)

Đây là nhắc nhở mình phải xoay lại nơi mình, để thấy rõ từng chiếc lá trong tâm niệm không sót, đó mới là công phu thiết thực, không phải nói lý suông. Nếu cứ nhằm bên ngoài mà quét, quét đến bao giờ mới hết?

Ngài Trúc Lâm Đại Đầu Đà (Trần Nhân Tông) từng khai thị cho người học: “Đâu chẳng nghe nói: “Ba ngàn pháp môn đồng về tấc vuông, hà sa diệu dụng đều ở nguồn tâm”. Nên nói: Cửa giới, cửa định, cửa tụê, ông không thiếu sót, cần phải phán quán nơi mình. Phàm những tiếng ho, tiếng tằng hắng, nhướng mày chớp mắt, tay cầm, chân đi, ấy là tánh gì? Biết được tánh này, ấy là tâm gì ? Các nhân giả! Ngày tháng dễ dàng qua, mạng người không chờ đợi, sao cam ăn cháo, ăn cơm mà chẳng rõ việc bát, việc muỗng?”.

Tức Ngài nhấn mạnh phải quán xét trở lại nơi mình, nhận rõ lẽ thật đang sống đây, cái gì là tâm tánh chính mình? Thấu được chỗ này, không lầm với cái TA này, TÌNH CHẤP NGÃ sẽ nhẹ dần. Tại sao mỗi ngày ăn cơm, ăn cháo mà không rõ được việc bát, việc muỗng? Vậy là sống cái gì? Cứ nhớ chuyện đâu đâu, nuôi dưỡng tình chấp ngã, mà quên đi ánh sáng chân thật đang hiện hữu đó! Chưa chịu tính lại sao?

IV- THIỀN SƯ THỬ THÁCH

Kinh nghiệm biết rõ nó là chỗ chướng đạo, nên Thiền sư thường thử thách người tham học, đập thẳng vào TƯỚNG NGÃ này, cho nó xẹp xuống mới dễ vào đạo.

* THIỀN SƯ TỪ MINH VỚI HUỆ NAM

Thiền sư Huệ Nam lúc ở Phần Đàm được Thiền sư Hoài Trung chia phần tiếp độ chúng tăng. Sau, Sư đến chùa Phước Nghiêm được Thiền sư Hiền Cữ làm thư ký. Chợt Thiền sư Hiền Tịch, quận thú thỉnh Thiền sư Từ Minh đến trụ trì. Sư nghe Từ Minh luận nói, phần nhiều chê các nơi mỗi điều đều thuộc tà giải. Chính chỗ Sư được mật chỉ ở Phần Đàm cũng bị loại bỏ. Sư vào thất Từ Minh thưa hỏi:

- Huệ Nam do tối dốt, trông đạo mà chưa thấy, giờ tham thiền khi hôm nghe thầy dạy như người đi lạc đường xe chỉ nam. Cúi xin Hòa thượng đại từ bố thí pháp, khiến cho con dứt hết nghi ngờ.

Từ Minh cười bảo:

- Thư ký đã lãnh đồ chúng và đi du phương nổi tiếng khắp tùng lâm, nếu còn nghi ngờ chẳng cần khổ cầu như vậy, hãy ngồi mà thương lượng.

Từ Minh liền gọi thị giả đem ghế mời Sư ngồi. Sư vẫn từ chối và thành khẩn tha thiết cầu chỉ dạy.

Từ Minh bảo:

- Thư ký học Thiền Vân Môn ắt thông được yếu chỉ ấy. Như nói: “Tha Động Sơn ba gậy”, Động Sơn khi ấy nên đánh hay chẳng nên đánh ?

Sư thưa:

- Nên đánh.

Từ Minh nghiêm nghị bảo:

- Nghe tiếng ba gậy liền cho là nên ăn gậy, vậy ông từ sáng đến chiều nghe chim kêu, trống đánh, tiếng chuông, tiếng bảng v.v… cũng nên ăn gậy. Ăn gậy đến lúc nào mới thôi?

Sư chỉ nhìn sửng mà thôi.

Từ Minh lại bảo:

- Tôi lúc đầu nghi không thể làm thầy ông. Giờ đây đã đủ tư cách làm thầy ông. Ông hãy lễ bái đi!

Sư lễ bái xong đứng dậy.

Từ Minh nhắc lại lời trước:

- Nếu ông hội được ý chỉ Vân Môn thì, Triệu Châu thường nói: “Bà già ở Đài Sơn bị Ta khám phá, thử chỉ ra chỗ khám phá xem!”

Sư mặt nóng hực, mồ hôi xuất hạn không biết đáp thế nào, bị Từ Minh đuổi ra.

Hôm sau, Sư lại vào thất, bị Từ Minh mắng chửi. Sư hổ thẹn, nhìn những người hai bên nói:

- Chính vì chưa hiểu mới cầu quyết nghi, mắng chửi đâu phải qui củ từ bi thí pháp!

Từ Minh cười bảo:

- Đó là mắng chửi sao ?

Ngay câu này, Sư liền đại ngộ.

Trước người bị mắng chửi thì sao ? Nhất là một vị Thư ký đã từng có tiếng tăm rồi! Đây là khiến cho quên cái TA THƯ KÝ kia đi, vượt qua ngôn ngữ âm thanh tốt xấu: “Ông cho đó là mắng chửi sao?” theo đó là theo âm thanh rồi, là đáng bị mắng chửi rồi! Ngay đó, Sư liền sáng tỏ trở lại chính mình. Đó là cách khéo léo tiếp người của Thiền sư Từ Minh.

* THIỀN SƯ QUI TỈNH VỚI PHÁP DIỄN

Pháp Diễn, Nghĩa Hoài cùng hơn mười bảy người đồng đến tham học với Thiền sư Qui Tỉnh ở huyện Diệp. Qui Tỉnh vừa thấy liền trách mắng:

- Bọn ông là tăng dạo chơi châu huyện, đến đây làm gì? Ta đâu có cơm thừa nuôi dưỡng những kẻ nhàn như các ông ư ?

Sư bèn quát mắng đuổi đi. Mọi người không lay động. Sư lại lấy nước lạnh tạt, cả nhóm cũng không giải tán. Sư lấy tro rải lên người. Mọi người giận bỏ đi, chỉ có Hoài và Diễn vẫn ngồi ngay ngắn như cũ. Sư bảo:

- Họ đều bỏ đi hết cả rồi, hai người sao chẳng đi ?

Viễn thưa:

- Chúng con kính mộ đạo đức Hòa thượng đã lâu, chẳng ngại ngàn dặm xa xôi đến đây, há vì một gáo nước, một nắm tro mà vội liền bỏ đi sao ?

Sư bảo:

- Hai người đã thật vì pháp, trong đây còn thiếu điển tọa, ngươi hay làm được chăng ?

Viễn thưa:

- Đệ tử nguyện làm.

Hoài được vào tăng đường.

Một hôm, Sư đi ra ngoài. Thấy chúng ăn uống đạm bạc, Viễn nhân đó nấu bữa cháo ngon (cháo nêm, có gia vị) đãi chúng, cháo chín thì Sư về tới, cùng đến trai đường thọ xong, gọi Tri sự hỏi:

- Hôm nay có thí chủ cúng trai chăng?

Tri sự đáp:

- Dạ, không có.

Hỏi:

- Trong chùa có lễ trai ư?

Thưa:

- Dạ, cũng không có.

Hỏi:

- Như vậy thì cháo này từ đâu có?

Thưa:

- Xin Hòa thượng hỏi Điển tọa.

Lúc đó Pháp Diễn ra thú tội, thưa:

- Con thấy đại chúng sống khô khan, thật là con tự ý làm như thế.

Sư bảo:

- Ông có tâm tốt như thế, đợi sau này ra làm Trụ trì hãy làm chẳng muộn. Nay đâu thể riêng trộm của thường trụ để được nhân tình.

Sư bèn sai Tri sự bán Y của Viễn tính giá bao nhiêu thảy trả về cho thường trụ, rồi đuổi Viễn ra khỏi chúng.

Viễn cầu khẩn mấy phen không được, xoay qua nhờ các vị tôn túc xin hộ, lại bị quở:

- Ta bảo ông chẳng phải người tốt. Ông định đem ngôi vị, thế lực để lấn át ta ư ? Hãy đi nhanh !

Cuối cùng Pháp Viễn chỉ xin được đến dự nghe pháp. Sư chấp nhận.

Viễn đến ở tạm nơi hành lang ngôi chùa nhỏ dưới núi. Một hôm, Thiền sư Qui Tỉnh đi ra ngoài gặp Viễn, liền hỏi:

- Ông ở đây bao lâu rồi?

Viễn thưa:

- Đã nửa năm.

Qui Tỉnh bảo:

- Ông có thể trả tiền phòng của thường trụ chăng?

Viễn thưa:

- Dạ, không có.

Qui Tỉnh bảo:

- Đây là phòng của thường trụ, ông sao dám trộm ở? Hãy mau hoàn lại cho người đi! Chẳng vậy, ta sẽ đi báo quan.

Viễn bèn đi mộ hóa trả lại cho chùa, rồi đến ở trong thành. Mỗi khi thấy Qui Tỉnh, Viễn càng thêm kính trọng, không hề lộ vẻ khó chịu. Lúc đó, Qui Tỉnh về viện bảo trong chúng:

- Huyện Diệp có Cổ Phật, mọi người có biết chăng?

Chúng thưa:

- Cổ Phật là ai ?

Qui Tỉnh bảo:

- Như Viễn Công thật là Cổ Phật đấy!

Chúng bèn sắm hương hoa thỉnh Viễn trở về.

Đây là thử thách mạnh khiến quên cái TA PHÁP DIỄN này, mới tỏ sáng CỔ PHẬT kia, và mới kham được truyền pháp. Còn đem cái TA này mà truyền pháp cho nó thì nguy hiểm! Nó hơn thua, nó đố kỵ, nó tranh giành… Còn đâu là PHÁP ?

* THIỀN SƯ TUỆ HUÂN VỚI VĂN ĐẠO

Văn Đạo nghe tiếng Thiền sư Tuệ Huân bèn trèo non, lội suối tìm đến tham học với Sư nơi một hang động. Văn Đạo thưa:

- Văn Đạo con vốn ngưỡng mộ cao phong của Thầy, một bề đến đây gần gũi, xin Thầy từ bi chỉ dạy cho!

- Lúc đó trời đã tối, Sư nói: Ông hãy ngủ lại đây một đêm đi.

Sáng hôm sau, khi Văn Đạo thức dậy thì Thiền sư  Tuệ Huân đã dậy trước, nấu cháo xong. Đến lúc ăn, trong đây không có vật gì khác đưa cho Văn Đạo dùng, thuận tay Sư lấy cái sọ khô múc đấy cháo đưa cho Văn Đạo. Văn Đạo do dự không biết nên nhận hay không. Sư liền bảo:

- Ông không có tâm đạo, chẳng phải vì pháp mà đến. Ông còn đem vọng tình NHƠ SẠCH và YÊU GHÉT mà tiếp vật, làm sao có thể đạt được đạo ? (Tinh Vân Thiền Thoại)

Đó là một kinh nghiệm cho người học đạo. Một chút tình phân biệt đó, còn bị quở, huống nữa là giận hờn phiền não ôm ấp trong lòng thì sao ? Càng bị TÌNH CHẤP NGÃ che đậy, khó sáng được đạo.

V. TÓM KẾT

Người tu hành là nhắm đến con đường giải thoát khổ đau. TÌNH CHẤP NGÃ là đầu mối mọi thứ phiền não đau khổ trên thế gian này. Người biết tu, khéo tu không thể nào nuôi dưỡng nó.

Vào đạo Phật là phải đi qua cửa VÔ NGÃ, qua ít thì bớt khổ ít, qua nhiều thì bớt khổ nhiều, qua trọn vẹn thì dứt khổ, niết bàn an vui, không thể lẩn tránh chỗ nào khác. Người tu mà ôm ấp bản ngã nặng, cố chấp không buông là trái với con đường mình đi, là quay lưng với ánh sáng giác ngộ. Xưa Bồ Tát Đề Bà để lại tấm gương vô ngã sáng ngời.

Khi Ngài cảm hóa vị quốc vương vốn tin theo ngoại đạo, rồi lại dùng biện luận thắng các ngoại đạo, trong vòng ba tháng đã độ hơn một trăm vạn người. Có một đệ tử ngoại đạo căm hận vì Thầy mình bị thua, bèn thề “Người đã dùng miệng mà thắng phục ta, ta phải dùng dao thắng phục ngươi; ngươi dùng dao không làm khốn ta, ta sẽ dùng dao thực làm khốn ngươi”.

Y liền rình theo Ngài, một hôm Ngài Đề Bà đi lại một mình trong rừng vắng, gã ấy xách dao đến bảo:

- Ngươi dùng miệng phá đổ Thầy ta, sao bằng ta dùng dao phá vở bụng ngươi !

Y bèn mổ bụng Ngài.

Ngài Đề Bà  tuy bị mổ bụng, ruột lòi ra ngoài mà chưa chết, vẫn thương xót kẻ ngu si kia bảo:

- Tôi có y bát để ở đằng kia, ngươi có thể đến đó lấy, rồi hãy lên núi gấp, đừng đi bằng đường bằng. Những đệ tử của tôi chưa chứng được pháp nhẫn họ sẽ bắt ngươi, ngươi có thể bị bắt giải đến quan.

Khi các đệ tử hay tin chạy vội đến hiện trường, có những vị chưa được pháp nhẫn bèn gào khóc, chạy cuồng lên núi đuổi bắt  hung thủ. Ngài Đề Bà nhân cơ duyên ấy, khai thị cho các đệ tử rằng:

- Lý thực của các pháp, chính là ở chỗ không có người thọ, không có người hại. Thân  ai, oán ai, giết ai, hại ai ? Kẻ bị si độc lừa dối, mê lầm nảy sinh chấp trước mà gào khóc, trồng căn bất thiện. Người bị kẻ kia hại, lại ở nghiệp báo, không phải hại ta. Các ngươi phải xét thận trọng, đừng đem cái Cuồng đuổi theo cái Cuồng, đem cái Thương buồn cho cái Thương !

Dặn dò xong, Ngài nằm xuống rồi thoát.

Xem Ngài Đề Bà bị ngoại đạo mổ bụng vẫn thương xót kẻ kia, không sanh tâm thù hận, kết oán, vì quên cái TA này. Trong khi đó, huynh đệ cùng một thầy,  sống chung với nhau hằng ngày, lại vì một chút bất đồng ý kiến, vì một chút hơn kém nhau, một chút không chìu chuộng cái Ta, đành xem nhau như kẻ nghịch thì sao ? Lúc đó đạo tâm để ở chỗ nào ? Phải xét kỷ lại chỗ này, giải tỏa ngay. Bởi vậy, kinh kim cang quét sạch hết tâm ba thời qua khứ, hiện tại , vị lai; trừ tột bốn tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả, tức khiến mất dấu vết cái TA này, mới thật sự thể nhập thật tướng Bát Nhã, sống trong Vô thượng Bồ Đề .

Mong rằng mỗi hành giả luôn luôn soi sáng lại mình, để thấy rõ tường tận mọi bóng dáng cái TA lộ ra mà cảnh tỉnh không lầm theo. Quyết không để nó làm mờ đi ánh sáng chánh giác. Đó là đường tiến tu chân thật.

                        Có bài kệ tự nhắc:

                        Ta ơi là Ta

                        Mi ở đâu ra ?

                        Mà làm diên đảo,

                        Khắp cõi Ta-bà.

 

                        Mở mắt sinh ra,

                        Liền khóc oa oa

                        Báo cho người biết

                        Là có mặt Ta !

 

                        Trong suốt cuộc đời,

                        Theo sát bên người,

                        Tạo thàng cuộc sống,

                        Giận ghét buồn vui.

 

                        Đi khắp thế gian,

                        Tột cõi ba ngàn,

                        Không đâu chẳng thấy,

                        Bóng TA lang thang.

 

                        Ta ơi là Ta !

                        Mi ở đâu ra  ?

                        Mà làm điên đảo,

                        Khắp chúng hằng sa.

 

                        Sinh tử không dừng

                        BA cõi sáu đường

                        Xoay quanh lẩn quẩn,

                        Mi dẫn đi luôn.

 

                        Ta ơi là Ta !

                        Bao giờ mới tha,

                        Cho người tự tại,

                        Sống mở lối ra ?

                        Mở

                        Đây rồi là Ta !

                        Muôn thuở lầm qua,

                        Chỉ do ngủ mớ,

                        La hoảng Ta Ta.

 

                        Nay tỉnh ra rồi,

                        Hết chạy xa xôi,

                        Đảo điên lên xuống,

                        Theo bóng trời người…

 

                       Thánh phàm ngay đây,

                       Tổ Phật chốn này,

                        Một buông, một tột ,

                        Liền vác lên đi.

                        Hay !

                        Từ đây xin chào !

                        Cái ta thuở nào,

                        Một bước thẳng tiến,

                        Bặt dấu đằng sau 
 

                                 *****

[ Quay lại ]