headertvtc new


   Hôm nay Thứ hai, 25/11/2024 - Ngày 25 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

ĐỨC PHẬT LÀ VỊ THẦY DẪN ĐƯỜNG

 Đức Phật ra đời là một niềm vui lớn cho thế gian, Ngài đã  đem lại ánh sáng chân lý để soi tỏ cho chúng sinh thấy rõ lẽ thật của cuộc sống an vui và đau khổ. Có người hiểu lầm Ngài như một vị thần ban phước giáng họa, nhưng thực tế Ngài chỉ là một bậc Đạo Sư, tức vị thầy dẫn đường, chỉ lối cho người thôi. Ngài giác ngộ trước, thấy rõ đâu là con đường đau khổ trầm luân; đâu là con đường an vui giải thoát, và đem chỉ lại cho mỗi người, song đòi hỏi mỗi người phải đi mới đến, không thể ỷ lại, trông chờ vào Ngài. Người học Phật cần hiểu đúng đắn về Ngài, không thể hiểu lầm trở thành xuyên tạc.

Trên tinh thần là bậc thầy dẫn đường, với người sợ khổ cầu vui, Phật chỉ rõ cho thấy nhân quả của đau khổ và an vui. Muốn được an vui thật sự, phải tránh tạo nhân ác, mà tạo nhân lành thì bảo đảm đi trên đường an vui. Đây là một lẽ thật rất thiết thực không có gì mơ hồ. Muốn an vui mà cứ tạo nhân ác, rồi khi quả ác đến, lại than khổ, trách Trời, trách Phật, càng thêm khổ. Phật dạy: “Bồ tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”, bởi Bồ tát có trí tuệ thấy rõ đau khổ đều từ nhân xấu đã tạo mà sanh, không phải ngẫu nhiên, nên các Ngài ngừa tránh từ cái nhân trước. Trái lại chúng sinh vì mê mờ nhân quả, nhân ác cứ tạo không sợ, khi quả khổ chín tới, lại than thở oán trách, càng kết sâu quả khổ thêm nữa. Thế là mình tự tạo khổ cho mình chớ không ai đem đến. Câu chuyện sau đây sẽ làm sáng tỏ thêm ý này.

Trước kia ở chùa Quan Âm tại Lâm Hải, tỉnh Triết Giang, Trung Quốc, có vị tăng tên Hàm Huy, hơn bốn mươi tuổi, thường ngày giữ giới luật rất kỹ. Một hôm, vị này đi đường ngang qua tiệm thịt chó, mọi khi thì không có nghĩ gì, hôm ấy bổng nhiên chảy nước miếng, thầy cảm thấy thèm ăn một miếng cho thỏa thích.

Sau đó trở về chùa, bỗng toàn thân thầy phát nóng, trên mình nổi lên mười tám cái mụn độc, mỗi mụn đều có hình dáng đầu người, rất đau đớn khó tả. Có điều lạ, hễ cho người xem thì bớt đau, còn che giấu không cho ai xem thì càng đau thấu xương tủy, dường như là để cảnh tỉnh cho người. Thầy thuốc danh tiếng kháp nơi đều bó tay, không trị được. Hàm Huy đến nước cùng ấy, biết đây là do oan nghiệp của mình sinh ra, bèn cố chịu đau đến trước Phật quỳ lạy, thành tâm tụng kinh Kim Cang cầu sám hối. Một hôm đang ngủ trưa, Hàm Huy chợt mơ màng thấy mười tám tên lính không đầu, từ trong cổ họng phát ra tiếng nói:

- Ngài có nhận ra chúng tôi chăng?

Hàm Huy đáp:

- Chẳng nhận biết?

Những tên lính không đầu ấy lại phát ra tiếng nói:

- Đời trước Ngài thống lĩnh binh Kim, chúng tôi là binh lính của Ngài, Ngài sai chúng tôi giữ cửa ải trên đỉnh núi. Trong đó có hai người không giữ quân luật, đi xuống núi gặp một thiếu phụ đi một mình, bắt lấy cưỡng hiếp. Thiếu phụ về thuật lại cho chồng nghe, người chồng thưa kiện đến Ngài. Ngài không tra xét kỹ, đem chém cả hai người chúng tôi. Hai người kia phạm pháp là có tội, còn chúng tôi mười tám người cũng bị chết oan theo, đâu thể bỏ qua được. Chúng tôi tìm Ngài đã hai trăm năm rồi, đến đời này mới gặp, nhưng Ngài làm tăng tu hành giữ giới, có thần hộ pháp bảo vệ, do đó chúng tôi không dám xâm phạm. Nay đây, Ngài nhìn thấy thịt chó, động niệm khởi tưởng ăn, đã thành phá giới, lại không có thần hộ pháp bảo hộ, chúng tôi chẳng sợ Ngài. Hiện tại Ngài tụng kinh cốt cầu giải oan thì tạm tha cho Ngài ba năm, sau sẽ đến đòi mạng.

Nói xong tất cả đều biến mất. Từ đó quả nhiên mụn độc ngưng hành hạ. Ba năm sau mụn độc tái phát, vỡ ra mà chết.

Trong đây cho thấy, quyền quả khổ hôm nay mình phải nhận lấy, là do nghiệp nhân mình đã tạo từ trước, mình làm mình chịu, nhân quả rõ ràng và rất công bằng. Đức Phật không là một vị thần ban phước giáng họa cho ai. Lịch sử đã chứng minh, Ngài hiện ra đời, là một con người như bao nhiêu người, cũng có cha mẹ vợ con, có sanh ra lớn lên và già chết. Ngài thật sự rất gần gũi với con người, nhưng do người tưởng tượng quá nhiều thành ra thấy Ngài như cách xa.

Có một bài kinh thuật lại trước khi Thế Tôn nhập diệt., Ngài cùng với A Nan rời thành Vương Xá đi đến một bờ ruộng ngồi nghỉ, và Ngài nói với A Nan:

- Đây rồi có lúc người đời sẽ tự hỏi: Tại sao ta còn đầu thai vào dạ đàn bà. Họ sẽ thắc mắc về sự đản sanh thanh tịnh tuyệt đối của Ta, họ sẽ hoài nghi uy lực tối thượng nhiệm mầu của ta. Những kẻ phàm phu kém cỏi đó sẽ không bao giờ hiểu rằng, ai cống hiến đời mình cho sự nghiệp thánh thiện thì hình hài đâu còn vướng vào chu trình cấu uế của việc hạ sanh. Ai muốn chứng đắc Vô thượng Bồ Đề, người ấy nguyện sanh vào cõi nhân gian. Vì nếu người ấy là thiên thần, làm sao người ấy chuyển vận bánh xe Chánh pháp?

Này A Nan, nếu Phật là một thiên thần, loài người e không mấy chốc sẽ nản lòng thối chí. Họ sẽ nói: “Đức Phật là vị thiên thần, Ngài vốn có hạnh phúc, thánh đức và hoàn hảo tuyệt vời; còn chúng ta, làm sao chúng ta có hy vọng đạt đến ngần ấy thứ?” Họ sẽ đâm ra chán nản đau buồn. Ông đừng động đến hạng người kém cỏi ấy! Đừng để chúng trộm cắp giáo pháp của Ta, chúng sẽ làm bệnh hoạn giáo pháp đó. Hơn nữa, đừng để chúng nhận định Phật tánh là khó hiểu, chúng sẽ không bao giờ đo lường được sự cao cả siêu việt của Ta đâu!

(Tịnh Minh dịch, NS Giác Ngộ số 11 – 1997)

Trong bài kinh này, Phật chỉ rõ, nếu Ngài ra đời như một vị thần linh từ trên trời hiện xuống, mọi người sẽ không đủ niềm tin để tiến tu giải thoát. Bởi lẽ, người ta sẽ cho rằng Đức Phật quá cao siêu thánh thiện không phải con người thế gian, chúng ta làm sao theo Ngài được ? Như vậy, Ngài chỉ hiện ra để cho người cung kính thôi, chứ không thể khiến người thực hành theo.

Ở đây, chính Ngài hiện ra bình thường như một con người, rất gần gũi với mọi người, nhưng đặc biệt hơn mọi người, Ngài từ trong con người mà vươn lên, vượt ra khỏi con người, như hoa sen từ bùn lầy vươn lên khỏi bùn và tỏa hương thơm đến xung quanh. Đó là đánh thức con người, Đức Phật như thế thì chúng ta cũng là một con người, vậy chúng ta cũng có khả năng vươn lên, vượt khỏi bùn lầy của thế gian đau khổ này mà tiến đến giác ngộ như Ngài. Chúng ta không phải chịu số phận làm chúng sinh mê mãi, hoặc đau khổ mãi. Ai cũng có khả năng chuyển hóa,  không mặc cảm tự ti tội lỗi. Quả là một lẽ thật sáng ngời và cao thượng biết bao.

Từ ý nghĩa thiết thực của bậc Đạo sư, Đức Phật chỉ dạy cho người Phật tử tại gia phải giữ gìn năm giới, tu ba nghiệp lành, đó là tránh nhân đau khổ, đi trên đường an vui hạnh phúc chân thật.

1-     Mình quý mạng sống của mình, người cũng quý mạng sống của người, nên không được giết hại mạng sống của người.

2-     Mình quý của cải của mình không muốn ai lấy, người cũng quý của cải của người, nên không được trộm cướp của người đem về mình.

3-     Mình muốn gia đình mình an vui hạnh phúc, người cũng muốn gia đình người an vui hạnh phúc, nên không được tà dâm, sống ngoại tình làm tan vỡ hạnh phúc gia đình người.

4-     Mình không muốn ai lường gạt mình, người cũng không muốn ai lường gạt họ, nên không được nói dối, lường gạt người.

5-     Để giữ gìn tư cách sáng suốt, tránh những bệnh hoạn hiểm nghèo, nên không được uống rượu say sưa và hút á phiện xì ke, ma túy.

Người Phật tử tại gia giữ gìn năm giới này, thì bảo đảm hiện tại đầy đủ tư cách một con người tốt trong xã hội, không phải lo sợ quả báo đau khổ. Đó là Phật ban phước lành thực tế nhất đến con người. Nếu người không tránh nhân ác, cứ trộm cướp giết người, mà cầu đến Phật ban phước lành, thì không thể có được.

Hoặc mình mới vào chùa lễ Phật, kế ra đường gặp người nói xúc phạm đến mình, vừa định mắng chửi lại, chợt nhớ mình vừa lễ Phật xong, sao lại sân si? Ngay đó bèn thôi không chửi lại người, tức thì tránh được tai nạn ẩu đả, đánh chửi nhau, được an lành về nhà, đó là sự ban phước lành rất thực tế của Phật.

Cho nên người Phật tử khéo biết tu theo Phật dạy, là giữ gìn năm giới cấm và tu kiểm soát ba nghiệp thân, miệng, ý. Thân luôn làm điều lành, điều tốt. Miệng luôn nói điều lành, điều tốt, đó là một vị cư sĩ thanh tịnh giữa thế gian.

Có câu chuyện thời Phật, ở nước Câu Lưu có vị Bà La Môn làm quốc sư. Ông có bảy cô con gái rất đẹp, và đánh cá với người bạn tên Phân Nho Đạt, dẫn bảy cô gái vào thành cho mọi người xem, nếu có ai chê xấu thì ông phải thua Phân Nho Đạt năm trăm tiền vàng; ngược lại không ai chê được thì Phân Nho Đạt phải mất với ôngnăm trăm tiền vàng. Họ dẫn bảy cô gái đi khắp nước trong chín mươi ngày, không có ai chế nửa lời. Nghe Đức Phật ở tinh xá Kỳ Hoàn, hai ông dẫn bảy cô đến gặp Phật và thưa:

- Ngài hay dạo khắp các nước, Ngài đã từng thấy có những người con gái xinh đẹp như vầy chăng?

Phật quở:

- Có gì là đẹp đâu!

Bà La Môn nói:

- Toàn nước không ai chê con tôi xấu, sao Ngài lại chê?

Phật bảo:

- Người đời họ xem cái đẹp của năm căn, năm cảnh (thuộc hình dáng bên ngoài) cho là đẹp. Còn Ta, ta cho cái thân chẳng tham trơn láng, cái miệng chẳng nói lời ác, tâm ý chẳng nghĩ điều ác, mới là đẹp vậy!

(Kinh thất nữ)

Ý nghĩa Phật dạy rất sáng tỏ, giữ gìn ba nghiệp thân, miệng, ý trong sạch, đó là cái đẹp từ trong tâm đẹp ra, mới thật sự là đẹp. Nếu chỉ lo trau chuốt cái đẹp bên ngoài thân tướng, son phấn màu mè mà trong lòng đầy mưu mô, gian xảo, tính toán hại người thì có đẹp gì ?

Tóm lại, hạnh phúc hay đau khổ là do chính chúng ta định đoạt lấy, không ai làm thay cho mình. Đức Phật muôn đời chỉ là một bậc Thầy dẫn đường, chỉ lối đi rõ ràng cho người, nhưng người không chịu đi thì lỗi đó không thuộc về Phật. Cứ làm ác rồi đem tiền bạc cúng Phật cầu Phật ban cho phúc lành, cầu không được lại bảo Phật không linh. Xin xác định rõ, Phật không phải là vị thần ban phước giáng họa cho người, Ngài chỉ là một bậc Đạo Sư, tức vị thầy dẫn đường đúng như ý nghĩa của nó.

Mong tất cả người người tránh tạo nhân ác, luôn đi trên đường lành để cùng gặp nhau trong ánh sáng chân thật!

 

[ Quay lại ]