headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 03/11/2024 - Ngày 3 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

TÌM CHÂN LÝ

 I/ CHÂN LÝ LÀ GÌ ?

Xưa nay chân lý là mục tiêu cho sự tìm kiếm không dừng của người học đạo, nhưng người cảm nhận chân lý thực sự thì không nhiều. Trước hết người học cần hiểu rõ CHÂN LÝ LÀ GÌ? Theo định nghĩa thông thường, chân lý tức lẽ thật không dời đổi, vượt suốt thờn gian và không gian, nghĩa là luôn luôn đúng ở mọi lúc, mọi chỗ. Nói lẽ thật mà còn thay đổi hoặc giới hạn chỗ nơi thì chưa đúng hẳn là chân lý. Hoặc chân lý mà còn chia ra chân lý của anh, chân lý của tôi, đó là còn mang những thành kiến, thì cũng chưa phải thật chân lý trọn vẹn, vì nó không phải chân thật luôn luôn mà nó chỉ chân thật ở chỗ này nhưng không chân thật ở chỗ kia nếu chấp vào. Nếu chấp vào đó tức thường tranh cãi mãi. Như câu chuyện bọn người mù sờ voi:

Có ông vua muốn thử xem chỗ nhận hiểu của những người mù, bèn cho đem con voi đến trước sân và gọi một số người mù đến bảo diễn tả con voi cho ông nghe. Bọn người mù tranh nhau đến rờ con voi, người rờ trúng cái chân nói con voi giống cây cột; người rờ trúng bụng nói con voi giống cái lu, người rờ trúng đuôi nói con voi giống cây chổi, người rờ trúng tai nói con voi giống cây quạt…, rồi cãi nhau inh ỏi. Ông vua chỉ cười.

Người nào cũng chấp chỗ thấy của mình là chân lý nhưng lại cãi nhau inh ỏi, thì quả tang chưa phải chân lý thật sự. Theo nhà Phật, cho cái thấy của mình là chân lý, e chưa phải, vì nó có mang cái “tôi” hạn hẹp trong đó. Đây là điểm cần nhận định kỹ.

II/ CHÂN LÝ Ở ĐÂU

Lâu nay những người học đạo thường đi tìm chân lý nhưng tìm từ bên ngoài nên không bao giờ thấy thỏa mãn; nếu có, chỉ thấy ở một khía cạnh nào đó chớ không trọn vẹn. Trong khi chân lý lại vốn ở ngay nơi mình. Bởi nói là LÝ, thì cái LÝ đó nó có biết gì? Chính Tâm mới biết rõ được LÝ, mới là cái LÝ SỐNG. Mà tâm không chân thật,  không sáng tỏ, làm sao thấy được sáng tỏ, chân thật? Do đó, phải xoay lại tự tâm, sáng tỏ tự tâm thì rõ chân lý. Đây là điểm trọng yếu mà lâu nay người thường bỏ quên. Chẳng hạn tâm hư nguy, tâm nhân ngã cao thấp hơn thua thì thấy gì cũng hư nguỵ, cao thấp, hơn thua chứ gì! Như câu Phật nói: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”, trên trời dưới đất, chỉ ta tôn nhất, nếu đem tâm chấp ngã mà hiểu, sẽ cho là Phật quá ngã mạn, tự thấy mình trên hết thiên hạ, không ai bằng. Đó là phỉ báng Phật, không thấy được lẽ thật. Đâu biết rằng câu này ngầm nhắc người giác ngộ một lẽ thật siêu việt thế gian, vượt qua cái hư dối giả tạo. Đó là một ý nghĩa rất thâm thúy.

Trong nhà thiền có câu chuyện. Một hôm Tô Đông Pha đến chùa Kim Sơn tham thiền với thiền sư Phật Ấn. Sau giờ thiền ông hỏi Sư:

- Thiền sư! Ngài xem dáng tôi ngồi thế nào?

Thiền sư Phật Ấn đáp:

- Rất trang nghiêm giống một vị Phật.

Ông rất cao hứng. Thiền sư Phật Ấn hỏi lại ông:

- Học sĩ! Ông xem tư thế tôi ngồi như thế nào?

Tô Đông Pha lâu nay có dịp là đùa với Sư nên liền đáp:

- Giống một cục cức trâu.

Thiền sư Phật Ấn nghe xong cũng rất cao hứng. Nhưng Tô Đông Pha thấy Thiền sư bị mình dụ là cục cức trâu mà không đáp lại, trong tâm cho là mình thắng Thiền sư Phật Ấn nên gặp người liền nói:

- Hôm nay tôi thắng rồi!

Tin tức truyền đến tai cô em là Tô Tiểu Muội, cô em mới hỏi ông:

- Này anh! Anh rốt ráo làm sao thắng được thiền sư?

Tô Đông Pha hứng chí thuật lại cuộc đối đáp trên. Tô Tiểu Muội thiên tư cũng rất thông minh hơn người, sau khi cô nghe ông thuật lại xong, liền nghiêm mặt lại nói:

- Anh ơi, anh thua rồi! Trong tâm Thiền sư như Phật, do đó Ngài xem anh như Phật; trái lại, trong tâm anh giống cức trâu, do đó anh mới xem Ngài giống cức trâu.

Tô Đông Pha liền ú ớ mới biết công phu về Thiền của mình còn thua xa Thiền sư Phật Ấn.

(Tinh Vân Thiền Thoại)

Câu chuyện thật có nhiều ý nghĩa. Thiền sư Phật Ấn ngồi thiền mà giống cục cức trâu sao? Rõ ràng bởi tâm ông Tô Đông Pha còn xen niệm hơn thua trong đó mà thành ra có cái thấy ấy. Muốn hạ thấp người, không ngờ tâm mình đã lộ tướng thấp kém trước. Gọi đó là chân lý được sao? Muốn thấu chân lý phải biết xoay lại chính mình, tìm ngay trong chính mình. Kinh nghiệm của Đức Phật, ban đầu Ngài theo học với các vị thầy tiếng tăm nhưng cuối cùng đều không thỏa mãn, đành từ giã hết, đến ngồi thiền định dưới cội Tất-bát-la, tự soi lại mình mà tự giác ngộ, thấy tột lẽ thật của thế gian và xuất thế gian.

Kinh Hoa Nghiêm nói, có một quyển Kinh chép đủ mọi việc trong thế giới tam thiên đại thiên, tức trong vũ trụ này, được nhét trong hạt bụi. Người có trí thấy được, bèn đập hạt bụi lấy quyển kinh ra, liền hiểu thấu mọi việc.

Quyển kinh đó, chỉ cho những lẽ thật, hạt bụi chỉ cho thân tâm này. Ngay thân tâm này khéo đập ra , lấy quyển kinh kia, liền thấu rõ những lẽ thật trong thế gian. Cho nên chân lý của thế gian đã nhét sẵn trong thâm tâm mỗi chúng ta đây thôi, khỏi phải tìm đâu xa.

Một câu chuyện Thiền của Nhật Bản: Có bà nọ đến nghe Thiền sư Bạch Ẩn thuyết giảng rằng: “Tâm tịnh thì cõi nước thanh tịnh, đức Phật trong mỗi chúng sinh: Một khi Đức Phật xuất hiện, mọi vật trên thế gian đều chiếu ánh quang minh. Nếu ai muốn nhận được đều này, phải phản quan tự kỷ, đến chỗ nhất tâm bất loạn. Vì tâm tịnh tức độ tịnh, thì làm sao để trang nghiêm tịnh độ? Vì Phật vốn sẵn trong mỗi chúng sinh thì tướng tốt và vẻ đẹp của Phật là gì?

Nghe xong, bà nghĩ: “Điều đó không quá khó”. Trở về nhà bà bắt đầu quán chiếu suốt ngày đêm đeo đuổi mãi trong tâm dù ngủ hay thức.

Rồi một hôm, khi đang rửa nồi, bà thình lình tỏ ngộ. Ném cái nồi qua bên, bà đến gặp Bạch Ẩn và nói:

- Tôi bổng gặp đức Phật trong thân tôi. Mọi vật rạng ngời ánh sáng. Thật kỳ diệu! Kỳ diệu!

Bà rất vui sướng. Chợt Bạch Ẩn bảo:

- Bà nói như thế, nhưng còn cái hầm phân thì sao? Nó có chiếu sáng không?

Bà liền bước lên và đấm vào Bạch Ẩn, nói:

- Ông già này chưa ngộ.

Bạch Ẩn cười to.

Trong đây cho thấy, tâm sáng thì thấy cái gì cũng sáng, thấy hầm phân cũng sáng, nhìn tất cả đều sáng ngời. Xét lại mình, tại sao có khi mình thấy huynh đệ cùng tu hành, cùng chung lý tưởng với nhau, lại không sáng? Thấy ghét người này, thành kiến với người kia đó là do đâu? Cần nhìn lại tâm mình lúc đó thì rõ ngay lẽ thật!

Một Thiền sư hiệu Thủy Lại đến hỏi Mã Tổ Đạo Nhất

- Thế nào là ý Tổ sư từ Ấn Độ sang?

Mã Tổ đạp ngay ngực té nhào. Sư bỗng nhiên đại ngộ, đứng dậy vỗ tay cười to, nói: “Lạ thay! Trăm ngàn tam muội, vô lượng diệu nghĩa chỉ ở trên đầu sợi lông thấu tột tất cả cội nguồn”.

Tức ngay một niệm hiện tiền đây, sáng tỏ lên, là thấu tất cả mọi ý nghĩ nhiệm mầu. Chân lý chính ở ngay trong đó, lo suy tìm, moi móc, chia chẻ chữ nghĩa hẳn không thể thấy.

 III/ TÂM THỂ LÀ CHÂN LÝ TRÊN HẾT

Dù cho người học đạo hiểu lý này, lý nọ cao siêu đến đâu, cũng chỉ là cái LÝ BỊ HIỂU, chưa phải bản thân chân lý. Nếu rời ngoài tâm mà có, đó cũng là LÝ CHẾT, có nghĩa gì? Người học bám vào đó, là bám vào cái chết, đâu thể vội hài lòng! Chính “tâm thể” mới là lý rốt ráo trên hết. Người tu không tỏ ngộ tâm thể, là chưa đạt đến rốt ráo chân thật. Trong Huyết Mạch Luận, Tổ sư đã nói: “Nếu thấy bản tánh thì mười hai bộ kinh thảy là văn tự suông; ngàn bộ kinh, muôn quyền luận chỉ làm sáng tỏ tâm. Ngay lời nói khế hợp thì Giáo (Kinh điển) sẽ dùng vào đâu?” Nghĩa là, nhận ra bản tánh hay tỏ ngộ tâm thể chính mình, đó là gốc của tất cả kinh luận, là cội nguồn của hết thảy giáo lý. Chẳng rõ cội nguồn này mà đi tìm theo ngọn ngành bên ngoài, là đi theo chân lý chết, khó đạt đến viên mãn.

Vua Lương Võ Đế từng hỏi Tổ Bồ Đề Đạt Ma:

- Thế nào là thánh đế đệ nhất nghĩa?

Tổ Đạt Ma đáp:

- Rỗng thênh không Thánh.

Hỏi thánh đế đệ nhất nghĩa, tức hỏi đến lý rốt ráo cùng tột. Song, nếu có một cái lý rốt ráo gì đó cho ông hiểu, tức còn có một cái ở trên đó để hiểu lại nó, vậy đâu còn là rốt ráo? Cho nên Tổ Đạt Ma đáp thẳng: “Rỗng thênh không Thánh”, tức không có một chút gì là Thánh, là cao tột để cho ông bám hiểu. Đây là Tổ đánh thẳng vào ngay vào chỗ ông vừa hỏi, khỏi đi tìm thánh đế ở đâu khác, khỏi phải nghĩ ngợi thêm gì!

Một cuộc đối đáp giữa Đại đức Uẩn Quang và Thiền sư Tuệ Hải càng làm sáng tỏ thêm việc này. Đại đức hỏi nhiều việc, cuối cùng hỏi:

- Hư không hay sinh linh tri chăng? Chân tâm duyên thiện ác chăng? Người tham dục là đạo chăng? Người chấp phải quấy, về sau tâm thông chăng? Người xúc cảnh sinh tình, tâm có định chăng? Người trụ chỗ yên lặng, có huệ chăng? Người ôm lòng khinh người, có ngã chăng? Người chấp không chấp có, có trí chăng? Người tầm văn thủ chứng, người khổ hạnh cầu Phật, người lìa tâm cầu Phật, người chấp tâm là Phật, trí này hợp đạo chăng? Thỉnh thiền sư mỗi mỗi vì đáp:

Thiền sư Tuệ Hải đáp:

- Hư không chẳng sinh linh tri. Chân tâm chẳng duyên thiện ác. Người chìm sâu trong tham dục, căn cơ cạn. Người phải quấy lăng xăng, là chưa thông. Người xúc cảnh sinh tâm, là ít định. Người yên lặng quên hết là huệ chìm. Người khinh người cao mạn, là ngã mạn. Người chấp không chấp có, đều ngu. Người tầm văn thủ chứng, thêm kẹt. Người khổ hạnh cầu Phật, là mê. Người lìa tâm cầu Phật, là ngoại đạo; chấp tâm là Phật, là ma.

Đại đức Uẩn Quang hỏi:

- Nếu như thế thì rốt ráo không thể có gì?

Thiền sư Tuệ Hải đáp:

- Rốt ráo là Đại đức, chẳng phải rốt ráo không thể có.

Tức là, khi sạch hết mọi chỗ bám chấp từ bên ngoài, không còn chỗ để tâm duyên đến, còn lại đó là chính mình. Đó là chỗ rốt ráo cuối tột của tất cả Lý. Lẽ thật sáng ngời như vậy, không ai đặt ra cả. Người học đạo tìm chân lý là tìm trở lại ngay chỗ này, chớ nhọc chạy lăng xăng tìm cầu ở bên ngoài, phí công nhiều.

 IV/ LÌA NIỆM PHÂN BIỆT, DÁM NHẬN SỰ THẬT

Bởi chân lý rốt ráo là ở ngay nơi mình, trong chính mình nên không thuộc đối tượng hiểu biết. Chính vì vậy, dù cố đem tâm phân biệt cũng đâu thể thành! Đâu thể đến! Do đó, trong nhà Thiền thường cảnh tỉnh người học đạo đối với tâm này. Như chuyện thiền tăng Văn Đạo với Thiền sư Tuệ Huân:

Văn Đạo nghe tiếng Thiền sư Tuệ Huân nên trèo non lội suối đến trước hang động sư ở, thành khẩn thưa:

- Văn Đạo con vốn ngưỡng mộ cao phong của thầy, một bề đến đây gần gũi theo hầu, xin thầy từ bi chỉ dạy!

Nhân lúc đó trời tối, Thiền sư Tuệ Huân bảo:

- Trời tối rồi, hãy ở đây ngủ một đêm.

Hôm sau, khi Văn Đạo thức dậy thì Thiền sư Tuệ Huân đã dậy trước, nấu cháo xong. Đến lúc ăn, trong động không có gì khác, thuận tay sư lấy cái sọ khô múc đầy cháo đưa cho Văn Đạo. Văn Đạo do dự không biết nên nhận hay không. Sư liền bảo:

- Ông không có tâm đạo, chẳng phải chân chính vì pháp mà đến. Ông còn đem vọng tình nhơ sạch và yêu ghét mà tiếp vật, làm sao có thể được đạo?

Đây là Thiền sư muốn đánh thức ông tăng, học đạo chân thật phải quên tâm phân biệt theo tình chấp ngã ấy. Phân biệt theo tình chấp ngã thì thấy theo tình yêu ghét, hay dở, hơn thua, nghe nói chuyện vuốt theo bản ngã là thích; trái lại, thì tự ái không muốn nghe. Học đạo như thế thì làm sao học được lẽ thật. Học lẽ thật thì phải dám nhìn sự thật, chấp nhận sự thật.

Tấm gương học đạo của tướng quốc Đỗ Hồng Tiệm đời Đường. Ông đến hỏi Thiền sư Vô Trụ:

- Đệ tử tánh thức cạn cợn, trước đây nhân công việc rảnh rỗi có soạn bản sớ giải về Luận Đại Thừa Khởi Tín gồm hai quyển, có thể gọi là Phật pháp chăng?

Thiền sư Vô Trụ đáp:

- Xét về việc viết sớ giải đều là dùng thức tâm nghĩ xét, phân biệt, có tạo tác, khởi tâm động niệm mới có thể làm thành. Theo lời văn của bản luận ấy có nói: “Phải biết tất cả pháp từ xưa đến nay lìa tướng ngôn thuyết, lìa tướng danh dự, lìa tướng tâm duyên, rốt ráo bình đẳng không có đổi khác; vì chỉ có một tâm nên gọi là chân như”. Nay tướng công kẹt tướng ngôn thuyết, kẹt tướng danh tự, kẹt tướng tâm duyên, đã kẹt các thứ tướng, làm sao là Phật pháp?

Ông liền thưa:

- Đệ tử từng hỏi các bậc Đại đức trong triều, các Ngài đều tán thán đệ tử là chẳng thể nghĩ bàn. Phải biết những vị ấy thuận theo nhân tình. Nay thầy từ lý mà giải nói phù hợp với pháp tâm địa, thật là chân lý không thể nghĩ bàn!

Tâm học đạo của ông tướng quốc Đỗ Hồng Tiệm quả là cao quý, dám nhận sự thật trái ngược với nhân tình, không vì những lời khen cho vui; xét lại người xuất gia cũng không dễ làm. Chính đó mới thực sự là học lẽ thật, đến với chân lý.

V/ TÓM KẾT

Người học đạo chân chính, phải biết xoay lại chính mình, đó là điểm thiết yếu. Đây cũng là gốc của mọi pháp tu.

Muốn thể nhận chân lý, phải quên cái ta. Nói hay, nói giỏi đến đâu mà lộ bày tướng ngã quá nặng, còn tự kiêu ngã mạn quá to, cũng là biểu lộ tướng vô minh, cần tự xét lại!

Đoạn nhân duyên vị tăng với Thiền sư Duy Khoan là chỗ mỗi người học đạo phải luôn nghiệm kỹ:

Ông tăng hỏi sư:

- Đạo ở đâu?

Sư đáp:

- Đạo ở trước mắt.

Tăng hỏi:

- Sao con chẳng thấy?

Sư đáp:

- Vì ông còn có ngã.

Tăng hỏi:

Con có ngã nên con chẳng thấy, Hòa thượng thấy chăng?

Sư đáp:

- Có ông, có ta cũng chẳng thấy luôn.

Tăng hỏi:

- Không con, không Hòa thượng lại thấy chăng?

Sư đáp:

- Không ông, không ta còn ai cần thấy?

Rõ ràng, hễ thấy biết mà còn có mang cái “tôi” xen vào là nhìn sự vật méo mó ngay. Một lời nói hay mà do người mình không ưa nói ra thì sao? Mình cũng bịt tai, quay lưng không muốn nghe chứ gì? Vậy là tại nó không đúng, hay tại cái gì?

Sạch hết tướng ta, tướng người, ngay đó chân lý hiện tiền, còn muốn thấy gì nữa? Còn có lý để thấy, là còn mang chút bóng dáng tướng ngã trong đó!

Mong rằng tất cả người học đạo đều sáng tỏ trở lại chân lý nơi mình. Đó là nguồn sống vĩnh hằng không bao giờ mất. Thật còn gì vui sướng hơn!

[ Quay lại ]