headertvtc new


   Hôm nay Thứ hai, 25/11/2024 - Ngày 25 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - NHỮNG NÉT NỔI BẬT

 1. ÔNG VUA ĐI TU CHỨNG NGỘ LÀM TỔ:

Đây là một nét đặc sắc ít có mà dân tộc Việt đã có. Từ một ông vua, mà không phải ông vua tầm thường; trái lại, một ông vua anh hùng của dân tộc, một ông vua đã lên tột đỉnh vinh quang, quyền uy, danh vọng đều đứng đầu thiên hạ, nhưng sẵn sàng bỏ lại tất cả không nuối tiếc, để sống đời xuất gia thoát tục, tu hành khổ hạnh, đạt đạo làm Tổ một dòng thiền.

Trong bài Sơn Phòng Mạn Hứng, tức Khởi Hứng Nơi Phòng Trên Núi, Ngài đã viết:

                Thị phi niệm trục triêu hoa lạc,
                Danh lợi tâm tùy dạ vũ hàn.
                Hoa tận vũ tình sơn tịch tịch,
                Nhất thanh đề điểu hựu xuân tàn.

Nghĩa:
                Phải quấy niệm rơi theo hoa sớm,
                Lợi danh tâm lạnh với mưa đêm.
                Hoa sạch, mưa dừng non vắng lặng,
                Chim kêu một tiếng lại xuân tàn.

Với Đại đầu đà Trúc Lâm, sau khi xuất gia ở núi, Ngài cảm thấy hứng khởi, nào những niệm “phải quấy” trong đó bao gồm “tốt xấu, hơn thua, …” đến đây nó rơi rụng nhẹ nhàng theo hoa buổi sáng sớm rụng; tâm lợi danh nay cũng đã lạnh đi cùng với trận mưa đêm, hết còn nóng bỏng, khởi động.

Và cuối cùng thì hoa rơi sạch, mưa dừng tạnh, chỉ còn lại một cảnh núi non vắng lặng, tình đời khó đến được. Chợt một tiếng chim kêu vang lên, và mùa xuân đã tàn. Trong cảnh lặng lẽ im vắng đó, một tiếng chim bỗng kêu vang lên, ai nghe được “tiếng kêu ấy”? Hay là cũng tầm thường tàn theo mùa xuân kia? Đó là chỗ niệm phải quấy, tâm lợi danh đều dứt bặt ở trong ấy.

Rồi trong bài Đắc Thú Lâm Tuyền Thành Đạo Ca, tức Khúc Ca Nhận Được Niềm Vui Thích Thành Đạo ở Suối Rừng, Ngài đã thuật lại cảnh sống:
            Yên bề phận khó,
            Kiếm chốn dưỡng thân.
            Khuất tịch non cao,
            Náu mình sơn dã.
            Vượn mừng hủ hỉ,
            Làm bạn cùng ta,
            Vắng vẻ ngàn kia,
            Thân lòng hỷ xả.

Tức là yên sống trong cảnh núi cao, rừng vắng, làm bạn với vượn, với khỉ mà cảm thấy vui với đạo.
Và sống đạm bạc:
            Dốc chí tu hành,
            Giấy sồi vó vá.
Cho đến:
            Thân này chẳng quản,
            Bữa đói bữa no.
            Địa thủy hỏa phong,
            Dầu là biến hóa.
Tức là mặc áo giấy, áo vải thô vá víu tạm che thân mà để hết chí vào việc tu hành. Thân này ăn uống bữa đói, bữa no cũng tốt, không có gì phải thấy buồn khổ. Cả đến đất nước gió lửa trong thân có biến đổi vô thường cũng không bận lòng. Một ông vua đã sống thực sự một đời sống xuất gia như thế!

Trước kia, ở Ấn Độ, một ông hoàng thái tử bỏ cung vàng điện ngọc và cả ngôi báu sắp sẵn để đi tu giác ngộ thành Phật, thì đây, một ông vua đi tu ngộ đạo làm Tổ, trên đời dễ chi tìm được trường hợp thứ hai lặp lại! Điều đó càng làm tăng giá trị cho chân lý Phật dạy, nếu Phật pháp không có gì cao siêu đáng quý, thì cớ gì thu hút một ông vua như thế? Nên nhớ, đây là một ông vua trí tuệ anh minh, chớ không phải ông vua u mê đụng đâu tin đó. Nghĩa là, trong Phật pháp phải có một chân lý sáng ngời, một sức sống siêu việt hơn mọi thứ đã có ở thế gian kia, Ngài mới sẵn sàng đổi lấy dễ dàng như vậy!

Bài kệ Ngài ngâm trong buổi đại tham ở chùa Sùng Nghiêm đã nói lên điều ấy:
                Thân như hô hấp tỷ trung khí,
                Thế tự phong hành lãnh ngoại vân.
                Đỗ quyên đề đoạn nguyệt như trú,
                Bất thị tầm thường không quá xuân.
Nghĩa:
                Thân như hơi thở ra vào mũi,
                Đời tợ gió đùa mây núi xa.
                Tiếng quyên từng chập trăng sáng rỡ,
                Nào phải tầm thường xuân luống qua.

Đây là Ngài muốn nhắc nhở cùng người: thân này tạm bợ, mạng sống chỉ gởi trong từng hơi thở ra vào, không có gì đáng bảo đảm. Một hơi thở ra không hít vào, thì Ô hô! Ra nghĩa địa thôi! Vậy có gì đáng quý trong đó để bám víu?
Còn cuộc đời như gió thổi đám mây trôi ngoài đỉnh núi xa kia, bay qua, rồi tan đó, đâu là chỗ nương tựa vĩnh viễn lâu dài? Ở trong đó để tranh giành được mất, hơn thua, rốt cuộc có được gì?

Tuy nhiên, Phật pháp nếu chỉ thấy có bấy nhiêu, thì cũng thật buồn chán, có gì cao quý đáng để thu hút mọi người? Chính hai câu sau là sức sống cuốn lấy bao nhiêu người sẵn sàng bỏ lại những thú vui tạm bợ của thế gian. Hãy lắng nghe kỹ, trong cái vô thường tạm bợ kia, nhưng không phải hoàn toàn trống rỗng đâu nhé, mà kìa! Tiếng chim đỗ quyên đang từng chập, từng chập kêu mãi trong đêm, nhắc nhở ai kia, hãy nghe kỹ: “Có một vầng trăng sáng ngời như ban ngày đang chiếu khắp, ai thấy chăng?” Nghe tiếng chim, nhớ lại vầng trăng sáng ngời, đâu phải là một cuộc sống hoàn toàn vô nghĩa? Đâu phải là sống một mùa xuân tầm thường qua suông. Mà trong đó còn có một cái vượt ngoài cái tầm thường đó!

Quan trọng là chúng ta có nghe trở lại để phát hiện vầng trăng sáng ngời vẫn đang ngự giữa trời tâm thênh thang ấy chăng? Sống trong vầng trăng này, là làm chủ trở lại cuộc sống vô thường, tự tại đi trong thế gian, còn gì vui sướng hơn? Chính Sơ Tổ Trúc Lâm đã nhận được điều ấy và đang nhắc lại cho người!
Và trong bài Đắc Thú Lâm Tuyền Thành Đạo Ca, Ngài cũng đã thổá lộ:
                Học đòi chư Phật,
                Cho được viên thành.
                Xướng khúc vô sanh,
                An thiền tiêu sá.

Nghĩa là, học theo chư Phật cho được thành tựu viên mãn, sống tự tại trong sanh tử, an ổn thong dong sạch mọi não phiền. Đó là chỗ tâm tình thế gian không dễ gì biết đến được, chỉ người thực chứng trong ấy mới tự thầm cảm thông thôi. Chính thế, Ngài đã chứng minh được, vì sao Ngài sẵn sàng bỏ lại mọi thú vui của thế gian kia.
Phật giáo Việt Nam đã có được một nét đặc sắc đó, quả là không hổ thẹn với Phật giáo các nước bạn!

2. THỐNG NHẤT CÁC DÒNG THIỀN THÀNH MỘT DÒNG THIỀN VIỆT NAM: ĐEM LẠI NIỀM TỰ TIN.

Đại đầu đà Trúc Lâm đã dung hợp các dòng thiền thành một thiền phái Trúc Lâm, phá đi ý niệm vọng ngoại, trọng theo cái bên ngoài. Không phải Tổ người nước ngoài mới hay, Tổ người Việt Nam không hay. Không phải dòng thiền từ nước ngoài truyền vào mới hay, dòng thiền trong nước không hay. Cốt là người truyền thiền có thực tu, thực ngộ hay không? Với tinh thần căn bản của Thiền tông là: “Trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”, tức chỉ thẳng ngay tâm người, ai nhận được bản tánh thì đủ cái nhân thành Phật. Vậy thành Phật là ở ngay trong tự tánh, không ở nơi nước này hay nước nọ, hoặc nơi người xứ này hay người xứ kia. Hơn nữa, đã chỉ thẳng tâm người, thì ai không có tâm? Đã có tâm tức có thiền, nếu chúng ta sáng được tâm tức đạt yếu chỉ thiền, đâu phải tự khinh mình?

Đó là đem lại niềm tự tin cho dân tộc. Thiền dạy phải tự tin chính mình là gốc, thì ở đây thiền phái Trúc Lâm đã ứng dụng điều đó vào thực tế.

Thiền sư Nghĩa Huyền, Tổ tông Lâm Tế từng bảo: “Người học hiện nay chẳng nhận được là bệnh ở chỗ nào? Bệnh ở chỗ chẳng tự tin. Nếu các ông tự tin chẳng kịp liền lăng xăng theo tất cả cảnh chuyển, bị muôn cảnh khác chi phối, chẳng được tự do. Nếu các ông hay thôi được niệm rong ruổi chạy tìm tâm liền cùng Phật, Tổ không khác. Các ông muốn biết Phật, Tổ chăng? Chỉ là: người đang nghe pháp ở trước mặt ông đó!”

Trong đây, Tổ Lâm Tế đã chỉ thẳng rất rõ ràng, người tu không sáng tỏ được đạo chỉ vì chẳng tự tin, cứ lo tìm cầu bên ngoài, bị cảnh duyên chuyển xa mất gốc. Phật, Tổ chân thật vốn ở ngay nơi chính mình đây thôi, ngay người đang nghe pháp hiện tiền sáng rỡ đó! Mà người này ai không có? Không có tức thành gỗ đá sao? Đã có, tại sao không dám tự tin trở lại?

Sơ Tổ Trúc Lâm cũng từng nói: “Phàm thánh vốn đồng một mối, phải quấy đâu có hai đường. Cho nên biết, tội phước vốn không, cứu cánh nhân quả chẳng thật. Người người sẵn đủ, kẻ kẻ trọn thành. Phật tánh Pháp thân như hình như bóng, tùy ẩn tùy hiện, chẳng tức chẳng lìa. Lỗ mũi duỗi thẳng xuống, chân mày ngang mặt, ở trên mắt mà không dễ gì nhìn thấy. Cần phải tìm xét, đâu chẳng nghe nói: ‘Ba ngàn pháp môn đồng về tấc vuông, hà sa diệu dụng thảy ở nguồn tâm.’ Nên nói: ‘Cửa giới, cửa định, cửa tuệ ông không thiếu sót, cần phải quán trở lại nơi mình. Nào những tiếng ho, tiếng tằng hắng, nhướng mày chớp mắt, tay cầm chân đi, ấy là tánh gì? Biết được tánh này, ấy là tâm gì?’…
… Các nhân giả! Ngày tháng dễ dàng qua, mạng người không chờ đợi, sao cam ăn cháo, ăn cơm mà chẳng rõ việc bát việc muỗng? Tham!”

Trong đây, Sơ Tổ Trúc Lâm cũng chỉ rõ, “việc thật ấy” ai ai cũng có, nó ở ngay trên mặt mình và trong tất cả mọi cử chỉ, hành động hàng ngày không từng thiếu thốn. Mỗi người ăn cơm, ăn cháo mà không rõ được việc bát, việc muỗng là sao? Chỉ vì cứ lo nghĩ đến ăn thôi, còn chính cái gì đang phóng quang cầm bát, động muỗng mà chưa từng mê kia? Tự tin trở lại ngay đây tức gặp Phật, gặp Tổ ngay trong chính mình, khỏi phải tìm đâu khác. Làm Phật, làm Tổ chính từ trong đó, đâu phải ở thân tướng Ấn Độ hay Trung Hoa.

Do đó, dung hợp các dòng thiền thành một dòng thiền Việt Nam, trong ý nghĩa thầm kín sâu xa, là một nhát đánh động lòng tự tin của dân tộc, đồng thời trừ đi niệm phân biệt đây kia. Không phái này chỉ trích phái nọ, chỉ ngộ bản tâm là chính. Không tông môn này đối chọi tông môn kia, chỉ sáng tâm là trên. Quả thật, chính đây là một nét chấm phá làm nổi bật nền Phật giáo Việt Nam và đó là một ngọn đèn sáng cho những thế hệ sau này cần soi sáng.

3. THIỀN GIÁO SONG HÀNH: SÁNG TẠO KHÔNG BẮT CHƯỚC Y KHUÔN.

Dám can đảm chuyển hóa các dòng thiền thành một dòng thiền Việt Nam, lột bớt sắc thái ảnh hưởng từ bên ngoài. Các ngài tu hành vẫn ngộ đạo, vẫn đạt lý thiền sâu xa, nhưng cần giảng kinh thuyết pháp thì sẵn sàng giảng kinh thuyết pháp, cần khai thị thiền cơ thì khai thị thiền cơ. Cho đến cần dạy người làm lành lánh dữ tu thập thiện để chuyển hóa đời sống xấu ác mà vươn lên thì tùy duyên hướng dẫn, không cố chấp một chiều hay bắt chước rập khuôn. Đây là một điểm sáng tạo đúng với tinh thần thiền, không đóng khung chết một chỗ.

Nhìn lại các thiền sư Trung Hoa ít thấy các Ngài giảng kinh, nhưng thiền sư Trúc Lâm-Yên Tử thường giảng kinh. Điều ngự từng giảng Truyền Đăng Lục và sai Quốc sư Đạo Nhất giảng kinh Pháp Hoa tại chùa Vĩnh Nghiêm. Thiền sư Pháp Loa giảng các kinh Niết Bàn, Lăng Già, Pháp Hoa và nhất là Hoa Nghiêm, Sư giảng nhiều lần. Năm 1330, Sư đang giảng kinh Hoa Nghiêm tại An Lạc Tàng Viện, cảm thấy sức yếu, bèn mời trưởng lão Bích Phong giảng thay. Thiền sư Huyền Quang cũng từng giảng kinh Lăng Nghiêm.

Bởi Trung Hoa, ngoài Thiền tông đã có các tông thuộc về Giáo, ai cần hiểu giáo thì đến đó học. Còn ở Việt Nam không như vậy, chỉ một Giáo hội với Thiền phái Trúc Lâm như thế thì người muốn hiểu rõ kinh giáo sẽ học ở đâu? Lại Đại tạng kinh mới thỉnh về đó để làm gì? Để làm sống dậy lời dạy của đức Phật, thì thiền sư là những người tu hành chân thật ngộ đạo, do đó càng sáng tỏ lý kinh rõ ràng, chính xác hơn, thấu tột những nghĩa lý sâu xa khó thấy, từ đó các ngài giảng kinh càng giúp cho người nghe hiểu thấu kinh cặn kẽ sâu hơn. Đọc sớ giải sao bằng nghe trực tiếp những lời sống từ nơi tâm thiền sáng ngời của các ngài tỏa ra!

Như có vị tăng hỏi Điều Ngự:
- Đại tôn đức khổ nhọc tu hành đã trải qua nhiều năm, đối với sáu thông của Phật, Ngài đã được mấy thông?
Ngài đáp:
- Cũng được sáu thông.
- Năm thông kia xin gác lại, thế nào là tha tâm thông?
- Đầy cả cõi nước, trong đó chúng sanh có bao nhiêu thứ tâm, Như Lai đều biết hết, Như Lai đều thấy hết.
Vị tăng đưa nắm tay lên nói:
- Đều biết hết, thấy hết, vậy biết cái này có vật gì?
Ngài đáp:
- Như có như không, chẳng phải không chẳng phải sắc.

Chúng ta thấy, trong đây Điều Ngự giải tha tâm thông vốn vượt ngoài chỗ giải thích thông thường theo sớ giải. Chỗ tha tâm thông này là chỗ sống của thiền sư, là chỗ thể nghiệm của người tỏ ngộ, do đó hiểu theo chữ nghĩa thì giải thích không thể tới được. Chúng sanh đầy dẫy trong các cõi nước có bao nhiêu thứ tâm, Như Lai thảy đều biết hết, thấy hết, những tâm đó đều là tâm hư dối thôi. Nhưng cái gì Rõ Biết mọi tâm hư dối kia? Nó có thuộc trong các tâm hư dối ấy không? Đây là chỗ tha tâm thông của Ngài muốn nói.

Ông tăng giơ nắm tay lên định đánh lừa Ngài, nhưng đâu thể qua mắt được bậc đã sáng mắt. Nắm tay đó có thể gạt được người mê nhưng với Ngài đã nhìn thấy thấu trước khi giơ nắm tay lên nữa kìa! Học kinh mà thấu đến chỗ đó, thử hỏi có dễ dàng chăng?

Như vậy, cần giảng kinh, các ngài giảng kinh thấu đáo, nếu ai muốn trực tiếp vào thiền, các ngài sẵn sàng khai thị trực tiếp, như những đoạn nhân duyên trong Tam Tổ Trúc Lâm đã ghi lại. Đây chính là một điểm đặc sắc, không một bề hướng ngoại mà quên gốc, càng hợp với lý thiền.

4. TINH THẦN NHẬP THẾ. TĂNG TỤC ĐỀU CÓ PHẦN

Phật giáo đời Trần hay Thiền phái Trúc Lâm-Yên Tử không hạn cuộc sự giác ngộ giữa hàng xuất gia và tại gia. Người xuất gia tu hành đúng mức, ngộ đạo được; người tại gia tu hành đúng mức cũng ngộ được. Ở núi rừng hay chốn đế đô, thành thị đều có thể sáng đạo được cả. Bởi, đúng như chủ trương của Thiền tông: lấy Tâm làm Tông. Ngộ đạo hay thành Phật, làm Tổ, làm Thiền sư vốn ở ngay tự tâm chớ không đâu khác, nên ai có tâm đều có phần. Xuất gia hay tại gia, khéo soi lại chính mình, sáng được tâm thì đều có phần giác ngộ như nhau, chỗ thấy vẫn không hai. Bằng chứng cụ thể:

Vua Trần Thái Tông, đang ở trên ngôi vua, công việc bề bộn, vẫn công phu sáng được lý thiền. Chính vua đã tự thuật trong bài Tựa Thiền Tông Chỉ Nam: “Trẫm thường đọc kinh Kim Cang đến câu: ‘Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm’, trong khoảng để quyển kinh xuống trầm ngâm, bỗng nhiên tự ngộ. Liền đem chỗ ngộ này viết thành bài ca, đề tên là Thiền Tông Chỉ Nam.” Và ánh sáng đó đã được vua thể hiện trong những phần đối đáp và tụng cổ … Trong Khóa Hư lục, chúng ta đọc sẽ thấy rõ, chớ không phải Ngài chỉ nói suông.

Trần Thánh Tông cũng sáng được lý thiền ngay trong cung vua. Vua đã tự thuật trong bài kệ:

                Tự tùng quán giác nhập thiền lưu,
                Đả ngõa toản quy một ngoại cầu.
                Nhận đắc bản lai chân diện mục,
                Đáo đầu hà xứ bất hưu hưu.
Nghĩa:
                Từ khi bé bỏng đã vào thiền,
                Đập ngói dùi rùa ngoại cầu quên.
                Nhận được xưa nay mày mặt thật,
                Cuối cùng đâu chẳng chỗ an nhàn.

Vua tự thuật đã vào thiền từ khi còn nhỏ, đã vượt qua công phu chạy tìm kiếm bên ngoài vô ích, vì đã nhận được mặt mày chân thật xưa nay của chính mình, cho nên sống chỗ nào cũng được an nhàn tự tại.

Nổi bật nhất là Thượng Sĩ Tuệ Trung, có thể nói Thượng Sĩ là một thiền sư cư sĩ. Tuy sống đời tại gia, có vợ con, hầu thiếp, nhưng trí tuệ vô sư của Thượng Sĩ rực sáng, tâm Thượng Sĩ thênh thang tự tại, luôn tỏa ra một sức sống thiền mạnh mẽ. Câu chuyện ăn chay ăn thịt Thượng Sĩ đối đáp với Thái hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm và đoạn đối đáp của Thượng Sĩ với vua Trần Nhân Tông về tội phước cho thấy tâm Thượng Sĩ rỗng rang tự tại, vượt qua những ý niệm đóng khuôn trong thức tình đối đãi. Chay mặn, giữ giới, không giữ giới đều sáng ngời trong tâm Thượng Sĩ, không lưu lại dấu vết mờ đục nghi ngờ.

Có vị tăng hỏi Thượng Sĩ:
- Thế nào là đại ý Phật pháp?
Thượng Sĩ đáp:
- Đầu trạnh vỗ sóng mắt sâu bọ,
  Cánh bằng tung gió ruột kiến trùng.

Chính câu hỏi này, trước kia ở Trung Hoa, Nghĩa Huyền ba lần hỏi Hòa thượng Hoàng Bá, ba lần bị ăn gậy. Ở đây, Thượng Sĩ không dùng gậy, nhưng dùng được ngôn ngữ rất khéo léo tài tình.

Đầu trạnh là nhỏ nhoi, vỗ sóng là lớn lao, mắt sâu bọ là nhỏ nhít.
Cánh bằng là to tát, ruột kiến trùng là nhỏ nhoi.

Nghe thế ai hiểu được gì? Chính đó là đánh tan niệm phân biệt lớn nhỏ hai bên, ngay đó lặng lẽ tự thầm hợp. Còn có chỗ hiểu tức thuộc nơi duyên, chưa phải thật. Người mang đầu óc ưa phân tích, càng muốn phân tích để hiểu, càng không thể hiểu. Nếu có hiểu, cũng là hiểu gượng gạo, hiểu gán ép, không phải thực hiểu. Phải một phen chết đi cái hiểu thường tình đó, trong ấy tự sống dậy mới thật không ngờ!
Có vị tăng hỏi:
- Thế nào là Pháp thân thanh tịnh?
Thượng Sĩ đáp:
- Ra vào trong nước đái trâu,
Chui rúc trong đống phân ngựa.

Làm sao hiểu? Nước đái, phân ngựa là nhơ nhớp, hôi thúi, pháp thân thanh tịnh ở trong nước đái trâu, ở trong phân ngựa đó sao? Tìm trong đó bao giờ có? Chính đây, Thượng Sĩ đã khéo đập tan ý niệm NHƠ-SẠCH nơi người hỏi. Còn nghĩ đây là thân thanh tịnh, kia là thân nhơ nhớp; bỏ cái nhơ nhớp, lấy cái thanh tịnh, tức đang sống trong tình lấy bỏ, vẫn nằm trong dòng sanh tử, không thể thấy pháp thân thanh tịnh. Ngay đó, quên bặt niệm NHƠ – SẠCH, lặng lẽ như như, tức liền thầm hợp, khỏi cần giải thích. Tâm thiền của Thượng Sĩ sâu xa cao tuyệt như thế. Và qua những bài Phật Tâm Ca, Sanh Tử Nhàn Nhi Dĩ, Phóng Cuồng Ca, trong ấy đã biểu lộ một sức sống thiền mạnh mẽ, vượt qua những giới hạn của tâm suy nghĩ thông thường luôn chết trong khái niệm. Ở đây, một sức sống chân thật từ nội tâm Thượng Sĩ tỏa ra, không qua cái khuôn ý thức hiểu biết.

Trong đây, còn nổi bật một điểm đặc biệt là, những vị tăng cũng tự đến hỏi đạo với Thượng Sĩ, xóa tan ý niệm phân cách xuất gia, tại gia, ta là tăng kia là tục, đúng với tinh thần học lẽ thật. Lẽ thật vốn không có hình tướng, không thuộc thân thể nam nữ, tăng tục, phàm thánh. Thấy tánh là thấy lẽ thật. Với nét đặc biệt này, thiền Trúc Lâm càng làm sáng tỏ chân lý bình đẳng của đạo Phật: đánh thức sự giác ngộ sẵn có nơi mọi người. Đó là con đường đưa người đi lên, trừ bỏ mặc cảm tự ti, tội lỗi, vì ai ai cũng có phần giác ngộ.

5. ĐỐN NGỘ NGAY ĐỜI NÀY

Với tinh thần đốn ngộ của Thiền tông, Thiền phái Trúc Lâm nêu cao tông chỉ đốn ngộ ngay đời này, không phải mongđợi ở đời nào khác. Ai có công phu tương xứng thì chính ngay bản thân mình tức khắc thể nghiệm được chân lý giác ngộ của Phật, Tổ, rất xác thực. Nếu một chân lý mà chỉ có sau khi chết mới biết được, vậy làm sao chứng minh lẽ thực của nó? Làm sao bảo đảm để tin?

Sơ Tổ Trúc Lâm đã từng nhấn mạnh: Mọi người ăn cơm, ăn cháo, tại sao không rõ được việc bát, việc muỗng? Tức ngay chỗ sống hàng ngày đây, cần đốn ngộ thẳng trong đó thôi. Ánh sáng Chánh giác luôn biểu hiện ngay trong chỗ cầm bát, động muỗng, rất gần gũi với mọi người, không có gì xa lạ cả.
Và đáp vị tăng hỏi về gia phong của Ngài như sau:
- Áo rách che mây sáng ăn cháo,
Bình xưa tưới nguyệt tối uống trà.
Gia phong tức nét đặc biệt của Tông môn, hay sức sống thiền nơi mình, nó vốn đơn giản như thế. Chính ngay trong mọi việc làm hàng ngày đó, sức sống thiền của các ngài đã thể hiện đầy đủ trong đó. Ai ai cũng đều có thể chứng nghiệm được việc đó, không phải mập mờ hẹn người qua bên kia thế giới!
Chúng ta hãy lắng nghe thêm một đoạn nhân duyên được Thiền sư Pháp Loa ghi lại. Sư hỏi vị tăng:
- Chúng làm gì?
Tăng đáp:
- Niệm Phật.
Sư bảo:
- Phật vốn không tâm thì niệm cái gì?
Tăng thưa:
- Chẳng biết.
Sư bảo:
- Ngươi đã chẳng biết, vậy nói đó là ai?

Rất thực tế rõ ràng, Sư đánh thức cho ông tăng tỉnh trở lại ngay cái đang đối đáp trước mặt đây. Ông đáp chẳng biết, nhưng cái gì Biết trả lời? Mê chỗ này thì chạy tìm mãi kiếp này qua kiếp nọ. Ngộ lại chỗ này thì vượt qua vô số kiếp mê mờ! Quả thật đó là con đường thẳng tắt, là chân lý hiện thực rõ ràng không chút lờ mờ. Chỉ tâm người chưa nhanh để bắt kịp thôi! Chánh pháp sáng tỏ ở thế gian cũng từ trong đó. Phật ra đời cũng từ trong đó. Tổ ra đời cũng từ trong đó.
 

[ Quay lại ]