headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 22/11/2024 - Ngày 22 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

TINH THẦN GIÁC NGỘ CỦA ĐẠO PHẬT

I. MỞ MÀN ĐẠO PHẬT BẰNG SỰ GIÁC NGỘ

Chúng ta xét lại cho tột nguồn xem, Đạo Phật có ra từ đâu? Và Phật pháp còn lưu truyền cho đến ngày nay là bắt đầu từ đâu mà có? Quả thật là bắt nguồn từ sự giác ngộ của Đức Phật Thích Ca chứ gì? Tức la sau bao năm đi tìm học vị thầy này, vị thầy nọ, cuối cùng thái tử Tất Đạt-Đa không thỏa mãn, Ngài bèn từ giã hết, đến cội Tất-bát-la ngồi thiền suốt 49 ngày đêm, đến đêm 49 khi sao mai mọc Ngài bừng dậy Giác ngộ thành đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, được gọi là Phật và cây Tất-bát-la được gọi là cây Bồ-đề cũng bắt đầu từ đó.

Chính từ ÁNH SÁNG GIÁC NGỘ đó, Phật đi thuyết pháp giáo hóa chúng sanh, rồi thành lập tăng đoàn, có Phật Pháp Tăng đầy đủ trên thế gian, có tín đồ Phật tử nương về tu học, tức có đạo Phật.

Sau này, chư Tổ tiếp nối theo con đường Phật chỉ lại đó mà tu hành và thực chứng sự giác ngộ ấy ngay chính mình, rồi truyền tiếp qua cho người cùng cảm nhận được lẽ thật đó, chứng minh hùng hồn cho ánh sáng chân lý trên là đúng như thật, không phải điều lý thuyết suông chỉ có trên ngôn ngữ. Cho nên chúng ta chín chắn nhìn kỹ lại hẳn thấy rõ, những giáo pháp được Phật nói ra đều từ ánh sáng giác ngộ đó mà lưu xuất. Thiếu ánh sáng giác ngộ đó thì Phật pháp có còn là Phật pháp chăng? Hay chỉ là những trang chữ nghĩa chết?

Ngài Lâm Tế từng nói: “Thế nào là pháp? Pháp, chính là tâm pháp, tâm pháp không hình, thông suốt cả mười phương, hiện dừng ngay trước mắt. Người tin chẳng kịp bèn nhận danh, nhận cú, nhằm trong văn tự muốn suy lường Phật pháp, thật cách xa trời đất!”.

Ở đây Ngài Lâm Tế xác định rõ, pháp thật chính là tâm, rời ngoài tâm không có pháp thật nào hết. Nếu người cứ bám vào trong văn tự, chữ nghĩa để tìm Phật pháp, hẳn không thể thấy Phật pháp thật. Bởi vì giác ngộ là ở nơi tâm, từ “tâm giác ngộ” mới thấy được Pháp và chính từ đó mới nói ra pháp, do đó, pháp có nói ra, cốt đều chỉ cho người trở về bản tâm là gốc. Đây là một lẽ thật trên hết, người học Phật không thể quên.

II. NGHĨA PHẬT LÀ GÌ?

Tên Phật, nói đủ là PHẬT ĐÀ ĐA, Trung Hoa dịch là Giác giả, tức một người đã giác ngộ. Như vậy rõ ràng ý nghĩa trong đây vốn chỉ Đức Phật là một con người đã Giác ngộ hoàn toàn viên mãn chứ không gì lạ. Trước khi thành đạo, Ngài sanh ra là một con người như bao nhiêu con người khác, cũng có cha, có mẹ, có vợ, có con, có sanh, có tử, có tìm thầy học đạo v.v…, nhưng đặc biệt Ngài không giống như mọi người là, không chấp nhận một dòng đời vô nghĩa như bao nhiêu người đang sống. Ngài không an phận trong kiếp người sanh già bệnh chết này, mà quyết tìm cách vươn lên, quyết tìm con đường để giải quyết cái khổ “truyền kiếp” này!

Với con người, ai nấy đều cho đó là một định luật từ ngàn xưa để lại không thể làm sao hơn, nhưng với Ngài, Ngài quyết phải thắng được định luật đó. Điều mà bao nhiêu con người cho là “vốn như thế”, với Ngài thì “Không phải vốn như thế” mà nó “phải có nguyên nhân của nó”, tìm được nguyên nhân tưc liền có cách giải quyết xong. Do đó Ngài sẵn sàng vượt thành xuất gia, bỏ lại đàng sau mọi sự nghiệp cao sang của thế gian, quyết tìm nguyên nhân đưa đến cuộc sanh tử luân hồi triền miên này, không thể cúi đầu chấp nhận như thế được, và quả nhiên Ngài đã thành công.

Trong kinh Tương Ưng Bộ, bài kinh Đại Thích Ca Mâu Ni Cù Đàm, Phật tự thuật:

- Thưở xưa, này các Tỳ kheo, trước khi ta giác ngộ, chưa chứng Chánh Đẳng Giác, còn là Bồ Tát, tư tưởng sau đây được khởi lên:

“Thật sự thế giới này bĩ hãm trong khổ não, bị sanh, bị già, bị chết, bị đoạn diệt và bị tái sanh; và từ nơi đau khổ này, không biết sự xuất ly, thoát khỏi già chết từ nơi đau khổ này, không biết khi nào được biết đến sự xuất ly già chết”.

Rồi này các Tỳ kheo, ta lại suy nghĩ như sau: “Cái gì có mặt; già chết có mặt? Do duyên gì, già chết sanh khởi?” Rồi này các Tỳ kheo, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ, ta phát sinh minh kiến như sau: “Do sanh có mặt nên già chết có mặt. Do duyên sanh nên già chết sanh khởi”.

Rồi này các Tỳ kheo, sau khi như lý tư duy về vấn đề này, nhờ trí tuệ, ta phát sinh minh kiến như sau: “Do vô minh có mặt nên hành có mặt. Do duyên vô minh nên hành sanh khởi”.

Như vậy vô minh duyên hành, hành duyên thức… (như trên)… hữu duyên sanh, sanh duyên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não sanh khởi. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.

“Tập khởi, tập khởi”, này các Tỳ kheo, đối với các pháp từ trước chưa từng được nghe, chính nơi ta, nhãn khởi lên, trí khởi lên, tuệ khởi lên, minh khởi lên, quang khởi lên”.

Rồi này các Tỳ kheo, ta lại suy nghĩ như sau: “Cái gì không có mặt, già chết không có mặt? Do cái gì diệt, nên già chết diệt? “Rồi này các Tỳ kheo, sau khi như lý tư duy về vấn đề này, nhờ trí tuệ, ta phát sinh minh kiến như sau: “Do sanh có mặt nên già chết có mặt. Do sanh diệt nên già chết diệt”.

Rồi này các Tỳ kheo, ta lại suy nghĩ như sau: “Cái gì có mặt, sanh không có mặt… hữu… thủ… ái… thọ… xúc… sáu xứ… danh sắc… thức… hành… Do cái gì diệt, hành diệt”.

Rồi này các Tỳ kheo, sau khi như lý tư duy về vấn đề này, nhờ trí tuệ, ta phát sinh minh kiến như sau: “Do vô minh có mặt nên hành có mặt> Do duyên vô minh nên hành sanh khởi”.

Như vậy, vô minh diệt hành diệt; hành diệt, thức diệt… như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ Khổ uẩn này.

“Đoạn diệt, đoạn diệt”, này các Tỳ kheo, đối với các pháp từ trước chưa từng được nghe, chính nơi ta nhãn khởi lên, trí khởi lên, minh khởi lên, quang khởi lên”.

(Tương Ưng Bộ Tập II, trang 24-26)

Tức là Đức Phật phăng tìm nguyên nhân của lão tử, phăng đến tột cùng liền khám phá ra chính vô minh là gốc sanh khởi để tập thành mười hai nhân duyên, đó là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn mà tất cả chúng sanh phải mang lấy trong cuộc luân hồi này.

Dứt vô minh, theo đó các duyên đều dứt, sanh tử khổ não dừng, là giải quyết xong vấn đề sanh tử triền miên từ vô thủy đến nay.

Nghĩa là, do mê mờ bản thể chân thật, lầm chấp các Ngã giả dối này, từ đó sanh tâm động niệm, tạo nghiệp dẫn thức đi thọ sanh dài dài trong sáu nẻo không dứt! Ngay đó, Ngài giác ngộ phá tan vô minh; không chỗ để sanh tâm động niệm, cắt đứt dòng sanh tử từ vô thủy, giải quyết xong cái khổ truyền kiếp của con người nói riêng, của chúng sanh nói chung, đem lại NIỀM TIN cho tất cả thế gian. VẤN ĐỀ SANH TỬ ĐÃ CÓ CÁCH GIẢI QUYẾT RỒI!

Từ đó có câu: “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành”, xác định rõ, ai ai cũng đầu có khả năng giải quyết vấn đề đó cả.

Hoặc câu: “Kia đã trượng phu, ta đây cũng thế”. Đức Phật là một con người, Ngài làm được việc đó, ta cũng là một con người, tại sao không thể làm được? Đâu thể tự khinh mình!

Trong Kinh Tạng Nikaya, có bài Kinh kể rằng: Một hôm Phật đi trên đường để lại những dấu chân in sâu trên đất. Có một vị Bà la môn tên Dona giỏi về tướng số, thấy dấu chân có xoáy ốc, biết là tướng phi phàm, ông liền đi theo dấu chân tìm đến gặp Phật. Ông hỏi:

- Ngài có phải tiên không?

Phật bảo:

- Ta không phải tiên.

- Ngài có phải A tu la không?

- Ta không phải A tu la.

- Ngài có phải Dạ xoa không?

- Ta không phải Dạ xoa.

- Ngài có phải người không?

- Ta không phải người.

- Thế Ngài là gì?

- Phật bảo:

- Nếu Tiên mà sạch hết lậu hoặc thì ta là tiên. Nếu A tu la mà sạch hết lậu hoặc thì ta là A tu la. Nếu Dạ xoa mà sạch hết lậu hoặc thì ta người. Còn ta, vì đã qua hết các lậu hoặc nên ta là Phật, là Thế Tôn.

Như vậy, Tiên, A tu la, Dạ xoa đều có Phật, nếu sạch lậu hoặc tức những phiền não mê lầm khiến mình rơi rớt trong sinh tử luân hồi. Hay nói ngược lại, Phật vốn có đủ trong tất cả, nếu Tiên, A tu la, Dạ xoa mà sạch hết lậu hoặc, tức đã chuyển cái tên Tiên, A tu la… thành tên Phật, tên Thánh rồi. Đây là một ý nghĩa rất quan trọng, từ đó càng làm sáng tỏ tinh thần vô ngã tuyệt vời trong đạo Giác ngộ; nghĩa là, chúng sanh không cố định là chúng sanh, Phật không cố định là Phật, nên mới có chuyển chúng sanh thành Phật. Mê không cố định mê mãi, mà có thể chuyển “mê” thành “giác”, không còn phải mặc cảm tội lỗi để chìm sâu trong đường tối tăm. Đều có thể chuyển hết! Đó là một niềm tin vững mạnh để vươn lên, một chân lý bình đẳng cao tuyệt, một ánh sáng hy vọng đềy vui sướng! CHÚNG TA KHÔNG PHẢI LÀM CHÚNG SANH MÊ MUỘI MÃI MÃI!

Thử hỏi còn chân lý nào hơn thế nữa?

III. NÓI ĐẾN ĐẠO PHẬT LÀ NÓI ĐẾN GIÁC NGỘ

Rõ được ý nghĩa trên, chúng ta thấy chắc chắn không nghi ngờ: Nói đến đạp Phật là nói đến giác ngộ, đây là điều không thể thiếu, nhưng giác ngộ có cạn, có sâu tùy trình độ mỗi người.

Nếu cạn thì giác ngộ điều dở, điều xấu để bỏ, làm điều lành, điều tốt để chuyển hóa tâm hồn ngay trong cuộc sống của mình.

Lên bậc nữa, là giác ngộ vô thường, vô ngã, giác cái nhân sanh tử, mê lầm Ái ngã khiến dứt sạch thì đạt vô sanh-Niết bàn.

Tiến lên nữa, giác bản tánh chân thật bất sanh bất diệt cùng Phật không khác, giác Phật tánh sẵn có nơi mỗi chúng sanh. Mê bản tánh này là căn bản vô minh, là mở đường đi vào cuộc luân hồi từ vô thỉ! Giác bản tánh này là con đường thành Phật.

Vậy có ai không bản tánh này? Không bản tánh sao có mặt trên đời? Rồi tu hành để làm gì? Sự thật, tu hành cuối cùng là giác ngộ bản tánh chân thật này và sống trọn vẹn trong ấy thôi. Chưa giác ngộ bản tánh này là chưa tội con đường giác ngộ. Kinh Pháp Hoa, Phật đã xác định rõ:

                “Chỉ một việc này thật,

                Có hai chẳng phải chân”.

- Trong Huyết Mạch Luận, Tổ Sư bảo: “Phật nói tất cả chúng sanh trọn là người mê, nhân đây tạo nghiệp, rơi vào sông sanh tử, muốn ra lại vào, chỉ vì chẳng thấy tánh. Chúng sanh nếu chẳng mê nhân đâu hỏi đến việc trong ấy, không có một người lãnh hội được, tự nhà mình giơ tay, động chân vì sao chẳng biết?”.

Là việc chúng ta sống hằng ngày đây, giơ tay, động chân đó nhưng hỏi đến lại lờ mờ không biết, cứ đi nhận những cái đâu đâu, không mê là gì? Hãy xét kỹ xem: ai xen vào trong ta để làm những chuyện đó? Quả thật không ai khác xen vào, vậy tại sao mình không rõ? Cho nên, mỗi người cần giác ngộ trở lại chỗ này, đó chính là bản hoài Phật ra đời mà Kinh Pháp Hoa Đức Phật đã thổ lộ rõ ràng: “Các Đức Phật Thế Tôn vì muốn cho chúng sanh KHAI TRI KIẾN PHẬT để được thanh tịnh mà hiện ra đời; vì muốn cho chúng sanh TỎ NGỘ TRI KIẾN PHẬT mà hiện ra đời”.

Nói đơn giản là, Chư Phật ra đời chỉ vì một vịêc: “Chỉ bày” cho chúng sanh “ngộ nhập” TRI KIẾN PHẬT chứ không có gì khác. Mà TRI KIẾN PHẬT tức cái “thấy biết giác ngộ” chứ gì!

Rõ ràng đến với đạo Phật là đến với giác ngộ không còn nghi ngờ!

IV. GIÁC NGỘ Ở ĐÂU?

Chính đây là điểm quan trọng. Không rõ được điểm này, cứ lo chạy tìm đâu đâu, thì càng tìm càng xa, có khi lầm lẫn dễ bị gạt!

Chúng ta hãy nhớ lại, Đức Phật Thích Ca sau bao năm tìm học ở các vị thầy, cuối cùng Ngài buông hết đến dưới cội bồ đề ngồi thiền định, rồi Giác ngộ, vậy giác ngộ đó từ đâu đến? Người học Phật đều biết rằng, khi thấy sao mai mọc, Ngài giác ngộ ngộ thành đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, vậy trước khi sao mai mọc, đạo Chánh Đẳng Giác đó ở đâu? Đến khi sao mai mọc, Nó ở đâu chạy lại khiến Ngài Giác? Rõ ràng Giác đó, chính là tâm Giác thôi, quyết không thể có gì khác. Giác ngộ vốn ở ngay nơi tâm, ngoài tâm tìm giác ngộ, đó là giác ngộ trong kinh điển, trong sách vở ghi chép lại.

Cũng trong Huyết Mạch Luận, Tổ Sư bảo: “Phật là tự tâm mình làm thành, nhân đâu lìa ngoài tâm này tìm kiếm Phật? Phật trước, Phật sau chỉ nói tâm ấy, Tâm tức là Phật, Phật tức là tâm, ngoài tâm không Phật, ngoài Phật không tâm. Nếu nói ngoài tâm có Phật, Phật ở chỗ nào?”

Đây Tổ xác định rõ, Phật chính tự tâm chúng ta làm thành, không thể tìm đâu khác. Bởi, ngoài tâm làm sao có giác? Ngoài tâm, Phật lấy cái gì giác? Cái giác đó ở đâu? Lẽ thật rõ ràng như thế ! Mà ai không có tâm? Không có tâm hẳn đã thành người thiên cổ rồi! Vậy ai cũng có tâm, thì quyết đều có Giác không nghi ngờ.

Chính đoạn đầu trong Huyết Mạch Luận, Tổ Sư bảo: “Ông hỏi tôi chính là tâm ông, tôi đáp ông chính là tâm tôi. Nếu tôi không có tâm, nhân đâu biết đáp ông? Nếu ông không có tâm, nhân đâu biết hỏi tôi? Hỏi tôi chính là tâm ông, từ vô thỉ kiếp lâu xa đến nay, cho đến mọi hành động tạo tác, trong tất cả thời, tất cả chỗ đều là bản tâm ông, đều là bản Phật của ông. Tức tâm là Phật cũng lại như thế. Trừ ngoài tâm này, không Phật nào khác có thể được, lìa ngoài tâm này tìm bồ đề, Niết Bàn không có lẽ ấy”.

Thử hỏi, ai không có việc hỏi đáp ấy? Nhưng tại sao không nhận? Rồi lại đi tìm hỏi nơi người? Đã là tự tâm mình, sao lại đến người hỏi? Và nên nhớ, ngoài tâm tìm Bồ đề, Niết Bàn, đó là Bồ đề, Niết Bàn trên sách vở, chữ nghĩa, không phải Bồ đề , Niết Bàn thật. Tuy nhiên chỗ này phải chính chắn, nếu hấp tấp cũng dễ lầm. Bảo rằng: “Hỏi tôi chính là tâm ông, đáp ông chính là tâm tôi”. Quả thật, nếu không có tâm, làm sao có việc hỏi đáp đó, nhưng nếu nhận cái hỏi đáp đó làm tâm thì sao? Khi không hỏi đáp, liền không có tâm! Vậy đó là cái sanh diệt rồi! Vì hỏi đáp là động, im lặng không hỏi đáp là tịnh, cũng thuộc hai đầu động tịnh, sao gọi là bản tâm? Cần rõ, đây là nhân cái “Dụng” nhắc người nhận lại cái “Thể Biết” chưa từng động tịnh kìa! Tức cái gốc phát ra mọi động dụng đó. Chỗ này làm sao lý luận đến được.

V. CẦN CHỨNG NGHIỆM.

Đến chỗ cứu cánh chân thật là phải tự chứng nghiệm thôi, ngoài ra không có cách gì khác để biết.Chính Đức Phật ngay từ buổi đầu mới thành đạo Ngài đã ngầm nói lên ý đó rồi. Tức là thành đạo xong, Ngài do dự không muốn đi thuyết pháp, đợi Phạm Thiên thỉnh mấy phen Ngài mới hứa khả. Trong Kinh Thánh Cầu – Trung Bộ, chính Phật đã thuật lại: “Này các Tỳ kheo, rồi ra suy nghĩ như sau: Pháp này do ta chứng được thật là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tích tĩnh, cao thượng, siêu lý luận, vi diệu, chỉ người trí mới hiểu thấu”.

Và trong Kinh Tạp A Hàm tập II, bài kinh 404, lúc Phật ở tại nhà phước đức, nơi Rừng Trúc, thành Vương Xá, cùng chúng tỳ kheo đi đến rừng Thân Thứ, Ngài nắm một nắm lá trong tay, hỏi các tỳ kheo: “Lá cây trong tay ta nhiều hay lá cây trong rừng nhiều?”. Các Tỳ kheo đáp: “Lá cây trong tay Phật rất ít, còn lá cây trong rừng nhiều không tính kể”. Phật liền bảo: “Ta thành Đẳng Chánh Giác, những pháp do ta tự thấy mà vì người giảng nói chỉ ít như lá cây trong tay. Còn chánh pháp ta tự tri khi thành Đẳng Chánh Giác mà không nói ra thì nhiều như lá cây trong rừng”.

Tại sao Phật tu hành giác ngộ, rồi Ngài không muốn nói lại cho người? Phật nói rõ: “Vì pháp ấy sâu kín, khó thấy, vượt ngoài mọi lý luận, chỉ người trí mới hiểu thấu”. Tức ngầm chỉ, chỗ Ngài chứng đó, vốn vượt ngoài ngôn ngữ, danh tự, bỏ xa lý luận, suy nghĩ hiểu biết, chỉ có người tự chứng mới cảm thông thôi. Vậy làm sao nói đây? Chính đó là Phật đã ngầm nhắc cho hàng đệ tử sau này, phải thấy thấu đến chỗ sâu kín đó, chớ kẹt trên ngôn ngữ nói năng của Ngài đã nói ra, vậy mà đệ tử về sau cũng vẫn kẹt!

Rồi Phật đã xác nhận, những điều Ngài đã nói ra, chỉ là nắm lá trong tay thôi, còn những điều Ngài chưa nói hết được như lá cây trong rừng. Như vậy chứng minh rõ ràng, dù chúng ta học cả Tam tạng kinh điển, cũng chỉ là học nắm lá trong tay Phật, còn lại vô số lá cây trong rừng kia làm sao học? Nếu không học thấu được chỗ này, làm sao thấy được Phật? Điều này chính là Phật ngầm nhắc: chúng ta phải học thấu qua nắm lá trong tay đó, phải vượt qua ngôn ngữ văn tự, tự thể nhận, tự chứng nghiệm ngay chính mình, bằng sức sống giác ngộ chân thật đó, chúng ta mới cảm thông được Phật! Mới thầm hợp ý Phật!

Tổ Lâm Tế từng bảo: : Đại đức! ông nhớ nhận chiếc áo, chiếc áo chẳng biết cử động. Chính người hay mặc áo, có chiếc áo thanh tịnh, có chiếc áo vô sanh, áo bồ đề, áo niết bàn, áo Tổ, áo Phật. Đại Đức! Chỉ có tiếng gọi, lời nói thảy đều là sự biến đổi của chiếc áo. Do từ huyệt khí hải dưới rốn kích động lên đôi hàm răng mà phát ra thành câu có ý nghĩa, biết rõ là huyễn hóa”. Đây Tổ Lâm Tế nói rõ, Phật, Tổ, Bồ đề, Niết bàn cũng là danh từ, thuộc áo mặc bên ngoài thôi. Người chân thật học đạo cần thấu rõ, cái gì là bồ đề, Niết bàn? Cái gì là Phật, Tổ? Đó mới là trọng yếu! Không thể chết cứng trên những danh từ kia. Vì vậy nhà Thiền có câu: “Hạnh giải tương ưng, danh vi viết Tổ” tức là hiểu và hành khế hợp nhau, gọi đó là Tổ. Nếu nói: Tôi giác ngộ! Tôi thấy tánh! Tôi tự tại! Dễ quá! Nhưng thật có giác ngộ, thật có thấy tánh, thật có tự tại chăng? Hẳn còn là việc khác.

Trong nhà Thiền có đoạn nhân duyên: Một Thiền sư ở trên núi, nhân có việc xuống núi, lúc trở về gặp một người cư sĩ cưỡi ngựa chạy ngang qua, ông cư sĩ thấy sư bèn gò cương ngựa lại hỏi:

- Thầy đi về đâu?

Thiền sư đáp:

- Tôi về đạo tràng.

Cư sĩ nói:

- Nơi nơi đều là đạo tràng, vậy thầy về chỗ nào?

Bất ngờ, Thiền sư thoi vào hông cư sĩ bảo:

- Kẻ vô lễ! Đã đến đạo tràng mà không xuống ngựa!

Cư sĩ câm họng.

Cho thấy, ông cư sĩ học nói đâu đâu cũng là đạo tràng, nhưng bị Thiền sư gạn lại đành câm họng. Rõ ràng ông chưa có chỗ sống chân thật, chưa tự mình cảm nghiệm qua. Nếu quả thật ông cư sĩ có chỗ sống chân thật hẳn hoi, thì tự có câu trả lời dễ dàng thôi.

Này nhé! Đã là “đâu đâu cũng là đạo tràng” thì “ngồi trên lưng ngựa cũng là đạo tràng”! Chỉ có thế thôi mà đáp không được, mới thấy chỗ thật, hư đâu để lừa dối.

VI. TÓM KẾT

Bắt nguồn của đạo Phật là từ giác ngộ, vậy người học Phật cũng phải có giác ngộ không thể thiếu. Thực tế giác ngộ không phải cái gì xa lạ, ở đâu đâu, mà ở chính ngay Tâm người thôi, thì tại sao chúng ta không chịu khai thác ra? Điều xác quyết chắc chắn là, Giác ngộ không thể có trong sách vở chữ nghĩa, sách vở chữ nghĩa hẳn không thể ghi chép được ánh sáng giác ngộ. Đừng phí công giam mình trong những cái khuôn chết đó, mà phải tự sống dậy ngay chính mình.

Ai ai cũng có tâm thì ai ai cũng có quyền giác, không ai có thể ngăn cản ai. Đây là một lẽ thật bình đẳng cho tất cả, và cũng chính là điểm đặc biệt trong nhà Phật. Rất là nhân bản, rất là con người!

Phật chỉ là một “Đạo sư” tức là vị thầy dẫn đường, chỉ lối thôi, còn lại là mỗi người phải tự đi không thể ỷ lại vào ai khác. Nghĩa là, mỗi người các ông phải tự giác cũng như Ta đã giác, không có việc chỉ về quỳ dưới chân ta. Trên thế gian này, thử tìm chân lý nào tốt đẹp hơn?

Đây xin kết thúc bằng bài kệ của cổ đức;

                Ngã tâm bổn dữ Phật tâm tề

                Khoáng kiếp phiêu trầm chỉ vị mê.

                Bồ đề phạm ngự, Đường ngôn giác

                Tâm tịch nhi tri thị bồ đề.

Nghĩa

            Tâm ta tâm Phật vốn không hai,

            Nhiều kiếp nổi chìm bởi tại mê.

            Tiếng phạn bồ đề, Hán gọi giác,

            Tâm “tịch” mà “tri” ấy bồ đề.

Tâm ta – Tâm Phật cũng một tâm. Nói Bồ đề, nói giác cũng là danh từ, cần giác ngộ trở lại ngay chỗ tâm “tịch” mà “tri” ấy! Tức phải nhớ kỹ: tịch mà tri, nghĩa là “lặng” mà “biết”, “biết” mà “lặng”, phải đủ hai nghĩa như thế không thể thiếu một. Lặng mà thiếu Biết là mê mờ, Biết mà thiếu Lặng là động khởi, là sinh diệt lăng xăng. Còn ngay cái Biết mà lặng lẽ không một đối tượng gì, không một bạn bè nào, thì Phật, Tổ hiện sáng ngời trong đó!

Phật pháp sâu xa mầu nhiệm không thể nghĩ bàn chính ngay đây, khỏi tìm đâu khác.

Người thật tâm đến với Phật pháp không thể bỏ qua chỗ này!

Phật ra đời hay thành đạo là ngay từ đó mà thôi!

 

[ Quay lại ]