headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 03/11/2024 - Ngày 3 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Ý NGHĨA ĐIÊN ĐẢO

 I- ĐỊNH NGHĨA:

Lâu nay người học Phật đều nghe Phật bảo: “Chúng sinh điên đảo”, tức là muốn chỉ chúng sanh , trong đó có chúng ta đều đang sống trong điên đảo, nhưng điên đảo là gì ? Cần phải thấu rõ.

Điên: Là mê cuồng mất sáng suốt, không còn tỉnh táo, làm việc không tự chủ.

Đảo: Là lộn ngược.

Vậy “điên đảo” là mê cuồng mất sáng suốt, thấy lộn ngược trái lẽ thật. Thí dụ phương Đông cho là phương Tây, phương Nam cho là phương Bắc, đồ giả cho là đồ thật, do đó khiến đi lầm, đi bậy không đến mục đích, hoặc nhận lầm bị thất vọng đau khổ. Phật bảo chúng ta đây cũng điên đảo như thế.

II- ĐIÊN ĐẢO CÁI GÌ ?

1/ THẤY THÂN LỘN NGƯỢC:

* Thân này là thật hay giả  ?

Nếu chưa hiểu đạo thì trăm người như một đều thấy thân này là thật, Vì nó có hình tướng rõ ràng làm sao nói giả ? Song nếu nó là thật thì phải bến chắc, không hư hoại, ngược lại cái gì có đó rồi mất đó, sao gọi là thật ? Thân này có chợt có đó rồi mất đó hay không ? Mới nói chuyện với nhau đó, qua đường bị tai nạn, liền mất đó. Mới cười nói vui vẻ với nhau đó, chợt đứt mạch máu ngã ra chết đó… Vậy thật ở chỗ nào ?

Phật dạy thân này là giả hợp, trước vốn không có, do duyên cha mẹ kết hợp với nghiệp thức mà tạm có ra. Nó có ra rồi cũng phải mượn duyên bốn đại bên trong, tức bốn chất đất nước gió lửa hòa hợp chung nhau để tồn tại. Những chất cứng như gân, xương, tóc, lông, răng, móng, … là đất. Chất lỏng như máu, mật, các dịch… là nước. Chất nóng như hơi ấm, nhiệt độ là lửa. Chất động như hơi thở, tim đập, mạch nhảy là gió. Bốn thứ đó chung nhau điều hòa thì tạm sống yên ổn, hạnh phúc. Bốn thứ trái nghịch chống chọi nhau thì bệnh hoạn đau đớn. Như nước mạnh hơn lửa thì sanh lạnh run; lửa mạnh hơn thì sanh nóng sốt nhức đầu; gió mạnh hơn đất thì sanh cảm nhức co giật… Một hơi thở đi ra không trở vào là chết mất, vậy thật ở chỗ nào ? Hòa thượng Thích Thanh Từ có bài kệ bốn câu rất ý nghĩa:

                                 Mạng sống trong hơi thở

                                Trong nhịp đập trái tim

                                Thế nào là mạng sống ?

                                Sự vay mượn liên tục.

Mạng sống của con người hiện đang sống rất là mỏng manh, chỉ tạm tồn tại trong từng hơi thở thôi, lẽ thật đó rõ ràng đâu thể chối cãi. Cũng vậy, nó sống theo nhịp đập của quả tim, tim ngừng đập là chết. Vậy mạng sống đó, thực sự là sống thế nào ? Chỉ sống trong sự vay mượn chứ gì! Hít vào là mượn không khí từ bên ngoài để bổ túc cho gió bên trong, không mượn nữa thì ngã lăn ra chết. Thật giả của thân này quá rõ ràng, nhưng mấy ai đã thấy chính xác, mà hầu hết chúng ta đều thấy nó là thật, nên bám chặt vào nó, khiến tạo thành muôn ngàn thứ nghiệp, đó là điên đảo quá rõ.

* Thân này là sạch hay nhơ  ?

Ai dám bảo thân mình là nhơ ? Nhưng xét kỹ lại xem, nó có thật sạch chăng ? Nếu nó thật sạch thì những tiệm mỹ phẩm nước hoa, dầu thơm, xà bông thơm… đều phải đóng cửa hết, đâu cần đến mấy thứ đó làm gì! Sở dĩ phải dùng đến những thứ đó, tức nói lên bản chất của nó là hôi nhơ, nên phải dùng những thứ ấy để che bớt, át bớt mùi hôi nhơ khiến người ngồi gần bên phải khó chịu. Hơn nữa, những thứ thân thải ra có cái gì sạch chăng ? Quý nhật là phần trên của con người thì nước mắt, nước mũi có sạch chăng ? Ngay đến máu là mạch sống của con người, nếu ai đó lấy máu phết vào mặt mình, mình có thấy dễ chịu chăng  ?

Vậy mà ai ai cũng có cái tưởng là thân mình sạch đẹp, không bao giờ dám nghĩ là mình nhơ. Chẳng hạn trời nóng nực, thân mình thiếu tắm rửa, đi ngang qua bốc lên mùi khó chịu, người liền bảo: “Hôm nay anh có mùi gì lạ ?”, mình có vui vẻ gật đầu chăng ? Hay buồn giận ngược lại ? Lẽ thật là như vậy, chính mình cũng biết thân mình có mùi hôi nhưng cũng không dám chấp nhận, không phải là nhìn lộn ngược lẽ thật hay sao ? Điên đảo là đó!

* Thân này là ta hay chẳng phải ta ?

Có ai dám bảo thân này không phải là ta ? Song nếu bị tai nạn vào bệnh viện cưa hai chân quăng ra, thì đó là ai ? Ta là khúc xương thối vô tri đó sao ? Hoặc những trường hợp thay tim thay thận thì thế nào ? Tim thận thay vào đó là ta sao ? Bởi người thấy thân này là ta nên mới vì nó mà tạo muôn ngàn tội lỗi, chẳng hạn trộm cướp giết người cũng vì nó. Tìm thú vui này, thú vui nọ cũng vì nó. Nhưng cuối cùng nó cũng tan rã đưa vào nghĩa địa, là Ta ở chỗ nào ? Không phải thật là ta mà thấy là ta, nhận cho là ta, quả tang là điên đảo đúng như Phật bảo hết chối cãi!

2- THẤY TÂM LỘN NGƯỢC:

Trên là nói điên đảo về thân, còn về tâm thì chúng ta có điên đảo chăng ? Hiện giờ có ai không nhận những cái suy nghĩ, tưởng tượng là tâm mình ? Hẳn ai cũng nhận đó là tâm mình, cho nên suy nghĩ là “tôi suy nghĩ”. Do đó một triết gia Tây phương đã nói: “Vì tôi tu duy nên tôi có mặt, nên có tôi. Vậy thì đặt câu hỏi lại: - Nếu không tư duy thì sao ? Tức mất tôi, tôi không còn hiện hữu chứ gì! Nếu vậy, khi mình ngủ mê không mộng, hoặc lúc chụp thuốc mê, lúc đó mình đâu có tư duy, đâu có suy nghĩ gì, thì không có mình sao ? Nếu quả thật lúc đó mình không còn, thì đến lúc thức dậy, thuốc mê hết tỉnh lại, mình ở đâu chạy lại ? Rõ ràng tư duy chưa hẳn là ta.

Hơn nữa, với người thực tập thiền có công phu, sẽ nhận rõ những suy nghĩ, những tư tưởng của mình rất kỹ. Thế thì nó là cái bị nhận thấy, là đối tượng, sao gọi là mình ? Trong đó còn có cái hay nhận thấy lại nó nữa kìa! Chính đó mới là cái thường thấy, thường biết mà người người đều bỏ quên, chỉ nhớ có những tướng bị nhận thấy kia. Cái không phải thật là mình lại nhận cho là mình, đó là thấy lộn ngược, là điên đảo chứ gì ?

III- TU PHẬT LÀ MỞ SÁNG TRÍ TUỆ BÁT NHÃ

Điên đảo là mê lầm, là chúng sanh, là con đường dẫn vào luân hồi sanh tử, tạo nghiệp chịu khổ triền miên không có ngày dừng.

Giờ đây, tu theo Phật tức đi theo con đường giác ngộ, là mở sáng mắt trí tuệ, ngược dòng phàm phu, ngược dòng sanh tử, do đó phải chuyển cái nhìn trở lại, không thể nhìn theo chiều của tình mê. Thân tâm như thế nào, thấy đúng như thế ấy, như nó là nó, không lầm lẫn nó là mình, không gắn chặt thành kiến xưa nay vào trong nó, đó là tự mình giải cái mê lầm điên đảo cho mình.

Bởi mê là ai mê ? Ai làm cho mình mê thôi, không ai xen vào làm mình mê. Vậy thì giác, ai làm cho mình giác ? Cũng chính mình chứ không ai khác. Chính mình mê, cũng chính mình có quyền giác, không ai ngăn cản mình giác, cũng không ai giác thay cho mình.

Trước kia mình mê nên điên đảo thấy lộn ngược thân tâm này, không phải thật cho là thật, không phải sạch cho là sạch, không phải ta cho là ta. Nay  quán xét kỹ lại, thấy đúng như thật bản chất của nó, đó là mở con mắt trí tuệ bát nhã. Thử hỏi ai không có quyền thấy đúng lẽ thật đó ? Chỉ chúng ta có chịu nhận hay không thôi.

Kìa, Đức Phật từ đâu mà Ngài thành Phật ? Ban đầu Ngài cũng từ chúng sanh như chúng ta vậy thôi, chứ đâu phải bổng dưng Ngài từ trên trời rơi xuống. Nghĩa là Ngài cũng từ chúng sanh mình mà giác ngộ tiến lên thành Phật, và thành đó không phải thành ở sao mai, ở cội Bồ đề, mà thành ngay tự tâm giác ngộ. Chúng ta ai cũng có tâm, thì ai cũng có quyền giác, không thể tự khinh mình để thành lui sụt. Phật từng bảo:

“Kia đã trượng phu, ta đây cũng vậy.” Hay: “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành”, phải có đầy đủ niềm tự tin mà vươn lên.

IV- TÓM KẾT:

Điên đảo vốn không có tánh thật, giác tột nó liền hết. Giống như đêm tối người lầm phương Đông cho là phương Tây, khi có ánh sáng nhìn rõ thì hết lầm. Phương Đông vẫn là phương Đông, phương Tây vẫn là phương Tây, tìm cái lầm cũng không có chỗ. Biết lầm là hết lầm, không phải có cái lầm để trừ.

Lẽ thật ai ai cũng có quyền giác, tại sao lại cam đành sống trong điên đảo mê lầm mãi ? Sư thật, Phật đã phơi bày ra trước mắt, chỉ chúng ta chịu khó ứng dụng quán chiếu kỹ, trí tuệ tự mở, mắt sáng tự soi thấy. Quan trọng là tin nhận và thực hành. Biết rõ điên đảo thì hết điên đảo, song phải biết bằng chính trí tuệ do công phu thực hành quán chiếu tự phát ra, không thể trí tuệ từ bên ngoài mà được. Hãy tin chắc, điên đảo không cố định.

[ Quay lại ]