headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 03/11/2024 - Ngày 3 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

MẠCH NGUỒN THIỀN PHÁI TRÚC LÂM

 1. XÉT XA VỀ TRƯỚC

Như chúng ta đã biết, Thiền phái Trúc Lâm vốn dung hợp ba dòng Thiền đã có từ trước:

TỲ NI ĐA LƯU CHI – Thế kỷ 6:

Cuối thế kỷ thứ sáu, Thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi người Nam Thiên Trúc sang Trung Hoa, đắc pháp với Tam Tổ Tăng Xán và được Tam Tổ chỉ dạy về phương Nam truyền đạo. Vâng lời dạy của Tam Tổ, Sư đến Việt Nam ở chùa Pháp Vân tháng Ba năm Canh Tý 580, sau đó truyền pháp cho Thiền sư Pháp Hiền, người Việt Nam, mở đầu cho dòng Thiền tông giáo ngoại biệt truyền tại đất Việt.

Hệ truyền thừa gồm 19 thế hệ như sau:
- Thế hệ 1: Tỳ Ni Đa Lưu Chi (mất 594).
- Thế hệ 2: Pháp Hiền (mất 626).
- Thế hệ 3: Huệ Nghiêm, người truyền pháp cho Thanh Biện của thế hệ thứ tư. Huệ Nghiêm là một trong ba trăm học trò của Pháp Hiền, sống đồng thời với Pháp Đăng, trước vốn đã là thầy của Thanh Biện. Huệ Nghiêm ở chùa Sùng Nghiệp, còn Pháp Đăng ở chùa Phổ Quang, có thể Pháp Đăng cũng là học trò của Pháp Hiền.
- Thế hệ 4: Thanh Biện (mất 686).
- Thế hệ 5: một người, khuyết lục.
- Thế hệ 6: một người, khuyết lục.
- Thế hệ 7: Long Tuyền, chùa Nam Dương.
- Thế hệ 8: Định Không (mất 808) và hai người khuyết lục.
- Thế hệ 9: Thông Thiện và hai người khuyết lục, trong số này có thể có Phù Tài chùa Long Thọ, thầy của Pháp Thuận.
- Thế hệ 10: La Quý An (mất 936), Pháp Thuận (mất 991), Mahamaya (mất 1029) và một người khuyết lục (có thể là Vô Ngại, thầy của Sùng Phạm).
- Thế hệ 11: Thiền Ông (mất 979), Sùng Phạm (mất 1087), và hai người khuyết lục (có thể là Trí Hiền, giáo sư của Đạo Hạnh và Pháp Bảo, thầy của Thuần Chân).
- Thế hệ 12: Vạn Hạnh (mất 1018), Định Tuệ (mất ?), Đạo Hạnh (mất 1112), Trì Bát (mất 1117), Thuần Chân (mất 1101) và hai vị khuyết lục.
- Thế hệ 13: Huệ Sinh (mất 1063), Thiền Nham (mất 1163), Minh Không (mất 1141), Bản Tịch (mất 1140) và hai người khuyết lục (có thể là Pháp Thông bạn đồng môn của Huệ Sinh và Biện Tài, giáo sư của Khánh Hỷ).
- Thế hệ 14: Khánh Hỷ (1142) và bốn vị khuyết lục, trong đó có thể có Tính Nhãn và Tính Như, hai người bạn đồng môn và Quảng Phúc, thầy của Giới Không.
- Thế hệ 15: Giới Không (mất ?), Pháp Quang (mất 1174) và một người khuyết lục, có lẽ là Thảo Nhất chùa Tĩnh Lự, thầy của Chân Không.
- Thế hệ 16: Trí (mất ?), Chân Không (mất 1100), Đạo Lâm (mất 1203).
- Thế hệ 17: Diệu Nhân (mất 1113), Viên Học (mất 1136), Tĩnh Thiền (mất 1193) và một người khuyết danh.
- Thế hệ 18: Viên Thông (mất 1151) và một người khuyết lục, có lẽ là Định Hương, thầy của Y Sơn.
- Thế hệ 19: Y Sơn (mất 1213) và một người khuyết lục.
(Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Tập I, Trang 138-140)

VÔ NGÔN THÔNG – Thế kỷ 9:

Do Thiền sư Vô Ngôn Thông, người Trung Hoa, đệ tử đắc pháp của Tổ Bá Trượng truyền sang. Sách Truyền Đăng Lục gọi là Bất Ngữ Thông. Năm 820, Sư từ Quảng Châu qua Việt Nam ở chùa Kiến Sơ, làng Phù Đổng, huyện Tiên Đức, Bắc Ninh, gặp nhà sư Lập Đức tiếp nhận được tông chỉ, Sư truyền pháp và đổi tên là Cảm Thành. Từ đó, Việt Nam có thêm dòng Thiền Vô Ngôn Thông, cũng gọi là dòng Kiến Sơ.
Hệ truyền thừa gồm 17 thế hệ như sau:
- Thế hệ 1: Vô Ngôn Thông (mất 826).
- Thế hệ 2: Cảm Thành (mất 860).
- Thế hệ 3: Thiện Hội (mất 900).
- Thế hệ 4: Vân Phong (mất 959).
- Thế hệ 5: Khuông Việt Chân Lưu (mất 1011) và một người khuyết lục.
- Thế hệ 6: Đa Bảo (mất ?) và một người khuyết lục.
- Thế hệ 7: Định Hương (mất 1051), Thiền Lão (mất ?) và một người khuyết lục.
- Thế hệ 8: Viên Chiếu (mất 1090), Cứu Chỉ (mất 1067), Bảo Tích (mất 1034), Minh Tâm (mất 1034), Quảng Trí (mất 1090), Lý Thái Tông (mất 1028) và một người khuyết lục.
- Thế hệ 9: Thông Biện (mất 1134), Mãn Giác (mất 1096), Ngộ Ấn (mất 1088) và ba người khuyết lục.
- Thế hệ 10: Đạo Huệ (mất 1172), Biện Tài (mất ?), Bảo Giám (mất 1173), Không Lộ (mất 1141), Bản Tịnh (mất 1177) và ba người khuyết lục.
- Thế hệ 11: Minh Trí (mất 1190), Tín Học (mất 1190), Tịnh Không (mất 1170), Đại Xả (mất 1180), Tĩnh Lực (mất 1175), Trí Bảo (mất 1193), Trường Nguyên (mất 1165), Tịnh Giới (mất 1207), Giác Hải (mất?), Nguyện Học (mất 1174) và ba người khuyết lục.
- Thế hệ 12: Quảng Nghiêm (mất 1190) và sáu người khuyết lục.
- Thế hệ 13: Thường Chiếu (mất 1203) và sáu người khuyết lục.
- Thế hệ 14: Thông Thiền (mất 1228), Thần Nghi (mất 1216) và ba người khuyết lục.
- Thế hệ 15: Tức Lự (mất ?), Hiện Quang (mất 1221) và ba người khuyết lục, trong đó có thể có Ẩn Không, đệ tử của Thần Nghi.
- Thế hệ 16: Ứng Vương (mất ?) và sáu người khuyết lục, trong đó có thể có Đạo Viên, đệ tử của Hiện Quang.
- Thế hệ 17: Tiêu Diêu (mất ?), Giới Minh (mất ?), Giới Viên (mất ?), Nhất Tông Quốc Sư (mất ?).
(Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Tập I)

THẢO ĐƯỜNG – Thế kỷ 11:

Do Thiền sư Thảo Đường, một vị tăng được phát hiện trong nhóm tù nhân bắt được của Chiêm Thành mà vua Lý Thánh Tông đã đem quân chinh phạt năm 1069. Sư cũng là người Trung Hoa, thuộc truyền thống của Thiền sư Tuyết Đậu – Minh Giác, tông Vân Môn.
Hệ thống truyền thừa gồm sáu thế hệ như sau:
- Thế hệ 1: Thảo Đường.
- Thế hệ 2: Ba người: Lý Thánh Tông, Bát Nhã, Ngộ Sát.
- Thế hệ 3: Bốn người: Ngô Ích, Thiệu Minh, Không Lộ, Đinh Giác.
- Thế hệ 4: Bốn người: Đỗ Vũ, Phạm Anh, Lý Anh Tông, Đỗ Đô.
- Thế hệ 5: Ba người: Trương Tam Tạng, Chân Huyền, Đỗ Thường.
- Thế hệ 6: Bốn người: Hải Tịnh, Lý Cao Tông, Nguyễn Thức, Phạm Phụng Ngự.
(Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Tập I)

* * *

Trên đây là ba dòng Thiền đã hội nhập vào một Thiền phái Trúc Lâm. Tuy nhiên, nếu xét xa về trước nữa, thì mạch nguồn Thiền tông này phát xuất từ Phật Thích Ca truyền cho Tổ Ca Diếp và chảy dài xuống ( Xem trang 53 ).

2. MẠCH NGUỒN TRỰC TIẾP:

Thiền phái Trúc Lâm tuy do Đại đầu đà Trúc Lâm làm Sơ Tổ, nhưng mạch nguồn Yên Tử vốn bắt đầu từ Thiền sư Hiện Quang, chính Sư là người khai sơn chùa Vân Yên, sau đổi là Hoa Yên, trên núi Yên Tử. Sư là đệ tử nối pháp của Thiền sư Thường Chiếu, trước ở núi Từ Sơn, sau mới đến Yên Tử và chính là Tổ ban đầu của dòng truyền Yên Tử.

Kế tiếp Thiền sư Hiện Quang là Quốc Sư Trúc Lâm mà vua Trần Thái Tông gọi là Đại sa môn Trúc Lâm trong chuyến vượt thành lên núi của vua đã thuật lại trong bài Tựa Thiền Tông Chỉ Nam. Đa số người đồng cho là Thiền sư Đạo Viên hay Viên Chứng.

Tiếp theo Quốc Sư Trúc Lâm, là Quốc Sư Đại Đăng, người đã từng về kinh thành Thăng Long hành đạo và tiếp nhận thêm dòng thiền Lâm Tế từ Thiền sư Thiên Phong người Trung Hoa.

Tiếp theo Quốc sư Đại Đăng, là Thiền sư Tiêu Diêu, thầy của Thượng Sĩ Tuệ Trung, cũng gọi là Đại sư Phúc Đường ở Tịnh xá Phúc Đường mà Thượng Sĩ có hai bài thơ nói đến. Tiêu Diêu cũng là người đắc pháp với Ngài Ứng Thuận, dòng Vô Ngôn Thông.

Kế tiếp Thiền sư Tiêu Diêu, là Thiền sư Huệ Tuệ, mà theo Nguyễn Lang, tác giả Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, đã cho là, Sư vốn làm Hòa thượng Đường đầu truyền giới pháp cho vua Trần Nhân Tông khi vua xuất gia.

Sau Thiền sư Huệ Tuệ, mới chính là Đại đầu đà Trúc Lâm – Trần Nhân Tông.

Kế đó là:
- Tổ sư Pháp Loa
- Tổ sư Huyền Quang
- Quốc sư An Tâm
- Quốc sư Phù Vân (hiệu là Tĩnh Lự)
- Quốc sư Vô Trước
- Quốc sư Quốc Nhất
- Tổ sư Viên Minh
- Tổ sư Đạo Huệ
- Tổ sư Viên Ngộ
- Quốc sư Tổng Trì
- Quốc sư Khuê Thám
- Quốc sư Sơn Đằng
- Đại sư Hương Sơn
- Quốc sư Trí Dung
- Tổ sư Tuệ Quang
- Tổ sư Chân Trú
- Đại sư Vô Phiền.
(Đại Nam Thiền Uyển Truyền Đăng Tập Lục, Phúc Điền)

Vậy xét theo dòng truyền Yên Tử thì Đại đầu đà Trúc Lâm thuộc thế hệ thứ sáu, nhưng đến Ngài, Ngài đã thống nhất các phái thiền đã có thành một thiền phái Trúc Lâm, lấy Ngài làm Sơ Tổ. Từ đây, Việt Nam thực sự đã có một dòng Thiền Phật giáo của người Việt, do chính người Việt làm Tổ; cũng như bên Trung Hoa, những dòng thiền Trung Hoa do người Trung Hoa làm Tổ:

Tông Quy Ngưỡng, do Thiền sư Linh Hựu ở Quy Sơn (771-853) làm Tổ.
Tông Lâm Tế, do Thiền sư Nghĩa Huyền ở Lâm Tế (?-867) làm Tổ.
Tông Tào Động, do Thiền sư Lương Giới ở Động Sơn (807 – 869) làm Tổ.
Tông Vân Môn, do Thiền sư Văn Yển ở Vân Môn (? – 949) làm Tổ.
Tông Pháp Nhãn, do Thiền sư Văn Ích ở Viện Thanh Lương (885 – 958), khi tịch được ban tên thụy là Thiền sư Đại Pháp Nhãn làm Tổ.
Song đó là nói theo truyền thống lịch sử, nếu nói thẳng trong lẽ thật sâu xa, chính bắt nguồn Thiền phái Trúc Lâm-Yên Tử là từ sự tỏ ngộ của vua Trần Nhân Tông. Chính khi vua hỏi Thượng Sĩ Tuệ Trung:
- Thế nào là tông chỉ của việc bổn phận?
Thượng Sĩ đáp:
- Soi sáng lại chính mình, đó là việc bổn phận, chẳng từ nơi nào khác để được.

Ngay đó vua nhận được tông chỉ Thiền, mở sáng con mắt đạo. Từ sức sống đó, vua đã sống vượt qua mọi biến chuyển của thế gian, để rồi chuyển mình thành thiền sư, truyền mạch sống cho một dòng thiền Việt Nam chảy mãi đến ngày nay. Nếu không có sức sống chân thật kia, thử hỏi dòng thiền Trúc Lâm có được mạch sống thiền đúng như nghĩa của nó, hay chỉ là trên hình thức chữ nghĩa? Do đó, khai thác mạch nguồn Thiền phái Trúc Lâm-Yên Tử, chúng ta không thể chỉ khai thác trên bề mặt lịch sử dễ thấy, hoặc trên hình thức phân tích theo chiều suy nghĩ của tình thường, mà còn phải khai thác phần sâu xa vượt ngoài chữ nghĩa ấy! Chúng ta hãy lặng lòng lắng nghe lời mở đầu cho buổi đại tham của Sơ Tổ Trúc Lâm tại chùa Sùng Nghiêm, tức mở đầu truyền mạch sống thiền cho đại chúng:
“Mở đầu pháp hội, Ngài niêm hương báo ân xong, bước lên tòa. Vị Thượng thủ bạch chùy, v.v…, rồi Ngài nói:
- Phật Thích Ca Văn vì một “việc lớn” mà xuất hiện giữa cõi đời này, suốt 49 năm chuyển động đôi môi (nói pháp) mà chưa từng nói một lời. Nay ta vì các ông lên ngồi tòa này, biết nói chuyện gì đây?”

Chúng ta thấy một điểm đặc biệt khác thường. Trước khi nói pháp, Ngài chặn đầu trước, dẫn Phật Thích Ca 49 năm nói pháp nhưng vốn chưa từng nói một lời nào, vậy thì hiện tại sẽ nói cái gì đây? Những điều Ngài sắp nói là có nói hay không?

Chính đây là một cách khéo léo nhằm nhắc nhở người nghe phải nghe thấu qua chữ nghĩa, nghe đến tột trước khi mở miệng kìa! Đó mới thực là sức sống thiền mà Ngài muốn truyền đạt. Còn chữ nghĩa nói ra là việc bất đắc dĩ, là ngọn ngành về sau, bởi vì người chưa thể thấu tột cội nguồn kia nên phương tiện phải nói. Song nói mà ý vốn không ở nơi lời. Tông chỉ thiền hay yếu chỉ giáo ngoại biệt truyền chính đã thổ lộ trong đó. Người lanh mắt hẳn bắt gặp ngay.

Mạch nguồn chân thật của Thiền phái Trúc Lâm chính là đó.

Do đó, người muốn thâm nhập mạch nguồn Thiền phái Trúc Lâm-Yên Tử, đòi hỏi phải là một HÀNH GIẢ, không thể là một HỌC GIẢ.
 

[ Quay lại ]