Ở ĐÂU CÓ TA LÀ Ở ĐÓ CÓ ĐAU KHỔ
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ Sáu, 18 Tháng chín 2015 12:47
- Viết bởi Super User
I. TA LÀ GỐC MỌI TẠO TÁC TRÊN THẾ GIAN
Xét cùng tột thì tất cả con người sống ở thế gian là sống vì cái gì? Có người nói sống vì cha mẹ, sống vì con cái, sống vì sự nghiệp, sống vì xã hội, đất nước v.v…, mọi cái đều có vì v.v… hết. Nhưng nếu xét cho kỹ thì đều vì cái Ta, tức là từ cái Ta này mà nhân ra tất cả, nếu ngoài cái Ta thì còn cái gì, quý vị kiểm thử xem.
Ngay khi mới ra đời là chúng ta đã mang nó theo rồi, và trong suốt cuộc đời không lúc nào vắng mặt. Có ta mới có thương yêu, có ghét bỏ, có hơn có thua, có được có mất, người nào thuận với ta thì ta thương, còn không thuận thì ghét. Nếu không có ta thì lấy ai để mà hơn thua, lấy ai để được mất? Tất cả mọi sự sống ở trên đời này từ khổ đau cho đến hạnh phúc của thế gian cũng đều từ cái ta mà ra. Ai đau khổ? Chính ta đau khổ. Ai hạnh phúc? Cũng ta hạnh phúc, đâu có ngoài cái ta này.
Quý vị sinh hoạt, làm việc thì cũng ta làm, rồi nghỉ cũng ta nghỉ, ta ăn, ta mặc, và vui buồn, giận ghét gì cũng từ cái ta đó hết. Cho đến ngủ cũng là ta ngủ, thức cũng là ta thức, thấy nghe cũng là ta thấy nghe. Như vậy cái ta này nó theo mình suốt đời, không những đời này mà còn mãi về sau nữa, cho đến chứng A-la-hán mới hết, còn chưa chứng A-la-hán là nó vẫn còn theo hoài. Tức là chứng A-la-hán mới hết sanh tử, hết sanh tử mới hết cái ta, còn ta là còn đi trong sanh tử.
Quý vị thấy sợ chưa! Nó theo sát mình hoài như vậy. Nếu xét ngược trở lại từ ban đầu khi chúng ta có một niệm bất giác đi vào trong cuộc luân hồi sanh tử, là có mặt cái ta này không hề thiếu vắng. Cho nên tìm khắp nơi cõi ta-bà này không có chỗ nào là không có nó, làm điên đảo tất cả chúng sanh là cũng vì cái ta. Nếu không có nó thì không có ta-bà, tất cả đều thành cõi Phật. Có bài thơ:
Ta ơi là ta,
Mi ở đâu ra,
Mà làm điên đảo,
Khắp cõi ta-bà.
Một mình nó mà làm điên đảo hết cõi ta-bà, nó nguy hiểm như vậy mà tất cả chúng sanh đều mê lầm theo rồi sống trong vòng vây của nó. Ai cũng đều lệ thuộc vào nó.
Trong kinh Viên Giác, Phật dạy: "Này thiện nam tử! Tất cả chúng sanh từ vô thủy đến nay, vọng tưởng chấp có ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Nhận bốn thứ điên đảo làm ngã thể thật, do đây liền sanh hai cảnh yêu, ghét. Hai vọng nương nhau mà sanh ra vọng nghiệp đạo, vì có vọng nghiệp nên vọng thấy lưu chuyển, còn người chán sự lưu chuyển lại vọng thấy niết-bàn. Do đây chẳng thể vào được tánh giác thanh tịnh, chẳng phải tánh giác chống cản không cho mọi người vào".
Trong kinh Viên Giác, Phật bảo là tất cả chúng sanh từ vô thủy đến nay, vọng tưởng chấp có ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả…, nói cho gọn là chấp ngã, chấp có cái ta này nên mới có mình có người, từ đó nhận bốn thứ điên đảo làm ngã thể thật của mình mới sanh ra có yêu có ghét hơn thua. Do có yêu có ghét mới tạo nghiệp, mà tạo nghiệp cũng là vọng nghiệp từ đó mới có vọng lưu chuyển trong sanh tử, do có lưu chuyển nên mới cầu Niết-bàn, thành ra một vòng lẩn quẩn trong hư vọng !
Do đó chúng ta không thể vào được tánh giác thanh tịnh của mình, chứ không phải tánh giác ngăn cản không cho mình vào. Hiểu kỹ như vậy thì mới thấy từ cái chấp ta, chấp ngã mê lầm điên đảo mà dẫn mình đi trong luân hồi sanh tử, chịu biết bao khổ đau. Thành ra tất cả con người chúng ta sống trong thế gian này hoặc khổ, hoặc vui đều nằm trong cái ta hết, tức là do chấp cái ta mà có ra.
Thiền sư Bạch Ẩn cũng dạy: "Đâu là cội gốc sanh tử? Đó là thời khắc vô minh xâm chiếm tâm ta qua vô lượng kiếp. Nó tiến hóa qua các tầng trời và địa ngục, qua cõi ngũ trược ác thế và tịnh độ. Sở dĩ có ba nẻo dữ và sáu đường là vì động lực của cội gốc sanh tử". Tức là từ vô minh dẫn chúng ta đi trong sanh tử luân hồi, rồi qua các tầng trời, địa ngục, các cõi ngạ quỷ, súc sanh v.v… cũng từ đó mà đưa đi.
"Tuy như thế, nó chỉ là mộng huyễn, là vọng tưởng điên đảo chứ không có thật. Nhưng nó lại khóa cứng đại sự kiến tánh hữu hiệu hơn cả đội ngũ trăm ngàn quân ma, đôi khi nó được gọi là vọng tưởng, là cội gốc sanh tử. Có khi lại mang tên là phiền não, hoặc là ma chướng, nó chỉ là một nhưng mang nhiều thứ tên. Nhưng khi xem xét kỹ thì ông sẽ thấy chung quy đó chỉ là một ý niệm cho rằng "cái ta là thật". Vì kiến chấp này mà có cái ngã, rồi có sanh và tử, có Niết-bàn, có phiền não, giác ngộ. Đó là lý do trong kinh nói: "Tâm sanh các pháp sanh, tâm diệt các pháp diệt"."
Đây Thiền sư Bạch Ẩn cũng nói rõ, sở dĩ có sanh tử, luân hồi, lẩn quẩn đi đây đi kia là do nhiều nhân duyên, nói có nhiều thứ tên. Nhưng chung quy là do ý niệm chấp ngã mà ra, tức cho rằng "cái ta này là thật", từ đó mà có ra mọi thứ. Do chấp có cái ta này thật, là cội gốc của tất cả sanh tử luân hồi, cũng như phiền não hay là an vui hạnh phúc, cho đến giải thoát Niết-bàn cũng từ đó. Nếu người chưa thật chứng đến chỗ vô sanh, hay là chưa thật chứng quả A-la-hán thì chạy đi đâu cũng không khỏi, nó bao vây kín hết. Nhưng chúng ta được duyên lành học Phật là đã có hé được lối ra, thấy chỗ sáng, đó là nhờ Phật chỉ dạy, là duyên lành hi hữu cần phải biết trân trọng.
II. TA LÀ GÌ ?
Chúng ta phải nắm vững điều này để biết cách chuyển hóa khổ đau. Cái ta là gì mà nó làm điên đảo cả thế gian? Tìm trở lại xem cái ta gây rối lớn lao như vậy, rốt ráo là gì? Song, nếu có là gì thì chẳng phải là ta thật, mà nó là cái ta thứ hai, thứ ba rồi; còn nếu chính là ta rồi sao còn là gì nữa? Nhưng ngày nay đa số chúng ta sống thì thích có ta là gì, nếu ta không là gì thì không chịu. Hoặc ta là bác sĩ, ta là kỹ sư, ta là ông thầy, ta là cô giáo, ta là cha, ta là mẹ, phải có ta là gì mới được. Nhưng nếu có ta là gì thì không phải thật, có là gì là có khổ đau, nên hiểu kỹ điều đó!
Chính đây đã nói lên sự mê lầm lâu nay của chúng ta, do mê lầm không thấy được lẽ thật nên mới chấp thành ra điên đảo. Nói ta nhưng lại không biết sự thật nó là cái gì, chỉ ra không được rõ. Quý vị kiểm lại xem, cái mà mọi người nhận là ta thì nó là gì? Nó chỉ là cái ta khái niệm, cái ta quy ước thôi chứ nó không có thật, bảo chỉ ra thì chỉ không được. Thí dụ quý vị chỉ thân tứ đại này là ta, được không? Ở đây đa số ai cũng nói thân này là mình, nhưng mà thật là mình không? Nó do bốn đại hòa hợp, tức là đất nước gió lửa hòa hợp thành, nếu nhìn theo hình tướng thô thì nó là da thịt, gân xương, máu huyết trong đó hợp thành, thì cái gì là mình trong đó? Quý vị kiểm xem mình là da, là thịt, hay là gân xương, không có gì chỉ ra được hết. Cái thân này nếu xét thêm thì nó gồm có tướng đang thấy, hoặc nam, hoặc nữ, hoặc cao, hoặc thấp, hoặc trắng, hoặc đen v.v… đó là tướng bên ngoài và còn máu mủ, ruột gan v.v… thân thể bên trong.
Tức là có tướng bên ngoài, rồi có thân thể bên trong nữa, xét tìm cả hai không thấy cái nào là ta thật hết. Mình là những cái ruột gan, tim phổi lòng thòng trong đó hay sao? Cho nên Phật dạy cần phải quán kỹ thân trong thân là để cho mình thấy rõ lẽ thật của nó, để không bị tướng bên ngoài lừa. Tướng bên ngoài này gọi là tướng ngụy trang chứ không phải thật, nó còn có tướng bên trong nữa. Hơn nữa quý vị kiểm lại coi, khi mình mới thọ thai, thì cái ta mấy chục ký lô này nó chưa có, bây giờ nó mới có, vậy thì nó từ đâu mà có? Cho nên thân này là cái nó mới mượn ráp lại sau này, chứ nếu thật có là phải có từ đầu.
Rồi trong khoảng giữa đang có đây cũng luôn luôn biến đổi, không đứng dừng một chỗ. Chúng ta đang ngồi đây thì nó có dừng chỗ này không, hay nó đang làm gì? Mấy người trẻ thì nó đang chuyển biến để thành già, còn già thì nó cũng đang chuyển biến để thành thây ma ra ngoài nghĩa địa, con đường nó đi là như vậy. Vậy thì cái gì là ta trong đó? Cho nên rốt ráo bản chất của nó là vật phải vứt bỏ đi ra ngoài nghĩa địa. Như vậy nếu chấp nó là ta, thì thành ra ta là vật phải bị vứt bỏ đi hay sao, đó là cái lầm của tất cả con người chúng ta.
Rồi chấp tâm này là ta, thì tâm hiện giờ của mình cũng luôn luôn biến đổi, không đứng dừng một chỗ. Khi suy nghĩ điều này, khi suy nghĩ việc khác, lúc buồn, lúc vui thay đổi luôn. Một ngày chúng ta suy nghĩ chừng bao nhiêu việc? Có thể là hàng ngàn thứ, vậy thì cái nào là mình? Nếu lúc vui là mình thì lúc buồn là ai? Vậy mình bao nhiêu thứ. Mình vui, mình buồn, mình giận, mình ghét đủ thứ mình trong đó hết. Cái này giống như tuồng cải lương, lúc lên đóng tuồng này lúc lên đóng tuồng kia, nếu gỡ hết mặt nạ đó ra thì còn cái gì? Tìm không ra cái mình thật. Hiểu kỹ như vậy thì mới thấy, đó là điều lầm lẫn của chúng ta lâu nay mà không hay biết.
Đức Phật từng dạy: "Các Tỳ-kheo, hãy quán cho kỹ cái sắc này không phải là ta, không phải của ta, thọ tưởng hành thức cũng vậy. Cho đến mắt, tai, mũi, lưỡi, sắc, thanh, hương, vị, xúc cũng không phải ta, không phải của ta. Cho đến nhãn, thức, giới cũng vậy." Tức là những cái từ thân tướng cho tới thọ, tưởng, hành, thức là phần tâm của mình; rồi mắt, tai, mũi, lưỡi cũng không phải là mình. Cũng vậy, sắc, thanh, hương, vị bên ngoài, tìm kỹ không có cái gì thật là của mình hết, nó chỉ là một nhóm nhân duyên hòa hợp tạm thời hiện có thôi. Nói theo danh từ bây giờ thì thân mình đây là một tổ hợp, theo nhà Phật gọi là tổ hợp năm uẩn, còn nếu nhìn theo chiều khoa học thì đó là tổ hợp các tế bào chung lại. Trong là da thịt, gân xương, tim phổi, một tổ hợp tạm gọi là thân của mình. Nếu trong tổ hợp đó mà chia ra thì hết còn là thân của mình. Nhưng do vì mê lầm, không rõ biết con người này là tổ hợp đang tạm mượn, tạm sống với nó trong khi nó còn đang kết hợp với nhau, khi tổ hợp đó nó hết ký hợp đồng nữa thì đưa ra ngoài nghĩa địa. Tùy theo hợp đồng đã ký của mỗi người hoặc ngắn hạn, hoặc dài hạn, người thì ký hợp đồng 10 năm, 20 năm, 60 - 70 năm, hoặc 80 - 90 năm. Hết hợp đồng thì thân này tan rã. Chúng ta phải thấy được lẽ thật này để cuối cùng mới thấy cái mà mình cho là mình, chấp là mình thì nó không có thật, chỉ do mê mà lầm chấp, vọng chấp vậy thôi.
Có một bà lão lớn tuổi đi đến Thiền viện của một Thiền sư Thái Lan, thưa: "Bạch thầy! Con già lớn tuổi rồi mà cũng ở rất xa, đến đây không có thời gian ở lâu được. Xin thầy thuyết cho con một thời pháp ngắn, gọn để con ứng dụng sống cho tuổi già gần ngày đi này". Thiền sư nói: "Này bà lão, bà hãy nghe kỹ! Trong đây không có ai cả, không có ai già, không có ai trẻ, không có ai sanh, không có ai tử, không có ai tới ai lui gì hết, nó chỉ là vậy thôi". Thiền sư đã chỉ lẽ thật là không có cái ta thật, nếu bà về cố gắng thường quán chiếu hiểu rõ như vậy, thì bảo đảm bà sẽ sống an vui, ngày bà ra đi được nhẹ nhàng.
Ngài nói trong đây không có ai hết, không ai già, không ai trẻ, cũng không ai tới, không ai lui, không ai sanh, không ai tử gì hết, nó chỉ là tổ hợp thôi chứ gì! Nếu khi gần ra đi mà quý vị nhớ kỹ như vậy thì bảo đảm ra đi nhẹ nhàng, nhớ lại trong đây không có ai đi hết, chỉ là tổ hợp này rã thôi. Nhờ vậy chúng ta không bám chấp vào nó, buông nó rồi đi nhẹ, tức là chết nhẹ nhàng. Còn chúng ta nghĩ nó là mình, là tôi khi lỡ bỏ nó đi thì tiếc không dám bỏ cứ nắm hoài, mà nắm hoài thì khó chết. Ngài dạy đơn giản nhưng chí lý. Cho nên chúng ta học Phật thì cũng phải khéo biết, nắm vững ý nghĩa chân thật đó để ứng dụng.
III. GIẢI TRỪ BẢN NGÃ – CON ĐƯỜNG CHÂN HẠNH PHÚC
Biết rõ đó là chỗ mê lầm điên đảo, muốn được hạnh phúc chân thật thì phải giải trừ mê lầm này. Đó là gốc của an vui của hạnh phúc, trái lại mê nó là gốc của khổ đau. Có ông tăng Pháp Đạt tụng kinh Pháp Hoa 3000 bộ, nghe tiếng Lục Tổ nên đến thưa hỏi. Nhưng khi lễ Lục Tổ mà lễ dối, đầu không sát đất, tức là chưa tin lắm. Lục Tổ mới quở: "Lễ vốn bẻ cờ mạn, sao đầu không sát đất, có ta tội liền sanh, không ta phước vô kể".
Bởi ông tăng Pháp Đạt nghĩ là ông tụng kinh Pháp Hoa tới 3000 bộ là công đức rất lớn, Lục Tổ chưa chắc bằng mình nên lễ mà chưa có nể lắm. Quý vị nghĩ tụng Pháp Hoa mà 3000 bộ thì tụng chừng bao lâu, chừng bao nhiêu năm? Nhưng Lục Tổ biết, Ngài nói, nếu ông tụng kinh mà còn chấp vào kinh, thì đó không có phước nhiều. "Có ta thì tội liền sanh, còn không ta thì phước vô kể." Tức là làm mà quên cái ta thì mới có phước lớn, còn làm mà chấp vào cái ta thì phước sẽ bị tổn bớt. Đây cũng là kinh nghiệm để chúng ta học, mình làm việc tốt, việc lành, tụng kinh là có phước nhưng nếu chấp vào đó, tức là "sanh cái ta" thì sẽ tổn bớt phước. Thấy mình tụng kinh nhiều, có công đức lớn rồi chấp vào đó khinh người khác thì sẽ tổn phước, nên nói "ở đâu có ta là ở đó có đau khổ" là vậy.
Cuộc sống hằng ngày của chúng ta cũng vậy, nhớ hễ ở đâu có sanh cái ta là có đau khổ theo đó. Đi chùa mà sanh cái ta đi chùa cũng có khổ, chứ không phải là không có khổ. Thí dụ như người đi chùa nhiều nên thấy mình là người lâu năm còn người kia mới đi chùa, do có phân chia thì sẽ có khổ theo đó. Nếu lỡ để người đi chùa lâu năm đứng sau người mới đi chùa thì các vị buồn liền, thì có khổ theo ngay. Rồi đi nghe pháp mà sanh cái ta đi nghe pháp, thì ai ngăn không cho đi cũng khổ, hoặc là sanh cái tôi đi nghe pháp, muốn vào nghe pháp mà giảng đường hết chỗ ngồi, vừa tìm được chỗ, mới ngồi xuống thì có ai tới giành nên cũng khổ nữa. Cho nên hễ ở đâu có ta là ở đó có khổ.
Đi làm từ thiện cũng vậy. Làm từ thiện bố thí là tốt rồi, mà nếu có sanh cái ta thì khổ. Làm từ thiện là mình có lòng tốt, đem của cải đến chia sẻ cho người, nhưng cho người rồi ít hôm gặp lại mà người đó ngó lơ không chào hỏi, không biết ơn gì hết, thì cũng khổ nữa. Hiểu như vậy thì mới thấy cái ta nó rất nguy hiểm, hễ ở đâu có sanh cái ta là ở đó có khổ theo. Ngoài đời có cái ta là kỹ sư, là bác sĩ gì đó thì có những cái khổ theo đó, cho nên chúng ta phải cẩn thận.
Xưa có vị lãnh chúa tu học đạo nhưng tập khí thế gian còn nhiều, ông rất yêu thích hoa cúc. Vì vậy trong vườn của ông trồng toàn là hoa cúc, và ông để rất nhiều thời gian để chăm sóc, ông đối với hoa cúc còn thân hơn cả thê thiếp của mình. Nhiều người giúp việc trong nhà khi lỡ làm gãy một bông hoa là bị phạt nặng, và cứ bị phạt hoài. Một hôm, có một gia nhân rủi làm gãy một hoa cúc, ông giận quá tống giam anh chàng này. Anh này phẫn uất quá, định mổ bụng theo truyền thống của võ sĩ đạo. Bên Nhật có truyền thống võ sĩ đạo không chịu nhục thà là mổ bụng chết, anh này cũng vậy định mổ bụng chết chứ không chịu nhục như thế.
Khi ấy, Thiền sư Tiên Nhai tình cờ nghe được mới gọi anh đến can ngăn, và Sư tìm cách ngăn trừ tận gốc, để từ đây về sau không còn người khác bị trường hợp như vậy nữa.
Bấy giờ, hoa cúc trong vườn lãnh chúa đang nở rộ, Thiền sư lén vào trong vườn lãnh chúa, dùng liềm cắt trụi hết hoa cúc không để một bông nào. Vị lãnh chúa trong nhà nghe tiếng động, ông cầm kiếm chạy ra vườn, gặp ngay Thiền sư Tiên Nhai, hỏi sao Sư làm như vậy? Thiền sư bình tĩnh đáp: "Ngay cả một mớ cỏ dại này cuối cùng cũng trở thành giai cấp, nếu như nó không bị cắt đứt đi, nên tôi cắt đứt nó". Tức là Sư nói hoa cúc giống như mớ cỏ dại, nhưng cỏ dại này nếu không bị cắt đi thì nó cũng trở thành giai cấp. Hễ ai đụng đến nó là bị phạt, hoa cúc cũng là một cây cỏ chứ có gì đâu, mà lại trở thành giai cấp như thế!
Nghe Sư nói, vị lãnh chúa thức tỉnh, ông nhận ra lỗi lầm của mình nên từ đó không còn trồng hoa cúc nữa. Đó là bài học cho chúng ta cần học. Để thấy, dù trồng cúc mà sanh cái ta vào đó thì có khổ đi theo, đụng tới hoa cúc là đụng tới ta. Người ta đụng tới hoa cúc thôi chứ không có dính dáng gì đến mình, nhưng mình thấy khổ. Quý vị thấy ở trong nhà nhiều khi mình trồng hoa, hay trồng cây kiểng để trang điểm cho nhà cửa đẹp đẽ thì tốt, nhưng mà sanh cái ta vào thì mang theo những khổ đau trong đó. Ai đi qua đụng vào là không chịu, đôi khi con cái trong nhà lỡ làm đổ thì khổ, nhiều khi còn la mắng, thành ra quý hoa hơn cả con người.
Câu chuyện này là bài học cho chúng ta học và biết khi làm việc gì mà bớt sanh cái ta vào trong đó thì sẽ bớt khổ. Ở đây tất cả chúng ta còn phàm phu hết, thì ai cũng còn cái ngã, cái ta, nhưng có học đạo thì biết giảm bớt giúp mình bớt khổ, còn không giảm bớt thì khổ y nguyên. Đó là tinh thần của người học đạo, cần phải hiểu kỹ để biết cách ứng dụng cho cuộc sống bớt vướng mắc, sẽ bớt khổ còn tạo không khí an vui, hài hòa.
Có những chuyện xảy ra thấy không đáng gì, nhưng do mê lầm của con người mà gây thành đau khổ cho mình, cho người. Thí dụ quý vị sắm chiếc xe mới mà ai đi ngang đụng vào là thấy khổ liền, vì sanh cái ta trong đó, rõ ràng như vậy.
Như câu chuyện quý thầy hay nhắc là, hai gia đình họ Trương, họ Lý. Gia đình họ Lý sống hài hòa vui vẻ, còn gia đình họ Trương cứ lục đục gây nhau. Nên ông họ Trương mới sang hỏi thăm gia đình họ Lý sao cả nhà vui vẻ thấy thích, có bí quyết gì anh chỉ cho tôi. Họ Lý đáp: "Gia đình của tôi được như thế này bởi vì ai cũng là người xấu hết, còn gia đình của anh chắc ai cũng là người tốt nên mới như vậy". Anh họ Trương ngạc nhiên nói: "Người tốt tại sao lục đục hoài, còn gia đình anh người xấu tại sao thấy sống an vui quá?". Anh họ Lý giải thích: "Thí dụ gia đình của tôi có ai đó lỡ để cái ly, cái tách ở gần mé bàn, có người khác đi ngang qua lỡ vô ý làm rớt bể, thì người làm bể liền xin lỗi. Người để cái ly đó cũng liền nhận lỗi vì sơ ý để cái ly gần mé bàn". Vậy là xong, ai cũng vui vẻ, ai cũng thấp mình quên bớt cái ngã nên vui vẻ hết. "Còn gia đình anh nếu như vậy chắc liền la lối đổ thừa rồi cãi với nhau thành ra bất hòa, liền sanh buồn khổ". Do vì ai cũng đều chấp mình đúng, không chịu nhường nhau thành lục đục hoài chứ có gì đâu, thấy cái ta này là quan trọng thành ra bất hòa thôi. Còn gia đình của tôi ai cũng chịu mình là xấu hết, chính xấu đó mà thành tốt. Đây cũng là kinh nghiệm để chúng ta học trong cuộc sống. Sống trong gia đình chúng ta cứ nhận cái tốt về mình thì cái xấu để cho ai, như vậy làm sao sống vui được. Còn đây, mình sẵn sàng nhận cái xấu để cái tốt cho người thì sẽ vui, đó cũng là nguyên nhân để chúng ta giảm bớt chấp ngã, giảm cái ta thì sẽ bớt khổ, sống hài hòa an vui với nhau. Đó là yếu chỉ để chúng ta sống được an vui hạnh phúc.
Trong kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn nói rằng: "Khi ai đi biển gặp gió dữ thổi thuyền bè trôi dạt vào nước quỷ La-sát, khi ấy niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm thì sẽ được qua khỏi". Tướng công Vu Địch dẫn lời này đến hỏi Thiền sư Đạo Thông: "Thế nào là gió dữ thổi thuyền bè trôi dạt vào nước quỷ La-sát?".
Thiền sư Đạo Thông đáp: "Gã Vu Địch này! Ông hỏi chuyện đó làm gì?". Ông này nghe nói tự ái đỏ mặt lên, lộ sắc giận. Thiền sư Đạo Thông mới chỉ: "Chính đó là gió dữ thổi trôi dạt vào nước quỷ La-sát". Ngay đó ông có tỉnh.
Sư nói "Gã Vu Địch này! Ông hỏi chuyện đó làm gì?" nên ông chạm tự ái. Tự ái vì chạm tới cái ta, ông mới lộ sắc giận. Sư liền nói: "Chính đó là gió dữ thổi vào nước quỷ La-sát". Để thấy rằng do thấy có ta, có sanh cái ta nên đụng nó là nổi sân, nổi sân thì bị thổi vào nước quỷ La-sát, tức là chỗ nguy hiểm, chỗ đau khổ. Còn người giải trừ cái ngã, quên ngã đi thì sẽ nhẹ nhàng, mà nhẹ nhàng tức là vào nước Phật, là qua khỏi tai ách.
Nhưng chúng ta nhớ kỹ là, trừ cái lầm mê chấp, chứ không phải là thật có cái ngã để mình trừ. Đừng nghe nói phá chấp ngã là lo trừ cái ngã, mà trừ là trừ cái điên đảo, cái chấp đó, gọi là cái tình chấp mê lầm, chứ không phải lo kiếm cái ngã để trừ, hoặc là hủy hoại thân này coi như đó là trừ. Không phải như vậy. Cái thân này là tứ đại, nó là đất nước gió lửa, nó là da thịt, gân xương, nó đâu có lỗi lầm gì. Lỗi lầm là do anh chàng chấp ở trong này, chứ còn nó đâu có lỗi gì mà hủy nó, cho nên trừ là trừ cái tình chấp thôi.
Các bậc Thánh nhân cũng mang cái thân này đi làm Phật sự, nhưng các Ngài không lầm chấp nó, nên tự tại đâu có khổ. Còn chúng ta cũng mang nó rồi lầm chấp mới khổ, cho nên lỗi không phải nó mà lỗi ở anh chàng lầm chấp này, trừ là trừ cái tình chấp đó. Thấy được như vậy mới hiểu được ý nghĩa rồi cởi mở tiến tu thì sẽ bớt nặng nề, đó cũng là cách để chúng ta đặt bớt gánh nặng xuống, được nhẹ nhàng, là bớt khổ.
Cho nên chúng ta tu hành nói cho nhiều, chứ quan trọng là khéo biết đặt bớt những gánh nặng xuống, chứ không gì hết. Thí dụ người đi xa gánh một gánh nặng chừng 30 ký, càng đi xa trời nắng đổ mồ hôi mệt mỏi, giờ muốn cho bớt nhọc, bớt mệt thì phải đặt gánh xuống nghỉ. Còn không chịu đặt xuống mà cứ gánh đi hoài, càng ráng thì càng nặng thêm. Ban đầu 30 ký mà lúc mệt rồi gánh đi thì thấy thành 40 ký, mà đi một lúc mệt nữa thì thấy thành 50 ký, đi hoài tới chừng mệt quá muốn lếch, còn đặt xuống thì thấy nhẹ nhàng liền.
Cũng vậy, khi biết đây là những gánh nặng mang đau khổ vào mình, khéo đặt nó xuống thì sẽ nhẹ nhàng bớt khổ, an vui. Bởi vậy, trên đường học đạo chúng ta nên khéo biết giải trừ bớt cái ta này, đó là nói chung; còn nếu ai hay hơn tiến thêm một bước nữa, sâu hơn là nhận ra trong hư dối này có cái chân thật thì càng hay. Tức là trong cái ngã hư dối nhận ra cái ta chân thật, sống trở lại cái ta đó thì sẽ vượt khỏi khổ đau đi sâu vào trong đạo.
Vua Trần Thái Tông có bài kệ Nói Rộng Về Sắc Thân:
Vô vị chân nhân thịt đỏ au,
Hồng hồng trắng trắng chớ lầm nhau.
Ai hay mây cuộn trời trong vắt,
Ven trời sương biếc núi một màu.
Vô vị chân nhân tức là con người chân thật không có ngôi vị nào hết, đó là chỉ cho tâm chân thật của chính mình. Con người chân thật đó ở ngay nơi cục thịt đỏ au này, nhưng chớ có lầm với cái hồng hồng trắng trắng đó. Nó là hiểu biết, là sáng suốt, là linh tri v.v…, chứ không phải là mấy cục thịt đỏ đỏ, trắng trắng đó, đừng có lầm nhận. Mấy cục thịt đỏ đỏ trắng trắng này cuối cùng cũng đi ra ngoài nghĩa địa.
Rồi nếu khéo biết vén hết những mây mờ lầm chấp vô minh để trời trong vắt, sáng suốt thì sẽ thấy suốt núi xanh sương biếc, bầu trời một màu hiện tiền, không còn phân biệt kia đây, không còn có gì che đậy được. Lẽ thật sẽ hiện bày trước mắt, đó là tiến lên bước nữa, ở trong cái ta hư dối nhận ra cái ta chân thật là càng quý, tiến sâu thêm trong đạo.
Còn nếu chưa nhận được, chúng ta cũng quên bớt cái ta hư dối là bớt khổ rồi. Nhưng quan trọng ở đây là phải khéo quên cái ta hư dối, quên cái ta sanh diệt thì mới sống được với cái ta chân thật không sanh diệt, đó là chỗ đến của con đường giác ngộ. Hiểu kỹ thì sẽ thấy được chỗ tu hành, chỗ đến của mình. Tức là muốn đi trên con đường an vui hạnh phúc thì phải khéo biết như vậy, giải trừ bớt cái ta, bớt sanh cái ta này thì sẽ nhẹ nhàng.
III. TÓM KẾT
Tất cả nên nhớ là hễ "ở đâu có ta là ở đó có đau khổ", lẽ thật này rõ ràng từ xưa đến nay, cho đến mãi về sau này. Giải trừ tình chấp ngã thì đó là việc làm cấp bách, đó là tối cần thiết trong cuộc sống nhiều đau khổ này. Nếu còn nuôi dưỡng cái ta thì đừng nói chuyện hết khổ đau. Hãy nhớ kỹ, học Phật là học giải trừ bản ngã để đưa đến chấm dứt phiền não khổ đau. Học Phật là đưa đến chỗ đó, chứ không phải học Phật để thêm khổ đau, tích chứa phiền não thì trái với con đường học Phật, cũng như trái với chánh pháp.
Mỗi người cần phải sáng suốt nhận định rõ con đường học Phật để đi đúng. Học Phật không lầm thì bảo đảm càng học Phật sẽ càng bớt khổ. Quên mình thì lấy ai để khổ, có mình mới có khổ, tức là có tôi khổ; còn không ta thì ai khổ? Người tu đúng như vậy bảo đảm không lạc đường, mà cũng không ai gạt được. Cho nên hạnh phúc chân thật hay đau khổ là ở ngay nơi mỗi người, chứ không phải tìm đâu khác.
Muốn có hạnh phúc chân thật thì phải quên bớt cái tôi này, còn nếu muốn có đau khổ thì giữ nó cho nhiều, bảo đảm khổ đến thôi, còn bớt nó thì sẽ bớt khổ, đó là lẽ thật. Chân lý được phơi bày cho tất cả, Phật, Tổ chỉ thẳng không che giấu ai. Phần còn lại là mỗi người có chịu nhận để thực hành hay không? Nếu khéo ứng dụng thực hành đến đâu thì sẽ được lợi ích đến đó, cho nên quyền quyết định là ở nơi mỗi người.
Mong mỗi người nắm vững được lý này rồi ứng dụng sống đúng theo chánh pháp. Chúc tất cả thật sự sáng suốt để lên đường đi cho thật tốt, khiến lúc nào cũng thấy tâm xuân luôn đến với mình.