headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 31/10/2024 - Ngày 29 Tháng 9 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

THẤY ĐƯỢC CHỔ TRỞ VỀ CỦA MÌNH

chotroveTrong kinh Kim Cang Phật dạy “độ hết chúng sanh vào Vô dư y Niết-bàn mà không thấy có một chúng sanh được diệt độ”. Thì đó là ý gì? Độ chúng sanh đó là chúng sanh gì? Tức là những tâm vọng tưởng lang thang đầu này đầu nọ chứ gì, độ những cái tâm đó. Mà độ là sao? Thường thường mình hiểu độ là đưa, đưa nó vào Vô dư y Niết-bàn, nhưng đưa làm sao? Nói đưa, theo chữ nghĩa thì dễ rồi nhưng phải đưa làm sao? Đó là chỗ phải thực hành.

 Đây nói độ tức là “nhất tâm tỉnh giác” chứ không là cái gì khác. Nhất tâm tỉnh giác thấy suốt trở lại trước khi động niệm, đó là mình đưa nó vào Vô dư y Niết-bàn. Trước khi động niệm thì nó có tướng gì? Bây giờ mỗi khi tâm niệm khởi lên, mình xét trở lại ngay chỗ trước khi động niệm, thấy tột trở lại thì chỗ đó có tướng gì? Đó là đưa nó vào Vô dư y Niết-bàn chứ còn gì nữa. Nhất tâm tỉnh giác là độ thôi. Còn nếu nghe nói đưa vào Vô dư y Niết-bàn mà không biết đưa làm sao, chỉ hiểu trên chữ nghĩa, thì hiểu mà làm không được.

Rồi kinh Pháp Hoa chẳng hạn, khi tháp Phật Đa Bảo hiện, các vị đệ tử thỉnh Phật Thích-ca mở cửa tháp thì Phật Thích-ca nói sao? Ngài nói: “Phật Đa Bảo có nguyện nếu sau này Phật nào muốn mở cửa tháp thì phải thâu hồi hết các hóa Phật đang giáo hóa ở cõi này cõi khác về một chỗ thì mới mở được.” Phật Đa Bảo là gì? Tức là chỉ cho Pháp thân. Muốn thấy được pháp thân thì phải thâu hồi hết các vị hóa Phật của mình đang đi giáo hóa về một chỗ. Mình đang ngồi đây nhưng hiện giờ hóa Phật của mình có đang đi giáo hóa không (chỉ tâm vọng tưởng của mình lang thang chỗ này chỗ nọ)? Bây giờ chỉ cần thâu hồi hết các vị về ngay chỗ này thì mở cửa tháp Phật Đa Bảo được liền. Ý nghĩa rất đơn giản nhưng mình học chữ nghĩa, rồi mình cứ nghĩ đâu đâu.

Hoặc là như Thiền sư Vô Nghiệp, ai tới hỏi đạo, Ngài cũng nói: “Chớ vọng tưởng”. Bao nhiêu đó thôi. Chớ vọng tưởng tức là thâu hồi các hóa Phật trở về thì mở được cửa đó thôi. Nếu không thấy được chỗ đó càng tìm càng xa, bởi vì đi tìm là thả những vị hóa Phật của mình đi giáo hóa đầu này đầu khác nữa rồi!

Có vị tăng hỏi Thiền sư Hy Phụng:

- Đạo tràng của cổ Phật, học nhân làm thế nào mà đến được?

Nghĩa là làm sao con đến được đạo tràng của Phật xưa.

Ngài Hy Phụng bảo:

- Ông hiện giờ ở đâu?

Cứ lo hỏi đạo tràng của Phật xưa đâu đâu, còn bây giờ ông đang ở đâu đây? Cái gì đang hỏi đó? ông lại không hỏi ? Nếu ông bặt được hết ý niệm xưa nay thì ngay đó ông vào được đạo tràng của Phật xưa rồi. Còn lo hỏi đạo tràng của Phật xưa mà quên mất chỗ đó thì đã đi xa rồi. Đó là chỗ kinh-thiền đều nhấn mạnh. Mình thấy được chỗ mấu chốt đó là thấy được chỗ trở về của mình.

Đây, ngài Động Sơn Lương Giới là vị Tổ của tông Tào Động, một tông lớn trong nhà thiền mà đến bây giờ cũng vẫn còn. Khi ngài còn chưa tỏ ngộ, đang tham thiền, một lần Ngài đến tham thiền với Thiền sư Vân Nham Đàm Thạnh. Ngài hỏi Vân Nham:

- Vô tình thuyết pháp thì người nào được nghe?

Thường thường mình nói “hữu tình thuyết pháp”, đây lại hỏi “vô tình thuyết pháp”. Ngài Vân Nham bảo:

- Vô tình thuyết pháp thì vô tình được nghe.

Lương Giới hỏi lại:

- Hòa thượng có nghe chăng?

Ngài Vân Nham nói:

- Ta nếu nghe thì ngươi đâu được nghe ta thuyết pháp. (Bởi vì ta là vô tình rồi)

Ngài hỏi thêm:

- Như vậy vì sao con chẳng nghe?

Ngài Vân Nham liền dựng cây phất tử lên, Ngài bảo:

Ông lại nghe chăng?

Dựng cây phất tử mà hỏi nghe chăng thì nghe làm sao?

Ngài thưa:

- Chẳng nghe.

Vân Nham bảo:

- Ta thuyết pháp mà ông còn chẳng nghe huống nữa là vô tình thuyết pháp.

Lương Giới thưa thêm:

- Như vậy vô tình thuyết pháp gồm những kinh điển gì?

Ngài Vân Nham bảo:

- Ông đâu không thấy trong kinh di-đà nói: nước, chim, cây, rừng thảy đều niệm Phật niệm pháp?

Ngay câu đó ngài Lương Giới liền đại ngộ và làm bài kệ:

Cũng rất kỳ! cũng rất kỳ!

Vô tình thuyết pháp chẳng nghĩ nghì.

Nếu lấy tai nghe trọn khó hội,

Phải đem mắt thấy mới liễu tri.

Tức là muốn nghe được “vô tình thuyết pháp” thì phải đem mắt thấy, nếu chớ lấy tai nghe thì không được. Tức là sao? Thường thường mình bị mắt kẹt trên chữ nghĩa, nghe nói vô tình rồi mình tưởng là cây đá, vật vô tri vô giác, nhưng đây ngầm chỉ vô tình tức là không có những tâm tưởng phân biệt đối đãi. Mình sống ngay một niệm hiện tiền ở đây, thì lúc nào cũng sáng rỡ hết, ngay tâm niệm đây nó sáng rỡ rồi. Với cái nhìn đó, mình thấy đâu đâu cũng là Phật pháp hiện bày, đâu đâu cũng là nhiệm mầu hết. Cho nên ở đây Ngài dẫn kinh Di-đà nói, cây rừng chim chóc cũng niệm Phật niệm pháp, niệm tăng. Mình nghe kiểu đó mình cũng phát nguyện thôi về cõi Cực lạc để nghe chim chóc niệm Phật niệm pháp cho vui, nhưng quên mất rằng, chính ngay cõi mình đang sống đây, chim chóc cũng đang niệm Phật, niệm pháp, niệm Tăng mà mình không nghe được thôi.

Như khi Sa-di Hiền Trí thấy người vót tên thì cái đó có niệm pháp không? Ngay đó là niệm pháp rồi, ngay cây tên cũng niệm Pháp cho mình rồi huống nữa là chim chóc, nó hót. Nó vừa hót lên mình nghe rõ ràng mà không quên chính mình, thì nó đang niệm pháp chớ gì? Nghe như vậy, đó là nghe Phật nghe Pháp, còn mình nghe tiếng chim mình chỉ nhớ tiếng chim, quên mất chính mình, đó là chỉ nghe tiếng thôi. Như vậy ở ngay cõi thế gian này, mình vẫn nghe chim chóc niệm Phật, niệm Pháp như thường, khỏi cần phải cầu đi đâu xa. Cho nên đâu đâu cũng là Phật pháp.

Nếu tâm mình muốn thấy được như vậy thì phải sao? - Phải chuyên tâm. Tức là nếu tâm mình chánh thì mình thấy cái gì cũng chánh, cái gì cũng sáng; còn tâm mình sáng; còn tâm mình tà thì thấy gì cũng tà rõ ràng như vậy thôi. Cũng là cảnh đó, cũng là tướng đó mà tâm mình tà thì mình thấy nó thành tà, ngay nơi cảnh Phật đi nữa, tâm tà mình cũng thấy thành tà luôn.

Ở Thường Chiếu có lần có một ông nhập thất, nhưng do nghiệp nặng, cho nên ông thấy ma thấy quỉ rùng rợn, ông nói ông không biết làm sao bây giờ, ông bèn nhớ tời Hòa thượng thì ông thấy Hòa thượng mọc nanh luôn nữa. Như vậy là do tại Hòa thượng mọc nanh hay tại ai? – Rõ ràng tại tâm mình mà thôi. Tà rồi thì thấy cảnh Phật cũng thành tà, đó là điều mình thấy rõ. Cho nên người học Phật đừng phân tích nghi ngờ theo kiểu tâm tà. Chánh pháp được người tà đem phân tích, mình nghe, rồi lại không phân biệt kỹ, mình theo đó thì mình cũng tà luôn không chừng. Tâm tà thì giảng chánh pháp cũng thành tà, còn tâm chánh giảng tà pháp cũng thành chánh.

Như câu chuyện ở trước “Tần hô Tiểu Ngọc nguyên vô sự” thì chuyện đó là chuyện tà nhưng Thiền sư nói cũng thành chánh. Thiền sư Vô Uẩn ở đời Minh, Ngài có thuật lại một câu chuyện trong tậm Sơn Am Tạp Lục nói về ông Thị giả Miễn. Ngài nói rằng:

“Tôi từng gạn hỏi về nguyên do ngộ nhập của Thị giả Miễn thì ông nói rằng: Miễn này có một lần ở nơi Ngọc Kỷ ngồi ở bên bàn kinh chỗ rừng chiên-đàn thì tình cờ gặp vị Tạng chủ tên là Khuê”, Tạng chủ tức là vị trông coi về tạng kinh, “vị này đang luận giảng với một vị tăng. Vị Tăng mới hỏi thế nào là việc hướng thượng”, hướng thượng là lý tột của Thiền, “ông Tạng chủ Khuê nắm hai tay lại để trên đầu và ông chắp tay lại nói tố rô, tố rô. Nhân đây Miễn tôi liền được có chỗ vui thích”, tức là tỉnh sáng, “liền vội vàng đi đến mông đường thuật lại cho Thủ tọa Đạt nghe thì Thủ tọa Đạt cười bảo: Ông lại đến chăng? Từ đấy trong lòng tôi tự giác biết rõ ràng.” Tức là ngay chỗ đó có chỗ tỉnh sáng.

Nghĩa là ông Tạng chủ Khuê đang luận giảng với một vị Tăng khác, còn ông Thị giả Miễn này là người ngoại cuộc nhưng thấy vậy thì ông liền tỉnh. Thiền sư Vô Uẩn thuật lại câu chuyện đó rồi, Ngài mới nói thêm:

“Sau này tôi gặp Tặng chủ Khuê, tôi đem việc này thuật lại để hỏi Ngài thì tôi thấy Ngài đỏ mặt chẳng dám đáp lại, tôi mới thong thả hỏi, Ngài nói rằng: “Lúc đó Ngài làm cái dáng vẻ ấy là để đùa với vị Tăng kia chớ thực tình chẳng biết thế nào.”

Ông Tạng chủ chỉ đùa với vị Tăng kia thôi mà ông Thị giả Miễn thấy đó liền tỏ ngộ, bởi vì tâm Ngài luôn luôn chuyên chú tham thiền, luôn luôn chuyên nhất về việc đó, đến đây đã thuần thục chín muồi rồi, giồng như hai đường thẳng gặp nhau tại giao điểm thì ngay đó tỏ sáng thôi. Rõ ràng tâm chánh thì thấy gì cũng chánh. Đó là chỗ mình phải nhận cho kỹ chớ để lầm lẫn.

Trong chuyện Thiền Nhật Bản có một câu chuyện vui nhưng cũng nói lên ý nghĩa tế nhị này:

Trong một ngôi chùa nhỏ ở một vùng phía Bắc Nhật Bản có hai vị huynh đệ nọ cùng ở. Vị sư huynh học rộng rộng hiểu nhiều nên lanh lợi, còn vị sư đệ hơi chậm lụt mà lại bị chột mắt. Một hôm có vị Tăng đi vân du đến xin nghỉ qua đêm. Theo lệ thường ở những chỗ này thì vị Tăng phải qua một trận “pháp chiến”, tức là phải đối đáp trôi thì mới được cho ở lại, còn không thì phải đi. Vị sư huynh hôm đó mệt mỏi quá nên để sư đệ xuống ứng phó với vị khách này, nhưng ông sư huynh biết ông sư đệ chậm lục nên dạy cho cách gọi là “thiền pháp vô ngôn” tức là không nói, vì nói thì sợ đối phương bẻ nói không lại, đối phương có hỏi gì, mình chỉ cần im lặng thôi. Ý của vị sư huynh này là tạm cho vị sư đệ ra ứng phó cho có lệ vậy thôi, rồi sau đó để vị khách này ở lại qua đêm. Nhưng không ngờ sau cuộc “pháp chiến” vị Tăng vội vã đến cáo từ vị sư huynh và tán thán:

- Vị sư đệ của Ngài quá là đặc biệt, thôi bần tăng xin chịu thua và xin cáo từ.

Ông sư huynh không hiểu, hỏi lại thì vị này mới nói:

- Đầu tiên tôi giơ một ngón tay lên để biểu thị Phật Thế Tôn là vị có một không hai trên đời này. Vị sư đệ của Ngài giơ hai ngón tay lên biểu thị Phật và Pháp tuy có hai nhưng hai như là một, giống như hai mặt của một thể thôi. Tôi đưa ba ngón tay lên để biểu thĩ Tam bảo hòa hợp không thể thiếu một được thì vị sư đệ của ông giơ nắm tay trước mặt tôi để biểu thị ba thứ đó đều phải từ sự giác ngộ chân thật, từ sự chứng nghiệm mới có được chớ không thể nói suông. Thành ra tôi coi như hết lời.

Sau đó ông ra đi thì vị sư đệ chạy vào trông mặt hầm hầm khó chịu hỏi sư huynh:

- Cái vị trọc đầu kia đâu rồi, trốn đâu rồi?

Ông sư huynh bảo:

- Vị ấy đã thua sư đệ, cáo từ đi rồi, mừng cho sư đệ hôm nay được thắng lợi.

Vị sư đệ tức mình:

- Thắng cái gì, tôi muốn đập cho hắn một trận.

Vị sư huynh kinh ngạc hỏi:

- Vậy thì thế nào?

Bây giờ ông sư đệ mới kể lại, ông nói rằng:

- Hắn đã làm nhục chúng ta bởi vì lúc đầu hắn chỉ nhìn đệ qua một lượt rồi giơ một ngón tay lên để chế giễu đệ một mắt. Đệ nghĩ rằng hắn là khách cho nên mình cũng phải lịch sự giơ hai ngón tay lên để chỉ rằng, Ngài may mắn có được hai con mắt. Không ngờ hắn lại còn đưa ba ngón tay lên để chỉ rằng cộng lại là ba con mắt. Như vậy huynh xem có tức không? Cho nên đệ mới giơ tay lên trước mặt định đấm cho hắn một cái nhưng hắn bỏ chạy.

Như vậy coi như là một chuyện vui nhưng rất ý nhị. Nghĩa là vị sư đệ kia, chuyện của ông đâu có ý nghĩa Phật pháp gì, nhưng ông Tăng này lại thấy Phật pháp trong đó. Tại sao như vậy? Là bởi vị Tăng này trong tâm ông luôn luôn đang tham thiền, chuyên tâm về việc đó thôi, cho nên thấy gì cũng thiền, ông thấy mọi hành động đều biểu lộ đạo lý trong đó. Còn vị kia tâm đang loạn thành ra thấy gì cũng loạn thôi.

Hiểu như vậy mới thấy tâm mình chánh thì thấy cái gì cũng chánh. Cũng một việc Phật đưa cành hoa sen lên nhưng nếu là người chuyên tâm tham thiền thì ngay đó liền cảm ngộ được ý Phật, hoặc nghe câu chuyện đó thì mình nhận ý thiền sâu xa trong đó liền. Trái lại, nếu mình dùng tâm phân biệt hoặc chia chẻ trên chữ nghĩa thì sao? Có nhiều người dùng cái học mà phân tích câu chuyện này, cho là không có thật do sau này các vị Thiền sư đặt ra, rồi lý luận thật là giả. Nếu đem tâm đó đọc câu chuyện này thì bao giờ được ngộ? Tại sao câu chuyện đó có nhiều người đọc lại tỏ ngộ, thấy được ý nghĩa rất sâu xa trong đó. Như vậy là tại sao? Đó là do tâm của mình không chuyên nhất, mình đọc nó theo lối phân tích chữ nghĩa thì mình thấy theo chữ nghĩa thôi. Nếu tâm mình chuyên nhất như ông Tăng này thì mình thấy nó cũng thiền. Cho nên chỗ đó là chỗ mình phải xét lại.

[ Quay lại ]