headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 12/11/2024 - Ngày 12 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

NHÂN VÔ THƯỜNG, QUẢ VÔ THƯỜNG

sen7Người tu giải thoát nhưng không rõ nhân quả, lấy tâm sinh diệt tu hành thì được quả là sinh diệt không nghi. Ngày xưa nhiều vị tu Tiên, đem tâm tưởng bám vào cái ta sinh diệt này mà tu, cầu sống lâu, cầu thần thông, cuối cùng vẫn thuộc luân hồi, không hết phiền não.

Trong tập Nhân Thiên Bảo Giám có thuật lại câu chuyện Lữ Đồng Tân Thiền sư Hối Cơ ở Hoàng Long. Ông sống vào khoảng thời Đường, niên hiệi Thiên Bảo (742-755), nhiều lần đi thi Tiến sĩ mà không đậu, nhân đó đi dạo chơi ngọn Hoa Sơn gặp Chung Ly Quyền, là vị lang tướng đời Tấn tránh loạn vào núi học pháp dưỡng mạng, lúc đó đem truyền dạy cho ông thuật luyện Kim đan và kiêế pháp Tiên thiên, ông đạt được phép dạo đi tự tại.

Nhân đi qua núi Hoàng Long ở Châu Ngạc thấy khí tía vờn quanh, ông nghi là có bậc di nhân ở, bèn đi vào thì gặp lúc Thiền sư Cơ thượng đường. Sư biết có người lạ ẩn dưới tòa, liền lớn tiếng bảo:

- Trong chúng có kẻ trộm pháp.

Ông đi ra hiên ngang hỏi:

- Trong một hạt lúa chứa thế giới, trong nồi nửa thăng nấu núi sông, hãy nói ý chỉ này thế nào?

Sư đáp:

- Quỷ giữ thây chết.

Ông thưa:

- Ngặt vì trong túi chứa thuốc trường sinh bất tử thì sao?

Sư bảo:

Dù trải qua tám muôn kiếp, cuối cùng cũng phải chết mất thôi.

Lữ đồng Tân bất mãn, bực tức bỏ đi. Đến tối, ông phóng kiếm đến định hại Sư. Sư đã biết trước nên lấy pháp y trùm lên đầu rồi ngồi nơi phương trượng. Kiếm bay đến bay quanh Sư mấy vòng, Sư lấy tay chỉ, kiếm liền rơi xuống đất. Ông tạ tội. Sư nhân đó gạn hỏi:

- Trong nồi nửa thăng thì chẳng hỏi, thế nào là trong một hạt lúa chứa thế giới?

Ông ngay lời đó liền có tỉnh, bèn làm bài kệ:

Bóp nát bầu rượu đập vỡ đàn,

Giờ đây chẳng luyến thuốc Kim đan.

Từ khi gặp được Hoàng Long đó,

Mới biết từ xưa dụng tâm quàng.

Ảo khước biều nhi toái khước cầm,

Như kim bất luyến thủy trung kim

Tự tùng nhất kiến Hoàng Long hậu,

Thủy giác tùng tiền thố dụng tâm.

Cho thấy ông Lữ Đồng Tân tu được thần thông, được sống lâu nhưng phiền não không sạch, tâm hơn thua còn nặng, tức là vẫn sống trong lòng sinh tử luân hồi thôi.

Thiền sư Cơ ở Hoàng Long thương xót đánh thức cho ông thấy rõ, dù luyện được Kim đan, uống thuốc tiên sống lâu hàng ngàn năm, nhưng cuối cùng cũng phải chết, cũng trở lại luân hồi, đó chỉ như quỹ giữ thây chết thôi. Phải tỏ ngộ được tự tánh, là cái nhân không sanh diệt mà nương đó tu hành, mới là con đường giải thoát chân thật.

Trong thời Tôn giả Ưu Ba Cúc Đa có tỳ kheo Thiện Kiến ở nước Kế Tân tu hành chứng được tứ thiền và năm thứ thần thông. Gặp những lúc trời hạn hán, ông thường cầu được mưa nên khởi lòng tăng thượng mạn, tự cho mình đã được quả A-la-hán. Tôn giả Ưu Ba Cúc Đa muốn độ ông, Ngài bèn hóa làm cho mười hai năm hạn hán. Mọi người đều hoảng sợ, đến chỗ Tôn giả bạch rằng: “Kính mong Ngài vì chúng con mà cầu mưa cho”. Tôn giả đáp: “Ta không thể cầu mưa, ở nước Kế Tân có Tỳ kheo Thiện Kiến có khả năng cầu mưa”. Khi ấy mọi người trong nước liền sai sứ đi qua chỗ Tỳ Kheo kia cầu thỉnh. Tỳ kheo Thiện Kiến nhận lời thỉnh, dùng sức thần thông của thế tục bay đến nước Ma Đột La đồng thỉnh cầu: “Bạch Xà Lê! Xin Ngài vì chúng con mà cầu mưa cho!”. Tỳ Kheo Thiện Kiến cầu mưa kết quả mưa to ngập đầy các nơi. Mọi người đều vui mừng sắm sửa đồ cúng đem đến cúng dường. Tỳ Kheo Thiện Kiến rất được lợi dưỡng, liền khởi lòng kiêu mạn nói rằng: “Chỗ Ngài Ưu Ba Cúc Đa được cúng dường chẳng bằng ta”. Sau đó Tỳ Kheo ấy liền tự suy nghĩ: “Bậc A-la-hán thì không có ngã mạn, mới biết ta nay chẳng phải là A-la-hán rồi”.

Tỳ Kheo ấy liền đi qua chỗ Tôn giả cầu chỉ dạy phương pháp để tiến thêm. Tôn giả bảo: “Ông chẳng giữ gìn phép tắc của Phật, làm sao dạy ông? Phật chẳng cho Tỳ Kheo cầu mưa, ông đã làm lại còn sanh tâm kiêu mạn, làm sao tự nói rằng ta được A-la-hán?”. Tỳ Kheo ấy liền hướng về Tôn giả chí tâm sám hối. Tôn giả chỉ dạy cho, ông liền đắc quả A-la-hán.

Như vậy Tỳ Kheo Thiện Kiến tu hành chứng được tứ thiền, được năm thần thông nhưng còn lòng kiêu mạn, tức cái nhân sinh tử chưa hết nên không chứng được giải thoát vô sinh. Cũng may là ông tỉnh lại, nếu không, cứ bám chặt vào đó cho là mình đã thật đắc đạo, rồi khinh thường các bậc thánh khác, thì cuối cùng không biết sẽ đi về đâu? Giải thoát thì hẳn là khó đến rồi.

Còn người tu cầu phước đời sau hưởng thế nào? Đây là tu trong luân hồi, nhưng tránh mất thân người. Bởi đời sau hưởng là ai hưởng? Ta hưởng chớ gì! Đó là con máng tính chấp ngã, nghĩ đến mình hưởng, tức còn vướng trong sinh tử. Kinh Kim Cang Phật dạy bố thí bảy báu đầy cả hằng sa thế giới, không bằng người trì bốn câu kệ kinh Kim Cang . Bởi bố thí nhiều thì được phước lớn rồi cứ lo hưởng phước, sinh đi sinh lại để hưởng trong vòng luân hồi này, với con mắt của bậc giác ngộ cũng đâu có gì vui sướng! Mỗi một lần sinh tử là bao nhiêu đau khổ trong đó, đâu hẳn là vui. Hơn nữa, nếu thiếu trí tuệ mà có phước tức còn lòng tham thì càng tham thêm.

Như chuyện vua Đảnh Sanh, do phước báu đời trước, vua cai trị một nước rộng lớn, có vòng vàng, voi bạc, ngựa khỏe, ngọc minh châu, vợ xinh đẹp, quan văn trung hiếu, quan võ hùng dũng và một ngàn người con. Vua được trời mưa vàng bạc, các nước bốn phương thần phục, nhưng vẫn chưa thỏa mãn, vua nghĩ muốn lên cõi trời cho biết. Nhờ phước lành của vị chuyển luân vương, chiếc vòng vàng kéo vua bay lên trời. Trời Đế Thích nhìn thấy vua Đảnh Sanh liền ra nghinh đón vào trong cung trời và nhường tòa cho ngồi. Vua Đảnh Sanh ngồi xong, nhìn xuanh quanh thấy cung điện làm bằng bảy báu, tỏa sáng khác xa ở nhân gian, vua chưa từng thấy bao giờ, lúc đó, vua thầm nghĩ: “Ở hạ giới, ta đã thống lĩnh đất đai bốn phương, ngọc ngà châu báu, mỹ nữ nhiều vô kể, nhưng những thứ đó đâu có thể sánh được với những thứ ở thiên cung này. Hay là trời Đế Thích sắp qua đời, ngài gọi ta ngồi vào cung điện này để cho ta cai quảng cả trên trời lẫn hạ giới, thật là tuyện diệu biết bao!”.

Vua Đảnh Sanh vừa có ý nghĩ xấu đó, bị trời Đế Thích đẩy rơi trở lại hạ giới. Sau đó vua mắc bệnh nặng, các đại thần đến vây quanh thăm hỏi, vua trịnh trọng bảo:

- Các ngươi luôn ở bên ta, tất cả những gì ta làm, các ngươi đều biết rõ. Nếu như sau này có ai đó hỏi: “Đại vương của các ngươi chết như thế nào?”. Các ngươi phải đáp rằng: “Ông ta chết vì bệnh tham lam vô độ. Bây giờ ta đã hiểu rằng tham lam là con dao lợi hại để làm tổn hại sinh mạng của con người, là nọc độc làm vong quốc! Tiếc quá, ta hiểu ra thì đã muộn rồi. Các ngươi nên bảo người đời rằng: tham lam là ngọn lửa thiêu thân, chớ nên xem thường!

Nói xong, vua Đảnh Sanh buông xuôi tay xuống, ngài qua đời. (Theo truyện cổ Phật giáo).

Đây cho thấy, người có phước nhưng thiếu tuệ, bị lòng tham sai khiến, tham không biết đủ, tham quá mức nên đành chịu khổ. Đã lên được cung trời, được vua trời nhường cho ngồi chung tòa, vẫn còn chưa biết đủ, muốn chiếm luôn tòa ngồi một mình, thành tổn phước, rơi trở lại nhân gian.

Kinh Pháp Cú câu 186-187, Phật cũng dạy:

Giả sử mưa vàng bạc

Cũng chẳng thỏa lòng tham

Người trí rõ ái dục

Vui ít mà khổ nhiều

Thế nên vui cõi trời

Người cũng chớ mong cầu

Để tử bấc chính giác

Chỉ cần trừ ái dục.

Nghĩa là, lòng tham của con người là không đáy, không biết đâu là giới hạn. Mà như vậy thì có bao giờ được thỏa mãn? Không thỏa mãn thì sao gọi là vui được? Nên gọi là vui trong cái khổ thôi! Đó là nói về cái vui trong luân hồi thuộc nhân quả sinh diệt, giữ không mất thân người, để tiến lên nữa, chớ không dừng ngay đây.

TT. Thích Thông Phương

[ Quay lại ]