headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 22/11/2024 - Ngày 22 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

PHÁP VÔ NGÃ

vonga2Lâu nay người học kinh nghe giảng, nhiều khi nghe nói về “pháp vô ngã”, nghe trên danh từ, trên chữ nghĩa mà không hiểu các pháp vô ngã là sao? Nói mình vô ngã (không có ta) thì dễ hiểu, còn nói pháp vô ngã, pháp mà không có ta là sao? Đó là muốn nói lên, các pháp không có tánh cố định, không có một thể cố định gì hết, tùy theo tâm người mà nó hiện. Vì không cố định cho nên nói vô ngã, vô ngã là vậy, chớ không phải pháp vô ngã là pháp không có ta.

Ở đâu cũng vậy, pháp không cố định là nhiễm, cũng không cố định là tịnh, nó cũng không cố định là mê hay là giác, cảnh không phải làm mình mê, cũng không phải làm mình giác, tức là không có cố định gì hết, tùy theo tâm người mà nó thành nhiễm thành tịnh, thành mê thành giác. Cũng cảnh đó nhưng người tu đạt đạo nhìn nó mà không nhiễm, còn người bình thường nhìn thì nhiễm. Vậy đổ lỗi cho cảnh sao được! Đó, rõ ràng nó vô ngã, nó không cố định mà tùy theo người.

Chẳng hạn như câu chuyện của Ngài Viên Ngộ, Ngài tham thiền với Thiền sư Pháp Diễn một thời gian lâu mà chưa tỏ ngộ. Một hôm đang hầu thầy thì có ông quan Đề hình đến thăm Thiền sư Pháp Diễn bàn luận đạo, Pháp Diễn hỏi:

- Đề hình lúc trẻ có đọc thơ Tiểu Diễm chăng?

Ông nói:

- Có.

Thiền sư Diễn nhắc ở trong đó có hai câu:

Tần hô Tiểu Ngọc nguyên vô sự

Chỉ yếu đàn lang nhận đắc thanh

Tức là:

Luôn kêu Tiểu Ngọc nguyên không việc

Chỉ cốt anh chàng nhận được tiếng.

Ngài Viên Ngộ lúc đó đang đi ra ngoài, ông Đề hình nghe tới đó liền “dạ! dạ!”

Thiền sư Pháp Diễn bảo:

- Nhưng hãy chính chắc cẩn thận.

Vừa lúc đó ngài Viên Ngộ ở ngoài trở về đứng hầu, nghe qua câu chuyện mới hỏi:

- Nghe Hòa thượng nhắc lại thơ Tiểu Diễm nhưng ông Đề hình có lãnh hội được chăng?

Thiền sư Pháp Diễn bảo:

- Ông chỉ nhận được tiếng thôi.

Ngài Viên Ngộ thưa:

- Ở trong đó nói rằng “chỉ cốt anh chàng nhận được tiếng” mà ông ấy đã nhận được tiếng, vì sao lại không phải?

Pháp Diễn bảo:

- Thế nào là ý Tổ sư từ Ấn Độ sang? – Cây Bách trước sân.

Ngay đó Ngài Viên Ngộ liền tỉnh ngộ.

Đây là cô đọng một câu chuyện trong quyển tiểu thuyết, chuyện kể rằng có một nàng tiểu thơ có tình ý với một chàng trai ở gần nhà. Một hôm vào buổi chiều chạng vạng tối, chàng trai này lân la đến nhà cô thiếu nữ, ý muốn dò tìm coi phòng của cô ở chỗ nào nhưng không biết, nên đi lảng vảng ở ngoài. Cô tiểu thơ ở trên gác nhìn thấy nhưng không biết làm sao cho chàng kia biết được, mà kêu thì lộ rồi, cô nhanh ý gọi đứa hầu tên Tiểu Ngọc:

- Tiểu Ngọc! Tiểu Ngọc! Hãy đem cái bình trà lại phòng cho cô.

Ngay đó anh chàng kia nghe thì biết cô ở phòng nào rồi. Cho nên ở đây Thiền sư Pháp Diễn dẫn lại hai câu thơ “Tần hô Tiều Ngọc nguyên vô sự, Chỉ yếu đàn lang nhận đắc thanh”, nghĩa là cô này kêu Tiểu Ngọc luôn miệng như vậy nhưng không có ý gì hết, không có việc gì, chỉ cốt cho anh chàng kia nhận được tiếng của mình thôi, tức là kêu ở đây nhưng mà ý ở đằng kia. Đó, thiền là như vậy. Cho nên Ngài Viên Ngộ nghe tới đó thì Ngài ngộ.

Như vậy cũng một câu chuyện đó, là câu chuyện thế tục thôi, nhưng qua tay của Thiền sư thì sao? – Thành chuyện đạo, thành có lý thiền, mà rất sâu chớ không phải thường nữa. Còn với thanh niên nam nữ ngoài đời, họ sống theo tình cảm của thế tục, khi đọc tới chỗ này thì sẽ nghĩ theo tình ý của nam nữ, thành ra thấy câu chuyện đó là cây chuyện của thế tục.

Cũng câu chuyện này nhưng với người tham thiền, tâm chuyên nhất hướng về đạo thì nghe đó liền đạt được cái ý “giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự”. Nghĩa là nghe đây nhưng phải thấy ý đằng kia. Thiền cũng vậy, nói ở đây nhưng mình phải thấy ý đằng kia, tức là không mắc kẹt ở trong câu nói. Bao nhiêu đó cho thấy chỗ này là chỗ phải thấu qua giấy mực, ý này rất sâu xa.

Rõ ràng cùng một câu chuyện nhưng tùy theo tâm người mà thấy khác nhau, như vậy nó vô ngã không có cố định gì hết. Vậy tại sao mình không thấy theo cách thứ hai? Thấy theo cách thứ hai thì hay vô cùng. Cho nên chỉ một câu chuyện đó đã nói lên được nghĩa “đâu đâu cũng là Phật pháp”.

[ Quay lại ]