CHUYỂN HÓA MÊ LẦM
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ tư, 01 Tháng năm 2019 00:32
Đức Phật ra đời để nhắc cho chúng sanh biết được những cái mê lầm để chuyển hóa. Ngay thời Đức Phật cũng vậy, khi Đức Phật muốn độ ông Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp thờ thần lửa, Phật mới đến xin ông cho nghỉ qua đêm, ông nói ở đây không đủ chỗ chỉ còn có chỗ thờ rắn lửa thần rất độc hại và nguy hiểm, ai vào đó rồi đều chết.
Ông Ca-diếp này thấy Phật hình dáng trang nghiêm đức độ rất cảm mến nên nghĩ: Để Ngài vào đó sáng ra chết cũng hơi tiếc nên do dự. Phật nói không sao cứ cho Ngài vào đó. Đến sáng ông mới dẫn một số đệ tử đến thăm xem vị Sa-môn hôm qua còn hay không? Đến thấy Phật bình thường không có chuyện gì hết. Phật còn mở nắp bát cho ông thấy là Phật đã hàng phục con rắn thần đó rồi. Ông kinh ngạc nghĩ: “Vị Sa-môn này uy lực quả rất lớn, đến rắn thần mà còn hàng phục được. Tuy vậy nhưng cũng chưa bằng ta, vì ta đã đắc quả A-la-hán rồi”.
Vì kính mến Phật nên ông mời Phật ở lại một thời gian và cung cấp vật thực cúng dường. Phật tìm chỗ vắng thích hợp ở lại. Đêm đầu tiên, đầu hôm thì Trời Tứ Thiên Vương đến hầu thăm Phật. Tới gần cuối đêm có Trời Đế-thích đến thăm, hào quang các vị tỏa sáng khắp hết. Ông Ca-diếp thấy vậy kinh ngạc lắm, nên vừa sáng ông đến hỏi thăm Phật: “Đêm rồi vì sao chỗ thầy có ánh sáng chói lòa giống như cháy nhà vậy?”. Phật nói là có Trời Tứ Thiên Vương và Trời Đế-thích đến hầu thăm Như Lai nên hào quang sáng rỡ như vậy.
Ông rất kinh ngạc, nghĩ vị đại Sa-môn này công đức quá lớn, đến Trời Tứ Thiên Vương, Trời Đế-thích cũng đến hầu thăm nhưng ông cũng nghĩ: “Tuy vậy cũng chưa bằng ta, vì ta đã chứng A-la-hán”.
Đến gần ngày lễ cúng thần lửa rất trọng thể, ông mới nghĩ: “Ngày mai là ngày lễ lớn có nhiều tín đồ tập trung đến làm lễ; nếu vị đại sa-môn này đến nữa thì tín đồ thấy thần thông uy lực của ông này chắc họ chỉ cúng dường ông ấy mà bỏ quên ta. Vậy ta phải làm sao ngăn vị Sa-môn này ngày mai đừng đến”. Do có tha tâm thông, Đức Phật biết được ý nghĩ của ông, nên sáng hôm sau Phật dùng thần thông đến xứ Bắc Câu Lô Châu khất thực. Rồi Phật về nghỉ trưa ở ao A-nậu trên dãy Hy Mã Lạp Sơn, đến chiều mới về chỗ ông Ca-diếp.
Hôm sau, ông hỏi Phật hôm qua Ngài đi đâu vắng vậy? Đức Phật cho biết là vì ý của ông không muốn Ngài đến cho nên Ngài đi khất thực ở Bắc Câu Lô Châu. Nghe vậy, ông giật mình nghĩ: “Mình nghĩ trong lòng mà Phật cũng biết”, nhưng rồi cũng cứ nghĩ rằng: “Tuy vậy nhưng cũng chưa bằng ta, vì ta đã chứng A-la-hán”. Trong các tư liệu ghi, Phật ở đây khoảng hai tháng, dùng đến ba ngàn năm trăm lần thần thông để độ ông, nhưng ông cũng phăng phăng nghĩ là Phật chưa bằng ông.
Cuối cùng, Phật bảo thẳng với ông rằng: “Này thầy đạo sĩ! Ông chưa phải A-la-hán đâu, hơn nữa ông cũng chưa biết phương pháp hành đạo để chứng A-la-hán, tại sao cứ chấp ông là A-la-hán.” Ông mới giật mình thức tỉnh, quỳ xuống bạch Phật xin quy y, để Phật chỉ dạy con đường tu chứng A-la-hán.
Phật nhận ông quy y và độ cả hai anh em của ông luôn. Rồi Phật dẫn ba vị cùng với một ngàn đệ tử lên núi Tượng Đầu gần Bồ Đề Đạo Tràng, hiện nay vẫn còn dấu tích. Phật thuyết bài kinh nói về lửa. Sau khi nghe kinh, các vị đều chứng A-la-hán.
Mới thấy cái mê lầm của ông. Chưa phải thật là A-la-hán, chưa phải thật là bậc thánh nhân nhưng cứ nghĩ mình là A-la-hán, cứ nhận sống với cái mê lầm đó. Để thấy rõ chúng sanh thường sống trong cái mê lầm đó và bị nó che đậy. Cho nên, chúng ta không nên tự phụ, phải biết được chỗ yếu chỗ sai của mình thế nào để chỉnh sửa thì mới tiến. Còn sai thêm, nhiều khi còn bày cái mê lầm cố chấp của mình cho người ta thấy.
Thời Đức Phật có câu chuyện về một Phạm chí. Ông cũng học nhiều sách vở và hiểu biết khá nhiều, nên mới cho rằng trên thế gian này không ai có trí tuệ bằng ông. Ông lấy những lá đồng ép mỏng rồi buộc vào bụng, đi khắp nơi rao ai có thể lý luận hơn ông thì ông sẽ tôn làm thầy. Có người hỏi tại sao ông phải lấy lá đồng buộc bụng như vậy? Ông nói trí tuệ của tôi quá đầy nếu không buộc sợ nó tràn ra ngoài. Chính chỗ đó người trí nhìn thấy biết là thiếu trí tuệ rồi nhưng ông không biết. Đến khi gặp Phật khai thị, ông mới tỉnh ngộ. Để nói lên thế gian có nhiều người mê lầm, cứ tưởng mình là trí tuệ rồi không chịu chuyển hóa mê lầm.
Phật dạy rõ trong kinh Pháp Cú: “Người ngu mà tưởng là trí thì đó là thật ngu; còn người ngu mà biết mình ngu thì đó là người trí.” Tức là người ngu mà không biết mình ngu, lại tưởng mình là người trí thì Phật nói như vậy là người thật ngu; còn mình ngu, mà mình biết mình ngu thì đó là người trí. Tức là mình si mê mà biết mình si mê là có trí rồi, còn si mê mà tưởng là trí thì đâu có chuyển được cái si mê. Đó là những điểm muốn nhắc tất cả phải hiểu rõ nắm vững để có con đường vươn lên.
Trích "TU LÀ CHUYỂN HÓA" - TT. Thích Thông Phương