headertvtc new


   Hôm nay Thứ hai, 23/12/2024 - Ngày 23 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

CHƠN SÁM HỐI

ThayTrucLam9(TT. Thích Thông Phương)

Trong bài kệ sám hối ba nghiệp ở Thiền viện mà trước kia thường tụng, có trích bài kệ trong kinh là “Tánh tội vốn không do tâm tạo, Tâm nếu diệt rồi tội sạch trong. Tội trong tâm diệt cả hai không, thế ấy mới là chơn sám hối”. Sám hối đến như vậy đó mới là sám hối rốt ráo.

Tức là Tánh tội vốn không do tâm tạo, nếu tâm diệt rồi thì tội sạch luôn, quán kỹ như vậy mà sám hối là sám hối tận gốc. Đây nói rằng tánh tội vốn tánh không, tức là không phải nó có sẵn nơi mình, mà do tâm mê lầm vọng chấp tạo tội, thành ra do tâm tạo. Mà tâm là hư vọng không thật, nếu tâm hư vọng diệt rồi thì tội sạch. Nếu không có tâm tạo tội thì tội đâu còn. Tâm hết tội như vậy mới thật là chơn sám hối.

 Sám hối như vậy mới gọi là sám hối tận gốc, sám hối như vậy thì không còn dấu vết để sanh trở lại. Chúng ta biết sám hối, nhưng chưa nhổ được gốc thì sao? Thí dụ như nhổ cỏ chưa hết gốc gặp trời mưa thì nó mọc trở lại. Hoặc kẻ trộm cắp cũng biết trộm là xấu rồi đi lễ Phật sám hối, nhưng nếu sám hối mà không trừ cái tâm trộm cắp thì khi gặp duyên cũng trộm nữa. Đó là cái tâm trộm cắp thì khi gặp duyên cũng trộm cắp nữa. Đó là cái tâm trộm cắp chưa hết, chỉ mới sám hối bên ngoài nên khi gặp duyên trộm cắp thì cũng trộm cắp trở lại. Còn người khéo trừ sạch cái tâm trộm cắp thì dù cho gặp duyên người ta rủ đi trộm cũng không đi, không còn tâm trộm cắp thì đó mới gọi là sám hối tận gốc.

Hiểu rồi, chúng ta rõ tội lỗi từ nơi tâm sanh, nếu khéo chuyển tội lỗi thì cũng phải từ nơi tâm mình mà chuyển, thì đó là điều mình tin chắc không nghi ngờ. Còn nếu tâm không chuyển, cầu ai chuyển cho mình, không ai có thể chuyển được. Thí dụ người có tâm trộm cắp thì dù đến chùa nhờ quý thầy tụng kinh để sám hối, thì lúc đó nghe cũng nhẹ nhàng nhưng tâm trộm kia chưa trừ, khi gặp duyên cũng trộm cắp lại nữa.

Thế nên, chúng ta cần có sự quyết tâm, nghĩa là quyết tâm sửa đổi chứ không chấp nhận để mê lầm tội lỗi mãi. Đó là con đường tu tập, quay lại sửa cái tâm mình, mới quan trọng. Nhờ vậy, chúng ta có niềm tin tiến tu, không phải mặc cảm tội lỗi mãi. Đó là con đường tu tiến. Khi hiểu kỹ điều đó rồi khéo tu tập, quay lại sửa cái tâm mình, mới quan trọng. Nhờ vậy, chúng ta có niềm tin tiến tu, không phải mặc cảm tội lỗi. Biết mình tội lỗi vì lúc đó mê lầm rồi thì chuyển chứ không có mặc cảm.

Như câu chuyện bà Liên Hoa Sắc được tôn giả Mục-Kiền-Liên cảm hóa về với Phật rồi tu chứng A-la-hán. Bà Liên Hoa Sắc là một người phụ nữ tội lỗi rất sâu, nên khi gặp Ngài Mục-Kiền-Liên bà còn muốn dùng nhan sắc của mình để phá Ngài. Nhưng không ngờ được Ngài cảm hóa, Ngài nói: “Nhìn hình dáng bên ngoài của cô rất là đẹp, ăn mặc cũng đẹp, nhưng trong tâm của cô thì đang lún sâu trong bùn lầy. Và cô giống con voi đang bị sa lầy, càng vùng vẫy thì càng lún thêm.”

Bà nghe vậy mới giật mình, những điều uẩn khúc trong tâm của bà bị Ngài biết hết nên nói: “Tôi nghĩ có thể dùng sắc đẹp thắng thần thông để khắc phục Ngài, nhưng Ngài đã biết hết trong lòng của tôi thì tôi cũng không giấu giếm. Tôi thật sự là tội lỗi sâu nặng hết phương cứu”.

Tôn giả Mục-Kiền-Liên an ủi: “Cô không nên tự làm khổ mình, cũng đừng thất vọng. Tội nghiệp dù có nặng đến đâu, nhưng chỉ cần một phen sám hối thì đều có thể cứu vãn; giống như y phục dơ thì có thể giặt; thân thể ô uế thì có thể dùng nước để tẩy trừ; còn tâm không thanh tịnh thì có thể dùng Phật pháp để rửa sạch.” Ngài Mục-Kiền-Liên an ủi bà không nên thất vọng, dù tội lỗi nhiều nhưng nếu biết ăn năn sám hối thì cũng sẽ chuyển giống như y phục dơ thì dùng nước giặt sạch. Ngài nói thêm: “Trăm dòng sông nhớp nhúa một phen chảy vào biển cả thì nước biển lớn thảy đều làm sạch nước trăm sông”. Tức là như nước sông dơ đục khi chảy ra biển thì được trong sạch vì nước biển mênh mông sẽ hòa tan làm tan dơ bẩn.

Lại nói: “Lời dạy của đức Thế Tôn chúng tôi đủ sức khiến thanh tịnh lòng người ô uế, có thể sám hối những tội nghiệp quá khứ.” Ngài nói những lời dạy của Đức Phật đủ chuyển hóa lòng người, nếu ai biết tin nhận rồi khéo tu tập sám hối sẽ chuyển hóa. Lại khuyên đừng mặc cảm cho là mình hết phương cứu. Ngài an ủi để bà có niềm tin chuyển hóa vươn lên, cuối cùng, bà nghe lời mới theo Ngài Mục-Kiền-Liên về gặp Phật. Phật thuyết pháp và cho xuất gia tu tập, sau bà chứng A-la-hán và trở thành vị Ni thần thông đệ nhất.

Cho thấy người tội lỗi nhưng tâm biết ăn năn sám hối thì cũng chuyển hóa chứ không phải là hết phương cứu. Mà chính vì có thể tu, có thể chuyển được nên Đức Phật mới ra đời giáo hóa chúng sanh tu hành chuyển hóa tiến lên. Nếu không chuyển hóa được thì Phật ra đời làm chi! Vì biết chúng sanh có thể tu, có thể chuyển hóa tiến lên nên Phật mới ra đời giáo hóa để chỉ ra những lẽ thật cho chúng sanh ứng dụng tu tập. Nếu khéo biết ứng dụng tu đúng pháp thì vươn lên được, đó gọi là con đường tiến hóa cho mình; và nhất là con người có hiểu biết có nhận định nên có sự chuyển hóa. Hiểu rồi chúng ta biết trân trọng không bỏ qua nhân duyên tốt của mình.

Trích "TU LÀ CHUYỂN HÓA" - TT. Thích Thông Phương
 

[ Quay lại ]