headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 26/12/2024 - Ngày 26 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

ĐẠO LÝ VÔ NGÃ

H.T Thích Thanh Từ  

Chúng ta học Phật mà chưa hiểu thuyết “Vô ngã” là chưa hiểu gì về Phật giáo. Nền giáo lý thâm uyên của đạo Phật xây dựng trên thuyết Vô ngã. Đạo lý tu hành có được giải thoát hay không, do chúng ta có phá được ngã chấp hay không. Vấn đề này người ta đã từng tiêu hao bao nhiêu giấy mực, tranh luận nhau, nhưng cũng chưa được mấy người lấy làm thỏa mãn.

Hôm nay, trong thời gian ngắn - một tiếng đồng hồ mà tôi dám đề cập đến đề tài khó giải này, chỉ vì tôi thấy nó rất quan trọng trên bước đường tu học của hàng Phật tử. Chắc rằng tôi sẽ không trình bày đầy đủ được, chỉ nêu ra những lý do tôi thâu lượm được trong thời gian tu học, đem cống hiến quý vị. Tùy quý vị lãnh hội được bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu.

*

1. KHẢO SÁT VỀ HAI LỐI CHẤP THƯỜNG VÀ ĐOẠN

Trước khi muốn hiểu Vô ngã, chúng ta phải hiểu chữ Ngã. Ngã nói cho đủ là “tự ngã” do dịch chữ Atman ra. Theo Bà-la-môn giáo chủ trương trong con người chúng ta có cái “tự ngã”. Cái “tự ngã” này có đầy đủ ba nghĩa: đồng nhất, bất biến và tự tại. Bởi thừa nhận có cái tự ngã nên tiến dần đến chấp “thường kiến”. Nghĩa là chấp có phần tinh thần ẩn náu trong xác thân này, nó thường còn mãi mãi, dù xác thân này chết, hư hoại nó vẫn thường không biến đổi, nó hằng tự tại không bị chi phối. Tương tự lối chấp linh hồn thường còn của người bình dân Việt Nam.

Ngược lại, có phái chấp con người chỉ do vật chất cấu hợp thành. Khi thể xác tan hoại thì hết không còn biết chi nữa. Cuộc đời có giá trị hay không là do sự thụ hưởng nhiều ít, sau khi chết không còn có tội phúc quả báo. Đây là phái chấp “đoạn kiến”. Giống với thuyết Duy vật hiện tại.

Qua hai lối chấp ấy, đức Phật cho là hai thái độ cực đoan, đưa con người đến chỗ trầm luân đau khổ. Nếu thừa nhận có một tinh thần làm chủ ngự trị trong con người, thường còn không biến đổi, dù có đổi thay ngàn vạn xác thân, nó vẫn là nó, không bị cái gì chi phối, không đổi thay chút nào; đã có quan niệm này thì sự tu thiện, làm phúc cũng bằng thừa. Vì có tu cho mấy cũng không tiến, trụy lạc đến đâu cũng không lùi. Do đó, luân thường đạo lý bị đảo ngược.

Căn cứ trên thật lý mà xét, phần tri giác của con người thuở bé thơ, khác hơn ngày khôn lớn, thời trẻ khác hơn lúc già, nó có khi tăng khi giảm. Gần người tốt lần lần tâm tính chúng ta trở thành tốt, ở chung kẻ ác tâm tính bị nhiễm xấu ác. Như thế thuyết nói tâm tính đồng nhất bất biến là sai.

Chấp chết rồi mất hẳn cũng vậy. Trên thực tế không có cái gì là mất hết cả. Ví dụ một ly nước đầy, chúng ta đem đổ trong thau phơi ngoài nắng, từ sáng đến chiều trở ra xem lại sẽ không còn thấy nước. Ở trường hợp này, nếu người nông dân chưa từng học lý-hóa, họ sẽ kết luận là “nước mất hẳn”. Ngược lại, người thông thạo về lý-hóa, họ sẽ giải thích “nước không phải mất, chỉ thay đổi trạng thái từ thể lỏng biến thành thể hơi...”. Tất cả sự vật cũng thế, không có cái nào gọi là mất hẳn, chỉ tùy duyên chuyển biến từ hình thức này qua hình thức khác, từ trạng thái này qua trạng thái nọ mà thôi. Vật chất là phần thô trọng còn không mất, tinh thần là phần tinh tế làm gì mất hẳn được ?

Đứng về đạo đức luân lý mà xét, chấp “đoạn diệt” đem đến tai hại cho xã hội cũng như lối chấp “thường còn” ở trên.

*

2. ĐỊNH NGHĨA VÔ NGÃ

“Vô ngã” nghĩa là trong con người chúng ta không có cái đồng nhất, bất biến và tự tại. Phật giáo chủ trương trong con người do hai phần tâm lý và vật lý phối hợp. Cả hai đều tùy duyên chuyển biến khi thăng khi trầm, nhưng không phải mất hẳn.

Chẳng những chỉ con người là “vô ngã”, đức Phật nói: “Tất cả pháp đều vô ngã” (chư pháp vô ngã). Vì tất cả pháp không pháp nào không bị sanh diệt, tất cả pháp đều chuyển biến và không độc lập. Ví dụ một chiếc áo, một cái bàn từ mới đến cũ nó chuyển biến từng giây phút, sự thành hình của nó là do nhiều nhân duyên kết hợp.

Nhận xét như trên, chúng ta thấy thuyết “vô ngã” là một chân lý phổ biến, không phải chỉ hạn cuộc trong phạm vi đạo đức luân lý.

*

3. VÔ NGÃ THUYẾT MINH TRUNG ĐẠO

Để phá hai lối chấp cực đoan Thường và Đoạn, Phật giáo chủ trương vô ngã. Thuyết vô ngã vừa hợp chân lý, vừa dung hòa được hai cực đoan. Chủ trương của đạo lý vô ngã là phủ nhận Thường và Đoạn, thuyết minh Hằng và Chuyển. Đứng về con người, từ vật lý đến tâm lý đều chuyển biến, nhưng không phải tiêu diệt. Đứa bé tiến đến người lớn và trở thành ông già là do chuyển biến không dừng. Nếu đồng nhất, đứa bé không thể thành người lớn được vì trước sau như một. Tinh thần tri giác cũng thế, nếu đồng nhất thì cái hiểu biết lúc trẻ đến lúc già cũng như một. Trên thực tế không phải vậy. Đó là “CHUYỂN”.

Nhưng không phải ly khai đứa bé A mà có ông già A, hay ly khai tri giác thuở nhỏ mà có tri giác ngày khôn lớn. Tuy nó biến chuyển, nhưng liên tục không mất. Đó là “HẰNG”.

Chuyển phá được cái chấp Thường, Hằng phá được chấp Đoạn. Hằng và Chuyển là giữa hai cực đoan Thường và Đoạn. Ấy là Trung Đạo của Phật giáo.

*

4. CÓ TRÍ TUỆ MỚI NHẬN CHÂN VÔ NGÃ

Thuyết lý vô ngã rất khúc chiết, tinh tế nếu người không có trí tuệ khó thu nhận. Lâu nay con người đã quen theo tính chấp sai lầm, nhận bừa trong con người có cái ngã rồi lẫn lộn khổ đau gây nên muôn vàn tội lỗi cũng vì nó. Như câu chuyện sau:

“Xưa nước Càn-đà-vệ (Gandhara) có bọn con hát, nhân thời đói kém họ rủ nhau đi sang nước khác kiếm ăn. Đi qua núi Bà-la-tân là núi có rất nhiều quỉ dữ La-sát ăn thịt người. Bọn con hát tới đây phải ngủ đêm dưới chân núi, gió rét đốt lửa sưởi. Trong bọn có một người rét quá ngủ không được mới dậy lục rương áo vội lấy cái áo mặc vào, ngồi bên cạnh đóng lửa sưởi ấm. Không ngờ chiếc áo ấy mang hình quỉ La-sát. - Có một người ngủ tỉnh dậy trông ra đóng lửa thấy quỉ La-sát ngồi sưởi. Sợ quá, anh vùng chổi dậy chạy làm kinh động cả những người đang ngủ. Những người đang ngủ chổi dậy trông thấy đua nhau chạy. Người mặc áo quỉ La-sát không hiểu sao cũng chạy theo. Những người trong bọn thấy quỉ La-sát đuổi theo sau cho là nó muốn ăn thịt mình, càng kinh hoảng chạy bất kể hầm hố gai gốc. Họ chạy toát cả chân, trầy cả trán, có người ngã xuống hố, té trong hầm khổ sở đau đớn không thể tả. Đến sáng ra nhìn kỹ con quỉ La-sát mới biết đồng bọn. Tất cả sợ sệt đau khổ liền dứt sạch. (Kinh Bách Dụ, bài số 63)

Cổ lai mọi người đều âm thầm chấp ta, thân ta, của ta... nhưng kỳ thật có người nào thấy được cái ta ấy cho rõ ràng. Cũng như nghe đồn có quỉ La-sát, song đoàn ca hát này nào thấy quỉ La-sát ra sao. Bất chợt vừa trông thấy người mặc áo trò quỉ La-sát, lầm chấp là quỉ La-sát thật rồi họ sanh ra kinh khủng sợ sệt, chạy trốn chịu vô lượng khổ đau. Con người lầm chấp có cái ta thực thụ khiến phải kinh khủng khổ đau cũng như thế. Nhưng sau khi ánh thái dương đã lộ, họ nhìn thấy là đồng bọn và tự biết cái sai lầm của mình, thì mọi đau khổ đều dứt bặt. Sau khi chúng ta có trí tuệ nhìn thấy mình thật là vô ngã thì mọi đau khổ không còn. Ban đêm thí dụ mê mờ, mặt trời lên thí dụ trí tuệ.

Do mê mờ, chúng ta nhận giả làm thật, thân và cảnh vô ngã mà thấy là ngã. Khi trí tuệ phát sanh mới thấy được sự thật, chừng ấy chúng ta không còn bị vô minh ám ảnh, không còn nhận chấp sai lầm, thân và cảnh mới thật là vô ngã.

*

5. VÔ NGÃ CẦN YẾU CHO NỀN LUÂN LÝ ĐẠO ĐỨC

Chủ trương “HẰNG” mà “CHUYỂN” của đạo lý vô ngã càng khiến chúng ta tin sâu thuyết nhân quả. Bởi nó “HẰNG” nên chúng ta gây nhân lành hay dữ đều không mất. Bởi nó “CHUYỂN” nên từ cái nhân tí ti lần lần biến thành cái quả to lớn. Ví dụ: Hạt xoài chúng ta đem đặt nó xuống lòng đất, nhờ sự chuyển biến dần dần mọc mầm, lên cây xoài và năm mười năm sau chúng ta được hưởng rất nhiều quả xoài. Nếu không có sự chuyển biến, nghĩa là hạt xoài vẫn đồng nhất, thì dù một trăm năm sau không thể có cây xoài. Tuy rằng hạt xoài luôn luôn chuyển biến, nhưng chất vị trái xoài sau này không khác nhau mấy chất vị trái xoài chúng ta gieo hạt. Chúng ta ương hạt xoài nhất định chúng ta sẽ có cây xoài và trái xoài sau này nếu chúng ta tạo đủ nhân duyên cho nó, nhờ sự HẰNG mà CHUYỂN của nó.

Một đứa bé sống trong gia đình có giáo dục và giàu đạo đức, tánh tình nó rất hiền hòa ngoan ngoản dễ thương. Không may, cha mẹ mất sớm, không chỗ nương tựa, nó phải sống lang thang theo bọn trẻ hư dạy, dần dần những tánh tốt của nó bị tiêu ma. Sau này có người thương đem nó về nuôi cho ăn học, gần được thầy lành bạn tốt không bao lâu những đức tánh tốt của nó được khôi phục lại.

Nếu chúng ta thừa nhận tâm thức con người là đồng nhất, bất biến thì tánh tình tri thức làm gì có đổi thay, tăng giảm. Sự thật tri thức chuyển biến, đổi thay tùy duyên, tùy cảnh nhưng cái gì đã có thì khôi phục rất dễ dàng. Sự dời nhà của mẹ Thầy Mạnh chứng tỏ bà rất am hiểu lẽ này.

Mọi thành kiến chủ quan phát xuất từ chỗ chấp ngã. Tính tự ái của con người cũng bắt nguồn từ chấp ngã mà có. Bởi thấy thật có cái “ta” vĩnh cửu nên ai xúc phạm đến nó là phản đối, chống cự ngay. Sự phản đối ấy thành một bản năng tự vệ, không cần biết nó phải hay quấy. Lý trí con người bị mờ ám vì nó. Bao nhiêu người đua nhau lăn xuống hố trụy lạc cũng bởi thấy mình là thật, cần phải thụ hưởng. Hơn thua thương ghét đều do chấp ngã mà ra. Khi yêu thương cái “ta” quá rồi, sanh ra ngạo mạn muốn đè bẹp kẻ khác. Cho việc làm của ta là hơn, ý nghĩa của ta là đúng. Ta là trung tâm vũ trụ, ta là trên hết mọi người. Dù có người thật tài đức hơn, khôn ngoan hơn, vẫn khinh khỉnh không kính phục. Họ chẳng khác nào như hòn đá muốn xông ướp mùi hương, không thể được. Người mang nặng thành kiến chủ quan này, dù ai muốn xây dựng họ trở lại thành một người tốt đủ những đức tính hiền hòa khiêm tốn, không bao giờ được. Những người ấy lúc nào cũng bảo thủ thành kiến chủ quan, ngoan cố và ngạo mạn. Vì mang sẵn tính xấu này nên không ai ưa và chịu gần gũi họ. Do đó, họ trở thành những kẻ bất mãn khổ đau

Ai cũng thừa nhận tánh khiêm tốn hòa nhã bao dung là những đức tánh tốt dễ thương. Nhưng đức tính này chỉ phát sanh nơi những người vô ngã. Khi người ta không còn thấy có cái ta riêng biệt thì còn gì không khiêm tốn đối với mọi người. Đã không còn cái vỏ “ta” bọc cứng thì y cứ vào đâu để tranh đấu với người, sự hòa nhã và bao dung dĩ nhiên phải có. Không cần phải dụng công luyện tập mới có những đức tánh ấy, khi họ đã được vô ngã. Như khi mặt trăng ra khỏi mây tự nhiên phải sáng.

Chẳng những có bao nhiêu tánh tốt ấy, người vô ngã rồi thì những tính tham, sân, si cũng không còn. Thử hỏi người ta tham để làm gì, hay giận hờn với ai... khi không còn thấy có mình riêng biệt ? Cái ta đã phá vỡ thì mọi tính xấu chung quanh nó cũng tan hoang. Nếu khi chưa phá được cái “ta” dù người ấy có cố gắng làm điều lành điều tốt, nhưng dần dần những điều ấy sẽ biến đổi chất vị trở thành ích kỷ và sân si. Đã biết bao lý thuyết gia khi trình bày lý thuyết mình, ai cũng tưởng họ sẽ mang lại tình thương và hạnh phúc thật sự cho nhân loại. Nhưng đem ra thực hành một thời gian, vì cái chấp ngã của con người mà lý thuyết ấy trở thành bênh vực cá nhân, bảo vệ bè phái. Nhân loại khổ đau vẫn dẫy đầy khổ đau, không vơi chút nào cả. Cho nên, người đạt được lý vô ngã họ không cố gắng, gò bó trong khuôn khổ luân lý đạo đức, mà tự nó phát hiện trọn vẹn đạo đức.

*

6. VÔ NGÃ VÀ SỰ TÁI SINH

Có những người cho rằng “tái sinh không thể có nếu con người thật vô ngã”. Đó là họ nghĩ không có cái gì chịu trách nhiệm về quả báo giữa đời này và đời khác, nếu không có một cái ta thực thụ. Nhưng họ không nhận rõ chủ thuyết vô ngã là: không thừa nhận có cái “ta” đồng nhất vĩnh cửu, mà vẫn có thần thức chuyển biến liên tục. Như Phật đã kể câu chuyện này để giải thích sự liên hệ về tái sinh: “Có người cầm đuốc đi ngang thửa ruộng lúa chín. Một tàn đuốc rơi trên đám lúa, bắt ngún và cháy lan cả thửa ruộng. Người chủ ruộng tìm người làm rơi tàn đuốc bắt đền thửa ruộng. Người ấy cãi: “Lửa của tôi làm rơi chỉ bằng ngón tay, giờ đây tôi chỉ có thể đền ông chỗ bị cháy bằng ngón tay thôi. Ngoài ra tôi không biết, vì không phải lửa của tôi làm rớt lúc đầu”. (Kinh Ưu-bà-tắc giới)

Qua câu chuyện này, chúng ta thấy lý “không phải một, không phải khác” trong Phật giáo rất rõ ràng. Tàn đuốc bằng ngón tay tách rời ngọn đuốc rơi xuống, tuy nó không còn nguyên vẹn là ngọn lửa của cây đuốc, nhưng ly khai cây đuốc không làm gì có nó. Từ đốm lửa bằng ngón tay ấy, cháy lan dần khắp thửa ruộng. Đám lửa cháy to đó, không phải nguyên vẹn là đốm lửa bằng ngón tay kia, nhưng ly khai đốm lửa trước, làm gì có đám lửa to này. Như vậy chúng ta không thể nói “đốm lửa trước và đám lửa sau này là một”, vì trước nó nhỏ bằng ngón tay mà sau này lớn bằng thửa ruộng. Hơn nữa, đốm lửa ấy sanh diệt liên tục, không phải đồng nhất. Tuy nhiên chúng ta không thể nói khác được, vì rời đốm lửa trước, làm gì có đám cháy sau này. Đám lửa cháy to sau này sánh với đốm lửa trước về hình thức đã cách biệt muôn trùng, nhưng nguyên nhân không phải khác.

Cuộc tái sanh của chúng ta cũng thế. Tuy tâm thức hiện tại của chúng ta luôn luôn sanh diệt, nhưng liên tục không mất. Bởi có sự liên tục ấy nên có tái sanh thọ quả báo. Trong dòng liên tục ấy, nó luôn luôn sanh diệt nên không thể nói là đồng nhất. Mặc dù sanh diệt nhưng không thể rời tâm thức trước mà có tâm thức sau. Vì thế, không thể nói đời này và đời sau khác hẳn nhau. Ví như, tâm thức của chúng ta lúc hai mươi tuổi sánh với tâm thức lúc bảy mươi tuổi không thể đồng nhất được. Nhưng học hỏi lúc tuổi hai mươi vẫn còn ảnh hưởng đến lúc tuổi bảy mươi, nên không thể nói ly khai nhau được. Những tư tưởng trong lúc tuổi hai mươi đến lúc tuổi bảy mươi, chúng ta vẫn phải chịu trách nhiệm; không thể nói “tư tưởng lúc hai mươi khác tư tưởng lúc bảy mươi” rồi đổ trúc trách nhiệm cho kẻ khác. Cho nên, hiện đời do tâm thức xúi bảo làm thiện hay làm ác, quả báo đến tâm thức đời sau vẫn phải chịu, không thể đổ trúc cho ai được.

Chủ yếu thuyết vô ngã là không thừa nhận có một linh hồn (tự ngã) đồng nhất, bất biến. Vì thừa nhận như thế là trái với chân lý, trái với đạo đức. Nhưng vẫn nhận có tâm thức sanh diệt liên tục theo nghiệp thọ báo, nếu chưa phá ngã cứu cánh. Nhờ có tâm thức sanh diệt liên tục ấy, khiến chúng ta thấy rõ thuyết luân hồi.

*

7. PHƯƠNG PHÁP PHÁ NGÃ

Con người đã lâu đời bám chặt vào thân này làm một cái “ta” thật thụ. Hoặc chọn phần tinh thần chấp chặt là “ta”. Hai lối chấp ấy đều do sự lầm mê mà ra cả. Đức Phật chỉ dạy chúng ta phải dùng trí tuệ quán sát trong thân này do ngũ uẩn: sắc, tho, tưởng, hành, thức hợp thành. Trong ấy, không có cái gì làm chủ thể, chỉ do sự chung hợp mà hình thành. Nếu chấp phần sắc chất là ta thì thọ, tưởng, hành, thức là cái gì ? Nếu chấp phần thọ nhận khổ, lạc... là ta, còn bốn phần khác là cái gì ? Những người chấp chặt phần tinh thần là “ta” phải áp dụng pháp quán này để phá. Nếu người chấp thân sắc chất là ta, Phật dạy quán thập nhị xứ - mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý và sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp để phá. Nghĩa là xét thân này do sáu giác quan tiếp xúc với trần cảnh mà sanh ra hiểu biết tốt, xấu, yêu, ghét... Nếu thiếu những điều kiện ấy thì sự hiểu biết không sanh. Như vậy, cái chấp là “ta” là cái gì ? Nếu con mắt là ta, thì mũi, lưỡi, thân là gì... Tóm lại, nói là “ta” đây, chỉ là một hợp thể, không có cái chủ thể nhất định. Ấy ta “vô ngã”. Ví như cái nhà, chúng ta không thể nói cây cột là chủ thể cái nhà cho đến cây đòn dông... cũng không phải là chủ thể cái nhà. Chúng ta chỉ có thể nói cái nhà là sự chung hợp tất cả cột, đòn dông... mà thành.

Để kết thúc bài này, cần nhắc lại chủ thuyết vô ngã của Phật giáo là làm sáng tỏ sự thật nơi con người. Và phá cái chấp sai lầm truyền kiếp của chúng sanh. Bao nhiêu nỗi đau đau khổ đều do sự lầm mê ấy mà có. Chúng ta phải sáng suốt dùng trí tuệ quán sát kỹ càng để vén bức màn đen tối từ vô thỉ. Những khổ đau không thể tiếp diễn, khi mê mờ bị diệt sạch. Lúc đêm tối, do nhận xét sai lầm, chúng ta thấy sợi dây kêu la rắn, rồi kinh hoàng sợ hãi. Được ngọn đuốc soi sáng, nhìn kỹ lại, chúng ta mới thấy thật là dây. Khi thấy rõ là dây rồi, chúng ta mới hết cơn khủng khiếp, tâm hồn an tỉnh trở lại.

Dùng trí tuệ quán vô ngã, tức là chúng ta cầm đuốc soi rõ sợi dây. Ảo giác sai lầm tưởng là rắn hay là ngã, liền đó tan biến. Những khổ đau, kinh sợ không còn chỗ nào ẩn náu.

[ Quay lại ]