headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 24/11/2024 - Ngày 24 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

TINH THẦN TỰ DO CỦA PHẬT GIÁO

H.T Thích Thanh Từ 

Nói đến “Tinh thần tự do của Phật giáo” là đề cập đến một vấn đề bao la sâu thẳm, chúng ta chỉ có thể nêu lên đây những quan điểm để nhận thức mà thôi.

“Tất cả nước biển đều thuần một vị, vị mặn. Tất cả giáo lý của ta chỉ thuần một vị, vị giải thoát”, lời Phật dạy.

Thế nhân thường mệt mỏi với vấn đề “giải thoát”, bởi nó cao siêu quá. Con người chúng ta đã sẵn bản năng lười biếng, đâm ra ngao ngán hay hoảng sợ trước chân trời bát ngát đầy những kỳ hoa dị thảo. Tuy biết sắc hương hoa cỏ ngạt ngào mỹ lệ, nhưng lại ngại tầm tay mình ngắn ngủi khó vói đến, mắt mình phàm tục khó nhận định khó tận hưởng những nét đẹp linh kỳ!

Nhưng thật ra, với một tinh thần cầu tiến, chắc chắn chúng ta sẽ đi đến bảo thành “giải thoát”, khi chúng ta quyết y cứ theo lời chỉ dạy của đức Bổn Sư. Biết bao lần chúng ta chìm nổi trôi giạt, đau khổ trong sáu đường. Kiếp này may mắn được thân người lại có duyên gặp Phật pháp chẳng lẽ chúng ta lại bỏ qua cơ hội ngàn năm một thuở, để cởi mở gông cùm từ vạn kiếp để cùng đưa nhau đến một
chân trời tự do quang đảng mới lạ hay sao?

Vậy tự do của Phật giáo là gì ? - Là mầm giải thoát là nấc thang đưa lên lầu giải thoát. Phật giáo chú trọng cảnh tỉnh cho chúng sanh tự giác. Nghĩa là đánh lên những hồi chuông thức tỉnh để mọi người biết hồi đầu hối lỗi, thật tâm kiểm điểm lại bản thân để cải thiện sự sống.

Tất cả những mong cầu quay về cố quán được phát xuất tự đáy lòng chúng ta, chớ không phải vì bị bắt buộc. Cố ép lòng hướng thiện, việc làm ấy chỉ có một giá trị cạn cợt, chưa hẳn đúng theo ý nghĩa tự do. Vì khi nói đến tinh thần tự do là chúng ta đã bước chân lên nấc thang giác ngộ, giải thoát.

Từ cổ chí kim, chúng ta chưa từng thấy Phật giáo bắt buộc ai nhắm mắt tin theo giáo điều của Ngài. Tự do đi từng giai đoạn.

TỰ DO ĐẾN ĐẠO - Ngày xưa thuở Phật còn tại thế, có những người đến xin quy y, Phật không nhận ngay. Ngài dạy:

- “Tin ta mà không hiểu ta là bài báng ta”.

Nghe lời giới thiệu mà theo Phật chưa hẳn là một Phật tử chân chánh. Đức Phật hằng dạy cho mỗi người đến với Ngài ý thức rằng: Ham mộ Ngài không chưa đủ, cần phải có trí tuệ xem xét hiểu biết Ngài rồi sẽ theo Ngài.

 Phàm khi bước chân vào Phật giáo là phải Quy Y Tam Bảo, đồng thời vâng giữ ngũ giới. Chữ giới có nghĩa là răn cấm, cũng có nghĩa là giải thoát. Bởi vì giữ được một giới, chúng ta được tự do giải thoát một phần. Vậy giữ giới là vì lợi ích cho chính ta, chớ Phật không có bắt buộc. Nếu vô cớ giết người, hoặc trộm cắp, lang trạ dối tra, điêu ngoa, rượu trà be bét, dù đức Phật không cấm ngăn đi nữa, người phạm giới phải đã tự hạ nhân phẩm mình, bị xã hội rẻ khinh, hoặc ngục tù chờ đợi.

Phương chi, khi mỗi người phát tâm đi đến với đạo là tự do chọn lấy con đường, tùy khả năng, hoàn cảnh của mình mà lãnh thọ giới pháp. Nhưng khi lãnh giới rồi phải bền gan giữ gìn thanh tịnh để cổi mở những sợ dây tội lỗi, đau khổ sau này.

Một hôm, có ông lão Tu-bạt-đà-la thuộc dòng Phạm chí đến Phật:

- Bạch Ngài, lâu nay con đến chúng Ni-kiền-tử, chúng Mạc-già-lê, chúng Tán-nhã-đa v.v... ai ai cũng cho đạo mình là thâm diệu hợp lý. Giờ đây, Thế Tôn cũng nói giáo pháp của Ngài là giải thoát an lạc, con còn biết phải theo bên nào ? Đừng theo ai cả. Ông hãy đem pháp “Bát chánh đạo” của ta ra so sánh với các giáo phái khác. Và khi nhận xét bên nào có lợi ích thiết thực cho ông, cho mọi người, cùng hợp chân lý ông hãy theo.

Sau đó, đức Phật đã nhận ông Tu-bạt-đà-la làm người đệ tử cuối cùng.

Đức Phật đã rộng rãi cho chúng ta đem giáo lý Phật so sánh các giáo lý đạo khác. Nhưng, nếu chúng ta chưa hiểu được phần giáo lý căn bản, sự học tập chưa có một nền tảng chắc chắn mà sớm muốn làm việc so sánh thật là một điều vô nghĩa.

Đức Phật đã từng dạy: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”. Đừng tưởng mình là cao cả, đặt mình lên trên mà khinh rẻ hay ganh ghét kẻ khác, hoặc bắt buộc họ làm theo ý kiến mình, làm như thế là thiếu tinh thần tự do.

TỰ DO CĂN CỨ TRÊN NHÂN QUẢ - Đức Phật luôn luôn nhắc: “Ta không có quyền ban phúc giáng họa cho ai. Ta chỉ là ông thầy đưa đường cho chúng sanh vượt qua tai ách, là vị lương y chữa bệnh đau khổ cho người, nếu chúng sanh chính chắn làm theo lời ta chỉ dẫn”.

“Tự tác hoàn tự thọ”. Chính con người đã gây đau khổ, gom nhóm đau khổ và cũng chính con người đủ can đảm tự gỡ lấy những đau khổ thâm trọng súc tích trong bao đời trước và hiện tại của mình. Muốn được giải thoát, con người phải biết xét đoán hành vi và tư tưởng của mình, đừng trốn tránh trách nhiệm, đừng tìm kiếm lý này lẽ khác để che đậy những việc làm, lời nói lệch lạc, sái quấy của mình. Đừng ngồi ỳ ra đó, buông lung theo năm dục và dại khờ chờ đợi sự cứu vớt của Phật của thầy.

Xưa kia, có người vừa tắt thở bị quỉ sứ dắt đến Diêm-vương, Diêm-vương hỏi:

- Khi còn sống, ngươi không thấy những người đau yếu quanh ngươi để nghĩ đến ngày nay cải ác tu thiện sao ?

Tâu Diêm-chúa: - Vì tôi ngu mê quá, nên không nghĩ đến.

Lần lượt theo lời cật vấn của Diêm-vương qua năm tin tóc bạc, răng rụng... cho đến chết chóc, chàng ta đều thú nhận, tuy có thấy nhưng vì ngu mê không suy nghĩ đến để cải ác tu thiện... Diêm-chúa kết luận: “Vậy tội trạng của ngươi gây nên là chính tại ngươi, không phải do cha mẹ anh em hay quỉ thần nào tạo”.

Vậy tất cả khổ đau tập hợp bao đời dày đặc, do chúng ta lười biếng để nó đâm chồi mọc rễ, chớ nào phải tại người khác hay cha mẹ, vợ con, anh em, bè bạn mang đến cho ta đâu?

Chúng hãy chịu khó mở mắt ra nhìn, đừng ngu mê như anh chàng kia đến sau rồi hối hận không kịp. Chỉ có sự giác ngộ, sự tu tỉnh mới đem được nguồn an lạc cho ta ngày nay và ngày mai.

Một hôm, Tôn giả Xá-lợi-phất về cố hương đến viếng thăm bạn thân là ông Phạm-chí Đà-nhiên (Dhanan-jani). Bình nhật ông ta vốn tham lam khắc khổ với tôi tớ, người tá điền. Tôn giả vì muốn cảnh tỉnh bạn, nên đến nhằm lúc ông đang đánh đập những người canh điền.

Đôi mắt hiền lành nhưng sáng suốt uy nghiêm của Tôn giả như khiển trách khiến người bạn dừng tay.

- Sao ông nhẫn tâm hành hạ người canh điền như vậy ? Ông không sợ tội ư ?

Ông Phạm chí ngượng ngập đáp:

- Thưa Tôn giả, Tôn giả đã xuất gia có quyền sợ tội. Riêng tôi còn cha mẹ, vợ con, họ hàng. Tôi phải đóng góp thuế má cho quan. Chẳng hành hạ gắt gao với chúng, chúng lười biếng dể ngươi, không làm việc tận lực, làm sao tôi đủ để đóng góp sưu thuế, nuôi dưỡng cha mẹ, vợ con ?

- Như có người đi ăn trộm, bị lính bắt điều tra, kẻ trộm lấy cớ vì cha mẹ già nên phải đi ăn trộm để có tiền nuôi dưỡng cha mẹ... Nếu trong trường hợp ấy thử hỏi nhà cầm quyền có tha kẻ trộm ấy chăng ?

Câu chuyện trên đây dạy chúng ta ý thức rằng” nên ý thức việc làm chúng ta lành hay dữ, đừng viện cớ này cớ nọ để che đậy tội ác. Chính tự chúng ta tạo lấy ngục thất hay cảnh cực-lạc.

Cõi người hưởng phước hơn súc sanh, ngạ quỉ, địa ngục... Cõi trời vui vẻ gấp nghìn lần cõi người. Chỉ cho chúng ta hiểu biết y báo, chánh báo trong sáu cõi. Xong đức Phật để tùy chúng ta chọn lựa bằng cách tạo nhân xấu, tốt của mình.  Ngài chỉ chúng ta nhận định con người luân hồi và giải thoát cách biệt nhau như tối với sáng.

Đừng hiểu rằng sau khi chết, chúng ta mới đến cõi tịnh. Chính ngay lúc hiện tiền này, chúng ta cũng đạt được kết quả an vui giải thoát, nếu tâm ta dứt được những trói cột của ba nhân ác: tham, sân và si.

Có lắm người nóng tánh, tất sợ cảnh tội tù, nhưng họ không sợ lòng sân, khi gặp cảnh trái nghịch là phát sân lên rồi mặc tình gây tạo tội lỗi. Do đó, tuy không muốn đến khám đường mà rồi không sao tránh khỏi.

“Bồ-tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”.

Muốn hết đau khổ, người ta phải lo dứt mầm giống tham lam, giận tức, si mê. Hãy nghĩ đến kết quả của tập nhân mình tạo. Diệt được ba điều ác căn bản rồi, tuy chúng ta còn, còn mặc, còn ở cõi này nhưng tâm tư chúng ta đã tự do cổi mở hết những đau khổ.

TỰ DO CĂN CỨ TRÊN TINH THẦN TỰ GIÁC. - Mê lầm và giác ngộ như tối và sáng. Chuyển mê lầm thành giác ngộ. Hết tối tức là sáng. Chúng sanh muốn hết mê lầm được giác ngộ không phải là việc khó khăn hay xa xôi gì. Nghĩa là chúng ta chịu thay đổi quan niệm là thành công.

Có một Phật tử chân thành có thiện chí muốn nhắc nhở khuyên can những sai lầm của huynh đệ để đồng được hoàn hảo. Nhưng người bị khuyên can không bằng lòng, tìm chuyện nói xấu lại. Nghe như thế người ấy đâm ra buồn phiền, chán nản hết muốn giảng, can ngăn và lần lần xa chùa xa bạn...

Trái lại, nếu người ấy đổi buồn phiền ra thương xót, gạt bỏ những lời nói xấu kia đi, cứ nghĩ rằng: “Họ cho ta là háo danh, giả dối chỉ vì họ không hiểu ta. Ta nên cố gắng làm sao việc làm lời nói đi đôi để họ khỏi hiểu lầm. Vì từ xưa đến nay những bậc hiền nhân quân tử họ nhờ đào luyện trong lò phê bình chỉ trích mà thành công”. Khi ấy, anh ta khởi lòng biết ơn kẻ trước kia anh ngỡ là thù... Cố nhiên lúc này trong lòng anh, dưới mắt anh không còn thấy ai là thù nghịch, tâm hồn anh giải thoát nhẹ nhàng.

Cùng trong một trường hợp, một hoàn cảnh, người đặt quan niệm hẹp hòi sai lạc sẽ bị đóng khung trong phạm vi ích kỷ khổ đau. Ngược lại, tâm hồn khoáng đảng giải thoát.

Xưa kia Mặc-tử ở nước Lỗ sang nước Tề, anh qua nhà người bạn cũ, vào chơi người bạn nói chuyện với Mặc-tử rằng: “Bây giờ trong thiên hạ ai còn thiết đến việc “nghĩa”, một mình ông tự khổ thân để làm việc nghĩa, thì có thấm vào đâu ! Chẳng thà thôi đi có hơn không ?”.

Mặc-tử nói: “Bây giờ có người ở đây, nhà mười đứa con, một đứa cày, chín đứa ngồi ăn không, thì đứa cày chẳng nên chăm cày hơn lên ư ? Tại sao thế ? Tại đứa con ăn không nhiều, đứa con đi cày ít. Bây giờ thiên hạ chẳng ai chịu làm việc nghĩa thì ông phải biết khuyên tôi càng làm mới phải, có đâu lại ngăn tôi như thế !”. (Cổ học tinh hoa)

Đời càng xấu xa dối tra, chúng ta càng có bổn phận nhắc nhở điều hay lẽ phải cho người. Tự mình phải ăn ở xử sự cho ra người đạo lý. Nhất là cần đặt quan niệm chân chánh mới khỏi thối tâm lui bước.

Một hôm trên đường hóa đạo, Tổ Tăng-Xán gặp ngài Đạo-Tín, thuở ấy còn là một sa-di mới mười ba tuổi. Ngài Đạo-Tín đến đãnh lễ, bạch Tổ:

 - Bạch Tổ, xin Tổ hoan hỷ dạy cho con phương pháp giải thoát.

Ai trói buộc ngươi ?

- Bạch Tổ, không ai trói buộc con cả.

Đấy, ta đã dạy ngươi con đường giải thoát rồi !

Đạo-Tín hốt nhiên đại ngộ, thấu hiểu lý nhiệm mầu, thân tâm rỗng rang thanh tịnh.

Mê cũng đó, ngộ cũng đó, tự mình cởi mở giải thoát những triền phược cho mình. Không thể cầu cứu nơi ai, nhờ một sức lực nào bên ngoài, mà giải thoát cho ta được. Chỉ tự ta biết chuyển đổi quan niệm sai lầm tức nhiên được giác ngộ giải thoát.

MUỐN TỰ DO TA PHẢI CÓ TRÍ TUỆ - Ngoài lòng tin Phật, chúng ta cần có trí tuệ để tự nhận xét, quyết định lẽ phải chẳng. Không trí tuệ, không thể nào đi đến giải thoát, và chính ta tự giải thoát cho ta, chớ không phải đức Phật hay Tổ hoặc thầy ta giải thoát cho ta được.

Đức Phật trình bày: Đây là khổ, kia là vui, nếu chúng ta không đủ trí tuệ, không nhận thấy những nguyên nhân sâu kín âm thầm tạo đau khổ hay an vui thì chúng ta mãi mãi bị bao phủ trong mê mờ đau khổ. Không biết sợ, không biết tránh trước việc làm xấu, ý nghĩ xấu, làm rồi không biết ăn năn hối lỗi, thử hỏi đã gây nhân ác hại, làm sao tránh khỏi quả khổ đau ? Khác chi kẻ khờ “nấu cát muốn thành cơm”, làm sao thành được ? Nếu xét thấy hành động và ý nghĩ của chúng ta đốn hèn, bất chánh thì nên biết ngừng ngay tại đó. Chúng ta phải đủ can đảm nhìn thẳng vào lỗi lầm mình và cố gắng xoay hướng đổi chiều, gầy dựng lại hành vi chân chánh cao đẹp. Việc làm này - dứt ác tu thiện - đòi hỏi chúng ta phải lắm công phu và trải qua thời gian dày đặc. Nhưng nếu chúng ta đã quyết chí thì thời gian và việc khó sẽ trở thành vô nghĩa.

MUỐN TỰ DO PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM - Trí tuệ thế gian thường gây đau khổ, trí tuệ xuất thế gian mới đem người đến chỗ giải thoát an vui. Không thắng được mình, đừng mong được sự tự do an lạc. Muốn có tinh thần tự do, chúng ta phải có tinh thần trách nhiệm. Mình dám gây tội lỗi, mình phải có gan chịu đựng khổ đau, đừng đổ cho kẻ này người khác. Đức Phật đối với chúng ta chỉ là ông thầy dẫn đường, chớ không phải là đấng thần linh.

Một hôm có Bà-la-môn đến hỏi Phật:

- Này Sa-môn Cù-đàm, đệ tử Ngài rất đông, chẳng biết cả thảy đều đạt được Niết-bàn chăng ?

Có một số đạt được, một số chưa đạt được.

- Tại sao chỉ một mình Sa-môn Cù-đàm dạy, cùng hấp thụ một giáo lý như nhau, mà kẻ đạt được Niết-bàn, người không đạt được ?

Này ông, ông biết thành Vương-xá không ?

- Thưa Ngài, tôi biết.

Nếu có người đến hỏi ông con đường nào đi đến thành Vương-xá, chắc ông sẽ trả lời: Theo con đường thẳng này xuyên qua đám rừng già, đến ngã ba rẽ qua bên phải, đi thẳng theo con đường ấy sẽ đến khu vườn hoa đẹp, khỏi vườn hoa ấy là tới thành Vương-xá... Người ấy đi đúng theo lời chỉ dẫn của ông, vậy họ đến thành Vương-xá không ?

- Thưa Ngài đến.

Lại có người thứ hai cũng hỏi đường về thành Vương-xá. Ông cũng chỉ dẫn đúng như người trước. Nhưng người thứ hai này đi đến ngã ba lại quẹo sang trái và cứ lầm lũi như thế mà đi, vậy người thứ hai này có đi đến thành Vương-xá chăng ?

-Thưa Ngài, hắn đã đi sai lời tôi chỉ dạy, làm sao đến đi thành Vương-xá ?

Cũng một ông chỉ đường mà có kẻ đi đến thành Vương-xá, có người không đến thành Vương-xá là tại sao ?

- Tại có người đi đúng, có người đi không đúng.

Cũng như vậy, tôi chỉ dạy rành rõ lối đi đến Niết-bàn mà đệ tử tôi có kẻ thực hành đúng, người thực hành không đúng mới có sai biệt như vậy. Nhưng lỗi ấy không phải tại tôi.

Khi có đủ duyên lành được nghe lời chỉ dạy của đức Phật, chúng ta phải tự nhận hiểu rồi cố gắng tu tập. Đừng bao giờ chúng ta ỷ lại vào đức Phật, chỉ mong cầu sự độ rỗi của Ngài mà không tự lực tiến tu. Đức Phật chỉ có trách nhiệm chỉ dạy, hướng dẫn, sự tu hành và tiến đạo là ở chúng ta. Đức Phật đã dành cho ta một trời tự do: tự do lựa chọn, tự do tu tập, tự do vươn lên. Ngài không hạn chế, không bắt buộc chúng ta vào một phạm vi, một quyền lực hay một cấp bậc nào cả.

Nếu làm được việc tốt, mà không do thân tâm mình chân thành tạo nên, do sự bắt buộc hay một áp lực nào thúc đẩy, thì được khen hoặc bị chê không phải là công hay tội của ta. Mọi hành vi nên hư, ta điều chịu trách nhiệm, đừng đổ trút cho ai. Tự mình phải ý thức được khả năng của mình, để rồi chọn lấy một hướng đi cho thích hợp. Lên hay xuống, thất bại hay thành công, trầm luân hay giải thoát,
đều do ta quyết định.

Dứt sạch mê mờ, gỡ hết những mối dây hệ lụy, người ấy mới thật sự tự do an lạc. Mọi nhọc nhằn đau khổ đâu còn bám víu vào con người ta được. Được thế, mới đúng tinh thần tự do của Phật giáo.

[ Quay lại ]