headertvtc new


   Hôm nay Thứ hai, 18/11/2024 - Ngày 18 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

  • Bài mới nhất

  • Bài đọc nhiều nhất

  • Lịch thuyết giảng

thanhtutoantap new3

Mục Kiền Liên

 

MỤC KIỀN LIÊN

THẦN THÔNG ĐỆ NHẤT

1- NGƯỜI THỊ TÙNG ĐẦU TIÊN

Hiện nay, trong mỗi đại hùng bảo điện, chúng ta thường tôn trí thánh tượng Phật-đà ngay chính giữa, bên tả là ngài A-nan, bên hữu là ngài Ca-diếp, nhưng vào thời tối sơ của đức Phật mới hoằng pháp, sự tình không phải là như vậy.

Trong hai năm đầu đức Thế Tôn thành đạo, Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên quy y Phật. Từ khi ấy, Mục-kiền-liên luôn luôn ở bên tả của Ngài, Xá-lợi-phất bên hữu. Trừ những lúc bận hoằng hóa phương xa, bình thường hai vị không hề rời Phật nửa bước.

Xá-lợi-phất theo Phật xuất gia, nửa tháng sau mới dứt hết kiết sử, đoạn trừ phiền não, nhưng Mục-kiền-liên chỉ trong vòng bảy hôm liền hết các lậu hoặc, hiện sức thần thông, chứng quả A-la-hán.

Mục-kiền-liên dáng người cao lớn, mặt vuông tai dài, biểu lộ tính cứng rắn. Tôn giả rất lạc quan, dũng cảm, thường vì chánh nghĩa đả phá việc bất bình.

Trong hàng Tỳ-kheo đệ tử Phật, có nhiều vị thần thông phi thường, nhưng Mục-kiền-liên được danh hiệu Thần thông đệ nhất là vì trong lúc hóa đạo, Ngài ưa hiện thần thông. Đức Phật tuy không cho phép các đệ tử hiển phép lạ mê hoặc người nhưng riêng đối với Mục-kiền-liên thì Ngài thường khen ngợi.

2- NGUYÊN NHÂN PHÁT NGUYỆN CẦU THẦN THÔNG

Vì sao Mục-kiền-liên có thần thông? Chuyện này có liên quan đến một đoạn nhân duyên vi diệu của Ngài trong quá khứ.

Thời quá khứ, Mục-kiền-liên làm nghề đánh cá, thường ở bờ biển lưới tôm chài cá đem đi bán, sinh sống bằng nghề ấy qua ngày. Cho đến một hôm thiện lương phát hiện, thức tỉnh rằng nghề của mình là một nghiệp khổ to lớn. Tuy sống đời này nhưng cần phải tạo công đức cho đời sau, và do ý niệm hướng thiện ấy chàng ngư phủ quyết định đổi nghề. Chẳng bao lâu chàng thấy trong thành có một vị Bích-chi Phật, mỗi ngày đi ngang qua đường với oai nghi đi đứng tĩnh lặng, phong độ thật trang nghiêm đáng kính, bèn thỉnh về nhà cúng dường thịnh soạn. Nhưng vị Bích-chi Phật ấy tuy bên ngoài hiện thần thông mà không khéo thuyết pháp, Ngài chỉ dùng thần thông hóa độ, ngoài ra không có pháp môn khác. Sau khi thọ thực xong, Ngài bay lên hư không đi tới đi lui, lên xuống như thường. Ngư phủ thấy rồi trong lòng rất vui mừng bèn phát nguyện đời sau xin được thần thông.

Có chí thì nên, do nhân duyên đó, tôn giả Mục-kiền-liên đời nay quy y Phật và được xưng là Thần thông đệ nhất .

3- CẦU BÁU ĐƯA PHẬT ĐÀ

Thần thông của Mục-kiền-liên tai nghe thấu mọi âm thanh xa gần, mắt thấy hết sự vật không bị trở ngại, không kể đường dài ngắn, vừa nghe liền hiện thân, Tôn giả thường dùng phép lạ ấy để trợ Phật giáo hóa.

Một hôm dân chúng trong kinh thành Xá-vệ tổ chức buổi yến tiệc cúng dường chín mươi sáu giáo phái xuất gia, và mời vua Ba-tư-nặc, thái tử, quần thần cùng đến dự. Bàn tiệc dọn tại quảng trường đối diện bờ sông A-kỳ, Mục-kiền-liên là vị khách đến đầu tiên. Giây lát sau chúng ngoại đạo tấp nập đến thọ cúng, ai cũng muốn đến trước để chiếm một chỗ ngồi tốt nhất. Nhưng hôm đó, nước sông A-kỳ bỗng dâng cao không thể qua được. Lúc ấy, Mục-kiền-liên nhìn xa xa thấy đức Phật thống lãnh đại chúng oai nghi an tường đi đến, Ngài lập tức hóa một chiếc cầu trân bảo bắc ngang sông, giăng mắc hương hoa, dùng thất bảo nghiêm sức để đón Phật.

Lúc đức Thế Tôn chưa đến, chúng ngoại đạo dừng bên bờ thấy nước mênh mông bèn nghĩ thầm: “Hôm nay nước dâng cao quá, chúng ta không thể sang bên kia thọ cúng. Thôi hãy đợi Phật và các đệ tử đến xem Ngài có biện pháp gì chăng?” Còn đang tính toán, chiếc cầu báu vừa hoàn thành, bọn họ vừa thấy rất vui mừng, reo hò inh ỏi, tranh nhau nói:

- Sa-môn đến chậm rồi! Trời cho cây cầu này đưa chúng ta qua trước, chúng ta sẽ là thượng khách chiếm ghế chủ tịch.

Ngoại đạo nói xong chen nhau lên cầu. Đến giữa cầu bỗng nghe một tiếng nổ lớn, chiếc cầu gãy ngang, mọi người rơi xuống nước lủm ngủm, tiếng kêu cứu chấn động một vùng.

Khi đức Phật đến, cầu trở lại như cũ, Phật và các Tỳ-kheo đi qua, thấy các ngoại đạo đang vùng vẫy loi ngoi dưới nước, Ngài động lòng từ bi vận dụng thần lực cứu hết mọi người đem lên, cho đi theo sau đức Phật, sau đó mới được yên ổn theo thứ tự mà qua sông, rồi cầu cũng biến mất.

Trong khi đức Phật và các đệ tử thọ thực, chúng ngoại đạo y phục ướt mem, phải ngồi phơi nắng hong khô. Sau đại hội, họ đều biết sức yếu hèn của mình không thể so sánh với quang minh rạng rỡ của đức Thế Tôn và chư đệ tử.

4- TRONG ĐỊNH THƯA HỎI

Một ngày nọ, đức Phật ở tại tinh xá Kỳ Hoàn của nước Xá-vệ, Mục-kiền-liên và Xá-lợi-phất vâng lời Phật đến vườn trúc Ca-lan-đà thành Vương Xá lãnh đạo các Tỳ-kheo đi giáo hóa trong dân gian.

Hai vị ngụ trong một thiền phòng, đêm yên tĩnh, bốn bề không một tiếng động, ánh đèn trong phòng hòa cùng ánh trăng. Gần sáng, Xá-lợi-phất phá tan không khí trầm mặc, hỏi Mục-kiền-liên:

- Này Tôn giả! Cho phép tôi hỏi đường đột thế này, vậy chớ đêm nay Ngài có trụ tại chánh định tịch diệt hay không?

Mục-kiền-liên nhẹ nhàng hỏi lại:

- Vì sao Ngài hỏi tôi như thế?

- Vì lâu thật lâu, tôi không nghe hơi thở hô hấp của Ngài, cũng không thấy Ngài cử động, dường như không có mặt Tôn giả trong phòng này.

- Tôn giả Xá-lợi-phất! Đêm nay tôi vừa khởi lên một vấn đề cần thiết tinh tấn trên sự tu hành, nên tôi đến thỉnh ý Phật. Vừa rồi Ngài không nghe tiếng tăm tôi là vì tôi vừa ở bên Phật hỏi chuyện.

- Ngài nói sao khó hiểu quá, hiện giờ Phật đang ở vườn Kỳ-đà phương Bắc, còn chúng ta ở vườn Trúc phương Nam, hai nơi cách nhau rất xa, làm sao Tôn giả nói chuyện với Phật? Tôn giả dùng thần túc đến chỗ Phật? Hay đức Thế Tôn dùng thần túc đến đây?

- Không, chẳng phải vậy đâu – Mục-kiền-liên trả lời – Tôi không dùng thần túc đến nơi tòa Phật mà Phật cũng chẳng dùng thần túc đến chỗ chúng ta.

- Như vậy, rốt cuộc làm sao Tôn giả nói chuyện với đức Phật?

- Thưa tôn giả, chẳng có gì lạ lùng hết. Đức Thế Tôn có Thiên nhãn và Thiên nhĩ thông. Tôi và Tôn giả cũng có thần thông ấy, chỉ cần để tâm vận dụng, chúng ta đều có thể nói chuyện với đức Thế Tôn bất cứ lúc nào và ở đâu.

Xá-lợi-phất cũng biết vậy, nhưng Ngài luôn luôn có thái độ khiêm cung với bạn đồng trụ xứ. Nghe Mục-kiền-liên nói xong, Tôn giả rất hoan hỷ, liền khen:

- Tôn giả Mục-kiền-liên! Ngài thật có đại thần lực, đại công đức, tôi được làm bạn với Ngài thật vô cùng hân hạnh. Tôn giả như đỉnh núi nguy nga, tôi như tiểu thạch đứng bên núi, được ngồi đồng một tòa với tôn giả thật là nhân duyên hiếm có. Người nào được giao du với Tôn giả, cung kính cúng dường, nhất định được lợi ích tốt lành.

Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên đều là bạn cũ. Hai vị cùng tôn kính nhau, khen ngợi nhau từ thỉ chí chung, đạo tình thâm trọng.

5- AI LÀ THẦN THÔNG ĐỆ NHẤT

Nói về tôn giả Xá-lợi-phất, lão bằng hữu của Mục-kiền-liên, không những có đại Trí tuệ mà cũng có đại thần thông. Đầu tiên, khi Tôn giả đến thành Xá-vệ làm giám đốc cho công trình Kỳ Viên, đã cùng với Lao-độ-sai, thủ lãnh ngoại đạo, thi triển mười tám phép thần biến và được thắng lợi. Xá-lợi-phất đã lưu lại ảnh hưởng trong dân chúng thành Xá-vệ là một vị Tôn giả đại thần thông, đại Trí tuệ.

Một hôm, nhằm ngày rằm Phật thuyết giới cho chư vị Tỳ-kheo bên mé ao A-nậu-đạt; trong tòa thiếu Xá-lợi-phất, Phật bảo Mục-kiền-liên:

- Mục-kiền-liên! Ông đến thành Xá-vệ mời Xá-lợi-phất về đây. Hãy nói đây là ý của ta.

Mục-kiền-liên vâng dạ ra đi, đến bên tòa Xá-lợi-phất liền nói:

- Tôn giả! Đức Thế Tôn bảo tôi mời Ngài đến ao A-nậu-đạt, nơi thuyết giới hiện tại.

Xá-lợi-phất nghe nói lộ vẻ hoan hỷ:

- Đa tạ huynh đã truyền Thánh ý đến cho tôi, chúng ta đi ngay thôi, nhưng tôi với Tôn giả làm một cuộc du hí nhé.

- Du hí kiểu nào? – Mục-kiền-liên nghi ngờ nhìn Xá-lợi-phất.

- Tôn giả là một bậc trưởng lão đại thần thông, đây là một sợi dải áo, tôn giả thử đem nó kết thành một cây cổ thụ!

Xá-lợi-phất vừa nói xong, liền ném sợi dây ra, Mục-kiền-liên đưa tay bắt lấy, nhưng sợi dây không nhúc nhích. Tôn giả vận dụng hết sức thần thông kéo sợi dây đến nỗi chấn động đại địa. Xá-lợi-phất mau mau đem sợi dây quấn quanh núi Tu-di, Mục-kiền-liên liền nhấc núi Tu-di lên, Xá-lợi-phất bèn đem dây cột vào tòa sư tử của đức Phật. Mục-kiền-liên một lần nữa dùng hết thần lực cũng không lay động được nó. Xá-lợi-phất cười nói với Mục-kiền-liên:

- Tôn giả! Chỗ học và chỗ chứng của chúng ta sánh với vạn đức vạn năng của Phật-đà cách xa trời vực. Thần lực của chúng ta có thể dời núi Tu-di, rung chuyển thiên địa, nhưng pháp tòa của Phật không lay động mảy may. Tôi đâm ra nghi ngờ thần lực của tôi, nên mới mời Ngài thí nghiệm. Thôi bây giờ chúng ta mau đến bái kiến đức Thế Tôn, mời Ngài đi trước, tôi theo sau.

Mục-kiền-liên rất khâm phục lời nói của người đạo hữu thâm giao, gật đầu và dùng thần túc bay về ao A-nậu-đạt. Đến nơi đã thấy Xá-lợi-phất kiết già, ngồi bên cạnh đức Thế Tôn, Mục-kiền-liên đảnh lễ Phật xong, bèn hỏi Phật, đầy nghi ngờ:

- Bạch Thế Tôn! Chẳng lẽ con mất hết thần túc thông rồi sao? Con từ tinh xá Kỳ Viên về đây trước Xá-lợi-phất, tại sao Tôn giả lại đến nơi trước con? Phật thường nói con thần thông đệ nhất, danh xưng đó con thiết tưởng tặng cho tôn giả Xá-lợi-phất mới phải.

Đức Phật từ bi an ủi:

- Mục-kiền-liên! Ông có đại thần lực, trừ ta ra không kém thua ai, ông chẳng hề thối thất thần thông, nhưng ông cần phải biết, Xá-lợi-phất là người đại Trí tuệ đấy!

Phật thuyết giới bên ao A-nậu-đạt xong dẫn các đệ tử trở về thành Xá-vệ. Tín chúng trong thành biết chuyện vừa rồi, ai nấy đều xôn xao bàn tán, nói rằng thần thông của Xá-lợi-phất hơn Mục-kiền-liên.

Mục-kiền-liên nghe tiếng bình phẩm ấy không hề cảm thấy bực bội. Tâm của Ngài rộng rãi và rất khiêm tốn, cho rằng Xá-lợi-phất xứng đáng hơn mình. Mọi người khen Xá-lợi-phất, điều đó vinh hạnh như khen ngợi chính Tôn giả.

Nhưng trong lòng Xá-lợi-phất không yên, Ngài cho điều đó có gì uẩn khúc với Mục-kiền-liên, Tôn giả bèn đến bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Mục-kiền-liên có sức đại thần thông, đại công đức, hôm trước con đến ao A-nậu-đạt trước là vì con gấp rút muốn nghe Thế Tôn thuyết giới, tuy tôn giả Mục-kiền-liên vận dụng thần lực nhưng không nghĩ đến việc tranh thủ thời gian. Hôm nay, mọi người xôn xao bàn tán, nói con thần thông hơn Mục-kiền-liên, thật con không dám nhận. Xin đức Thế Tôn dùng phương tiện giải trừ lời phê bình bất công ấy.

Đức Phật nghe xong, từ hòa vi tiếu gật đầu, Ngài biết rõ hai vị này rất khiêm nhường đối với bạn.

Ngày khác, tại giảng đường sau một thời pháp, Phật bèn gọi Mục-kiền-liên:

- Mục-kiền-liên! Ông là đệ tử thần thông vô tỷ trong hàng đệ tử ta, hôm nay ông có thể ở trong đại chúng hiện thần lực để khai phát tín tâm cho hàng sơ học.

Mục-kiền-liên vâng lời Phật, liền từ tòa đứng dậy, một chân đạp trên địa cầu, một chân đạp cõi trời Phạm Thiên, khiến đại địa chấn động sáu cách, và ở trong không trung dùng Phạm âm thuyết pháp, khiến sáu mươi Tỳ-kheo được lậu tận ý giải.

Từ đó, đại chúng đều đồng thanh công nhận Mục-kiền-liên là thần thông đệ nhất .

6- DỜI NÚI ĐỘ PHẠM CHÍ

Ấn Độ thời Phật, phần đông ngoại đạo không tin theo Phật pháp lại có ngũ thông. Đáng tiếc họ không thấu rõ chân lý, không tu đức hạnh từ bi Trí tuệ, cho nên không thoát sanh tử, trở lại trầm luân trong sáu nẻo.

Đối với ngoại đạo thần thông này, dùng chính sở trường của họ để độ họ, Phật thường sai Mục-kiền-liên trong việc hóa độ chúng ngoại đạo Phạm chí.

Một hôm, Phật bảo tôn giả Mục-kiền-liên:

- Mục-kiền-liên! Tại biên giới Ấn Độ, có một nước lớn, vua và thần dân đều không biết Phật pháp, thờ phụng Phạm chí ngoại đạo, có nhiều Phạm chí đắc thần thông, họ dời núi lấp sông, phân thân biến hóa dễ dàng. Ông hãy đến đó, phương tiện vận dụng oai thần, khiến họ tin tưởng Phật pháp, bỏ tà về chánh, sửa đổi mê lầm.

Tôn giả vâng lời, liền bay lên không trung đến nước ấy, nhìn xuống thấy một ngọn núi lớn có rất nhiều ngoại đạo bao quanh, xem tình hình này dường như họ đang dùng đạo lực di động trái núi kia.

Mục-kiền-liên liền đáp xuống đỉnh núi, đứng trụ bộ trên ấy, thân hình cao thấu hư không, ngọn núi kia chẳng lay động mảy may. Chúng ngoại đạo hoảng kinh bàn tán:

- Núi này đã dời lên, ai lại làm cho nó cứng ngắc, không nhúc nhích như vầy. Có lẽ nào trong chúng ta có người không thanh tịnh sao?

Vừa nói xong, bỗng ngó lên thấy ngài Mục-kiền-liên đang đứng trên đỉnh núi cao vòi vọi, họ bèn hét lên:

- Tên kia! Mi là ai? Sao dám đến đây lộng hành? Ngọn núi này làm trở ngại giao thông, nhà vua ra lệnh chúng ta dẹp nó đi, vì dân trừ hoạn nạn, tại sao mi lại đè nó đứng yên, không cho di chuyển?

Mục-kiền-liên cười nói:

- Rõ ràng là tôi đứng giữa hư không, ai đè trái núi của các ông làm chi?

Ngoại đạo lại huy động hết đạo lực, ba lần muốn dời núi mà hòn núi vẫn y nguyên như cũ.

Đang lúc ngoại đạo cảm thấy hết phương cách, kinh sợ hoang mang, Mục-kiền-liên lớn tiếng kêu:

- Các Phạm chí! Định thần xem đây, núi kia sẽ biến mất.

Mục-kiền-liên nói xong, hòn núi cao ngất, hùng vĩ kia tức khắc biến thành bình địa.

Các ngoại đạo cúi đầu nói:

- Đại đức từ đâu đến? Nếu chẳng phải là bậc Trí tuệ sáng suốt, đạo đức sâu dày không thể được như vậy. Xin Ngài thâu nhận chúng tôi làm đệ tử, chỉ dạy bờ mê cho chúng tôi.

Mục-kiền-liên từ trên không hạ xuống, nói:

- Các ông có chí tâm thành hối cải, tôi biết đó không phải là lời dối gạt. Nhưng tôi nói thật, nếu các ông muốn bỏ tối cầu sáng, bỏ ác làm lành, tôi còn có bậc tôn sư, đức Phật-đà Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Đức Phật là bậc trời trong loài trời, bậc Thánh trong các Thánh, đầy đủ Nhất thiết trí, vạn đức vạn năng. Các ông hãy theo tôi đến chỗ Phật quy y, đức Phật nhất định từ bi nhiếp thọ.

Các Phạm chí vui mừng nhảy nhót, hỏi thăm:

- Giáo pháp của Phật chẳng lẽ hơn lão sư ư?

Mục-kiền-liên trang nghiêm nói:

- Đức Phật như núi Tu-di, tôi chỉ như hạt cải, hạt cải không thể so sánh với núi Tu-di. Phật-đà như biển lớn, tôi chỉ như dòng nước nhỏ, dòng nước không thể sánh với biển cả. Phật ra đời khó gặp, các ông quy y Phật mới có thể được cứu thoát.

Các Phạm chí nghe xong vui vẻ, đều theo Mục-kiền-liên đến chỗ Phật quy y thọ giáo.

Tôn giả Mục-kiền-liên thường dùng thần thông chiết phục ngoại đạo, khiến khởi tâm quy hướng Phật pháp. Ngài là người có nhiều biện pháp trong việc hàng phục ngoại đạo.

7- HÀNG PHỤC QUỶ ÁC

Tôn giả Mục-kiền-liên tuy hay hàng phục ác ma ngoại đạo, nhưng bọn chúng cũng thường tìm cách chọc ghẹo Ngài.

Một phen, Mục-kiền-liên vâng lời Phật đơn thân đến nước Bạt-già giáo hóa. Có một tệ quỷ thấy tôn giả đang tản bộ trên đường, hắn bèn dùng thần thông chui vào bụng tôn giả. Tôn giả cảm thấy đau nhói nơi bụng, dường như có vật gì như cái chén lợn cợn trong đó, mà lại kêu rầm rầm như sấm. Tôn giả liền dừng bước, trở về thất tịnh tọa tư duy, biết đây là tệ quỷ khiêu khích mình, bèn nói:

- Ác ma! Mau mau đi ra, không được xâm phạm đệ tử Phật. Mi chẳng thể làm tổn hại đức Phật và đệ tử Ngài, trừ những đệ tử nghiệp lực đến thời, nếu không mi vĩnh viễn chẳng làm gì được.

Ác ma nghĩ thầm:

- Lạ thật! Hình dạng ta ra sao ngay cả Phật còn không biết, Mục-kiền-liên tuy có thần thông, làm sao biết được?

Tôn giả lại nói:

- Ác ma! Mi đừng lấy làm lạ. Ta biết trong bụng mi đang nghĩ rằng Phật-đà chẳng biết hình thù mi ra sao, Mục-kiền-liên tuy có thần thông làm sao lại biết.

Tệ quỷ nghe rồi kinh hãi, liền biến thành nước miếng vọt ra, từ đó chẳng dám trêu chọc đến Tôn giả.

Thần thông của Mục-kiền-liên khiến người tin Phật khâm phục, và ma ngoại sợ hãi.

8- SẮC ĐẸP KHÔNG CỰ NỔI THẦN THÔNG

Có thần thông như Mục-kiền-liên, chẳng những không bị ác quỷ gia hại mà sắc đẹp cũng không lay động đạo tâm.

Một hôm, Tôn giả đi khất thực trở về, ngang qua một khu vườn, trong đó có một người đàn bà trung niên đang chờ Ngài. Người này tuy khoảng ba mươi tuổi, nhưng thời gian không làm giảm vẻ đẹp. Đôi mắt kiều mị, hình dong yểu điệu rất hấp dẫn nam nhi.

Nàng thấy Mục-kiền-liên sắp đến gần bèn đứng dậy cúi chào:

- Tôn giả! Ngài có bận đi đâu không? Ngài có thể dừng chân nói chuyện với em không ạ?

Mục-kiền-liên dừng bước, chú ý nhìn và không những Ngài thấy dung mạo thanh lịch của cô ta, mà còn biết rõ bên trong tâm cô ta đang có ý đồ gì.

Tôn giả không động trước thinh sắc, oai nghiêm nói:

- Thật đáng thương cho cô! Cô phải chịu những điều ô nhục. Tuy được chút đỉnh tiền bạc mà lương tâm mờ ám, nghe lời xúi sử của ngoại đạo, tưởng rằng đối trước ta có thể bày âm mưu phi pháp!

Cô nàng nghe nói kinh hoảng, nhẹ giọng:

- Tôn giả! Ông…ông…tại sao ông nói như vậy?

Mục-kiền-liên oai nghiêm như một ngọn núi:

- Cô không thể che giấu tội lỗi của mình. Cô đến đây với ý định gì tôi vừa nhìn qua biết liền. Cô mê muội theo sắc đẹp hư vọng, sắc đẹp giúp cô tăng trưởng tội ác, giống như voi già sa lầy, càng cựa quậy càng lún sâu thôi.

- Tôn giả! Ngài đã biết rõ tâm tôi, tôi cũng biết không thể qua mắt Ngài. Tôi sớm nghe danh Ngài là vị đệ tử thần thông đệ nhất của Phật, tôi không tin rằng thần thông có thể vượt qua sắc đẹp. Tôi biết tôi là một kẻ tội lỗi, tôi cũng tưởng đến việc hướng thiện nhưng rất đỗi tuyệt vọng. Tôi nghĩ tôi là một kẻ không thể cứu vớt, có một quá khứ ghê rợn, mai sau chắc chắn sẽ chịu quả báo đáng sợ.

Mục-kiền-liên an ủi:

- Cô không nên tự làm khổ mình, cũng đừng thất vọng. Tội nghiệp dù nặng đến đâu chỉ cần một phen sám hối thì đều có thể cứu vãn, y phục dơ có thể giặt giũ, thân thể ô uế có thể dùng nước tẩy trừ, tâm không thanh tịnh có thể dùng Phật pháp rửa sạch. Trăm dòng sông nhớp nhúa một phen chảy vào biển cả, nước biển lớn thảy đều làm sạch nước trăm sông. Lời dạy của Thế Tôn ta đủ sức khiến thanh tịnh lòng người ô uế, có thể cho sám hối những tội nghiệp quá khứ.

Nghe tôn giả nói như vậy, cô kia rất mừng rỡ, mắt đầy hy vọng nói:

- Tôn giả, giáo thị của đức Phật từ bi vĩ đại đến vậy ư? Quá khứ tôi rất là tội lỗi, tôi chỉ gặp toàn những điều bất hạnh, tôi mà nói ra đây, Tôn giả chắc sẽ bịt tai ngoảnh mặt.

- Chẳng có gì quan hệ, cứ nói ra cũng tốt. Cô tên gì?

- Thưa, tôi tên Liên Hoa Sắc, là con gái một nhà trưởng giả thành Đức-xoa-thi-la, khi tôi được mười sáu tuổi, phụ mẫu thành lập gia thất cho tôi, nhưng chẳng bao lâu cha tôi qua đời, bà mẹ góa bụa của tôi bèn tư thông với chồng tôi, biết việc này tôi rất đau lòng. Lúc ấy tôi đã có một đứa con gái, bèn bỏ nó ra đi. Sau đó tôi tái giá với người khác. Có một lần, người chồng sau này đi xa buôn bán, khi chàng từ Đức-xoa-thi-la trở về, lén tôi lấy một ngàn lượng vàng mua tiểu thiếp. Ban đầu y giấu nhẹm không cho tôi hay, đưa tiểu thiếp gởi nhà bạn. Sau đó tôi biết được nóng nảy muốn coi mặt tiểu thiếp đó là người nào mà dám đoạt chồng tôi. Thiệt là, thưa Tôn giả, không thấy thì thôi, thấy rồi tôi té xỉu tại chỗ, người đó đâu phải ai xa lạ, chính là con gái của đời chồng trước.
Liên Hoa Sắc nói đến đó, khóc không ra tiếng. Mục-kiền-liên bèn an ủi:

- Liên Hoa Sắc! Cô không nên thương tâm quá đỗi, người biết rõ quá khứ vị lai thì xem đó chỉ là một sự luân hồi nhân quả. Nói thật mà nghe, đời người là một bể tội lỗi. Rồi sau thế nào?

- Làm sao tôi có thể nhẫn nhục được đối với nỗi khổ đau đó? Nghĩ đến ban đầu thì mẹ đoạt chồng mình, bây giờ con mình lại tranh chung trượng phu với mình. Tôi còn mặt mũi nào ở đời? Tôi bỏ nhà ra đi, tôi chán ghét thế gian, chán ghét mọi người. Tôi làm kẻ mua vui cho thiên hạ. Tôi muốn đùa cợt thế nhân, tôi phát triển mọi sinh hoạt tội lỗi của mình. Việc gì tôi cũng làm được miễn có tiền. Tôn giả đã biết tại sao tôi đến đây khiêu khích Ngài, may mà Tôn giả có đại thần lực, bây giờ không biết tôi phải sám hối như thế nào?

Mục-kiền-liên nghe Liên Hoa Sắc kể hết sự tình, không hề khởi tâm khinh khi, trái lại Tôn giả biết trong tâm Liên Hoa Sắc rất chân thành, rất lương thiện. Ngài dùng lời từ hòa đến gần bên an ủi:

- Liên Hoa Sắc! Thân thế của cô thật đáng thương, cô nên theo lời dạy của đức Phật mà sửa đổi, thời tiết nhân duyên đã đến, cô hãy theo tôi ra mắt Phật.
Liên Hoa Sắc rất mừng rỡ. Sở dĩ cô được cứu độ, chuyển họa thành phước đều nhờ sức thần thông, phương tiện thiện xảo của Mục-kiền-liên.

9- THỬ NGHE TIẾNG PHẬT XA GẦN

Trong Tăng đoàn, Mục-kiền-liên là người sống động, chuyện người khác làm không được Ngài đều làm xong, chỗ nào người khác không đến được Ngài đều có thể đến.

Một hôm Phật thuyết pháp tại giảng đường Trúc Lâm tinh xá, Mục-kiền-liên ngồi thiền trong tịnh thất không đi nghe giảng, nhưng tiếng thuyết pháp của Phật như sấm rền bên tai. Ngài lấy làm lạ, ở một nơi cách xa Phật như thế mà vẫn nghe tiếng, bèn nảy ra ý định dọ thử xem pháp âm của Phật còn xa đến đâu. Ngài vận dụng thần túc bay qua mười ức cõi Phật, đến một quốc độ, nơi ấy đức Phật Thế Tự Tại Vương là giáo chủ và đang thuyết pháp. Mục-kiền-liên cũng thường du hành đến cõi này cũng như một khách rong chơi giàu có lịch lãm, đến đâu cũng đều xem là gia hương cố quốc.

Bây giờ đến đây, thấy đức Thế Tự Tại Vương đang thuyết pháp, Tôn giả rất hoan hỷ liền nhanh tay lẹ chân tìm chỗ ngồi trong pháp hội. Nói đến chỗ này thật là bất khả tư nghì, Mục-kiền-liên chẳng những nghe tiếng Phật của quốc độ này, mà cả tiếng của đức Thích-ca ở cõi Ta-bà cũng nghe luôn.

Đức Thế Tự Tại Vương thuyết pháp xong, một vị Bồ-tát hướng về Phật đảnh lễ và chỉ Mục-kiền-liên nói:

- Như-Lai! Trong lúc Ngài thuyết pháp, chẳng biết từ đâu bò đến một con sâu lớn trông thật quái dị, chúng con muốn đuổi nó đi .

Đức Phật vội ngăn:

- Đừng nói thế! Đó là Mục-kiền-liên, đệ tử thần thông đệ nhất của đức Phật Thích-ca ở cõi Ta-bà!

- Sao lại nhỏ bé như vậy?

Các Bồ-tát đều thưa hỏi. Nguyên lai, thân thể của chư Bồ-tát và chúng sanh trong cõi nước Phật đây to lớn gấp trăm ngàn lần người cõi Ta-bà, chẳng lạ gì họ ngạc nhiên khi thấy Mục-kiền-liên.

Đức Thế Tự Tại Vương giải thích:

- Các ông đừng khinh thị Tôn giả này. Ông ấy có đại thần lực, đại oai đức. Ông ấy hành hóa tự tại, dạo chơi các quốc độ. Chẳng qua thân thể thấp bé là vì chúng sanh mỗi quốc độ nghiệp lực chẳng đồng.

Đức Phật nói xong từ hòa nhìn Mục-kiền-liên:

- Tôn giả! Ông từ phương khác đến, có thể đối với chúng Bồ-tát đệ tử ta, hiện các thần thông để trừ nghi hoặc của họ.

Mục-kiền-liên bèn thừa oai thần Phật, hóa hiện các thứ thần kỳ. Chúng Bồ-tát thấy rồi đều sanh lòng cung kính.

Mục-kiền-liên hiện phép lạ xong, trở về chỗ ngồi. Đức Phật hỏi:

- Tôn giả! Ông đến quốc độ ta là muốn thử nghe tiếng thuyết pháp của Phật Thích-ca xa bao nhiêu phải không?

- Thưa phải, quả thật đệ tử có dụng tâm đó – Mục-kiền-liên cung kính đảnh lễ đáp.

- Tôn giả! Ông không nên nghĩ như vậy. Oai lực của chư Phật hàng phàm phu và nhị thừa không thể biết hết. Thanh âm thuyết pháp của chư Phật biến khắp tất cả hư không, cảnh giới các căn phan duyên của chúng sanh thì có xa gần, mà dùng tâm phân biệt không thể thử biết được âm thanh Phật.

Lời khai thị của đức Thế Tự Tại Vương Như Lai, Mục-kiền-liên nghe xong rất hổ thẹn. Từ đó về sau, Tôn giả vẫn giữ vẻ linh hoạt nhưng không dám thử thăm dò Phật đức và Phật âm nữa.

10- CHÚNG QUỶ HỎI VỀ NHÂN DUYÊN NGHIỆP BÁO

Tôn giả Mục-kiền-liên không những thường du hành các cõi Phật, mà còn thừa thần lực xuống địa ngục quan sát chúng sanh thọ quả báo.

Một hôm, Tôn giả hành khước bên bờ sông Hằng, lúc ấy ánh nắng nhạt dần, nhạt dần như rút theo con nước, màu hoàng hôn hoang vắng. Tôn giả thấy ban đêm đi hành hóa không tiện, bèn ngồi tịnh lự bên bờ sông.

Gió chiều nhẹ thổi, không trung lác đác vài vì sao. Bên bờ sông Hằng, các loài ngạ quỷ lắm phen tụ tập muốn tìm nước uống để trừ đói khát nhưng gặp phải một con quỷ hung ác giữ mé sông, tay cầm gậy sắt xua đuổi, do đó các quỷ đói không dám đến gần bờ nước. Mục-kiền-liên ngồi ngay thẳng chánh niệm, thấy kcác loại quỷ thọ tội không đồng, bèn gọi chúng lại. Nhân cơ hội ấy chúng quỷ hỏi Ngài về nhân duyên tội nghiệp.

Quỷ thứ nhất hỏi:

- Tôn giả! Đời trước chúng tôi làm người, nay bị đọa làm thân quỷ đói, thường bị khổ đói khát, nghe nói nước sông Hằng trong mát, mà khi đến lấy nước uống, nước liền nóng sôi, chỉ cần hớp một miếng lục phủ ngũ tạng liền cháy tiêu, còn bị quỷ giữ nước sông cầm gậy đánh đuổi. Xin hỏi Tôn giả, chúng tôi do nghiệp gì mà thọ khổ báo này?

Mục-kiền-liên dùng sức định thần thông quan sát nhân quả ba đời, bèn nói với nó:

- Đời trước ngươi làm thầy toán số, khi xem tướng kiết hung cho người, nói dối nhiều hơn nói thật, tùy ý khen chê, tự xưng mình thông suốt mà thật là dối láo, vì muốn cầu lợi dưỡng, không thương người mê muội, mới thọ nghiệp báo như vậy.

Quỷ thứ hai hỏi:

- Tôn giả! Tôi thường bị một con chó lớn hung dữ nhai nuốt thân thể, ăn hết thịt xong, một cơn gió thổi qua bộ xương, lại sống trở lại. Chẳng biết nhân duyên gì khiến tôi chịu khổ báo này?

- Đời trước ngươi giết heo, dê, gà, vịt cúng tế trời thần nên chịu quả báo ấy.

- Tôn giả! – Quỷ thứ ba hỏi? – Tôi thì bụng to như cái lu, tay chân cổ họng nhỏ như cây kim, thấy thức ăn ngon mà chẳng thể ăn được, chẳng biết nhân duyên gì?

- Ngươi đời trước làm quan tự thị giàu mạnh, tung hoành theo ý thích, khinh khi người, tài sản người do mồ hôi nước mắt tạo ra, ngươi ỷ mạnh chiếm đoạt nên nay phải chịu khổ báo.

Quỷ thứ tư:

- Tôn giả! Lưỡi tôi le dài khắp thân, mà máu huyết cứ vọt ngược từ dưới lên trên khiến đầu to bằng cái đấu lớn. Mỗi khi huyết quản sắp đứt, mệnh như chỉ mành, chẳng biết nhân duyên gì thọ khổ báo này?

- Ngươi đời trước ưa nói chuyện thị phi, tốt xấu của người, mỗi lời nói ra không lợi ích cho chúng sanh, nếu có lời gì đều làm tăng khổ não cho người, nên nay mới chịu khổ như thế.

Mỗi ngạ quỷ lần lượt thưa hỏi tội nghiệp đã tạo ở đời trước, nhân duyên của quả báo đời nay, tôn giả đều mỗi mỗi trả lời. Thần thông của tôn giả thật là lên trời xuống đất tự tại vậy.

11- DO LAI CỦA VU LAN BỒN

Tôn giả Mục-kiền-liên dùng Thiên nhãn thông biết nhân quả báo ứng của loài quỷ, hốt nhiên nhớ đến mẫu thân quá cố, Ngài bèn vận dụng thần lực quan sát, thấy vong mẫu đang đọa trong ngạ quỷ chịu nhiều đau đớn, cuống họng nhỏ như cây kim, chỉ còn da bọc xương. Mục-kiền-liên thấy tình trạng ấy, động lòng hiếu thảo, không ngăn được nỗi thương cảm vạn phần, bèn dùng bình bát đựng đầy cơm, mượn sức thần đem đến trước lão mẫu, nhưng mẹ Ngài ôm bát cơm chưa kịp đưa vào miệng, cơm trong tay đã hóa thành lửa đỏ chẳng thể nuốt trôi. Mục-kiền-liên thấy vậy buồn bã rơi lệ nghĩ mình bất lực. Ngài biết được nghiệp quả của chúng ngạ quỷ, nhưng không thể biết mẫu thân do nhân duyên nghiệp báo gì mà chịu khổ sở như vậy. Ngài mang tâm tình trân trọng, mau mau đến trước Phật bẩm bạch:

- Phật-đà! Hôm nay đệ tử dùng thần thông thấy mẫu thân đang bị đọa vào ngạ quỷ, chịu nhiều khổ não, thức ăn biến thành lửa đỏ, chẳng biết do nhân duyên gì? Thần thông của đệ tử có thể quan sát thấu đáo nhân duyên tội báo của chúng quỷ, vì sao đối vong mẫu lại chẳng biết được? Cúi xin Phật từ bi chỉ dạy.

Đức Thế Tôn lộ vẻ lân mẫn đáp rằng:

- Mục-kiền-liên! Mẹ ông lúc sanh tiền báng Phật mắng Tăng, không tin nhân quả, tham sân tà ác, dối gạt mọi người. Do đó mới thọ khổ báo này. Ông vì mẫu tử tình thâm, thần thông bị thần tình che lấp nên không biết được!

- Ngài có diệu pháp gì để cứu mẫu thân của đệ tử thoát khổ ngạ quỷ? – Mục-kiền-liên hướng về đức Phật ai cầu.

- Mục-kiền-liên! Tội báo của mẹ ông cấu kết sâu dày, không thể dùng lực lượng một cá nhân mà cứu bạt được. Hiếu đạo của ông tuy cảm động trời đất, nhưng thiên địa thần kỳ đối với người đọa lạc vì phỉ báng Tam bảo không thể làm gì được. Hiện tại ông chỉ nương sức oai thần của thập phương Tăng chúng mới giúp mẹ ông thoát khổ ngạ quỷ. Mỗi năm đến ngày rằm tháng bảy là ngày giải hạ tự tứ của chư Tăng, ngày đó những người làm con nên vì cha mẹ bảy đời và cha mẹ hiện tại đang ở trong chốn nguy nan, sửa soạn trăm thức ăn ngon, quả vật tươi tốt nhất thế gian, đặt trong mâm đầy để cúng dường chư Đại đức Tăng mười phương. Nhân vì ngày ấy là ngày tự tứ của chư Tăng, tất cả Thánh chúng hoặc tọa thiền ở rừng núi bên dòng nước hoặc đắc tứ quả A-la-hán, hoặc kinh hành dưới cội cây, hoặc là bậc được lục thông đi giáo hóa, cho đến những Bồ-tát trong mười phương hiện làm Tỳ-kheo, đều đồng nhất tâm thọ thực, do vì chư Thánh chúng đều đầy đủ giới hạnh thanh tịnh, đức độ rộng sâu như biển, bất khả tư nghì. Nếu ai hay cúng dường các vị Tăng ngày Tự tứ thì cha mẹ hiện đời và lục thân quyến thuộc nhất định ra khỏi đường khổ, liền được giải thoát, y thực tự nhiên. Nếu cha mẹ còn sống thì phước lạc trăm năm, mọi việc đều an lành thuận hảo. Đó thật là diệu pháp để cầu siêu cứu bạt.

Mục-kiền-liên nghe Phật nói, hoan hỷ vâng làm. Ngày chúng Tăng tự tứ làm lễ cúng dường đại chúng Thánh Tăng, ngày đó mẹ Ngài thoát ly khổ ngạ quỷ.

Mục-kiền-liên rất cảm kích ân đức Phật, bèn tán thán công đức Tam bảo, khuyến khích thế gian làm theo pháp Vu Lan Bồn, cúng Phật cập Tăng để báo đáp ơn huệ sanh dưỡng nuôi nấng thương yêu vỗ về của song thân. Cử hành pháp hội Vu Lan, đó vốn là lợi ích cho những ai cùng khổ tâm như Mục-kiền-liên.

Tôn giả không những thần thông số một mà cũng nổi danh đại từ đại hiếu.

12- GIẢNG THUYẾT BÀI KỆ  CỦA BẢY ĐỨC PHẬT

Một hôm, chúng đệ tử đến yêu cầu Phật nói về nhân duyên bổn sanh của dòng họ Thích. Đức Phật nghĩ đến vấn đề này, nói việc tốt của bổn tộc thì e khó tránh khỏi tiếng tuyên truyền. Sau khi suy xét, Ngài bèn gọi Mục-kiền-liên thay Ngài giảng thuyết.

Mục-kiền-liên vận dụng Túc mạng thông quan sát sự tích của nhiều kiếp đã qua rõ ràng như vẽ trước mắt. Ngài thuật lại tỉ mỉ lịch sử dòng Thích-ca. Mọi người nghe xong đều cảm đến việc đức Phật giáng sanh trong dòng họ Thích và thành Chánh giác, không phải không có nhân duyên.

Mục-kiền-liên là người thường thay Phật thuyết pháp.

Lại một hôm, chúng Tỳ-kheo nhóm họp lại cùng đàm đạo, mỗi người đều trình bày chỗ tâm đắc trong việc tu học, tôn giả Mục-kiền-liên nhân đó nói bài kệ của bảy đức Phật:

                            Chư ác mạc tác,
                            Chúng thiện phụng hành,
                            Tự tịnh kỳ ý,
                            Thị chư Phật giáo.
        Dịch:
                            Chớ làm các việc ác,
                            Nên làm các việc lành,
                            Tự tịnh ý của mình,
                            Đó là lời dạy của chư Phật.

Giáo thị của chư Phật ra sao? Từ bài kệ đơn giản của Mục-kiền-liên khiến hàng sơ học biết rõ mục đích lời dạy của đức Phật. Bài kệ này cùng tôn giả đều được mọi người lưu giữ trong tâm.

13- THẦN THÔNG CHẲNG QUA NGHIỆP LỰC

Thần thông của Mục-kiền-liên trong hàng đệ tử Phật không ai sánh bằng, phàm làm việc gì Ngài vận dụng thần thông đều thành tựu.

Thần thông rất tiện cho việc tiếp dẫn chúng sanh, nhưng thần thông không thể trái ngược phép tắc nhân quả, không thể thắng nghiệp lực, không thể giải thoát sanh tử phiền não, đó là sự thật.

Một lần nọ, thành Ca-tỳ-la bị vua Lưu Ly nước Kiều-tát-la (Kosala) xâm lược. Ban đầu đức Thế Tôn cũng động lòng ái quốc tìm cách giải cứu, ba phen ngồi chận đường cản trở đại quân của vua Lưu Ly. Tuy vua Lưu Ly mỗi lần gặp Phật, mỗi lần lui binh nhưng lòng thù hận muốn báo thù và xâm lược không dứt được. Đức Phật biết sự báo ứng của nhân quả, muốn để cho nó tự kết thúc nên sau đó để cho vua Lưu Ly tự do đi.

Thật là thần thông của Mục-kiền-liên không thể giải được hết sạch nghiệp báo. Tôn giả biết đại quân của vua Lưu Ly bao vây thành Ca-tỳ-la, và rất kích động đến bạch Phật:

- Thưa Thế Tôn! Thành Ca-tỳ-la bị vua Lưu Ly xâm lược, chúng con cần phải tận lực để bảo cứu nhân dân trong thành.

Đức Phật nhìn Tôn giả giây lâu rồi từ hòa nói:

- Mục-kiền-liên! Dòng Thích-ca chịu quả báo của tội nghiệp nhiều kiếp đã qua. Đó là cộng nghiệp chiêu cảm, ông không thể chịu thay cho họ. Họ chẳng chịu sám hối, một bề kiêu mạn, không sửa đổi, nhà cửa mục nát thì đến ngày sụp đổ thôi!

Mục-kiền-liên nghe Phật nói, tuy biết đó là sự thật, nhưng nghĩ đến thần thông quảng đại của mình, muốn dùng để cứu nạn dân chúng trong thành.

Vua Lưu Ly dùng trăm vạn đại quân vây khốn Ca-tỳ-la, một giọt nước cũng không lọt, người ta làm sao đi lại. Chỉ có Mục-kiền-liên vận thần thông nương hư không bay vào thành. Tôn giả vào thành rồi, chọn năm trăm người ưu tú trong dòng Thích-ca thâu nhiếp vào trong bình bát, và bay ra. Đến một nơi an ổn, Ngài mở nắp bát tính thả năm trăm người ấy ra, chẳng dè không thấy gì cả. Một phen nhìn xuống thất kinh hồn vía, năm trăm người trong bát đều hóa thành máu cả.

Đến lúc này Tôn giả mới biết lời Phật nói không sai, phép tắc nhân duyên chẳng thể làm ngược lại, dầu kể là thần thông cũng không qua nghiệp lực.

14- NGƯỜI TUẪN GIÁO ĐỆ NHẤT

Mục-kiền-liên nhờ thần thông lên trời xuống đất hỗ trợ tuyên dương Phật pháp, công ấy rất lớn. Nhưng Phật đã nói, thần thông không phải pháp môn cứu cánh. La-hán mày dài vốn là đại thần vua Ưu Điền, tên là Tân-đầu-lô-phả-la-đọa, theo Phật xuất gia đắc thần thông, hay biến hiện kỳ diệu trước hàng cư sĩ. Đức Phật từng quở trách và dạy ông rời khỏi Tăng đoàn, một mình qua châu Tây Cù-da-ni giáo hóa. Chỉ có đối với thần thông của Mục-kiền-liên, đức Phật chẳng những không quở trách mà lại thường khen ngợi. Chẳng phải đức Thế Tôn có tâm thiên lệch nhưng Ngài biết một điều là dùng thần thông của Mục-kiền-liên để hỗ trợ tuyên hóa rất tốt, nhưng kết cuộc thần thông không thể hơn nghiệp báo. Nghiệp lực của mỗi người tạo tác rõ ràng dù là thần thông cũng không khỏi chết. Đức Phật dùng sự thật ấy để răn dạy người sau.

Tôn giả Mục-kiền-liên tuổi gần về già nhưng hoạt động truyền giáo vẫn như nước chảy mây bay, càng lúc càng tinh tấn. Tôn giả không biết rằng chính vì nhiệt tâm tuyên dương giáo pháp của mình lại khiến cho ngoại đạo tật đố. Bọn chúng đối với đức Phật không có biện pháp gì, chỉ đợi cơ hội ám sát Mục-kiền-liên.

Mục-kiền-liên gánh vác trách nhiệm hoằng hóa lợi sanh. Một lần nọ trên đường tuyên dương chân lý, đi ngang qua núi Y-tư-xa-lê, bị bọn lõa hình ngoại đạo bắt gặp. Chúng bèn từ trên núi xô đá xuống, muốn sát hại Mục-kiền-liên. Đá rơi loạn xạ như mưa khiến nhục thân vô thường của Tôn giả nát ngứu như tương, nhưng bọn lõa hình ngoại đạo hai ba ngày sau còn chưa dám đến gần nơi Tôn giả tử nạn, họ vẫn còn sợ sức thần thông của Tôn giả. Thật là Tôn giả vì truyền bá chủng tử Bồ-đề cho nên gặp sự bức hại của ngoại đạo, để lưu lại cho hậu thế tấm gương hy sinh. Nhục thân của Tôn giả cũng trường tồn với thế gian. Máu của Tôn giả đổ ra không phải là vô ích, bao nhiêu vị tiên hiền thánh triết đã vì hoằng pháp lợi sanh, noi theo dấu chân của Tôn giả Mục-kiền-liên hiến tất cả sinh mệnh cho ánh sáng chân lý, để cho Phật pháp bất diệt. Sự hy sinh ấy thật có giá trị lớn lao.

Tin tôn giả Mục-kiền-liên bị ngoại đạo ám hại truyền đến tai vua A-xà-thế. Nhà vua nổi cơn phẫn nộ, hạ lệnh bắt hết các hung thủ, mấy ngàn lõa hình ngoại đạo đều bị nhà vua ném vào hầm lửa!

Chuyện ấy cũng không giải trừ được nỗi bi ai của các Tỳ-kheo, đại chúng than thở cho rằng trên thế gian không công bình, tại sao Mục-kiền-liên thần thông đến thế mà không tránh được sự phục kích của ngoại đạo.

Tâm các vị Tỳ-kheo không cam chịu được bèn tập hợp đến thỉnh ý Phật:

- Bạch Thế Tôn! Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên đều là đệ tử thượng thủ của Phật. Mục-kiền-liên là một người hoàn toàn, khi Phật lên thiên cung thuyết pháp cho mẫu hậu, tôn giả nhận lời yêu cầu của chúng con lên cung trời bái vọng Thế Tôn. Mẫu thân ông vì phỉ báng Tam bảo mà bị đọa địa ngục, ông cũng xuống địa ngục cứu mẹ. Tôn giả là một người có thần thông oanh liệt, tại sao không dùng sức thần đối kháng ngoại đạo?

Đức Phật đã thể chứng chân lý vũ trụ, chỗ thiết yếu pháp sanh trên thế gian, đại trí giác của Ngài mênh mông như đại hải. Ngài đã biết trước nên không kích động như các Tỳ-kheo. Ngài an nhiên bảo đại chúng:

- Mục-kiền-liên không phải không chống cự nổi với ngoại đạo, nhưng ở lần trước khi vua Lưu Ly xâm lược Ca-tỳ-la, ông ấy dùng thần thông mà cứu không được nhân dân trong thành, nên biết thần thông không qua nghiệp lực, nhục thể là vô thường, nghiệp báo cần phải trả, trong đời quá khứ ông ấy làm nghề chài lưới, sát hại oan uổng không biết bao nhiêu sanh linh. Các ông đừng lấy làm khó chịu, Mục-kiền-liên tuy chết nhưng chân lý không hề mất!

- Nhưng bạch Thế Tôn! Chúng con vẫn cảm thấy Mục-kiền-liên bị hại quá ư thê thảm!

- Các Tỳ-kheo! Các ông không nên nghĩ như vậy. Vấn đề sanh tử đối với người giác ngộ không quan trọng. Có sanh ắt có tử, chuyện tử không nhất thiết là chuyện kinh sợ hoang mang, đừng chấp chặt vào đó. Mục-kiền-liên khi vong thân chẳng mê muội tấn nhập Niết-bàn, đó là điều đáng quý. Mục-kiền-liên hy sinh vì sự nghiệp tuyên dương giáo pháp, đó mới là cái đẹp vô hạn.

Trong hàng Tỳ-kheo vẫn có người còn thắc mắc, họ than thở lắc đầu, thương cảm hết sức, bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Chúng con vẫn biết cần phải có tinh thần hy sinh vì đạo, nhưng Tôn giả hy sinh như vậy thật quá sớm, còn biết bao sự nghiệp hoằng hóa, chúng con đều cần sự lãnh đạo của Tôn giả. Thế Tôn! Sao Ngài không bảo trước với Tôn giả để ông ấy dự phòng?

Qua những lời trên, chúng ta có thể biết mọi người rất xúc động trước sự tuẫn giáo của Tôn giả, và cũng biết các Tỳ-kheo rất khâm phục Mục-kiền-liên. Một lần nữa, đức Phật lại dùng lời an ủi khích lệ đại chúng:

- Các Tỳ-kheo! Khi Mục-kiền-liên lâm nạn chẳng phải ông ấy không biết dự phòng, ông ấy có thể bảo vệ cho mình khỏi chết, nhưng đó không là biện pháp cứu cánh, người tu hành không thể sai trái pháp tắc nhân quả. Ông ấy gieo nhân chài cá, nghiệp sát sanh phải kết thúc bằng quả bị hại. Vả lại, Mục-kiền-liên đã phát nguyện đem mạng sống hy sinh cho chân lý, đó là bản nguyện của ông, ông ấy rất hoan hỷ nhập diệt. Nếu đệ tử của ta đều có tinh thần của Mục-kiền-liên thì Phật pháp lại phát huy rộng lớn. Các ông nên bắt chước theo Mục-kiền-liên.

Pháp ngữ khai thị của đức Thế Tôn, các Tỳ-kheo và Tỳ-kheo Ni nghe rồi rất cảm động. Một sắc thân Mục-kiền-liên tử vong, sẽ còn có vô số Mục-kiền-liên vì tuyên dương chân lý, vì sự lưu truyền của Thánh giáo mà hoan hỷ tự nguyện noi dấu!

[ Quay lại ]