headertvtc new


   Hôm nay Thứ tư, 18/12/2024 - Ngày 18 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

  • Bài mới nhất

  • Bài đọc nhiều nhất

  • Lịch thuyết giảng

thanhtutoantap new3

GIỚI THIỆU TRƯỚC NGÀY LỄ ĐẶT ĐÁ TVTL CHÁNH GIÁC

 

GIỚI THIỆU ĐỊA PHƯƠNG VÀ CÔNG TÁC CHUẨN BỊ TRƯỚC NGÀY LỄ ĐẶT ĐÁ XD THIỀN VIỆN TRÚC LÂM CHÁNH GIÁC

 luanhoi

Một sự kiện trọng đại có thể xem là ngày kết tinh của bao tâm nguyện, lòng khát ngưỡng của đông đảo Phật Tử ở trong và ngoài nước. không chỉ đối với những người hâm mộ và tu tập theo Thiền Tông Việt Nam do hòa thượng tôn sư thượng Thanh hạ Từ chủ trương, mà còn là niềm hân hoan vui mừng của tất cả những người con phật trong tỉnh Tiền Giang nói riêng và miền Tây nói chung. sự kiện trọng thể này chính là hoa trái đầu mùa ở miền Tây mà hàng môn hạ đệ tử của Hòa Thượng Trúc Lâm kính dâng lên Ngài, biểu hiện lòng hiếu kính đối với bậc Tôn Sư. Tâm nguyện của ngài về việc xây dựng mới một ngôi thiền viện thuộc hệ phái Trúc Lâm Yên Tử ở miền Tây giờ đây đã bắt đầu được hình thành.

Ngay những ngày cuối năm 2011, sau những nỗ lực vượt qua mọi trở ngại ban đầu của quý thầy đi tiền trạm, ngày 03 tháng 12 năm 2011, Thầy Trụ Trì Trúc Lâm Đà Lạt đã chấp thuận cho một đoàn gồm 10 Thầy, phát tâm đi xây dựng Thiền viện Trúc Lâm chi nhánh Tiền Giang.

Thời gian đầu, quý Thầy ở tạm trong nhà của các Phật tử địa phương trong khu dân cư. Công việc duy nhất của chư tăng trong những ngày này là phát hoang, dọn dẹp mặt bằng để gấp rút làm lán trại tạm trên khu đất thiền viện cho chư tăng ở. Do khu đất còn chìm ngập trong nước (hơn 1m), quý thầy phải trầm mình dưới nước để đốn tràm, dọn thực phủ để phát hoang mặt bằng. Tất cả đều quần quật làm việc dưới cái nắng như đổ lửa cộng them hơi phèn nóng bức. Chỉ một thời gian ngắn ai nấy đều đen nhẻm như hòn than! (Nhưng nụ cười vẫn luôn rạng rỡ trên môi.)

Tân Phước là huyện vùng xa thuộc tỉnh Tiền Giang được thành lập từ năm 1994. Do phần lớn diện tích nằm trên phần trũng của vùng Đồng Tháp Mười nên đất đai bị nhiễm phèn rất nặng, hàng năm có 6 tháng khô và 6 tháng nước. Đến mùa nước nổi thì chìm ngập mênh mông, chỉ di chuyển được bằng xuồng, ghe. Vùng đất hoang hóa nơi đây chỉ toàn là tràm dày đặc, mù mịt nên được mệnh danh là Tràm Mù. Nơi đây còn một khu vực rộng lớn cả hàng nghìn hecta được bảo tồn khá tốt với hệ thực vật điển hình như các loại cây tràm, cà na, bình bát, năn, bàng. Hệ động vật cũng rất phong phú với các loại chim như cò, le le, vịt trời , cá đồng, rắn, rùa, trăn ... Điều đặc biệt là khu vực sinh thái hoang sơ này chỉ cách đô thị lớn nhất nước (TP.HCM) chỉ khoảng hơn 90km.

Khu đất xây dựng Thiền Viện cách lộ Tràm Mù (tỉnh lộ ĐT867) hơn 500m, Thiền viện có 3 mặt (Tây, Nam, Bắc) giáp kênh, mặt phía Đông còn cách con kênh đào 300m, nên cũng xem như là một ốc đảo giữa đồng hoang. Do vậy, việc thi công con đường vào Thiền viện là việc làm cấp thiết trong lúc này. Trên đoạn đường này phải làm một cây cầu bê tông có tải trọng 13 tấn để bắc qua Kênh 500 (rộng 36m).

Do toàn bộ diện tích nằm trên phần trũng, thấp hơn mặt đường từ 2,5 - 3m, nước ngập mênh mông, vì vậy phải làm đê bao chung quanh cao 3,7m để bơm cát vào cho đến khi mặt bằng xây dựng cao hơn 3m. Với chiều dài 2200m, phải cần 109.890m3 đất để đắp, một khối lượng đất khổng lồ!

Khối lượng cát lấp cũng nhiều không kém, ước tính lượng cát để san lấp khu vực trọng yếu phục vụ cho lễ đặt đá và việc thi công xây dựng giai đoạn 1 (gồm tuyến đường từ lộ Tràm Mù vào đến cổng chính; 1 bãi đậu xe; khu Chánh điện tạm; khu vực làm lễ đài), vào khoảng hơn 100 ngàn mét khối. Bên cạnh đó, phải lắp đặt toàn bộ hệ thống điện, nước để phục vụ cho sinh hoạt và thi công công trình, xây dựng và lắp đặt các khu nhà tạm (bao gồm: Chánh Điện, thất Thầy Trụ Trì, Nhà Tăng, Trai Đường, Nhà ở cư sĩ Nam, Nhà Bếp, Nhà Kho, Nhà ở cư sĩ Nữ), khu nhà vệ sinh (40 cái). Toàn bộ các công tác này phải được thực hiện trong vòng 100 ngày!

Lực lượng chư Tăng chỉ vỏn vẹn 15 thầy, phải căng ra vừa chỉ đạo vừa trực tiếp làm cả ngày lẫn đêm. Thầy Trụ Trì thường xuyên có mặt để động viên, khuyến tấn chư tăng làm việc. Cũng trong thời gian này, tin vui từ Thường Chiếu lan đến, tạo thêm sức mạnh, niềm tin và sự phấn khởi cho tất cả mọi người, Hòa Thượng Tôn sư đã chính thức đặt tên cho Thiền viện là THIỀN VIỆN TRÚC LÂM CHÁNH GIÁC. Như được tiếp thêm năng lượng, tất cả đều nỗ lực tối đa để nhắm đến một mục đích : Phải hoàn thành mọi công tác trước ngày lễ đặt đá (Mùng 8 tháng 4 Nhâm Thìn)!

Đến sát ngày lễ đặt đá, chỉ còn hơn 10 ngày, một số nhà thầu đã bỏ cuộc, Thiền viện phải tự cáng đáng lấy. Lại thêm một phen nhọc nhằn! Sức người, sức của được huy động tối đa. Một số bộ phận công tác phải làm việc suốt đêm. Tuy nhiên, dẫu áp lực công việc căng thẳng như thế nhưng quý thầy vẫn luôn duy trì thời sám hối buổi chiều và tọa thiền buổi khuya (3g30 sáng).

Lễ đặt đá chỉ còn 3 ngày, nhưng lễ đài vẫn chưa dựng được vì cát nền chưa bơm đủ. Quý Thầy Thường Chiếu xuống chi viện để dựng lễ đài, tạm thời đi treo cờ và băng rôn! Mọi biện pháp “có thể” đều đem ra áp dụng, mọi sáng kiến lớn nhỏ đều được thực thi. Khẩu hiệu lúc này là DỨT KHOÁT – KIÊN QUYẾT hoàn thành cho xong, cho được tất cả các khâu chuẩn bị phục vụ lễ đặt đá theo kế hoạch đã đề ra.

Nhờ sự nỗ lực không mệt mỏi của tất cả mọi người, nhờ sự gia hộ của Tam Bảo, Long Thần, Hộ Pháp; đến khuya ngày mùng 7 tháng 4 (27/4/2012), chỉ cách buổi lễ đặt đá vẻn vẹn 6 tiếng đồng hồ, mọi công tác chuẩn bị đã hoàn thành. Tất cả mọi người tạm thời thở phào nhẹ nhõm. Đêm nay, mọi người được vài tiếng ngủ yên giấc để chuẩn bị cho sự kiện trọng đại ngày mai, một sự kiện mà bao nhiêu công sức, bao nhiêu nỗ lực, bao nhiêu gian nan đều cương quyết vượt qua để hoàn thành trong một thời gian kỷ lục.

banve tvtlchanhgiac2

[ Quay lại ]