headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 19/12/2024 - Ngày 19 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

  • Bài mới nhất

  • Bài đọc nhiều nhất

  • Lịch thuyết giảng

thanhtutoantap new3

LỜI CHỈ DẠY CỦA HÒA THƯỢNG ÂN SƯ MÙA AN CƯ NĂM 2014

LỜI CHỈ DẠY CỦA HÒA THƯỢNG ÂN SƯ MÙA AN CƯ NĂM 2014
 

Cùng tất cả Tăng Ni,

Mỗi năm trước mùa An cư kiết hạ, Tăng Ni về đây đảnh lễ cầu tôi chỉ dạy pháp yếu, quý vị nương theo đó tu học cho được kết quả tốt đẹp. Hôm nay tôi nhắc lại một số điều cần thiết, chư Tăng Ni nhớ ghi và hành trì, sao cho xứng đáng một mùa an cư có ý nghĩa.

Lâu nay chúng ta tu thiền, lấy kinh Bát-nhã làm nền tảng, tức là phải đạt được lý Không thì mới thấu được lý thiền. Phật dạy rất rõ ràng, chúng ta có thân tứ đại, thân bằng quyến thuộc, có nhà cửa, chùa chiền v.v... Tất cả những thứ đó đối với người hiểu sâu đạo lý đều là giả. Người thấu đáo tường tận lý Bát-nhã thì không thấy có một pháp thật ở giữa thế gian này.

Như vậy kinh Bát-nhã là bài kinh quan trọng và thông dụng trong Phật pháp. Đạo Phật là đạo giác ngộ, muốn giác ngộ phải có con mắt trí tuệ, mà Bát-nhã là trí tuệ. Chư vị Bồ-tát đã thấu suốt được lý Bát-nhã, nên lúc nào các ngài cũng vui vẻ dấn thân vào đời làm lợi ích chúng sanh, quên mình vì tha nhân. Chúng ta nguyện đi trên con đường Bồ-tát đạo, cần phải học theo gương hạnh của các ngài. Trước phải có trí tuệ thấy biết như thật, không nên cố chấp sai lầm, tự lợi cho mình sau mới nghĩ đến lợi tha.

Cho nên trong thời gian tu học ở thiền viện, quý vị phải cần mẫn siêng năng, học hỏi đạo lý, nuôi dưỡng đức hạnh, huân sâu chủng tử Bát-nhã. Người con Phật đầy đủ trí tuệ, đức độ mai kia mới có thể làm Phật sự, mở mang giáo hóa mọi người. Nếu ngày nay Tăng Ni không chịu tu học thì mai kia không làm được gì, thật đáng hổ thẹn. Như vậy là tự phí cuộc đời mình, lại làm tổn thương lòng kính tin Tam bảo của Phật tử. Tăng Ni nên ý thức mình đang vay nợ Phật tử, vì thế phải học phải tu cho xứng đáng, để sau này đền đáp lại công ơn của đàn na tín thí. Nếu tu học lơ mơ chẳng những cô phụ công ơn thầy tổ, cha mẹ, chư Phật tử, mà còn hủy cả cuộc đời của mình. Thật đáng trách!

Mỗi ngày quý vị phải cần kiệm thời gian tu học, không được để mất một giờ hay nửa giờ nào hết. Bởi vì mỗi giờ tu là mỗi giờ vàng ngọc, mỗi giờ làm Phật. Chúng ta nguyện sớm được giác ngộ giải thoát, ra khỏi biển khổ trầm luân, cứu độ chúng sanh thì lẽ đương nhiên phải tu cho đến nơi đến chốn. Vì thế việc tu hành là một trọng trách nặng nề, chứ không phải dễ dàng. Muốn giác ngộ phải ngồi thiền cho được định, định rồi mới có trí tuệ tỉnh sáng. Ngay đời này chúng ta cương quyết phải tỉnh phải giác. Đừng bao giờ nói tu gieo nhân để đời sau tu tiếp mà phải quyết tử đời này cho xong. Bởi vì có ai biết được đời sau có gặp Phật pháp nữa hay không? Cho nên mỗi vị phải cố gắng tận lực, không nên hẹn lần hẹn lữa qua ngày.

Tất cả Tăng Ni phát tâm xuất gia tu hành đều nuôi ý chí xuất trần. Tu để vượt thoát trần lao ra khỏi sanh tử thì tâm phải cương quyết như sắt đá, chứ không thể lôi thôi được. Xuất trần nói đủ là xuất trần thượng sĩ, tức là bậc thượng sĩ ra khỏi trần lao. Cho nên phải mạnh dạn dẹp bỏ hết thói hư tật xấu. Những gì ương yếu phải hăng hái làm cho mạnh mẽ lên, như vậy sự tu mới có kết quả tốt. Đừng để thói quen yếu đuối làm lui sụt, dù cảnh duyên bên ngoài dễ hay khó cũng phải giữ tâm không thối chuyển thì mới thực hiện được ý chí xuất trần. Cho nên tất cả phải cố gắng tu đến nơi đến chốn, không nên lừng chừng làm mất bản nguyện xuất trần của mình.

Mong chư Tăng Ni nhớ lời tôi nhắc nhở mà nỗ lực trong ba tháng an cư. Đừng bê trễ, đừng để một đời qua suông, không có kết quả gì. Làm sao mỗi năm tu mỗi tiến, càng tu càng vui tươi, an ổn, thảnh thơi. Nếu càng tu càng buồn là tu không đúng hoặc chưa biết tu. Chúng ta siêng năng tinh tấn vâng lời Phật dạy, sống với trí tuệ Bát-nhã, xa lìa vọng tưởng đảo điên, nhận được ông chủ của chính mình. Vậy mới xứng đáng là đệ tử Phật, xứng đáng là người tăng sĩ mang tâm nguyện tự lợi, lợi tha viên mãn.

Mùa An Cư 2014 - PL 2558


 

[ Quay lại ]