headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 24/12/2024 - Ngày 24 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Lễ tưởng niệm lần thứ 710 ngày Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn.

hinh00Sáng ngày mùng 01 tháng 11 Mậu Tuất (07/12/2018) tại Tổ Đình Thiền Viện Thường Chiếu. Bam trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai phối hợp với Ban quản trị Thiền Phái Trúc Lâm - Việt Nam, thành kính, trang nghiêm tổ chức ĐẠI LỄ TƯỞNG NIỆM LẦN THỨ 710 (01/11/Mậu Thân (1308)-01/11/Mậu Tuất (2018) ngày Đức Vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn. Người sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử Việt Nam.

 Quang lâm và chứng minh buổi lễ có Hòa Thượng thượng Thanh hạ Từ Tông chủ Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam;  HT.Thích Nhật Quang - UVTT HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh; TT.Thích Huệ Khai - UV HĐTS, Phó ban Thường trực BTS tỉnh, TT. Thích Bửu Chánh - Phó BTS kiêm Chánh Thư ký BTS tỉnh cùng chư tôn đức BTS GHPGVN tỉnh Đồng Nai; NT.Thích nữ Huệ Hương - UV HĐTS, Phó BTS kiêm Trưởng Phân ban Ni giới tỉnh, NT. Thích nữ Như Tịnh – Phó Phân ban Ni giới tỉnh; chư tôn đức Thường trực BTS, thành viên Ban Quản trị Thiền phái Trúc Lâm, BTS các địa phương trong tỉnh và Tăng Ni, Phật tử và đại diện chánh quyền trong tỉnh về tham dự.

Để biết rõ hơn về cuộc đời và sự nghiệp của đức vua Trần Nhân Tông, HT. Thích Minh Ngạn cung tuyên tiểu sử Đức Phật Hoàng - Trần Nhân Tông, theo đó," Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông, tên húy là Trần Khâm, sinh ngày 07/12/1258 (11/11/Mậu Ngọ), con trưởng của Vua Trần Thánh Tông và Hoàng Thái hậu Nguyên Thánh, Ngài được lập làm Đông cung Thái tử và kết duyên cùng công chúa Quyên Thánh, trưởng nữ Hưng Đạo Đại Vương. Vua Trần Thánh Tông đã mời các bậc lão thông Nho giáo, Tứ thư, Ngũ kinh để dạy cho Ngài như Lê Phụ Trần, Nguyễn Thánh Huấn, Nguyễn Sĩ Cố v.v… tất cả đều hết lòng dạy dỗ. Ngài học đạo với Tuệ Trung Thượng Sĩ, được Thượng Sĩ hết lòng hướng dẫn và trao đổi những yếu nghĩa Thiền tông. Ngài tâm đắc nhất là câu: “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc” (Quan sát lại chính mình đó là bổn phận, không do người khác làm được) và tôn thờ Tuệ Trung Thượng Sĩ làm Thầy. Ngài thường tới lui chùa Tư Phúc trong kinh thành để tụng kinh, tọa thiền, lễ bái Tam bảo. Năm 21 tuổi (1279), Ngài được Trần Thánh Tông truyền ngôi, trị vì thiên hạ Đại Việt, lấy đức trị vì, dân chúng an cư lạc nghiệp, lấy niên hiệu là Thiệu Bảo. Năm 41 tuổi (1293), Ngài nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông lên làm Thái Thượng Hoàng. Sau khi chinh phạt Ai Lao, Ngài trở về Hành cung Vũ Lâm – Ninh Bình, cầu Quốc sư Huệ Tuệ làm lễ Xuất gia, tập sự tu hành tại đây một thời gian. Năm 1299. Ngài quyết tâm trở lại thăm Kinh sư lần cuối, rồi đi thẳng lên núi Yên Tử - Quảng Ninh quyết chí tu hành, tham thiền nhập định, lấy tên là “Hương Vân Đại Đầu Đà” và độ Đồng Kiên Cương làm đệ tử và ban pháp hiệu là Pháp Loa. Năm 1304, Ngài chống gậy trúc dạo đi khắp nước Đại Việt, khuyến khích muôn dân giữ năm giới, tu hành Thập thiện, dẹp bỏ những nơi thờ cúng không đúng Chính pháp, loại bỏ những điều mê tín dị đoan v.v… Năm 1307, Ngài truyền Y Bát lại cho Tôn giả Pháp Loa, lên làm Sơ Tổ Trúc Lâm và Pháp Loa là Tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm.

Trước khi nhập diệt, Ngài đã để lại bài kệ Pháp Thân Thường Trụ qua sự trả lời cho thị giả hầu cận bên Ngài là Bảo Sát: “Tất cả pháp không sanh. Tất cả pháp không diệt. Ai hiểu được như vầy. Thì chư Phật hiện tiền. Nào có đến có đi” (Nhất thiết pháp bất sanh. Nhất thiết pháp bất diệt. Nhược năng như thị giải. Chư Phật thường tại tiền. Hà khứ lai chi hữu).

Ngài xả báo an tường, thâu thần thị tịch ngày 01/11/Mậu Thân (1308). Thọ thế 51 năm tại am Ngọa Vân – Đông Triều – Quảng Ninh. Vua Trần Anh Tông cung thỉnh nhục thân Ngài về kinh đô Thăng Long cử hành Quốc tang trong thời gian hai tuần. Sau đó, Vua quan, quần thần, văn võ bá quan, đệ tử Pháp Loa, Bảo Sát và chúng Tăng trong nước cử hành Lễ Trà tỳ."

TT.Thích Huệ Khai đã dâng lời tưởng niệm Phật hoàng, bày tỏ: “Công đức hoằng dương Phật pháp của Tổ Sư sau khi ngộ đạo, Điều ngự Giác Hoàng, Vua Phật trần gian, trăm hoa đua nở, ngàn cỏ hương thơm, chín nước, mười mây vang rền tiếng Pháp, chống gậy trúc dạo chơi thiên hạ, nâng gót hài đại địa vững bền. Quả thực: “Rừng thiền Tùng Trúc còn in bóng. Xào xạc canh thâu tiếng Pháp mầu”

Thay mặt BTS GHPGVN tỉnh Đồng Nai, HT. Thích Nhật Quang dâng lời cảm niệm lên Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông.  “Trong giờ phút thiêng liêng này, Yên Tử sơn của hơn 700 năm về trước như tái hiện lại trong lòng Tăng Ni tứ chúng Việt Nam. Hình ảnh, đạo phong, công đức, trí tuệ và lòng từ mẫn vô lượng của Tổ sư cứ lấp lánh, rung động trong lòng mỗi chúng con. Toàn thể tăng sĩ Việt Nam, dân tộc Việt Nam, thành kính đê đầu đảnh lễ tưởng niệm ân đức cao vời của Tổ, nguyện đời đời noi gương và theo dấu chân Ngài tu hành cho tới ngày thành Phật đạo.

Cuộc đời và công hạnh của Ngài, một bậc đế vương mang trái tim Bồ Tát đi vào đời, trải thân vì nước vì dân, vì lợi ích đạo pháp và tha nhân, đã được lịch sử cũng như cả dân tộc ca ngợi hơn bảy thế kỷ qua. Nơi đây chúng con chỉ xin được làm một đứa con đứa cháu trong nhà thiền, quây quần dưới chân Tổ, tưởng niệm lại những gì đã được Tổ đinh ninh chỉ dạy, theo cương lĩnh thiền phái Trúc Lâm, để cùng nhau sách tấn tu hành, góp sức phụng sự giáo hội và đất nước quê hương, xứng đáng là con cháu dòng thiền Trúc Lâm, như hoài bão tha thiết mà Tổ hằng mong đợi nơi chúng con: Cố gắng tu hành, chớ xem thường việc sanh tử.”

TT.Thích Thông Hạnh thay mặt ban tổ chức đọc lời cảm tạ kết thức buổi ĐẠI LỄ TƯỞNG NIỆM LẦN THỨ 710 (01/11/Mậu Thân (1308)-01/11/Mậu Tuất (2018) ngày Đức Vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn.

Dù thời gian có đi qua hơn 700 năm, dù thế gian có vô thường, vạn vật đã đổi thay biến dịch, song công đức và đạo nghiệp của Tổ sư vẫn còn sáng ngời trong trang sử vàng son của dân tộc, của Phật giáo Việt Nam. Đúng như lời như Tổ sư đã dạy: ‘Tất cả pháp không sinh/ Tất cả pháp không diệt/ Ai hiểu được nghĩa này/ Thì chư Phật hiện tiền/ Nào có đến có đi  '.

Buổi lễ đã khép lại trong sự cung kính, dâng hương tưởng niệm Đức vua Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn, Chư tôn đức đồng chí tâm đảnh lễ niệm danh hiệu Sơ Tổ Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử, Điều Ngự Giác Hoàng Tổ Phật.

Một số hình ảnh buổi lễ

(theo Ban TTTT PG ĐN)

Một số hình ảnh buổi ĐẠI LỄ TƯỞNG NIỆM LẦN THỨ 710 (01/11/Mậu Thân (1308)-01/11/Mậu Tuất  (2018) ngày Đức Vua Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn tại Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử - Quảng Ninh

[ Quay lại ]