headertvtc new


   Hôm nay Thứ hai, 23/12/2024 - Ngày 23 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

  • Bài mới nhất

  • Bài đọc nhiều nhất

  • Lịch thuyết giảng

thanhtutoantap new3

ĐỨC KIÊN CHÍ

TỔ SƯ NÓI VỀ ĐỨC KIÊN CHÍ

Lễ húy kỵ Tổ sư lần thứ 43 - 2016

***

suphuNam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni.

Cung kính ngưỡng bạch Giác linh Tổ sư,

Cung kính ngưỡng bạch Hòa thượng Ân sư,

Kính bạch chư tôn thiền đức Tăng Ni,

Thưa toàn thể đạo tràng Phật tử,

Hôm nay Lễ Giỗ Tổ lần thứ 43, để tưởng nhớ đến thâm ân giáo dưỡng và công đức huấn dục của Tổ sư, hàng pháp tử pháp tôn chúng con trích bài giảng Tổ sư nói về đức Kiên Chí, kính nguyện Giác linh Tổ sư từ bi phủ giám.

Kiên chí là tính bền bỉ, dẻo dai, quyết tâm đeo đuổi cho đến cùng chí nguyện mục đích mà mình đã vạch sẵn. Kiên chí khác với tinh tấn. Tinh tấn là sự nỗ lực tiến tới, là sự cố gắng, ra sức làm việc. Nó có nghĩa như chữ cần của bên Nho. Kiên chí có hàm nghĩa tiếp tục luôn luôn, đều đều, dù gặp bao nhiêu trở ngại, khó khăn đến đâu cũng không thối chuyển, bền chí làm cho thành tựu công việc. Nó có nghĩa như chữ chuyên bên Nho. Kiên chí rất cần thiết cho sự tu hành, như tinh tấn, có nhiều khi lại quan trọng hơn cả tinh tấn nữa. Nho có câu: “Cần bất như chuyên”.

Tính chất của kiên chí là sự dẻo dai, bền bỉ. Nó khiến người ta bám sát vào công việc không biết mệt, không biết chán, không sợ gian khổ, không lao lung trước một trở ngại nào cả. Nó chỉ thấy mục đích cần tiến tới, không thấy gì ở chung quanh, không theo cái sau bỏ cái trước, không bỏ dở công việc nửa chừng. Nó đi dần, đi dần, không vội vã, nhưng cũng không bao giờ trì hoãn. Như con tằm ăn lá dâu, mỗi khi một ít mà bao nhiêu thúng lá dâu đều tiêu hết; như nước, mỗi khi một giọt, mà đá cũng phải thủng. Sức mạnh của nó chính là ở sự liên tục, bền bỉ.

Kiên chí là một điều kiện tất yếu để thành công. Công việc càng lớn lao thì kiên chí lại càng phải có nhiều. Không có công việc nào lớn hơn công việc Phật hóa. Công việc này đòi hỏi bao nhiêu đời kiếp, bao nhiêu gian lao để chiến thắng ma vương. Nó phải vượt qua bao nhiêu trở ngại khó khăn. Vì những lẽ ấy, kiên chí luôn luôn phải sẵn sàng ứng phó với mọi trường hợp, để động viên tinh thần, đuổi xa mọi chán nản, nghi ngờ bi quan. Nó như một vị lương y giỏi, có thể đuổi xa mọi bệnh hoạn, giữ cho thân chủ của mình luôn luôn được tráng kiện, đủ sức lực để tiến hành mọi công việc ở đời. Không có kiên chí thì mọi công tác sẽ bị bỏ dở nửa chừng, và tài năng đều trở thành vô dụng.

Đức Phật Thích Ca sở dĩ được gọi là đấng Đại hùng, Đại lực, vì ngài đã thắng được bao nhiêu trở lực trên đường đi đến địa vị Phật. Mà những trở lực ấy nào phải ít ỏi gì! Chúng rộng lớn như trời như bể; vượt qua được chúng còn ngàn lần khó khăn hơn vượt Hy Mã Lạp Sơn. Thế mà, ngài vẫn bền tâm chiến đấu, vững lòng chịu đựng, dẻo dai tiến lên, không một chút thối chí, nản lòng. Trên đường ngài đi chỉ có những bước tiến tới, không có một bước trở lùi.

Khi còn ở trong cung điện, phải chiến đấu chống những tập quán xấu xa, mục nát, trụy lạc, những dây nhợ rắn chắc của tình yêu ích kỷ gia đình; khi ra đi, phải chiến đấu chống thiên nhiên hiểm độc, chống si mê dày đặc tối tăm của cõi đời; sau khi thành đạo, phải chiến đấu chống những mưu mô thâm độc, những oán ghét căm thù của bao nhiêu ngoại đạo đầy dẫy đang hoành hành ở xứ Ấn Độ lúc bấy giờ. Trước bao nhiêu trở ngại ấy, ngài đã không một chút sờn lòng, nản chí, ngài cương quyết thực hiện cho đến cùng chí nguyện lớn lao của mình là tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn.

Gương kiên chí vững bền vĩ đại ấy thật đáng cho muôn đời soi chung, nhất là đối với những người con Phật như chúng ta.

Là Phật tử, chúng ta phải nuôi dưỡng rèn luyện đức kiên chí như thế nào trong đời sống hàng ngày? Như chúng ta đã biết, tập làm người đã là khó, tập làm Phật lại càng muôn lần khó hơn. Công việc khó khăn ấy đòi hỏi một đức kiên chí hết sức lớn lao. Thiếu đức tính ấy, chắc chắn chúng ta không bao giờ đi đến kết quả. Vì thế, trong mọi công việc hằng ngày dù nhỏ nhặt bao nhiêu, chúng ta cũng phải luyện tập sự chịu đựng bền bỉ. Kiên chí như là một sợi dây để xâu những hạt ngọc làm thành chuỗi. Sợi dây không quý bằng hạt ngọc, nhưng không có nó những hạt ngọc rời dù quý bao nhiêu cũng không thành chuỗi được.

Ta đừng bao giờ vội vã, hấp tấp, sốt ruột. Cứ tuần tự mà tiến. Chạy mau sẽ ngã đau; vội vã sẽ vấp váp đổ vỡ; sốt ruột sẽ làm hư việc, mất công. Nên nhớ luôn luôn rằng cuộc đời không toàn thiện. Muốn có một kết quả hoàn thiện, tất phải trải qua những cái xấu xa vây bọc, cản đường. Nếu chúng ta thiếu bình tĩnh, thiếu nhẫn nại, thiếu kiên tâm, ta sẽ hất đổ tất cả, và hất đổ luôn cả công việc quý báu ta đang làm chưa xong.

Một phút chán nản, chúng ta mất bình tĩnh mà đại cuộc trở thành tro bụi, và suốt đời phải sống trong ân hận. Người nuôi dưỡng, luyện tính kiên nhẫn như kẻ trèo thang cao, phải cẩn thận từng cử chỉ tay nắm, chân bước. Hễ sẩy chân, sút tay là nguy hiểm đến tính mạng; hễ dừng lại nửa chừng là bao nhiêu nấc thang mình đã bước thành vô nghĩa, vì mục tiêu không đạt đến.

Chúng ta đừng tưởng rằng khi mình làm việc thiện, việc tốt thì mọi người sẽ hoan hô, tán thành mình. Không đâu! Trái lại, có nhiều khi mình còn bị người đời tấn công nhiều hơn nữa. Càng đi đến gần thành công chừng nào, thì trở ngại lại càng nhiều thêm chừng ấy. Tục ngữ ta có câu: “Càng cao danh vọng, càng dầy gian nan”. Trong kinh Phật cũng thường dạy: “Phật cao một thước, ma cao một trượng”. Công việc tu hành của chúng ta cũng như một cuộc chạy đua có trở ngại: Càng đến gần mức, trở ngại càng nhiều, rào càng cao, hố càng hiểm.

Vậy cho nên, hành giả càng bước dài trên đường đạo, càng thu lượm nhiều kết quả, lại càng thận trọng, lo toan, càng động viên thêm nhiều nghị lực, sức chịu đựng bền bỉ, trường kỳ. Ta cố gắng rèn luyện nuôi dưỡng thế nào tính kiên chí của ta cứng chắc như sức thép, vững vàng như bàn thạch, không chút nao núng trước mọi nỗi thử thách, gian nguy, ta làm được như thế thì dù con đường đi đến quả vị Phật có gian lao, hiểm trở, xa xôi bao nhiêu cũng có ngày ta đặt chân đến được.

“Ở đời chẳng có việc gì khó
Người ta lập chí phải nên kiên.”
***

[ Quay lại ]