NHỮNG NÉT CƠ BẢN CỦA THIỀN TÔNG VN THỜI TRẦN
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ ba, 21 Tháng mười 2008 11:20
- Viết bởi nguyen
- Thích Pháp Tạng -
Nói đến tinh thần Thiền tông là nói đến tinh thần vô chấp, buông xả mọi vọng niệm, dứt trừ mọi suy tưởng. Điểm cao của Thiền là dám khẳng định chính mình, quay lại chính mình, trực nhận bộ mặt thật chính mình, chỉ thẳng vào vấn đề mà không bị lệ thuộc vào bất cứ một thứ gì, đứng ngoài kinh giáo, không mượn văn tự để nói rõ thực tại chỉ dùng phương pháp thực tu,thực chứng để đi vào chân lý thực tại.
Đó gọi là “giáo ngoại biệt truyền”. Trên cơ sở so sánh với Như Lai Thiền hay Thiền Nguyên Thuỷ của các nhà Phật học nghiên cứu về Phật giáo gọi hình thức Thiền phát triển này là Tổ Sư Thiền. Theo Thiền Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, thiền giả có tinh thần không chấp trước, không gán ghép cho thực tướng của các pháp với một thuộc tính nào, cảnh giới của Thiền vượt ngoài ngôn ngữ và văn tự, tư duy và khái niệm. Còn Thiền học của Phái Vô Ngôn Thông là đạt đến cảnh giới vô niệm, một cảnh giới nội tâm hoàn toàn vắng lặng, dứt hết mọi suy nghĩ, những xáo trộn của tâm thức đều được dập tắt; khi ấy, trí tuệ vốn có của con người bừng sáng, và hiển lộ rõ ràng ngay hiện tiền. Đó chính là sự giác ngộ và đạt đến cảnh giới an lạc, Niết bàn tự tâm.
Có thể nói, trên tư tưởng về Thiền tông, Thiền giả sáng mắt Ma Phật đều đánh, ngay một niệm thấy tự thể vô sanh, khắp cả mười phương thế giới thảy đều huyễn hoá, không có chừng một điểm mây có thể dừng trụ; tức mê cũng niệm này, ngộ cũng niệm này, xưa nay chưa từng sanh diệt. Trong kinh Kim Cang có nói: “Trong mười phương quốc độ bao nhiêu chúng sanh có bao nhiêu thứ tâm Như Lai thảy đều biết hết. Vì cớ sao? Như Lai nói các tâm đều không phải tâm, ấy gọi là tâm. Vì cớ sao? Này Tu Bồ Đề! Tâm quá khứ không thể được, tâm hiện tại không thể được, tâm vị lai không thể được.” Dù chúng sanh có bao nhiêu tâm đi nữa cũng biết rõ rằng chỉ có một tâm: “tâm hư vọng”, đều không thể qua mắt Như Lai, vì thế chúng ta cũng đừng xem đó là điều lạ.
Ngài Lâm Tế nói có vẻ thiền vị hơn: “Giả như có ngàn Văn Thù, Phổ Hiền xuất hiện ngay trước mắt, mỗi vị đều hiện mỗi thân khác nhau đến hỏi pháp, vừa nói: Thưa Hoà Thượng! Ta liền hiểu rồi. Lão Tăng vừa ngồi yên, lúc đó có huynh đệ nào đến trình kiến giải, ta đều rõ biết. Tại sao thế? Tại vì chỗ thấy của ta rất khác biệt ‘ngoài không giữ Phàm Thánh, trong chẳng trụ căn bản’. Thấy suốt không có nghi lầm”. Hay kinh Lăng Nghiêm lại nói: “Thanh tịnh bản nhiên thoạt sanh sơn hà đại địa”. Đối trước muôn vật mà tâm chưa khởi phân biệt thì cây vẫn là cây, núi vẫn là núi, đâu đâu cũng là một thể nhất như. Nhưng chợt vừa khởi một niệm đây là cây, kia là núi thì liền đó cao thấp đã sanh, tâm cảnh rối bời, lớp lớp phủ che như trời mây u ám.
Nên hiểu rằng, chân lý không ở đâu xa, nó luôn hiện hữu ngay tại đây và bây giờ, ở nơi mỗi con người. Nhưng, chân lý ấy chỉ có thể cho những ai thực tu và cảm nhận chính mình, chứ không phải chỉ nắm bắt một chân lý suông hay một ngôn từ triết lý nào, cũng không phải qua sách vở hay một ý thức hệ nào, nó luôn là thực tại, không có bao hàm ý nghĩa của thời gian nhanh hay chậm, mà nó luôn ẩn chứa trong mỗi con người, như Thiền sư Thường Chiếu (?- 1203) đã nói:
“Đạo bản vô nhan sắc
Tân tiên nhật nhật khoa,
Đại thiên sa giới ngoại,
Hà xứ bất vi gia?”.
(Đạo vốn không nhan sắc,
Mà ngày càng gấm hoa,
Trong ba ngàn cõi ấy,
Đâu chẳng phải là nhà.) (1)
Với xu thế hướng nội để tìm chân lý tối thượng, có thể nói đây là một trí tuệ sáng suốt trong Phật giáo đời Trần, mà đỉnh cao là Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử, nổi bật hơn hết là Tổ sư Trúc Lâm. Nhưng trong tinh thần cũng như trên thực tế tu tập và về sự truyền thừa lịch sử, Trúc Lâm phải được coi là một Thiền phái đứng ngoài Thiền tông Trung Hoa. Tất cả những ý nghĩa này có thể tóm tắt trong mấy dòng thơ sau đây:
“Bụt truyền từ cổ đến Kim (câm)
Ai tin thì được ấn tâm thật thà,
Xem Thánh Đăng Lục giảng ra,
Khêu đèn Phật tổ sáng loà tam thiên
Việt Nam thẳng cánh Hoa Yên,
Sát tiêu Cực lạc Tây thiên những là
Vĩnh trấn cửu phẩm Di Đà
Phần hương chúc Thánh quốc gia thọ trường” (2)
Đoạn thơ này, cho chúng ta biết ít nhất là hai đặc sắc của Thiền phái Trúc Lâm. Nét thứ nhất Trúc Lâm vẫn xứng danh là một Thiền Phái chính thống, sự truyền thừa tâm ấn được khởi từ Đức Phật Thích Ca, rồi như ngọn đèn được khêu sáng qua nhiều thế hệ, cho đến Việt Nam. Đó là ý nghĩa truyền thừa căn bản theo quan niệm Thiền tông chính thống Trung Hoa. Nét đặc sắc khác, liên hệ đến đường lối hành trì. Ở đây, người ta thấy Trúc Lâm đã không đặt nặng về sự thực hành công án để đốn ngộ giáo lý như Thiền tông Trung Hoa. Thiền tông Trung Hoa kể từ nhà Minh trở về sau đã có sự thực hành công án bằng niệm Phật. Theo đó, niệm Phật cũng có thể là phương tiện đốn ngộ.
Trong khi đó tác giả của “Thiền Tông Bản Hạnh” lại nói đến lý vãng sanh, mà các bậc thành tựu là chín phẩm sen vàng nơi cõi Cực Lạc. Nói một cách khác, phương tiện hành trì của Trúc Lâm nghiên nặng về lý vãng sanh hơn là sự vãng sanh, lý tịnh độ hơn là sự tịnh độ. Động cơ hay bôí cảnh của phương pháp này, như đoạn thơ đã trích dẫn nói rõ: “Phần hương chúc Thánh quốc gia thọ trường”. Thế thì Thiền phái Trúc Lâm mang màu sắc quốc gia khá rõ nét và đây cũng không là điều khó hiểu, khi chúng ta biết rằng, tất cả những vị khai sáng ra dòng Thiền đều là những người có trách nhiệm trực tiếp với sự tồn vong của quốc gia, dân tộc Đại Việt thời ấy.
Trong hai nét đặc sắc vừa kể trên, nét thứ nhất xác định với chúng ta rằng Trúc Lâm đích thực là Thiền Phái Trúc Lâm mang đậm sắc thái Thiền tông Việt Nam. Nét thứ hai là dành cho Trúc Lâm một vị trí địa dư và lịch sử trong truyền thống dân tộc. “Ngoài những tôn chỉ chung:
- Phá chấp: cởi bỏ sự vướng mắc và câu chấp, phân biệt nhị nguyên.
- Đốn ngộ: “Kiến tánh” bằng con đường trực giác, ngay tức khắc.
- Tâm truyền: “Trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”.
Song Thiền tông Việt Nam thời Trần còn có những số nét riêng:
- Thiền được đưa vào đời sống, phục vụ đất nước và nhân dân (nhiều Thiền sư chọn lối sống cư sĩ, khi đất nước cần thì tham chính, đánh giặc, vừa làm việc đời, vừa làm việc đạo), tu dưỡng nhân cách con người (an nhiên tự tại, vô cầu vô ngại, vui sống tự tin với bản thân).
- Thiền dung hợp với phía tích cực của Nho và Lão để giúp con người phát triển toàn diện, phù hợp với con người và đất nước. Thiền dung hợp với tịnh độ, mật tông và các tín ngưỡng dân gian bản địa để phù hợp thực tiễn và mang tính đại chúng”. (3)
Điểm nổi bật hơn hết là sau khi Trần Nhân Tông xuất gia tu Phật, đã đổi tên thành Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, chắc chắn việc đổi tên này không phải là ngẫu hứng, rõ ràng vua Trần Nhân Tông muốn khai sáng một cái gì mới cho đạo Phật Việt Nam. Trên cơ sở kế thừa tư tưởng Thiền Trần Thái Tông và Tuệ Trung Thượng Sĩ, Trần Nhân Tông đã tìm thấy trong đạo Phật những yếu tố tích cực có thể tăng cường sự đoàn kết dân tộc và đặc biệt củng cố nền “đạo đức xã hội”. Là một vị anh hùng lãnh đạo thành công hai cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, cũng là sơ tổ của Thiền phái Trúc Lâm, hẳn nhiên Trần Nhân Tông luôn trang bị cho mình một tư tưởng “thiền biện tâm”. Cho nên, Ngài luôn sống hồn nhiên và tự tại, sống giữa đời mà vẫn vui với đạo, tuy ở ngôi vị cao nhất của xã hội nhưng Ngài không hề hối tiếc, buông xả tất cả những gì mình có, để đi tìm một cuộc sống bình thường nhất. Mặc dù có địa vị vinh quang như thế, nhưng Ngài không hề dính mắc một sắc danh nào. “Thượng Hoàng Trần Nhân Tông, Ngài đã vươn lên trong khoảng đời khó vươn lên nhất, thắp sáng hiện hữu, bừng dậy một sức sống cho mình cùng tha nhân:
“Nửa gian lều quý hơn nửa thiên cung
Ba phiến ngói yêu hơn lầu gác”.
Đã thế có gì ngần ngại biến chốn kinh thành núi rừng muôn thuở, an nhiên tự tại, giải thoát hoàn toàn.” (4)
Ngài đã dõng dạc bước vào cuộc đời đầy giản dị, đạm bạc không gia đình, vui với suối rừng, chim thú và hoa cỏ thiên nhiên. Ngài đã để lại tấm gương cho hậu thế soi chung về một nhân cách mẫu mực dung hòa, với nếp sống ở đời vui đạo, qua bài
Cư Trần Lạc Đạo Phú:
"Cư trần lạc đạo thả tuỳ duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên,
Gia trung hữu bảo hưu tầm mích
Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền”.
Ngài đã chỉ cho chúng ta thấy được chân lý của đạo không ở đâu xa lạ, và chúng ta cũng không trốn chạy bởi một thế giới hiện hữu đầy ô trược kia, vì đạo và đời tuy hai phạm trù nhưng cốt tuỷ chỉ là một mà thôi, đều trên một lý tánh bình đẳng, nhất như. Điểm dừng chân của Ngài là chỉ cho chúng ta thấy rõ được con người thật của chính mình, cũng chính là bộ mặt thật xưa nay của mỗi con người. Nhận thức được “bản lai diện mục” và sự thật đang hiện hữu thì không phải nhọc nhằn hay bôn ba đi tìm một chân lý xa vời nào, mà nó luôn hiện hữu nơi đây và bây giờ:
“Bụt ở trong (cong) nhà
Chẳng phải tìm xa,
Nhân khuấy bản (quên gốc) nên ta tìm Bụt,
Đến cốc hay, chính (chỉn) Bụt là ta."
Con người Phật mà Thiền phái Trúc Lâm quan niệm, đó là con người không tham, sân, si; là con người sống cao đẹp, hết mình vì dân, vì nước. Đó là ý nghĩa đích thực của nhân sinh, là lời giải đáp cho câu hỏi muôn thuở con người vì sao có mặt trên thế gian này? Nhưng dù sao, một tuyên bố như thế, phát ra từ một Thiền sư lỗi lạc, đã từng lãnh đạo hai cuộc kháng chiến và thành công của quân và dân nhà Trần chống quân xâm lược Nguyên Mông, một tuyên bố như thế đã khích lệ hàng ngàn, hàng triệu những người con Phật Việt Nam vượt lên trên những ham muốn thế tục tầm thường, phấn đấu không ngừng để thành tựu một lý tưởng cao cả nhất, đó là giải thoát an lạc tự tâm, đưa đến con đường thành Phật.
Và chính những phát ngôn này là tinh tuý, cốt lõi của tư tưởng Thiền học mà chỉ có ở Trần Nhân Tông, một tư tưởng “Phật tại tâm” thật sự lạc quan, một tư tưởng cơ bản xuyên suốt lịch sử Phật giáo Việt Nam, chứ không phải là riêng có, đây chính là nhân cách đạo đức của nhà Trần. Tư tưởng Thiền Trần Nhân Tông hay Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là một dòng Thiền thuần Việt ở Việt Nam, mà Nhân Tông là vị tổ đầu tiên khai sáng Thiền phái này. Có thể nói, dòng Thiền Trúc Lâm cũng chịu ảnh hưởng ít nhiều từ ba dòng Thiền trên, đồng thời phần nào cũng chịu ảnh hưởng của Thiền tông Ấn – Hoa.
Qua những nhận định trên, chúng ta có thể thấy được những nét cơ bản đặc sắc của Thiền tông Việt Nam từ thời đại nhà Trần nói chung và Điều Ngự Giác Hoàng nói riêng có những điểm sau:
Chân lý đó là Phật tánh, là bản giác, bản minh. Nói cách khác là khả năng thành Phật của con người đều có sẵn trong mỗi chúng ta. Phật chính là mình, tức là trong mỗi người đều có Phật tánh, có sẵn một vị Phật. Như lời nhân gian thường nói: “Phật trong nhà không cầu, đi cầu Thích Ca ngoài đường”. Điểm này chuẩn bị cho con người một niềm tin mạnh mẽ và đầy trí tuệ vào khả năng, tiềm lực của bản thân để đối chọi với thế lực bên ngoài. Chân lý ấy được diễn đạt như:
“Người đã chứng ngộ chân lý, Niết bàn, là người hạnh phúc nhất trần gian. Người ấy thoát khỏi mọi “mặc cảm”và ám ảnh, mọi phiền não và âu lo làm cho người khác điêu đứng. Sức khoẻ tinh thần của người ấy hoàn toàn. Họ không hối tiếc quá khứ, cũng không mơ mộng về tương lai, họ sống hoàn toàn hiện tại. Bởi thế họ thưởng thức và vui hưởng sự vật một cách thuần tuý, không có dự phòng. Họ vui vẻ, hoan hỷ, thưởng thức sự sống thuần khiết, các giác quan đều khinh an, không còn lo lắng, bình an và thanh thoát. Vì họ thoát khỏi dục vọng ích kỷ, hận thù, vô minh, kiêu căng, ngã mạn và tất cả mọi thứ “bất tịnh” xấu xa ấy. Họ trong sạch từ hoà, đầy lòng thương bao quát, từ bi, tử tế, thiện cảm, thông cảm và khoan dung. Họ phục vụ kẻ khác một cách trong sạch nhất, vì không còn nghĩ về mình. Họ không kiếm chác gì, tích chứa gì, ngay cả những gì thuộc về tâm linh, bởi vì họ đã thoát khỏi ảo tưởng về ngã và lòng khao khát trở thành.”(5)
Thiền tông Việt Nam thời Trần hay Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử là xây dựng nên những con người như vậy, những con người dám sống với thực tại của chính mình, nhìn đúng sự thật với cái nhìn chánh kiến và trí tuệ. Họ là những con người đi vào đời nhưng không bị đời làm câu nệ, luôn là những con người bình đẳng cũng như trong cuộc sống mọi người đều bình đẳng. Đây cũng chính là lý do vì sao đạo Phật chủ trương tìm cầu chân lý không hướng ra bên ngoài mà hướng về nội tâm của mình. Tất cả những lời dạy của Phật, ba tạng giáo điển cũng chỉ là phương tiện để giúp cho người nhận chân được mình là Phật. Trong kinh “Ví Dụ Con Rắn” (Trung Bộ Kinh thuộc Kinh Tạng Nam Tông và Kinh Kim Cang thuộc Bắc Tông) Đức Phật cảnh cáo học trò của mình rằng Phật pháp ví như chiếc bè, dùng để qua sông (sinh tử) chứ Phật pháp không phải là chân lý cứu cánh để cho con người cố chấp và vướng mắc. Đúng như vậy, Phật pháp cũng chỉ là phương tiện chứ không phải là mục đích để cho tín đồ nắm giữ một cách mù quáng và cuồng tín. Trong truyền thống Phật giáo Việt Nam cũng như Phật giáo ở các nước khác trên thế giới, không có bạo lực tôn giáo, bởi lẽ bạo lực tôn giáo hay chiến tranh tôn giáo đều trái ngược với lòng từ, lòng bi, với tư tưởng bất hoại (ahimsa) và bất bạo động của đạo Phật. Tinh thần của đạo Phật là tinh thần bao dung, đoàn kết, tạo cơ sở cho sự đoàn kết của toàn dân. Đạo Phật không chủ trương bảo thủ, vì đây là đầu mối của sự tranh chấp. Trái lại đạo Phật nói Phật ở trong lòng, mầm giác ngộ tức là Phật tánh vốn sẵn có trong tất cả mọi người. Thậm chí, chùa cũng không phải là chùa của sư sãi, mà là chùa của làng, của tất cả mọi người. “Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt”.
Hay nói một cách khác, Thiền được đưa vào đời sống, phục vụ đất nước, nhân dân và quần chúng xã hội, hướng dẫn con người tu dưỡng và hoàn thiện nhân cách đạo đức. Vì thế, Thiền đã dễ dàng hoà đồng với các tôn giáo khác trên tinh thần mọi người đều đi đến chân lý thực tại. Thiền không phải là một lý thuyết suông mà có thể nhận chân được, cũng không phải là một cảnh giới cao siêu nào. Nó là thực tại cuộc sống, là hiện hữu cho những ai biết dừng chân, ý thức được chính mình. Nhưng cũng không cho phép ai thực tập Thiền tư biện, mà trái lại Thiền giả phải biết thực nghiệm và nhìn thẳng thực tại của cuộc sống, tự mình nhìn thấy chứ không ai có thể nhìn thay thế được.
Sự hiện hữu của một bông hoa luôn là thực tại, chúng ta phải ý thức rằng, ta cũng như mọi vật đều hiện hữu tại đây và bây giờ. Đúng vậy, điều đó đã cho chúng ta có một cái nhìn về Thiền tông Việt Nam thời Trần quả thật là một dòng Thiền đầy sức sống, sáng tạo, khoa học và tích cực nhập thế.
Thiền Viện Trúc Lâm Viên Ngộ
Phan Rang – Ninh Thuận
(1): Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Tập 1, tr 266
(2): Thích Thanh Từ, Thiền Tông Bản Hạnh Giảng Giải, Nxb, TP. HCM, 1998, tr 242 (3): Đoàn Thị Thu Vân, Khảo Sát Đặc Trưng Nghệ Thuật Của Thơ Thiền Việt Nam Cuối Thế Kỉ X – Thế Kỉ XIV, NXB Văn Học, Hà Nội, 1996, tr 31 – 32.
(4): Nhật Quang (lời đầu sách) Nửa Ngày Của Thái Thượng Hoàng – viết về Cư Trần Lạc Đạo Phú, NXB THTP.HCM.
(5): Thích Nữ Trí Hải dịch, “Con Đường Thoát Khổ”, Đại Học Vạn Hạnh, tr 69.