headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 05/12/2024 - Ngày 5 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

SẮC NÚI HƯƠNG RỪNG

 Thích Thông Thiền  

Từ nhỏ tôi rất thích kinh Pháp Cú, trong lòng hết sức khoan khoái khi đọc đến câu:

              

             Thân vị A-la-hán
        Vui trầm mặc núi rừng …

Và yêu mến núi rừng chi lạ! Thảo nào khi xuất gia là tôi chạy tuốt lên tu viện Chơn Không trên núi Tương Kỳ (Núi Lớn) Vũng Tàu như là một nhân duyên tiền định!

Từ đó tha hồ ngắm núi dạo rừng và khe khẽ ngâm hai câu của Tô Đông Pha:

                Tiếng suối chính là Phật diệu âm
                Màu non há chẳng phải pháp thân

              (Khê thanh bất thị quảng trường thiệt
               Sơn sắc vô phi thanh tịnh thân)

Bỗng một hôm, nghe Sư phụ dạy trong Thiền Tông Vĩnh Gia Tập của thiền sư Huyền Giác rằng: “Từ buổi đến Linh Khê, tâm ý thảnh thơi, thường chống gậy rong chơi trên đỉnh non cao thấp, phủi sạch thất vắng hang núi ngồi yên. Trông ra muôn dặm non xanh hồ biếc, trăng sáng tự sanh gió đùa mây trắng. Hoa đẹp cỏ thơm chim rừng tha ngậm, xa gần đều nghe vượn hú từng hồi, lấy cuốc gối đầu, cỏ êm làm nệm. Đường đời lao xao tranh dành nhân ngã, tâm địa chưa đạt nên mới như thế.”

Câu “tâm địa chưa đạt nên mới như thế” khiến tôi giật mình nhìn lại, tự kiểm điểm mình, chỗ thấy chắc chưa phải!

Tôi thường thực tập công phu trên cái thấy, và thử chiêm nghiệm: Ở cự ly gần khoảng vài cây số, thấy núi có màu xanh tươi mát, từ vài mươi cây số mà nhìn, núi có màu xanh thẩm, từ vài trăm cây số như trên máy bay nhìn xuống thì chỉ thấy một mảng nâu đen. Lúc vui phơi phới thì thấy núi xanh tươi như vừa khoác lên một tấm áo mới, khi buồn rười rượi thì thấy núi một màu xám xịt ảm đạm. Như vậy, sắc núi thay đổi tùy thuộc vào nhiều yếu tố như: thời tiết, khoảng cách, những tâm lý tiêu cực hay tích cực trong ta… Nếu thấy như thế thì Màu non chắc… chẳng phải pháp thân và chắc… cách đạo rất xa.

Đọc lại các tác phẩm của thiền phái Trúc Lâm, tôi chọn bài “Cúc hoa” (Hoa cúc) của thiền sư Huyền Quang và rất tâm đắc đoạn sau đây:

                    華在庭中人在樓
                    焚香獨坐亦忘憂
                    主人與物渾無兢
                    華向群芳出一頭

            Hoa tại đình trung nhân tại lâu
            Phần hương độc tọa diệc vong ưu
            Chủ nhân dữ vật hồn vô cạnh
            Hoa hướng quần phương xuất nhất đầu.
                        ---***---
            Người ở trên lầu, hoa dưới sân
           Vô ưu ngồi ngắm khói trầm xông
           Hồn nhiên người với hoa không khác
           Một đóa hoa vàng chợt nở tung.

                                            (Nguyễn Lang dịch)

Trúc Lâm đệ Tam tổ đề nghị với ta một cách nhìn mới: Ngay khi nhìn một vật (hoa cúc), trong lòng hãy trút sạch mọi lo âu, tiếp đến xóa bỏ ranh giới giữa chủ thể nhìn và đối tượng bị nhìn, hay nói cách khác là không phân biệt vật bị nhìn, chỉ thấy một cách trong sáng hồn nhiên. Nếu thực tập cái thấy này thường xuyên, chắc chắn sẽ gần với chí đạo.

Thế nhưng, thực hiện công phu này ở đâu? Theo tôi: Người sơ cơ thì cũng phải chọn cảnh núi rừng để làm đề tài thực tập, sau khi được sức định rồi mới đi vào những hoàn cảnh khác, động hơn, phức tạp hơn.

Còn về hương rừng ?

Sau cơn mưa, từ mặt đất toát lên mùi ngai ngái của lá cây rừng, cái mùi thân quen khiến lòng ta không khỏi dâng lên niềm cảm xúc. Đi quanh thiền đường hít thở không khí buổi sáng nghe thật dễ chịu, đó đây đàn sảnh bay về đậu trên cành tràm bông vàng kêu rộn rả như báo hiệu rằng đang trong mùa an cư. Tôi leo qua một dốc đá rêu xanh, lối mòn đã bao lần vấn bước mà mỗi phen đi qua tôi lại thấy mới mẻ vô cùng. Tôi bước đi từng bước thong thả cảm thấy cõi lòng khoáng đạt, mặc cho cỏ dại dưới chân như đang níu lấy vạt áo tràng.

                    Từ cỏ thơm người tìm đến đây,
                    Ngồi bên cầu đá ngắm mây bay…

                                                        (Tuệ Đăng)

Đây là lấy ý từ bài tụng của Tuyết Đậu trong Bích Nham Lục:

Một hôm thiền sư Trường Sa dạo núi về đến cửa cổng.

Thủ tọa hỏi: Hòa thượng đi đâu về ?

Trường Sa đáp: Đi dạo núi về.

Thủ tọa hỏi: Đến chỗ nào rồi về ?

Trường Sa đáp: Trước theo đường cỏ thơm đến, sau theo lối hoa rụng về!

Thủ tọa nói: Rất giống ý xuân.

Trường Sa nói: Cũng hơn giọt sương thu trên hoa sen.

(Tuyết Đậu bình: Cảm ơn lời đáp).

Thiền sư Viên Ngộ giải thích là thấy rõ cổ nhân không có mảy may so sánh, cũng không có chỗ trụ trước, cho nên nói: Trước theo cỏ thơm đến, sau theo hoa rụng về. Nghĩa là dạo núi một cách hồn nhiên, không vướng bận vào đâu.

Tôi cũng thích dạo núi, đã từng dạo qua các núi và cảm nhận: Chơn Không chất ngất hương tràm của núi Tương Kỳ. Trúc Lâm ngan ngát hương thông của non Phụng Hoàng. Thiền viện Trúc Lâm (Chùa Lân) thoang thoảng hương tùng của núi rừng Yên Tử. Tất cả những mùi hương trên đều đưa tâm hồn ta về cõi yên bình, thanh thoát. Nhưng nếu chỉ dừng lại nơi đây thì chắc không ổn. Chúng ta hãy nghe thiền sư

Hối Đường Tổ Tâm dạy quan thứ sử Hoàng Đình Kiên:

- Ông có nghe mùi hoa quế chăng?

- Có.

- Từ trước đến giờ ta chưa từng dấu ông!

Đây há không phải chỉ cho tánh ngửi ư ?

Chúng ta có thể nương vào hai căn này để tu tập trong khi ở núi, thiết nghĩ cũng không khác gì lời Hòa Thượng Ân Sư dạy: “Mắt biết thấy tức là chơn tâm, tai biết nghe tức là chơn tâm, mũi biết ngửi tức là chơn tâm…”

Chung quy lại, dù ở núi Phụng Hoàng, non Yên Tử hay núi Tương Kỳ nếu chúng ta ngắm sắc núi hay thưởng thức hương rừng như trên đây, theo thiển ý đều có thể thiền tập được, không khó lắm. Có phải thế không ?

[ Quay lại ]