headertvtc new


   Hôm nay Thứ tư, 08/01/2025 - Ngày 9 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatthanhdao  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

PHÚC LINH YÊN TỬ – VỚI DI TÍCH LONG ĐỘNG TỰ VÀ SÁU NĂM TÔN TẠO CHÙA LÂN

 Thích Trung Huệ 

Thiên nhiên ưu đãi cho tỉnh Quảng Ninh có Vịnh Hạ Long, một thắng cảnh thiên nhiên thế giới; lại cũng là nơi có mỏ than địa danh quý báu được mang tên “Vàng đen của Tổ Quốc”. Hơn thế nữa, Quảng Ninh đã từng là trung tâm Phật giáo Việt Nam, và cũng làø một trong những mảnh đất địa linh của Phật pháp, với Di tích non thiêng Yên Tử đi vào lịch sử như một huyền thoại có một không hai của nước nhà.

I. Sao Gọi Là Phúc Địa Linh Thiêng Yên Tử ?

Căn cứ vào bộ An Nam Chí Lược và Đại Nam Nhất Thống Chí, Yên Tử xưa kia có tên là Yên Sơn hay Tượng sơn, giữa niên hiệu Đại - Trung Tường - Phù (1008-1016) triều đình lại ban tên mới là Tử - Y – Đông - Uyên, là một trong bốn phúc địa Giao Châu và một trong 72 phúc địa nhà Đường Trung Quốc trong thời Bắc thuộc.

Danh từ dùng để ám chỉ và phân biệt người và sự vật, song có khi nó còn gắn liền với sự tích và ý nghĩa của nó. Cũng vậy, vì núi có hình dạng sừng sững như con voi nằm phủ phục nên có tên là Tượng Sơn; cũng là nơi An Kỳ Sinh người Trung Quốc (đời Hán) qua đây tu đắc Tiên, hóa đá nên gọi là Yên Tử (chữ 安 cũng có âm là an hay yên)

Có người bảo rằng sở dĩ dùng chữ Yên không dùng chữ An cũng là do đời hậu Lê, Chúa Trịnh Cương được phong An Đô Vương. Vì để tránh trùng tước hiệu của vua nên gọi là Yên. Nhưng theo Đại Nam Nhất Thống Chí thì núi này đã có tên là Yên Sơn, vì vậy từ Yên không phải mới có sau này. Do đó quan niệm như trên thật không đúng nghĩa!

Huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương có ngọn núi giáp với Đông Triều, Uông Bí tên là Yên Phụ, phụ tức là cha, vì có cha nên mới có con. Thế nên, ngọn núi kế tiếp được gọi là Yên Tử, tử là con. Vì sao Yên Tử (con) lại cao hơn Yên Phụ (cha) Cổ đức có câu “Con hơn Cha là nhà có phúc”. Trong Thiền môn cũng có nói “Cái thấy hơn thầy mới kham nhận truyền trao, cái thấy bằng thầy kém thầy nửa đức”. Có lẽ vì thế Thi Vân YênTử đã dệt thành khúc nhạc êm đềm trong mối tương quan thiêng liêng ấy trong những vần thơ.

                    Phụ tử phải chăng núi Tử Yên
                    Phúc lai sinh được núi con hiền
                    Con cao, Cha thấp tên Yên Tử
                    Phúc địa ngàn xưa gọi núi thiêng .

Có người cho rằng: Yên Tử được dùng theo chữ煙 紫.Trong đĩ chữ yên (煙) nghĩa là khói, chất hơi, chữ tử (紫) là sắc tía, sắc tím. Núi này đã có tên Bạch Vân Yên thường có những vần mây trắng che phủ. Có khi những áng mây trôi lơ lửng bên sườn núi nhìn xuyên qua dưới ánh sáng mặt trời tạo nên sắc màu sặc sỡ, nếu những ai được hữu duyên dù chỉ một lần thưởng thức, cũng không sao tránh khỏi phút giây thoát tục ngỡ ngàng, như ta đang sống trong trần thế bỗng vươn mình bên thế giới thần tiên, nên cổ đức gọi là Yên Tử sơn (núi mây tía).

Tuy nhiên trong bài tựa “Thiền Tông Chỉ Nam” trích trong Khóa Hư Lục của vua Trần Thái Tông có đoạn : “… Trẫm bèn bỏ ngựa vịn vách đá mà lần bước, đến giờ mùi mới tới sườn núi Yên Tử ..” (Trẫm nãi khí mã phan nhai nhi hành vị thời phương đáo An Tử sơn a …朕 乃 棄 馬 攀 崖 而 行 未 時 方 到 安 子 山 阿…), trong bản Hán văn ở đây được dùng hai chữ Yên Tử là 安子. Hoặc bài “Yên Tử Sơn Am Cư” của Tổ Sư Huyền Quang chữ Yên Tử được viết là 安 子. Hầu hết các sử liệu hay thơ vịnh nói đến Yên Tử đều dùng hai chữ 安子. Vì vậy Yên Tử được dùng theo chữ trên thật là không có cơ sở. Thế nhưng nó cũng phản ánh nét đẹp linh thiêng nhiệm mầu của núi rừng Yên Tử xưa và nay.

Yên Tử còn gọi là Linh Sơn tức là núi thiêng. Núi đá không làm nên thiêng, thiêng là nơi có nhiều bậc Cao tăng, Thạc đức tu hành chứng đạo. Trước khi vua Trần về đây tu hành, cũng đã có Thiền sư Hiện Quang, Viên Chứng (hay Quốc sư Trúc Lâm). Quốc sư Đại Đăng, Thiền sư Tiêu Dao, Huệ Tuệ, rồi sau thời Tam Tổ Trúc Lâm như Quốc Sư Quốc Nhất, An Tâm…đều lấy núi Yên Tử là nơi thường trụ, ngay cả thầy của Tổ Chân Nguyên là Tuệ Nguyệt Chân Trú đã từng trụ trì ở chùa Hoa Yên, cùng với những chứng tích nhiều chùa chiền, bia, tháp là hành giả thiền môn trên núi Yên Tử không sao kể hết.

Mặt khác, năm Chính Hòa thứ 8 Triều Lê 1687 đã khắc bia Tháp Trường Quang trước cửa chùa Hoa Yên như sau “Thùy Thế sùng tích Linh Sơn - Trường Quang Tháp Bi” nghĩa là bia tháp Trường Quang núi Linh Sơn - Di tích tôn quý để lại cho đời sau. Vì vậy, Linh Sơn cũng đã có từ trước đây. Ngày nay chúng ta gọi “Non thiêng Yên Tử” cũng chỉ ghi lại sự thật những gì đã có từ ngàn xưa.

Cho nên người đến Quảng Ninh như đến với vẻ đẹp thiên nhiên, hùng vĩ linh thiêng mầu nhiệm; không những chúng ta có dịp ôn lại hào khí Đông A, với chứng tích lịch sử oai hùng, chiến thắng Nguyên Mông, một thời đại vàng son của dân tộc mà còn trở về cội nguồn Phật giáo Việt Nam, nơi điểm hẹn của những người con Phật đã thực sự ghi vào lòng dân tộc ta qua hai câu ca dao:

                “Dù ai quyết chí tu hành
            Có về yên Tử, mới đành lòng tu”

Vì vậy, về với Quảng Ninh cũng là hoài bão của người con Phật, của những ai dù chỉ một phút giây tưởng nhớ đến Tổ tiên; không những dành cho người Việt Nam trong nước và Kiều bào Hải ngoại, mà còn là điểm thú hướng bè bạn Năm Châu; không những xưa kia, hôm nay mà còn cho cả mai sau. Điểm thú hướng này ở giá trị non thiêng Yên Tử không những ở vật thể mà chính yếu là giá trị phi vật thể, là tinh túy Thiền học Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do Sơ Tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông sáng lập. Qua hình ảnh rất tuyệt vời ghi lại trong Thi Vân Yên Tử của nhà khoa học Hoàng Quang Thuận.

                Từ bỏ ngôi vua để tu hành
                Từ cái nhất thời, cái hữu danh
                Vĩnh hằng vô hạn, vua tìm đến.
                Yên Tử trường xuân hóa đất lành.

Vậy, xin mời chư liệt vị hãy hướng tâm trở về với mảnh đất yên lành địa linh Yên Tử, nơi mà nhà vua tìm đến mùa xuân miên trường bất diệt, vượt ngoài không gian, thời gian, vĩnh hằng vô hạn còn lưu lại dấu tích các chùa xưa trong hệ thống chùa Yên Tử như Bí Thượng, Suối Tắm, Cầm Thực, Long Động, Giải Oan, Hoa Yên, Vân Tiêu, Bảo Sái, Chùa Đồng, cùng hàng loạt am thất gắn liền với những chứng tích mầu nhiệm liên quan với các hành giả Thiền môn Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử xưa nay. Một trong những chứng tích ấy, chúng ta thử tìm hiểu chùa Lân hay Long Động Tự ngày nay được mang tên Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử dưới đây:

Rời khỏi chùa Cầm Thực, trước khi đến chùa Long Động hay chùa Lân ngày nay là Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử. Lần theo dấu chân Người xưa, qua dốc Mụ Chị, Mụ Em, gặp phải dốc lớn uốn quanh như chiếc lưỡi hái gặt lúa nhà nông, có lẽ vì thế mà dốc này mang tên Quàng Hái. Từ trên dốc Quàng Hái nhìn xuống là cánh đồng Năm Mẫu trù phú xanh tươi, nhân dân sống nghề nông ở quanh cánh đồng lập thành thôn Năm Mẫu gắn liền với truyền thuyết: là xưa kia các cung tần mỹ nữ khuyên vua Trần quay về thế tục đời thường không được, nên trầm mình tuẫn tiết thờ vua. Trong đó có năm vị linh thiêng nên lập miếu thờ tục gọi là Năm Mẫu. Lại có thuyết cho rằng, họ theo vua Trần có năm vị ở lại đây sống đời lương thiện, được mọi người tôn thờ như Năm người mẹ, nên địa danh này ngày nay mọi người quen gọi là thôn Năm Mẫu, thuộc xãThượng Yên Công, thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.

Đó là truyền thuyết, còn trong bài Phú vịnh chùa Vân Yên của đệ Tam Tổ Trúc Lâm Huyền Quang có câu:

                Phân ân ái Am Noãn, Am Long
            Dứt nhân duyên làng Nường, làng Mụ

Các cung tần mỹ nữ theo vua Trần đi tu lập thành am Ngọa, am Long, làng Nường, làng Mụ. Những vị không đi tu, vua cho về tự do sinh sống, một số người ở ven cánh đồng Năm Mẫu như ngày nay.

Cũng từ trên dốc Quàng Hái nhìn xem:

                “Xa xa rợp bóng ngõ chùa Lân
                Ngõ chùa lát đá cuốn bụi trần
                Thời gian dòng chảy người qua lại
                Có được mấy người kẻ tri ân’’

Đó là một triền núi phong quang tụ linh, tụ phúc, có chùa Long Động được xây dựng tại đây. Trước chùa, có đồi núi, có cánh đồng ruộng nước mênh mông là minh đường trong sáng mát tươi, hai bên lại có dãy núi cao tạo thành tả, hữu “Thanh Long, Bạch Hổ”. Phía sau lưng chùa tựa vào núi, sừng sững uy nghi như ngự trên thân con Kỳ Lân, lại có dòng suối mát chảy thuận chiều từø phải sang trái. Có lẽ vì thế mà nơi này không bao giờ vắùng bóng người tu hành, xưa kia từng là Tòng lâm đào tạo Tăng tài qua nhiều thế hệ, nếu không cũng có người hương khói trông nom, so với nhiều di tích khác ở Yên Tử nhiều khi vẫn còn hoang tàn hay trở thành phế tích.

Ngày nay chùa Lân đã vươn mình uy nghi rộng lớn trở thành Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử xứng đáng với những chứng tích nhiệm mầu trong hệ thống chùa Yên Tử. Ta hãy trở về đây để hiểu rõ hơn tinh thần phục hưng Di tích Yên Tử, và đó cũng chính là niềm vinh dự tự hào của người con Phật có tâm muốn trở về nguồn xưa phát minh bổn địa!

1/ Truyền thuyết:

Có phải chăng tên gọi chùa Long Động hay chùa Lân, ngày nay là Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử, gắn liền với một sựkiện lịch sử, và ý nghĩa thiêng liêng nào đó? Vậy, chúng ta thử tìm hiểu địa danh này qua các tên gọi như sau:

* Long Động Tự

Long là “rồng”, động là hang ổ hay nơi trú ẩn của rồng. Khi nhà vua trên đường vào Yên Tử, dừng chân nghỉ đêm tại đây. Ngài nằm mộng thấy mình cưỡi rồng vàng bay vào động. Trong động lại có một hồ nước trong xanh nở đầy hoa sen vàng, với hương thơm ngào ngạt. Rồng đã đưa Ngài dạo quanh hồ sen, các hoa sen toả ánh hào quang, tiếng nhạc du dương vang ra từ lá, rồi Ngài được đặt lên trên một đài sen…cũng chính là lúc vua tỉnh giấc. Hương thơm thoang thoảng và tiếng nhạc vẫn còn văng vẳng bên tai, bầy “Rồng đất” chẳng rõ từ đâu bỗng xuất hiện rất nhiều. Vì vậy ở đây được xem là nơi rồng ơ,û ngôi chùa trên mảnh đất này được mang tên là Long Động Tự (chùa Động Rồng).

Quả vậy, chúng ta về chùa được nghe lại Sư cụ Trụ trì Thích Nữ Đàm Châu, đã ngoài 90 tuổi hiện vẫn còn tu tập tại đây, người có công gìn giữ ngôi Tam Bảo trên 30 năm kể lại như sau: “Khu vực này có rất nhiều Rồng đất “Ông Rồng” có vây, có sừng và có đuôi... gần gũi với người, những lúc trở trời, các “Ông” mò ra tung tăng, hý hửng cả trên bàn thờ Phật”.

Qua bài thơ “Yên Tử Sơn” của đệ Tam Tổ Huyền Quang cũng có câu:

                “…Động Rồng nắng đã rọi
                    Khe Hổ băng còn đầy…”

Thế nên, có thể khẳng định tên Long Động Tự đã có từ thời chư Tổ Trúc Lâm, và cũng có mặt trong những dòng Thi Vân Yên Tử, được xem như những vần thơ tiền kiếp đã khắc họa như sau:

                Chuyện kể ngày xưa động chùa rồng,
                Quả núi trông hình giống kỳ lân.
                Đài sen hoa nở vua lên ngự,
                Tỏa sáng hào quang Bạch Yên Vân.

* Ngoài ra Long Động Tự lại còn có tên Chùa Lân:

Ngày xưa cánh đồng Năm Mẫu mênh mông sóng nước, nhất là vào những tháng mưa, nước suối chảy mạnh, du khách muốn vào chùa phải dùng thuyền, bè, nhà chùa căng dây cho khách bám, lần dây đi vào, do việc lần dây như thế, mà chùa có tên là chùa Lân.

Lại nghĩ rằng chùa nằm trên quả núi có dáng hình con Lân, nên còn gọi là chùa Lân.

Và một đêm khuya thanh vắng, âm vang chuông chùa hòa lẫn tiếng kệ, lời kinh như thúc giục khách phong trần sớm tỉnh cơn mê, người cầu đạo quay về bến giác cũng cảm được loài cầm thú ngay cả hổ rừng từ đâu cũng lân mẫn tới lui, khi trời gần sáng chúa sơn lâm lần đi, nên người đời gọi là chùa Lân.

2/ Sự kiện lịch sử chùa Long Động xưa kia

Theo Nguyễn Bá Lăng tác giả “Kiến trúc Phật giáo Việt Nam” tập I, Viện Đại Học Vạn Hạnh in năm1972 có ghi:
“Long Động Tự, tục gọi là Chùa Lân vì bên cạnh có quả núi hình giống con Lân. Chùa có thờ Trúc Lâm Tam Tổ, tượng tạc uy nghi. Đây là nơi mà khoảng năm Kỷ Hợi (1299), Hương Vân Đại Đầu Đà (Trần Nhân Tông), lập trường giảng pháp, độ tăng và thuyết pháp cho cả trên vạn người. Cổng chùa trông xuống suối, có những bậc đá từ bờ suối đi lên, giữa những gốc thông già, hai hàng tháp cổ, cái nhỏ xây bên dưới, cái lớn trên cao, trông rất oai nghiêm….”

Trong cuốn “Đình Chùa Lăng Tẩm nổi tiếng Việt Nam, do nhóm Trần Mạnh Thường, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, in năm 1999, trang 413 có ghi:

“… Chùa Lân, nằm trong hệ thống chùa Yên Tử, do Trúc Lâm Điều Ngự (Trần Nhân Tông) cho xây dựng ít lâu sau khi xuất gia (1299). Các Thiền sư Pháp Loa và Huyền Quang cũng thường đến đây thuyết pháp. Sau thời Trần, chùa Long Động vẫn là một Thiền viện, có những Thiền sư thấu hiểu tư tưởng Thiền tông Trúc Lâm như Hoà thượng Tuệ Đăng, (tức Chân Nguyên), từng soạn sách “Trần Triều Thiền Tông Bản Hạnh”, “Kiến Tánh Thành Phật; Lân Giác Thượng Sĩ (Trịnh Thập, 1696-1733); Tỳ khưu Tuệ Nguyên từng in sách “Trúc Lâm Tổ Sư”, Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục”, tại chùa Long Động (1763)…”

Như vậy chùa Lân gắn liền với những chứng tích lịch sử có giá trị nền văn hóa thiền học Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, là một trong ba Tòng lâm lớn với những điểm đặc biệt ghi thành ca dao“Cổng chùa Lân (to và đẹp), sân chùa Muống (rộng), ruộng chùa Quỳnh (nhiều).

Chùa cũng đã trải qua những thăng trầm biến cố lịch sử lúc thịnh lúc suy. Trong thời kỳ kháng Pháp, chùa đã bị Tây đốt phá chỉ còn là phế tích, ngoài hệ thống tháp đá còn lại (23 mộ tháp), trong đó có tháp đá của Ngài Chân Nguyên là còn nguyên vẹn và có giá trị, còn lại đa phần sụp đổ. Ngôi chùa trước khi xây Thiền Viện chỉ là nhà cấp 4, qui mô nhỏ bé, cột xà bằng gỗ tạp, lợp ngói tây, dựng tạm cách đây hơn 20 năm.

Sư cụ Thích Nữ Đàm Châu trụ trì ở đây đã trải qua 30 năm giữ gìn hương khói, với biết bao công lao khó nhọc, để rồi ngày nay Cụ phát tâm cúng dường Hòa Thượng Thích Thanh Từ tôn tạo Chùa Lân và xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, Cụ chỉ mong muốn cùng sống tu học với chư Tăng ni ở đây. Cụ đã bỏ tất cả, và vì thế Cụ lại có tất cả! Cụ đã tạo một sự chuyển biến trọng đại trong đời tu hành của mình và cũng là tạo tiền đề cho sự chuyển biến của chùa Lân hôm nay và cho cả mai sau.

Có thể nói Cụ, là người đáng để cho hàng hậu học Tăng ni, Phật Tử nhớ ơn, và cũng là tấm gương sáng ngời trên tinh thần vô ngã vị tha. Người ta thường phấn đấu cho đời tu của mình để trở thành vị trụ trì, ngược lại Cụ phấn đấu để vứt bỏ địa vị trụ trì, sống với Đạo bên hàng pháp lữ thâm tình; người ta thường phấn đấu đến chỗ buộc ràng, còn Cụ thật sự phấn đấu để trở thành con người tự do giải thoát.

II. Hòa Thượng Thích Thanh Từ Từ Sự Khôi Phục Thiền Tông Việt Nam Đến Con Đường Khôi Phục Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử:

Hòa Thượng húy là Trần Hữu Phước, pháp danh Thích Thanh Từ, sau đổi lại húy là Trần Thanh Từ. Sinh ngày 24 tháng 07 năm Giáp Tý (1924), tại ấp Tích Khánh, làng Tích Thiện, tỉnh Cần Thơ (nay là tỉnh Vĩnh Long).

Ngày 15 tháng 07 năm Kỷ Sửu (1949), sau ba tháng công quả tại chùa Phật Quang, Hòa thượng được Tổ Thiện Hoa chính thức cho xuất gia với pháp danh là Thanh Từ. Ước nguyện của Người đã được thành tựu. Từ đây Hòa Thượng siêng năng theo Tổ công phu bái sám, vừa học giáo lý, vừa dạy trẻ em. Ngồi ra còn phụ trông nom coi sóc mấy chục chú Tiểu trong chùa. Cơng việc tuy nhiều, song Hịa Thượng luơn để tâm học Giáo điển.

Tháng 04 năm 1966, Hòa thượng dựng Pháp Lạc thất trên núi Tương Kỳ, Vũng Tàu. Ngôi thất lá vuông vức bốn thước đơn sơ với bộ Đại Tạng Kinh, nhưng đã ấp ủ một thiền Tăng nghèo quyết nhận lại cho kỳ được hạt châu vô giá của chính mình.

Tháng 07 năm 1968, Hòa thượng liễu đạt Lý Sắc Không, thấu suốt thật tướng Bát Nhã. Từ trí tuệ này, Ngài đã thật sự liễu đạt nghĩa lý Tạng Kinh, lời Phật, ý Tổ. Giáo lý Đại thừa và cốt tủy của Thiền tông đã được Hòa Thượng khám phá từ công phu thiền định của Người.

Ngày 08 tháng 12 năm ấy, Hòa Thượng tuyên bố ra thất giữa bao niềm hân hoan của Tăng ni, Phật tử. Nước cam lồ rưới khắp, suối từ bi từ đây tuông chảy. Pháp Lạc thất thật xứng đáng là nơi khơi nguồn Thiền Tông Việt Nam trong thời đại mới và cũng là điểm hẹn cho Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử phục hưng sau này. Cũng chính nơi đây, đánh dấu một giai đoạn chuyển mình, một bước ngoặc lớn trong cuộc đời tu của Hịa Thượng, hồi bão tu Thiền đã thai nghén bao năm trong âm thầm lặng lẽ cô đơn, đến đây mới thật sự chỉ điểm khởi phát và trưởng thành, như một ngôi sao sáng mở ra trang Thiền sử Việt Nam và Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử rực rỡ huy hồng vào cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21 hôm nay cho cả mai sau.

Cũng từ đây Tăng ni và Phật tử hướng về Ngài tu học càng đông, nhiều Thiền viện trong và ngoài nước theo bước chân Ngài được hình thành và ngày càng phát triển.

- Năm 1991 quyển Thiền Tông Việt Nam Cuối Thế Kỷ 20 ra đời, Giáo hội cho phép in, được xem như Thiền tông chính thức khôi phục, đánh dấu sự kiện mới của Phật giáo Việt Nam ở thế kỷ 20, nghĩa là Thiền Tông bắt đầu có mặt sau những năm dài vắng bóng. Trong khi đó Thiền Tông là cốt tủy Đạo Phật, gắn liền với sự thạnh suy của dân tộc, là một con đường chủ đạo của Phật giáo Việt Nam qua các thời đại, đặc biệt là thời Lý – Trần.

- Năm 1993 để hướng cho Tăng ni và phật tử quay về cội nguồn Phật giáo Thiền tông của dân tộc nên Ngài chủ trương khôi phục Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử thực hiện những công trình to lớn như sau:

+ Xây dựng Thiền Viện trên núi Phượïng Hoàng mang tên TV Trúc Lâm Đà Lạt – Nay là Thiền Viện Trúc Lâm Phụng Hoàng (trước đó các Thiền viện không có tên Trúc Lâm).

+ Thành lập Thanh quy Thiền phái.

+ Bắt đầu sám hối sáu căn do vua Trần Thái Tông soạn thảo trong Khóa Hư Lục (trước kia là sám hối ba nghiệp).

Đây là điểm đặc biệt, chưa có tông phái nào của Phật giáo dám mạnh dạn đưa bài sám hối của Vua Trần vào thời khóa chính thống của mình mà chỉ có ở các Thiền viện mà thôi. Hơn nữa, Hòa Thượng sau này lại hướng dẫn pháp tu thiền “Biết có chân tâm” từ nơi sáu căn, cũng chính là sự kế thừa phát huy sáng tạo từ lời dạy Tổ tiên ta.

+ Ngài tiếp tục dịch thuật và giảng dạy các Ngữ lục của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử như : Khoá Hư Lục, Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục, Tam Tổ Trúc Lâm, Thiền Tông Bản Hạnh, Kiến Tánh Thành Phật… để Tăng Ni Phật tử ứng dụng tu hành tiếp nối huệ mạng của chư Tổ Việt Nam, phát huy truyền thống văn hóa và thiền học nước nhà và cũng chính là hồn thiêng Yên Tử…

Như vậy Thiền Tông Việt Nam cuối thế kỷ 20 là nền tảng cho sự khôi phục Thiền Phái Trúc Lâm Lâm Yên Tử ngày nay, là công lao to lớn của Hòa Thượng Thích Thanh Từ và cũng là bản hoài, lý tưởng tối hậu ghi thành “ Ba Vấn Đề Trọng Đại Trong Đời Tu Của Tôi” Đó là: tại sao tôi theo đạo Phật? Tại sao tôi lại tu thiền? Và cuối cùng Ngài nói tại sao tôi khôi phục Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử ?

Bên cạnh đó, để bảo vệ truyền thống văn hóa Phật giáo Thiền Trúc Lâm Yên Tử, đồng thời cũng để thực hiện Dự án Đầu tư Qui hoạch Tổng thể khu Di tích và Danh thắng Yên Tử đã được Chính phủ phê duyệt. UBND Tỉnh Quảng Ninh, UBND Thị xã Uông Bí, Ban Quản lý Di tích Danh thắng Yên Tử, ngày nay là trung Tâm Quản Lý Di Tích Danh Thắng Yên Tử, thông qua các cấp chính quyền, ban ngành chuyên môn tại tỉnh Lâm Đồng, chư vị đã chính thức ngỏ lời mong Hòa thượng góp  phần xây dựng Di tích Yên Tử và được Ngài phúc đáp như sau :

“… Chúng tôi nếu có khả năng góp phần xây dựng Di tích lịch sử Yên Tử phải trên hai phương diện hình thức và nội dung, bởi vì chỉ chú trọng về hình thức thôi thì giống khôi phục lại cái xác mà thiếu hồn. Vì vậy, xin chư vị cho chúng tôi một phế tích nào đó mà không có sư trụ trì, để xây dựng thành Thiền Viện có chúng tăng tu học, tạo dựng một tùng lâm như xưa, làm sống lại tinh thần Thiền phái Trúc Lâm, thì việc bảo tồn tôn vinh di tích Yên Tử mới đúng nghĩa.”

Được sự hoan hỷ chấp thuận của các phái đoàn, năm 1999, thầy Thích Thông Giác thể theo nguyện vọng của nhân dân Phật tử phía Bắc, có làm đơn xin trùng tu chùa Cầm Thực và xây dựng Thiền viện thuộc thiền phái Trúc Lâm (vì nơi này lúc bấy giờ chưa có sư trụ trì), công việc chưa thành thì Thầy đã viên tịch.

Sau đó sư cụ trụ trì chùa Lân Thích Nữ Đàm Châu, thỉnh cầu Hòa Thượng tôn tạo, xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử tại đây để bảo tồn, tôn vinh phát huy tinh thần Thiền phái Trúc Lâm tại chốn Tổ Yên Tử. Thể theo đơn xin của Hòa Thượng và nguyện vọng của nhân dân, cơ quan các cấp có thẩm quyền chấp thuận cho phép thực hiện hoài bảo này.

LỄ ĐẶT ĐÁ

Ngày 02.03.2002 (tức 19 tháng giêng năm Mậu Ngọ) buổi Lễ đặt đá tôn tạo chùa Lân – xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử được cử hành theo nghi lễ Phật giáo đơn giản, trang nghiêm, đầy ý nghĩa, trong niềm hân hoan phấn khởi của chư Tôn giáo phẩm Trung Ương, Đại biểu các cấp, các ban ngành, các nhà khoa học, nhân sĩ trí thức, Tăng Ni, Phật tử và khách thập phương về đây chứng dự.

Thế là, Hòa Thượng chủ trương khôi phục lại đường lối tu hành của Thiền tông, bảo tồn, tôn vinh và phát huy giá trị của Thiền phái Trúc Lâm, tại chốn Tổ đã trở thành hiện thực.Thiền tông từ đây đã mở ra hướng đi cao đẹp cho Tăng Ni và người Phật tử Việt Nam trở về với cội nguồn của Thiền học nước nhà - một Thiền phái Việt Nam, do người Việt Nam làm Tổ! Đó là Trần Nhân Tông, Người đã hai lần lãnh đạo quân dân đánh bại quân Nguyên Mông - một đội quân hùng mạnh bách chiến của một thời đại đem lại độc lập cho nước nhà. Ngài thế phát xuất gia, theo hạnh Đầu đà “Yên bề phận khó, kiếm chốn dưỡng thân” để rồi “Dốc chí tu hành, giấy sồi vó vá” mà “học đòi chư Phật; cho được viên thành; xướng khúc vô sanh; an thiền tiêu sái”.

Muốn bảo vệ và xây dựng nước nhà bền vững hạnh phúc lâu dài, không phải ở vật chất mà chính là xây dựng nền đạo lý cho dân tộc. Bởi lẽ sự phồn vinh mà thiếu đạo đức chính là bờ mé của sa đọa và tội lỗi, mất nước…Chính vì thế Trần Nhân Tông một lần nữa không những chiến thắng giặc ngoại xâm mà còn tự chiến thắng chính mình - bỏ ngai vàng điện ngọc, cung phi mỹ nữ…lên núi tu hành. Đây là cuộc chiến hơn mọi cuộc chiến. Phật dạy :“Thắng vạn quân không bằng thắng chính mình, thắng chính mình mới thật là chiến công oanh liệt nhất”. Cuối cùng Ngài đã tự giải thoát cho mình, đem ánh sáng giác ngộ soi sáng hồn thiêng cho dân tộc, đồng thời dìu dắt nhân dân qua những đêm dài đen tối.

Ở điểm vinh quang tột đỉnh, thế nhưng Ngài lại từ bỏ ngai vàng, Ngôi vị Thái thượng Hoàng đi tu. Quả là giá trị của Đạo Phật đã được Ngài nâng lên tầm cao cho lý tưởng đời mình và cho hậu thế.

III. Tiến Trình Tôn Tạo Chùa Lân Xây Dựng Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử.

Vì chùa Lân nằm trong khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử, là di sản văn hoá đặc biệt của Quốc gia, trực thuộc Bộ Văn Hóa và Cục Di Sản Văn Hóa quản lý, cho nên việc trùng tu đều được đem ra hội thảo giữa các nhà kiến trúc sư, các nhà khoa học, các cơ quan chức năng, và đại diện Thiền viện, cuối cùng đã đi đến kết  luận như sau:

“Nói đến chùa Lân, là muốn nói đến phần vật thể, nói đến Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử là muốn nói đến phần phi vật thể của Yên Tử, tức là muốn nói về đường lối tu hành của Tam Tổ Trúc Lâm trước kia tại nơi đây, nay được chư Tăng hành trì để giữ gìn, tôn vinh và phát huy giá trị hiện thực này. Nếu chỉ xây dựng chùa Lân cho khách thập phương về tham quan, lễ bái, thì việc làm đó chỉ mới là khôi phục phần di tích vật thể, còn việc làm cho du khách thập phương về chốn Tổ hiểu rõ việc tu hành của chư Tổ ra sao và học theo gương sáng của Người xưa thì lại là phương châm hành đạo của Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử.”

Nơi đây là một công trình, phải được mang tên “Chùa Lân - Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử”  hay “Long Động Tự – Thiền viện Trúc Lân Yên Tử”.

Thế nên: ngày 29 tháng 06 năm 2004, UBND tỉnh Quảng Ninh có công văn số 1292/ub “v/v chấp thuận quy chế hoạt động chùa Lân - Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử” với tôn chỉ mục đích như sau:

1. Chùa Lân-Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử là nơi chuyên tu thiền, theo tông chỉ pháp phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử đời Trần, đường lối tu hành theo đúng chính pháp của Đạo Phật, Hiến chương GHPGVN, chính sách pháp luật của Nước CHXHCNVN với phương châm “Đạo Pháp - DânTộc - CNXH” .

2. Mọi hoạt động của Chùa Lân-Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử nhằm khôi phục, bảo tồn, tôn vinh bản sắc Văn hóa Dân tộc Việt Nam và Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử; tạo duyên lành cho những ai thiết tha muốn thể nghiệm chân lý, phát triển tuệ giác, hướng đến giác ngộ giải thoát, đúng với mục đích lý tưởng của người tu theo Đạo Phật.

A. Về Phần Vật Thể

Được cơ quan các cấp có thẩm quyền cho phép tôn tạo:

1) Cổng Tam quan
2) Gác chuông, Gác trống
3) Chính điện
4) Tổ đường (Nhà thờ Tam Tổ Trúc Lâm)
5) Nhà Trưng bày và Nhà Khách

Cùng các công trình phụ khác, sau ba tháng rưỡi thi công với hàng trăm công nhân, hàng ngàn Phật tử ba miền Nam – Trung - Bắc, đã đem hết tâm tư, tình cảm với niềm tin và lý tưởng cao đẹp hướng về chốn Tổ, đồng thời bằng tất cả “hằng sản, hằng tâm” và trí tuệ ngày đêm cống hiến cho công trình Thiền viện đã được hoàn thành cơ bản.

Ngày 14 tháng 09, rước 6 pho tượng đồng gồm có: tượng Phật Thích Ca, Bồ Tát Đại Trí Văn Thù và Bồ Tát Đại Hạnh Phổ Hiền cùng Tam Tổ Trúc Lâm chuyển từ làng Ngũ xã về chùa, ngày 30 tháng 09 Nhâm Ngọ cử hành lễ “An vị Phật”.

* Lễ Khánh Thành

Chỉ hơn 03 tháng thi công, tất cả những công trình trên được hoàn thành viên mãn, quả là một kỳ tích vĩ đại cho một công trình tâm linh trên mảnh đất địa linh. Hòa Thượng Tôn Sư nhẹ bước vòng quanh rồi tĩnh tọa dưới gốc thông đại thụ, lòng tràn hoan hỷ mà trí vẫn sáng ngời như trở lại nguồn xưa. Quả là:

                         Thầy về như một giấc mơ
                         Cây thông thuở ấy bây giờ vươn cao
                          Ngọn đèn Tam Tổ hôm nao
                          Ngày nay lại sáng lòng nào cũng vui.

Nhân ngày sinh của Sơ Tổ Trúc Lâm tức là ngày 11 tháng 11 năm Nhâm Ngọ (14.12.2002) Hòa Thượng tuyên bố cử hành đại Lễ Khánh Thành Chùa Lân - Thiền Viện Trúc Lâm như sự khởi sắc hồn thiêng Yên Tử, trong niềm đại hoan hỷ Tăng ni và Phật tử, trong và ngoài nước về đây chứng dự. Trong đó có sự quang lâm của chư Tôn giáo phẩm GHPG Trung Ương, Chư tôn đức Tăng ni xa gần, đồng thời cũng có sự hiện diện của cơ quan ban ngành đoàn thể Trung Ương và địa phương, các Giáo sư, Tiến sĩ, các nhà trí thức nhiệt tình ủng hộ và quan tâm cũng có mặt trong ngày lễ trọng thể này.

Căn cứ vào Công văn 703/CP ngày 26 tháng 5 năm 2003 của Chính Phủ “v/v cho phép khôi phục hoàn chỉnh chùa lân Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử”

Ngày 21.11.2003 cùng với ngày lễ giỗ Tổ Chân Nguyên, thiền đường được khởi công xây dựng. Nhân ngày đại lễ Phật Đản 15-4-2004, thiền đường lại được khánh thành và chính thức đi vào hoạt động. Hàng loạt các công trình khác như tháp Phật, Tàng kinh các, giảng đường, hồ phóng sinh, nội viện Tăng, khu thiền Thất đã và đang từng bước hoàn thiện với quy mô rộng lớn, vừa cổ kính mà cũng vừa hiện đại.

* Lễ Bổ Nhiệm Trụ Trì

Theo sự chỉ dạy của Hòa Thượng Tôn Sư, Thượng Tọa Thích Thông Phương trở về chốn Tổ làm Phật sự với niềm hoan hỷ của Tăng ni và Phật tử. Vì kể từ đây, hàng hậu học được thấm nhuần trong ánh sáng từ quang trí tuệ của giáo pháp Như Lai, đặc biệt là Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, qua sự giáo huấn của Người, sẽ được tỏ rạng từ chốn Tổ linh thiêng đã bao năm sống trong âm thầm quên lãng.

Ngày 30 tháng 10 năm 2003 Thường Trực Hội Đồng Trị Sự TW GHPGVN-VP I quyết định bổ nhiệm Thượng Tọa chính thức Trụ trì Chùa Lân - Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử, và đã được cử hành lễ Bổ Nhiệm trọng thể tại Thiền môn với sự chứng dự của Trung Ương Giáo Hội, Chư Tôn Thiền Đức trong và ngoài Tông môn, các ban ngành đoàn thể địa phương, và nhân dân Phật tử từ các nơi về đây cùng chia xẻ trong niềm hân hoan pháp lạc.

Quả Cầu Như Ý

Kế đến quả cầu như ý báo ân Phật tổ, một công trình công đức kỷ lục Phật Giáo Việt Nam đến với Thiền Viện đó là:
Cảm sâu ân Phật tổ, nhóm Phật tử Minh Hạnh Túc Hà Nội quyết định làm quả cầu bằng đá to nhất, đẹp nhất từ nguyên liệu trong nước đặt ở mảnh đất địa linh Yên Tử, cội nguồn của Phật giáo Thiền tông Việt Nam, nơi xuất hiện nhiều bậc Cao tăng Thạc đức. Từ những ý định cao thượng ấy, duyên lành lại đến. Họ tìm được khối đá hoa cương màu đỏ rubi.

Viên đá lớn này đã chuyển về Hà Nội, và được đưa đến xưởng chế tạo bằng máy vận hành theo quy trình bán tự động, do Phật tử Đinh Văn Túy sáng chế. Quả cầu hình tròn đường kính 1,65m; nặng 6,5 tấn được đặt trên bệ đá có tiết diện vuông với trọng lượng 4,5 tấn. Điều đặc biệt, ở đây quả cầu rất tròn chỉ sai số 2/1000 nên dùng máy bơm công xuất nhỏ, mà tự quay được xung quanh mình nó, qua các hướng tùy ý theo lực đẩy của bàn tay.

Tất cả nằm trong bể nước hình bát giác với tám bồn hoa cỏ, tượng trưng cho Bát Chánh Đạo, và tám vòi nước tượng trưng bát công đức thủy tưới mát cho nhân loại thấm nhuần giáo lý Phật Đà.

Đây là quả cầu lớn nhất ở Đông Nam Châu Á và cũng là đỉnh cao trí tuệ sáng tạo của người Việt Nam trong lĩnh vực làm đá. Ở trong nhà Phật, quả cầu tròn tượng trưng cho “ngọc như ý”ù, là chân tâm, bổn tánh, lý tưởng tối hậu của hành giả học đạo tham thiền.

Ngày 1.6 Ất Dậu tức nhằm ngày 6.7.2005 đã cử hành lễ cúng dường trọng thể tại Thiền Viện dưới sự chứng dự của chư Tăng và đông đảo bà con Phật tử gần xa cũng như chính quyền sở tại cùng tham dự với niềm đại hoan hỷ. Cũng nhân ngày này, Hòa Thượng Pháp Chủ Thích Phổ Tuệ đã ban tặng cho Thiền Viện bài kệ với bút tích như sau:

                    Mây tan trăng sáng
                    Quặng hết ngọc thành
                    Viên minh tâm ấn
                    Như ý châu vương

Ngày 4.5.2006 Sách Kỷ lục Việt Nam đã chính thức trao bằng và cúp theo quyết định số 234/KLVN - 2006 được mang tên Quả Cầu Lớn Nhất Việt Nam. Sự kiện này cũng chính là thành quả tuyệt vời hài hòa giữa thiên nhiên tài nguyên và trí tuệ gắn liền với đạo pháp và dân tộc Việt Nam. Đặc biệt là tâm thành của người con Phật đã tạo ra bảo thạch quả cầu Như Ý Báo Ân Phật Tổ đầu tiên có mặt trên non thiêng Yên Tử đưa vào sách kỷ lục Việt Nam.

B. Phi Vật Thể:

Như vậy, Chùa Lân - Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử đã được hình thành và chính thức đi vào hoạt động với những giá trị hiện thực đã được phát huy ngày càng ổn định và hoàn hảo. Chủ nhật hàng tuần, và ngày mùng 1, ngày 15 AL hàng tháng Phật tử các nơi về đây tu học. Ngoài ra, Thiền viện còn có chương trình giáo dục Phật học cơ bản về phương diện nhân quả, đạo đức…và tìm hiểu bước đầu trên con đường thiền cho các cháu học sinh và sinh viên có nhu cầu sinh hoạt và tu tập vào những dịp hè ngày một đông đảo.

C. Những Tác Phẩm Thiền Học Được Xuất Bản :

Chỉ sau 06 năm (2002 - 2008), Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử vừa tôn tạo xây dựng, vừa tu học vừa thực hiện chương trình ngoại khóa nghiên cứu di tích lịch sử liên quan đến Thiền học đời Trần ở các tỉnh phía Bắc, đã phát hiện bổ sung vào Thiền Sử Việt Nam, nhiều chứng tích lịch sử, Thiền sư mới được phát hiện ở Am Dược, Hồ Thiên, Ngọa Vân ở Yên Tử , Tây Thiên, cũng như nhục Thân Thiền Sư Như Trí ở Bắc Ninh…

Nhiều tác phẩm mới được ra đời phục vụ cho việc nghiên cứu và tu học của Tăng ni và Phật tử có giá trị như quyển:
Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử, Thiền Tông Đốn Ngộ, Trần Nhân Tông Với Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử, Đạt Ma Tổ Sư Luận Giảng Giải, Thập Mục Ngưu Đồ, Đức Phật Là Bậc Thầy Dẫn Đường, Thông Điêp Đức Phật Ra Đời, Cửa Thiền Hé Mở, Từng Bước An Vui…

Về kinh còn có: Kinh Kim Cang Giảng Lục, Kinh Pháp Hoa Giảng Giải 3 tập... Thiền viện đã thực sự góp phần nhỏ bé của mình vào kho tàng Phật Học Việt Nam và Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử. Trong đó hầu hết những tác phẩm này đều do Thượng Tọa Thích Thông Phương Trụ trì Thiền Viện trước tác. Người đã nhận trọng trách ở chốn Tổ được Hòa Thượng Tôn Sư chỉ giáo, đồng có những cống hiến tích cự cho những công trình văn hóa Thiền học Thiền Phái Trúc Lâm hiện nay.

D. Hội Thảo Phật Giáo Thời Trần Ở Quảng Ninh:

Để tìm hiểu giá trị Di sản Văn hóa Phật giáo ở Quảng Ninh, ngày 18 tháng10 năm 2005 Ban Dân Tộc và Tôn Giáo cùng với Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo đã mở cuộc hội thảo lớn tại Thiền viện, với sự chứng dự của chư Tôn đức TWGHPGVN, các ban ngành đoàn thể địa phương, các Giáo sư, Tiến sĩ tích cực tham gia đã góp phần làm sáng tỏ giá trị Phật giáo nói chung, và đặc biệt là vai trò của Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử xưa và nay đối với Thiền học nước nhà.

E. Các Vị Lãnh Đạo Nhà Nước Đến Thăm, Trồng Cây Và Tặng Phẩm Lưu Niệm

- Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử cũng được sự quan tâm các cấp Chính Quyền và Giáo Hội đến thăm, tặng quà và trồng cây lưu niệm như:

* Cây Bồ Đề

- Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh trồng ngày 23.07.2005 nhằm ngày 18.06 (Ất Dậu). Được Tiến Sĩ Hoàng Quang Thuận Viện Trưởng Công Nghệ Viễn Thông Và Khoa Học Công Nghệ ghi lại như sau: “Một khoảnh khắc lịch sử, một ngày trọng đại vào biên niên sử Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử. Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh và Bí Thư Tỉnh Ủy tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Quynh và các Ban ngành TW, tỉnh về thăm Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử. Tổng Bí Thư cùng phu nhân đã trồng cây Bồ Đề gốc từ Ấn Độ, và tặng Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử một Ngài Linh Quy để non sông Đại Việt hùng mạnh như khí thiêng Long mạch và nguyên khí Yên Tử mãi mãi muôn đời con cháu mai sau”.

- Phó Chủ Tịch Nước Trương Mỹ Hoa, Phó Thủ Tướng Vũ Khoan trồng ngày 24.07.2005 nhằm ngày 19.06 (Ất Dậu)

- Nguyên Phó Thủ Tướng Nguyễn Mạnh Cầm cùng các vị Lãnh Đạo Tỉnh - Thị xã trồng ngày 10.02.2003 nhằm ngày 10.01 (Quý Mùi).

- Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao Nguyễn Duy Niên trồng ngày 15.12.2002, nhằm ngày 12.11 (Nhâm Ngọ)

- Tiến Sĩ, Viện Trưởng Viện Công Nghệ Viễn Thông - Viện Khoa Học và Công Nghệ Việt Nam - Hoàng Quang Thuận trồng ngày 14.12.2002, nhằm ngày 11.11 (Nhâm Ngọ)

- Bí Thư Tỉnh Ủy Tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Quynh trồng ngày 10.2.2005, nhằm ngày 02.01 (Giáp Thân)

- Bí Thư Thành Phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh trồng năm 2005

- Phó Chủ Tịch UBND Thành Phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nay là Phó Thủ Tướng, Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục và Đào Tạo trồng ngày 09.10.2003

- Phó Chủ Tịch QH Trương Quang Được trồng ngày 24.07.2005 nhằm ngày 19.6 (Ất Dậu)

- Thủ Tướng Chính Phủ Phan Văn Khải trồng ngày 21.05.2006 nhằm ngày 24.4 (Bính Tuất)

- Ông Kiểm trồng ngày 14.12.2002, nhằm ngày 11.11 (Nhâm Ngọ)

* Cây Bao Báp

- Chủ tịch HĐND Tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Mễ trồng ngày 04.08.2005, nhằm ngày 30.06 (Ất Dậu)

* Cây Ma Mây

- Do hai Phật tử Tuệ Minh Đức và Từ Thuận mang từ Cu Ba về tháng 6.2006 dâng lên Thiền viện trồng ngày12.8.2007 nhằm ngày 30 tháng 6 năm Đinh Hợi, với cả tấm lòng, Tuệ Minh Đức dệt thành vần thơ nhắn nhủ cây Ma Mây khi về với đất  Tổ như sau:

                        Ma Mây Ơi !
                Cu Ba gọi bạn Ma Mây
                Mẹ cha bạn ở chốn này bao năm?
                Yêu đoàn Việt đến thăm
                Quả thị Cô Tấm - Bạn nằm “Bị tôi”
                Niềm vui mới lại đến rồi
                Về đến Hà Nội – bồi hồi hân hoan
                Mùi thơm ngát ruột chín vàng
                Ba hạt rắn chắc - ba chàng Ngự Lâm
                Trăm ngày sáng tưới, chiều thăm
                Chồi xanh vươn thẳng, tròn căng tuyệt vời
                Ma Mây ơi - Cu Ba ơi!
                Cây cao quả quý cho đời thêm xuân
                Thiền viện Yên Tử chùa Lân
                Ma Mây che mát thêm xuân cho đời.

* Cây hoa Sen Đá

- Thượng Tướng Nguyễn Văn Hưởng Thứ Trưởng Bộ Công An trồng ngày 25.04.2008

* Ngày nay Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã có mặt nhiều nơi trong nước, các Thiền viện quy tụ được hàng trăm tăng ni chúng tu hành như:

               1- Thiền viện Chơn Không
               2- Thiền viện Thường Chiếu
               3- Thiền viện Viên Chiếu
                4-Thiền viện Phổ Chiếu
                5-Thiền viện Huệ Chiếu
                6-Thiền viện Tịch Chiếu
                7-Thiền viện Hương Hải
                8-Thiền viện Linh Chiếu
                9-Thiền viện Tuệ Quang
                10-Thiền viện Tuệ Thông
                11-Thiền viện Hiện Quang
                12-Thiền viện Đạo Huệ
                13-Thiền viện Liễu Đức
                14-Thiền viện Phúc Trường
                15-Thiền viện Sơn Thắng
                16-Thiền viện Trúc Lâm Đà lạt
                17-Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã
                18-Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử
                19-Thiền viện Trúc Lâm Sùng Phúc
                20-Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên
 

 

- Bên cạnh các Thiền viện, nhiều Đạo tràng Phật tử ở các tỉnh thành Nam, Trung, Bắc cũng được thành lập hướng theo con đường của chư Tổ Trúc Lâm.

- Ở ngoài nước như Úc, Mỹ, Canada, Pháp cũng có mặt các Thiền viện, Thiền tự, Thiền thất, Đạo tràng như:

* Ở Úc (Australia) có 6 Thiền tự, 2 đạo tràng:

            1- Thiền tự Hiện Quang ở tại Victoria, Melbourne
            2- Thiền tự Pháp Loa ở tại Victoria, Melbourne
            3- Thiền tự Tiêu Dao ở Victoria, Melbourne
            4- Thiền tự Hỷ Xả ở Adelaide, South Australia
            5- Thiền tự Giải Thoát ở thủ đô Canbera
            6- Thiền tự Tuệ Căn, ở Perth, Westrn Australia
            7- Đạo tràng “Vô Ưu” ở New Southwales, Sydney
            8- Đạo tràng “Hoa Ưu Đàm” ở Victoria, Melbourne

* Ở Mỹ có 3 Thiền viện, 3 Thiền tự

            1- Thiền viện Đại Đăng ở Bonsail, California
            2- Thiền viện Quang Chiếu, ở Dallas, Texas
            3- Thiền viện Bồ Đề ở tiểu bang Boston
            4- Thiền tự Ngọc Chiếu ở Santana, California
            5- Thiền tự Diệu Nhân ở Sacramento, California
            6- Thiền tự Vô Ưu ở San Hosé, California
* Ở Canada có Thiền viện Đạo Viên, ở Québec.
* Ở Pháp có Thiền thất Thường Lạc ở 63 Av. Rouget de Lisie 94400 Vitry/ Seine, France.

Nền văn hóa Thiền học thiền phái Trúc Lâm Yên Tử chính thức phục hưng, không chỉ trong nước mà còn có mặt nhiều nơi trên thế giới, không những có giá trị thực tiễn trong đạo pháp, mà còn đem lại sự bình yên cho mỗi con người, góp phần thanh bình cho cộïng đồng nhân loại.

Song song đồng hành với sự phát triển các Thiền Viện trong và ngoài nước, Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử được vinh dự có mặt tại cội nguồn chốn Tổ, nơi quy tụ những giá trị tinh hoa Văn hóa Thiền học, và cũng là mãnh đất địa linh non thiêng, thể hiện qua tứ quý Long - Lân - Quy - Phụng, được Hòa Thượng Pháp sư Huệ Đăng có duyên trở về với Tiền Bối Tổ Sư Việt Nam đã cảm tác về Chùa Lân - Thiền viện như sau:

                    Động Rồng Lân trấn cánh phượng che
                    Rùa Quý ngọc thiêng chiếu sáng lòe
                    Phật cảnh Việt Nam nghìn năm thịnh
                    Lòng dân bốn bể thiết tha về.
                                    ---*---
                    ( Long Động Lân Quy Phượng dực thùy
                    Linh quy hồng ngọc phổ quang huy
                    Phật độ Việt quốc niên trường thịnh
                    Tứ hải nhân sinh ngưỡng vọng kỳ).

Toàn thể Tăng ni Phật tử đã và đang làm tất cả những gì có thể làm được nhằm thực hiện hoài bão cao cả của người đệ tử Phật: “Thượng cầu Phật Đạo, hạ hóa chúng sinh”, lại có bổn phận trách nhiệm giữ gìn, tôn vinh và phát huy giá trị văn hóa Thiền học nước nhà mà ông cha ta đã có công tạo dựng.

[ Quay lại ]