headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 05/12/2024 - Ngày 5 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

YÊN TỬ VÀ LÔ SƠN

 Ni Sư Như Đức

Núi non cũng như con người khi thành danh đều có nhân duyên. Đâu là nhân duyên của Yên Tử? Giữa những vùng rừng núi trùng điệp, ngọn núi này kế tiếp ngọn kia kéo nhau như sóng cuộn, núi nào cũng cây xanh bao phủ thâm u, rất ẩn khuất kín đáo tưởng chừng như ngàn đời che dấu bí mật của thiên nhiên. Ai đi vào đó, ai chỉ ra riêng đây một vùng Yên Tử ?

Bây giờ thì không nói làm chi, vì đã có bảng chỉ đường, có tên tuổi gắn ở mỗi đoạn quanh co, sợ người ta nhầm lạc nên kèm thêm mũi tên hẳn hoi. Yên Tử nổi tiếng trong thơ ca bình dân và bác học, chắc chắn như niềm tin tưởng:

            Ai về Uông Bí quê tôi
            Nhớ lên Yên Tử xem trời gần xa
            Ngọn nguồn khe suối chảy qua
            Có chim ríu rít có hoa bốn mùa

Đó là câu thơ truyền miệng mà các cụ già đọc lại mỗi khi leo núi Yên Tử. Khẩu truyền, nhớ theo ký ức, người này nói người kia nghe, vậy mà làm nên tên tuổi. Người ta nói Yên Tử thiêng vì từ thời xưa, tận bên Tàu có vị đạo sĩ tên An Kì Sinh sang núi này tu luyện đắc đạo, thành tiên. Hiện nay trên đỉnh chùa Đồng vẫn còn tháp. Người tạo danh cho Yên Tử hay Yên Tử giúp người nên danh. Trong quần thể núi Đông Triều đâu phải chỉ có một ngọn Yên Tử đẹp như vậy, đâu phải chỉ một Yên Tử đầy mây sương khói mơ màng. Điều gì khiến người ta nhớ về Yên Tử không thôi. Có thể, nó là sự nối kết giữa cái bình thường la đà trên mặt đất với cái cao vòi vọi, vươn mình đụng mây. Có thể đó là nơi ẩn tu của các bậc cao nhân thoát tục, là nơi thanh nhàn tự tại của vị thầy Xương rắn mặt gầy, lòng như mây nổi (Khóa Hư Lục)

Nói gì thì nói, trước khi đến Yên Tử người ta háo hức nhìn lên đỉnh, nhìn theo triền núi gần xa cụm mây sương bảng lảng ở đoạn này đoạn nọ. Người ta thúc giục nhau đi lên, đi tới, leo qua chỗ này chỗ khác, nhìn ngắm bờ khe lối cỏ. Khi rời Yên Tử, còn ngó hoài, quay lui như cố nắm lại một giấc mơ. Trở về với đời thường, trả lại núi rừng như cũ. Tô Đông Pha viết về Lô Sơn:

             Lô Sơn yên toả Triết Giang triều
             Vị đáo sanh bình hận bất tiêu
             Đáo đắc hoàn lai vô biệt sự
             Lô Sơn yên tỏa Triết Giang triều

Khói ngút non Lô sóng Triết Giang, mây sương chập chùng trên Lô Sơn khiến người ta liên tưởng đến những con sóng trùm trên Triết giang. Mây và sóng luôn thay đổi, ào ạt rồi kéo nhau đi như dòng biến thiên của cuộc đời. nếu chưa đến được thì thật là tiếc cho giấc mộng bình sinh. Chỉ cần mình tuyên bố “Tôi đã đến Lô Sơn” hay “Tôi đã đến Yên Tử” đã hàm ngụ ý ngon lành. Đến rồi, lại trở về, không gì khác. Chỗ này không biết Tô Đông Pha có muốn chế giễu chúng ta, hay muốn nói một chuyện khác. Bởi vì câu kết thúc của nó vẫn là Lô Sơn yên tỏa.

Mây núi muốn đời vẫn vậy, y nhiên mơ màng, chốn nhân thế muôn đời cũng không gì khác lận đận lao đao. Hàng năm từ tháng Giêng đến tháng Ba, người ta kéo nhau về trẩy hội, đi như sóng cuốn rồng vờn, và sau một đợt như thế, để lại cho núi rừng biết mấy ngậm ngùi.

Chốn Lô Sơn của các đạo sĩ, ẩn sĩ, cư sĩ tiêu dao thoát tục vốn như một lời hứa trở về. Ngài Tuệ Viễn thời Đông Tấn cất am ẩn tu ở đó, Lô Sơn trở thành huyền thoại với khe Hổ, nơi Ngài dừng chân tiễn khách. Tô Đông Pha viết thơ tặng sư Đạo Tiềm, nói:

               Vi văn Lô nhạc đa chân ẩn
               Cố tựu cao nhân đoạn túc phan
               Dĩ hỉ thiền tâm vô biệt ngữ
               Thượng hiềm thế phát hữu thi ban
               ...
Tôi nghe trong Lô Sơn có nhiều bậc chân nhân ẩn cư, xưa cũng như nay người lên đó đều dứt hết mọi mối ràng buộc. Tôi cũng thích chốn thiền như thế. Không nhiều lời, đã dứt mọi thứ thì có gì để nói. Chỉ e ngại rằng một khi đưa lưỡi đao cắt mớ tóc tai này, còn bỏ cuộc thơ ở lại. Đi vào cõi thiền, với những công án, những lời bí ẩn như thơ, tôi không quản ngại. Rốt cuộc mọi thứ đều có chỗ trả về, như tám thứ trả về trong kinh Lăng Nghiêm:

               Dị đồng mạc vấn nghi tam ngữ
               Vật ngã chung đương phó bát hoàn

Tôi cũng sẽ trả thơ lại cho ngôn ngữ, hẹn với Ngài đến lúc nào - cùng ở tại Lô Sơn, để khi chúng ta mở ra một cánh cửa sẽ thấy núi xanh trùng điệp bao quanh:

               Đáo hậu dữ quân khai bắc hộ
               Cử đầu tam thập lục thanh sơn

Chưa đến Lô Sơn, khi ở Yên Tử chúng ta cũng thấy được vẻ đẹp hùng tráng, nhìn chỗ nào cũng thấy núi ẩn hiện, núi gần màu đậm, núi xa màu nhạt sương mây, đầy kín chân trời. Núi rừng nào được thơ đề phú vịnh, tự dưng đẹp hẳn lên, dù cũng là trời mây non nước. Yên Tử được rất nhiều thơ vịnh, nhưng chắc chắn gần gũi dễ thuộc nhất, là những câu đọc nằm lòng, bất hủ với thời gian.

               Gió đưa rừng trúc vi vu.
               Nhác trông lên thấy ngay chùa Động Tiên

                                                    (chùa Hoa Yên)

                Rừng theo vách đá đi liền
                Rừng theo vách đá ta lên chùa Đồng.

[ Quay lại ]