headertvtc new


   Hôm nay Thứ tư, 08/01/2025 - Ngày 9 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatthanhdao  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

CHÙA CHIỀN, MÁI NHÀ TỔ TIÊN CHÙA LÂN, HỒN THIÊNG DÂN TỘC

 Tuệ Cang - Thường Lạc / Pháp Quốc

Sự bất quá tam. Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời. Một nhận xét dân gian về biến cố thường xảy ra trong đời. Đây có phải là quy luật cố định chăng?

Trong thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, chúng ta nghe có ba đời chư Tổ. Đó là chư vị Sơ Tổ Trúc Lâm Đầu-đà, Nhị Tổ Pháp Loa và Tam Tổ Huyền Quang. Sau khi Tam Tổ tịch diệt, có người tưởng rằng sau đây là tiệt dòng, không Tổ kế thừa. Thật ra sự truyền thừa dòng thiền Yên Tử tùy duyên mà ẩn hiện, nổi chìm theo thăng trầm của thế cuộc, cuối cùng gián đoạn hơn trăm năm, tưởng chừng như bị chôn vùi trong quên lãng.

Hiện hữu nào có hình tướng đều phải trải qua tướng sinh và diệt. Nhưng thật tướng của nó ra sao ? Có nhà khoa học phương Tây khẳng định rằng không có gì được sinh và cũng không có gì bị diệt và tất cả đều được chuyển hóa. Muôn sự trên đời đều là pháp thế gian. Với cách nhìn vô tướng của Bát Nhã Tâm Kinh, các pháp đều là không, không sanh không diệt. Từ thể tánh không sanh, Sơ Tổ Trúc Lâm mới dễ dàng dung hợp ba dòng thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi, dòng Vô Ngôn Thông và dòng Thảo Đường thành một phái thiền Trúc Lâm Yên Tử. Và cũng vì không diệt mà mãi gần bảy trăm năm sau, dòng thiền Yên Tử lại được Hòa Thượng Tôn sư Thích Thanh Từ phục hưng trở lại với danh hiệu mới là Thiền Tông Việt Nam. Tuy hiện đời gọi mới nhưng sự nghiệp tâm linh vẫn như xưa : đào tạo Tăng Ni trên con đường giải thoát sanh tử và tạo điều kiện thuận lợi cho các Đạo tràng Cư sĩ trao dồi đạo đức bằng phương pháp Thiền Giáo song hành và cương lĩnh Biết Chân Tâm. Cho nên dù không được truyền thừa trực tiếp, nhưng đường lối Thiền Tông Việt Nam không xa rời kinh Phật và tông chỉ Tối Thượng Thừa Thiền nên được xem là kế tục thừa đương, tùy duyên bất biến.

Chùa Lân được tôn tạo dưới sự chỉ đạo của Hòa Thượng Tôn sư và đã khánh thành ngày 14/12/2002, cách đây đã được 6 năm. Thượng Tọa Thích Thông Phương được bổ nhiệm chức Trụ Trì Chùa Lân - Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử từ dạo ấy.

Chùa không phải là nơi danh lam thắng cảnh thông thường. Có những ngôi chùa nằm chơi vơi trên sườn núi, xa thôn xóm thị thành, tạo cho ta ấn tượng rằng những ngôi tự này là nơi dành riêng cho các vị Tăng Ni tu hành, xa rời thế tục và biệt lập với đời. Với con mắt bàng quan, khách chỉ biết đến thưởng thức cảnh đẹp u nhàn thanh tịnh. Không ít Phật tử vào chánh điện lễ Phật khấn vái, cúng dường rồi ra ngoài chụp vài tấm ảnh lưu niệm, trong lòng cảm thấy an vui trước khi ra về. Hiểu như thế thì chỉ nhìn được lớp vỏ ngoài chớ chưa hiểu rõ ý nghĩa trọn vẹn về Chùa.

Xin mời chư vị quan khách tìm hiểu sâu thêm hầu thâm nhập vào thực thể của Chùa. Với tâm học hỏi cầu pháp, ta đến tham vấn lý đạo với Tăng Ni, tìm hiểu chủ trương tu hành của Thiền viện, thỉnh băng sách về xem, lúc ấy ta mới có cơ hiểu biết cặn kẻ hơn về Chùa. Rồi một hôm biết đâu ta có duyên trở lại Chùa xin tu tập thiền định...

Chùa không có tự ngã riêng biệt. Nhìn sâu xa, ta sẽ thấy chùa được tạo dựng bởi những thành tố « chùa » như Tăng Ni Cư sĩ, tụng kinh ngồi thiền, lao tác trong tỉnh thức, thiền phong trong bốn oai nghi… cộng với những thành tố « ngoài chùa » như du khách thập phương, cá nhân hay đoàn thể xã hội, ban tôn giáo, chánh quyền địa phương, vv. Thành tố « chùa » và thành tố « ngoài chùa » tương duyên với nhau thành một tổng thể tôn nghiêm và an toàn cho đời sống tâm linh. Trong chùa thờ chư Phật, Bồ tát và Tổ. Đền đình thờ phụng các vị Tổ tiên đất nước như chư Thánh Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, vv. Lại có chùa chiền đặt bàn vong thờ cúng ông bà tổ tiên cho bá tánh địa phương. Cổng chùa lúc nào cũng mở rộng cho tất cả mọi người. Ai thích đều có thể đến chùa thư giãn, học hành giáo lý, trau dồi đạo đức hoặc tìm về với bản tâm sáng suốt và thanh tịnh của chính mình. Cho nên từ xưa Chùa được xem là mái nhà Tổ tiên cho tất cả mọi người dân Việt. Ai cũng có thể đến viếng thăm, lễ bái, hồn nhiên tham kiến và không e ngại mình bị phân chia ra thành phần này nọ trong xã hội. Nguyên tắc đến chùa là để thanh tịnh hóa thân tâm, tìm nguồn vui trong đạo lý, tránh thị phi và không chính trị.

Riêng về Chùa Lân, Chùa có những đặc thù uy nghiêm và siêu thoát. Chùa tọa lạc ở triền núi Yên Tử, nơi mà các vị Tổ từ nhiều thời đại khác nhau đã tìm về ẩn thân tu hành và giáo hóa chúng sanh. Trên núi, tháp và bia ký còn lưu lại nhiều dấu tích của Ngài Điều Ngự Giác Hoàng, nguyên Vua Trần Nhân Tông bỏ ngai vàng lúc 41 tuổi, lên Yên Tử lập hạnh Đầu-đà, quyết chí tu hành và đã sáng thiền.

Ngoài công trình xây dựng tôn giáo của Sơ Tổ Trúc Lâm, chúng ta không thể nào quên được những sự nghiệp hiển hách của Ngài về quân sự, chính trị, văn hóa như vun bồi văn tự - chữ nôm giàu bản sắc dân tộc - và giáo dục đạo đức xã hội quần chúng bằng phương cách dạy giữ Năm Giới, tu Thập Thiện. Về mặc tôn giáo, Ngài chủ trương Tam giáo đồng nguyên và Thiền giáo đồng hành.

Vì thế Chùa Lân là một trong những cái nôi Phật giáo, là gia sản văn hóa Việt Nam, là truyền thống yêu nước thương Phật, có nghĩa là dân quân thời bấy giờ dám xả thân khi đất nước bị xâm chiếm và xả ly tất cả trong thời bình để trở về sống lại với Ông Phật của chính mình. Vì vậy Chùa Lân rất xứng đáng được xem là hồn thiêng dân tộc.

Ngày kỷ niệm 700 năm Giỗ Tổ Trúc Lâm Đầu-đà, ngoài việc tưởng niệm đến hành trạng vẻ vang và sáng đạo của Ngài, chúng ta có thể nhân dịp rút ra những bài học thực tiễn của người xưa để góp phần xây dựng đời sống tâm linh quần chúng trong hiện tại. Vì thế, nhân ngày Lễ hội long trọng này, chúng con nguyện mong cho các bậc Tôn Túc và Tăng Ni ngày càng thêm thấu tột «hòn ngọc như ý» của mình và bảo nhậm nó trong sáng mãi như ngọn hải đăng thắp suốt không ngừng nghỉ trong 700 năm tới.

Chùa Lân lẫy lừng trong quá khứ, nên ngày nay trên cả ba miền đất nước đều có mặt Thiền Viện của tông môn. Bảy thế kỷ tới, sự cố sẽ đi về đâu ? Câu trả lời có thể đáp ứng liền được ở nơi đây và ngay bây giờ nếu Tăng Ni đều quyết tâm sống theo hạnh nguyện của Sơ Tổ và Hòa Thượng Tôn sư mà không lui sụt. Con số 7 là Phật số rất linh thiêng. Bảy bước đi giải thoát và hóa độ chúng sanh. Long Thần Hộ Pháp sẽ bảo hộ những bước đi kiên cố và thanh thoát của chư vị hành giả.

Chùa Lân sao lại là hồn thiêng của dân tộc ?

Chùa và dân tộc là hai hiện hữu tuy khác biệt nhưng thực thể không hai,       

không dơ và không sạch.

Trong chùa có những vị thầy tròn đầy đạo hạnh và cũng có thầy chưa được oai nghi cho lắm. Tinh tấn, nhẫn nhục, hành trì kiên cố, lục hòa là hạnh của phần đông đại chúng. Nhưng tập khí biếng nhác, ngã chấp, tật đố, … khó buông bỏ được trong đầu hôm sớm mai. Tất cả những cá tính trên đây được xem như sen với bùn, hoa và rác. Chúng tương nhập với nhau. Trong sen có bùn và bùn chính là mẹ nuôi dưỡng sen. Thực chất của hai không dơ không sạch. Mới xuất gia thì trong ta có nhiều bùn hơn sen. Nhưng tu lâu thì lý đáng phần sen phải trội hơn bùn. Chỉ cần mỗi chiều thành tâm Sám Hối Sáu Căn và nương tựa nơi Đại Chúng, thân tâm sẽ được tẩy trừ những cù cặn bởn nhơ và tâm sen sẽ nở thơm trên thân bùn. Bản tâm sẵn có là tâm Phật không dơ không sạch, chỉ cần lập hạnh đầy đủ là xong phận sự. Khi cần thì mới nhờ đến phẩm hạnh của bậc trưởng thượng thương yêu ân cần nhắc nhở. Đây là thực tướng về Chùa.

Thực tướng về Dân tộc cũng không khác. Những tấm gương sáng như tinh thần tận tụy hy sinh, kỷ cương trách nhiệm, hoan hỷ, thương người và bao dung, … thuộc về đạo đức chung của con người. Chúng là những chất keo tốt gắn chặt tình đại đoàn kết dân tộc, tạo một đất nước phồn vinh thật sự và hạnh phúc lâu bền. Việt Nam có túc duyên lành với Phật giáo nên từ lâu đã có truyền thống đạo đức tâm linh sâu dày trong việc Phật hóa nhân gian. Nguyện cầu cho chúng sanh đạo đức "càng tăng trưởng, vui hưởng cảnh thái bình, nơi nơi dứt đao binh, mỗi mỗi đều thành Phật".

Ba hồi trống chuông được gióng lên báo hiệu đại Lễ Giỗ Sơ Tổ Trúc Lâm bắt đầu. Ngày 01.11.2008 A.L., chùa Lân tổ chức thật trang nghiêm và long trọng cho 700 năm này. Hồn thiêng dân tộc lưu chuyển tinh thần Bi Trí Dũng của Ngài Điều Ngự Giác Hoàng về chứng giám. Chùa Lân - Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử chắc vô cùng hân hoan và vinh hạnh đứng ra đón nhận huyền ký của Ngài phó chúc để bảo nhậm mạch nguồn Phật pháp hầu tạo gương sáng cho toàn thể chúng sanh và nhân loại.

                  

[ Quay lại ]