headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 29/03/2024 - Ngày 20 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

"PHẢN QUAN TỰ KỶ"- VỚI BA CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ THIỀN HỌC VIỆT NAM

 Thích Trúc Thông Quảng

Núi rừng thiêng liêng Yên Tử xưa kia vốn là kinh đô Phật Giáo thời Trần, một thời đại huy hoàng đã gầy dựng nên sức sống thiền riêng cho người Việt. Ôi hãnh diện biết bao, một đất nước có vị vua đang sống trên ngai vàng an hưởng đầy đủ quyền uy sang trọng, thế mà Ngài buông bỏ hết tất cả vào chốn núi rừng Yên Tử vắng vẻ để chuyên tu hạnh đầu đà.

Từ đó, dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử ra đời như một dòng nhỏ của Tào Khê chảy vào tâm hồn Thiền Việt Nam. Vị vua sau này trở thành Sơ Tổ Trúc Lâm Đại Đầu Đà, vị khai sơn cho dòng thiền này, cũng như cho các ngôi chùa mọc lên ở Yên Tử, trong đó có ngôi chùa Lân - Long Động, chính là Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử ngày nay.

Cũng từ chiếc nôi Phật Giáo đời Trần này trải qua bao thế kỷ mà mạch thiền vẫn ngấm ngầm chảy theo vận mệnh của đất nước. Cho đến ngày nay, dù lịch sử mở ra ba giai đoạn dành riêng cho Thiền học nước nhà nhưng vẫn nêu cao tông chỉ "Phản quan tự kỷ bổn phận sự bất tùng tha đắc" một cách sáng ngời.

Không phải ngẫu nhiên Tuệ Trung Thượng Sỹ (1230 - 1291) khai thị cho vua Trần Nhân Tông (1258 - 1308) câu danh ngôn Thiền bất hủ này. Bởi nếu xét ra, nó không đơn thuần chỉ là lời huấn thị thiền giữa thầy và trò trên tinh thần học đạo mà còn được xem như là lời ấn ký. Tuệ Trung đã ngầm muốn đặt lên vai nhà vua một trọng trách, một bổn phận chỉ có nhà vua mới có thể thực hiện được chứ không ngoài ai khác. Bởi Thượng Sỹ rất thấu rõ hoài bão và chí nguyện xuất trần của vua Trần Nhân Tông hơn ai hết, và cũng vậy, chỉ có nhà vua mới là người thông cảm tâm tư nguyện vọng của Thượng Sỹ, mới nhận ra yếu chỉ sâu xa trong lời ký ấy mà thôi.

Như trong cuốn "Tam Tổ Trúc Lâm" đã nói rõ cuộc đời của vua Trần Nhân Tông. Sau thời gian ở ngôi Thái Thượng Hoàng, Ngài xuất gia vào tu ở núi Yên Tử vào tháng Mười năm Kỷ Hợi (1299). Trải qua bao năm chuyên cần tu tập hạnh đầu đà, Ngài ra ứng thế, giáo hóa quần sanh rồi đời sau tôn hiệu Ngài là "Phật Hoàng". Thế nhưng trước đó cũng với ước nguyện ấy mấy phen không thành tựu. Ngài cố từ ngôi vị Hoàng Thái Tử nhường lại cho em mà vua cha không chịu. Đã một lần, Ngài "trèo thành trốn đi vào núi Yên Tử" vào lúc giữa đêm. Hoài bão xuất gia đã nung nấu trong lòng Thái Tử là vậy. Nên khi lên ngôi vua năm 21 tuổi, Ngài vẫn thể hiện tinh thần ấy bằng cách "giữ mình thanh tịnh để tu tập" và "thường ăn chay lạt thân thể gầy ốm". Ngoài ra, Ngài còn tự dọn sẵn cho đời Ngài một hướng đi riêng, đó là "những khi nhàn rỗi, Ngài mời các thiền khách bàn giải về tâm tông (thiền), tham học thiền với Thượng Sỹ Tuệ Trung, thâm đắc đến chỗ thiền tủy".

            Nhân Tông gặp thầy Tuệ Trung
            Làm đệ nhất Tổ Nam cung nước này.
                                 (Thiền Tông Bản Hạnh)

Cuối cùng như đã được ngầm giao phó trọng trách, Ngài khéo hợp ba phái thiền có trước đó do các vị thiền sư người nước ngoài truyền vào là phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi (? - 594), phái Vô Ngôn Thông (? - 826) và phái Thảo Đường (1055 - 1205) làm thành một dòng thiền riêng cho dân tộc Việt - Trúc Lâm Yên Tử rất thành công trong phần sự nghiệp quan trọng của đời Ngài.

Vì vậy có thể nói, ngầm ý của Tuệ Trung Thượng Sỹ qua câu "Phản quan tự kỷ" là, không những khi tu hành soi sáng lại chính mình là phận sự gốc chứ không từ người khác được. Mà sau này ra ứng thế, nhà vua phải làm sao thực hiện trọng trách đó chứ không ngoài ai khác, để đánh dấu mốc lịch sử thiền học nước nhà. Từ đó, chùa Lân - Long Động cũng như các ngôi chùa khác trong non Yên Tử đã trở thành trụ sở chính và cũng là nơi thuyết kinh giảng đạo của dòng thiền này. Đây là giai đoạn thứ nhất của Yên Tử.

Đạo Phật đời Trần là đạo Phật nhập thế, ảnh hưởng lớn từ các vua quan sĩ thứ nhà Trần. Vì thế nên khi nhà Trần sụp đổ, tôn giáo này cũng chịu ảnh hưởng chung số phận điêu linh ấy. Tuy nhiên, sức sống tôn giáo ấy tiềm tàng trong lòng dân tộc Việt, dù trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử cũng có lúc nó thổi lên bầu không khí sinh động một thoáng trong thời đại nó đi qua.

Khi nhà Lê lên nắm quyền vương quốc, chú trọng nho, mà vẫn có các vị thiền sư phất lên ngọn cờ thiền soi sáng vùng trời tối tăm ánh sáng Phật giáo. Một trong những vị tiên phong ấy là Thiền sư Chân Nguyên Tuệ Đăng (1647 - 1726), người đã khôi phục dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử trên núi Yên Tử thuở xưa theo truyền thống "Phản quan tự kỷ" của trường phái Trúc Lâm.

Sư thuở nhỏ đã chịu ảnh hưởng sâu sắc của dòng thiền này rồi. Năm 16 tuổi, Sư đọc quyển Tam Tổ Thực Lục, đến Tổ thứ ba là Huyền Quang liền tỉnh ngộ nói: "Cổ nhân ngày xưa dọc ngang lừng lẫy mà còn chán sự công danh, huống ta là một chú học trò". Sư liền phát nguyện đi tu. Và năm 19 tuổi, Sư lên chùa Hoa Yên vào yết kiến Thiền sư Tuệ Nguyệt Chân Trú, được vị này thế phát xuất gia và cho pháp danh là Tuệ Đăng. (Theo Thiền sư Phúc Điền chép trong sách Đại Nam Thiền Uyển Truyền Đăng Lục quyển Hai về danh hiệu 23 vị Tổ truyền thừa chùa Yên Tử từ Tổ sư Hiện Quang đến Vô Phiền Đại sư, thì Tổ sư Chân Trú ở ngôi vị thứ 22). Như vậy là Sư có chí nguyện trở về cội nguồn từ đây. Song tiếc thay, Thiền sư Tuệ Nguyệt tịch sớm nên Sư đến nương nơi Thiền sư Minh Lương, một thiền sư dòng Lâm Tế bên Trung Hoa truyền sang, để mong cầu liễu ngộ tâm tông. Nương theo đó và được đắc truyền tâm ấn rồi, Sư liền trở về lại núi Yên Tử với tinh thần "Phản quan" khôi phục lại dòng thiền này. Cuốn "Thiền Sư Việt Nam" có chép: "Sư được truyền thừa y bát Trúc Lâm, làm trụ trì chùa Long Động và chùa Quỳnh Lâm, là hai ngôi chùa lớn của phái Trúc Lâm".

Ngoài ra, Sư còn góp công soạn thảo và sáng tác các tác phẩm Phật giáo, trong đó có cuốn" Trần Triều Thiền Tông Chỉ Nam Truyền Tâm Quốc Ngữ Hành", gọi tắt là "Thiền Tông Bản Hạnh" rất quan trọng cho dòng thiền này. Đương thời, Sư được vua Lê Hy Tông ban cho hiệu Vô Thượng Công và cúng dường áo ca sa cùng những pháp khí để thừa tự năm 46 tuổi (1692), và được vua Lê Dụ Tông phong chức Tăng Thống và ban hiệu Chánh Giác Hòa thượng lúc 76 tuổi (1722).

Cuộc đời và sự nghiệp hoằng dương chánh pháp của Thiền sư Chân Nguyên có thể nói, là ngôi sao sáng chói trên nền trời nhà Lê, làm thức tỉnh vua chúa đương triều biết quy hướng về chánh pháp của Như Lai và nhất là có công phục hưng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử lần thứ nhất. Thật đáng kính biết bao! Ấy là do Sư khéo lãnh hội được yếu chỉ “Phản quan tự kỷ” của Tuệ Trung Thượng Sỹ ngày nào vậy. Với những công trạng ấy, nên sau khi tịch, tháp hiệu Tịch Quang thờ xá lợi của Sư ở hai chùa Quỳnh Lâm và Long Độâng vẫn còn cho tới nay: sừng sững oai nghiêm dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử dân tộc. Ai đã môït lần đến Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử sẽ đón nhận chút tấm lòng còn lại của Sư.

Thế rồi sau thời đại của Thiền sư Chân Nguyên, đất nước lâm vào cảnh lầm than khốn khổ của cuộc nội chiến giữa hai chúa Trịnh - Nguyễn phân tranh. Kế là nhà Nguyễn lên ngôi trị vì lại trọng nho nên Phật giáo Việt Nam dần dần ẩn bóng. Rồi đến đầu thế kỷ XX, Việt Nam thành thuộc địa của Pháp, tình trạng Phật Giáo trở nên suy đồi.

Trước tình cảnh đau thương đó, Hòa thượng Viện Trưởng Thiền viện Trúc Lâm - Đà Lạt với tấm lòng từ bi cao cả, Ngài đã không từ gian lao khổ nhọc quyết chí tu hành để tìm ra con đường thiết thực ứng dụng cho nền Phật giáo Việt Nam trong thời hiện tại. Trong cuốn "Ba Vấn Đề Trọng Đại Trong Đời Tu Của Tôi" Hòa thượng có trăn trở nói:"Chúng tôi tự đặt cho mình trọng trách phải gánh vác việc này. Vì vậy qua nhiều năm ưu tư tôi khẳng định lấy Phật giáo đời Trần làm cái mốc để xây dựng Phật giáo Việt Nam hiện thời".

Đúng như vậy, song song với việc nghiên cứu, sưu tầm các tư liệu lịch sử Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng thành lập ngôi thiền viện đầu tiên mang tên của dòng thiền Trúc Lâm, Thiền Viện Trúc Lâm - Đà Lạt. Cùng lúc đó, Ngài đem hết tâm huyết chuyên dịch và giảng dạy các sách thiền Việt Nam như Khóa Hư Lục, Tuệ Trung Thượng Sỹ Ngữ Lục, Tam Tổ Trúc Lâm,…nhất là nêu cao tông chỉ thiền "Phản quan tự kỷ" của người xưa. Bởi lẽ Phật giáo đời Trần có những đặc điểm phù hợp với thời hiện đại.

Trước hết là ông vua đi tu xem ngai vàng như dép rách, một vinh dự lớn lao cho người Việt. Đường lối tu hành ở giai đoạn này là nhập thế, không chỉ riêng người xuất gia mà ngay cả tại gia tu hành đều được ngộ đạo, như các vua nhà Trần và Tuệ Trung Thượng Sỹ là những nhân vật tiêu biểu. Chủ trương Thiền giáo đồng hành rất phù hợp với tinh thần thiền hiện nay. Phật giáo đời Trần vừa thực tế là dạy cho dân chúng hành Thập thiện đem lại lợi ích an dân và xã hội, còn vừa tích cực bài trừ tệ nạn trong xã hội như phá bỏ các dâm từ (miếu thờ thần không chánh đáng). Nhưng quan trọng nhất là chủ trương "Phản quan tự kỷ bổn phận sự bất tùng tha đắc" là một pháp tu nhẹ nhàng và có hiệu quả thiết thực trong thời đại khoa học hiện nay. Vì thế, lần lượt các ngôi thiền viện kế tiếp mang tên “Trúc Lâm” ra đời để đáp ứng nhu cầu tu học và tìm hiểu Phật giáo dân tộc của quần chúng, Tăng Ni và Phật tử. Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử là một trong số ngôi thiền viện đó, được xây dựng lại trên nền cũ của chùa Lân - Long Động vào năm 2002, là một thể hiện tinh thần noi theo bước chân người xưa để học cái hay của họ mà không nệ cổ. Đó là lý do vì sao Hòa thượng Trúc Lâm, người thứ hai chủ trương khôi phục Phật giáo đời Trần.

Gần 700 năm qua với ba giai đoạn lịch sử Xây dựng và Khôi phục Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử nhưng đường lối và chủ trương vẫn một, tưởng như ba lần ấy chỉ là ở một người! Thật vậy, nếu ai đọc kỹ Thiền sư Chân Nguyên sẽ cảm nhận một chút hơi hám của Tổ Sư thuở nào.

                    Điều Ngự cổ Phật tái lai,
                    Tông giáo trong ngoài phó chúc tuân y.
                    Thật dòng Lâm Tế tông chi,
                    Pháp phái vĩnh thùy Yên Tử Thiền lâm.

                                                (Thiền Tông Bản Hạnh)

Và hiện tại, ai đã từng nghe băng giảng của Hòa thượng Trúc Lâm về triều đại nhà Trần hẳn sẽ ngạc nhiên vì sao Ngài giảng giải một cách rõ ràng như chính từ miệng người xưa nói ra! Chẳng hạn như giải thích vua Trần Nhân Tông hai lần đánh quân Nguyên mà tu hành vẫn đắc đạo qua hai hội nghị Bình Than và Diên Hồng rất dân chủ chưa từng có trong lịch sử làm nhiều người ức đoán. Cũng như làm sáng tỏ việc lên Yên Tử của Sơ Tổ Trúc Lâm để đánh bạt sự ngộ nhận của Ngô Thì Nhậm qua bài "Đắc Thú Lâm Tuyền Thành Đạo Ca" với bốn câu thơ:

                    Ngồi cong (trong) trần thế,
                    Chẳng quản sự thay;
                    Văng vẳng ngàn kia,
                    Dầu lòng dong (thong) thả.

rất đúng với tâm trạng thoát trần của Thiền sư không màng thế sự…

Tóm lại, có thể nói, xây dựng mà không người thừa kế thì sự nghiệp chẳng duy trì được bền lâu, còn khôi phục đúng với lý tưởng của người xưa thì tâm hạnh mới rộng khắp. Với ý nghĩa ấy, không những Thiền sư Chân Nguyên, ngay cả Hòa thượng Trúc Lâm đã hoàn thành trách nhiệm một cách vẻ vang, thật không hổ thẹn với bậc tiền bối “xem ngai vàng như dép rách” vì sự nghiệp này.

[ Quay lại ]