headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 05/12/2024 - Ngày 5 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

PHẬT HOÀNG NƯỚC VIỆT

 HT. THÍCH NHẬT QUANG

(Trụ trì Thiền viện Thường Chiếu) 

Như chúng ta biết Sử học Việt Nam đã dành những trang vàng sáng chói nhất để khắc họa lại toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của vua Trần Nhân Tông như một huyền sử có một không hai, về một đc vua mang đậm chất Phật hơn là chất đế vương. Ngoài một hoàng đế anh minh, một lãnh tụ thiên tài, một vị anh hùng dân tộc, Ngài còn là một thiền sư, một hiện thân Bồ tát đi vào cuộc đời thực hành hạnh nguyện độ sinh, trải thân trên con đường Phật đạo. Sống ở cõi trần mà không nhiễm mùi trần, vì lợi lạc quần sinh.

Một ngòi bút chưa thâm đạt công phu tu chứng như các bậc cổ đc thì có gan đâu mà dám lạm bàn về cuộc đời và công hạnh của Tổ sư. Song là tăng sĩ Việt Nam, đặc biệt là con cháu dòng thiền Trúc Lâm, chúng tôi luôn ngưỡng vọng về Tổ sư, nguyện khắc ghi công hạnh và di huấn của Ngài, học tập, hành trì, ngõ hầu thấu đạt những gì Phật Tổ đã một đời tâm huyết truyền trao.

Vì vậy nhân lễ kỷ niệm 700 năm ngày Tổ sư viên tịch, chúng tôi xin được cúi đầu tưởng niệm lại công đc của Ngài đối với dân tộc Việt Nam, tăng sĩ Việt Nam, như những đứa con đứa cháu về lại chốn Tổ dâng nén tâm hương, chân thành và xúc động khi tưởng nhớ về nguồn cội Tổ tiên.

A. Với dân tộc Việt Nam, Trần Nhân Tông là một vị minh quân tài đc vẹn toàn.

Vua Trần Nhân Tông sinh ngày 11 tháng 11 năm Mậu Ngọ, niên hiệu Nguyên Phong thứ VIII (1258), là con trưởng của Thượng hoàng Thánh Tông và hoàng thái hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm. Nhà vua đạo mạo trang nghiêm, nhan sắc như vàng nên khi mới sinh được vua cha đặt tên là Kim Phật. Vai bên tả có nốt ruồi đen, đó là dấu hiệu có thể gánh vác được việc lớn. Thánh Đăng Lục ghi: Năm 16 tuổi, được lập làm Hoàng Thái tử, Điều Ngự cố từ ba lần, xin cho em là Đức Việp thay mình nhưng đều không được. Vua cha gã trưởng nữ của Nguyên Từ Quốc mẫu cho làm vợ, tức là Thái hậu Khâm Từ. Duyên cầm sắc tuy hài hòa, nhưng lòng vua thì rất lạnh nhạt. Đủ thấy Trần Nhân Tông sinh ra đời không vì nghiệp lực câu thúc dẫn dắt mà do hạnh nguyện tự lợi, lợi tha để thành tựu Phật đạo.

Vua bẩm chất thông minh, học rộng, biết nhiều, rất uyên áo về Phật học nhờ được thụ giáo với Thượng sĩ Tuệ Trung. Năm 21 tuổi được Thượng hoàng Trần Thánh Tông truyền ngôi và chính thức trở thành Hoàng đế nước Việt vào năm 1279, lấy hiệu là Thiệu Bảo Nguyên Niên. Tuy ở ngôi chí tôn, vua vẫn giữ mình thanh tịnh, ban ngày làm việc triều chính, đêm về nghỉ ở chùa Tư Phúc trong nội thành. ngôi 14 năm, Trần Nhân Tông quán triệt và thống lĩnh toàn dân xuất sắc trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao, văn hóa… đưa nước nhà đi vào thời kỳ vàng son nhất của lịch sử.

1. Về chính trị:

Tính đạo đức, nhân bản thể hiện rõ qua chính sách an dân và ổn định xã hội bằng việc “đại xá cho thiên hạ” nhân dịp tết Kỷ Mão năm Thiệu Bảo thứ nhất 1279, sau khi vua mới lên ngôi (ĐVSKTT). Ngoài ra nhà vua đã để lại trong lòng quân dân nước Việt thời ấy cũng như bây giờ một lấm lòng độ lượng bao dung, sẵn sàng tha thứ chớ không ôm ấp thù hận, nghi kỵ đối với các thế lực thù trong giặc ngoài, qua việc cho đốt hết hồ sơ những ai kết cấu với giặc, phản bội dân tộc trong lúc đất nước lâm nguy. Đây có lẽ nhờ nhà vua thấm nhuần tinh thần bi trí dũng trong đạo Phật vậy.

Vua cho giải quyết những oan ức, bất công tồn tại trong quần chúng một cách anh minh, chánh trực và nhanh chóng.  ĐVSKTT kể lại có người đã đón xe vua, khiếu nại về kết quả một vụ án. Ngay trên đường, Vua sai chánh trưởng nội thư hỏa là Trần Hùng Thao giải quyết liền tức khắc. Cũng trong giai đoạn đó, Trịnh Giác Mật ở đạo Đà Giang làm phản, Vua sai Trần Nhật Duật đi dụ hàng. Trần Nhật Duật đã thành công và đem Mật cùng vợ con vào ra mắt vua, mà không mất một mũi tên.

2. Về kinh tế:

Do khéo khuyến khích và huy động lực lượng nông dân, một năm sau khi lên ngôi, vào tháng 10 thì dân ta “được mùa to, lúa ruộng ở hương Trà Kiều thuộc Khoái Lộ một giò hai bông” như ĐVSKTT đã ghi.  Để tạo điều kiện cho sự phát triển một nền thương mại quốc dân, năm Thiệu Bảo thứ hai 1280 vua Trần Nhân Tông đã “ban thước đo gỗ, đo lụa cùng một kiểu”, nhằm thống nhất hệ thống đo lường trong cả nước cho tiện việc buôn bán. Tháng 2 cùng năm, “xét duyệt sổ đinh và các sắc dịch trong nước”, để nắm dân số, tạo thuận lợi cho công ăn việc làm của người dân.

3. Về quân sự:

Có thể nói vua Trần Nhân Tông đã trở thành ngôi sao Bắc Đẩu không chỉ đối với dân tộc Việt Nam mà là đối với cả thế giới về tài điều binh khiển tướng, thao lược quân sự, qua hai cuộc chiến thắng vang dội chống đội quân Nguyên Mông hung hãn nhất thời bấy giờ. Nhà vua đã vươn lên đến đỉnh cao của một vị minh quân, biết đặt ý muốn của toàn dân lên trên ý muốn của riêng mình, biết đặt vận mệnh của đất nước và dân tộc lên trên vận mệnh của mình, thoát khỏi chiếc võ quyền lực quân chủ vốn rất cố hữu của các bậc đế vương thời phong kiến.

Là một Phật tử thuần thành trong việc giữ gìn năm giới, nhất định nhà vua biết rõ khi cầm quân dẹp giặc phải mang tội sát sanh, nên Ngài đã không muốn xảy ra điều này. Tính dân tộc, dân chủ của vua Trần Nhân Tông thể hiện rất rõ qua hai cuộc hội nghị Bình Than và Diên Hồng để xin ý kiến toàn quân toàn dân về việc chống giặc ngoại xâm. Khi toàn dân đã quyết chiến, nhà vua thuận theo ý muốn của muôn dân, thân chinh trực tiếp chỉ huy, xông pha trận mạc, quên ăn bỏ ngủ, gối cỏ nằm sương cùng ba quân tướng sĩ, thề nguyền sống chết với đất nước quê hương. Cho đến bây giờ trang Quốc sử nước Việt vẫn còn đỏ thắm màu chiến công oanh liệt một thuở của Trần Nhân Tông và trên hết là màu tâm đan son sắc của một đấng quân vương biết quên mình vì đại nghĩa non sông.

4. Về ngoại giao:

Ngoài việc đối phó với nhà Nguyên, chỉ mấy tháng sau khi lên ngôi, vua Trần Nhân Tông còn nghĩ đến vấn đề ngoại giao với Chiêm Thành, nỗ lực xây dựng một quan hệ hữu nghị thân thiết với quốc gia láng giềng nằm ở biên giới phía nam của tổ quốc. Bởi vì Chiêm Thành có một vị trí chiến lược đối với nền an ninh của nước Việt. Vua Trần Nhân Tông kiên quyết phải giữ cho được biên giới phía nam hòa bình và ổn định, không để cho kẻ địch phương Bắc có cơ hội khoét sâu, gây chia rẽ tình đoàn kết Việt - Chiêm. Nhà vua đã gã công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm là Chế Mân cũng không ngoài mục đích này. Trần Nhân Tông quả thật sắc sảo mà nhân hậu trong đường lối chính trị cũng như ngoại giao.

5. Về văn hóa:

Vua Trần Nhân Tông đã khẳng định người nước nam phải dùng tiếng nước nam, dân tộc ta có một nền văn hóa lâu đời cần được giữ gìn và phát huy. Với văn tài đậm đà chất Phật và chất thi, vua đã cho ra đời hai tác phẩm Cư trần lạc đạo phú và Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca bằng tiếng Nôm, như một tuyên ngôn độc lập về nền văn hóa của dân tộc ta. Sau này có thêm Vịnh Vân Yên tự phú của ngài Huyền Quang (1254 -1334) và Giáo tử phú của Mạc Đỉnh Chi (1284 -1361), nền văn học tiếng Việt mới có những tác phẩm đầu tiên hoàn chỉnh của mình còn được bảo tồn đến ngày nay. Do đó vị trí văn học của vua Trần Nhân Tông đối với dân tộc ta thật vô cùng lớn lao, sự đóng góp của nhà vua vào nền văn trị nước nhà mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam là điều không ai có thể phủ nhận.

Giá trị sự nghiệp văn học ấy dù trải qua thời gian dài với nhiều biến động lịch sử vẫn không hề phai mờ trong tâm thức dân ta. Chính người dân đã giữ gìn các tác phẩm của nhà vua và truyền trao lại cho người sau. Trong số hàng trăm hàng ngàn các tác phẩm tiếng Việt khác đã ra đời cùng thời, mà bây giờ ta chỉ biết tên, chứ không biết nội dung cụ thể là gì. Thật ra, hai tác phẩm trên được trân trọng và giữ gìn không chỉ do uy tín và văn tài của nhà vua mà còn vì giá trị tâm linh của nó. Có thể nói Cư trần lạc đạo phú là kim chỉ nam mà Phật giáo Việt Nam đã y cứ và dẫn đạo cho hàng triệu triệu người Phật tử Việt Nam thời vua Trần Nhân Tông cũng như sau này một con đường hướng thượng. Và Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca là bản kinh sống mở lối cho tăng sĩ Việt Nam xưa cũng như nay một đạo lộ đi đến bến bờ giải thoát an vui.

Đọc Trần Nhân Tông, chúng ta thấy ở đó một con người vừa đẹp đời vừa thấu đạo, vừa dũng mãnh kiên quyết vừa thâm trầm dung dị, vừa hòa quang đồng trần vừa an nhiên tĩnh tại. Thật là một vì sao sáng chói trong bầu trời văn học và Phật học Việt Nam.

B. Đối với Phật giáo Việt Nam, Trần Nhân Tông là một thiền sư, một Sơ Tổ Thiền phái Trúc Lâm, người đã khai sáng dòng thiền nước Việt.

1. Tính xuất thế:

Niên hiệu Trùng Hưng thứ IX (năm Quí Tỵ - 1293) Nhân Tông nhường ngôi cho con là Anh Tông. Sau vua xuất gia ở hành cung Vũ Lâm (chỗ này sử liệu ghi năm khác nhau DDVSKTT ghi năm 1294, Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi năm 1295, Thánh Đăng Lục ghi 1299 tại Yên Tử chứ không phải Vũ Lâm) rồi ra tu ở núi Yên Tử. Niên hiệu Hưng Long thứ VII (1299), vua cho dựng thảo am ở ngọn Tử Tiêu, núi Yên Tử, lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà. Tại đây Ngài tu hành đắc đạo, thấu tột bản tâm và trở thành Sơ Tổ thiền phái Trúc Lâm, một dòng thiền hoàn toàn mang trái tim và hơi thở của tăng sĩ Việt Nam. Sau đó ngài kiến lập chùa Long Động để độ tăng và giảng dạy Phật pháp. Số học chúng tới thụ giáo có tới hàng ngàn người.

Con người của Sơ Tổ Trúc Lâm một khi đã làm việc gì quyết phải cho xong việc ấy. Lúc ở ngôi vua ngài làm tròn bổn phận của một vị vua, khi đi tu ngài phải thành tựu cho được bản nguyện của một người xuất gia là giác ngộ giải thoát. Suốt thời gian hạ thủ công phu tu hành, ngài không hề xuống núi. Tu hạnh đầu đà thì nhất định cuộc sống của thiền sư vô cùng đạm bạc. Từ một đấng quân vương ngồi trên ngôi cửu trùng, vậy mà ngài có thể dễ dàng phủi rũ tất cả, chỉ để sống một đời “vận giấy vận sồi” mà “thân lòng hỷ xả”. Xưa nay sơn tăng núi quả thật không nhiều, chớ đừng nói là quân vương xuất gia mà lại như thế. Trải qua năm năm miên mật tu trì, cuối cùng việc lớn đã xong, bài Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca là một thành quả vô giá mà Tổ sư dùng cả thân tâm mới có được và để lại làm kim chỉ nam cho tăng sĩ Việt Nam sau này.

Cương lĩnh tu hành duy nhất của Thiền phái Trúc Lâm mà Sơ Tổ thụ giáo từ Thượng Sĩ Tuệ Trung là “phản quan tự kỷ bổn phận sự” tức xoay lại chính mình là việc bổn phận chính yếu. Cương lĩnh này đã dẫn đạo cho Điều Ngự và thiền tăng Việt Nam từ 700 năm qua, cho tới ngày nay vẫn còn nguyên giá trị soi sáng trên con đường thực tu, thực chứng của hành giả tu thiền Việt Nam.

Hình ảnh vua Trần Nhân Tông đi tu có một ý nghĩa và giá trị ưu việt trong Phật pháp mà chúng ta cần biết rõ. Nếu như trong Cư trần lạc đạo phú, dường như Thượng hoàng chỉ khuyến khích người tu tại gia thì ở Đắc thú lâm truyền thành đạo ca, chúng ta thấy rõ với tư cách người xuất gia, đạt đạo, Ngài khuyên dạy hàng tu sĩ với ý chí xuất trần, phải tu hành thế nào mới đạt được kết quả viên mãn. Lại nữa, trong đạo Phật, người cư sĩ tại gia tu hành vẫn có thể ngộ đạo như người xuất gia, nhưng không thể đi truyền bá Phật pháp, phổ độ quần sanh như người xuất gia. Vua Trần Nhân Tông có duyên với Phật pháp từ thuở bé, đến khi làm Thái thượng hoàng, ngài làm việc một buổi, còn một buổi nghiên cứu kinh điển, thấu suốt được lý thiền nên mới viết được bài Phú cư trần lạc đạo. Song nếu giữ tư cách cư sĩ thì chỉ tự lợi cho mình và những người thân chung quanh, mà không truyền bá chánh pháp nơi đời được, nên Ngài quyết định xuất gia.

Hơn nữa, nhng ai có đi sâu trong đạo mới hiểu, đôi khi chúng ta biết rõ lẽ thật nhưng chưa sống được với lẽ thật. Tại sao? Vì ngoại duyên chung quanh ngăn trở, không cho phép chúng ta thực tập sống với lẽ thật ấy. Ngài Nhân Tông thấy rõ điều này nên quyết tâm vào núi rừng, sống lặng lẽ một mình, mới có cơ hội nhận ra được lẽ thật nơi chính mình. Khi sống được hoàn toàn với lẽ thật ấy rồi, ngài vui mừng tấu lên khúc ca thành đạo. Từ đó con đường truyền bá chánh pháp mới được mở ra. Ý nghĩa siêu thoát nằm chỗ này. Vì muốn nối tiếp ngọn đèn Phật Tổ, hướng dẫn mọi người tiến đến giải thoát sanh tử nên ngài xuất gia. Do ngài xuất gia nên những vị Tổ kế thừa ngài đều là người xuất gia cầu đạo giải thoát, có vậy Phật pháp mới không bị thế tục hóa.

Quả thật chân tinh thần Phật giáo Việt Nam đã được vua Trần thắp sáng bằng chính cuộc đời tu hành của ngài, không để cho người tu cầu đạo giải thoát trở thành hoen ố. Đó chính là điểm đặc biệt của Phật giáo đời Trần mà cũng là của Phật giáo Việt Nam. Rõ ràng chư Tổ nước ta không đi lệch với căn bản Phật giáo từ thuở ban đầu. Là tăng sĩ Việt Nam, chúng ta cần phải nắm thật vững ý nghĩa thâm sâu này và lấy đây làm phương châm tu hành cho giới tu sĩ Việt Nam.

2. Tính nhập thế:

Một khi đạo quả viên thành, bấy giờ Sơ Tổ Trúc Lâm bước sang con đường hoằng pháp. Có thể nói Phật giáo đời Trần nổi bật nhất với hai con đường trái ngược nhau, mà thật ra là bổ sung cho nhau để thành tựu viên mãn hạnh nguyện tự giác, giác tha của người con Phật. Đó là con đường vừa xuất thế lại vừa nhập thế. Dòng thiền Trúc Lâm vì thế trở thành dòng thiền tinh khiết tuôn chảy vào đời, len lỏi bất cứ nơi đâu, đem ánh sáng Phật pháp đến cho mọi người, giúp chúng sanh hết khổ được vui. Cho nên không thể nói tu sĩ Phật giáo Việt Nam bi quan yếm thế, mà ngược lại rất lạc quan đến với cuộc đời bằng tâm hạnh rộng lớn an vui.

Niên hiệu Hưng Long thứ XII (1304), vua lấy đạo hiệu là Trúc Lâm Đầu Đà Điều Ngự Giác Hoàng, rồi cùng với đệ tử là tôn giả Pháp Loa và mười đồ đệ đi khắp thôn quê giảng pháp, khuyên dân bỏ mê tín, hủy dâm từ, thực hành giáo lý Thập Thiện, với mục đích xây dựng một xã hội đạo đức hoàn thiện, biến nhân gian trở thành cõi tịnh lạc. Vua còn mở Vô Lượng Pháp Hội tại chùa Phổ Minh bố thí tiền của, vải vóc, vật thực và trợ cấp cho những nơi mất mùa nghèo đói… Đây chính là việc làm thiết thực thể hiện lòng từ bi trong đạo Phật. Bởi vì trí tuệ và tình thương là hai yếu tố song hành không thể thiếu đối với một hành giả tu Phật.

Ngày 01/11/ năm Mậu Thân 1308, Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông an nhiên thị tịch, thọ 51 tuổi, sau khi đã hoàn thành tâm nguyện của mình. Tương truyền khi ấy hương thơm tỏa ngào ngạt, nhạc trời vang lừng, mây ngũ sắc tụ lại thành tán lọng che trên hỏa đàn trà tỳ của Tổ sư. Ngài thị hiện vào đời tu tập và lợi ích chúng sanh rồi lại theo luật vô thường từ giã Tăng Ni tứ chúng, thu thần nhập diệt theo Phật, để lại cho dân tộc Việt Nam một sự mất mát không gì có thể bù đắp nổi, cho Phật giáo đồ Việt Nam một hồi chuông thức tỉnh lay động đến tận tâm can mọi người.

                    Tất cả pháp chẳng sanh,

                    Tất cả pháp chẳng diệt,

                    Nếu hay hiểu như thế,

                    Chư Phật thường hiện tiền.

Đối với Ngài, một thiền sư liễu đạt vạn pháp giai không thì cuộc sanh tử này chỉ là thế thôi, nào có đến đi gì. Chúng ta là hàng môn hạ của Tổ sư phải noi theo tấm gương sáng chói ấy, sống và tu tập sao cho xứng đáng là đệ tử của thiền phái Trúc Lâm nước Việt.

Tóm lại, vua Trần Nhân Tông đã có những đóng góp to lớn cho quê hương và dân tộc Việt Nam. Dòng thiền Trúc Lâm do Ngài sáng lập đã có những ảnh hưởng nhất định đối với lịch sử dân tộc và làm khuôn mẫu cho Phật giáo Việt Nam lập cước tu hành. Cho đến ngày nay dòng thiền này vẫn là niềm tự hào cho tăng sĩ Việt Nam, rất được tôn quý, cần phải giữ gìn và phát huy đến chỗ tinh tủy của nó bằng sự nỗ lực tu tập, hành trì chuyên tâm nhất ý. Có thế Phật giáo Việt Nam mới đáp ứng được nhu cầu phát triển đời sống tâm linh của người dân Việt, thực hiện di huấn và hoài bão của Tổ sư. Chỉ có thế mới đền đáp được thâm ân vô lượng của Ngài – một Phật Hoàng nước Việt.

[ Quay lại ]