MỘT ĐỜI HỌC PHẬT
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ ba, 23 Tháng mười hai 2008 08:54
- Viết bởi nguyen
Chánh Trí Thành
Mỗi người dân Việt Nam đi làm công tác, hay làm việc gì, khai bản lý lịch nói rõ dân tộc, hay tôn giáo mà mình đang sinh hoạt. Nếu là tôn giáo Lương là theo đạo Phật. Tôi sinh ra ở Phủ Nam Sách - tỉnh Hải Dương cùng phủ với Nhị Tổ Pháp Loa. Ông bà, cha mẹ tôi theo đạo Phật.
Lúc tôi còn nhỏ, mẹ tôi thường đi chùa với các cụ tuổi đã quá cố. Khi hỏi tượng trong chùa đều không biết thường gọi là ông Bụt, cũng Qui Y Tam Bảo, khi ra về mỗi Phật tử đều phải mua một chiếc áo Lục Chù có in hình tượng Phật hay Bồ Tát, dặn con trong gia đình khi chết mặc áo vào xuống âm phủ không bị quỷ sứ tra hỏi, hay đọc kinh theo nghĩa thuộc lòng.
Lòng con tưởng Phật đêm ngày.
Cho nên con dốc lòng ngay đi chùa.
Đã đi chẳng quản nắng mưa.
Chương sách dãi dầu đã đọc thì thông.
Không hiểu nghĩa kinh, hỏi ý nghĩa Phật pháp thì không ai biết. Khi tôi lớn lên đi công tác có duyên làm nghề vận tải lái xe ô tô hay chở hợp đồng các phật tử đi chùa, cũng như mẹ tôi ngày xưa, có đoàn còn cúng mặn tại Tam Bảo, gọi đức chúa ông là người có quyền sinh phát (trưởng giả Cấp Cô Độc). Xong ra chia lộc, ăn lộc tại chùa.
Đến ngày nay, cuối thế kỷ XX sang thế kỷ XXI, nhiều đoàn phật tử phía Bắc vẫn tái cảnh này. Từ đó, tôi chưa có niềm tin trong đạo Phật.
* Sau ngày đặt đá Trúc Lâm yên Tử.
Nhờ hồng ân Tam Bảo, Hòa thượng Ân sư Thích Thanh Từ. Được sự cho phép của nhà nước quan tâm đến tôn giáo cho xây dựng Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử, lễ đặt đá tại chùa Lân.
Tôi có duyên chở đoàn phật tử trong đó có người thân của tôi cũng đi. Đêm đó được ngủ tại chùa, chùa còn chật hẹp, mọi người đều không ngủ chuẩn bị cho ngày hôm sau, như cắm hoa, nấu cơm… cho ngày đặt đá. Tôi quan sát hết cảnh chùa, tinh thần chuẩn bị của quý thầy, quý cô, trong đời tôi chưa từng gặp. Thật là trang nghiêm, cảm tình nhất là cắm hoa, đón chào ngày cửa Thiền được khai mở.
Khoảng 5 giờ sáng hôm sau tôi xuống bãi xe thấy chiếc xe con chở hai thầy mặc y màu vàng có một sư già, tôi chắp tay chào, thầy trẻ dắt tay tôi cùng đi lên chùa.
Hôm sau, tôi mới biết là Hòa Thượng Viện Trưởng Thiền viện Trúc Lâm, còn thầy dắt tay tôi là thầy Nhật Quang, chủ trì Thiền Viện Thường Chiếu. Hạnh phúc lớn lao ấy mà tôi không hề biết.
Đến sáng hôm sau 8h30’ lễ khai mạc chính thức lễ đặt đá xây dựng Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử, thầy dẫn trương trình là thầy Thông Phổ. Sau bài diễn văn trang nghiêm, Pháp từ đầy thuyết giải, khôi phục thiền phái Trúc Lâm Yên Tử của Sư ông như tiếng chuông cảnh tỉnh Thiền Tông đã ngủ bao nhiêu năm nay thức dậy của mỗi hương tâm của người con Phật. Buổi lễ đặt đá để lại bao nhiêu tâm thức cho mỗi người.
Khi ra về mỗi người được một hai quyển sách về đọc. Từ đây đạo Phật đã hé mở trong tâm thức của tôi.
Sau những ngày đó, tôi còn làm nghề sinh sống, nhưng lúc nào cũng nghĩ về buổi lễ đặt đá, hướng về Yên Tử.
* Đến ngày khánh thành Thiền Viện
Tôi không đủ duyên được dự. Trước 2002 người thân của tôi và tổ đi chùa thành phố Hạ Long theo thầy T ở Ngọa Vân Am và đã cùng thầy T khôi phục lại Ngọa Vân Am.
Ngày khánh thành có một phật tử Hà Nội cúng dường một pho tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Thầy T bảo phật tử lên cung nghinh và nấu cơm cúng Phật.
Sáng ngày 12-11-2002, tổ phật tử chúng tôi từ Ngọa Vân Am về Thiền Viện trên đường về gặp rất nhiều quý thầy, quý cô lên Ngọa Vân rất đông, làm cho tôi càng xúc động, mau về Thiền viện gặp Sư ông.
1h30’ chúng tôi được duyên lành dự lễ Quy Y, do thầy trụ trì, thầy phó đã quy y, được Hòa thượng đặt pháp danh.
Điều hạnh phúc nhất trong đời chúng tôi, sau lễ quy y, Hòa thượng đặt tên cho tổ đi chùa Hạ Long được mang tên Đạo Tràng Trúc Lâm Ngọa Vân Am. Mọi người rất hoan hỷ vỗ tay reo mừng, và đã có giọt nước mắt lăn dài trên má vì quá hạnh phúc. Xin đê đầu đảnh lễ Hòa thượng, chúng tôi đã được mang tên Đạo Tràng nơi Tổ đã về cõi Phật tại đây.
Sau ngày khánh thành Thiền viện, đạo tràng chúng tôi sinh hoạt những buổi đầu còn nhiều trăn trở, các cụ già xưa nay đi chùa tu hành không rõ ràng. Nay chuyển sang Thiền Tông là khó khăn, ngồi tọa thiền đau chân. Nghiệp xưa nay là cầu xin và hướng ngoại. Nay theo Thiền Tông trí tuệ nhận ra bản tánh của chính mình. Phật tử chúng tôi sinh hoạt tại thành phố Hạ Long trước năm 2006, đi học tại Thiền viện có hai buổi dành cho các Đạo Tràng là mồng một đầu tháng và ngày 15, có bốn buổi Chủ Nhật thầy trụ trì dạy cho Tăng Ni Phật tử. Chúng tôi đi học phải qua cái phà, nhiều khi 11-12 giờ đêm mới về đến nhà, còn rất nhiều hạn chế.
Sau khi nhà nước khánh thành cầu Bãi Cháy mở mang giao lưu đi lại cho người dân. Được duyên này, Đạo Tràng chúng tôi đi học tại Thiền viện rất đông. Có buổi Chủ Nhật 60-70 người đi học, mọi người đã hiểu ý nghĩa của Thiền Tông do thầy trụ trì và thầy phó trực tiếp chỉ dạy.
Những ngày đầu thành lập, Đạo tràng có 46 người, theo Quy y có hàng ngàn danh sách Đạo Tràng, nay lên trên hai trăm người.
Trong suốt năm 2007 thầy phó đã dạy Kinh Pháp Hoa, mỗi người đều có viên ngọc quý, biết quay lại chính mình, hằng sống với nó không lang thang đói khổ nữa.
Mỗi người đều có ngọc vàng.
Vô minh che phủ, lãng quên nhiều đời.
Học thầy chỉ dạy rõ ràng.
Hành trì tu tập ngọc thời sáng trong.
Nhờ có túc duyên nhiều đời, nay nhiều phật tử đã biết tu thiền.
Được sự giáo dưỡng của Hòa thượng Ân sư, thầy trụ trì, thầy phó trụ trì, quý thầy trong ban giáo thọ chỉ dạy. Dựa trên pháp môn của Hòa thượng dung hòa ba Tổ: của Tổ Huệ Khả là ngồi thiền tiếp duyên biết vọng không theo; của Tổ Huệ Năng là sáu căn không dính với sáu trần; của Tổ Trần Nhân Tông là trong nhà có báu thôi tìm kiếm bên ngoài, phản quang tự kỷ…
Đến nay nhiều phật tử hàng ngày, hàng giờ, đã biết chăn trâu, không để trâu ăn lúa mạ của người, không còn cảnh cưỡi trâu đi tìm trâu nữa… con đường về quê đúng như lời Thầy trụ trì đã dạy sờ sờ trước mặt.
Trong 5 năm đạo tràng theo học tại thiền viện, mỗi phật tử đã bỏ được mê tín, đi theo con đường chánh pháp, như bỏ tập tục cổ hủ cầu xin vàng mã bói toán và có niềm tin sâu Tam Bảo. Có nhiều gia đình trước có con nghiện xì ke ma túy, cuộc sống rất bi quan, nỗi khổ cùng cực. Sau được gặp Đạo Tràng hiểu được ý nghĩa giáo lý của Phật Đà, hiểu nhân quả, cuộc sống các gia đình đó đã trở lại bình yên tự tại, gia đình hạnh phúc, gieo duyên nhiều phật tử ngoài Đạo Tràng hiểu được giáo lý nhà Phật.
Được sự chỉ dạy của Hòa thượng Tôn sư, của thầy trụ trì, năm nay kỷ niệm 700 năm ngày Giỗ của Tổ Trúc Lâm Đại Đầu Đà. Mỗi người con Phật làm gì để đền ơn quý Ngài. Đạo tràng chúng con biết làm gì đây? Để đền ơn Chư Phật, Chư Tổ, Hòa thượng Ân sư.
Con đã đọc rất nhiều kinh sách của các bậc Cao Minh, các đạo hữu đàn anh chị, không một cây bút nào, lời văn nào nói lên được hết công ơn giáo dưỡng của Chư Phật, Chư Tổ, nhất là của Sư ông. Là hàng con cháu, hậu sinh chúng con biết nói gì hơn.
Xin cho con được đê đầu thành kính đảnh lễ trên các quý Ngài.
Viết đến đây nước mắt con đã đồng hòa thênh thang với biển cả.