SÁNG NGỜI TÔNG TỔ
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ năm, 18 Tháng mười hai 2008 08:17
- Viết bởi nguyen
Thiện Hiển
Viết kỷ yếu 700 năm ngày viên tịch Sơ Tổ Trần Nhân Tông, không thể không nhắc đến Thiền Sư khôi phục Dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Mừng xây dựng chùa Lân, thiền viện Yên Tử tròn 6 tuổi. Đâu lại không nói về Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt.
Viết về thiền viện, trước phải nói đến thiền sư khai mở. Xiển dương pháp thiền đâu dễ bỏ được pháp “Biết Vọng Không Theo”.
Kinh là lời Phật, Thiền là tâm Phật.
Lời dạy của Đức Như Lai như ngón tay. Tâm tánh của chúng sanh như mặt trăng.
Mục tiêu của ngón tay chỉ là muốn khiến thấy mặt trăng.
Lập bày giáo lý là mong chỉ tột chỗ nguồn tâm. Nhơn giáo mà biết tâm, mới biết tam thừa mười hai phần giáo chỉ là lờichỉ dấu vết.
Học giáo là để biết đường vào, Ngộ thiền là ngộ bản tâm.
...............................................
Trong lúc tối sơ: Một niệm tâm động bèn là vô minh. Mê tánh chơn giác thành ra nghiệp thức.
Phát khởi phân biệt đây kia. Vọng sanh Năng Kiến Sở Kiến.
Ví như mắt nhặm thấy hoa đốm giữa hư không. Núi sông, đất liền, chúng sanh, nghiệp quả, hết thảy tướng hữu vi lưu chuyển là nhơn nơi lưu chuyển của nghiệp thức mà thành tựu. Mê lầm của chúng sanh vốn không có nguyên nhân. Thoáng chút sanh tình lại đều do bất giác.
Chúng sanh mãi phát khởi tâm vọng niệm phân biệt, thì Như Lai Tạng Tạng Tính theo duyên ấy mà hiện ra có thế giới, chúng sanh, nghiệp quả. Người tu nếu giác ngộ pháp hữu vi lưu chuyển đều do tâm phân biệt biến hiện, không theo các phân biệt, đoạn được duyên sanh khởi, thì các chủng tử mê lầm tự hết.
Ngộ ra yếu chỉ tu hành kinh điển Phật dạy. Xót vì Phật tử chúng sanh mê lầm nhiều kiếp. Thế nên Đại Lão Hoà Thượng Thượng Thanh HạTừ lập bày huyễn pháp “Biết Vọng Không Theo”, kiến tạo thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt, khôi phục dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử, theo gót Sơ Tổ Nhân Tông, mà cả nước đều hướng về.
Thiền Sư quê ở Trà Ôn – Vĩnh Long, thuộc miền Tây Nam Bộ, tu Phật từ thuở thiếu thời, kinh điển làu thuộc. Mà Sài Gòn là nơi thầy trò hội ngộ, lại sớm nghi hỏi Thiền Tông, các luận thảy đều nghiên cứu. Tôn Hoà Thượng Thượng Thiện Hạ Hoa làm Bổn Sư tu học. Giảng kinh điển giáo lý làm phương tiện hoằng dương. Thời bấy giờ không mấy ai hiểu được Thiền Tông, lại cho tu thiền là điên. Hoà Thượng đã hỏi thầy hỏi bạn. Ai nấy đều lắc đầu, khoát tay, chớ có tu thiền. Mấy ai biết dòng máu trong Ngài là mạng mạch lủy thế Thiền Tông. Nào kẻ ngờ Thiền sư ẩn mặt lại là hậu duệ mấy đời Tông Tổ.
Ngài đã lên núi ở Vùng Tàu lập Tu Viện Chơn Không. Quyết ẩn mình nơi am
thất tu thiền đến sáng đạo. Như Đức Phật xưa trải tu các pháp tứ thiền, tứ định, khổ hạnh 6 năm. Nay Ngài lại thử hành công phu sổ tức, tùy tức, lục diệu pháp môn.
Rõ ràng lục căn hướng ngoại không kết quả, đâu biết xoay vào tự tâm, lại là cứu cánh. Phật sau đến cội Bồ Đề toạ thiền, thề không sáng đạo không đứng dậy. Ngài cuối cùng lên am Chơn Không nhập thất, quyết chẳng ngộ đạo chẳng rời am. Chợt khi sao mai vừa mọc, Phật đạo cả sáng ngời. Bỗng chưa hết kỳ nhập thất, Ngài tâm địa bừng sáng. Trông ra khắp trời tròn đầy chân thật, nhìn lại thế gian rõ ràng mộng ảo. Ngài cười to cười mãi.
“Gá thân mộng,
Dạo cảnh mộng,
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng...”
Hạt Châu Như Ý trong Ngài tỏ rạng. Mà chúng sanh còn chìm đắm trong mê.
Thế nên nơi tỉnh Đồng Nai, vùng đồng bằng cỏ rậm. Các Tu Viện Thường Chiếu, Viên Chiếu, Huệ Chiếu được mở ra. Lại tiếp đến Phổ Chiếu, Linh Chiếu, Tịch Chiếu rồi hình thành. Thiền sư quyết tâm dạy thiền. Hoà Thượng cố nêu chánh pháp. Vạn sự khởi đầu nan, buổi sơ khai trăm khổ. Nơi các chiếu thì lều cỏ am tranh. Việc áo y thì nâu sồng đạm bạc.
Một ngày không làm, một ngày không ăn, mà Bá Trượng hài lòng. Một đêm không tu, một đêm không toạ, thì thầy bạn răn quở. Thân gầy nuôi huệ mạng, hạnh khổ gìn đạo tâm. Lác đác những ngôi sao thiền xuất hiện. Đó đây nhiều Tăng Lữ đến tham. Hoài bão thật lớn lao, tâm từ thường rộng khắp.
Hoà Thượng đã viết sách, dịch kinh, giảng luận mà người người thấm nhuần Tông Tổ. Tự thân lại chống gậy sưu Tông, tầm Tích, nên chốn chốn sáng tỏ Đạo Thiền. Ôm chí lớn khôi phục thiền tông Đạt Ma Tổ, tiếp nối mạng mạch Thích Ca.
Lòng quyết tâm khơi dậy Trúc Lâm Đại Đầu Đà, nối dòng Trúc Lâm Tam Tổ. Ngài xây dựng Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt, tọa lạc cao nguyên Lâm Viên, với mong ước thiền sinh có nơi chuyên tu, thực hiện nếp sống lục hòa làm khuôn mẫu như thời còn Đức Phật. Lại soạn ra Thanh Quy, định chế Trúc Lâm, phỏng theo Quy cũ Bá Trượng, lập thời khóa Tăng Ni tuân thủ, nêu cao Thiền, Giáo song hành, dạy căn bản vạch rõ pháp công phu.
Ở độ cao 1435m, khuôn viên rộng 24 mẫu, núi Phụng Hoàng uy nghi, Thiền Viện nằm soi bóng mặt hồ Tuyền Lâm thơ mộng. Áp dụng sám hối lục thời khóa tụng của Trần Thái Tông, tọa thiền ngày ba buổi trang nghiêm, bữa ăn chiều lại bỏ, thiền sinh phải nghiêm chỉnh chấp hành thời khóa chuyên tu tập.
Phong cảnh thanh lương, tùng xanh trúc biếc, đắm lòng bao Thiền khách. Hoa xinh cỏ đẹp, gió mát thông reo, mê mẫn kẻ hành hương. Ngoại viện có tháp chuông lầu trống, chánh điện, thiền đường... vui lòng người đến tham vấn. Nội viện thì Tăng đường, Ni đường, trai đường, giảng đường... đủ cho Tăng, Ni tu học.
Dứt khoát, kiên quyết, đạm bạc, là ba đức tánh thiền sinh cam kết phải có. Giới luật, thời khóa, Thanh quy, là điều mọi người phải nhất định tuân theo.
Thời gian dần qua: Những đóa hoa thiền đua nhau hàm tiếu
Lắm nụ cười Ca Diếp tiếp nối nở tươi
Tin lành tiếng tốt đồn xa. Thiền khách đi về tấp nập
Trời Tây lắm kẻ đến tham, trong nước nhiều người quy ngưỡng.
Rồi có Phật tử quê miền đất Bắc, giác ngộ đại pháp, đầu Phật xuất gia tu thiền. Cố thỉnh vị trụ trì thiền viện phương Nam, du hành đất Bắc, dạy thiền nói đạo giải thoát. Ngoài ấy đuốc Thiền xưa tắt ngằm đà non thế kỷ, chánh pháp mai một, người mê tín dẫy đầy. Đâu còn Quốc giáo Trúc Lâm Đầu Đà một thời oanh liệt.
Lại vắng bóng thiền sư ngộ đạo lưu nhục thân vạn cổ trường tồn. Tủi hổ với Tổ tiên xưa anh hùng sáng ngời đạo pháp. Xót vì người tu nay lầm lạc, mê tín dị đoan. Thế nên, Hòa Thượng trước nương tựa chùa Sùng Phúc Hà Nội, hoằng dương chánh pháp. Sau lại cho đệ tử lớn trùng tu chùa Lân Yên Tử, khơi dậy Thiền tông. Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử hình thành nơi gốc Tổ. Tăng ni Phật tử khắp nơi đồng hội chốn Thiền môn. Tam Tổ Trúc Lâm tự hào. Đầu Đà Nhân Tông hả dạ. Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử có thể nói là Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt thứ hai. Pháp thiền giảng dạy nơi đây lại đồng là chánh pháp khai sáng từ ngọn nguồn Thường Chiếu.
Yên Tử vừa tròn sáu năm. Đuốc thiền chiếu soi khắp chốn, Thiền Viện Tây Thiên xây mới nơi Vĩnh Phúc, Thiền Viện Bạch Mã xây mới tỉnh Thừa Thiên. Đại Đăng, Bồ Đề ở Mỹ Quốc. Chơn Không, Tuệ Quang ở miền Nam. Phật tử nức lòng, Tăng Ni hồ hỡi.
Tuy nhiên, xây chùa độ Tăng chỉ là pháp hữu vi. In kinh, soạn sách đều là việc ngoài cửa. Nhận ra được nơi mình có của báu, mới là điều thiết yếu. Sáng được hạt châu Như Ý ở trong, chính là chỗ quan tâm. Châu này mọi người đều có mà chẳng biết. Của báu ai cũng sờ sờ lại sót quên. Nhận được ngọc chỉ nguời vào Cửa, tìm ra Châu duy kẻ ngộ thiền.