NGUỒN SÂU DÒNG DÀI
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ bảy, 06 Tháng mười hai 2008 09:43
- Viết bởi nguyen
HẠNH CHIẾU
Ngày xưa không phải chỉ có một mình vua Trần Thái Tông lên núi tìm Phật, vua Trần Nhân Tông cũng lên núi tìm Phật. Không phải chỉ có các vua Trần thời ấy mới lên núi tìm Phật, sau này chúng ta cũng lên núi tìm Phật. Để rồi từ đó những người con Phật mới biết, trên núi vốn không có Phật, Phật ở trong tâm.
Khi bị Trần Thủ Độ bắt về, Thái Tông đau khổ gấp đôi. Quốc sư Phù Vân đã cầm vua tay vỗ về: “Phàm làm đấng nhân quân thì phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình. Nay thiên hạ muốn đón Bệ hạ về, Bệ hạ không về sao được? Tuy nhiên, sự nghiên cứu nội điển, xin Bệ hạ đừng phút nào quên.” Câu nói này đã trở thành hơi thở cho cuộc đời còn lại của vua. Nội điển là kinh Phật, kinh bên trong, tức là kinh lòng. Chính bản kinh lòng đã cứu vua sống lại, bật dậy, tháo tung mọi xiềng xích ràng buộc của trần duyên. Thái Tông đã phát hiện ra tất cả những thứ mặn nồng chua chát của cuộc đời đã làm thành cho mình cái hương vị tuyệt vời, đưa vua đi vào cõi Không môn, mà vẫn an nhiên ngự trên ngai vàng, rống tiếng đại pháp và để lại cho đời một vì sao rực sáng Trần Nhân Tông.
Đêm thanh vắng, trước án tiền, khi bông đèn tàn rụng, Trần Thái Tông buông quyển kinh Kim Cang xuống và hoát nhiên đại ngộ “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”. Đã vô sở trụ mà còn sanh tâm chi? Cho nên biết chúng sanh bỏ quá nhiều số kiếp để lặn lội qua bao lối mòn sinh tử, đi tìm cái không thể tìm. Và vì thế Phật đã khai thị mà như không khai thị. Cho ta cùng đường, bặt lối đi. Không đi thì dừng lại. Dừng lại thì hết dong ruổi, hết mệt. Ngay đó nghỉ ngơi, được khỏe. Vậy thôi.
Con đường thiền của Trúc Lâm không rắc rối nhiêu khê. Phản quan tự kỷ. Chỉ xin có thế. Nhắm mắt mở mắt không ai thay thế được. Đói no nóng lạnh là chuyện của riêng mình, phải tự đảm đương lấy. Năm năm ẩn mình trong rừng Trúc chỉ vì một việc này. Quyết phải cho xong. Trước khi trở thành Điều Ngự sư, đức Phật đã điều phục được chính mình, vua Trần cũng thế. Bởi đây là con đường chung cho tất cả chúng hàm linh muốn bước lên đài giác.
Giống như ông nội cũng trốn vô núi tu, nhưng khác với ông nội là vua Trần Nhân Tông đi tu vì chủng duyên lành, chứ không phải vì khổ tâm. Song dù khổ tâm hay vì duyên lành, cả hai Ngài đều phủi bỏ vương vị như quăng đôi dép rách. Thế nên cả hai đều trở thành linh hồn của Thiền phái Trúc Lâm. Uy quang của bậc đế vương ở chốn triều ca bấy giờ càng tỏa sáng và lung linh bất diệt nơi chốn Không môn. Quốc sự triều chính đối với vua Trần chỉ là chút mộng phù sinh.
Công danh chẳng trọng,
Phú quí chẳng màng…
… Vạn sự giai không.
Sao bằng:
Khuất tịch non cao,
Náu mình sơn dã.
Bởi vì ở đó,
Thân lòng hỷ xả,
Thanh nhàn vô sự.
Không chỉ rải rác trong bài Đắc Thú Lâm Tuyền Thành Đạo Ca những áng văn thấu đạt, tĩnh tại, mà toàn thể cuộc đời hành đạo của Sơ Tổ Trúc Lâm là bản tâm ca tuôn chảy vào bể đời bất tận. Niềm vui chân thật không thể nào có được từ cõi tạm. Phải từ chân tâm lưu xuất mới có thể chuyển hoá nổi nhân gian.
Bỏ qua hết những năm tháng bôn ba chiến trận, gìn giữ non sông, thêm hơn chục năm đáp nghĩa sanh thành, tại vị quân vương cho trọn tình hiếu đạo, còn lại là những năm tháng chí ở non cao, thân náu mình nơi chốn Am Mây, gom vạn kỷ vào sát na hiện tại. Cuộc đời của Trần Nhân Tông nếu không như thế thì chẳng còn gì là hơi thở Trúc Lâm, chẳng còn gì là mạng mạch thiền tông Việt Nam xưa cũng như nay. Âu cũng là do dòng máu thiền từ Thái Tông truyền cho Thánh Tông, cuối cùng tụ lại thành một khối lưu ly trong trái tim Trần Nhân Tông. Để Phật giáo Việt Nam có được một dòng thiền Trúc Lâm rất là Việt Nam.
Giam mình trong ngã ái si mê thì muôn kiếp chịu ép ngặt buộc ràng. Tung mình thoát ra khỏi chiếc vỏ vị kỷ hẹp hòi mới biết thế nào là trời cao đất rộng. Ở đó, khắp chốn nhân gian nơi nào chẳng là nhà. Bởi vậy ngộ đạo rồi, Điều Ngự đâu còn ở núi nữa. Phải xuống núi thôi. Xuống với chúng sanh khổ ải trầm luân, xem chúng làm gì, vớt chúng lên. Ở thiền sư có trái tim Bồ-tát. Và dĩ nhiên trái tim ấy không thể là trái tim lạnh lẽo treo trên đỉnh cô liêu, Cánh Diều Yên Tử, mà đó là trái tim mang cả cuộc đời, ấm áp nhịp đập bi trí tràn đầy. Dòng thiền Trúc Lâm vì thế trở thành hơi thở rất dài và rất sâu của Tăng sĩ Việt Nam, Phật tử Việt Nam. Từ nghìn xưa cho đến nghìn sau.
Nguồn sâu dòng dài.