headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 07/01/2025 - Ngày 8 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatthanhdao  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

MỘT ĐÓA HOA ƯU ĐÀM

 Thích Trúc Thạnh Trí  

Để kỷ niệm 700 năm một đóa hoa Ưu Đàm Trần Nhân Tông đã nở trên đất Việt thân yêu. Bài viết này xin hiến dâng lên Đức Điều Ngự Giác Hoàng, vua Phật Trần Nhân Tông với tâm thành tưởng niệm đến ân đức và công đức vô lượng của Ngài. Ngài đã dập tắt ngọn lửa chiến tranh xâm lược, đem lại hòa bình cho đất nước và dân tộc Việt. Ngài cũng đem lại ánh sáng Thiền tông, một pháp môn tu “Phản quan tự kỷ” để người tu thiền giác ngộ được bổn tâm, giải thoát sanh tử.

- Trần Nhân Tông một vị minh quân tài đức và nhân hậu. Đồng thời là một chiến sỹ anh dũng gan dạ.

- Một bậc chân tu đắc đạo, là vị Sơ Tổ sáng lập Thiền Phái Trúc Lâm (Thiền Tông Việt Nam), đem lại cho người tin Phật, tu học Phật - một pháp tu hướng nội tâm để ngộ được Phật Tâm là của báu có sẵn nơi chính mình. Ứng dụng Thiền vào thực tại của cuộc sống đời thường mà vẫn được vui với đạo.

Người tu thiền là để thực sống và thực chứng được cái tâm bất nhiễm, bất vọng động khi tiếp duyên xúc cảnh mà vẫn an nhiên tự tại, đó là đạt được trạng thái “Bình thường tâm thị đạo”. Thiền tông chủ trương tâm là Phật, vì ngoài tâm không có Phật. Khi đã chứng được trạng thái “tâm vô tâm” thì khỏi phải tìm Phật và chớ có hỏi Thiền; cũng không cần trừ vọng, chẳng cầu chơn.

                “…
                 Gia trung hữu bảo hưu tầm mích
                 Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”.

Cuộc đời của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, chỉ trong vòng 50 năm, nhưng Ngài đã đóng góp biết bao công sức cho dân cho nước; Ngài đã làm đẹp đời sáng đạo, làm cho đời sống muôn dân được an cư lạc nghiệp. Tư tưởng và hành động của Ngài đã thể hiện bằng tinh thần Bi Trí Dũng của đạo Phật.

Trần Nhân Tông là bậc chân tu đắc đạo, là Sơ tổ sáng lập thiền phái Trúc Lâm, một thiền phái hoàn toàn Việt Nam. Thiền Trúc Lâm là một pháp môn tu tích cực và nhập thế, một pháp môn nhằm phát triển đạo đức xã hội, phát huy trí tuệ và sức mạnh dân tộc. Thiền phái Trúc Lâm dựa vào dân tộc để phát triển nền đạo và dân tộc đã dùng sức mạnh trí tuệ siêu việt của thiền phái Trúc Lâm làm điểm tựa để dân tộc Việt có thể vươn cao lên với sức mạnh Phù Đổng.

- Thiền Trúc Lâm là pháp môn tu của mọi người, mọi nhà, không phân biệt xuất gia hay tại gia, vua quan hay dân dã, trí thức hay bình dân đều có thể tu được, đều có thể chứng ngộ được chân tâm, thành tựu đạo quả ngay trong cõi đời này.

                         “ Phật pháp tại thế gian
                           Bất ly thế gian giác…”

Vinh dự thay! Hạnh phúc thay! Tổ quốc Việt Nam đã có được các vị vua đời Trần, đã làm nên lịch sử, mà tiêu biểu nhất là vua Trần Nhân Tông ở thế kỷ thứ 13, mà lịch sử Việt Nam đã ghi lại bằng những nét vàng son, muôn đời lưu truyền cho hậu thế.

- Thiền Trúc Lâm là pháp môn tu hướng vào nội tâm “ phản quan tự kỷ”, dùng trí tuệ soi lại bản tâm, gạn lọc sạch hết vọng niệm ở tâm, để chuyển tâm thức thành tâm đạo. Đem ánh sáng trí tuệ giác ngộ để chan hòa vào xã hội, vào thế giới đầy bụi bặm và ô trược để “hòa quang đồng trần”.

Tư tưởng Trần Nhân Tông là tư tưởng của một vị Bồ Tát phát nguyện đi vào cõi đời đầy ngũ trược ác thế để hóa độ chúng sinh, để kiến tạo một quốc độ an lạc trang nghiêm của phàm thánh đồng cư.

Điều Ngự Giác Hoàng đã đưa ánh sáng thiền tông vào xã hội loài người để hoằng dương chánh pháp nói chung và để phát triển Thiền tông Việt Nam nói riêng; Ngài đã làm xong sứ mệnh chuyển pháp luân và “truyền đăng tục diệm” để Phật pháp nối truyền đời đời không dứt.

[ Quay lại ]