headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 07/01/2025 - Ngày 8 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatthanhdao  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

NHỚ VỀ YÊN TỬ

 Linh Uyên 

Nhớ về Yên Tử, không phải nhớ cảnh đẹp của núi rừng hùng vĩ, nhớ con đường quanh co dẫn vào chùa Long Động, giờ đây là Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử trầm mặc thân thương, những mái ngói đỏ thấp thoáng trong tàng cây xanh mướt, bên dòng suối nước trong vắt đầy những viên đá cuội tròn nhẵn nhiều màu. Mà nhớ lần đầu tiên tôi bước lên con đường đá dẫn vào chùa, mà sao nghe thân quen như đã từng bước mòn trên những bậc đá.

Nhìn những tháp đá cũ kỹ rêu phong, nhớ lại xưa kia nơi đây đã từng rộn rịp bước chân các bậc tiền bối. Các ngài đã dựng lên các ngôi chùa để tu hành, mở đường cho dòng Thiền Việt Nam. Sau đó vua Trần Nhân Tông đã đến đây khai mở và biến nơi đây thành chốn tu hành của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.

Yên Tử một danh lam thắng cảnh, nơi những người con Việt tìm về để hành hương tâm linh. Bởi vì nơi đó tiềm tàng chất ngất hồn thiêng sông núi và cũng là mạch sống, linh hồn của Thiền tông.

Từ thuở bé học lịch sử, biết được những bậc tiền nhân đi trước đã có công gầy dựng giữ gìn đất nước, tôi vô cùng cảm kích. Nhất là khi quân Nguyên sang xâm lấn nước ta, trong Hội nghị Diên Hồng, vua Trần Nhân Tông họp và hỏi ý kiến các bô lão: “Toàn dân nghe chăng, sơn hà nguy biến, hận thù đằng đằng, nên hòa hay nên chiến?” Các bô lão đồng đưa nắm tay hô to: “Quyết chiến!” Vua hỏi: “Thế nước yếu lấy gì lo chiến chinh?” Các bô lão lại đưa tay hô to: “Hy sinh, thề nguyện hy sinh!”

Ôi! những âm ba trầm hùng, quyết liệt của vua tôi nước Việt làm sôi sục bầu nhiệt huyết trong tôi. Những tấm lòng yêu quê hương đất nước của người xưa vang vọng mãi trong những con người hôm nay. Tôi cảm nhận được hào khí ngất trời và hãnh diện như đang đi trong đoàn quân quyết chiến quyết thắng ấy. Vua tôi trên dưới một lòng, ýù chí quật cường mãnh liệt của dân tộc đã biến thành một sức mạnh không gì lay chuyển nổi. Đụng phải tường đồng vách sắt này, hai lần quân Nguyên phải thất bại đắng cay. Ngàn xưa oanh liệt vang vọng làm rung động đến ngàn sau.

Và cũng con người ấy, sau khi đất nước thanh bình, non sông thịnh vượng, nhân dân an hòa. Ngài đã rời bỏ mọi vinh hoa phú quý, uy quyền tột đỉnh để đến non Yên, trở về với con người chân thật. Thật bình dị thật đơn giản. Ngài đã xem ngai vàng như đôi dép rách, quăng bỏ cân đai áo mão theo dòng nước, để được tự do tự tại, an vui với non cao sơn dã, hủ hỷ cùng với khỉ vượn. Chính nơi này Ngài mới thấy thân lòng hỷ xả, thanh nhàn vô sự. Một thân một gậy, Ngài dạo khắp non Yên và đến xa thẳm trong rặng Đông Triều.

Ngài yên ở nơi am Ngọa Vân tịch mịch, dốc chí tu hành, ăn mặc đơn sơ “áo rách che mây sáng ăn cháo, bình xưa tưới nguyệt tối uống trà”ø, giản dị, đạm bạc. Với một quyết tâm sắt đá tu hạnh đại đầu đà, Ngài đã “học đòi chư Phật cho được viên thành và xướng khúc vô sanh an thiền tiêu sái”. Có gì vui hơn nếm được pháp vị thiền. Ngày trước Ngài đã ra sức giữ gìn hồn thiêng sông núi. Bây giờ chính Ngài cũng làm sống dậy con người thật của chính mình, để thấy đâu đâu cũng có mặt mình, đầy khắp cả thái hư.

Từ đó Ngài đi cất chùa, lập tinh xá khai giảng để tiếp độ chúng tăng, dạo khắp nơi dẹp bỏ mê tín, dạy dân tu thập thiện. Ngài cũng chẳng quản thân già sức yếu leo khắp núi, tìm kiếm các hang động để tạo kế sống lâu dài cho Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Về sau Tổ truyền dạy Ngài Pháp Loa làm chủ Sơn Môn Yên Tử, nối tiếp đời thứ hai phái Trúc Lâm Yên Tử và điều khiển cả Giáo hội, lúc đó Ngài Pháp Loa chỉ mới hai mươi lăm tuổi. Vua Trần Anh Tông với triều đình cũng đến dự lễ đông đảo. Sơ Tổ Trúc Lâm lên đàn thuyết pháp, rồi nhường chỗ cho ngài Pháp Loa. Ngài Pháp Loa cung kính xá và trân trọng lên tòa thuyết pháp. Sơ Tổ cốt ý cho cả triều đình và vua quan thấy rõ tầm quan trọng của đạo pháp, để vua quan hạ bớt kiêu khí, không dám khinh thường Ngài Pháp Loa chỉ là một người dân thường và còn quá trẻ tuổi.

Nhị Tổ đã khẳng định được vị thế Chủ Sơn môn của mình. Ngài đã duy trì chánh pháp, độ hơn mười lăm ngàn tăng ni, đệ tử đắc pháp hơn ba ngàn người và đại pháp sư có sáu vị. Song song với việc giáo hóa Ngài còn đúc hơn một ngàn ba trăm tượng Phật lớn nhỏ, xây dựng được hai ngôi già lam, tháp năm ngọn, lập Tăng đường hơn hai trăm sở. Trong vòng hơn hai mươi năm, Ngài đã làm vẻ vang cho Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Đưa Phật giáo dân tộc lên vị trí cao, khơi dậy đạo đức chân thật sâu rộng trong tầng lớp tăng ni thời bấy giờ. Rồi cũng đến lúc hết duyên trần thõng tay đi, Ngài ra đi với bên kia trăng gió rộng thênh thang, để lại niềm ngậm ngùi luyến tiếc khôn nguôi cho vua quan Triều Trần.

Tam Tổ Huyền Quang thi đỗ trạng nguyên làm quan, đa văn bác học lại tinh thâm đạo lý nên học đồ bốn phương nghe danh tụ hội về tham vấn thường xuyên không dưới ngàn người. Ngài thường phụng chiếu đi giảng Kinh. Sau vì lớn tuổi nên đã giao trọng trách cho Quốc sư An Tâm, lui về an dưỡng ở Côn Sơn. Là một thiền sư lỗi lạc lại ưa ngao du sơn thủy, với tâm hồn thi sĩ Ngài đã để lại nhiều kiệt tác, trong đó có bộ Ngọc Tiên Tập có khoảng hai mươi ba bài thơ chữ Hán và một bài phú chữ Nôm tả cảnh Hoa Yên. Qua những tác phẩm đó học nhân có thể hiểu được tinh thần đạo lý của Tổ.

Núi Yên Tử từ Tổ Hiện Quang đến Trúc Lâm Viên Chứng, trải qua tới Tam Tổ triều Trần, lần lượt tiếp nối truyền đăng rất nhiều, khó nêu ra hết. Dòng Thiền Trúc lâm Yên Tử vẫn tuôn chảy mãi, cho dù trải qua bao thăng trầm, tâm thiền vẫn tiềm tàng nơi mỗi con người.

Nhưng sau đó dòng Thiền Trúc Lâm chìm dần vào quên lãng. Để rồi hạt giống quý báu kia lại được kết tụ, vươn lên phát triển tốt đẹp nơi người thanh niên lái đò trên bến nước Hậu Giang.

Người đã từ giã nơi chôn nhau cắt rốn, từ giã gia đình, âm thầm ra đi để làm một việc kỳ vĩ cho người sau: Khôi phục lại Thiền Tông Việt Nam hay Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Một con người rất bình dị mà tiềm tàng một ý chí vô song. Người đã âm thầm tu Thiền trong khi chung quanh huynh đệ, ngay cả Bổn Sư đều tu Tịnh. Một mình trong thất vắng, Người quyết chí tìm ra một con đường xán lạn mà Phật Tổ đã đi qua. Bao lần rơi lệ đắng cay, chỉ biết lễ Phật sám hối và cuối cùng thì nụ cười đẹp nhất của đời người nở mãi trên môi.

Người mở cửa thất để dạy thiền và thầm lặng gây dựng một tương lai. Đem tâm huyết trọn đời Người rót vào tâm những người kế tiếp, để mạch Thiền tuôn trào từ Nam ra Bắc.

Lần Người về thăm non Yên, đoàn người áo vàng lại thấp thoáng qua những con đường núi cũ. Người đã bước qua từng cụm đá, cội cây, vượt qua từng con suối và dừng lại dưới cội tùøng xưa. Cội tùøng hơn bảy trăm năm về trước như vừa gặp lại bạn tri âm. Nụ cười vui mãn nguyện khi Người ngồi lại dưới cội tùng già, bao mệt nhọc thảy đều rũ sạch. Non Yên vừa thức dậy sau giấc ngủ dài, bừng lên sức sống mới, tiếp nối hoài bão của Sơ Tổ Trúc Lâm. Nguồn thiền đã thật sự sống lại trong lòng dân tộc và mạch sống vô biên đó lại tuôn chảy đến ngày nay.

Khi tôi tìm về Yên Tử, bước lên những bậc đá mòn thân quen và chợt nhận ra linh hồn của Sơn Môn Yên Tử, thật khiêm tốn hồn nhiên và sâu thẳm như núi rừng. Lối dạy người sau của Hòa thượng Ân sư cao thâm như tiếng hét của Lâm Tế, cái đánh của Đức Sơn đưa người vào đất thật. Người luôn luôn nhắc chúng tôi phải sống với cái hiện tiền, sống lại với con người chân thật bất tử của mình. Chỉ có vậy, đơn giản thật thà mà tiếp đèn nối đuốc không dứt.

Tôi cảm thấy mình diễm phúc biết bao vì đang có mặt trong hội chúng của vị Thiền sư khôi phục dòng Thiền Trúc Lâm, tiếp nối ngọn đèn chánh pháp. Hai mươi năm qua tôi được tắm mình trong ánh sáng chân lý, uống cạn dòng nước pháp. Ngày nay nhớ ân bậc Tôn sư truyền pháp, không quên cảm niệm ân đức sâu thẳm của Tam Tổ Trúc Lâm đã mở đường cho người sau tiếp bước và dặn lòng phải xứng đáng với kỳ vọng của tiền nhân.

[ Quay lại ]