headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 20/04/2024 - Ngày 12 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

KINH PHÁP HOA - GIẢNG LỤC

KINH-DIỆU PHÁP LIÊN HOA-Giảng Lục

  ------------------

Pháp Phật sâu mầu chẳng gì hơn,
Trăm ngàn muôn kiếp khó được gặp,
Nay con nghe thấy vâng gìn giữ,
Nguyện hiểu nghĩa chân Đức Thế Tôn.


Hôm nay nói kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Bộ kinh này nguyên bản bằng chữ Phạn, gần đây các nhà nghiên cứu phát hiện được tại vùng Tân Cương. Khoảng năm 1852 có một học giả người Pháp, ông dịch ra tiếng Pháp. Còn bản dịch mà chúng ta đang học ở đây là dịch từ bản chữ Hán.

Ở Trung Quốc, từ xưa có sáu bản dịch từ tiếng Phạn ra chữ Hán, nhưng dần dần về sau này thất lạc bớt, còn lại ba bản, gồm có:

- Bản thứ nhất, do Ngài Trúc Pháp Hộ dịch, gọi là Chánh Pháp Hoa Kinh, gồm có mười quyển và hai mươi bảy phẩm, dịch vào khoảng năm 286 Tây lịch.

- Bản thứ hai, là do Ngài Cưu Ma La Thập dịch, tức là bản chúng ta đang học ở đây, gọi là Diệu Pháp Liên Hoa Kinh. Bản này gồm tám quyển hai mươi tám phẩm, dịch khoảng năm 406 Tây lịch, vào thời Dao Tần.

- Bản thứ ba, do Ngày Xà Na Quật Đa và Đạt Ma Cấp Đa dịch, để tên là Thiêm Phẩm Diệu Pháp Liên Hoa Kinh. Gồm có tám quyển, hai mươi bảy phẩm, dịch vào khoảng năm 601 Tây lịch.

Về chú giải, cũng có nhiều bảm chú giải về Kinh Diệu Pháp Liên Hoa này. Ở bên Ấm Độ có Ngài Thế Thân chú giải, gọi là bộ Diệu Pháp Liên Hoa Ưu Bà Đề Xá.

Qua bên Trung Quốc có bộ Pháp Hoa Kinh Sớ cùa Ngài Trúc Đạo Sanh, Pháp Hoa Nghĩa Ký của Ngài Pháp Vân, Pháp Hoa Văn Cú, Pháp Hoa Huyền Nghĩa của Ngài Trí Khải, Pháp Hoa Nghĩa Sớ của Ngài Cát Tạng, Pháp Hoa Huyền Tán của Khụy Cơ v.v…

Qua phần tiếng Việt có bản dịch của Hòa thượng Thích Trí Tịnh là bản học ở đây. Có bản của ông Đoàn Trung Còn, bản của  ông Mai Thọ Truyền, của Hòa thượng Trí Nghiêm v.v…

Trong đó bản của Hòa thượng Thích Trí Tịnh thông dụng, nên ở đây chúng ta dùng bản này để học. Đó là nói qua về bản kinh.

Kinh Pháp Hoa này, là một trong những bộ kinh Đại Thừa có duyên rất lớn với cõi này, được nhiều người mến mộ, kính quý đọc tụng. Bộ kinh này xiển dương về giáo lý, gọi là Khai Quyền Hiển Thật hoặc đưa Tam thừa trở về một Phật thừa. Nghĩa là trước đó có Tam thừa, là Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát, mà đến đây đưa vào một Phật thừa hết. Để nêu cao cho thấy rõ tất cả chúng sanh đều có thể thành Phật.

Bởi vậy, trong đây Ngài Đề Bà Đạt Đa phá Phật đủ thứ, nhưng cũng được thọ ký, không bị bỏ sót ra ngoài, và trong bộ kinh này nhấn mạnh tông chỉ là: - Khai, Thị, Ngộ, Nhập Tri Kiến Phật, nghĩa là khai thị cho chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật. Đó là đại sự nhân duyên của Phật ra đời, tức là một nhân duyên, một việc lớn lao Phật ra đời. Chính đó là bản hoài của Phật, Ngài ra đời là vì mục đích khai thị cho chúng sanh ngộ nhập Tri Kiến Phật. Đó là điểm chính, còn dùng phương tiện này, phương tiện khác đều là những cách tạm thời để đưa về chỗ này. Cho nên có những lúc Phật chưa nói hết được bản hoài của Ngài thì Ngài dùng phương tiện nói thế này, thế kia. Chẳng hạn, như mấy người mới vào học đạo và nói thẳng như vậy thì họ chưa tin nổi, thì dạy tu thập thiện, ngũ giới rồi lần lần lên tạo những nghiệp lành, bỏ ác để bớt đi nghiệp ác. Đó cũng là cách mình trở về từ từ, nhưng mà chưa chỉ thẳng ở đây.

Đến đây, Đức Phật Ngài thổ lộ ra hết, đưa thẳng chĩ rõ mọi người đều có tánh Phật, đều có tánh Phật, đều có thể thành Phật. Về tông chỉ này, trong kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ có dạy Ngài Pháp Đạt:

- Ông tụng niệm kinh này mà ông có biết kinh này lấy gì làm tông chăng ?

Ông thưa:

- Con chỉ nương theo văn mà tụng niệm, đâu có biết tông thú.

Tổ mới dạy:

- Tôi chẳng biết chữ, bây giờ ông hãy lấy kinh tụng qua một lần, tôi sẽ giải nói cho.

Pháp Đạt liền tụng thuộc lòng, tụng đến phẩm Thí Dụ, Tổ bảo dừng lại, rồi nói:

Thôi kinh này vốn lấy nhân duyên ra đời làm tông, dù có nói nhiều thứ thí dụ cũng không ra ngoài ý này, mà cái gì là nhân duyên? – kinh nói:” chư Phật Thế Tôn chỉ vì một đại sự nhân duyên nên hiện ra nơi đời”. Một đại sự đó tức là Tri Kiến Phật.

Người đời bên ngoài mê đắm nơi tướng, bên trong mê đắm nơi không. Nếu mà hay ở nơi tướng mà lìa tướng, nơi không lìa không, tức là trong ngoài chẳng mê. Nếu ngộ được pháp này, một niệm mà tâm mở sáng đó là Khai Tri Kiến Phật. Phật vẫn Giác đây chia ra bốn môn: Khai tri kiến giác, Thị tri kiến giá, Ngộ tri kiến giác, Nhập tri kiến giác. Nếu nghe khai thị liền có thể ngộ nhập tức là tri kiến giác, chân tánh xưa nay sẽ hiện ra thôi, ông hãy dè dặt chớ hiểu lầm ý kinh. Nghe thấy Phật nói Khai thị ngộ nhập rồi tu cho là tri kiến của Phật, còn bọn ta không có phần. Nếu khởi hiểu nghĩa này, chính là chê bai kinh, là hủy báng Phật. Ngài đã là Phật thì đã đủ tri kiến rồi, đâu cần khai nữa. Nay ông hãy tin Tri kiến Phật là tự tâm ông, trọn không có Phật khác.

Bởi vì tất cả chúng sanh tự che lấp cái sáng tỏ rồi tham đắm nơi trần cảnh, bên ngoài thì duyên ra, bên trong thì quấy động, đành chịu rong ruổi làm nhọc cho Đức Thế Tôn mới từ tam muội dậy, rồi nói hết lời để khuyên:- “hãy nghỉ ngơi đi”, chớ có tìm cầu bên ngoài, thì cùng Phật không hai. Cho nên nói là Khai Tri Kiến Phật”.

Lục Tổ nói rõ: Tông thú của kinh là lấy nhân duyên ra đời của Phật, nhân duyên ra đời là gì ? – Là KHAI THỊ cho chúng sang Ngộ Nhập Tri Kiến Phật.

Tri là biết. Kiến là thấy. Phật là giác. Cái thấy biết giác ngộ ngay nơi chính mình, đánh thức cái giác ngộ chính mình mà bỏ quên, đó là đại sự nhân duyên của Phật ra đời, mà đó cũng là tông thú của bộ kinh. Bởi vậy mà Ngài nói rằng:

- Phật nói bao nhiêu các phương tiện, bao nhiêu thí dụ cũng dẫn về chỗ đó, nhắm vào chỗ đó, mà chúng ta mê lầm, dùng tâm chúng sanh cứ duyên ra bên ngoài, bên trong thì khuấy động cho nên mới phải nhọc nhằn Đức Thế Tôn từ tam muội dậy, rồi Ngài mới nói thế này thế kia - Để khuyên mọi người hãy ” nghỉ ngơi đi”, đừng chạy nữa, hãy trở về tri kiến Phật nơi mình.

Như vậy, người nghe kỹ và hiểu sâu nghĩa lý của kinh này, đó là trồng sâu căn lành Bồ đề hay hạt giống Phật, có cơ hội thì nó nẩy mầm. Nghe sâu tức là nghe tận nội tâm của mình, chớ không nghe ngoài tai. Đó là nói qua tông thú bộ kinh, kế nói về người dịch.

Kinh này do Ngài Cưu Ma La Thập dịch vào đời Dao Tần, khoảng thế kỷ V, tại chùa Thảo Đường, ở Trường An. Ngài là một vị dịch kinh nổi tiếng và được đa số người rất tin tưởng. Những bộ kinh Ngài dịch ra, văn sáng sủa, lưu loát. Khi sắp tịch, Ngài có nguyện:” Nếu những kinh mà Ngài dịch ra không sai với ý Phật thì cho khi thiêu, cái lưỡi vẫn còn không hoại, không hư”. Quả nhiên khi Ngài tịch, thiêu rồi lưỡi vẫn còn nguyên. Đó là để chứng tín kinh của Ngài dịch ra không sai ý Phật.

 

[ Quay lại ]