headertvtc new


   Hôm nay Thứ hai, 23/12/2024 - Ngày 23 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

KINH PHÁP HOA - PHẨM TỰA (tt-3)

CHÁNH VĂN:

24- Bấy giờ đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh từ trong chánh định mà dậy, vì Diệu Quang Bồ tát nói kinh Đại thừa tên Diệu Pháp Liên Hoa Giáo Bồ Tát Pháp Phật Sở Hộ Niệm, trải qua sáu mươi tiểu kiếp chẳng rời chỗ ngồi.

25- Lúc ấy trong hội, người nghe pháp cũng ngồi một chỗ đến sáu mươi tiểu kiếp, thân tâm đều không lay động, nghe đức Phật nói pháp cho là như trong khoảng bữa ăn. Bấy giờ trong chúng không có một người nào hoặc là thân hoặc là tâm mà sanh lười mỏi.

26- Đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh trong sáu mươi tiểu kiếp nói Kinh đó rồi, liền ở trong chúng ma, phạm, sa môn, bà la môn và trời, người, a tu la mà tuyên rằng: "Hôm nay vào nửa đêm, Như Lai sẽ nhập Vô Dư Niết bàn". Khi đó có vị Bồ tát tên Đức Tạng, đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh liền thọ ký cho, bảo các Tỳ kheo rằng: "Ông Đức Tạng Bồ tát này kế đây sẽ thành Phật hiệu là Tịnh Thân Như Lai, Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác".
Đức Phật thọ ký xong, vào nửa đêm bèn nhập Vô Dư Niết bàn.

GIẢNG:

Trước tiên nhắc đến ở trong hội đó có Bồ tát tên là Diệu Quang khi Phật phóng ánh sáng đó rồi Phật ở nơi chánh định dậy, vì Bồ tát Diệu Quang đó nói Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Giáo Bồ Tát Pháp Phật Sở Hộ Niệm. Nói Kinh đó trải qua sáu mươi tiểu kiếp chẳng rời khỏi chỗ ngồi, trong chúng hội cũng ngồi sáu mươi tiểu kiếp.

Bồ tát Diệu Quang là gì? Diệu là mầu nhiệm. Quang là ánh sáng. Diệu Quang là ánh sáng nhiệm mầu. Ánh sáng Diệu Quang là ánh sáng trí tuệ căn bản. Đó là trí tuệ không thể nghĩ bàn, tức là muốn ngầm nói cái gì? - Muốn nghe pháp này, rõ Tri Kiến Phật này thì phải bặt niệm phân biệt, phải từ căn bản trí mà vào.

Sáu mươi tiểu kiếp, tính ra khoảng một tỷ tám triệu năm, nói pháp luôn như vậy, ai nghe có tưởng tượng nổi không? Pháp ở đâu mà nói hoài vậy? Đây muốn chỉ cho ta rõ Tri Kiến Phật vượt ngoài thời gian, khái niệm. Ở đây Ngài nói pháp thời gian dài như vậy thân và tâm không lay động, không rời chỗ ngồi. Chúng nghe pháp cũng vậy, cũng ngồi đó thân tâm đều không lay động trải qua sáu mươi tiểu kiếp, tức là một tỷ tám triệu năm mà tưởng như trong khoảng bữa ăn thôi, tức quên thời gian. Còn mắc kẹt thời gian là còn thấy có lâu, có mau cho nên ngồi nghe một lúc trông cho hết giờ để nghỉ. Đó là sống với tri kiến chúng sanh, còn sống với Tri Kiến Phật thì quên thời gian.

Đức Phật nói pháp trong sáu mươi tiểu kiếp cũng không rời chỗ ngồi, ý nghĩa đó là muốn nói lên cái gì?

- Đó là cho dù Ngài nói thế nào, nói Đông nói Tây gì đi nữa thì vẫn không rời “một niệm hiện tiền” đây thôi. Vậy mình ngồi nghe mà nghe chú tâm, lắng lòng nghe thì thời gian dài cũng không rời người nghe pháp đây, không rời niệm hiện tiền đó. Rõ được chỗ này mình mới thấy ý nghĩa sâu xa trong đó, chớ mình không biết đức Phật nói pháp cách gì trải qua thời gian dài mà ngồi đó nói hoài, chúng cũng ngồi đó hoài. Như vậy, khi người sống trong Tri Kiến Phật đó thì quên niệm về thời gian, mới rõ được, mới sống được trong Tri Kiến Phật. Do đó ngồi thiền lâu lâu có những giây phút an ổn, mình cảm thấy được chút chút quên thời gian, lúc đó mình mới hiểu được phần nào cảnh giới này. Khi chúng ta sống được nhất tâm, sống ngay trong hiện tại này, bặt được ý nghĩ lăng xăng đó, quên mất ý niệm về thời gian, chúng ta mới nghe được Pháp Hoa rõ ràng, còn bây giờ nghe Pháp Hoa bằng cái gì? - Nghe với tâm đang ngồi đây mà nghĩ nhớ chuyện nhà. Vậy ngay đây mà đã rời khỏi chỗ ngồi rồi, chưa nói đến mấy mươi kiếp nữa.

Khi Phật nói Kinh Pháp Hoa xong rồi tức qua sáu mươi tiểu kiếp đó xong rồi, Ngài tuyên bố: "Tối nay nửa đêm Ta nhập Niết bàn". Sao nói Kinh xong tuyên bố nhập Niết bàn? Chỗ này có giống chỗ Ngài Sùng Tín đưa đèn cho Ngài Đức Sơn không? Tức là Đức Sơn Tuyên Giám, sau khi quảy bộ Thanh Long Sớ Sao đi về phương Nam, gặp bà già bán bánh hỏi một câu mà đáp không được, Sư mới hỏi, ở đây có Thiền sư không, bà già chỉ đến Ngài Sùng Tín. Ở đó, Sư theo Ngài Sùng Tín một thời gian, một hôm đứng hầu khuya, Ngài Sùng Tín mới bảo:

- Khuya rồi, sao ông không xuống đi?

Sư đi ra thấy trời tối đen, bèn trở vào thưa rằng:

- Bên ngoài tối đen.

Tối đen đó có hai nghĩa, là bên ngoài trời tối đen mà tâm Ngài cũng đang tối đen.

Ngài Sùng Tín nói:

- Được rồi! Ông tới ta đốt đèn đưa cho.

Ngài Sùng Tín đốt đèn đưa cho Sư. Sư đưa tay ra tiếp nhận, thì ngay đó Ngài Sùng Tín liền thổi tắt. Sư liền ngộ.

Lúc cần thì mồi đèn đưa cho, khi lấy thì thổi tắt đi. Như vậy có giống ở đây không? - Nói Kinh Pháp Hoa cho nghe, nghe xong tuyên bố nhập Niết bàn. Vậy đó là nhắn nhủ mình cái gì? - Phần của Ta nói tới đây là xong rồi, nói Pháp Hoa là thổ lộ cho mọi người hết rồi, Tri Kiến Phật đó đã nói rõ rồi, bây giờ còn lại là gì? - Là phần của các ông. Cho nên, thôi Ta nhập Niết bàn. Cũng như ta đưa đèn rồi liền thổi tắt, đó là ông tự sáng lên, không ỷ vào Ta. Ỷ lại, nếu có được gì đi nữa cũng là cái vay mượn, cũng là trí hữu sư. Ở đây muốn mình phải phát trí vô sư, sống với trí vô sư đó. Ta nhập Niết bàn rồi chỉ còn ông ở đó thì ông phải sống dậy thôi. Đó là ý nghĩa rất sâu xa! Chính ông sống được như vậy đó thì ông mới giữ gìn, mới truyền Pháp Hoa không đoạn dứt được. Nếu ỷ lại vào Ta, khi Ta mất đi thì ông chới với. Trong nhà Thiền có câu: "Từ cửa vào thì không phải của báu của nhà mình". Nếu báu trong nhà thì trong nhà tự lấy ra xài, còn từ cửa vào là thuộc bên ngoài. Do đó ở đây Phật tuyên bố thôi Ta nhập Niết bàn, còn lại là phần dành cho ông.

Khi đức Phật tuyên bố nửa đêm nhập Niết bàn thì trong hội đó có vị Bồ tát tên là Đức Tạng, Phật thọ ký cho Ngài Đức Tạng kế đó sẽ thành Phật gọi là Tịnh Thân Như Lai. Ai thấy có gì lạ không? Nói Kinh thì nói cho Ngài Diệu Quang nghe, đối trước với Ngài Diệu Quang, nhưng lại thọ ký cho Ngài Đức Tạng. Bởi vì Diệu Quang là chỉ cho Ngài Văn Thù, mà Văn Thù tức là căn bản trí. Căn bản trí tức là trí căn bản, là trí âkhông thầy, là bản giác, giác có ở nơi mọi người thì còn thọ ký gì nữa. Do đó thọ ký cho Ngài Đức Tạng.

Đức Tạng là kho công đức đầy đủ diệu hạnh, chỗ sống được trọn vẹn, được viên mãn mới thành Phật, với tự thân trang nghiêm thanh tịnh, đó là quả đức. Muốn nói lên, ngộ Tri Kiến Phật, rõ được bản giác là sẵn đủ tự bao giờ rồi, nhưng còn phải sống, sống cho trọn vẹn viên mãn trong đó mới tròn đầy quả đức, thực sự thành tựu thanh tịnh pháp thân, thanh tịnh tự thân. Quả Phật tới đó mới là trọn vẹn, cho nên thọ ký cho ngài Đức Tạng. Đó là điều nhắc nhở cho người học Pháp Hoa cũng phải nhớ kỹ, sáng được Pháp Hoa, ngộ được Tri Kiến Phật nhưng phải sống được trong đó, sống trọn vẹn đầy đủ công đức thì mới xong, chứ không phải nghe ngộ là đủ. Cho nên Phật thọ ký cho Ngài Đức Tạng mà không thọ ký cho Ngài Diệu Quang.

CHÁNH VĂN:

27- Sau khi đức Phật diệt độ, Diệu Quang Bồ tát trì kinh Diệu Pháp Liên Hoa, trải tám mươi tiểu kiếp vì người mà diễn nói.

28- Tám người con của Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh đều học với Ngài Diệu Quang. Ngài Diệu Quang dạy bảo cho đều vững bền ở nơi đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Các vị Vương tử đó cúng dường vô lượng trăm nghìn muôn ức đức Phật đều thành Phật đạo. Vị thành Phật sau hết hiệu là Nhiên Đăng.

29- Trong hàng tám trăm người đệ tử có một người tên Cầu Danh. Người này ưa tham danh lợi, dầu cũng đọc tụng các kinh mà chẳng thuộc rành, phần nhiều quên mất nên gọi là Cầu Danh. Người này cũng do có trồng các nhơn duyên căn lành nên đặng gặp vô lượng trăm nghìn muôn ức đức Phật mà cúng dường cung kính tôn trọng khen ngợi.

30- Di Lặc nên biết! Lúc đó Diệu Quang Bồ tát đâu phải người nào xa lạ, chính là Ta đấy, còn Cầu Danh Bồ tát là Ngài đấy.
Nay thấy điềm lành này cùng với xưa không khác. Cho nên ta xét nghĩ, hôm nay đức Phật Như Lai sẽ nói kinh Đại thừa tên Diệu Pháp Liên Hoa Giáo Bồ Tát Pháp Phật Sở Hộ Niệm.
Bấy giờ, Ngài Văn Thù Bồ tát ở trong đại chúng, muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:


GIẢNG:

Phật thọ ký xong, Ngài nhập Niết bàn rồi, sau đó Bồ tát Diệu Quang trì kinh Diệu Pháp Liên Hoa tám mươi tiểu kiếp, vì người khác mà diễn nói, tức là tiếp nối giữ gìn Kinh Pháp Hoa hay giữ gìn Tri Kiến Phật đó. Mà muốn tiếp nối, giữ gìn Tri Kiến Phật hay kinh Pháp Hoa đó, phải là cái gì? Phải là căn bản trí hoặc là trí vô sư, cho nên ở đây Bồ tát Diệu Quang trì Diệu Pháp Liên Hoa tám mươi tiểu kiếp, Ngài trì liên tục. Bởi cái trí sẵn nơi mình, chính trí đó nó mới giữ gìn liên tục được, còn trí hữu sư thì nó sẽ có gián đoạn, lấy cái trí đó mà giữ gìn Pháp Hoa thì khó được liên tục. Rồi tám người con của đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh đó đều học với Ngài Diệu Quang, Ngài Diệu Quang cũng dạy bảo cho khiến đều vững bền nơi đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác và những người con này cũng từng cúng dường vô lượng đức Phật rồi sau đó cũng đều thành Phật, Phật cuối cùng là Phật Nhiên Đăng, mà Nhiên Đăng là thầy của đức Phật Thích Ca.

Tám người con đó là chỉ cho tám thức, tám thức nó đều nương theo căn bản trí, tức là nương theo Ngài Diệu Quang mà học. Như vậy để thấy rõ, khi mê thì nó là thức, khi giác thì nó là trí. Ngay điểm này ta hiểu thêm ý nghĩa gì? Nó có cố định không? Không có tánh cố định gì hết. Thức nó không phải cố định là thức mà khi giác thì nó chuyển thành trí rồi. Do đó, tám thức nó vốn là tánh không, không có tánh cố định. Mà tánh không, tức là tám thức đều vô ngã, nhưng mình lại chấp ngã, chấp nó cố định đó là mê lầm. Hiểu được như vậy, thì chính ngay cái suy nghĩ của mình đây, khéo chuyển thì nó sẽ đi đến cái gì? Cái suy nghĩ này, thay vì nó suy nghĩ hơn thua, phải quấy, đông tây bây giờ hãy suy nghĩ đến chỗ không suy nghĩ xem. Song chỗ không suy nghĩ làm sao suy nghĩ? Thì ngay đó nó bặt suy nghĩ rồi! Mà bặt suy nghĩ thì nó chuyển thành trí, căn bản trí hiện ra. Nếu khéo ứng dụng thì chính ngay cái tâm suy nghĩ này, mình chuyển nó liền tỏ ngộ ngay không cần phải tìm đâu xa.

Mà nếu ngay chỗ suy nghĩ này, mình suy nghĩ đến chỗ bặt suy nghĩ thì bừng sáng dậy, và chỗ bừng sáng dậy là gì? Đóù là Nhiên Đăng chớ gì! Cho nên Phật cuối cùng là Nhiên Đăng. Nhiên Đăng là cái đèn nó bật cháy và đó là thầy của Phật Thích Ca. Tới đây có ai nghi cái gì không? Tám vị Vương tử đó theo học với Ngài Diệu Quang, cuối cùng rồi cũng đều thành Phật, cũng đều phựt cháy hết, cuối cùng là vị Nhiên Đăng. Như vậy, mấy vị học trò đều thành Phật hết, còn Ngài Diệu Quang thì sao không thấy thọ ký thành Phật? Diệu Quang tức Ngài Văn Thù, cũng không thấy thọ ký thành Phật, cũng còn là Văn Thù? Bởi vì, Ngài là căn bản trí rồi. Đó là một ý, thành Phật cũng không phải là thành một cái gì khác, mà là thành cái sẵn có đã bị bỏ quên thôi. Bởi vậy, chính cái “diệu quang” tức cái ánh sáng nhiệm mầu sẵn có, là thầy của các đức Phật. Các đức Phật thành Phật cũng là thành cái sẵn có đó chớ không phải cái gì khác. Đêán đây ai thấy được cái Diệu Quang chưa?

Rồi thêm một đoạn nữa, trong hàng tám trăm đệ tử của Ngài Diệu Quang đó, có người tên là Cầu Danh. Cầu Danh tức là đi theo danh lợi, tiếng tăm, cho nên nói người này ưa danh lợi, tiếng tăm, dầu có đọc tụng nhưng không có thuộc kinh. Theo danh tướng thì làm sao thuộc kinh Pháp Hoa này nổi! Nhưngdo có trồng nhân duyên căn lành, có gần gũi các đức Phật, nên cuối cùng cũng được thọ ký thành Phật. Do đó Ngài Văn Thù nói, Diệu Quang đó không ai khác, chính là ta đây; còn Cầu Danh là ông - là Ngài Di Lăïc. Ngài Di Lăïc đó cũng được gặp Phật Thích Ca thọ ký sau này sẽ thành Phật. Như vậy, Cầu Danh cũng được thọ ký thành Phật, thì ở đây có ai mất phần không?

Hiện tại đây chúng ta đang sống với cái gì? - Với cầu danh, với vọng tưởng chứ gì? Tức sống với các thức tưởng phân biệt đó, nếu khéo chuyển rồi cũng thành Phật. Mình biết rõ cái vọng tưởng đó nó là không thật thì không lầm các vọng tưởng đó. Chính ngay suy nghĩ mà bặt suy nghĩ thì nó bừng sáng lên, tánh giác hiện tiền. Đểå thấy rõ, mỗi người chúng ta ngồi đây đều là những vị Phật tương lai, nếu khéo biết chuyển. Cho nên ở đây rốt lại Ngài Văn Thù nói ra, Diệu Quang đó chính là ta, còn Cầu Danh chính là ông chứ không có ai khác. Đóù cũng là ý nghĩa, xưa nay không rời ngay một niệm hiện tiền này, chớ kẹt vào niệm xưa nay đó chính trước mắt đây liền cách biệt.

Do đó, Ngài Văn Thù kết thúc, nay thấy điềm lành này cùng với xưa không khác, xét biết rõ đức Phật Như Lai sẽ nói kinh Đại thừa Diệu Pháp Liên Hoa Giáo Bồ Tát Pháp Phật Sở Hộ Niệm. Nay với xưa không khác, thấy rõ như vậy. Phật chưa nói, chưa xuất định nhưng Ngài Văn Thù thấy đó đã biết rồi. Vậy là do cái gì? - Do căn bản trí thầm hiểu được Phật muốn nói. Chúng ta khéo mở được con mắt đó thì mình cũng thấy được chỗ chưa nói của đức Phật đó. Chính thấy chỗ chưa nói của Phật đó mới thấy được chỗ tột cùng. Còn thấy chỗ đã nói thì sao? - Thấy chỗ đã nói là thấy theo chỗ phân biệt rồi. Cho nên khi Phật đã nói rồi nhưng mình cũng phải từ chỗ đã nói đó mà thấy chỗ chưa nói kia, còn nếu theo chỗ đã nóimà hiểu tức là theo đuôi. Chỗ này phải nghiền ngẫm cho kỹ mới thấy chỗ sâu xa của Phật!

Như vậy ngày xưa cũng cái thấy cái nghe này, rồi bây giờ cũng cái thấy cái nghe này, cho nên Ngài Văn Thù lúc xưa, ở chỗ đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh đó thì Ngài cũng cái thấy cái nghe này, rồi ngày nay ở chỗ Phật Thích ca cũng cái thấy cái nghe này Ngài biết rõ, thì mình bây giờ nếu khéo cũng sẽ thấy rõ. Chính ngày xưa cũng thấy nghe đó, bây giờ cũng cái thấy nghe đó thì có hai, ba gì đâu. Chưa ngộ còn đợi gì nữa? Tri Kiến Phật là ngay chỗ đó, còn gì nữa; chỉ là mình đừng xen những cái khác vào thôi. Cũng ngay chỗ thấy nghe này đừng xen những cái khác vào là xong!

Trong Sử thiền có kể: có vị Tăng đến hỏi Ngài Linh Vân:

- Khi Phật chưa ra đời thì thế nào?

Ngài Linh Vân lấy cây phất tử đưa lên (đó là Phật chưa ra đời).

Sau đó ông Tăng hỏi tiếp:

- Khi Phật ra đời thì như thế nào?

Ngài cũng đưa cây phất tử lên.

Vậy có gì sai khác? Mà cái gì là cái Phật trước khi chưa ra đời? - Chính là cái đang ngồi đó. Thành ra chính cái đó khi Phật chưa ra đời và sau khi ra đời cũng không rời cái đó. Nhưng mình không sống được ngay cái đó, mà còn thêm trong đó cho nên thành ra sai biệt. Nếu rõ được ngay chỗ đó rồi thì ở đây thấy được Diệu Pháp Liên Hoa thôi. Kế đó Ngài Văn Thù mới thuật lại bài kệ:

CHÁNH VĂN:

            31-Ta nhớ thuở quá khứ
                Vô lượng vô số kiếp
                Có Phật Nhơn Trung Tôn
                Đức Thế Tôn nói pháp
                Độ vô lượng chúng sanh
                Vô số ức Bồ tát
                Khiến vào trí huệ Phật

GIẢNG:

Đây nhắc lại đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh, từ vô lượng vô số kiếp về trước, Phật ra đời, độ vô lượng chúng sanh cũng đều nhắm vào trí huệ Phật. Đó là bản hoài của Phật.

CHÁNH VĂN:

        32- Khi Phật chưa xuất gia
              Có sanh tám Vương tử
             Thấy Đại Thánh xuất gia
             Cũng theo tu Phạm hạnh

GIẢNG:

Nhắc lại khi Phật chưa xuất gia có tám vị Vương tử, khi Phật xuất gia thì tám vị đó cũng xuất gia theo.

CHÁNH VĂN:

            33- Phật nói kinh Đại thừa
                 Tên là "Vô Lượng Nghĩa"
                Ở trong hàng đại chúng
                Mà vì rộng tỏ bày.
                Phật nói kinh ấy rồi
                Liền ở trong pháp tòa
                Xếp bằng nhập chánh định
                Tên "Vô Lượng Nghĩa Xứ."
                Trời rưới hoa Mạn đà
                Trống trời tự nhiên vang
                Các trời, rồng, quỷ, thần
                Cúng dường đấng Nhơn Tôn
                Tất cả các cõi Phật
                Tức thời vang động lớn.

GIẢNG:

Đây nói về đức Phật nói kinh "Vô Lượng Nghĩa", sau khi nói xong Ngài bèn nhập định tên là "Vô Lượng Nghĩa Xứ", lúc đó trời rưới hoa, đất chấn động. Thuật lại việc đó, người nghe thì ai cũng tưởng vào một thời xa xôi nào đó. Nhưng đất chấn động vang như vậy, nó còn vang cho đến ngày nay, có ai nghe được không? Tiếng vang chấn động đất, vậy đất này là đất gì? - Đó là đất tâm. Tiếng vang đó còn vang đến ngày nay, ai khéo nghe tiếng vang đó thì sao? - Thì tự nhiên là thấy trời mưa hoa, cảm được trời mưa hoa và nghe được Phật nói kinh Vô Lượng Nghĩa, thấy được Phật nhập chánh định Vô Lượng Nghĩa Xứ đó.

CHÁNH VĂN:

            34- Phật phóng sáng giữa mày
                  Hiện các việc hy hữu
                  Ánh sáng chiếu phương Đông
                  Muôn tám nghìn cõi Phật.
                  Bày sanh tử nghiệp báo
                  Của tất cả chúng sanh
                  Lại thấy các cõi Phật
                  Dùng các báu trang nghiêm
                  Màu lưu ly, pha lê
                  Đây bởi Phật quang soi.

GIẢNG:

Đây là nói Phật phóng ánh sáng từ lông trắng giữa chặng mày, chiếu về phương Đông, một muôn tám nghìn cõi, soi thấy hết nghiệp báo của chúng sanh ở trong sáu đường, cho đến cảnh trang nghiêm ở cõi Phật, màu lưu ly, pha lê đều thấy rõ hết. Đó là muốn nói lên cái gì? - Trong ánh sáng đó tịnh uế gì cũng hiện trong đó hết, không thiếu. Vậy còn tìm đâu xa chi nữa Đó là nhắc nhở cho mình thấy lại ánh sáng đó là cái hay, còn theo tướng tịnh uế là theo chiều mê.

CHÁNH VĂN:

            35- Lại thấy những trời, người
                  Rồng, thần, chúng dạ xoa
                  Càn thát, Khẩn na la
                  Đều cúng dường Phật mình.

       
GIẢNG: Thấy trời, người, rồng, thần, dạ xoa.

CHÁNH VĂN:

            36- Lại thấy các Như Lai
                  Tự nhiên thành Phật đạo
                  Màu thân như núi vàng
                  Đoan nghiêm rất đẹp màu
                  Như trong lưu ly sạch
                  Hiện ra tượng chơn kim
                  Thế Tôn trong đại chúng
                  Dạy nói nghĩa thâm diệu

GIẢNG:

Đây là thấy thân tướng trang nghiêm, đẹp đẽ của các đức Phật. Và tự nhiên thành Phật đạo nói pháp vi diệu, tức là sao? Thành Phật là thành tự nhiên, ý nói thành Phật tức là thành cái sẵn có đó, chớ không phải thành cái bên ngoài, thành mà không có chỗ thành.

CHÁNH VĂN:

            37- Mỗi mỗi các cõi Phật
                 Chúng Thanh văn vô số
                 Nhơn Phật quang soi sáng
                 Đều thấy đại chúng kia
                 Hoặc có các Tỳ kheo
                 Ở tại trong núi rừng
                 Tinh tấn giữ tịnh giới
                 Dường như gìn châu sáng

GIẢNG: Nhân cái ánh sáng của Phật mà thấy các Tỳ kheo trì giới, tu hành tinh tấn thanh tịnh.

CHÁNH VĂN:

            38- Lại thấy các Bồ tát
                 Bố thí nhẫn nhục thảy
                 Số đông như hằng sa
                 Đây bởi sáng Phật soi.
                 Lại thấy hàng Bồ tát
                 Sâu vào các Thiền định
                 Thân tâm lặng chẳng động
                 Để cầu đạo vô thượng.
                 Lại thấy các Bồ tát
                 Rõ tướng pháp tịch diệt
                 Đều ở tại nước mình
                 Nói pháp cầu Phật đạo.

GIẢNG:

Đây là nói các Bồ tát tu hành bố thí, nhẫn nhục. Còn các Bồ tát tu Thiền định cầu Phật đạo thì rõ được các pháp tướng tịch diệt. Thấy rõ ở ngay nước mình cũng nói pháp cầu Phật đạo, chớ khỏi phải đi đâu xa. Ý nói nơi mình có đủ, khỏi cần ở đâu khác.

CHÁNH VĂN:

                39- Bây giờ bốn bộ chúng
                     Thấy Phật Nhật Nguyệt Đăng
                     Hiện sức thần thông lớn
                     Tâm kia đều vui mừng
                     Mỗi người tự hỏi nhau
                     Việc này nhơn duyên gì?

GIẢNG:

Đây nói về bốn chúng khởi nghi, thấy rõ đó nhưng vẫn chưa nhận biết được, vậy có giống như mình không? Thấy đó, gặp nhau đó mà không biết nhau!

CHÁNH VĂN:

                40- Đấng của trời, người thờ
                     Vừa từ chánh định dậy
                     Khen Diệu Quang Bồ tát
                     Ông là mắt của đời
                     Mọi người đều tin về
                     Hay vưng giữ tạng pháp
                     Như pháp của ta nói
                     Chỉ ông chứng biết được.
                     Đức Phật đã ngợi khen
                     Cho Diệu Quang vui mừng
                     Liền nói kinh Pháp Hoa
                     Trải sáu mươi tiểu kiếp
                     Chẳng rời chỗ ngồi ấy
                     Ngài Diệu Quang pháp sư
                     Trọn đều hay thọ trì
                     Pháp thượng diệu của Phật.

GIẢNG:

Đây là Phật xuất định khen Bồ tát Diệu Quang, ngầm chỉ cho mọi người thầm cảm thông chỗ mà tình thức không thể xen vào biết được. Tức là chỗ tâm tương ưng, người ngoài khó suy nghĩ biết. Trong đây Phật khen Diệu Quang rồi nói:

                “Ông là mắt của đời
                Hay vâng giữ tạng pháp
                Như pháp của ta nói
                Chỉ ông chứng biết được”
   
Đó là thầm cảm thông với nhau, còn người ngoài dùng trí suy nghĩ thì không biết được. Phật khen ngợi cho Ngài Diệu Quang vui mừng rồi, nói kinh Pháp Hoa.

CHÁNH VĂN:

                41- Phật nói kinh Pháp Hoa
                     Cho chúng vui mừng rồi
                     Liền chính ngay trong đó
                     Bảo hàng chúng trời, người
                     Các pháp "nghĩa thật tướng"
                     Đã vì các ông nói
                     Nay ta giữa đêm này
                     Sẽ vào cõi Niết bàn
                     Phải một lòng tinh tấn
                     Rời các sự buông lung
                     Các Phật rất khó gặp
                     Ức kiếp được một lần.

GIẢNG:

Đây Phật tuyên bố, Ngài sắp nhập Niết bàn. Coi như về pháp sâu xa nghĩa thật tướng đó đã nói hết rồi, bây giờ Ngài nhập Niết bàn, trả lại phần còn lại cho các ông.

CHÁNH VĂN:

                    42- Các con của Phật thảy
                         Nghe Phật sắp nhập diệt
                         Thảy đều lòng buồn khổ
                         Phật sao gấp diệt vậy?
                         Đấng Thánh Chúa Pháp Vương
                         An ủi vô lượng chúng
                         Nếu lúc ta diệt độ
                         Các ông chớ lo sợ
                         Đức Tạng Bồ tát đây
                         Tâm đã được thông thấu
                         Nơi vô lậu thiệt tướng
                         Kế đây sẽ thành Phật
                         Tên hiệu là Tịnh Thân
                         Cũng độ vô lượng chúng


GIẢNG:

Đây đức Phật thọ ký cho Bồ tát Đức Tạng. Thấy chúng buồn khổ, Ngài bảo các ông không phải buồn khổ rồi Ngài an ủi thêm, nói các ông chớ có lo sợ, Bồ tát Đức Tạng kế tiếp đây sẽ thành Phật, sẽ độ vô lượng chúng sanh. Là nói lên, khi có tướng, có sanh, có diệt thì đó là giả tướng thôi. Còn thật tướng vẫn hằng hữu không có mất bao giờ, chớ có lo buồn. Thấy Phật nhập diệt đó là tướng giả, tướng sanh diệt, còn Phật thật có sanh diệt gì đâu mà lo buồn.

CHÁNH VĂN:

                43- Đêm đó Phật diệt độ
                     Như củi hết lửa tắt
                     Chia phân các xá lợi
                     Mà xây vô lượng tháp.
                     Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni
                     Số đông như hằng sa
                     Lại càng thêm tinh tấn
                     Để cầu đạo vô thượng.

   
GIẢNG: Đây nói Phật diệt độ, chúng đệ tử xây tháp cúng dường.

CHÁNH VĂN:

                44- Diệu Quang pháp sư ấy
                     Vâng giữ Phật pháp tạng
                     Trong tám mươi tiểu kiếp
                     Rộng nói kinh Pháp Hoa
                     Tám vị Vương tử đó
                     Được Diệu Quang dạy bảo
                     Vững bền đạo vô thượng
                     Sẽ thấy vô số Phật
                     Cúng dường các Phật xong
                     Thuận theo tu đại đạo
                     Nối nhau đặng thành Phật
                     Chuyển thứ thọ ký nhau
                     Đấng Phật rốt sau cả
                     Hiệu là Phật Nhiên Đăng
                     Đạo sư của thiên tiên
                     Độ thoát vô lượng chúng.


GIẢNG:

Đây nói Ngài Diệu Quang tiếp tục thọ trì kinh Pháp Hoa, tám vị Vương tử theo học với Ngài cuối cùng đều thành Phật, rốt sau cả là Phật Nhiên Đăng.

CHÁNH VĂN:

                    45 -Diệu Quang pháp sư đó
                        Có một người đệ tử
                        Tâm thường cưu biếng trễ
                        Tham ưa nơi danh lợi
                        Cầu danh lợi không nhàm
                        Thường đến nhà sang giàu
                        Rời bỏ việc tụng học
                        Bỏ quên không thông thuộc
                        Vì bởi nhơn duyên ấy
                        Cũng tu các nghiệp lành
                        Đặng thấy vô số Phật
                        Cúng dường các đức Phật
                        Thuận theo tu đại đạo
                        Đủ sáu Ba la mật
                        Nay gặp đấng Thích Ca
                        Sau đây sẽ thành Phật
                        Hiệu rằng Phật Di Lăïc
                        Rộng độ hàng chúng sanh
                        Số đông đến vô lượng.

GIẢNG:

Đây nói về Ngài Cầu Danh là vị đệ tử øNgài Diệu Quang. Ban đầu là cầu danh, do tham ưa danh lợi nhưng do cũng có trồng căn lành và gần gũi các đức Phật, nên chuyển tâm tu các công đức lành, cúng dường chư Phật rồi cũng thấy vô số Phật. Cuối cùng rồi cũng được thọ ký thành Phật.

CHÁNH VĂN:

                46 - Sau Phật kia diệt độ
                    Lười biếng đó là Ngài
                    Còn Diệu Quang pháp sư
                    Nay thời chính là ta.
                    Ta thấy Phật Đăng Minh
                    Điềm sáng trước như thế
                    Cho nên biết rằng nay
                    Phật muốn nói Pháp Hoa
                    Tướng nay như điềm xưa
                    Là phương tiện của Phật.
                    Nay Phật phóng ánh sáng
                    Giúp bày nghĩa thật tướng
                    Các người nay nên biết
                    Chắp tay một lòng chờ
                    Phật sẽ rưới nước pháp
                    Đầy đủ người cầu đạo
                    Các người cầu ba thừa
                    Nếu có chỗ nghi hối
                    Phật sẽ dứt trừ cho
                    Khiến hết không còn thừa.


GIẢNG:

Đây nói rõ Diệu Quang chính là Ngài Văn Thù hiện tại, còn Cầu Danh là Ngài Di Lặc. Vậy, xưa chính là nay chớ không gì khác, xưa nay không từng xa cách. Muốn nhắc, ngay niệm hiện tiền này, mình khéo soi lại, sống ngay đây liền rõ được chỗ sâu xa đó. Phật nói rõ:

                “Điềm sáng trước như thế
                Cho nên biết rằng nay
                Phật muốn nói Pháp Hoa”

Và đây là Ngài đã thổ lộ rõ ràng: “phóng ánh sáng đó, là giúp bày ngầm chỉ nghĩa thật tướng”. Khỏi cần phải nói nhiều, đó là Ngài thổ lộ cho mình thấy rõ ràng, thấy ánh sáng đó là phải thầm hội cái thật tướng, chớ không phải thấy ánh sáng đó rồi mê mờ chạy theo ánh sáng đó.

Vậy ngay một phẩm Tựa này, tuy Phật chưa nói lời nào nhưng đã ngầm hiển hiện, chỉ rõ cái diệu pháp trong đó rồi.

Bởi vì, Diệu Pháp, nó là chỗ ngôn ngữ không thể nói đến được, cho nên tạm dùng hình ảnh phóng quang, hình ảnh Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh, Bồ tát Văn Thù, Bồ tát Cầu Danh, Bồ tát Di Lặc, Bồ tát Diệu Quang, những hình ảnh đó thầm tỏ bày cho mình ngầm thấy được lý sâu xa mà ngôn ngữ không thể nói đến được. Nếu người khéo nhận ngay nơi tướng sáng đó, liền rõ cảnh giới Pháp Hoa hiện bày khắp các nơi. Cho nên trong nhà Thiền nói là núi xanh trước mắt, chim kêu bên tai đều hiển bày nghĩa thật tướng, nếu mình khéo thấy.

Có một Thiền sư đọc kinh Pháp Hoa tới câu:

                        “Chư pháp tùng bản lai
                        Thường tự tịch diệt tướng”

Các pháp xưa nay tướng nó vốn là tịch diệt, lặng lẽ, ông nghi: bây giờ có lặng lẽ gì đâu? Tướng này là cây cối trước mắt, gió động, người qua, người lại sanh diệt rõ ràng, tại sao nói các pháp xưa nay vốn là lặng lẽ? Ông nghi thời gian dài suốt bao nhiêu năm trời, một hôm tới mùa Xuân ông ngồi, nghe chim hoàng oanh hót trên cành, bỗng liền tỏ ngộ. Ông làm thêm hai câu kế đó là:

                        “Chư pháp tùng bản lai
                        Thường tự tịch diệt tướng
                        Xuân đáo bách hoa khai
                        Hoàng oanh đề liễu thượng”

Có nghĩa,”các pháp xưa nay nó vốn tự vắng lặng, nhưng Xuân đến trăm hoa nở, hoàng oanh hót trên cành”.

Tướng thường lặng lẽ chỉ cho thể, thể thì thường lặng lẽ, nhưng khi duyên đến nó hiện rõ nên gọi là chân không mà diệu hữu. Tướng lặng lẽ đây không phải là một bề im phăng phắc, mà khi duyên đến thì nó hiện rõ mọi nơi mọi chỗ, đâu đâu cũng hiện bày cái thể thật tướng đó. Cho nên ngay các tướng hiển bày trước mắt đây, liền rõ được thật tướng lặng lẽ đó, chớ không rời những cái này.

Vậy, nếu mình khéo nhận được tướng sáng đó thì rõ được cảnh giới Pháp Hoa hiện bày khắp nơi, chỗ nào nó cũng đều hiện bày. Mà muốn rõ cái diệu pháp này, trước phải thấu suốt kinh Vô Lượng Nghĩa, nên Phật nói kinh này trước. Kinh Vô Lượng Nghĩa đó là kinh gì? - Vô Lượng Nghĩa là nghĩa vô lượng không đếm hết, không tính hết, chỗ ngôn ngữ không thể nói đến.

TÓM TẮT:

Phẩm này, Phật ban đầu ở núi Linh Thứu, chúng Thanh văn hữu học, vô học, Bồ tát, trời, rồng, bát bộ, cả Vua A Xà Thế cũng đều có mặt ở trong pháp hội đó. Phật trước nói kinh Vô Lượng Nghĩa, saunhập chánh định Vô Lượng Nghĩa Xứ, từ đó trời mưa hoa, đất chấn động, rồi Phật từ ánh sáng giữa chặng lông mày mới phóng ra, soi khắp bao nhiêu cõi nước ở phương Đông, trong đó hiện hết cảnh giới phàm thánh đều có đủ . Sau đó, chúng hội khởi nghi hỏi Bồ tát Văn Thù. Bồ tát Văn Thù mới thuật lại những việc xưa kia mà Ngài đã từng thấy hai muôn đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh, Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh cuối cùng khi Phật chưa xuất gia có tám vị Vương tử, sau khi Phật xuất gia thành đạo thì tám vị Vương tử đó cũng xuất gia theo và đồng theo học với Bồ tát Diệu Quang. Phật lúc đó cũng như ngày nay nói kinh Vô Lượng Nghĩa, cũng nhập chánh định Vô Lượng Nghĩa Xứ, cũng phóng quang, sau đó cũng nói kinh Pháp Hoa giống như việc ngày nay, xưa nay nó không khác. Nói kinh Pháp Hoa rồi, tuyên bố nửa đêm nhập Niết bàn, thọ ký cho Bồ tát Đức Tạng. Sau đó Bồ tát Diệu Quang trì kinh Pháp Hoa trải tám mươi tiểu kiếp.

Ngài Diệu Quang có đệ tử tên là Cầu Danh, vì tham ưa danh lợi đó cho nên học rồi mà không thuộc kinh. Nhưng do có trồng các căn lành, gặp nhiều đức Phật, cuối cùng cũng được thọ ký thành Phật. Sau cùng Ngài Văn Thù mới nói rõ, Diệu Quang chính là ta, còn Câàu Danh chính là ông, thì không có ai khác hết. Xưa tức là nay đây. Như vậy thấy rõ điềm này cũng như điềm xưa nên biết chắc Phật sẽ nói Pháp Hoa.

Nếu chúng ta ngày nay thấy được ánh sáng đó ngay chính mình đây, thì biết rõ Pháp Hoa dễ dàng. Như vậy, mở đầu kinh Pháp Hoa xuất hiện trước là Ngài Văn Thù Sư Lợi khơi mào. Văn Thù đó là chỉ cho căn bản trí, muốn nhắc nhở mỗi người chúng ta cũng phải khéo mở sáng được căn bản trí nơi mình, tin nhận căn bản trí nơi mình đó, lấy đó làm cái nhân để tiến tu thì quả chân thật sẽ đến.

[ Quay lại ]